Bước tới nội dung

Vương Dương Minh/Phần nhất/VII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Vương Dương Minh của Phan Văn Hùm
VII. — Lập huân công

VII. — LẬP HUÂN CÔNG

Năm canh ngọ (1510) tiên sinh được thăng chức Tri-huyện, bổ đi huyện Lư Lăng 盧 陵, tỉnh Giang Tây. Tháng ba tiên sinh đến nơi Chánh sách của tiên sinh không chuộng uy hình. Trung thành với học thuyết của mình, tiên sinh lấy sự khai-đạo nhân-tâm làm gốc. Vừa phó-nhậm tiên sinh đã sai điều tra khắp các hương thôn cho biết rõ những kẻ bần phú lương gian. Lại theo chế-độ buổi đầu nhà Minh, tiên sinh dạy trong mỗi lý ấp tuyển cử ba người lão-thành có đức vọng, để ngồi ở Thân-minh-đình[1], lấy những điều hiếu đễ, trung tín liêm sỉ, lễ nhượng, mà ủy khúc khuyến dụ dân chúng. Có kẻ đến kiện cáo, nghe lời khuyến dụ như thế cảm-động sa nước mắt mà trở về. Nhờ đó mà các linh-ngữ ngày một bớt số tù nhân. Ở huyện trong bảy tháng, tiên sinh ra lời cáo thị đến mười-sáu lần. Đại để là những lời khuyến phụ lão hãy răn con em, chớ cho phóng đảng buông lung mất nền nếp chánh.

Tháng mười-một năm ấy tiên sinh nhập cận[2].

Về Bắc Kinh tiên sinh trọ ở chùa Đại Hưng Long 大 興 隆. Khi ấy có Hoàng Oan 黄 綰 tự Tông Hiền 宗 賢, đương làm chức Hậu-quân Đô-đốc-phủ Đô sự 後 軍 都 督 府 都 事, là người vốn có chí cầu học thánh hiền, từng đọc khắp các đại nho nhà Tống, nghe đồn tiên sinh đã tìm được đạo chánh, rất hâm mộ, nên liền đến ra mắt. Gặp tiên sinh cùng ngồi với Trạm Cam Tuyền, là bạn tri kỷ của tiên sinh. Ba người luận học thích hiệp nhau. Hôm sau tái hội, cùng thề « chung thân cọng học ». Từ ấy, hễ rảnh việc quan là cùng nhau hội giảng, ngày ngày ăn uống, ngồi nằm chẳng rời nhau.

Tháng chạp tiên sinh thăng chức Nam Kinh Hình-bộ Tứ-Xuyên Thanh lại-ty Chủ-sự 南 京 刑 部 四 川 清 吏 司 主 事. Cam Tuyền và Tông Hiền hai bạn không muốn xa rời tiên sinh, vận động xin quan Trủng Tể Dương Nhất Thanh 楊 一 清 để cho tiên sinh ở lại Bắc Kinh. Quan Trung Tể mới cải chức cho tiên sinh làm Lại bộ Nghiệm phong Chủ-sự 吏 部 驗 封 主事 — Không bao lâu sau đó tiên sinh thăng chức Văn-tuyển Thanh lại-ty, Viên-ngoại lang 文 選 清 吏 司 員 外, 郎. Ba bạn hiền được gần gũi nhau dùi mài đạo học ngót hai năm trời. Rồi Cam Tuyền phụng sứ sang nước An Nam. Nghĩ nỗi đạo học của thánh nhân khó tỏ mà dễ làm, tập tục càng xuống xa càng không thể vãn hồi, lại người đời ly nhiều mà hiệp ít, tiên sinh tiếc không có Cam Tuyền để cùng khuyến khích nhau trên con đường tác thánh.

Cam Tuyền đi rồi, tiên sinh cùng Tông Hiền còn tu hiệp nhau được một năm nữa. Mùa đông năm nhâm thân (1512) Hoàng Tông Hiền cáo bịnh từ quan. Tiên sinh dặn dò, đi về hãy cất nhà trong vùng Thiên Thai 天 台, Nhạn Đãng 雁 蕩 (tỉnh Chiết Giang) để sẽ cùng nhau ở chung đến trọn đời. Một bên khác, Cam Tuyền cũng có ý muốn mua đất cất nhà để ở chung nhau trong vùng Tiêu Sơn 蕭 山 Tương Hồ 湘 湖 (cũng tỉnh Chiết Giang).

Dương Minh tiên sinh thời, mới hồi tháng ba năm thâm thân ấy (1512) thăng chức Khảo-công Thanh-lại ty Lang-trung 考 功 清 吏 司 郎 中 mà tháng chạp đã lên chức Nam Kinh Thái-bộc-tự Thiếu-khanh 南 京 太 㒒 寺 少 卿. Như thế là cuộc đoàn tụ của ba bạn hiền từ đây phải dời trọng tâm, rồi lần về sau ly tâm hẳn, bởi vì trụ cốt của nó là Vương Dương Minh sẽ không rời được khỏi cửa viên.

Nam Kinh không mấy xa quê nhà của tiên sinh — tiện đường tiên sinh về thăm đất Việt. Chuyến đi nầy lại gặp Từ Ái em rể tiên sinh, thăng chức Nam Kinh Công bộ Viên-ngoại-lang, cùng ngồi một thuyền. Trong thuyền lữ hành nhàn rỗi, hai anh em luận tông chỉ của sách Đại Học. Từ Ái nghe tiên sinh luận, thống khoái mà nhảy la, nửa tỉnh nửa cuồng, mấy ngày như vậy.

Tháng hai năm sau, quí dậu (1513), tiên sinh về đến nhà, thời cùng Từ Ái dạo chơi vùng Thiên Thai, Nhạn Đãng: Rồi đó bà con, bằng hữu, xúm vây giữ mãi tiên sinh lại, chẳng bước chân đi đâu được. Đến cuối tháng năm cùng Từ Ái và mấy người nữa đợi mãi Hoàng Tông Hiền không thấy đến, mới đi dạo chơi vùng núi Tứ Minh xem các kỳ quan đề vịnh thật nhiều. Tiên sinh còn muốn đi chơi xa hơn nữa, nhưng gặp thuở trời hạn lâu, đất khô, cây héo cảnh thảm quá, không còn hứng thú gì nhạo-thủy du sơn. Tiên sinh bèn từ Ninh Ba trở về Dư Diêu. Qua tiết đông tháng mười, tiên sinh sang đốc Mã-Chánh[3] 馬 政 ở Trừ Châu 滁 州 (tỉnh An Huy). Rảnh việc quan, thời cùng môn nhân ngao du trong vùng Lang Da 瑯 琊[4] Nãng Tuyền 灢 泉. Đêm trăng, cùng những mấy trăm người ngồi vây Long Đàm ca hát rền trời. Trong những lúc tùng du như vậy, môn nhân được tiên sinh tùy cảnh tùy tình, lấy gương trước mắt dụ dẫn mà điểm hóa cho. Phép giáo hóa của tiên sinh mường tượng lối tuần du điểm hóa (péripatétisme) của Aristote.

Từ đây tứ phương đến cầu xin làm môn nhân ngày một nhiều. Tháng tư năm sau, giáp tuất (1514) tiên sinh thăng chức Nam-Kinh Hồng Lô Tự-khanh 南 京 鴻 臚 寺 卿 phải lìa đất Trừ Dương, Các bạn tiễn chân tiên sinh đến Ô-Y bịn rịn không dứt tình được, mới lưu lại ở Giang phổ, chờ cho tiên sinh qua sông khuất, rồi sẽ về. Tiên sinh thấy tình tríu-mến như vậy, phải làm một bài thi giục họ hãy về đi. Trong có câu:

Không tương tư diệc hà ích?
Dục ủy tương tư tình,
Bất như sùng lịnh đức.

空相思亦何益
欲慰相思情
不如崇

Nhớ suông nào ích gì đâu?
Chi bằng trau đức cho nhau yên lòng

Về Nam Kinh tiên sinh tiếp tục công việc truyền thọ đã làm ở Trừ Dương Môn sinh tấp nập giồn đến. Có người cho tiên sinh rõ học trò Trừ Dương lắm kẻ đã bội sư giáo. Tiên sinh than rằng: « Ta trước kia muốn đưa học trò ra khỏi chỗ thấp hèn, dẫn lên đường cao minh. đặng cứu thời tệ. Nay thấy học giả lần lần đi vào cõi không hư, tìm lý luận tân kỳ thoát lạc, ta đã ăn năn rồi ». Bởi nghĩ thế, nên ở Nam Đô luận học, tiên sinh chỉ chuyên dạy học giả giữ gìn thiên-lý, xua đuổi nhân-dục, cố dẫn đến chỗ biết xét mình cùng biết khắc trị mình. Cái đạo học về thân tâm đó, trọn đời tiên sinh không để lơi mối nữa. Trong bọn học trò còn có người thích nói chuyện đạo tiên đạo Phật. Tiên sinh thường cảnh cáo họ mà rằng: « Thuở nhỏ ta cầu thánh học không được, bèn dốc chí học tiên học Phật. Về sau ở đất mọi rợ ba năm, mới thấy được mối manh của đạo thánh thời lấy làm uổng tiếc cho hai mươi năm dụng công lầm lạc. Chỗ huyền diệu của hai đạo Tiên Phật so với đạo thánh, chỉ cách nhau hào ly mà thôi, cho nên không dể gì biện biệt. Duy kẻ nào dốc chí học đạo thánh, mới có thể phân-tích cùng-cứu được cái ẩn vi của nó, và sẽ biết rằng đạo thánh không phải ức đoán suy lường mà được ».

Năm ất hợi (1515) bà nội tiên sinh là Sầm Thái-phu-nhân đã già chín-mươi-sáu tuổi, suy nhược lắm rồi, không chắc ngày nào vĩnh biệt, thường nhắc nhở tiên sinh, muốn trông thấy mặt. Phần tiên sinh thời tuổi mới bốn-mươi-tư, mà vì chịu lắm phong trần, trải nhiều chướng vụ cổ độc, thân thể hao mòn, bịnh tật giao công, ngày một thêm trầm trọng. Lòng sầu quê nhân thế mà thiết tha. Tiên sinh bèn dâng sớ xin hưu trí. Song le nhà vua cố lưu lại vị quan có tài đức, không đành cho sớm về với non nước Huống chi lúc bấy giờ việc trị an đã thấy có mòi khó khăn, nhà nước càng cần dùng nhân tài. Tháng tám năm ấy tiên sinh lại dâng sớ xin về dưỡng bịnh. Cũng không được nhà vua chuẩn phê. Từ đây rồi tiên sinh thường cáo từ vì tật bịnh, mà việc lớn lao trong nước bắt buộc vị văn thần yếu đuối phải đeo cung kiếm đột xung cho đến chết mới buông tha.

  1. — Đời nhà Minh, triều Hồng Vũ, đặt ra thân-minh-đình trong mỗi lý ấp Phàm nhân dân có điều thiện ác đều nêu tánh danh sự tích ra trên một cái bảng treo ở đình Những việc hộ, hôn, điền, thổ, đấu ẩu vân vân, là việc tiểu sự thì nơi đình có lý lão phân giải chỉ bảo khuyên răn
  2. — Nhập cận là yết kiến vua.
  3. — Mả chính là phép tắc nuôi ngựa tập cỡi để dùng về việc binh.
  4. — Lang Da này khác với Lang Da tỉnh Sơn Đông đã nói ở trước.