Vấn đề giáo dục - Công dụng và giá trị... văn chương/2

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
CÔNG DỤNG VÀ GIÁ TRỊ CỦA VĂN-CHƯƠNG

CÁI QUAN NIỆM VỀ

văn-chương của cụ Phan-bội-Châu

Thường đọc câu thơ Tùy-viên: mỗi phạn bất vong duy trúc bạch; lập thân tối hạ thị văn-chương.

Dịch ý: Công ở non sông thường tạc dạ; hân nhờ bút mực quá hèn trai.

Lại thường đọc câu thơ Minh nhân: Văn-chương thiên cổ sự; đắc thất thốn tâm tri.

Dịch ý: Văn-chương việc nghìn đời, hay dở chỉ lòng biết.

Xem cả hai câu ấy, thì bảo văn-chương là một việc có giá trị hay không? Vấn-đề ấy, thực khó giải-quyết. Chúng ta muốn bàn đến tương lai, phải xét ở dỉ-vãng; muốn phán đoán người đời nay, phải trông gương ở người đời xưa. Kìa như Dương-Hùng ở đời Tây-Hán, làm nên sách Thái-huyền, sách Pháp-ngôn, chẳng phải là một nhà văn-chương hay sao? Mà chỉ vì làm quan Đại-phu cho Vương-Mãng, ba chữ Mãng-đại-phu khiến cho Dương-Hùng thành ra một người ti-bỉ, mà sách vở của Dương-Hùng làm ra, ít người xem đến.

Thái-Mao ở đời Đông-Hán, in xoạn hết cả cửu kinh, làm nên văn bia ở trước nhà Thái-học, chẳng phải là 1 nhà văn-chương hay sao? Mà chỉ vì thất thân với Đổng-Trác, danh nhơ tiết nhục, đến nổi đời sau không ai nhắc tới.

Hai người ấy vẫn là nhà văn-chương mà làm sao giá trị rẻ đến như thế? Thế thì câu « Lập thân tối hạ thị văn-chương » của Tùy-viên, chẳng đúng lắm sao?

Nói trái lại, thánh như đức Khổng-tử, chẳng những người đương thời tín ngưỡng mà thôi, cho đến lúc bây giờ người các nước Âu-châu, còn nhiều kẻ dốc lòng ham mộ, mà xét đến sự nghiệp ngài, thì chỉ có sáu bộ kinh; sáu bộ kinh có cái gì đâu, chỉ là văn-chương mà thôi. Hiền như thầy Mạnh-Kha, chẳng những người đời ấy phải khuynh-phục, cho tới bây giờ người các nước Đông, Tây, vẫn còn vô số người nhắc nhở, mà tìm cho đến sự nghiệp thầy, thì chỉ có bảy thiên sách; bảy thiên sách có cái gì đâu, cũng chỉ có văn-chương mà thôi, xem như thế, thì câu « văn-chương thiên cổ sự » của Minh-nhân, chẳng đúng lắm sao?

Cân nhắc cả hai phương diện như trên kia, thì bảo văn-chương là một giống không giá trị, hay bảo văn-chương là một giống có giá trị? Vấn-đề ấy làm sao giải quyết cho xong?

Tôi xin mượn nhà Tả-truyện làm thầy biện hộ.

Tả-truyện có mấy câu nói rằng: « thái thượng lập đức, kỳ thứ lập công, hựu kỳ thứ lập ngôn. »

Dịch nghĩa: Người ở trong đời cao thứ nhất, là một hạng người lập nên đạo đức; lại thứ hai nữa là hạng người lập nên công nghiệp lớn; lại thứ xuống nữa, thì hạng người lập ngôn. Ba hạng người ấy, rặt là hạng người có ích cho loài người; phải nhận cho là có giá trị.

Lập đức là một hạng người gây dựng nên một nền đạo-đức. Tỉ như: đức phật Thích-ca, đức thánh Dê-du, mỗi người có lập thành một khuôn đạo-đức, mà giữa bản-thân của các ngài ấy, vẫn cũng đáng làm một cái gương đạo-đức cho trong đời. Đức Thích-ca thì cốt cái chủ-nghĩa phật với chúng-sinh bằng một lớp « phật sinh bình đẳng ». Đức Dê-du thì cốt cái chủ-nghĩa yêu người như yêu mình « Ái nhân như kỷ », thật rõ ràng là một hạng người lập đức; mà ở trong loài người, không ai xiêu việt hơn được nữa.

Còn thứ nữa thì là hạng người lập công. Lập công là như thế nào? Đụng gặp ở trong đời ấy, có đại-tai đại-nạn mà nhờ người ấy cứu vớt xong; có đại lợi đại-phúc, mà vì người ấy gây dựng nên. Tức như nước Tàu, nhờ có vua Hạ-vũ mà trừ được họa hồng-thủy; nước Tây nhờ có ông Kha-luân-bô mà phát hiện ra được Mỹ-châu; nước ta nhờ có vua Quang-Trung mà đuổi được giặc Mãn-thanh; những người ấy chính là hạng người lập công, xo với người lập đức, vẫn không in nhau, mà cũng là hạng người có công lớn với đời và người ta cũng nhận cho là có, giá-trị nặng lắm.

Còn thứ xuống nữa, là hạng người nầy: Kể về phần đức, chỉ là đức thông-thường, kể về phần công, không có công gì trác việt, nhưng mà tấm lòng đau đời xót tục, đôi tay chữa cháy vớt chìm, chẳng khác gì lập-đức lập-công đâu. Nhưng hoặc vì thời thế gay go hoặc vì chủ-nghĩa trái tục, hoặc vì năng lực còn kém, hoặc vì địa-vị còn thua, mà không thể làm được những việc như các người trên kia nói, vạn bất-đắc-dĩ, mới phải mượn ba tấc lưỡi, làm bộ máy xoay đời, cậy một ngòi lông, làm khuôn lò nấu tục, mà các nhà lập-ngôn mới nảy ra Khổng-tử vì sao có lục-kinh?

Mạnh-Kha vì sao có thất thiên?

Nói cho đúng, thì sự nghiệp cũng chỉ có mấy câu nói mà thôi.

Mấy câu nói ấy, khi nín ở trong lòng, thì bảo rằng tâm, khi phun ra ở miệng, thì bảo rằng ngôn, ngôn không thể hết được, thì viết ra làm chữ, đã viết ra làm chữ, mới thành ra văn-chương, văn-chương chỉ là ngôn, mà ngôn lại gốc ở nơi tâm, vì trong lòng có nghĩ ra dường nào, thì miệng với bút mới phun nhả ra dường ấy.

Kinh Dịch có câu: xuất kỳ ngôn thiện, tắc thiên lý chi ngoại ứng chi; kỳ ngôn bất thiện, tắc thiên lý chi ngoại vi chi.

Nghĩa là: thở ra một câu nói mà tốt lành, thì tức khắc người ta ở ngoài ngàn dặm ứng theo ngay; thở ra một lời nói mà không lành, ngoài nghìn dặm chống cự lại ngay. Vẫn có thế thật, chỉ một lời nói mà ảnh-hưởng rất xa, huống gì lời nói đó đã thành ra văn-chương, thì có lẽ nào tuyệt vô ảnh-hưởng. Nên người đời xưa đã có câu nói rằng: văn-chương quan thế đạo thịnh suy, nghĩa là: văn-chương rất có quan hệ với đường đời, đời mà thịnh thì thường có văn-chương hay, mà có văn-chương hay thì đường đời mới thịnh. Nếu trái thế, thì văn-chương dở mà đường đời suy, vả lại đường đời suy, thì văn-chương càng dở. Văn-chương ảnh-hưởng xa lớn đến như thế, bảo văn-chương là một giống không giá trị, có lẽ nào!...

Người đời xưa đem lập ngôn kể cân ngang với lập đức lập công, mà gọi rằng tam bất hủ, há phải là lời nói phỉnh lừa ta đâu!! Nghĩ cho hết các lẽ như trên ấy nói, thì bảo văn-chương là tuyệt đối vô giá-trị, vẫn không phải là nhà tri-ngôn, mà bảo văn-chương là tuyệt đối có giá-trị, cũng chưa chắc là nhà tri-ngôn. Nói cho đúng, văn-chương sở-dĩ có giá-trị, không chỉ tại ở nơi văn-chương; mà hơn nửa phần ở nơi người làm văn-chương; người làm văn-chương có giá-trị, thì văn-chương đó thành ra văn-chương của Khổng, Mạnh; người làm văn-chương mà không có giá-trị, thì văn-chương đó thành ra văn-chương của Dương-Hùng, Thái-Mao. Giá-trị vẫn ở nơi văn-chương hay, mà văn-chương sở-dĩ hay, tất nhiên ở nơi người làm văn-chương đó là người có giá-trị.

Chúng ta xin đem cặp mắt xem văn-chương, mà đặt luôn cả cặp mắt xem nhân cách thì câu nói: Văn-chương thiên cổ sự, đắc thất thốn tâm tri, chẳng đậm đà thấm thiết lắm sao?

Bà con ta ở đời bây giờ hạng người rất cao, thì không thèm nói văn-chương, hạng người rất thấp, thì không biết cái gì là văn-chương. Đau đớn thay! Chua xót thay!

Trời đen như mực, đất sụp như bùn, tân thế-giới xa lắc xa lơ, còn ai phát hiện... Họa hồng-thủy, tràng xuôi tràng ngược hiếm kẻ trị bình. Thắp hương mà tụng đức Thích-ca, thấy đâu là phật? Cúi đầu mà xin ra ơn Cứu-chúa, ai chữa cho tôi? Công đà không biết lập vào đâu, mà đức lại như hình vô vị...

Chúng ta chẳng nói tới văn-chương còn nói gì? Nếu không thèm nói văn-chương thì xin hỏi, ngoài việc văn-chương, thì có gì là chúng ta làm được? Lại như một hạng người không biết văn-chương là cái gì, thì tôi không muốn bàn nói tới. Lắp miệng thầy cho thạo, anh-võ là mình, nuôi xác thịt cho no, ngựa trâu thây kẻ, nếu chỉ hạng người như thế mà ta còn nói văn-chương với họ làm gì; nhưng há có lẽ đâu, hai mươi lăm triệu đồng-bào tai thông mắt sáng, hơn bốn ngàn năm tổ quốc gốc lớn nguồn xa, mà không có người biết nghe văn-chương ư? Vậy nên chúng ta phải cố học cho ra nghề văn-chương.

II

Xem như bài trước kia đã nói, thì văn-chương là một việc chúng ta nên để ý đến. Tôi xin thí-dụ văn-chương bằng âm-nhạc.

Người đời xưa bàn âm-nhạc đã có câu nói rằng: tiếng của nước thịnh trị thì vui vẻ và hòa-bình, tiếng của nước suy vong thì dâm đãng và sầu thảm. Nghe âm-nhạc mà đoán được vận-mạng nước nhà, có một lý do như thế, văn-chương cũng vậy; văn-chương chẳng phải là một thứ âm-nhạc hay sao? Chẳng qua âm-nhạc thì gởi tính tình ở nơi đàn địch sinh tiêu, mà văn-chương thì gởi tính tình ở nơi câu thơ bản sách. Nếu người có óc tinh-thâm, có mắt sáng xuốt chẳng những xem văn-chương mà biết được việc nước nhà, mà lại có lẽ xem văn-chương mà biết được phẩm cách người ta nữa. Xưa đời Hậu-Chu, có Triệu-khuông-Dận, khi còn bé con, làm câu thơ vịnh nhật. Câu rằng:

Mới tới lòng trời muôn nước sáng.

Người ta xem câu thơ ấy đoán rằng người nầy sau chắc làm vua. Lại như Tuyên-Tôn đời Đường khi trẻ bị tội trốn vào chùa làm một tên tiểu, có làm bài thơ vịnh bộc hố. Câu rằng:

Xuất tùng sơn lý nhất điều điều,
Lưu hướng nhân dan tác hải triều.

Dịch ý: Trong núi tuôn ra nước một nguồn,
Làm triều làm biển ngập nhân gian.

Ông Hòa-thượng trong chùa thấy được câu thơ ấy bắt Tuyên-Tôn đánh đau, bảo rằng: Ai bảo thằng sa-di bé này mà muốn làm vua sao? Quả nhiên hai người ấy ngày sau làm vua nhà Tống, nhà Đường. Lại như Ngưu-Kim người đời Tống khi còn đi thi làm bài thơ vịnh tuyết, có câu rằng:

Đâu bại ngọc long tam bách vạn,
Bại lân tàn giáp mạn sơn xuyên

Dịch ý: Đánh tan rồng ngọc ba trăm vạn,
Vảy nát vây rơi khắp núi sông;

Quan trường đoán rằng: Anh nầy tất làm loạn lớn; mà quả nhiên Ngưu-Kim sau phản Tống, sang nước Tây-hạ đem quân Tây-hạ về làm cho triều-đình Tống khổ nhục phi thường. Lại như ông Vu-Khiêm khi còn làm học trò có câu thơ vịnh thạch khối rằng:

Phấn cốt toái thân đô bất tích.
Chỉ lưu thanh bạch tại nhân dan,

Dịch ý: Thịt nát xương tan thây kệ kiếp,
Cốt lòng chong trắng để trên đời.

Rồi sau ông Vu làm một người đại công danh, đại khí tiết ở đời Minh, vì tận trung với nước mà chịu lây tử hình. Xem các việc sử Tàu như trên kia nói, thì văn chương xem được người há phải nói bướng đâu. Lại như người nước ta, ông Trương-quân ở đời Lê-mạt, triều Tây-sơn giệt Lê, ông là con cháu công thần nhà Lê, nên không chịu thờ Tây-sơn trót đời người không lấy vợ, không đi thi. Tây-sơn hết sức lung lạc ông, mà ông không chịu, nhưng khi ông còn bé, đã có câu thơ vịnh hòn núi voi rằng:

« Trời sinh ra đó không ai quản
« Đất mọc lên đây có đá rèo,

Xem câu thơ ấy thì khí phách biết chừng nào, thật là một bức truyền thần của một nhà dật sĩ. Lại như đức Lê Thánh-Tôn, là một vị anh hùng ở trong xứ ta, mà khi ngài còn mắc tội, bị bỏ làm thứ nhân đã có bài thơ vịnh cóc già, có câu:

« Nghiến răng một tiếng cơ trời động,
« Tắc lưỡi ba hồi chúng kiến lui.

Vẫn là miêu tả con cóc già, mà khí tượng một vị vua anh hùng, mới hé môi ra đã rành như vẽ, xem như mấy người đó, thì văn-chương xem được người, chẳng phải là thêm có thần bí lắm hay sao? Tác-giả chẳng phải bảo xem người chỉ ở nơi văn-chương đâu, nhưng mà văn-chương vân là một cái bản dạng cho ta xem người, vì cớ sao thế? Văn-chương gốc ở nơi khí mà ra, hễ người khí mạnh thì văn-chương thường hùng hậu, hễ người khí hèn, thì văn-chương thường nhu-nhược. Vậy nên người xưa đã có câu:

Dục học tác văn, tiên tu dưỡng khí. Nghĩa là: muốn học làm văn, tất trước phải nuôi khí mình; xưa nay thấy có người có khi mà không văn hay, chớ chẳng thấy ai là người không khí mà có văn cả.

Những người có khí mà không văn hay, là vì những người ấy chỉ cố để ý vào sự nghiệp huân danh, mà không cốt lấy văn biểu hiện, nếu những người ấy mà làm ra văn, tất văn cũng hay, chúng ta thử đem bài xuất-sư-biểu của ông Chư-cát-Lượng, bài bang-sư biểu của ông Nhạc-Phi, mà xem kỹ từ đầu tới đuôi, thì không một chữ một câu nào mà văn-sĩ đời sau đặt bút vào được, hai người ấy có chăm học làm văn đâu, nhưng vì khí quá thịnh, thì văn phải hay, gan trung phổi nghĩa chứa chan trên nét mực hàng son, gió quỉ mưa thần đổ xào ngòi đen giấy trắng, khí mạnh mẽ đến như thế, mà bảo văn không hay được hay sao? Tác-giả xin trích biên mấy câu ở trong bài xuất-sư-biểu, như câu: « Cúc cung tận tụy, tử nhi hậu dĩ, chí ư thành bại lợi độn, phi thần chi minh năng nghịch đổ giã. »

Dịch nghĩa — liều thân với nghĩa vụ, bao giờ chết mới thôi, đến như nên hay thua, sắc hay cùn, thì không phải trí khôn của tôi mà đoán thấy trước được.

Xem mấy câu ấy, mỗi chữ thảy có cân lượng, mà sức bút cứng như sắt đanh, chắc không một văn-sĩ nào đời sau mà viết nên được. Tôi thường xem sách Nhật-bản thấy người anh hùng xưa trong nước họ mà có tiếng nhất là ông Tây-hương-long-thịnh, ông ba lần bị đày ra bờ biển, hai lần phản kháng với triều đình, chỉ là một nhà quân nhân mà không phải là văn-sỉ, nhưng khi ông say rượu có viết một bài thơ, đến nay người Nhật-bản còn truyền tụng, thơ rằng:

Đại thanh hô tửu tọa cao lâu,
Hào khí dục thôn ngũ đại châu.
Nhất phiến đan tâm tam xích kiếm,
Huy quyền tiên thí nịnh nhân đầu.

Dịch ý:

Trên lầu thét to gọi con hèm.
Khí nhào toan nuốt châu cả năm.
Một tấm lòng son ba thước kiếm,
Múa tay trước ném đầu nịnh xem.

Chúng ta đọc bài thơ ấy, thì lời thơ cứng các biết dường nào, mà chỉ bảy chữ « nhất phiến đan tâm tam xích kiếm », thì e đá núi phải thua với ngòi lông, thủy triều phải lui vì hơi mực, há phải văn sĩ vườn mà làm được thế ru! Vậy mới biết văn là con nuôi của khí, mà khí là mẹ đẻ ra văn. Ai muốn làm văn hay, tất trước phải học hai chữ dưỡng khí của Mạnh-tử.

Từ đây sấp xuống tôi sẽ giải phân lối văn có khí, mà cống hiến với anh em học làm văn. Chắc anh em xem kỹ rồi, cũng phải thừa nhận rằng: Văn quan hệ với khí, mà biết rằng dưỡng khí là nước bước thứ nhất học làm văn. — (Công-luận)

III

Học tác văn tất phải dưỡng khí, đã nói rõ lý do như bài trước kia. Vì vậy mà chúng ta tất phải nghiên cứu đến nghĩa hai chữ dưỡng khí.

Dưỡng khí là như thế nào? Tác-giả nói đến đây, tất phải nhắc đến lời thầy Mạnh-Tử, có câu rằng: « kỳ vi khí giả, chí đại chi cương dĩ trực dưỡng nhi vô hại, tắc tắc hồ thiên địa chi dan. »

Thích nghĩa: « cái khí mà trời đất phú giữ cho ta, rất cứng mạnh, rất to lớn, nếu ta biết lấy đạo lý ngay thẳng mà bồi dưỡng cho nó, chớ làm hư hại mất nó, thì càng ngày càng nảy nở, càng tràn trề, có lẽ đầy lấp khắp cả khoảng trời đất. »

Chúng ta mới đầu thoạt nghe câu nói ấy, thật như viển vông thoát lát, mà không quan hệ thân-thiết gì đến mình ta, nhưng nếu chúng ta chịu để lòng ngẫm nghĩ, ở trong hỏi thần lương tâm mình, ở ngoài xem gương thánh hiền hào kiệt đời xưa, thì biết câu nói thầy Mạnh đó thiệt là quá đúng, ngửa lên xem trên trời, thì trời mênh mông mà không biết tới đâu hết; cúi xuống xét ở đất, thì đất xa quạnh mà không biết bao nhiêu cùng, nhưng mà nếu một ngày không có loài người ta, thì trời chỉ là một đám mây mù, đất chỉ là một đống đất đá, có lấy gì mà thành được tam tài nữa đâu, trời đất sở thành ra công dụng lưỡng dan, chỉ nhờ có sức người tham tán mà thôi, mà sức người sở dĩ tham tán được trời đất tất gốc nhờ vì có chính khí của người ta, xem bài chính khí ca của ông Văn-thiên-Tường, càng đủ phát minh ý-nghĩa cho Mạnh-Tử lắm, trong bài ca ấy có câu rằng: « thị khí sở bàn bạc, đạo nghĩa vi chi côn, thiên trụ lại dĩ lập, địa duy lại dĩ tôn. »

Thích nghĩa: « Cái chính khí ấy tràn nhảy ra, nguyên cội gốc ở đạo nghĩa, cột trời nhờ đó mà đứng được vững, triêng đất nhờ đó mà giằng được yên, khí người ta mà có công với trời đất chẳng cương đại lắm hay sao? »

Nhưng mà muốn cho khí được như thế, tất cần phải có trực dưỡng, trực dưỡng là nghĩa sao?

Một đời người mình, nói phô làm lụng, thường căn cứ ở đạo nghĩa, thân người không bao giờ trái đạo nghĩa, thì tức nhiên lý trực luôn luôn, lý trực thì tất nhiên khí tráng, khí đã tráng thì còn sợ hãi gì, vì khí tráng mà không sợ hãi gì ai, nên phun nhả ra làm văn chương, mới hùng hậu thanh cao, mà thành ra một nhà văn chương, khả truyền khả tụng. Sở dĩ người đời xưa khen văn hay, tất nói rằng văn có khí, mà nhửng người sở dĩ làm ra văn có khí tất là những người biết dưỡng khí, thử xem như văn thất thiên của thầy Mạnh-Tử, không một chữ nào là không chém đanh chặt sắt, không một câu nào là không chớp chóa sương nghiêm, văn hùng hậu biết bao nhiêu.

Nếu Mạnh-Tử mà là người khí hèn, khí nhược, thì làm sao nên văn ấy, thầy Mạnh-Tử đã thường có câu nói rằng: « Phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy võ bất năng khuất. » Thích nghĩa: « đem phú quí dỗ mình, mà mình không bao giờ say, đem bần tiện khốn mình, mà mình không bao giờ đổi, đem uy võ dọa mình, mà mình không bao giờ sợ ». Câu nói ấy là thầy Mạnh-Tử tự tả cái khí mạnh như thế, mới làm nền văn hay, như thất thiên, văn chỉ là bức chiếu tướng của khí, mà khí mới là chân tướng của văn. Vậy nên chúng ta muốn học làm văn hay, tất trước phải nuôi khí mạnh.

Anh em bà con nếu không tin lời tôi nói, thì tôi xin cử những câu văn hay của người đời xưa, có câu văn nào hay mà không phải những tay người có khí viết ra không? Chúng ta đọc đến câu hay, vẫn ai cũng biết là văn hay, nhưng mà không nghĩ tới những người làm câu văn hay đó là có khí, đó thật là một điều đáng tiếc, tôi thường được nghe bài « hàn-nho phong vị phú » có câu rằng:

Bóng trăng rọi trứng gà bên vách thằng bé tri trô.
Hạt mưa xói hang chuột đầu thềm, con mèo lấp ló.

Miêu tả tình cảnh của nhà học trò đói, e thợ vẽ giỏi không vẽ bằng, nếu chỉ xem văn mà phê bình bằng văn, chắc ai cũng thừa nhận là rất hay, bởi vì miêu tả cái nhà rột, mà mượn tới bóng trăng, miêu tả cái tình hình trong nhà không gạo thóc, mà mượn tới mèo với chuột, văn tứ đã tinh tế nhập điệu, mà lời lẽ lại cứng cát vững vàng, bảo là văn hay, chắc phải muôn người công nhận, mà người làm ra câu văn ấy là ai?

Chính là cụ Nguyễn-công-Trứ, cụ đánh đông giẹp bắc gần hai mươi năm, mà làm quan ở triều không được đầy ba tháng, trên thì không siểm nịnh với vua, dưới thì không a phụ với trưởng quan, chỉ vì tài khí của mình, mà tự mình biểu hiện lấy, thật là một người có khí tiết chừng nào, khi cụ đã hưu trí về nhà, mà còn bị tiểu nhân dèm cụ có dị tâm, cụ phải viết câu đối gián nhà, làm cách tự ủy mình, và biểu thi mình không chí gì lạ, mà câu đối ấy vẫn đọc lên còn thấy khí phách một vị tài nhân, tôi tiện chép vào đây:

« Tài học có gì đâu, theo đòi vừa phận lại vừa duyên, nào kỳ, nào kiếm, nào mũ, nào xiêm, nào thẻ bạc, bài ngà, nào dù xanh, ngựa tía, quan trong đôi ba tháng, quan ngoài chín mười năm, mặt tài tình mà trong cuộc cung đao, trải Bắc-kỳ Nam hạt khắp đôi miền, mùi thế nếm chơi ngần ấy đủ.

« Phong trần chi nữa tá, ngất-ngưởng chẳng tiên cũng chẳng tục, này kiệu, này cờ, này, thơ, này rượu, này đàn ngọt hát hay, này sân lan bồn cúc, hầu trai năm bảy chú, hầu gái chín mười cô, tay danh lợi mà ngoài vòng cương tỏa, mượn trí thủy nhân sơn làm bạn lứa, tuổi trời lên mãi ấy là hơn. »

Chỉ một liễn đối ấy xem như hình tự đắc, mà kỳ thật tự chào xem như hình hữu tục, mà kỳ thực siêu thoát, nếu không phải người làm văn hay, thì làm sao nên, mà lại nếu không phải người có khí, thì càng không làm nên văn ấy được.

Chúng ta nếu chỉ say sưa về văn, mà không say sưa về khí, thì chẳng oan uổng cặp mắt xem văn lắm hay sao? Tôi lại thường nghe một bài phú của người đời xưa, chính là người cuối đời triều Lê, vì chống với triều Nguyễn quan bắt lấy mẹ toan giết mẹ, ông mới ra xin thay chết cho mẹ, khi đem ra chém có làm bài phú tuyệt-mệnh trong có những câu rằng:

« Núi Đại-ngàn hai mươi tám chân tay, vinh vang chiêng bạc trống rồng, mấy mươi vạn binh triều đều lạc phách.

« Khe Trình-diệm bảy mươi lăm vây cánh, giấp dói quần hồng mộc vẻ, tám trăm dư quân trấn đã kinh hồn.

Lại có câu rằng: « Nghĩ Nam Hồ Bắc Việt hiếm chi mà, vàng chú Hán dễ tìm ra Quí-Bố.

« Nhưng địa nghĩa thiên kinh là nặng lắm, thư chàng Từ mới gửi lại Tào-công. »

Xem văn như thế, có bảo là tầm thường nhuyến nhược được không? mà chính là người nghĩa khí cương trường xem chết như chơi mới làm được thế!

Vậy nên muốn học làm văn hay, trước phải nuôi lấy khí mạnh, bao giờ khí hèn hạ tì bỉ mà có văn-chương hay được, văn đã không hay, tất nhiên không phải văn khả truyền, mà những người có văn khả truyền, từ xưa tới nay chỉ thấy là những hạng người mà khí khá kính.

Anh em ta để ý vào tác văn, thì trước nên để ý vào dưỡng khí, há phải là lời nói quá đáng đâu! (C. L.)

P. B. C.

CHUNG