Việt thi/II-3

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Thể lục-bát

Thể lục-bát là lối thơ truyện Kiều và phần nhiều những truyện viết bằng quốc-âm. Vậy lấy mấy câu ở đầu truyện Kiều làm mẫu:

Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau-đớn lòng.
Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen với má hồng đánh ghen.

Xem mấy câu thơ lục-bát ấy, có thể hiểu được luật bằng trắc và cách gieo vần trong thể thơ ấy.

1. Luật bằng trắc.— Thơ lục-bát khởi ở tiếng bằng, cho nên thường là trong câu thơ nào tiếng thứ hai cũng là tiếng bằng.

a) Câu lục. Tiếng thứ hai bằng, tiếng thứ tư trắc, tiếng thứ sáu bằng và vần.

Trăm năm trong cõi người ta,

Song khi có tiểu-đối, hay ba tiếng đi với nhau. thì tiếng thứ hai trong câu lục có thể là tiếng trắc:

Mai cốt-cách, tuyết tinh-thần.
Nền phú-quí, bậc tài-danh.

Hay là:

Đau-đớn thay, phận đàn-bà.
Người một nơi, hỏi một nơi.

b) Câu bát. Tiếng thứ hai bằng, tiếng thứ tư trắc, tiếng sáu bằng và vần, tiếng thứ tám bằng và vần:

Chữ tài, chữ mệnh khéo ghét nhau.

Hai tiếng bằng thứ sáu và thứ tám nhất-định phải một tiếng bổng và một tiếng chìm, như: với nhau, — đau với lòng, ở mấy câu thơ để làm mẫu ở trên.

Đó là luật bằng trắc nhất-định trong thể thơ lục-bát. Sai luật ấy là thất luật.

2. Vần. — Trong hai câu thơ lục và bát, câu lục chỉ có cước-vận ở chữ thứ sáu, mà câu bát thì có yêu-vận ở chữ thứ sáu và cước-vận ở chữ thứ tám.

Tiếng cuối câu lục vần với tiếng thứ sáu câu bát ở dưới. Tiếng cuối câu bát vần với tiếng cuối câu lục tiếp sau:

Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài, chữ mệnh khéo ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau-đớn lòng.

Xem như thế, thì thơ lục-bát cứ phải có ba vần đi với nhau, một vần ở cuối câu bát, một vần ở cuối câu lục tiếp sau và một vần ở chữ thứ sáu trong câu bát nối với câu lục ở trên. Đến cuối câu bát ấy lại đổi sang vần khác. Xem mấy câu thơ đầu truyện Kiều thì thấy hết ba vần nhau, dâu, đau, lại đổi sang ba vần lòng, phong, hồng, v.v...

3. Đối.— Thơ lục-bát có hai câu dài ngắn không đều, cho nên khi người ta muốn đối, thì chỉ dùng tiểu-đối trong một câu, chứ không có bình-đối hai câu với nhau:

Sương in mặt, tuyết pha thân,

Hay là:

Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng.

Tội-nghiệp và công-đức cô Kiều (Truyện Kiều)

Giác-duyên từ tiết giã nàng,
Đeo bầu quảy níp, rộng đường vân du,
Gặp sư Tam-hợp đạo-cô,
Thong-dong hỏi hết nhỏ to sự nàng:
« Người sao hiếu nghĩa đủ đường,
Kiếp sao rặt những đoạn-trường thế thôi? »
Sư rằng: « Phúc họa đạo trời,
Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra.
Có trời mà cũng tại ta,
Tu là cỗi phúc, tình là dây oan.
Thúy Kiều sắc-sảo khôn-ngoan,
Vô duyên là phận hồng-nhan đã đành.
Lại mang lấy một chữ tình,
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong.
Vậy nên những chốn thong-dong,
Ở không yên-ổn, ngồi không vững-vàng,
Ma đưa lối, quỉ đưa đường,
Lại tìm những chốn đoạn-trường mà đi.
Hết nạn ấy, đến nạn kia,

Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần.
Trong vòng giáo dựng gươm trần,
Kề lưng hùm-sói, gửi thân tôi-đòi.
Giữa dòng nước dẫy sóng giồi,
Trước hàm rồng cá gieo mồi vắng tanh.
Oan kia theo mãi với tình,
Một mình mình biết, một mình mình hay.
Làm cho sống đọa thác đày,
Đoạn-trường cho hết kiếp này mới thôi ».
Giác-duyên nghe nói rụng rời:
« Một đời nàng nhé, thương ôi còn gì! »
Sư rằng: « Song chẳng hề chi,
Nghiệp-duyên cân lại nhắc đi còn nhiều.
Xét trong tội-nghiệp Thúy Kiều,
Mắc điều tình-ái khỏi điều tà dâm.
Lấy tình thâm trả tình thâm,
Bán mình đã động hiếu tâm đến trời.
Hại một người, cứu muôn người,
Biết đường khinh-trọng, biết lời phải-chăng.
Thửa công-đức ấy ai bằng,
Túc-khiêng đã rửa lâng lâng sạch rồi.
Khi nên trời cũng chiều người,
Nhẹ-nhàng nợ trước, đền-bồi duyên sau.
Giác-duyên dù nhớ nghĩa nhau,
Tiền-đường thả một bè lau rước người.
Trước sau cho vẹn một lời,
Duyên ta mà cũng phúc trời chi không ».
Giác-duyên nghe nói mừng lòng.
Lân-la tìm thú bên sông Tiền-đường.
Đánh tranh chụm nóc thảo-đường,
Một gian nước biếc mây vàng chia đôi.
Thuê năm, ngư-phủ hai người,
Đóng thuyền chực bến, kết chài giăng sông.

Một lòng chẳng quản mấy công,
Khéo thay gặp-gỡ cũng trong chuyển-vần.
Kiều từ gieo xuống duềnh ngân,
Nước xuôi bỗng đã trôi dần tận nơi.
Ngư-ông kéo lưới vớt người,
Ngẫm lời Tam-hợp rõ mười chẳng ngoa.
Trên mui lướt-mướt áo là,
Tuy dầm hơi nước, chưa lòa bóng gương.
Giác-duyên nhận thật mặt nàng,
Nàng còn thiêm-thiếp giấc vàng chưa phai.
Mơ-màng phách quế hồn mai,
Đạm Tiên thoắt đã thấy người ngày xưa.
Rằng: « Tôi đã có lòng chờ,
Mất công mười mấy năm thừa ở đây.
Chị sao phận mỏng đức dày,
Kiếp xưa đã vậy lòng này dễ ai!
Tâm thành đã thấu đến trời,
Bán mình là hiếu, cứu người là nhân.
Một niềm vì nước vì dân,
Âm công cất một đồng cân đã già.
Đoạn-trường sổ, rút tên ra,
Đoạn-trường thơ, phải đưa mà trả nhau.
Còn nhiều hưởng-thụ về lâu,
Duyên xưa đầy-đặn, phúc sau dồi-dào ».
Nàng còn ngơ-ngẩn biết sao,
Trạc-tuyền! nghe tiếng gọi vào bên tai.
Giật mình thoắt tỉnh giấc mai,
Bâng-khuâng nào đã biết ai mà nhìn.
Trong thuyền nào thấy Đạm Tiên,
Bên mình chỉ thấy Giác-duyên ngồi kề.
Thấy nhau mừng rỡ trăm bề,
Dọn thuyền mới rước nàng về thảo-lư.

Một nhà chung-chạ sớm trưa,
Gió trăng mát mặt, muối dưa chay lòng.
Bốn bề bát-ngát mênh-mông,
Triều dâng hôm sớm, mây lồng trước sau.