Bước tới nội dung

Vương Dương Minh/Phụ lục-4

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Vương Dương Minh của Phan Văn Hùm
4. Bài ký tả về cái chí khí Tòng Ngô đạo nhân của Vương Dương Minh, do Nguyễn Đôn Phục dịch

4. Bài ký tả về cái chí-khí
Tòng-Ngô đạo-nhân

Đất Hải Ninh có một người là Đổng La Thạch, tuổi đã sáu mươi tám, nổi tiếng là thơ hay ở chỗ giang hồ, cùng với bạn làm thơ ở miền đó đến vài mươi lũ, kết với nhau làm thi xã, sớm chiều cầm bút ôm giấy ngâm vịnh, cùng nhau dùi mài lấy cái khéo từng chữ từng câu, đến nỗi quên cả ăn ngủ, bỏ cả sinh nghiệp, kẻ thời tục ai nấy đều chê cười, nhưng chẳng đoái chi cả, cho nghề thơ là một nghề cực lạc trong thiên hạ.

Hiệu Gia Tĩnh năm giáp thân mùa xuân, La Thạch lại chơi đất Cối Kê, nghe Dương Minh tử đương cùng với học trò giảng học trong núi, lấy một cái gậy gánh một cái bầu rượu, một cái nón, và một quyển thơ vào chào, Khi vào cửa, thì chỉ đứng chấp tay, rồi ghé lên chỗ cao ngồi ngất ngưởng. Dương Minh tử coi dung mạo khí tượng lấy làm lạ, vả lại tuổi đã già, đứng lên làm lễ tiếp đãi kính trọng. Lại hỏi ra biết là Đổng La Thạch là một kẻ thi hào, cùng với La Thạch nói chuyện suốt ngày suốt đêm. La Thạch khi ấy lời lẽ càng nói càng khiêm, lễ độ một bước một nhún, bất giác dời sang chiếu khác mà ngồi. Khi lùi trở ra, có bảo với một người học trò Dương Minh tử là Hà sinh rằng tôi thấy những kẻ nhà nho ở đời, chỉ chi ly phiền toái, tu sức ở bề ngoài, làm ra hình trạng người gỗ; còn hạng kém nữa thì tham lam vô sĩ, đua chen ở trong trường phú quí lợi dục, tôi vẫn không thèm chơi với những bọn ấy. Tôi vẫn cho là đời há thực có cái học gì là cái học thánh hiền đó dư, chẳng qua mượn đường học vấn, để cầu tới cái mục đích dối đời, hay hoặc cái mục đích kiếm ăn đó mà thôi. Cho nên tôi chỉ chơi về nghề thơ, mà tôi phóng khoáng ở nơi sơn thủy. Nay tôi được nghe cái thuyết tri hành hợp nhất của tiên sinh, hốt nhiên như giấc ngủ say mà được thức dậy. Sau nầy tôi sẽ biết rằng ngày trước tôi ngày ngày đêm đêm khổ tâm lao lực về nghề thơ đó, so với những phường chìm đắm lợi lộc ở đời, có khác nhau, chỉ khác nhau về bên thanh bên trọc đấy thôi, kỳ thực cũng không khác nhau gì mấy. May sau tôi được qua cửa tiên sinh, nếu tôi không được qua cửa tiên sinh thì tôi cơ dễ hư phí mất cái đời của tôi vậy. Tôi cũng toan chung thân thờ tiên sinh làm thầy đây, chẳng biết tôi đã già rồi, có được như nguyện hay không.

Hà sinh đứng dậy mừng khen mà nói rằng tuổi đạo-nhân đã già rồi, chí đạo-nhân sao mạnh mấy! Rồi vào thỉnh với Dương-Minh-tử. Dương-Minh-tử ngùi vậy mà than rằng có thế dư! ta chửa thấy ông lão nào thế vậy. Tuy vậy, ông ấy nhiều tuổi hơn ta, ta xin đãi là lễ bằng-hữu, bằng-hữu với sư đệ, nghĩa cũng như nhau; nếu biết tin lời ta, hà-tất phân-biệt ra lễ thầy trò. La-Thạch nghe Dương-Minh-tử nói thế, than rằng tiên sinh chừng cho cái lòng thành của ta còn chửa đến nơi đấy dư. Từ ta về nhà, cách hai tháng, cầm một tấm lụa đến, bảo Hà-sinh rằng: « Tấm lụa nầy là của nhà tôi tự chế ra, cái lòng thành của tôi kết dệt lại cũng như tấm lụa nầy, chẳng biết tiên sinh có thật hứa cho tôi là kẻ môn-nhân đấy không ». Hà sinh lại vào thỉnh. Dương-Minh tử nói rằng có thế dư! ta chửa thấy ông lão nào thế vậy. Những kẻ thiếu-niên đời này mới hơi biết cầm bút làm văn, ký-tụng học-thuyết của tiền-triết được đôi ba câu, đã tự lấy mình làm giỏi chẳng biết cái sự thờ thầy học-vấn là sự gì; hoặc thấy người nào biết đạo thờ thầy học-vấn, thì lại chỉ-trích chê cười, như là trông thấy cái quái-vật. Đổng-ông là một kẻ thi hào đã có thể làm thầy được cho bậc hậu-tiến, kẻ theo ông chơi về nghề thơ đã khắp ở nơi giang-hồ, ông đã nghiễm nhiên là một bậc tiền-bối trong thi xã. Nhất đoán nghe lời ta, mà chịu khuất lễ thờ thầy, cầu tiến về đường học vấn. Há những đời nay chửa thấy người nào như thế, mà xem trong truyện ký đời xưa cũng chưa từng thấy nhiều người như thế vậy. Ôi! sự học của người quân tử, cốt là cầu lấy biến hóa cái khí chất đi, khí chất mà khó biến, là vì cái khách khí nó làm hại, không thể hư tâm mà khuất hạ với kẻ hơn mình được, rồi đến mình lại dối mình, dối lại giấu dối, chung qui làm một hạng người hung ngạo bỉ tiện. Nếu biết chủ về điều thiện mà theo, điều thiện đó là thầy thì khách khí tiêu tán, thiên lý lưu hành, phi bậc thiên hạ chi đại dũng, không đủ nói sự ấy. Như La Thạch chính là thầy ta vậy, ta há đủ làm thầy La Thạch đó dư.

La Thạch cố vào xin làm kẻ môn nhân. Dương Minh tử cũng cố từ nhưng không được, mới hứa rằng đãi về lễ sư hữu chi gian. Dương Minh tử cùng với La Thạch ngao du mọi nơi, vào hang Vũ Huyệt, trèo ngọn Lư Phong, lên núi Tần Vọng, tìm chốn Lan đình, thăm di tích đời xưa; lại tiêu dao ở cửa Vân Môn, ở ngòi Nhược Dạ, ở hồ Giám Hồ, ở khe Đàm Khúc, La Thạch hằng ngày được tiếp thụ cái thú vị trong đạo học, có nhiều phần sở đắc, vui thú mà quên về. Những người tử đệ va thân hữu của La Thạch ở trong thi xã ngày trước, hoặc chê cười, hoặc làm thơ đưa cho La Thạch chiêu La Thạch về và bảo La Thạch rằng: ông già rồi, sao ông tự khổ như vậy. La Thạch cười mà đáp lại rằng: tôi may đã thoát nơi khổ hải trong làng thơ, tôi mới biết thương các ông là tự khổ, các ông lại cho tôi là khổ đấy ư! Tôi đương sắp sửa để mắt ra ngoài vũ trụ, sắp cánh ở cõi vân tiêu, tôi sao có thể lại quày đầu về nơi khổ hải đấy du! tôi xin tòng ngô sở hiếu. Mới tự hiệu là « Tòng Ngô đạo nhân ». Dương Minh tử nghe tiếng, than rằng mạnh mẽ thay La Thạch! La Thạch! niên dã lão, huyết khí dã suy, mà lại đĩnh đặc phấn phát, như kẻ anh-nhuệ thiếu-niên, thực là kẻ biết tòng ngô sở hiếu vậy. Tuy nhiên, sở hiếu cũng có lắm đường. Người đời tòng sở hiếu về phần danh, thì thi nhau giả dối; tòng sở hiếu về phần lợi, thì đua nhau tham ô, đều tự cho mình là tòng ngô sở hiếu cả đấy, nhưng há biết cái nghĩa ngô sở vị chân ngô đó thay. Cái chân ngô là cái gì? Là cái lương tri đó vậy. Cho nên tòng về phần danh lợi vật dục sở hiếu, đó là cái sở hiếu của giả ngô; tòng về phần lương tri sở hiếu, đó là cái sở hiếu của chân ngô. Tòng về phần sở hiếu của giả ngô, thì tâm lao mà một ngày, một thấy ngu-chuyết. Tòng về phần sở hiếu của chân ngô, thì việc thiên hạ việc quốc gia, xử việc gì cũng có thể chính đáng lúc phú quí, lúc bần tiện, lúc hoạn nạn, lúc di địch, xử lúc nào cũng có thể yên vui. La Thạch gần bẩy mươi tuổi, mới biết cái học tòng ngô, nhưng cũng đừng tự cho thế làm muộn; dọ cái đức mạnh mẽ của La Thạch mà tiến lên cõi thánh hiền, thì cũng có khó gì. Than ôi! những kẻ bạc phụ tục tử ở đời nghe cái phong La Thạch chừng cũng biết lối sở tòng đó dư.

(Bản dịch của Tùng Vân
Nguyễn Đôn Phục. Nam-
Phong
, số 109. Hà-Nội
septembre 1926).
 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộngHoa Kỳ vì nó được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929.


Tác giả mất năm 1954, do đó tác phẩm này cũng thuộc phạm vi công cộng tại các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyềncuộc đời tác giả và 60 năm sau khi tác giả mất hoặc ngắn hơn. Tác phẩm này có thể cũng thuộc phạm vi công cộng ở các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyền dài hơn nhưng áp dụng luật thời hạn ngắn hơn đối với các tác phẩm nước ngoài.