Vấn đề phụ nữ/I
I.— Địa-vị với lịch-sử của phụ-nữ
Chúng ta muốn nghiên-cứu vấn-đề về loài người tất có một câu hỏi rằng: « Đàn-bà con-gái có phải cũng loài người hay không? » Chắc không ai trả lời rằng: « Không phải » được. Chúng ta muốn nghiên-cứu vấn-đề về quốc-dân, tất cũng có một câu hỏi rằng: « Đàn-bà con-gái có phải cũng quốc-dân hay không? » Chắc không ai trả lời rằng « Không phải » được.
Gốc vì phụ-nữ là một hạng người ở trong loài người, cũng là một suất dân ở trong dân nước. Bây giờ chúng ta muốn nghiên-cứu vấn-đề về loài người và vấn-đề về quốc-dân mà lại bỏ vấn-đề phụ-nữ, thiệt là khuyết-điểm cho nhà luân-lý, và đến khi cải-lương xã-hội, thiệt là một chốn tệ-hại rất to. Vậy nên phải lượt-lượt nghiên-cứu như sau nầy. Nay trước bàn địa-vị với lịch-sử của đàn-bà con-gái.
Theo học-thuyết ở Đông-phương, từ đời nhà Chu nhà Tần trở xuống thì có mấy câu cựu-học lưu-truyền. Như nói rằng: « Nam tôn nữ ty » nghĩa là: « Con trai cao, con gái thấp », « Nam quí, nữ tiện », nghĩa là: « Con trai sang con gái hèn ». Tuy thánh như ông Khổng-Tử, mà cũng có khi so-đọ nữ-tử, kể bằng ngang với đứa tiểu-nhơn, tuy hiền như thầy Mạnh-Kha mà cũng có khi bàn-bạc trượng-phu, thời khinh-bỉ những phường thiếp-phụ. Thậm chí thói-quê tục-tệ truyền lỗi trao lầm, nhận tập-quán mà xem làm đạo thường, dựa nhân-tình mà trái cả thiên-lý, nên nỗi đàn-bà con-gái ngày nay, xử vào một địa-vị rất ti-tiện; mà những món con-trai mắt thịt, những phường học-giả tai rồng, cũng nghiễm-nhiên bảo mình là tôn và quí, mà xem loài phụ-nữ làm thấp và hèn, cái lầm ấy chỉ thực vì không nghiên-cứu lịch-sử của đàn-bà con-gái, đã không biết lịch-sử của đàn-bà con-gái, còn bàn gì được địa-vị của đàn-bà con-gái nữa đâu.
Bây giờ xin kể lý-do như sau nầy.
Xưa nay kể một địa-vị hạng người nào, tất nhân lịch-sử hạng người đó mà nảy ra; vì lịch-sử có đổi-dời thời địa-vị cũng theo đó mà biến-hóa. Vậy nên bàn đến địa-vị đàn-bà con-gái, tất trước phải biết lịch-sử của loài người, bởi vì một bộ-phận lớn ở trong lịch-sử loài người tức là lịch-sử của đàn-bà con-gái. Kể từ khi đầu kiệt cùng vũ-trụ, quả địa-cầu mới xuất-hiện, mà động-vật thế-giới mới phát-sinh, kể một giống gì, tất cũng một âm một dương đồng-thời sản-xuất, sự đó rất minh-bạch, tức là loài người. Vì muốn nòi giống được nảy-nở, dòng-họ được lâu-dài, tất phải nhờ công sinh-dục, mà công sinh-dục đó, tất phải hợp cả trai với gái mới có thể gây nên. Xem sử về Đông-phương, thời hai người tổ thứ nhất loài người tức là ông Bàn-Cổ và bà Bàn-Cổ, xem sử về Tây-phương, thời hai người tổ thứ nhất loài người là ông Á-Đang (Adam) và bà Hạ-Huề (Eve).
Khi đó vô-luận nước nào hoặc châu nào cũng chỉ có vài người tổ thứ nhất tức là một người gái một người trai; hai người đó chia vai mà gánh công sinh-dục, dòng-họ nhờ đó mà nảy-nở, nòi-giống nhờ đó mà lâu dài; từ hai mà bốn, bốn mà tám, tám mà mười sáu, cho đến thiên thiên, vạn vạn, ức ức, triệu triệu như ngày nay. Suy nguyên cho đến gốc cây nguồn nước, gầy mối là ai, mở đầu là ai, chắc là nhờ hai người tổ thứ nhất đó, tức là một người trai và một người gái.
Theo về lòng sinh-dục của tạo-hóa, theo về luật sinh-lý của triết-học có lẽ nào quí trai mà tiện gái, tôn trai mà ty gái đâu. Đến thời-kỳ tổ thứ hai, thứ ba, loài người đã sinh nở ra nhiều, khiến hỗn độn tuy tình cờ soi trống mà khuôn thiên-nhiên hay y-cựu tròn vo: ăn chẳng cần gì lửa, uống chẳng cần gì than, ở chẳng cần gì cửa nhà, chơi chẳng cần gì đồ-đạc, nhi-nhi, nhúc-nhúc, bầy với hươu nai, mà bạn với chim-chóc. Dầu cho cái danh từ anh với em, chị với em, cũng chưa lấy gì làm phân-biệt, mà huống gì có bên tôn bên ty, bên quí bên tiện nữa đâu! Nhưng khốn-nạn thay! Loài người đã nhiều, thời trí-khôn ngày càng nảy-nở, vì chống-chỏi với loài muông giống độc, mà các thứ phòng-ngữ-mới-nảy ra, vì chống chỏi với giá lạnh, nắng nồng mà các thứ vệ-sinh mới bày ra, vì dòng-giống nầy với dòng-giống kia ở lộn mà có bên dại với bên khôn, vì bộ-lạc nầy với bộ-lạc kia chia lìa mà có bên mạnh với bên yếu, ăn đua nhau mà ăn thịt, mặc đua nhau mà mặc lông, ở đua nhau mà nhà cao cửa kín, chơi đua nhau mà thức nọ cách kia, vật-chất ngày càng phát-đạt thêm, thời lòng tham bụng dục của người cũng ngày càng vùn-vụt. Bây giờ mới thình-lình mà diễn ra tuồng cướp-bóc, mới thình-lình mà nổ ra tiếng thét-gầm, tiếng thét-gầm đã nổ ra thời những anh to tiếng mới bắt-nạt mấy thằng ngọng, tuồng cướp-bóc đã diễn ra, thời những bợm khéo tuồng mới ăn-hiếp mấy chú vụng. Lúc bấy giờ các bạn đàn bà con gái hoặc vì công sinh-sản quá nặng-nề, mà không thì giờ chen vào trường đua-đuổi, hoặc vì chất thiên-nhiên thường nhu-nhược mà không can-đảm đứng vào cuộc chiến-tranh. Nhân đó mà phường con-trai dã-man hung-bạo kia thấy vóc bồ mình liễu, chân yếu tay mềm, trở lại khinh-bỉ con-gái đàn-bà là vô-dụng; mà huống đương cơn cướp-bóc, hết sức tham-tàn, anh nào thua thì người với của cũng mất luôn, anh nào được thì của với người cũng lặt ráo.
Đàn-bà con-gái họ cho là một giống cướp-bóc mà được ra, giá-trị phụ-nữ lúc bấy giờ không khác gì của cải với chó ngựa. Địa vị của phụ-nữ nhân vì lịch-sử mà hèn thấp đó là một cớ.
Lại còn có một cớ nửa. Từ khi loài người diễn ra tuồng cướp-bóc đàn-bà con-gái của người, thời thường thường lo đàn-bà con-gái không đủ sức mà chống-chỏi với cướp-bóc, hai là vì đàn-bà con-gái là một cái mục-đích-vật của phường cướp-bóc, nhân vì muốn tránh khỏi cái họa cướp-bóc đó, mới nảy ra một cái cấm-lễ cho loài phụ-nữ tức là một câu: « Phụ-nữ bất xuất khuê-môn », nghĩa là đàn-bà con-gái không được đi ra khỏi cửa buồng, đó chỉ cốt thu-dấu đàn-bà cho sâu kín. Suy cho đến nguyên-cố thì chỉ vì sợ bị cướp-bóc mà thôi, nhân đó mà địa-vị đàn-bà con-gái mới sụp vào một cái cảnh cực-khổ. Xưa đã bị người ta cướp-bóc đưa về, mà người ta không xem làm quí-trọng, nay lại vì sợ người ta cướp-bóc, mà thân phải dấu kín, lấp sâu. Trai cường-bạo đã khắp cả trong cửa ngoài đường, thời gái nhu-hoà càng phải nép ở buồng sâu phủ kín. Lúc bấy giờ địa-vị đàn-bà con-gái, mới thành ra, so với lũ con-trai một vực, một trời. Đó cũng vì lịch-sử đổi-dời mà sinh ra thế. Trải qua lịch-sử đời Tần, Hán trở xuống mà những món bạo-quân muốn cho quyền chuyên-chế của nhà vua ngày càng cao tuyệt-mục và lại bụng dâm-dục của những phường Kiệt, Trụ, phi-tần kể chục, cung-nữ kể nghìn, như ông Tần-Vỏ-Đế, Tùy-Dượng-Đế, thời cung-nữ kể có hàng vạn. Vì quyền vua quá nặng, nên phải nặng lây đến quyền trai, lúc bấy giờ những phường trai dua nịnh, nhờ gió bẻ măng cũng muốn mượn vua cho sướng tay áp-chế đàn-bà con-gái, mới sinh ra học-thuyết quái lạ là câu nói tam cương rằng: « Quân vi thần cương » là vua làm cương cho tôi; « Phụ vi tử cương », là cha làm cương cho con; « Phu vi thê cương », là chồng làm cương cho vợ. Vì câu tam cương đó mà vua bảo tôi chết, tôi phải chết, cha bảo con chết, con phải chết, chồng bảo vợ chết, vợ phải chết. Tục-ngữ có câu rằng: « Muốn nói ngoa làm cha mà nói; muốn nói không làm chồng mà nói ». Xem như ý-nghĩa câu đó, thời làm cha có quyền được nói ngoa cho con, làm chồng có quyền được nói không cho vợ. Con và vợ đó tức là đàn-bà và con-gái, họ bưng tai nhắm mắt mà chịu người ta nói không, địa-vị họ còn gì mà nói nữa. Suy cho đến nguyên-cố, thời chỉ vì quyền vua với quyền trai cặp-kè với nhau mà thôi. Muốn đội quyền vua lên cho đến cực cao, thời cũng phải nhắc cao quyền trai cho em-em với quyền vua mới được. Địa-vị đàn-bà con-gái một ngày càng một thấp lui, cũng là vì lịch-sử mà sinh ra thế. Trên kia là chỉ nói về địa-vị phổ-thông. Bây giờ nói về địa-vị đặc-biệt tức là địa-vị đàn-bà con-gái ta ở đời bây giờ.
Ba cái nguyên-nhân to ở trong lịch-sử, đàn-bà con-gái ta vẫn cũng bị cái ảnh-hưởng đó rất nhiều, vẫn không được cao-quí bao giờ. Những kẻ ti-tiện cho đến thậm như đàn-bà con-gái nước Tàu xưa, hoặc nước Thổ-Nhĩ-Kỳ, nước Ấn-Độ, thời địa-vị phụ-nữ nước ta còn so-se với họ chút-đỉnh. Đó cũng vì lịch-sử mà được thế nầy. Sử ta từ thuở thượng-cổ đã có một tục cổ, con-trai con-gái cân như nhau. Xét đời Hùng-Vương con-trai rằng Lang-quan con gái rằng Mị-nương đều được thừa-tiếp quyền cha. Vả nước ta từ có sách sử, bỏ ra những lời hoang-đường không tin được thời là sử đầu thứ nhất mà lại sự-thực chắc-chắn, vẫn nòi-giống người nước ta, mà cũng đàn-bà con-gái nước ta, mở mày mặt cho non-sông, lừng tiếng-tăm cho nòi-giống, xối máu với thù, liều thân vì nước, đầu-tiên chỉ có hai người con-gái, tức là hai bà Trưng; sau nữa lại có bà Triệu-Ẩu, bà Bùi-thị-Xuân; bà Triệu-Ẩu cỡi đầu voi mà đánh giặc Ngô, bà Bùi-Xuân thắt cương ngựa mà xông mặt trận, thấp-thoáng trong vài ba trăm năm thường-thường có mấy chị nữ anh-hùng cũng đủ khiến cho bọn râu mày ghê-tởm, nên nỗi địa-vị đàn-bà con-gái nhờ ảnh-hưởng của mấy người đó mà nhắc-nhỏm được ít nhiều. Nhưng khốn-khổ thay! Nết hư, tục cũ gắn quá sâu, quyền chuyên-chế mới ép quá nặng, ở trong thời gia-đình trói-buộc, ở ngoài thời xã-hội dày vò, nhưng các bà các chị cũng đều chí-khí không ra gì, tài-trí không ra gì, xiềng-khóa của gia-đình không mấy người hay cổi-lột, gông-cùm của xã-hội không mấy người hay phá tung; xem trong lịch-sử mấy nghìn năm mà những người biết tự lập tự-cường như bà Trưng, bà Triệu, thời chẳng bao lăm, mà những người dồi mày mặt cho đẹp dạ anh trai, trau áo yếm cho thỏa lòng cậu rể, quấn-quít dưới chân bác mợ mà chực ấm, xin no, níu lưng khố anh chồng mà xách tiền, đòi gạo, hạng người đó thì hằng-hà sa số không biết bao nhiêu. Lịch-sử đàn-bà con-gái ta đã như thế, còn mong địa-vị đàn-bà con-gái nhắc tới dằm nào nữa đâu! Vì vậy việc làng, việc họ không ai hỏi tới đàn-bà, việc nước, việc nhà không ai nghĩ tới đàn-bà; câu « Phụ-nhân nan hóa », câu « Thập nữ viết vô » mới thành ra một đạo-lý như đinh như đá; mà kỳ-quái cho những phường phụ-nữ, cũng bảo sao chịu vậy, không ai nghĩ địa-vị ti-tiện mà lấy làm tủi-hổ xấu-xa.
Thậm-chí họ thường nói rằng: « Đàn-bà con-gái chỉ là một giống đồ chơi cho con-trai mà thôi. » Thảm-hại thiệt! Oan-khổ thiệt! Nhưng nghĩ ra cho kỹ e cũng đáng! Thù nhà, nợ nước có một chị nào biết đau-đớn không? Dân khổ, nòi hèn có một bà nào biết thương-sót không? Giắt tay ông chồng ra khỏi « vòng bồi bếp », có một mụ nào không? Rút chân cha mẹ ra khỏi « ngục cu-ly », có một cô nào không? Thôi chẳng trách gì những việc quá cao, quá to, mà chỉ cầu cho có họ tên ở trong pho sử! Trót hai nghìn năm dư, tiết-liệt gớm-ghê được mấy bà Thúy-Ái[1], văn-chương lừng-lẫy được mấy cô Hồng-Hà[2]? Đó cũng biết lịch-sử đàn-bà con-gái vẫn không lấy gì vẻ-vang nên nỗi địa-vị đàn-bà con-gái ta cũng không lấy gì làm sang-trọng lắm.
Như trên đã nói, chẳng qua lịch-sử đã nhỏ tí-ti thời địa-vị phải thấp le-de, xin bạn đàn-bà con-gái ta nghĩ mà ngậm-ngùi, lo mà nhức-nhối!
Trót một đời con gái, khi ở trong nhà thì cắm đầu mà theo cha mẹ, khi đã có chồng thì phải co cỗ mà theo chồng, tới khi chồng chết thời phải bưng tai gài mắt theo con, thế thì trót một đời người từ khi lọt lòng cho đến khi chết chôn, chỉ có một cái theo, không khác nào con trâu cày cứ theo chủ ruộng, không khác nào con chó săn cứ theo chủ nuôi!
⁂
- ▲ Bà Phan-thị-Thuấn là vợ lẽ ông Ngô-Cảnh-Hoàn đời Hậu-Lê; ông đi đánh quân Tây-Sơn, tử-trận ở sông Thúy-Ái (nay thuộc huyện Thanh-Trì, tỉnh Hà-Đông, xứ Bắc-Kỳ), người nhà được tin thương khóc, bà vẫn cười nói như thường; có người hỏi, bà đáp: « Chết vì việc nước còn gì hơn nữa mà phải thương tiếc ». Ma chay xong, bà bận đồ đào-đỏ đến chỗ chồng tử-trận đâm đầu xuống sông chết. Đời sau gọi bà là « Thúy-Ái phu-nhân ».
- ▲ Hồng-hà nữ-sử, tức là bà Nguyễn-thị-Điểm, một nhà nữ-thi-hào về khoảng đầu thế-kỷ XVIII, đời vua Duy-Phường và vua Thuần-Tôn nhà Lê.