Việt thi/II-2

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Việt thi của Trần Trọng Kim
Thơ riêng của Việt-văn

A.— THƠ RIÊNG CỦA VIỆT-VĂN

Thơ riêng của Việt-văn có hai thể hay dùng hơn cả, là thể lục-bát và thể song-thất lục-bát. Hai thể thơ ấy khác với thơ Hán-văn về đường thể-tài và cách gieo vần. Thơ Hán-văn thường là ngũ-ngôn hay thất-ngôn và chỉ có cước-vận là vần ở cuối câu mà thôi. Thơ Việt-văn, dù là thể lục-bát hay thể song-thất lục-bát, đều có cước-vận và yêu-vận.

Vì có yêu-vận là vần ở giữa câu, cho nên cứ hết hai ba câu lại đổi sang vần khác. Thơ Việt-văn vì có yêu-vận và cước-vận, cho nên có thể làm lối trường thiên, dài bao nhiêu câu cũng được. Bởi vậy các truyện bằng quốc-âm đều làm bằng thơ lục-bát hay thơ song-thất lục-bát.

Lục-bát là một thể thơ cứ một câu sáu chữ lại một câu tám chữ, tiếp-tục như thế mãi và dùng toàn một thứ vần bằng.

Kể từ câu thứ hai trở đi, cứ ba câu một vần, rồi liên-tiếp mãi cho đến cùng. Cước-vận câu bát vần với cước-vận câu lục ở dưới và yêu-vận câu bát tiếp sau.

Song-thất lục-bát là một thể thơ có hai câu bảy chữ đi liền với nhau, rồi đến hai câu lục-bát, và có vần trắc ở hai câu thất. Cước-vận câu thất thứ hai vần bằng, vần với cước-vận câu lục và yêu-vận câu bát. Như vậy, thì trong thể thơ song-thất lục-bát cũng có ba câu một vần. Cước-vận câu bát lại vần với yêu-vận ở chữ thứ năm câu thất tiếp sau.

Sau này xét rõ cái thể-tài hai thể thơ Việt-văn là thể lục-bát và thể song-thất lục-bát.