A Q. chính truyện/Chương 5

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bước tới điều hướng Bước tới tìm kiếm
A Q. chính truyện của Lỗ Tấn, do Phan Khôi dịch
Chương 5
Vấn đề sự sống

Sau khi làm lễ ở nhà cụ Triệu xong, A Q. trở về đến Thổ Cốc như cũ. Mặt trời lặn, dần dần hắn cảm thấy trong đời có cái gì cổ quái. Nghĩ kỹ, hắn mới tỉnh biết ra: nguyên nhân là tại mình ở trần. Nhớ ra còn cái áo kép rách, hắn lấy mặc vào, rồi ngả người ra ngủ. Đến chừng mở mắt thì mặt trời đã dọi ở đầu tường phía tây rồi. Hắn ngồi dậy, miệng lẩm bẩm: Mẹ kiếp!.

Hắn đứng lên, đi rảo trên đường cái như cũ. Lúc bấy giờ tuy không đến rát da như hồi ở trần, hắn lại cảm thấy trong đời có cái gì cổ quái nữa. Hình như bắt đầu từ hôm ấy, bọn đàn bà làng Mùi bỗng dưng đều e lệ: chúng nó thấy A Q. đi đến một cái là đứa nào cũng nấp vào trong cửa. Rất đỗi đến mụ Bảy Trâu gần năm mươi tuổi rồi cũng chui rúc theo đứa khác, vả còn gọi đứa con gái mới mười một tuổi cùng đi vào. A. Q. rất lấy làm lạ và nghĩ rằng: Cái quân này sao bỗng dưng đã học được cái bộ tịch tiểu thư rồi! Những con đĩ rõ khéo!...

Nhưng hắn còn thấy trong đời có cái gì cổ quái hơn, ấy là việc bao nhiêu ngày về sau. Một là quán rượu không chịu bán chịu cho hắn nữa; hai là lão từ đến Thổ Cốc rồi nói tầm bậy, hình như toan đuổi hắn đi; ba là hắn không nhớ rõ bao nhiêu ngày, mà chắc đã lâu lắm rồi, không có một người nào đến gọi hắn đi làm vặt. ừ, quán rợu không bán chịu, nhịn đi cũng được; lão từ đuổi, rầy rà một chỗc cũng thôi. Chỉ có không ma nào gọi đi làm vặt sẽ làm cho cái bụng A Q. phải đói: Cái này thật tình là một việc đáng mẹ kiếp không phải vừa.

A Q. không chịu nổi, đành phải đi đến những nhà hay thuê hắn dò thăm. Cố nhiên là hắn không dám bén mảng đến cửa cụ Triệu. Nhưng tình hình cũng lạ thật: đến đâu cũng thấy một người đàn ông đi ra, vẻ mặt mười phần chán nản, khoác tay, nói như nói với ăn mày rằng:

"Không có, không có! Đi ra đi!"

A Q. càng thấy lạ lùng lắm. Hắn nghĩ, những nhà này thuở nay vốn cần người làm giúp, có lẽ nào bây giờ bỗng dưng đều không có công việc; thế nào cũng có sự oái oăm gì đây. Hắn để ý dò nghe, mới biết họ có việc gì đều gọi cu Don làm cả. Cu Don là một đứa trẻ nghèo, đã gầy lại yếu, trong con mắt A Q., nó còn kém Vương Xồm kia. Ai ngờ thằng nhãi con ấy lại phổng tay trên bát cơm của hắn. Bởi vậy, A Q. lần này giận dữ lắm, không như lần khác, giữa lúc hằm hằm rảo bước bỗng giang tay lên, hát:

"Ta tay cầm roi sắt đánh mầy đây!..."

Sau mấy ngày, hắn bắt gặp cu Don ở trước bức tường nhà ông cụ Tiền. "Kẻ thù gặp nhau, mắt nhìn tỏ một", A Q. bèn sấn tới, cu Don cũng đứng dừng lại.

"Đồ súc vật!" A Q. lườm và mắng, nước bọt phun ở khóe miệng ra.

"Tớ là sâu bọ đấy, vừa ý chưa?..." cu Don đấu dịu.

Sự nhún nhường ấy trở làm cho A Q. càng thêm tức giận[1]. Nhưng trong tay hắn không có roi sắt, đành chỉ nhảy bổ tới, giơ tay chụp lấy cái đuôi sam của cu Don. Cu Don một tay giữ lấy gốc đuôi sam mình, một tay cũng chụp lấy đuôi sam A Q.; A Q. cũng lấy tay bên kia giữ lấy đuôi sam mình. Sánh với A Q. trước kia, cu Don không đáng kể; nhưng gần nay hắn hay nhịn đói, gầy yếu chẳng kém gì cu Don, cuộc tỉ thí thành ra hai bên cân sức. Bốn cái tay chụp hai cái đầu, hai cái lưng đều uốn cong, trên tường vôi nhà họ Tiền hiện ra một cái hình cầu vồng màu chàm lâu đến nửa giờ đồng hồ.

"Được rồi! Được rồi!" Bọn người đứng xem đều nói, chừng là họ khuyên giải.

"Được! Được!" Bọn người đứng xem khác đều nói, chẳng biết là họ khuyên giải, là họ khen lao, hay là họ xúi giục.

Nhưng mà cả hai đều không nghe. A Q. tiến ba bước, cu Don lùi ba bước, đều đứng lại. Cu Don tiến ba bước, A Q. lùi ba bước, lại đều đứng lại. Ước chừng nửa giờ đồng hồ, - làng Mùi ít có đồng hồ chuông, nên khó nói cho đúng, có lẽ hai mươi phút cũng nên - cả hai đều bù đầu, mướt mồ hôi trán. A Q. buông tay ra, cu Don cũng buông tay ngay cùng một lúc. Rồi rập đứng dậy, rập lùi ra, mỗi người chen đám đông đi một ngả.

"Nhớ lấy nhá, mẹ kiếp!..." A Q. quay lại nói.

"Mẹ kiếp, nhớ lấy nhá!..." Cu Don cũng quay lại nói.

Cái trận "giáp lá cà" ấy hình như không ai hơn thua gì, cũng không biết người xem có hài lòng chăng, chẳng có ai bàn tán ra sao, chỉ biết A Q. từ hôm ấy vẫn cứ không thấy ai gọi đi làm vặt cả.

Một hôm ấm trời, gió hiu hiu có vẻ mùa hè. A Q. trở thấy rét. Song, rét còn chịu được, khó chịu nhất là bụng đói. Mền bông, mũ dạ, áo vải đã nhẵn cả rồi, kế đó đã bán đến áo bông; hiện còn cái quần, không lẽ nào cởi nốt; cái áo kép rách, họa chỉ có đưa người ta lót tới giầy thì được, chứ đem bán quyết chẳng có ma nào mua. Hắn lâu nay vẫn mong xí được một món tiền ở dọc đường, nhưng chưa hề bắt gặp. Bây giờ hắn mơ ước tìm được thình lình một món tiền tại trong nhà sụp sệ mình ở, bèn vội vàng nhìn bốn phía, nhưng trong nhà trống trơn và sạch huơ. Khi ấy hắn mới quyết kế đi ra khỏi cửa kiếm ăn vậy.

Hắn đi trên đường là định đi "kiếm ăn". Nhưng khi thấy quán rượu quen, thấy những cái bánh bao quen, hắn đều đi lảng qua, chẳng những không đứng dừng một chút mà lại còn làm như không cần đến. Cái hắn kiếm, không phải những món đó; mà hính hắn cũng không biết mình đi kiếm những món gì.

Làng Mùi không phải là làng lớn, không mấy chốc đã đi qua khắp. Ngoài làng phần nhiều là ruộng nước, trông ra toàn màu xanh non của mạ mới, điểm thêm mấy cái chấm đen tròn tròn mà động đậy, ấy là những nông phu đang cày ruộng. A Q. chẳng hề thưởng thức cái vui thú ấy của nhà nông, cứ việc đi thẳng, vì hắn biết ngay rằng từ cái đó đi đến sự "kiếm ăn" của hắn còn cách rất xa vời. Cuối cùng hắn đi đến ngoài bức tường của chùa Tịnh Tu.

Chung quanh chùa cũng là ruộng nước, bức tường vôi nổi bật lên trong đám xanh non; phía sau là vườn rau, bao quanh bằng tường đất thấp. A Q. dè dặt một lúc, nhìn quanh bốn phía, không có ai. Hắn bèn trèo lên bức tường thấp ấy, níu lấy dây hà thủ ô, nhưng đất cứ sàn sạt lở, chân A Q. cũng cầm cập run, hắn vội vin cành cây dâu, nhảy phóc xuống trong vườn. ở đây cây cối thật diềm dà, nhưng hình như không có bánh bao và rượu, cùng các món khác có thể nhá được. Có bụi tre ở mé tường phía tây, mọc nhiều măng lắm, tiếc chưa nấu chín. Lại có nhiều thứ rau: thứ thì đã có hột, thứ thì sắp trổ hoa, thứ thì lá đã già quá rồi.

A Q. thấy mình bị oan uống như một thầy khóa hỏng thi, từ từ đi ra phía cửa vườn. Bỗng dưng hắn mừng rỡ sửng sốt: nầy rõ ràng là một vồng cải củ đã già. Hắn bèn ngồi ổm xuống, nhổ lấy nhổ để. Vụt một cái, ở hé cửa thò ra một cái đầu rất tròn, rồi lại thụt vào, rõ ràng là cô tiểu. Thứ đồ cô tiểu, A Q. vốn coi như rác; nhưng ở đời, việc gì cũng phải "nhường một bước", cho nên hắn vội vã nhổ lấy bốn củ thôi, trảy bỏ lá xanh đi, bọc lại vạt áo. Hiểm thay trong lúc ấy thì bà vãi già đã ra đến rồi:

"A di đà phật! A Q., sao chú lại nhảy vào vườn chàu ăn trộm củ cải! ối già, phải tội đấy! ối già, A di đà phật!..."

"Tôi nhảy vào vườn bà ăn trộm củ cải bao giờ?" A Q. cãi lại, vừa đi vừa ngó.

"Thì đây này... còn không phải à?" Bà vãi già chỉ cái bọc áo của hắn.

"Của bà đấy à? Bà gọi thử nó có thưa không? Bà..."

A Q. không nói hết câu, nhổ giò chạy. Một con chó mực to béo đuổi theo hắn. Con mực này vốn ở cửa trước, chẳng biết vì lẽ gì nó đã tót ra sau vườn. Nó sủa và đuổi theo, đã hầu cắn vào đùi A Q., sao một cụ củ cia rơi ra từ bọc áo, làm con chó giật mình đứng dừng lại. Trong giây phút ấy A Q. đã trèo lên cây dâu, nhảy lên tường đất, cả người lẫn củ cải đều rơi ra ngoài tường. Chỉ còn con mực đứng sủa cây dâu, bà vãi già thì cứ niệm phật.

A Q. sợ bà vãi còn thả con mực ra, nhặt củ cải lên liền chạy. Dọc đường lượm lấy mấy cục đá nhỏ, nhưng con mực không ra nữa. A Q. bèn ném đá đi, vừa đi vừa nhai củ cải, và nghĩ bụng, ở đây cũng chẳng tìm ra món gì, chi bằng đi lên thành...

Khi nhai xong ba cái củ cải, hắn đã quyết định lên thành.

   




Chú thích

  1. Ở chương II, khi A Q. bị đánh, bên đối phương bảo nói "người ta đánh súc vật", mà A Q. lại nói "đánh sâu bọ", và tự nhận mình là sâu bọ, hạ mình xuống thêm một bậc để mong vừa lòng bên đối phương.Ở đây, A Q. mắng cu Don là "đồ súc vật", cu Don lại cũng nhận mình "là sâu bọ", "sự nhún nhường ấy" không phải nhún nhường thật, mà chính là nói kháy để chế nhạo A Q., cho nên "trở làm cho A Q. càng thêm tức giận".