Bài tựa A. Q chính truyện
Bài tựa A Q. chính truyện
Nầy là việc về phần tôi rất nên cám ơn cũng rất lấy làm hân hạnh: một cái tác phẩm ngắn của tôi đã được ông Vương Hy Lễ (B. A. Vassiliev) là người lảu thông văn học Trung Quốc phiên dịch, trói được bày ra trước mặt độc giả nước Nga.
Tôi tuy đã từng thử làm, song rốt lại chính mình còn chưa có thể cầm chắc mình đã thật đủ sức tả ra được cái linh hồn của người nước mình hiện đại chưa. ở người khác thì tôi không biết, ở chính tôi thì tôi thấy hình như là giữa người và người chúng tôi đều có một bức tường cao làm chia cách nhau, khiến lòng mọi người không cảm thông nhau được. Đó là những người thông minh đời xưa của chúng tôi, tức gọi là thánh hiền, chia mọi người ra mười bậc[1], nói là cao thấp không đồng nhau. Những danh mục của nó hiện giờ tuy không dùng nữa, song cái hồn linh của nó vẫn cứ tồn tại, vả lại, còn hơn thế nữa, cả đến trong thân thể một con người cũng có đấng bậc, khiến cái tay đối với cái chân cũng không khỏi coi là bậc bét khác loại với mình. Tạo hóa sinh ra người đã là xảo diệu hết sức, khiến người nầy không thể cảm thấy sự thống khổ về nhục thể của người kia, mà ông thánh và đồ đệ ông thánh của chúng tôi lại bù được chỗ thiếu của tạo hóa, còn làm cho mọi người không thể cảm thấy sự thống khổ về tinh thần của người khác nữa.
Người đời xưa của chúng tôi lại tạo ra một thứ chữ từng khối từng khối khó đến phát sợ: có đều tôi còn không oán hận mấy, vì tôi thấy không phải họ cố ý làm như thế. Nhưng mà, bao nhiêu người đã không thể dùng nó nói chuyện, lại thêm cái tường cao mà lời chú thích xưa đã dắp nên, càng làm cho họ nghĩ cũng không dám nghĩ đến. Hiện giờ, cái mà chúng tôi có thể nghe thấy được, chẳng qua là ý kiến và đạo lý của mấy kẻ đồ đệ ông thánh nói cho chính mình bọn họ; còn như dân chúng thì lại cứ lằm lằm mà sinh ra và lớn lên, vàng úa đi rồi chết khô, giống như cỏ bị đè dưới vầng đá lớn, đã trải qua bốn ngàn năm như vậy!
Muốn vẽ ra cái hồn linh chìm lặng của quốc dân như vậy, ở Trung Quốc thực ra, phải kể là một việc khó. Bởi vì, như đã nói, chúng tôi thế nào cũng còn là nhân dân của một nước cổ chưa từng đổi mới, cho nên vẫn cứ là ai nấy chẳng thông cảm nhau, vả lại cả đến cái tay của mình cũng hầu như không hiểu cái chân của mình. Tôi tuy đã hết sức toan mò tìm hồn linh của mọi người, song mỗi lúc vẫn cứ ân hận mình có những điều cách vách. Sau nầy, hết thảy những người bị vây trong bức tường cao, thế nào cũng tự họ đều thức dậy, đi ra, đều mở miệng nói lên, nhưng bây giờ còn ít thấy, cho nên tôi cũng tạm cứ theo chỗ mình xem xét, hẵng âm thầm đem những cái ấy viết ra, coi là cái đời sống của người Trung Quốc nhìn theo con mắt tôi.
Sau khi cái tiểu thuyết của tôi in ra, đầu tiên nhận được lời quở trách của một nhà phê bình tuổi trẻ; sau lại, có người cho là không lành mạnh, có người cho là bông phèng, cũng có người cho là châm chọc; lại có người cho là rủa mát, đến nỗi khiến tôi cũng phải ngờ ằng có cục nước đá ghê tởm giấu trong lòng tôi. Nhưng tôi lại nghĩ, xem đời sống người ta là tùy theo tác giả mà không giống nhau, xem tác phẩm lại tùy theo độc giả mà không giống nhau, vậy thì, cái truyện ngắn này, ở trong con mắt độc giả nước Nga là x người không có mảy may "tư tưởng truyền thống của chúng tôi", có lẽ lại nhìn thấy một tình cảnh khác, đó thật là điều làm tôi thấy rất có ý vị.
26-5-1925, ở Bắc Kinh
Tự truyện sơ lược của tác giả
Tôi sinh năm 1881 ở một nhà họ Chu trong thành phủ Triệu Hưng thuộc tỉnh Chiết Giang. Cha tôi người có học; mẹ tôi họ Lỗ, người nhà quê, bà tự học lấy đến mức xem sách được. Thấy nói, hồi tôi nhỏ, trong nhà còn có bốn năm chục mẫu ruộng nước, không lo đến nỗi thiếu ăn. Nhưng đến năm tôi mười ba tuổi, nhà tôi thình lình gặp một biến cố rất lớn, gần như hết sạch cả[2]; tôi ở nhờ nhà một người bà con, có khi bị gọi là đứa ăn chực. Tôi bèn quyết tâm về nhà, mà cha tôi lại lâm bệnh nặng, dai dẳng đến ba năm, rồi chết. Tôi dần dần đến không có cách kiếm ra một số tiền rất ít để trả tiền học hàng tháng, mẹ tôi liền chạy cho tôi chút ít tiền đi đường, bảo tôi đi tìm một trường học khỏi phải trả tiền, vì tôi thế nào cũng không chịu làm thầy nho[3] hay con buôn - đó là hai con đường mà con em những nhà có học sa sút xuống ở vùng quê tôi thường đi.
Lúc đó tôi mười tám tuổi, đi đến Nam Kinh, thi vào Thủy sư học đường, phân phối ở khoa máy móc. Ước chừng được hơn nửa năm tôi lại ra khỏi, đổi vào Khoáng lộ học đường học khai mỏ, sau khi tốt nghiệp, được phái sang Nhật Bổn lưu học. Nhưng tôi đã quyết ý đến khi tốt nghiệp tại trường dự bị ở Đông Kinh rồi thì sẽ đi học thuốc, một nguyên nhân là vì tôi biết chắc rằng khoa y học mới đã có giúp sức rất lớn cho cuộc Duy Tân Nhật Bổn. Thế rồi tôi vào học trường y học chuyên môn Sendai (Tiên Đài) hai năm. Lúc đó vừa đang chiến tranh Trung Nhật, tôi tình cờ thấy trên màn chiếu bóng một người Trung Quốc vì làm trinh thám mà sắp bị chém, nhân đó lại thấy ở Trung Quốc nên đề xướng văn nghệ mới trước đã. Tôi bèn bỏ học thuốc, lại đến Đông Kinh cùng mấy người bạn định làm vài việc nho nhỏ, nhưng đều thất bại liên tiếp. Tôi lại toan đi sang nước Đức, cũng không đi học. Rốt cuộc, vì mẹ tôi và mấy người khác muốn tôi có sự giúp đỡ về kinh tế, tôi bèn trở về Trung Quốc; bấy giờ tôi hai mươi chín tuổi.
Tôi về nước thì làm giáo viên hóa học và sinh lý học ở Sư phạm học đường Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang. Năm thứ hai ra khỏi đó, đi làm giáo vụ trưởng trường trung học Thiệu Hưng, năm thứ ba lại ra khỏi. Không có chỗ đi nữa, tôi muốn làm người phiên dịch trong một tiệm sách, cũng bị cự tuyệt nốt. Nhưng Cách mạng cũng vừa nổi lên, sau Thiệu Hưng quang phục, tôi làm hiệu trưởng trường Sư phạm ở đó. Chính phủ cách mạng thành lập ở Nam Kinh, ông bộ trưởng giáo dục mời tôi làm bộ viên, tôi dời đi ở Bắc Kinh cho đến hiện nay. Mấy năm gần đây, tôi còn kiêm làm giảng sư về hệ quốc văn ở ba trường Bắc Kinh đại học, Sư phạm đại học, Nữ tử sư phạm đại học.
Khi còn lưu học, tôi chỉ có đăng mấy bài văn không hay gì trên tạp chí. Năm 1918 mới bắt đầu viết tiểu thuyết, là vì bạn tôi Tiền Huyền Đồng khuyên bảo, viết đăng vào tạp chí Tân thanh niên. Lúc đó mới dùng cái bút danh (Pen-name) Lỗ Tấn, và cũng thường dùng những tên khác viết một số bài luận ngắn. Hiện nay những cái đã dồn in thành sách chỉ có một tập truyện ngắn Nột hám, còn thì rải rác ở trên mấy thứ tạp chí. Ngoài ra, không kể phiên dịch, in thành sách lại có một bổn Trung Quốc tiểu thuyết sử lược.
(Dịch ở Tập ngoại tập)
Chú thích
- ▲ Theo sách Tả truyện, người ta có mười bậc, từ trên xuống dưới, tức là: vương, công, đại phu, sĩ, tạo, dư, lệ, liêu, bộc, đài. Bốn bậc từ sĩ giở lên, là vua rồi đến các hạng quan lớn quan nhỏ; sáu bậc từ tạo giở xuống, trong xã hội đời sau, không còn thấy phân biệt rõ như thế nữa.
- ▲ Bấy giờ ông nội của Lỗ Tấn đang làm quan ở Bắc Kinh, nhân việc gì đó bị hạ ngục, vì vậy nghiệp nhà sa sút. "Biến cố rất lớn" là chỉ vào việc ấy.
- ▲ Thầy nho: ở nước ta ngày xưa, những người có học mà thi không đỗ, về sau thường xin vào làm việc văn thư giúp các quan nha mà ở ngoài ngạch viên chức. Những người ấy ở miền Nam gọi là thầy sĩ, ở miền Bắc gọi là thầy nho. Ở Trung Quốc ngày xưa cũng có hạng người ấy, gọi là mạc hữu, mạc tân hay mạc liêu. Nơi đây, dùng chữ "thầy nho" dịch nguyên văn là chữ "mạc hữu". Tuy vậy, địa vị và phẩm gia của thầy nho xứ ta rất kém của mạc hữu ở Trung Quốc.