Bước tới nội dung

Vương Dương Minh/Phụ lục-3

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Vương Dương Minh của Phan Văn Hùm
3. Quân tử đình ký của Vương Dương Minh, do Nguyễn Đôn Phục dịch

3. Quân-tử-đình ký
君 子 亭 記

Dương-Minh-tử đã làm ra cái Hà lậu hiên, lại nhân khoảng đất ở đằng trước hiên, dựng cột làm đình, xung quanh đình trồng thuần những giống trúc, mà đặt tên gọi là Quân-tử-đình.

Trúc có cái đạo quân-tử bốn điều = Ở trong không-hư mà tĩnh, thông-đạt mà có tầng ngăn, ấy là có cái đức người quân tử. Ở ngoài có từng đốt mà thẳng suốt bốn mùa mà cành lá không thay đổi, ấy là có cái hạnh người quân tử. Ứng mùa xuân mùa hạ mà xuất hiện, gặp mùa thu đông mà ẩn tàng; lúc mưa, lúc tuyết, lúc tối, lúc sáng, không lúc nào là không có cái phong-cảnh nghi-nhân, ấy là có cái nghĩa thời-trung của quân tử. Gió mát thỉnh thoảng thổi đến, tiếng ngọc rào rào tựa như âm-nhạc, khi ấy, khi cúi khi ngữa, như người lễ nhượng vái chào, như các vị hiền-triết ở sông Thù sông Tứ cùng nhau tập họp; khi gió định hơi tĩnh, lại nghiễm-nhiên đặc-lập, ra hình bất-khuất, như các vị thánh thần ở đời Đường đời Ngu, đội mũ cầm hốt, liệt tọa ở chốn miếu-đường ấy là có cái dung mạo người quân tử.

Trúc có bốn điều ấy, mà thành danh hiệu là quân-tử, cái danh hiệu của trúc thực chẳng hổ gì

Cái đình của ta có trúc, ta nhân lấy danh-hiệu của trúc đặt danh-hiệu cái đình của ta, cái danh hiệu đình của ta cũng chẳng hổ gì.

Môn-nhân nói rằng chừng là tiên-sinh tự tả cái đạo-đức của mình vậy. Chúng ta thấy tiên-sinh ở cái đình nầy, chủ-trì cái đạo cung-kính, hàm-dưỡng cái đạo tĩnh-hư, chẳng phải là cái đức người quân tử đấy dư. Gặp cảnh truân-chiên mà chẳng sợ, xử cảnh khốn-nạn mà vẫn vui, chẳng phải là cái hạnh người quân tử đấy dư. Trước kia cái đạo tiên-sinh thực-hành ở chốn triều-đình, nay thì cái đạo tiên-sinh thực hành ở chốn di địch, thuận cái lẽ ứng vật mà hợp thời, giữ cái đạo trung chính mà bất câu, chẳng phải cái nghĩa thời-trung của quân-tử đấy dư. Giao-tiếp thì kính-cẩn, cư-xử thì ung-dung, ý thì thỏa-thích, khí thì ôn-hòa, chẳng phải là cái dung mạo người quân-tử đấy dư, chừng là tiên sinh khiêm-nhượng, không nhận cái danh-hiệu quân tử, mà mượn cây trúc để gọi ra danh hiệu đấy dư? Tiên sinh đã từng đặt tên cái hiên là Hà-lâu để tự-cư, thì cái đình nầy há không phải là để tự-tả đấy dư?

Dương Minh tử nói rằng: Ôi! môn-nhân nói thế là quá đáng vậy Bốn điều của quân-tử đó trong mình ta đã có một điều gì đâu. Ta chỉ xin học làm quân-tử đó thôi. Cái danh hiệu đình của ta chỉ là cái danh hiệu trúc vậy. Song ngày xưa ông Khổng-tử chẳng đã từng có nói đấy ư? Nói rằng: mầy nên làm hạng nho quân-tử, chớ làm hạng nho tiểu-nhân. Người ta phải nhận lấy cái danh hiệu quân tử, mà học làm quân tử mới được. Nếu tị hiềm cái danh hiệu quân tử mà không dám học làm quân tử, thì mấy nỗi mà chẳng thành ra hạng người tiểu nhân. Như thế thì sao nên? Môn-nhân ghi lấy.

(Bản dịch của Tùng Vân
Nguyễn Đôn Phục. Nam
Phong
số 109. Hà Nội
septembre 1926. Có sửa
đổi một vài dấu chấm câu.)
 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộngHoa Kỳ vì nó được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929.


Tác giả mất năm 1954, do đó tác phẩm này cũng thuộc phạm vi công cộng tại các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyềncuộc đời tác giả và 60 năm sau khi tác giả mất hoặc ngắn hơn. Tác phẩm này có thể cũng thuộc phạm vi công cộng ở các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyền dài hơn nhưng áp dụng luật thời hạn ngắn hơn đối với các tác phẩm nước ngoài.