Việt Nam phong tục/II.23
XXIII.— KHOÁN ƯỚC
Chốn hương thôn thường có ước hẹn riêng với nhau, lập ra sổ sách, đồng dân ký kết gọi là khoán ước.
Trong khoán ước có thưởng có phạt, trừ ra các việc lớn đã có phép của nhà nước, còn việc nhỏ thì trong dân thôn thi hành lẫn nhau.
Khoán ước mỗi nơi hơi khác nhau một chút, nhưng đại để định ra các điều sau này:
1.— Thưởng: Trong làng ai bắt được kẻ trộm hoặc bắt được kẻ hung nghịch có tội hoặc đương trường bắt được kẻ cướp thì làng có thưởng. Tuy việc khó dễ và công to nhỏ hoặc thưởng mấy chục quan tiền, hoặc thưởng cho làm khán thủ, trương tuần, người đã có chức dịch rồi thì thưởng cho con người ấy một tên nhiêu nam, cho tùng vào chân quan viên, miễn trừ tạp dịch.
2.— Phạt: Giai hạng trong khi hương ẩm say rượu nói càn, hoặc là xâm phạm đánh người tôn trưởng, hoặc đánh nhau vỡ đầu, hoặc ai ăn trộm tự con gà cái măng trở lên, hoặc nhà nào có con gái chửa hoang, hoặc người nào làm sự gì không phải, đến nỗi quan phải đòi đến dân làng, làm cho dân làng tốn kém thì phải phạt. Tùy cái lỗi nặng nhẹ, hoặc phạt hai ba quan tiền kẽm, hoặc ngả vạ, bắt gà, bắt lợn, uống rượu, hoặc tước ngôi thứ không cho dự chiếu hương ẩm, người nào có chân chức dịch mà phạm lỗi nặng thì truất bỏ cả chân chức dịch ấy đi, không cho hưởng quyền của hàng viên chức nữa.
3.— Chu tuất: Khi có cướp đến phá làng ăn cướp, tuần phu và dân làng ra tiếp cứu, ai bất hạnh bị thương thì dân làng đem về điều trị thuốc men cho, nếu bất hạnh bị chết thì dân làng làm ma, đồng dân đưa đón trọng vọng và cấp dưỡng cho vợ con mỗi tháng dăm ba đồng bạc hoặc thưởng cho con một tên nhiêu nam.
4.— Tinh biểu: Trong làng ai có ân nghĩa với dân, hoặc xuất của giúp cho làng được việc gì có ích, hoặc xuất lực lo cho làng được việc gì có lợi, thì làng nhớ ân nghĩa, khi sống kính trọng, nhường ngồi chiếu trên, khi mất làng khắc bia đá kể công trạng của người ấy dựng tại đình cho đời đời ai cũng nhớ.
5.— Cấm lịnh: Nhà nào chứa khách lạ thì phải trình với lý dịch, nếu không trình thì nhà chức trách phải phạt. Nhà nào hội tụ với nhau đánh bạc, hoặc phạm vào phép luật gì của nhà nước đã cấm, hoặc tụ tập những kẻ hung đồ, việc nhỏ thì lý dịch bắt ra điếm, việc lớn thì bắt đem nộp quan. Trai gái thông gian bắt được phải vạ.
Khoán ước định vong, dân làng ký kết, có nơi đem trình quan xin chữ phê để làm luật nhất định cho làng. Rồi giao cho một người thủ khoán giữ, hoặc tả làm hai ba bổn, tiên chỉ và lý trưởng mỗi người giữ một bản nữa. Hễ trong làng ai phạm điều gì thì cứ chiếu khoán ước ra mà phân xử. Mỗi năm hôm nào có việc hội họp đông đủ thì tuyên giảng lên một lần để nhắc lại cho dân làng nhớ lấy.
*
* *
Khoán ước trong làng tức như một điển khuyến trừng của nhà nước, khuyên người làm lành ngăn kẻ làm dữ nên nhờ có khoán ước mà có thuần phong mỹ tục, thì điều ấy cũng là một việc rất hay.
Xét khoán ước của dân ta ở các thôn xã, mỗi nơi có hơi khác nhau nhưng chẳng qua cũng như mấy điều đã kể trên. Các khoán ước cũ thì dân làng thường bỏ thất thác đi nhiều, mới đây làng Đề-Kiều thuộc tỉnh Bắc-Ninh có lập lại các điều hương ước của ông Trần-văn-Minh soạn ra, có mấy điều tưởng các làng khác cũng nên bắt chước đó mà làm.
Xin trích lục mấy điều ra sau đây:
VỀ MỤC KỶ NIỆM
TIẾT I.— Khắc bia.
Trong dân làng không cứ đàn ông đàn bà, kẻ quý người tiện, ai có ân nghĩa với dân thì dân có bia kỷ niệm, lúc còn sống thì dân kính trọng, lúc mất rồi thì dân khắc tên vào bia để dân nhớ ân nghĩa mãi về sau.
TIẾT II.— Việc ân.
Ân: Ai có công đức với dân như xuất của nhà ra lập trường học, cho trẻ con trong làng học chữ học nghề, hoặc cúng ruộng cho dân làng làm học điền, hay là xuất của làm việc công ích cho dân, cùng là học được nghề gì trọng về dạy dân cho có nghề nghiệp, hoặc dân làng chẳng may gặp khi tai biến mà xuất tài xuất lực giúp đỡ cho dân lại hồi lại làm ăn như cũ. Vậy các việc như thế là ân.
TIẾT III.— Việc nghĩa.
Nghĩa: Dân làng thản hoặc đêm hôm có cướp đến phá làng ăn cướp, dân ai có sức đánh cướp giữ làng, chẳng may bị chết vì việc dân, vậy như thế là nghĩa.
TIẾT IV.— Sửa lễ.
Cứ lệ mỗi năm một lần tháng giêng vào ngày đình đám xong, dân xuất tiền công sửa lễ và cắm cờ tàn, bài trí ở bia kỷ niệm cho tráng lệ như ngày đình đám, rồi đồng dân đọc bài văn kỷ niệm để trước nữa là dân nhớ những người có ân nghĩa với dân, sau là kính khuyến lòng người trong chốn hương đảng.
VỀ MỤC TỰ TRỊ
TIẾT III.— Đánh nhau.
Phàm người trong dân xã, không cứ quí tiện giàu nghèo, phải ăn ở với nhau cho tử tế hẳn hoi, trên kính dưới nhường. Hoặc ai có điều gì không phải thì trình dân để dân phân xử cho, chớ sinh tình ngạnh hóa, đánh chửi lẫn nhau, để cho người ta chê cười, thì cả đôi bên đều phải phạt.
TIẾT IV.— Thưa kiện.
Người trong dân, hoặc ai có điều gì bất bình mà thưa kiện nhau, thì phải trình dân trước để dân phân xử cho đã, chớ không được tự tiện lên ngay quan. Nếu ai không tuân thế thì phạt một đồng bạc nộp vào công quĩ bản xã.
TIẾT VIII.— Đàn ông.
Đàn ông con trai trong làng, không cứ con nhà quí tiện giàu nghèo ai cũng phải lấy luân lý mà sửa mình, có nghề nghiệp làm ăn. Nếu người nào du thủ du thực không chịu làm ăn, bất nhân bất nghĩa, trái đạo làm người thì phải phạt truất ngôi hương ẩm.
TIẾT IX.— Đàn bà.
Đàn bà con gái trong dân, người nào góa bụa hay chưa chồng, ai mà trăng hoa ong bướm, làm cho mất giá người đi, khán thủ tuần phiên bắt được thì phải phạt một đồng bạc. Người nào thất tiết, hoang thai thì phải phạt như tiền nộp cheo. Bao giờ lấy chồng, lại phải nộp tiền lan-nhai theo như dân khoán.
TIẾT XII.— Trộm cắp.
Trong hương ấp, ngoài đồng điền hoặc có gian phi trộm cắp của công hay của tư gia một tí gì, thức khinh vật trọng, như là tiền bạc, vật dụng và các giống súc vật, cùng là cây cối tre măng, thanh bông hoa quả, lúa mạ hoa màu, v.v...
Những kẻ gian phi ăn trộm ăn cắp ấy, bắt được quả tang hễ người trong dân thì phải phạt truất ngôi hương ẩm, người ngoài thì dân giải lên trình quan.
TIẾT XIV.— Tụ tập.
Trong dân, nhà nào tụ tập những kẻ gian phi, gá chứa cờ bạc hay làm điều phi pháp phạm cấm, mà khán thủ tuần phiên ẩn nặc không trình hương chính, lý trưởng thì khán thủ tuần phiên và các người làm điều phi pháp phạm cấm ấy đều có lỗi phải phạt.
TIẾT XV.— Khách lạ.
Trong dân làng, nhà nào có khách lạ ở chơi cách đêm thì phải trình cho khán thủ biết. Nếu không trình, hễ khán thủ tuần phiên đi tuần soát thấy thì nhà ấy phải phạt.
Người lạ ở cách đêm thật là người lương thiện làm ăn thì được, nếu người du đãng thì không cho ở.
VỀ MỤC TUẦN PHÒNG
TIẾT III.— Thưởng phạt.
Dân làng thản hoặc đêm hôm có cướp đến phá làng ăn cướp, người nào can đảm đánh cướp bắt được một tên, thì dân làng thưởng năm đồng bạc, nếu bắt được hai tên thì dân thưởng mười đồng, hễ nhiều thì cứ số năm đồng mà thưởng lên (cách thưởng này khí nhẹ quá).
Người nào nhút nhát trốn chạy, bỏ chỗ mình giữ thì phải truất ngôi hương ẩm.
TIẾT IV.— Hậu đãi.
Những khi cướp đến phá làng ăn cướp, người làng đánh cướp giữ dân.
Người nào bị thương thì dân trông nom, điều dưỡng cho đến khi khỏi. Những tiền chi phí dân chịu cho cả.
Người nào bị chết thì dân làm ma cho trọng thể, như ba hạng trong dân khoán, và khắc tên vào bia kỷ niệm, đã nói ở Tiết thứ hai về Mục Kỷ-niệm, lại cấp cho vợ con mười lăm đồng và cho con hay cháu một tên nhiêu nam, chung thân miễn trừ tạp dịch.
Trên đây lược lục mấy điều, mỗi làng lại tùy tục riêng mà gia giảm một chút, nếu làng nào cũng giữ những lời khoán ước được thì trong hương thôn tưởng cũng có thể tự trị được, mà nên được một làng vui vẻ thịnh vượng. Song chỉ e các ông có quyền dự trong hương chính cầm khoán bẻ măng thì lời khoán ước lại thành ra một tờ giấy hư văn mà thôi.