Bước tới nội dung

A Q. chính truyện/Chương 6

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
A Q. chính truyện của Lỗ Tấn, do Phan Khôi dịch
Chương 6
Lên voi xuống chó

Vừa qua tết trung thu năm ấy, ở làng Mùi lại thấy A Q. hiện ra. Người ta đều lấy làm lạ, bảo nhau rằng A Q. đã trở về; rồi lại lục lạo trong trí: thế thì trước rày hắn đi đâu? Mấy lần trước A Q. lên thành, khi trở về bô bô gặp ai cũng nói, nhưng lần này không thế, cho nên không một ai để ý đến. Có lẽ hắn cũng đem nói với lão từ đền Thổ Cốc; song le, thói thường ở làng Mùi, chỉ có cụ Triệu, cụ Tiền và cậu Tú lên thành mới là một câu chuyện; thằng Tây giả cũng còn không đủ kể, nữa là A Q.! Vì vậy mà lão từ cũng không đồn đại cho hắn, thành thử cả làng Mùi không làm sao biết được.

Mặc dầu, A Q. lần này trở về, tuyệt không giống với mấy lần trước, thật đáng lấy làm lạ. Trời gần tối, hắn cặp mắt ngái ngủ, đứng trước cửA Q.uán rượu, rồi đến gần quày, từ trong lưng móc hào xu ra đầy nắm, xỉa trên quày, nói: "Tiền mặt đây! Rượu đâu?" Hắn mặc áo kép mới, lưng đeo cái hồ bao nặng trĩu, làm cho dây thắt lưng sà xuống thành đường vòng rất cong. Lệ thường làng Mùi, thấy người nào hơi có máu mặt, thì có muốn khinh họ, thà kính họ còn hơn. Bây giờ đây, tuy biết rõ là A Q., nhưng sánh với A Q. mặc áo kép rách có khách, người xưa có nói: "Kẻ sĩ biệt ba ngày, phải lau mắt nhìn nhau"[1], vì vậy cả hầu xáng, chủ quày, khách uống rượu đến người đi đường nữa, cũng đều tỏ chung một vẻ ngờ vực nhưng kính nể. Chủ quày đã gật đầu chào, lại vồn vã bắt chuyện:

"Ủa, A Q., anh đã về!"

"Mới về."

"Phát tài chứ? Anh ở..."

"Lên thành mà!"

Cái tin mới mẻ ấy, ngày hôm sau đã truyền khắp làng Mùi. Ai nấy đều muốn biết lai lịch của cái túi tiền và cái áo kép mới của A Q., nên trong tiệm rượu, trong quán trà, dưới hiên chùa, dần dần dò nghe biết được cả. Kết quả, A Q. lại bắt đầu được kính trọng.

Theo lời A Q., hắn ở giúp việc trong nhà ông cụ Cử. Một chút đó, đủ cho những người nghe chuyện đều khép nép. Ông cụ này họ Bạch, chỉ vì cả thành có một mình cụ là cử nhân, nên không cần trùm chữ họ lên trên, hễ nói cử nhân thì biết tức là cụ rồi. Điều đó, chẳng một ở làng Mùi như vậy, mà quanh vùng đó một trăm dặm đều như vậy, nhiều người đến tưởng lầm rằng ông cụ ấy họ Cử tên Nhân. Ai giúp việc ở nhà ông cụ ấy, cố nhiên là người đáng kính rồi. Song le, lại theo lời A Q., hắn lại không thích giúp việc ở đó nữa, vì thực ra thì ông cụ Cử này cũng đáng "mẹ kiếp" quá đi. Câu này, người nghe đều than thở và hả lòng, vì A Q. vốn không xứng đáng giúp việc nhà cụ Cử, mà chẳng giúp việc lại là đáng tiếc.

Theo lời A Q., hắn trở về, hinh như bởi không vừa ý với người trong thành, nghĩa là tại họ gọi ghế dài bằng trường kỷ, và chiên cá rắc tơ hành; lại thêm mới đây xét biết được một khuyết điểm nữa, là đàn bà đi ngoài đường ưỡn ẹo không đẹp mấy. Dầu vậy, cũng có chỗ phải chịu họ, tức như người nhà quê làng Mùi chỉ biết đánh thứ bài tre ba mươi hai lá, họa có Thằng Tây giả mới biết chơi "mà chược", con trong thành thì cả đến đứa oắt con cũng biết chơi. Thằng Tây giả nào đó, ví đem nó thả vào trong tay một đứa oắt con mười mấy tuổi trên thành, cũng tức khắc chẳng khác gì "quỷ sứ thấy Diêm vương" vậy. Câu này người nghe đều tỏ vẻ thẹn thuồng.

"Các ngươi đã thấy chém đầu chưa?" A Q. nói, "Hề, coi thú lắm! Chém bọn cách mạng ấy mà. Hề, coi thú lắm, thú lắm!" Hắn lắc lắc cái đầu, phun vải nước bọt ra trên mặt Triệu Tử thần, người đứng đối diện cùng hắn. Câu này người nghe đều rùng rợn. Song le, A Q. còn ngó quanh ngó quất, bỗng dưng giơ tay phải lên, nhằm đằng sau gáy Vương Xồm, đang trườn cổ lên nghe chăm chỉ, phặp xuống một cái, la lên:

"Sật!"

Vương Xồm hết hồn, nhảy lên một cái, nhanh như chớp co đầu rút cổ lại. Người nghe đều hãi hùng nhưng hớn hở. Từ đó Vương Xồm choáng đầu choáng óc bao nhiêu ngày, không dám đến bên cạnh A Q. nữa; người khác cũng vậy.

Hồi đó, cái địa vị A Q. ở trong con mắt người làng Mùi, tuy không dám nói hơn hẳn cụ Triệu, nhưng nếu nói cách nhau không xa mấy, thì cũng chẳng đến nỗi là nói sai.

Nhưng chẳng bao lâu, cái tên A Q. lừng lẫy ấy bỗng lại truyền khắp trong các buồng làng Mùi. Dù làng Mùi chỉ có hai họ Tiền và Triệu là có "buồng sâu", còn chín phần mười đều "buồng cạn"[2] cả, nhưng buồng nào chẳng là buồng, cho nên cũng đáng kể là một sự màu lạ. Bọn đàn bà khi gặp nhau thế nào cũng nói, chị Bảy Trâu mới mua của A Q. một cái quần trừu màu chàm, cũ thì vẫn cũ, nhưng giá hời lắm, chỉ có chín hào. Lại, bà mẹ của Triệu Bạch Nhãn - thuyết khác thì nói rằng mẹ của Triệu Tư Thần, đợi tra - cũng có mua một cái áo vải tây điều trẻ con, còn khá mới, chỉ bằng cái giá bA Q.uan mỗi quan chạm chuổi tám đồng. Thế rồi bọn họ đều mỏi mắt trông gặp A Q., kẻ thiếu quần trừu hỏi mua quần trừu, kẻ cần áo vải tây hỏi mua áo vải tây, chẳng những thấy hắn không trốn tránh, có lúc A Q. đã đi qua rồi, họ còn đuổi theo gọi cho đứng lại, hỏi rằng:

"A Q., chú còn có quần trừu không? Không có à? Thì áo vải tây cũng được, có chứ?"

Sau rồi cái sự đó từ "buồng cạn" truyền đi đến trong "buồng sâu". Bởi vì sau khi chị Bảy Trâu lấy làm đắc ý, đem cái quần trừu mới mua cho bà cụ Triệu xem. Bà cụ Triệu lại đem nói chuyện với ông cụ và thực tình khen lấy khen để. Trên bàn ăn cơm bữa tối, cụ Triệu bèn cùng cậu Tú bàn luận. Bàn rằng A Q. thuật có chỗ khả nghi, cửa ngõ nhà ta nên cẩn thận một chút; nhưng, đồ của hắn, chẳng biết còn cái gì nên mua chăng, hắn cũng có cái tốt chứ. Hơn nữa, bà cụ Triệu cũng muốn mua một cái áo lá bằng da tốt và rẻ. Thế rồi cả nhà quyết nghị, nhờ chị Bảy Trâu tức khắc đi tìm A Q., và vì đó đặt thêm một cái ngoại lệ thứ ba nữa: đêm hôm ấy tạm cho phép thắp đèn.

Đền dầu cạn đi đã khá, mà A Q. vẫn chưa đến. Cả nhà họ Triệu đều sốt ruột, ngáp ngắn, ngáp dài, người thì giận A Q. hờ hẫng, kẻ thì trách chị Bảy Trâu chần chờ. Cụ bà còn e hắn không dám đến vì sự cam đoan dạo mùa xuân, nhưng cụ ông cho rằng điều ấy không ngại, chính "ta đây" gọi nó đến. Quả vậy, cụ ông người cao kiến có khác, cuối cùng A Q. theo chân chị Bảy Trâu bước vào. Chị Bảy thở hổn hển nói:

"Chú ấy cứ một hai nói không có, không có, tôi bảo nói gì phải đến tận nhà mà nói, chú ấy còn giang ca, tôi bèn..."

"Cụ ạ!" A Q. cười không ra cười, chào một tiếng, đứng ngay trước thềm.

Cụ Triệu khệnh khạng bước ra, ngắm nghía hắn từ đầu đến chân, và nói:

"A Q. nè! Nghe nói mày đi ra phát tài, thế thì tốt lắm, tốt lắm! Cái ấy... à, nghe nói mày có ít đồ cũ, nên đem cả đến đây xem xem... Không có gì khác đâu, chỉ vì ta cần dùng..."

"Tôi đã nói với chị Bảy Trâu rồi, hết cả rồi."

"Hết cả rồi?" Cụ Triệu buột mồm nói: "Có lẽ đâu hết chóng thế?"

"Đó là của các bạn tôi, không có mấy nỗi, họ mua cả..."

"Thế nào cũng còn một ít chứ?"

"Hiện chỉ còn có một bức nghi môn."

Bà cụ Triệu vội vàng nói: "Thì đem bức nghi môn đây xem nào."

Nhưng cụ ông không sốt sắng mấy, tiếp lời: "Thôi, sáng mai đem đến cũng được". Và thêm: "A Q. nè! Rày về sau khi nào mày có món gì, hãy trước hết đưa đến đây cho chúng tao xem."

"Ở đây quyết không trả rẻ đâu nhé!" Cậu Tú chen một câu. Mợ Tú vội liếc xem mặt A Q. một cái, thử hắn có vẻ cảm động vì câu ấy chăng.

Cụ bà nói: "Ta muốn một cái áo lá bằng da."

A Q. chịu miệng, nhưng lại uể oải đi ra, không biết hắn có nhớ cho không. Điều đó làm cụ Triệu rất ngã lòng, giận và lo, đến nỗi nghỉ hẳn không ngáp nữa. Cậu Tú cũng bất bình về cái dáng điệu của A Q., bèn nói: "Cái thằng "Voòng pát tạn" ấy phải coi chừng đấy. Hay là gọi quách Trương Tuần bảo đừng cho nó ở làng Mùi nữa là hơn". Song le cụ Triệu không cho là phải, bảo làm thế e gây thù oán; huống chi cái đứa đã đi làm ăn con đường ấy thì nó có thèm là "gà què ăn quẩn cối xay" đâu, làng ta không phải lo, chỉ cốt mình tỉnh ngủ một tí là được. Cậu Tú nghe lời cha dạy, lấy làm phải hết sức, liền xóa bỏ cái đề nghị đuổi A Q. đi; lại còn dặn dò chị Bảy Trâu, xin chị nhất thiết đừng đem câu chuyện ấy ngỏ với ai cả.

Thế mà ngày hôm sau, chị Bảy Trâu đem cái quần màu chàm đi nhuộm đen, lại đem cái chỗ đáng ngờ vực về A Q. rêu rao ra; còn khá là chưa hề nhắc đến chuyện cậu Tú toan đuổi hắn. Nhưng, chỉ có thế cũng đã rất không lợi cho A Q. rồi. Trước hết, Trương Tuần tìm tới nơi, lấy bức nghi môn của hắn đi, A Q. nói bà cụ Triệu cần xem nó, mà Trương Tuần cũng không trả lại, lại còn vòi thêm món tiền kỉnh đãi hàng tháng là bao nhiêu nữa. Thứ đến, người làng đối với hắn bỗng đổi lòng kính nể đi, tuy không dám khinh dể, chứ có ý lánh mặt không phải lánh mặt như dạo trước sợ hắn "sật" đằng sau gáy, mà là "kính nhi viễn chi".

Duy có một bọn người vô công rồi nghề cố đi dò tìm cặn kẽ về A Q. cho ra manh mối. A Q. cũng chẳng giấu giếm gì, trắng trợn nói toang sự từng trải của mình. Từ đó bọn kia mới biết hắn chẳng qua một vai phụ, không trèo tường được, không đào ngạch được, chỉ đứng ngoài cửa chuyền đồ ra. Có một đêm, hắn mới vừa tiếp được một cái gói, tay bợm chính lại trở vào, bỗng nghe trong nhà có tiếng la to, hắn liền vụt chạy, đương đêm trèo ra thành, cút thẳng về làng Mùi, từ đó không dám đi nữa. Cái mẩu chuyện này lại càng không lợi cho A Q. hơn: trước kia người làng đối với A Q. có ý "kính nhi viễn chi", là vì sợ gây thù oán, có ai ngờ hắn chỉ là một thằng ăn trộm không dám đi ăn trộm nữa đâu? Thật quả thế thì "ấy cũng chẳng đủ sợ vậy thôi"[3].

   




Chú thích

  1. "Kẻ sĩ biệt ba ngày, lau mắt nhìn nhau = sĩ liệt tam nhật, quát mục tương đãi", cũng là thành ngữ dùng trong văn ngôn.
  2. Buồng, chỉ chỗ phụ nữ ở. "Buồng sâu = thâm khuê", nói phụ nữ nhà sang trọng; "buồng cạn = thiển khuê", nói phụ nữ nhà thường dân. Tác giả do chữ "thâm khuê" đặt thêm ra chữ "thiển khuê".
  3. "Ấy cũng chẳng đủ sợ vậy thôi = Tư diệc bất túc úy dã dĩ", một câu trong sách Luận ngữ.