"Thánh võ"

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bước tới điều hướng Bước tới tìm kiếm

Lần trước tôi đã từng nói rằng "bất cứ chủ nghĩa nào cũng đều không can liên gì với Trung Quốc cả" ; hôm nay bỗng lại có chút ít ý kiến, bèn viết nốt dưới đây.

Tôi tưởng, Trung Quốc chúng ta vốn không phải là chỗ phát sinh ra chủ nghĩa mới, mà cũng không có chỗ dung nạp chủ nghĩa mới, ví thử tình cờ có tư tưởng từ ngoài đến, cũng tức khắc đổi màu sắc đi, vả lại có nhiều luận giả trở lấy điều đó tự hào. Chúng ta chỉ để ý xem những bài tựa bài bạt trên các bổn sách dịch, cho đến các thứ phê bình nghị luận đối với sự tình ngoại quốc, thì có thể thấy ra ở quãng giữa tư tưởng của chúng ta và người khác, quả thật còn có mấy lớp vách sắt cách nhau. Họ nói về vấn đề gia đình, chúng ta lại cho là họ cổ động chiến tranh ; họ vạch ra khuyết điểm của xã hội, chúng ta lại nói họ pha trò ; cái họ nói là tốt, chúng ta lại nói là xấu. Nếu lại để ý xem xét tánh cách quốc dân, văn học quốc dân của nước khác, lại đọc một cuốn bình truyện của nhà văn họ, thì càng thấy rõ tánh tình tả trong tác phẩm ngoại quốc và tư tưởng của tác giả, hầu như toàn là cái Trung Quốc không hề có. Cho nên không thể hiểu nhau, không thể đồng tình, không thể cảm thông, thậm chí những điều phải chăng yêu ghét giữa họ và ta cũng không khỏi đưa đến cái kết quả trái nhau.

Người tuyên truyền chủ nghĩa mới là người phóng hỏa ư, cũng cần phải người khác có vật dẫn hỏa bằng tinh thần thì mới bắt cháy được ; là người gảy đàn ư, cũng cần phải người khác có dây đàn ở trong lòng thì mới nẩy tiếng được ; là đồ phát thanh tư, người khác cũng phải là đồ phát thanh, thì mới đồng thanh tương ứng được. Người Trung Quốc đều không giống thế, cho nên không thể can liên với nhau.

Có lẽ có mấy vị độc giả nổi đóa, nói: "Trung Quốc thường khi có người đem tính mệnh hy sinh cho chủ nghĩa của mình, từ có Trung Hoa Dân quốc đến nay, có bao nhiêu liệt sĩ chết vì chủ nghĩa, hừ! Sao anh lại mạt sát tất cả?" Lời ấy đúng lắm. Nói về tư tưởng từ ngoài đến thuở xưa, đời Lục triều quả có nhiều vị hòa thượng lên giàn hỏa, đời Đường cũng có vị hòa thượng sả cánh tay bố thí cho kẻ bơ vơ ; nói về cái mới gần nay, cố nhiên cũng đã có mấy người. Nhưng mà, với lịch sử Trung Quốc vẫn không can liên gì. Bởi vì sự đổ sổ của lịch sử không thể tinh mật như số học, bao nhiêu những con số nhỏ viết ra, chỉ có thể bắt chước lối tính bỏ đầu bỏ đuôi của người quê vụng, chỉ ghi lấy một số đại đổng.

Trong số đại đổng của lịch sử Trung Quốc, thực ra không hề có tư tưởng chủ nghĩa nào ở trong đó. Số đại đổng ấy chỉ là hai thứ vật chất, - là dao và lửa, "đến rồi" là cái tên chung của nó.

Lửa từ phía bắc đến thì trốn về phía nam, dao từ đằng trước đến thì lùi lại đằng sau, một đống lớn sổ lưu thủy chỉ có một mô hình ấy. Nếu hiềm cái tên "đến rồi" không trang nghiêm mấy, "dao và lửa" cũng chọc vào mắt, thì chúng ta có thể nghĩ ra kiểu khác, kính dâng một cái hàm ơn, gọi là "thánh võ"[1], thì dễ coi ngay.

Đời xưa, vua Tần Thủy Hoàng rất sang trọng, Lưu Bang và Hạng Võ đều xem thấy, Bang nói rằng: "Hỡi ôi! Đại trượng phu phải làm nên dường ấy vậy!" Võ nói rằng: "Hắn, có thể lấy mà thay thế vậy!"[2] Võ muốn "lấy" cái gì? Bên là cái "dường ấy" mà Bang nói. Cái trình độ của "dường ấy" tuy không giống nhau, nhưng mà ai cũng muốn lấy, kẻ bị lấy là "hắn", kẻ lấy là "trượng phu". Trong lòng của hết thảy "hắn" và "trượng phu" đều là chỗ sản sinh, chỗ dung nạp của cái "thánh võ" ấy.

Thế nào gọi là "dường ấy"? Nói ra, câu chuyện hơi dài, ở đây chỉ tóm tắt rằng, đó chỉ là sự thỏa thuê cái dục vọng - uy phúc, tử nữ, ngọc bạch[3] - về phương diện thú tánh thuần túy trong loài người mà thôi. Nhưng mà ở hết thảy trượng phu lớn hay nhỏ, lại đều kể là cái lý tưởng (?) tối cao rồi đấy. Tôi e cho người đời nay vẫn còn cứ bị cái lý tưởng ấy chi phối.

Sau khi đại trượng phu đã "dường ấy" rồi, dục vọng chưa giảm kém, nhưng thân thể đã mòn mỏi, vả lại thấy trong tối có cái bóng đen - cái chết - đã đến bên mình rồi. Thế rồi không có cách nào khác, chỉ việc đi cầu thần tiên[4]. Điều đó ở Trung Quốc, cũng phải kể là lý tưởng tối cao. Tôi e cho người đời nay vẫn còn cứ bị cái lý tưởng ấy chi phối.

Cầu thần tiên một dạo, rốt cuộc không thấy gì, đâm ra nghi ngờ. Thế rồi phải xây mồ để bảo tồn cái xác chết, toan dùng cái thây xác của mình choán mãi mãi một miếng đất[5]. Điều ấy ở Trung Quốc cũng phải kể là một thứ lý tưởng tối cao khi đã hết cách xoay. Tôi e cho người đời nay vẫn còn cứ bị cái lý tưởng ấy chi phối.

Hiện nay những tư tưởng từ ngoài đến, không luận thế nào, nó cũng còn có cái hơi thở của tự do bình đẳng, cái hơi thở của hỗ trợ cọng tồn, mà ở chúng ta thì độc có cái "ta", độc nghĩ việc "lấy hắn", trên miếng đất tư tưởng độc một người toan uống cạn hết thảy rượu của không gian thời gian ấy, thật không còn có chỗ nào trống cho tư tưởng khác chen chân vào.

Vì đó, chỉ phải ngăn ngừa cái "đến rồi" kia là đủ rồi. Hãy xem nước khác, kẻ chống cự cái "đến rồi" ấy bèn là nhân dân có chủ nghĩa. Họ vì cái chủ nghĩa mình đã tin mà hy sinh hết thảy những cái khác, lấy xương thịt đè nhụt gươm dao, lấy máu me tưới tắt khói lửa. Trong ánh sáng phai nhạt của dao và lửa thấy được màu trời hừng chói, ấy là màu rạng đông của thế kỷ mới[6].

Ánh sáng rạng đông ở trên đầu, chẳng ngước đầu lên, thì mãi mãi chỉ có thể nhìn thấy cái nhoáng sáng của vật chất.

1918
(Dịch ở Nhiệt Phong)

   




Chú thích

  1. Hai chữ "thánh võ" bắt đầu thấy trong Kinh Thư, về sau nhà nho, nhất là nhà viết sử, thường dùng để xưng tụng những ông vua sáng nghiệp như Hán Cao Tổ (Lưu Bang), Đường Thái Tông (Lý Thế Dân). Ý họ nói, có là "thánh" mới thay trời trị dân được, có là "võ" mới dẹp loạn an thiên hạ được. Nhưng thực ra, không phải "thánh võ" gì hết, chỉ là làm cho thỏa mãn cái tư dục của một người mà thôi, như sẽ nói dưới đây.
  2. Chuyện này có chép trong sách Sử ký. Nguyên văn câu Lưu Bang nói là: "Ta hồ! Đại trượng phu đương như thị dã" ; câu của Hạng Võ nói là: "Bỉ, khả thủ nhi đại dã".
  3. Uy phúc: uy là ra uy, trừng trị ai, phúc là làm phúc, ban ơn cho ai. Nghĩa là nắm cái quyền ra uy làm phúc trong tay mình, muốn làm gì thì làm. Tử nữ là con trai con gái, đàn ông đàn bà, hết thảy người trong nước đều làm thần dân mình. Ngọc là đá quý, bạch là lụa, tức là hết thảy châu báu của cải trong nước đều là của mình.
  4. Tức như Tần Thủy Hoàng, Hán Võ Đế, lúc thấy mình đã thành công, sang trọng tột bậc rồi, mong sống lâu mãi mãi để mà hưởng, bèn đi cầu thần tiên, kiếm thuốc trường sinh bất tử.
  5. Không thể sống mãi mãi được, thế nào cũng phải chết, bèn lo việc xây lăng tẩm. (Lăng là chỗ chôn xác, tẩm là chỗ thờ). Ở nước ta còn có câu tục ngữ: "Tức vị, trị quan". Nghĩa là ông vua lên ngôi một cái là lo việc sắm sửa áo quan ngay. Và, như vua Tự Đức, sau khi lên ngôi ít lâu, xây dựng sở Vạn Niên, về sau gọi là Khiêm Lăng. Bấy giờ có câu ca dao: "Vạn Niên là vạn niên nào, thành xây xương lính, hào đào máu dân".
  6. Trong đoạn nầy, chữ "nước khác" là chỉ nước Nga Xô Viết ; chữ "chủ nghĩa" là chỉ chủ nghĩa cộng sản. Sau Cách mạng tháng Mười, chủ nghĩa cộng sản đã làm rung động Trung Quốc, nhưng bị bọn quân phiệt ngăn cấm, cho nên Lỗ Tấn chỉ nói bằng cách kín đáo như thế.