Bước tới nội dung

Vương Dương Minh/Phần nhất/VI

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Vương Dương Minh của Phan Văn Hùm
VI. — Được đạo

VI. — ĐƯỢC ĐẠO

Cùng với thổ dân, tiên sinh vào rừng hái củi, đốt rẩy gieo mùa, không từ khó nhọc, biết rằng âm cực dương hồi chẳng xa (陰 極 陽 囘 知 不 遠 âm cực dương hồi tri bất viễn 採 薪 勿 辭 辛. Thái tân vật từ tân). Tiên-sinh có than chăng, không phải than nỗi thiếu sơn hào hải vị. Chỉ vì:

Cữu khách tiệm liên y hữu kết
Man cư trường thán thực vô diêm.
欠客漸憐衣有結
蠻居長歎食無鹽
Chầy ngày thêm xót cho đồ rách,
Ở rợ ngùi than chẳng muối ăn.

Nhưng, than thì có than vậy, mà vẩn nhắn về Trung thổ:

Giao du nhược vấn cư Di sự,
Vị thuyết sơn tuyền phả tự kham.
交遊若問居夷事
爲說山泉頗自堪
Bạn bè nếu hỏi tin trong rợ,
Giùm đáp sơn tuyền rất tự kham.

Bao những nỗi được thua, vinh nhục, tiên sinh đều hoàn toàn siêu thoát. Duy một điều sinh tử hãy còn vơ-vẩn trong lòng. Bởi thế, để định chí, vừa đến nơi, tiên sinh đã làm ngay một cái hòm bằng đá, mà tự thệ rằng: « Ta chỉ chờ mạng trời mà thôi! » Tình cảnh ở đất trích đầy chướng lệ cổ độc nầy thật dễ xui người có những tư tưởng đen ngòm. Muốn biết tâm tình của tiên sinh buổi ấy ra sao, nên đọc trọn bài văn chôn kẻ chết đường[1]:

« Năm Chánh Đức thứ tư, tiết thu, ngày mồng ba, có người lại-mục rằng từ Bắc kinh đến. Chẳng biết tên họ là gì. Người đề huề một đứa con, một thằng tớ, để đi về nơi nhậm sở. Ngang qua Long Trường, vào trọ một nhà thổ Miêu. Ta trông thấy cách ráo. Trời chiều hôm lại mưa dầm tối mịt. Ta muốn qua thăm hỏi sự tình đất bắc. Chẳng kham đi. Sáng sớm sai người lại xem, thời khách đã vắng rồi. Gần trưa có người tự Ngô Công Pha đi lại, rằng: « Có một ông già chết dưới dốc núi, bên cạnh có hai người ngồi khóc thảm thương ». Ta bảo: « Ấy tất là người lại mục chết vậy! Thương thay! » Gần tối, thêm có người lại nói: « Dưới dốc núi có hai người chết, một người bênh cạnh ngồi than ». Hỏi kỹ hình trạng, thời ra người con cũng chết! Hôm sau có người đến nói; « Dưới dốc núi thấy có ba cái thây gối vào nhau » Thời hẵn đứa tớ lại chết! Ô hô. Thương thay!

« Nghĩ thây vô chủ lõa-lồ ta giục hai đứa gia-đồng ky cuốc đi chôn. Chúng ra vẻ bần dùng. Ta bảo:

« Châu ơi! tình cảnh thầy trò ta khác gì tình cảnh thầy trò ba người ấy! » Hai đứa gia đồng mũi lòng sa nước mắt xin đi. Tới nơi, đào ba cái huyệt ở chân núi, chôn ba người. Rồi bày một con gà ba bát cơm, than vãn, rơi lụy, mà cáo rằng:

« Ô hô! Thương thay! Ông người đâu tá? Ông người đâu tá?

« Tôi đây Vương Thủ-Nhân. quán ở Dư Diêu, làm Dịch-thừa trạm Long Trường! Ông cùng tôi đều sinh sản đất Trung Hoa Quê quán ông đâu tôi chẳng biết. Nguồn cơn sao ông đến để làm quỉ ở non nầy? Ngàn xưa vẩn nào ai cam nỗi ly hương, làm quan cũng không muốn ra ngoài ngàn dặm. Tôi vì thoán trục mà lại đây thời đành. Ông cũng tội tình chi sao? Nghe quan chức ông là lại mục, bổng năm đấu chưa đầy. Số gạo ấy ông dóng dả vợ con cày cấy cũng có được rồi. « Nguồn cơn sao với năm đấu ông đánh đổi thân bảy thước của ông đi? Lại chưa vừa, còn bù thêm con ông, tớ ông nữa Ô hô! Thương thay!

« Thật quả ham năm đấu, ắt là ông hớn hở lên đường. Nguồn cơn sao hôm diếp trong nét dượi buồn? Hẳn có điều gì lo lắng. Xông pha mù móc, vin đá bíu cây trèo qua muôn đỉnh núi, đói khát mệt nhọc, cân cốt rả rời, lại thêm chướng lệ ngoài công, ưu uất trong phá, tài nào khỏi chết được vay? Tôi chắc chắn ông tất chết, nhưng chẳng ngờ chóng đến như vầy. Càng chẳng ngờ con ông, tớ ông. cũng thình-lình theo vội! Cớ sự nơi ông cả, nói sao giờ! Nghĩ ba nắm xương tàn ai gói-ghém, tôi lại đây vùi lấp cho ông mà khiến tôi xót xa vô hạn. Ô hô! Đau thay.

« Phỏng như tôi không vùi lấp cho ông, thời cáo bầy nơi sườn núi vắng, rắn cuộn dưới rãnh ngòi sâu, tất cũng đem chôn ông vào trong bụng, không để lâu bộc lộ giữa trời. Ông thời không còn biết hay chi nữa; nhưng mà, nhân tình tôi nỡ lòng nào!

« Từ tôi lìa cha mẹ quê hương mà lại đây, năm đã đầy hai. Thân cũng trải chướng độc song vẫn sống còn, là nhờ tôi chưa từng có ngày nào băn khoăn áy náy. Nay tôi buồn thảm như vầy, thật là nặng lòng vì ông, chớ tự thân, tôi vẫn xem khinh. Tôi đã không vì tôi mà buồn thảm, thời cũng chẳng nên vì ông mà buồn thảm vậy. Tôi xin vì ông hát lên một điệu, ông hãy nghe cho!

Hát rằng:

Đường núi muôn trùng, chim bay khôn thông.
Khách xa nhớ nước, mù mịt tây đông.
Tây đông mù mịt, trời một trời chung
Phương xa đất lạ, trời rộng nước trong.
Tùy thời, tùy ngộ, xử đạt, xử cùng.
Hồn hề! Hồn hề! Thương ích gì không[2]

Lại hát để yên ủi rằng:

Như ông hề tôi cùng ly hương.
Ngôn ngữ mọi man hề không tường
Tánh mạng nhân hề khó thế lường.

Tôi thác hề nhờ ông đưa đường,
Cùng ông tiêu sầu hề bốn phương.
Rồng vằn cọp tía hề cỡi nương,
Trù trướng trông vời hề cố hương.
Tôi dầu sống hề về cố hương,
Ông còn con, tớ hề một phường.
Đừng lo vắng bạn hề bi thương.
Ngổn ngang gò đống hề ven đường,
Trung-thổ nhiều hề lưu-ly sang,
Cùng ông hề rủ-rỉ bàng hoàng,
Đói chăng hề ăn gió uống sương.
Hươu sớm vượn chiều hề luông tuồng
Yên đi hề mựa khổ mồ hoang.

Vương Dương Minh sống nơi đất trích thấy cái chết dễ dàng ở trước mắt bên mình Tuy buổi đầu có ngao ngán, mà hòm đá đã làm rồi, mạng trời quyết ung dung đợi. Ngày ngày cư xử đoan trang, trừng tâm cầu tịnh-nhất. Lâu rồi trong lòng thấy tiêu sái. Duy ba người tùy tùng nhiễm phải lam chướng bịnh lết-bết cả. Tiên sinh phải đi kiếm củi, xách nước, nấu ăn, nuôi họ. Lại còn sợ họ buồn rầu, ca hát giễu cợt cho họ được khuây khỏa. Tiên sinh nhân nghĩ xem những bậc thánh nhân xử cảnh khốn cùng nầy còn có đạo gì nữa, hay chỉ do trong tâm mà cầu lẽ chánh đáng mà thôi. Hốt nhiên một hôm nửa đêm đại ngộ cái yếu chỉ của « cách vật trí tri », tiên sinh vùng dậy nhảy la, chẳng khác gì Archimède đương lội tắm bỗng chạy lên đường gào thét: Tôi tìm được! Tôi tìm được! (Eurêka! Eurêka!) Kẻ tùy tùng của tiên sinh một phen kinh hoảng.

Tiên sinh bảo: « Đạo lý của thánh nhân, ta tìm thấy rồi. Nó ở trong tâm mà thôi. Bấy lâu ta chạy theo sự vật tìm đạo lý là sai mất! » Tiên sinh bèn đem những lời trong Ngũ Kinh, mà tiên sinh đã thuộc lòng, đối chứng với bổn tâm, thì nhất nhất đều phù hạp cả. Nhân viết ra bộ sách Ngũ Kinh Ức Thuyết 五 經 憶 說.

Có một lần quan Thú Tư-Châu, cậy quyền cậy thế, sai người đến Long Trường làm nhục tiên sinh. Những người mọi rợ bất bình. Họ làm nhục lại bọn sai nhân. Quan Thú giận lắm, mới đem việc thưa cùng nhà đương đạo là quan Hiến Phó họ Mao. Ông nầy bèn sai người đến bảo tiên sinh phải xét đường họa phúc lợi hai, mà nên thỉnh tạ với quan Thú Tiên sinh viết thơ đáp họ Mao, có những lời:

« Cái lễ quì lạy thượng quan, cũng là thường phận của tiểu-quan, chẳng đã gì lấy làm nhục. Nhưng cũng chẳng nên vô cố mà hành lễ ấy. Chẳng nên làm mà làm, còn, nên làm mà chẳng làm, hai sự ấy cũng cùng một lẽ nên lấy làm nhục như nhau. Kẻ tiểu thần bị phế trục nầy chỉ giữ lấy trung, tín, lễ, nghĩa, để mà đợi chết thôi...! Người quân tử lấy trung tín làm lợi, lấy lễ nghĩa làm phúc. Nếu trung, tín, lễ, nghĩa mà không còn, thời tuy lộc có muôn chung, tước đến vương hầu, cái quí ấy người quân tử cũng vẫn cho là họa với hại. Bằng như trung, tín, lễ, nghĩa còn ở đó, thời tuy có bị mổ tim, đập đầu, người quân tử cũng coi là lợi, mà làm, tự cho là phúc vậy...

Mỗ ở chốn nầy chen chúc với khí chướng lệ, với trùng cổ-độc, lẫn lộn với quỉ lị-mị, võng-lượng, ngày ba lần có thể chết. Song vẩn thái nhiên chưa từng vì đó mà nao lòng. Thật là biết đường sống chết vẩn có mạng trời, chẳng vì chút hoạn một buổi mà quên cái bão-phụ chung thân. Đại-phủ nếu muốn làm hại mỗ, mà tại mỗ thật có đều đáng chịu, ắt là chẳng thể nói mỗ vô-hám; phỏng khiến mỗ không có đều gì đáng chịu hại, lại mắc vào hoành-họa, thời mỗ cũng coi như khí chướng-lệ đó mà thôi, như trùng cổ-độc đó mà thôi, như quĩ lị mị võng-lượng đó mà thôi... »

Bức thơ ấy làm cho quan Thú phải thẹn thuồng, mà kính phục. Còn quan Hiến-Phó thời về sau thân thiết với tiên sinh.

Quan Tuyên-Úy đất Thủy Tây 水 西 nghe danh tiên sinh mà hâm mộ, sai người đem cho gạo thịt, lại cấp người để tiên sinh sai khiến, còn hậu tặng vàng, bạc, lụa, là, ngựa, yên, nhiều thứ. Tiên sinh đều tạ từ không nhận.

Ở đất trích được hai năm, tiên sinh tìm ra thuyết « tri hành hiệp nhất 知 行 合 一 ». Bấy giờ là năm kỷ tỵ (1509). Quan Đề đốc Học chánh phủ Quí Dương 貴 陽 là Tịch Thơ 席 書 năm ấy đến luận biện về chỗ dị đồng trong học thuyết của Châu Hy và của Lục Cữu Uyên Tiên sinh không nói đến học thuyết của hai họ Châu, Lục, mà lại đem cái sở ngộ của mình ra bàn. Họ Tịch hoài nghi, bỏ về. Hôm sau lại đến Tiên sinh đem tri-hành bổn thể ra đối chứng với những lời trong Ngũ Kinh, Chư Tử. Họ Tịch nghe, hơi tỉnh ra. Sau đến nghe ba bốn lần nữa, mà đại ngộ, nói rằng: thánh học sống lại ngày nay. Bèn cùng quan Hiến-Phó họ Mao sửa sang thơ-viện, đem lễ sính tiên sinh về chủ-trương Rồi dóng-dả học-trò đất Quí-Dương hãy lấy lễ thờ thầy mà thờ tiên sinh. Tiếng tăm của tiên sinh từ đây to dần, mà cuộc đi đày cũng sắp mãn.

  1. Xin miễn đăng nguyên văn chữ tàu, vì dài quá.
  2. Bài hát nầy chép bản dịch của Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục, đăng trong tạp chí Nam Phong số 169 Hanoi, Septembre 1926.