Bước tới nội dung

Hồng không hoa II

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

1

Bô-rơ-cân, một nhà quý tộc nước Anh nói: "Tụi học sinh Trung Quốc chỉ biết đọc những tờ báo tiếng Anh mà quên mất sự dạy dỗ của Khổng Tử. Kẻ địch lớn của đế quốc Anh tức là thứ học sinh ra sức nguyền rủa đế quốc mà "vỗ tay hoạn nạn"[2] đó... Trung Quốc là chỗ đất rất tốt cho sự hoạt động của đảng quá khích...[3]" (Tin điện Luân-đôn ngày 30-6-1925).

Thông tin Nam Kinh nói: "Nhà hội Cơ-đốc-giáo trong thành có mời vị bác sĩ thần học nọ là giáo thụ của trường đại học Kim lăng đến giảng diễn, trong lời giảng diễn có nói Khổng Tử là tín đồ của Giêsu, vì Khổng Tử khi ăn khi ngủ đều có cầu nguyện Đức Chúa Trời. Lúc đó, trong đám người nghe có kẻ gạn hỏi căn cứ vào đâu mà nói thế ; vị bác sĩ không trả lời được. Thế rồi có mấy người giáo đồ vụt đóng cửa ngoài lại, quát lên rằng người nào buông lời hỏi đó tức là kẻ đã bị đồng rúp Nga Sô mua chuộc, phải gọi cảnh sát bắt lấy..." (Quốc dân công báo ngày 11 tháng 3).

Phép thần thông của Nga Sô thật là cao cả, mua chuộc được quách ông Thúc-lương Hột, khiến ông ấy đẻ Khổng Tử ra trước Giêsu, thì kẻ "quên mất sự dạy dỗ của Khổng Tử" và kẻ "gạn hỏi căn cứ vào đâu mà nói thế" chắc chắn đều là những kẻ bị đồng rúp xui giục không còn nghi ngờ gì nữa[4].

2

Giáo thụ Tây-uynh[5] nói: "Nghe nói trong "mặt trận liên hiệp", những tiếng đồn về tôi nhiều nhất, vả lại theo lời thì một mình tôi lãnh mỗi tháng có đến ba ngàn đồng. "Tiếng đồn" là đồn ở trên miệng, chứ trên giấy thì cũng lại không thấy lắm." (Hiện đại 65).

Vị giáo thụ ấy năm ngoái chỉ nghe thấy tiếng đồn về người khác, mà rồi do ông ta phát biểu lên trên giấy ; theo lời thì năm nay lại đã nghe thấy tiếng đồn về chính mình rồi, mà phát biểu trên giấy cũng lại do ông ta. "Một mình lãnh mỗi tháng có đến ba ngàn đồng", thật là hoang đường quá lắm, đủ thấy "tiếng đồn" về chính mình không thể tin được. Nhưng tôi cho rằng những tiếng đồn về người khác thì lại hầu như phần nhiều gần với sự thực.

3

Thấy nói "Cô đồng tiên sinh"[6] sau khi xuống khỏi sân khấu[7], cái Giáp dần gì đó[8] của ông ta bỗng dần dân có sinh khí rồi. Đủ thấy quan là thứ không làm được.

Nhưng mà ông ta lại làm bí thư trưởng của Lâm-thời Chấp-chính-phủ rồi. Chẳng biết Giáp dần có thể vẫn còn có sinh khí không? Nếu còn có, thì quan cũng vẫn là thứ làm được...[9].

4

Đã không phải là lúc viết "Hồng không hoa" cái quái gì nữa rồi.

Mặc dầu viết ra phần nhiều là gai, cũng còn cần có chút lòng hòa bình.

Hiện nay, nghe nói trong thành Bắc Kinh, đã thi hành sự sát hại lớn rồi. Đang lúc tôi viết những câu văn tẻ ngắt trên đây, chính là lúc bao nhiêu người thanh niên nếm gươm nuốt đạn. Hỡi ôi, hồn linh của người với người thật chẳng thông nhau.

5

Ngày 18 tháng 3 Trung hoa dân quốc năm thứ 15, chính phủ Đoàn-Kỳ-Thụy sai vệ binh dùng súng trường đao lớn bao vây và giết hại đến mấy trăm nam nữ thanh niên tay không đi thỉnh nguyện, chỉ muốn viện trợ cho ngoại giao[10], ở trước cửa quốc vụ viện. Lại còn hạ lệnh, vu cho họ là "bạo đồ".

Cái hành vi bạo ngược độc ác dường ấy, chẳng những chưa từng thấy trong loài cầm thú, mà trong loài người cũng rất ít có, chỉ có việc Nga hoàng Ni-cô-la II sai lính Cô-sác đánh giết dân chúng là hơi giống nhau một chút[11].

6

Trung Quốc chỉ để mặc cho hùm sói càn ăn, ai cũng không ngõ ngàng đến. Kẻ ngõ ngàng đến chỉ có mấy người học sinh tuổi xanh, họ vốn nén yên lòng học tập, mà vì thời cuộc chao đảo làm họ không thể yên lòng. Giá phỏng người đương cuộc có chút lương tâm, nên tự xét lại mình, tự trách lấy mình, thế nào cho nẩy ra một điểm thiên lương mới phải.

Nhưng mà ngược lại, đã giết hại họ rồi!

7

Giá phỏng những người thanh niên như thế mà giết hết đi được, phải biết rằng kẻ giết cũng quyết không phải là kẻ thắng lợi đâu.

Trung Quốc sẽ diệt vong cùng với sự diệt vong của người yêu nước. Kẻ giết người tuy bởi có tiền ròng bạc chảy, có thể nuôi nấng con cháu lâu dài hơn, nhưng mà cái kết quả phải đến rồi nhất định sẽ đến. "Dài dòng lớn họ" nào có đáng mừng đâu? Sự diệt vong thật có chậm đi đó chúc, nhưng chúng nó sẽ phải ở chỗ đất cồn khô cỏ cháy không thể ở, sẽ phải làm nghề nghiệp rất hèn mạt để mà sống...

8

Nếu như Trung Quốc còn chưa đến diệt vong, thì sự thực lịch sử đã dạy bảo chúng ta rồi, cái việc mai sau chắc sẽ vượt ra ngoài ý liệu của kẻ giết hại...

Đó không phải là kết thúc của một việc, mà là mở đầu của một việc.

Những lời nói dối viết bằng mực quyết không che lấp nổi sự thực viết bằng máu.

Nợ máu thì phải trả bằng máu. Hễ mắc nợ càng lâu thì phải trả lãi càng nhiều!

9

Nhẫn lên đều là lời nói suông, viết bằng bút, có ăn thua gì?

Cái dùng đạn thật bắn chảy ra lại là máu của thanh niên. Máu chẳng những không che lấp bởi lời nói dối viết bằng mực, mà uy lực cũng đè không nổi nó, vì nó đã là lừa bịp không trôi, bắn không chết.

Viết ngày 18 tháng 3, (1926) là một ngày rất đen tối từ có Dân quốc đến nay.
(Dịch ở Hoa cái tập tục biên)

   




Chú thích

  1. Cái đề mục nầy lấy ở một câu nói của Schopenhauer: "Không có hồng nào là không có gai. Nhưng có rất nhiều thứ gai không phải hồng." Mà Lỗ Tấn nói khác đi một chút: "Hồng không hoa", tức là chỉ có gai. Tuy khác nhưng là cái ý của Schopenhauer. Có một bài Hồng không hoa I, nhưng ở đây không dịch. - Theo nguyên văn của Lỗ Tấn là "tường vi" ; có một thứ nữa là "văn khôi". Hai thứ giống nhau, nhưng văn khôi nhỏ là nhỏ hoa hơn tường vi mà là và hoa lại nhiều hơn. Hai thứ đó ở Trung Quốc có phân biệt, nhưng ở xứ ta hình như đều gọi là hồng cả.
  2. Bốn chữ nầy theo nguyên văn là "hạnh tai lạc họa", một thành ngữ, nghĩa là lấy tai họa làm may mắn mà vui mừng. Thực sự, nhỏ thì như thấy người khác trượt ngã mà reo cười, lớn thì như mong trong nước có đói kém hay có loạn để mình thủ lợi. Nó là một thành ngữ, có ý nghĩa đặc biệt của nó, nhưng tìm mãi, không thấy trong tiếng ta có thành ngữ nào tương đương. Nhân có câu ca dao: "Khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai", tôi bèn "đoạn chương thủ nghĩa" mà bịa đặt ra bốn chữ "Vỗ tay hoạn nạn". Ý muốn nói: Vui thì mới vỗ tay, mà cái này, hoạn nạn lại vỗ tay, thế là "hạnh tai lạc họa" đó.
  3. Lúc bấy giờ cánh đế quốc chủ nghĩa cả đến Trung Quốc hay Việt nam ta, trên mặt báo đều gọi Bolcheviste là đảng quá kích.
  4. Thúc Lương Hội là cha Khổng Tử. Khổng Tử sinh ra trước Giêsu 551 năm, đó là thực sự lịch sử, thế mà vị bác sĩ thần học nọ lại nói Khổng Tử là tín đồ của Giêsu, thật láo toét, không cái láo nào bằng. Một ngòi bút tầm thường nào, sẽ căn cứ lịch sử mà cãi lại. Nhưng Lỗ Tấn không làm thế, mà lại nói bởi Nga Sô mua chuộc được Thúc Lương Hội, khiến ông ấy đẻ Khổng Tử ra trước Giêsu, thật là một tứ văn lạ, đột xuất. Nói như thế, có ý là: Một sự thực lịch sử ngàn xưa, mà muốn nói là bởi Nga Sô mua chuộc thì cứ nói, chứ sự thực lịch sử nó vẫn hoàn là sự thực lịch sử. Suy một việc ấy thì những việc khác, theo họ nó, bị mua chuộc bởi đồng rúp của Nga Sô, đều là láo toét cả.
  5. Tây Uynh là bút tự của Trần Nguyên, giáo thụ đại học, một nhà văn phản động. Trần Nguyên thường hay tranh luận với Lỗ Tấn, từng nhiều lần bịa chuyện nói xấu Lỗ Tấn mà lại nói đó là tiếng đồn. Lỗ Tấn đã có viết một bài dài đả kích hắn và cả bọn hắn, đây chỉ là một mũi nhọn nhỏ tiếp theo.
  6. Cô đồng tiên sinh tức là Chương Sĩ Chiêu. Chương Sĩ Chiêu từng làm tổng trưởng bộ Giáo dục, trong khi đó, Lỗ Tấn làm thiêm sự, một bộ viên. Nhân Lỗ Tấn bênh vực cho nữ học sinh trường Sư phạm đại học chống lại viên nữ hiệu trưởng trường ấy, Chương Sĩ Chiêu bèn cách chức Lỗ Tấn. Lỗ Tấn liền kiện lại Chương Sĩ Chiêu và Lỗ Tấn được kiện. Sau, Chương Sĩ Chiêu bị miễn chức tổng thống.
  7. Đây chỉ sự Chương Sĩ Chiêu miễn chức, không làm tổng trưởng nữa. Một lối nói của Hoa ngữ: Khi người nào được làm một chức gì to trong chính phủ, nói là "lên sân khấu" (thượng đài) ; khi bãi chức không làm nữa, nói là "xuống khỏi sân khấu" (hạ đài).
  8. Chương Sĩ Chiêu có ra một tạp chí gọi là "Giáp dần". Đây không nói tạp chí Giáp dần mà nói: "Cái Giáp dần gì đó" là tỏ ý xem khinh cái tạp chí ấy. Giáp dần viết bằng văn ngôn, từng bị Lỗ Tấn chỉ trích mấy lần về những bài của chính Chương Sĩ Chiêu viết ra.
  9. Chương Sĩ Chiêu là người ham danh lợi, làm báo là cốt gây thế lực để làm quan. Cho nên sau khi miễn chức tổng trưởng rồi thì liền làm bí thư trưởng của Lâm thời Chấp chính phủ, tức là chính phủ Đoàn Kỳ Thụy. Hắn giúp Đoàn Kỳ Thụy thi hành chính sách đàn áp công nhân và học sinh. Việc khủng bố sắp nói đến dưới đây có ngón tay của Chương Sĩ Chiêu nhúng vào.
    Cả một tiết nầy đại ý nói: Trước kia vừa làm quan vừa làm báo, thì báo không chạy, vì thấy là báo của quan nên ít ai đọc. Như thế đủ thấy đã làm báo thì đừng làm quan, cho nên nói "Quan là thứ không làm được", bây giờ cũng vừa làm quan vừa làm báo, nếu báo chạy thì "Quan vẫn cứ làm được" như thường. ý tác giả muốn nói: Tạp chí Giáp dần không ra hồn, Chương Sĩ Chiêu chỉ cốt làm quan.
  10. Viện trợ cho ngoại giao: Đầu năm 1926, giữa lúc Trương Tác Lâm và Phùng Ngọc Tường đánh nhau, vì muốn ngừa cuộc tấn công bằng hạm đội của Trương Tác Lâm, bên phía Phùng Ngọc Tường đặt thủy lôi ở Đại-Cô, phong tỏa cửa biển, nhân đó tam nước "liệt cường" đưa tối hậu thư hạn kỳ bắt phải bỏ phong tỏa đi. Học sinh và công nhân bèn tổ chức cuộc thỉnh nguyện, xin chính phủ đối lại bằng thái độ cứng rắn.
  11. Ngày chủ nhật 9-1-1905, hơn mười vạn công nhân ở Pertecburg kéo nhau đến Đông cung thỉnh nguyện với Nga hoàng Nicôla II, Nga hoàng không tiếp kiến mà lại sai bộ đội và kỵ binh bắn giết họ, gây nên vụ thảm sát rất ghê tởm, sử gọi là "ngày chủ nhật máu". Đây tác giả chỉ về việc ấy.