Bước tới nội dung

Đọc cuốn "Nho giáo" của ông Trần Trọng Kim

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Đọc cuốn "Nho giáo" của ông Trần Trọng Kim  (1930) 
của Phan Khôi

Đây là một bài báo trong loạt bài đối thoại viết với nhau về cuốn Nho giáo giữa Phan KhôiTrần Trọng Kim đăng trên các số khác nhau của Phụ nữ tân văn. Danh sách đầy đủ bao gồm:

  1. Phan Khôi: Đọc cuốn "Nho giáo" của ông Trần Trọng Kim (Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 54, ngày 29 tháng 5 năm 1930).
  2. Trần Trọng Kim: Mấy lời bàn với Phan tiên sanh về Khổng giáo (Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 60, ngày 10 tháng 7 năm 1930).
  3. Phan Khôi: Mời Trần Trọng Kim tiên sanh đi với Khổng Tử Mạnh Tử đến nhà M.Logique chơi, tại đó, chúng ta sẽ nói chuyện (Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 63 ngày 31 tháng 7 và số 64 ngày 7 tháng 8 năm 1930).
  4. Trần Trọng Kim: Mời Phan Khôi tiên sanh trở về nhà học của ta mà nói chuyện (Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 71 ngày 25 tháng 9; số 72 ngày 2 tháng 10 và số 74 ngày 16 tháng 10 năm 1930).

Mặc dầu sống trong đời Âu hóa nầy, không biết Khổng giáo cũng không phải là người Việt Nam. Nho giáo là sách của Trần tiên sanh đã dùng thức lực và lắm công phu nghiên cứu mà soạn ra, mọi người Việt Nam đều nên đọc

Mới rồi, tòa soạn Phụ nữ tân văn giao cho tôi một cuốn sách mới xuất bản, mà tác giả là Trần Trọng Kim tiên sanh đã gởi tặng, cậy tôi đọc qua và viết một bài phê bình cho xứng đáng.

Sách, tên là Nho giáo, dày 344 trang, in thiệt đẹp, tại nhà in Trung Bắc Tân Văn, giá mỗi cuốn 1$20. Nho giáo nầy có lẽ là một bộ sách, chưa biết mấy cuốn, đây mới là cuốn I.

Trần tiên sanh, trong tập báo nầy đã có lần giới thiệu; và chính tôi, hồi ở Hà Nội, cũng từng được thừa tiếp tiên sanh. Trần quân rõ là một nhà học giả, mà lại thuần túy cái thái độ học giả đời nay, nghĩa là dùng phương pháp khoa học mà nghiên cứu các học thuật, bởi vậy làm ra sách vở rất có giá trị.

Tiên sanh vốn là nhà Tây học, mà lại chuyên trị về các học thuyết phương Đông. Đã có hai lần tiên sanh giảng diễn về Khổng Tử và Lão Tử, bài diễn văn có đăng trong tạp chí Nam phong. Lại có lần, chính tôi thấy tiên sanh gởi mua kinh Phật bên Tàu thiệt nhiều, hình như tiên sanh đương nghiên cứu về Phật học nữa.

Tôi sẵn có những điều ghi nhớ ấy trong đầu, tiếp được cuốn sách nầy, là tự nhiên phải đốt hương lên mà đọc.

Bắt đầu đọc cái tựa, đã thấy mướt mồ hôi. Vì tiên sanh có nói thiệt tình rằng việc làm cuốn sách nầy đáng lẽ là việc của nhà nho, nhưng thấy không ai làm, nên tiên sanh phải gánh lấy. Tôi đây cũng bị kêu là nhà nho, bảo sao tôi đừng hổ thẹn cho được?

Kế đến, trong lời phát đoan, tiên sanh nói rằng: “… Thậm chí những nhà dòng dõi thi lễ, trước còn không chịu theo tân học, nay lại tự mình bài bác cái học cũ kịch liệt hơn những người thường”.

Câu ấy, tôi biết tiên sanh nói giữa thinh không. Nhưng đại phàm có ghẻ thì né ruồi, tôi nhìn thấy mấy lời ấy càng như nước lạnh xối vào xương sống.

Năm ngoái, tôi có viết trong Thần chung một mớ mấy chục bài nói về Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta. Trong đó, không phải là bài bác hết thảy, song có nhiều điều tôi bài bác Khổng giáo thiệt tình. Tôi làm điều ấy theo cái sở kiến của tôi, có cái lẽ mà tự tôi cho là phải. Song tôi vẫn là người, dầu nguội lạnh cho mấy cũng còn có tình cảm khi, thấy người ta nói như chạm đến mình, thì né mình một chút cũng là thường.

Đó là việc riêng của tôi, ăn thua gì vào đây mà kể. Nhưng tôi đã kể, là vì có sự cần, như là muốn phân chứng cùng độc giả vậy.

Coi như trên đó thì đủ thấy về Nho giáo, ý Trần tiên sanh với ý tôi khác nhau. Vậy thì lấy người bên phe tả mà phê bình sách của người bên phe hữu làm ra, nhiều người chắc cho là sự nguy hiểm, thế nào cũng không khỏi lấy thành kiến mà bắt bẻ nhau, dùng tư tâm mà bới móc nhau.

Vì muốn giải trước cái sự nghi ngờ ấy nên tôi kể ra câu chuyện trên kia, và phân bua cùng độc giả rằng: Trong khi tôi viết bài nầy, nói xin bỏ lỗi, là chỉ như kiểm soát lại coi thử cuốn sách ông Trần có thiệt đúng với Nho giáo không; chớ còn, về cái ý kiến của ông Trần và của tôi đối với Nho giáo thế nào, tôi không nói tới.

*

* *

Trước hết ta phải phục cái sự xếp đặt trong cuốn Nho giáo là rất khéo. Chia làm tám chương:

Chương I, nói về thượng cổ thời đại, kể cái tình trạng xã hội Tàu và cái triết học thuở xưa, là cái nền Nho giáo bởi đó lập lên.

Chương II, nói về Xuân Thu thời đại và Khổng phu tử, đặng cho biết Nho giáo cũng là theo sự cần dùng của thời đại mà xuất hiện, y như cái luật nhân quả.

Chương III, nói về học thuyết của Khổng phu tử, mà Hình nhi thượng học là cái học về phần huyền diệu.

Chương IV, nói về Hình nhi hạ học, là cái học về phần đời.

Chương V, nói về những sách Khổng phu tử.

Chương VI, nói về môn đệ Khổng phu tử, tức là những học trò của ngài.

Chương VII, nói về Chiến Quốc thời đại, các học phái của Nho giáo, tức là cái học phái do từ Khổng phu tử mà chia ra.

Chương VIII, nói về Mạnh tử, là người tiếp lấy chơn truyền của Khổng phu tử.

Trong tám chương ấy có chương III và IV là trọng yếu hơn hết. Chính cái thống hệ của Khổng học là ở đó. Khổng Tử thường xưng cái đạo của mình là nhứt quán, tức là phần hình nhi thượng học và phần hình nhi hạ học xâu suất cùng nhau làm một vậy. Thiệt Trần tiên sanh đã móc cái chỗ tinh vi của đạo ngài ra cho thiên hạ cùng xem.

Tóm lại, một cuốn sách nói về Nho giáo tường tận tinh tế như vầy, thiệt là trong cõi Việt Nam ta từ xưa đến nay chưa hề có. Mà cũng chỉ có người nào đã chịu phép bóp-tem[1] của khoa học như Trần quân thì mới nói được ra. Cho nên, công việc nầy, nói thì mích lòng, đâu có thể trông mong được ở những nhà nho cổ hủ!

*

* *

Nếu trong bài nầy tôi cứ tán tụng hoài như vậy thì thiệt là vô vị quá, chẳng có ích chi cho độc giả, mà cũng chẳng có ích chi cho tác giả chút nào.

Cuốn sách nầy tác giả nói rằng như là vẽ cái bản đồ của Khổng giáo, mà tự mình cũng chưa chắc là đã đúng hết. Vậy kẻ đọc nếu có thấy những chỗ chưa đúng ấy mà chỉ ra, há chẳng là có ích lắm sao?

Bây giờ tôi muốn chỉ ra một vài chỗ không đúng ấy. Nhưng tôi dựa vào đâu mà dám nói là không đúng? Ấy, chẳng có gì chắc chắn cho bằng lấy những chứng cớ trong sách họ Khổng ra mà đối cứu lại.

1. Tống nho với Khổng Tử. – Trong khi xét về Nho giáo, điều nên thận trọng thứ nhứt, là chớ làm lộn Khổng Tử với Tống Nho. Các ông nầy xưng mình là tiếp lấy chánh truyền của Khổng thị mà kỳ thiệt là có nhiều điều trái với thánh nhân. Điều đó tác giả vẫn đã biết rồi, có chỗ Trần tiên sanh nói rằng Tống nho đã đem Lão học và Phật học vào trong Nho giáo… Thế nhưng tiên sanh cũng còn có chỗ không khỏi bị Tống nho qua mặt mình.

Ở sách Nho giáo tr. 89, tác giả nói rằng: “Đối với cuộc tạo hóa thì Khổng phu tử cho rằng lúc đầu ở trong võ trụ chỉ có cái lý vô cực tức là đời hỗn mang mờ mịt không rõ là cái gì cả. Lý vô cực ấy tức là lý thái cực, v.v…”

Ấy là cái thuyết “vô cực nhi thái cực” của Chu Đôn Di ở nhà Tống, chớ Khổng Tử không hề nói như vậy. Trong kinh Dịch, Khổng Tử chỉ nói “Dịch hữu thái cực, thị sanh lưỡng nghi…” mà thôi, chớ không còn cái vô cực nào ở trên cái thái cực nữa.

Thiệt như tác giả nói, Tống nho đã dựa theo Lão học mà đem cái vô cực để chồng lên cái thái cực của Khổng Tử. Bởi vì Lão Tử có nói: “Vô danh thiên địa chi thủy”; lại nói: “Thiên hạ vạn vật sanh ư hữu; hữu sanh ư vô”. Lão Tử cho cái “vô” là bổn thể của võ trụ, tự thành ra cái thuyết một nhà; Tống nho đem mà nhập với cái thuyết của họ Khổng, làm cho tối mờ Khổng giáo đi cũng vì đó.

Cái triết học của Lão Tử là phát nhẫn từ chữ “vô”, cho nên hướng chiều về mặt tiêu cực, yếm thế. Còn cái triết học của Khổng Tử là phát nhẫn từ chữ “hữu”[2], cho nên hướng chiều về mặt tích cực, nhập thế. Vậy nếu đem vô cực làm cái lẽ gốc về võ trụ quan của Khổng Tử, thì thành ra một chỗ khớp trong cái đạo nhứt quán của ngài.

Nguyên câu “vô cực nhi thái cực” của Chu Liêm Khê[3] có ý là vô cực rồi mới đến thái cực. Nhưng theo Trần tiên sanh cắt nghĩa đây, thì vô cực tức là thái cực. Đã vậy thì nên cứ nói thái cực theo đúng như Khổng Tử, lại còn nói vô cực làm chi? Vậy xin Trần quân trả cái “vô cực” lại cho Tống nho, đừng đem mà nhập vào với cái thái cực của Khổng Tử.

Trong đoạn nầy, tôi không có ý cho bên nào là phải hay bên nào là trái; tôi không có ý binh bên Khổng Tử và bỏ bên Lão Tử cùng bắt bẻ Tống nho. Song tôi chỉ nói cách thật thà rằng: cái chơn lý của võ trụ cũng như là chén bạc chưa mở, các nhà triết học xưa nay cũng như là con bạc mỗi người đánh một vỉ theo ý mình. Trong khi chén bạc còn úp đó, nhà học giả là bọn ta đây cũng như tay phá hỏa, nên coi từng vỉ cho thiệt rành mà không nên thò tay sửa vỉ của con bạc.

2. Triết học phương Tây với Khổng học. - Học giả đời nay hay đem cái học thuyết Đông Tây mà so sánh nhau, ấy là việc phải làm mà cũng là việc nên làm. Nhưng, so sánh nhau thì được, chớ còn chỉ quyết rằng cái nầy tức là cái kia, cái kia tức là cái nọ thì không được. Bởi vì sự hơi giống với nhau thì có, chớ còn giống hệt như nhau thì chưa hề có.

Tức như các danh từ về triết học, Đông có của Đông, Tây có của Tây, mượn mà chứng minh cho nhau thì không hại, đem mà đánh nhập vào một thì có hại. Vì những danh từ ấy là lợi khí cho ta dùng mà nghiên cứu, nếu dùng sai đi thì nó sẽ đưa ta đến chỗ lỗi lầm.

Như trong danh từ triết học, tây có chữ “Intuition”, chỉ nghĩa là sự biết thẳng, không cần phải suy nghĩ, phải lý luận. Chữ trong ấy triết học Tàu không có, nên người Tàu phải dịch là “Trực giác”. Cũng như chữ “Raison”, không có chữ sẵn, phải dịch “Lý tánh” hay là “Lý trí”.

Vậy mà trong sách Nho giáo, ở trang 23-24 và 31, tác giả cho “Lương tri” tức là “Trực giác” và “Trí” tức là “Lý trí”.

Chữ “Lương tri” xuất trong sách Mạnh Tử. Mạnh Tử nói rằng: “Nhân chi… sở bất lự nhi tri giã, kỳ lương tri dã”. (Cái điều người ta không cần suy nghĩ mà biết, ấy là lương tri). Cứ như ý nghĩa câu đó thì có hơi giống với “trực giác” thiệt, nhưng vốn khác nhau xa.

Theo ý Mạnh Tử thì lương tri là cái sự biết mà trời phó cho mình, hay là tự nhiên mà biết. Bởi vì tiếp sau câu đó ngài có nói thêm rằng: “Con nít mới đẻ ra, đều biết yêu cha mẹ mình; đến lớn, đều biết kính anh mình. Yêu cha mẹ, ấy là nhân; kính anh, ấy là nghĩa”. Coi như vậy thì cái lương tri, hàm nghĩa của nó rộng lắm, chẳng những bao nhân và nghĩa, mà luôn cả lễ, trí, tín nữa, cho đến cái trực giác hay là cái lý trí, nó cũng nuốt vào ở trong.

Lương tri là nói về “tánh”, còn trực giác – cả đến lý trí nữa – chỉ nói về cái cách nhận thức của nhà triết học dùng mà thôi. Cho nên không có thể nói quyết trực giác tức là lương tri được. Mà theo đó lại đủ biết rằng lý trí không phải là trí, vì Khổng Tử khi nào nói trí là chỉ về cái đức của người quân tử dùng để ứng sự tiếp vật, chớ không phải cái cách dùng để nhận thức mọi sự.

Ở trang 30, Trần tiên sanh có nói rằng: “Khổng phu tử không hay nói đến lý trí”. Ấy là bởi Tiên sanh nhận nghĩa chữ trí và lý trí không được rạch ròi.

Chính cái chữ lý trí là chữ dịch của Tây ra, thiệt Khổng Tử không hề nói đến. Nhưng cái phương pháp dùng lý trí mà nhận thức mọi sự thì Khổng Tử vẫn dùng. Như ngài nói “Thận tư chi, minh biện chi”, cùng những cái kêu là “cách vật, trí tri” trong Đại học, thì chẳng phải lý trí là gì?

3. Trần Trọng Kim với Khổng Tử. – Có những chỗ mà Trần tiên sanh lấy ý mình cắt nghĩa Khổng giáo; chỗ nào tôi thấy hợp với Khổng Tử thì thôi, còn chỗ nào tôi thấy là không hợp, thì tôi xin chỉ chỗ ấy ra.

Cái lẽ trung dung của Khổng Tử, nó ra làm sao, không có thể đem mà bàn luận ở đây. Duy nói tóm một điều, tôi cho nó là lẽ cao siêu quá, người ta khó làm theo được. Nếu đem cái lẽ trung dung mà truyền bá cho cái xã hội nầy thì hầu hết tín đồ của nó sẽ thành ra “hương nguyện” là một hạng người mà Khổng Tử đã ghét cay ghét đắng. Cho nên trong bài Ảnh hưởng Khổng giáo của tôi, tôi bảo bỏ cái thuyết trung dung đi, đừng nói đến là hơn, vì theo nó thì chưa chắc làm được “thánh hiền”, mà thiệt dễ làm ra “hương nguyện” quá.

Tôi nói trung dung khó theo, là tôi nói theo Khổng Tử. Chính trong sách trung dung, ngài tỏ ra cái ý ấy chẳng phải một lần. Ngài nói rằng: “Lẽ trung dung thật là là tột vậy thay, đã lâu rồi, người ta ít làm theo được!” Lại rằng: “Thiên hạ, quốc gia, có thể quân binh được; tước lộc có thể từ đi được; gươm đao, có thể xông vào được; chớ trung dung không có thể làm theo được!” Lại nói rằng: “Quân tử nương theo lẽ trung dung, trốn đời, đời chẳng biết mình mà mình chẳng ăn năn, duy có bực thánh mới làm được như vậy”. Đó, coi mấy lời ngài đó thì cái lẽ trung dung nó khó là đến bực nào!

Vậy mà sách Nho giáo, nơi trang 237, tác giả nói rằng: “Nói rút lại, đạo của Khổng phu tử là trung dung, tuy không huyền diệu siêu việt như đạo Lão, đạo Phật, nhưng cũng cao minh lắm, mà lại rất thích hợp với chơn lý, thật là cái đạo xử thế rất hay, rất phải, ai theo cũng được và thi hành ra đời nào cũng được”.

Lạ chưa! Cái người lập ra đạo trung dung ấy ở trước hơn hai ngàn năm nay, cho rằng rất khó, “ít làm theo được, duy có bậc thánh mới làm được”. Rồi đến cái người cắt nghĩa đạo ấy ở sau hơn hai ngàn năm, lại nói rằng “ai theo cũng được và thi hành ra đời nào cũng được”, bỗng hóa ra sự rất dễ! Độc giả biểu mình nên tin ai? Tự nhiên tôi phải tin lời Khổng Tử hơn là tin lời Trần quân vậy.

*

* *

Ở trang 116, tác giả nói Khổng Tử “tin có quỷ thần”. Nói theo danh từ của học giới ngày nay, thì ý Trần quân cho Khổng Tử là hữu thần luận giả. Điều nầy tôi e còn chưa đúng. Theo tôi biết thì Khổng Tử là một nhà vô thần luận giả. Vì trong Luận ngữ nói: “Tử bất ngữ quái, lực, loạn, thần”. Lại khi Tử Lộ hỏi sự thờ quỷ thần, ngài cũng không trả lời. Song le cái chứng cớ ấy chưa vững mấy, vì có lẽ ngài nhìn là có, nhưng ngài không nói đến.

Tôi phải lấy cái chứng nầy cho chắc hơn chút nữa: Trong Luận ngữ nói: “Tế như tại, tế thần như thần tại”. Trong Trung dung cũng nói: “Dương dương hồ như tại kỳ thượng, như tại kỳ tả hữu”. Hãy ngẫm nghĩ bốn chữ như đó cho kỹ, có phải ngài nhìn là không có quỷ thần, song trong khi tế tự, mình phải coi như là có không?

Đã tin rằng không có quỷ thần, thì sao còn bày ra tế tự làm chi? Đó là một vấn đề khác, cắt nghĩa ra đây rườm quá, xin cho tạm bỏ qua.

Lại còn có một cái bằng chứng nữa đủ tỏ ra Khổng Tử là vô thần luận giả. Mặc Tử là vị giáo chủ của đạo Mặc, sanh sau Khổng Tử độ non một trăm năm, có nói trong sách của mình rằng: “Nho dĩ thiên vi bất minh, dĩ quỷ vi bất thần”. Trong sách Mặc Tử có một thiên, kêu là “Minh quỷ”, chứng minh rằng quỷ thần là thiệt có, để phản đối lại cái vô thần chủ nghĩa của đạo Nho. Nếu nói Khổng Tử tin có quỷ thần, thì sao Mặc Tử còn phản đối mà nói ra lời như vậy?

Mặc Tử ở đồng xứ với Khổng Tử, vả lại cách nhau chỉ non một trăm năm, chắc là nói đúng hơn Trần tiên sanh là người ở sau Khổng Tử hơn hai ngàn năm và lại đẻ ra trong nước Nam Việt, bởi vậy tôi phải tin lời Mặc Tử.

Sự quỷ thần có hay không, là quan hệ với sự sanh tử. Trong khi Tử Lộ hỏi sự thờ quỷ thần, ngài không trả lời đã đành; kế hỏi đến sự sanh tử, ngài cũng không trả lời. Tuy vậy, hình như ngài có tỏ cái lẽ sanh tử ra trong Hệ từ kinh Dịch. Tại đó, ngài có nói rằng: “Tinh khí vi vật, du hồn vi biến”. Câu nầy chừng như nghĩa là: Lúc người ta sanh ra thì chịu cái tinh khí mà thành hình; đến lúc chết, cái du hồn biến đi, thì còn có quỷ thần đâu mà tin?

Trần tiên sanh vì đã lấy sự hữu thần làm cái quan niệm gốc của Khổng giáo, cho nên diễn dịch ra mà nói rằng Nho giáo tin hễ người nào tu đến bực thánh thì sau chết sẽ lên trời; có nhiều lần dẫn những câu “Tam hậu tại thiên” và “Văn vương trắc giáng, tại đế tả hữu” ra để làm chứng. Tôi e không phải. Mấy câu ấy chỉ là lời trong bài ca tụng của nhà vua dùng mà khoa trương tổ tông mình đó thôi, chẳng nên đem làm tài liệu cho sự khảo cứu về triết học.

*

* *

Ngoài ba điều quan hệ ấy ra, còn đôi điều đáng nói nữa, mà nói những điều nầy ra thì e phạm đến chỗ cái ý kiến của Trần quân và của tôi đối với Khổng giáo, mà trên kia tôi đã hứa rằng sẽ không đụng chạm đến. Tuy vậy, không hề gì; trong khi nói, tôi vẫn giữ cái thái độ ngay thật đối với Khổng giáo, đối với Trần quân, và sau lại đối với tôi nữa.

Tôi bình nhựt vẫn nói: Khổng giáo không dung được với Tây học ngày nay vì có hai điều: một là cái vẻ huyền học của Khổng giáo trái với khoa học; hai là cái chủ nghĩa tôn quân của Khổng giáo trái với chủ nghĩa duy dân (démocratisme). Rồi tôi kết luận rằng ta ngày nay theo Khổng giáo chỉ nên lấy nội cái phần tu thân để đạt đến cái mục đích làm quân tử mà thôi; còn phàm những cái gì nghịch với hai cái của Tây học kia thì nên bỏ đi, vì sự theo Tây học cần cho ta ngày nay lắm.

Sách Nho giáo trang 36, tác giả nói rằng: “Nho giáo trọng sự chánh tâm tu thân, nhưng vẫn lấy điều trí tri cách vật làm cốt yếu. Vậy đem Nho giáo mà dung hợp với khoa học ngày nay, tưởng cũng không phải là trái với cái tôn chỉ của Khổng - Mạnh…”

Ý Trần tiên sanh muốn lấy bốn chữ “cách vật trí tri” đó để phân cớ rằng Khổng giáo không trái với khoa học.

Thế nhưng chỉ bốn chữ ấy mà thôi, ngoài ra thiệt có lắm điều trở ngại cho khoa học. Đại để Khổng giáo chỉ nói cái lẽ đương nhiên mà không nói đến cái lẽ sở dĩ nhiên, bảo người ta phải làm như vậy mà không cắt nghĩa cho người ta tại làm sao phải làm như vậy. Tôi tưởng cái phương pháp chuyên dùng trực giác ấy thiệt có hại cho cái tinh thần khoa học chẳng phải vừa.

Ấy là cắt nghĩa bốn chữ “cách vật trí tri” theo như ta thường hiểu đó. Chớ tóm hết thảy thì bốn chữ ấy còn có hơn bảy chục vị tiên nho cắt nghĩa khác nhau nữa kia. Mà kỳ quái nhứt là Vương Thủ Nhân, tức là Dương Minh tiên sanh, trong bức thơ đưa cho La Khâm Thuận, ngài có nói rằng: “Cách vật giã, cách kỳ tâm chi vật, cách kỳ ý chi vật, cách kỳ tri chi vật; chánh tâm giã, chánh kỳ vật chi tâm; thánh ý giã, thành kỳ vật chi ý; trí tri giã, trí kỳ vật chi tri”. Nếu “cách vật trí tri” mà theo như lời họ Vương đó thì thôi, thiệt không còn ra nghĩa lý chi nữa. Song ta lại phải biết, Vương học là một phái rất có thế lực trong Nho giáo, và hiện thời có nhiều người sùng thượng lắm.

Theo tôi tưởng, chúng ta ngày nay đối với khoa học, duy có một câu hỏi là: nên theo hay không? Nếu không nên thì thôi; bằng nên theo, có lẽ cần buộc ta phải theo, thì dầu có trái với tôn chỉ Khổng -Mạnh cũng vô hại vậy.

Còn đến cái vấn đề quân chủ, dân chủ, ở trang 212, Trần tiên sanh nói rằng: “Ngày nay người ta đổi quân chủ làm dân chủ, chẳng qua là chỉ đổi cái danh mà thôi, chớ cái thực, vẫn không sao bỏ được, vì rằng chánh thể nào cũng cần phải có cái quân quyền”. Do đó tiên sanh cắt nghĩa chữ trung quân của Khổng giáo là trung với cái quân quyền chớ không phải trung với người làm vua; và kết luận rằng bất kỳ ở vào thời đại nào, hai chữ trung quân vẫn có nghĩa chánh đáng.

Đọc cả cuốn sách Nho giáo, thấy có chỗ nầy tác giả nói hơi lúng túng một chút. Một ông vua chuyên chế đời xưa với một ông tổng thống của dân quốc đời nay, quyền hạn khác nhau thế nào, cái đó có lẽ Trần tiên sanh còn biết rõ hơn tôi, thế nào lại gọi được rằng đổi danh mà không bỏ thực? Nếu quả thiệt như lời tiên sanh đó, thì cả thế giới họ lấy cái lợi gì mà chịu chết hết lớp nọ đến lớp khác để chỉ đem có hai chữ tổng thống mà thay cho hai chữ đế vương? Tiên sanh lại nói “chánh thể nào cũng cần phải có quân quyền” - lời đó không đúng. Phải nói rằng chánh thể nào cũng cần có chủ quyền, mới đúng. Cái chủ quyền của các dân quốc đời nay ở đâu? Ở hiến pháp. Vậy thì nhân dân trung là trung với hiến pháp, trung với cái chủ quyền ấy chớ chẳng phải trung với cái quyền của vua nào hay là của ông tổng thống nào. Cho nên, ông nếu đem cái nghĩa trung quân của Khổng giáo mà thi hành trong một nước dân chủ nào, thì thiệt chẳng thấy có cái nghĩa gì là chánh đáng cả.

Tuy nhiên, tôi biết những chỗ nầy chẳng qua là tại cái cảm tình của Trần tiên sanh nó xui cho tiên sanh nói thế đó mà thôi; chớ ở trang 34, tiên sanh đã chịu rằng một cái học thuyết chú trọng trực giác như Nho giáo là không còn thích hợp với thời nay; kế qua trang 35, lại nói rằng ở vào thời đại nầy ta không thể trở lại theo lối sanh hoạt như thời cổ, thì tiên sanh không phải là thủ cựu đâu, xin độc giả chớ lầm.

Tiên sanh đã biết là dường ấy mà còn nói dường kia, chẳng qua vì đã kết cái duyên nặng với thánh hiền, phải có một cách tống tình khi lâm biệt; không có như tôi, đọc sách họ Khổng từ lúc sáu tuổi, đẻ ra và lớn lên trong cửa ngài, mà đến lúc chia tay, chẳng được một giọt nước mắt gọi là có!

*

* *

Dầu thế nào đi nữa, đạo của Khổng thánh cũng còn có một phần rất cần thiết cho người mình, mà phần ấy choán hết già nửa trong đạo Khổng. Tôi xin tóm lại trong hai chữ “tu thân”. Nào những là chánh tâm, thành ý, thận độc, trí ngôn, lưỡng khí, trung, thứ, v.v… ấy đều là những cái khuôn phép nắn cho một con người nên hình một con người. Không phải là các đạo khác không có cái phần ấy; song ta là người Việt Nam, trải bao nhiêu đời nay, các đấng tiên dân ta đã thâm nhiễm trong đạo Khổng mà nên người rồi, thì bây giờ ta cứ lấy ở cái nguồn ấy có quen hơn và có tiện hơn.

Trong sách nầy, có một chỗ, tác giả nói rằng: “Ai đã tấm tắc đến cái tinh thần Khổng giáo, thì cũng có cái nhân cách tôn quý đặc biệt, khác hẳn người thường”. Câu ấy Trần tiên sanh nói đúng lắm, chẳng những tỏ ra rằng vào trong Nho giáo đã sâu, mà cũng tỏ ra rằng xem người thiệt từng trải lắm vậy.

Huống chi, phàm đã kêu là người có học, không cứ học thứ chữ gì, về các tông giáo, các triết học, mà đã gây nên một nền văn hóa xưa nay, là đều phải biết qua mới được. Có nhiều kẻ tự xưng là có học, mà hỏi đến Nho giáo, lại trả lời rằng tôi dốt cái đó, là nghĩa làm sao?

Muốn học đạo Khổng hay muốn biết qua Khổng giáo, nên đọc sách Nho giáo của ông Trần Trọng Kim.

Vì vậy trên đầu bài tôi có nêu lên rằng: Mặc dầu sống trong đời Âu hóa nầy, không biết Khổng giáo cũng không phải là người Việt Nam. Nho giáo là sách của Trần tiên sanh đã dùng thức lực và lắm công phu nghiên cứu mà làm ra, mọi người Việt Nam đều nên đọc.

PHAN KHÔI kính đọc và phê bình

   




Chú thích

  1. Bop-tem (tiếng Pháp: baptême): lễ rửa tội của đạo Thiên Chúa; ở đây dùng theo nghĩa rộng
  2. Thái cực tức là “hữu”, vì dễ hiểu nên tôi không cắt nghĩa và dẫn chứng (nguyên chú của Phan Khôi)
  3. Tức Chu Đôn Di (1017-73) tự Mậu Thúc, nhà tư tưởng hàng đầu của phái lý học thời Bắc Tống; ông lập Liêm Khê thư phòng nên người đời gọi ông là Liêm Khê tiên sinh (Theo Từ điển bách khoa Nho Phật Đạo; bản dịch, Hà Nội, 2001)