Việt thi/II-14

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Thể tuyệt-cú

Nguyên thơ cổ làm bốn câu là một giải, ghép giải nọ với giải kia thành ra thơ cổ-phong tràng-thiên; ngắt ra một giải là bài thơ tuyệt-cú, thể cổ-phong. Sau lại theo tám câu luật mà ngắt ra bốn câu làm bài thơ tuyệt-cú, thể luật. Vậy nên thơ tuyệt-cú có thứ theo thể cổ-phong, có thứ theo thể luật, và tuyệt có nghĩa là ngắt, ngắt ra bốn câu, nên còn gọi là tứ-tuyệt.

Sự ngắt bốn câu thơ luật ra làm bài tuyệt-cú có nhiều cách và thành ra có thứ tuyệt-cú bốn câu ba vần và có thứ bốn câu hai vần.

1.— Ngắt bốn câu đầu bài thơ luật, thì ba vần và hai câu dưới có đối; ngắt hai câu đầu và hai câu năm và sáu, thì ba vần và hai câu dưới có đối; ngắt hai câu đầu và hai câu cuối, thì ba vần và cả bốn câu không có đối.

2. — Ngắt bốn câu cuối bài thơ luật, thì hai vần và hai câu trên có đối; ngắt bốn câu giữa, ba bốn và năm sáu, thì hai vần và bốn câu đều có đối.

Thơ tuyệt-cú dù là thể cổ-phong hay thể luật, bao giờ cũng phải đủ những ý: khởi, thừa, chuyển, hợp, thì thơ mới hay. Vì thế cho nên thơ tuyệt-cú vẫn khó làm cho thật hay.