Việt thi/I-4

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

CÁCH GIEO VẦN

Vần. — Làm thơ thì phải có vần. Vần nghĩa là tiếng này với tiếng kia cùng một âm-hưởng, tiếng bằng vần với tiếng bằng, tiếng trắc vần với tiếng trắc. Theo lẽ tự-nhiên, bao giờ hai tiếng đồng một giọng phát âm, thì thành vần được. Hai tiếng không đúng vần với nhau thành ra lạc vận, trái luật thơ.

Khi xưa làm thơ bằng chữ nho, người làm thơ phải thuộc vần, mới làm được. Ngày nay người Việt-nam đã dùng quốc-ngữ để làm văn làm thơ, có nhiều sự rất tiện. Chỉ phải biết:

a) Những tiếng có chữ nguyên-âm, như: a, e, ê, i, o, ô, ơ, u, ư đứng ở cuối tiếng, thì theo tiếng bằng tiếng trắc mà vần với tiếng khác cũng có một chữ nguyên-âm đồng loại đứng ở cuối tiếng.

b) Những tiếng có chữ phụ-âm, như: c, ch, m, n, ng, nh, p, t đứng ở cuối tiếng, thì nhất-định phải vần với tiếng khác cũng có chữ phụ-âm đồng loại đứng ở cuối tiếng.

Vần chia ra làm hai loại: vần bằng và vần trắc. Vần bằng là những tiếng bằng vần với nhau, vần trắc là những tiếng trắc vần với nhau. Vần bằng và vần trắc cùng theo chung một luật trong sự hiệp vận. Mỗi loại vần ấy lại chia ra làm hai thứ vần, là vần chính và vần thông.