Bò và nhảy

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bước tới điều hướng Bước tới tìm kiếm

Bản dịch này đã đăng tuần báo Văn nghệ, số 91, 20-10-1995.

Trước kia giáo thụ Lương Thực Thu[1] từng nói. Người nghèo thế nào cũng phải bò, bò lên, bò đến địa vị phú ông. Chẳng những người nghèo, mà nô lệ cũng phải bò, có dịp bò lên được, thì cả đến nô lệ cũng có thể thấy mình là thần tiên, thiên hạ tự nhiên thái bình.

Kẻ bò lên được tuy rất ít, nhưng ai nấy đều cho là chính mình phải như thế. Thế rồi họ yên phận đi cày ruộng, gieo giống, nhặt phân hay là mài mòn đũng quần trên ghế dài, ăn cần ở kiệm, chịu thương chịu khó, đấu tranh tự nhiên, bán sống bán chết bò, bò, bò. Nhưng người bò thì nhiều cơ man mà con đường bò chỉ có một, chen lấn nhau hết sức. Người thật thà cứ chếu theo nề nếp bò một cách dùng phép thì hầu hết không bò lên được. Người tinh ranh thì xô những người khác, xô dan ra, xô ngã đi, rồi đạp họ xuống dưới chân, giẵm lên trên vai trên đầu họ mà bò được lên. Còn số rất đông người lại vẫn cứ bò, nhận định kẻ kình địch của mình không phải ở trên kia mà ở hai bên - là những người đang cùng bò với mình. Họ cả thảy đều nhịn nhục hết mọi sự, hai tay hai chân bám lấy đất, từng bước từng bước trườn lên rồi lại bị ép xuống, bị ép xuống rồi lại trườn lên, không ai chịu thôi.

Nhưng mà, người bò thì rất nhiều, người bò lên được thì rất ít, sự thất vọng dần dần đục mòn tấm lòng người lương thiện, ít nữa cũng có thể nẩy sinh ra cách mạng quỳ[2]. Thế rồi ngoài cái bò lại phát minh ra cái nhảy.

Ấy là biết rõ anh đã cực nhọc quá, muốn đạp chân từ đất đứng lên, cho nên ở đằng sau lưng anh kêu một tiếng rõ to: nhảy đi thôi. Mỗi một cái chân tê cứng còn đang run liền nhảy qua. Nhảy so với bò nhẹ nhõm hơn nhiều, tay cũng không cần dùng sức, đầu gối cũng không cần động đậy, chỉ phải xoay ngang mình, phóc một cái, liền nhảy qua. Nhảy được lọt thì có ngay năm chục vạn đồng bạc, thê, tài, tư, lộc đều có cả[3]. Nhảy không lọt, quá lắm chỉ ngã một keo, nhào xuống đất. Như thế cũng chẳng làm sau đâu - mình vốn là chum him ở trên đất, vẫn cứ bò được. huống chi có những người chỉ nhảy mà chơi, không sợ ngã.

Bò, đời xưa đã có rồi. Lệ như từ ấu học đến trạng nguyên, từ thằng khố rách đến com-ra-đo[4]. Nhảy thì hình như mới phát minh gần nay. Muốn tra xem cổ tích thì hoặc giả đời xưa chỉ có sự "công chúa gieo cầu" là hơi giống như cho người ta có dịp nhảy[5].

Khi quả cầu của công chúa sắp rơi xuống, mỗi một chú con trai muốn ăn thịt ngỗng trời[6] đều ngước đầu lên, há mồm ra, nước bọt nhểu lòng thòng... Tiếc thay người đời xưa còn vụng tính, không bắt những chú con trai ấy bỏ ra một ít tiền vốn, nếu có thì có thể thu được bao nhiêu vạn vạn[7].

Cái cơ hội bò lên được càng ít, người muốn nhảy càng nhiều. Những kẻ đã bò lên được rồi kia, hằng ngày tạo ra cơ hội nhảy cho các anh, bảo các anh bỏ ra chút đỉnh tiền vốn mà hứa hẹn với các anh cuộc sống thần tiên được cả danh lẫn lợi. Cho nên, cái cơ hội nhảy được lọt sánh với mọi người cũng đều muốn thử nhảy xem. Như thế, bò rồi lại nhảy, nhảy không được lại bò... còng lưng mòn sức, chết rồi mới thôi.

16-8-1933
(Dịch ở Chuẩn phong nguyệt đàm)

   




Chú thích

  1. Về Lương Thực Thu, xem lời chua số 4 ở bài "Ý kiến đối với tả dực tác gia liên minh" và số 1 ở bài "Hiện trạng giới văn nghệ của Trung Quốc tối tăm".
  2. "Cách mạng quì": Bò thì hai tay hai chân sát đất, vì cũng như làm nô lệ; đang bò mà đứng thẳng lên, ví cũng như cách mạng; còn quì lên, chỉ đứng thẳng được nửa người, ví cũng như cách mạng lở dở, không triệt để. Bởi vậy mới nói "cách mạng quỳ" và mới nói "ít nữa". Tóm lại "cách mạng quỳ" để chỉ một cuộc cách mạng không triệt để; cách mạng triệt để thì như sẽ nói ở hạ văn: "đạp chân từ đất đứng lên".
  3. Năm 1933, chính phủ Quốc dân đảng có mở cuộc xổ số để thu lợi, số độc đắc là 50 vạn đồng, cho nên nói thế. Đang là tay không mà trúng số 50 vạn trở nên giàu có, sự ấy đem so với bò, tức là cặm cụi làm ăn cả đời thì cũng như nhảy. Lỗ Tấn viết bài này cốt để công kích cuộc sổ xố ấy.
  4. "Com-ra-đo" vốn là tiếng I-pha-nho, mà Pháp và Anh cũng có dùng, viết là Comprado, nguyên văn dịch âm, viết bằng ba chữ đọc theo âm Việt là "khang bá độ", ở đây viết theo nguyên âm là "com-ra-đo". Chữ Comprado, ở Trung Quốc trước kia dùng để chỉ người Trung Quốc nào làm nghề buôn bán trung gian giữa nhà ngân hàng hay nhà buôn ngoại quốc với người bổn địa, do đó trở nên giàu có. Cái danh từ ấy nếu nói bằng tiếng Trung Quốc thì là "mại bản" (mà hai chữ này viết ra và đọc theo âm Việt là "mãi biện"), bởi vậy mới có cái danh từ "tư sản mại bản", chỉ những người giàu có nhờ buôn bán với người ngoại quốc, dính chặt với thế lực ngoại quốc.
  5. "Công chúa gieo cầu", chuyện ấy thường thấy trong tiểu thuyết cũ. Đang là một người dân hèn mà may ra được làm chồng công chúa thì cũng như đang bò mà nhảy.
  6. Một chàng con trai nghèo hèn mà muốn lấy một cô con gái đẹp và sang trọng, người ta thường ví với "muốn ăn thịt ngỗng trời". Nguyên văn là: "Cùng hán tư thực thiên nga nhục".
  7. Trong những cuộc xổ số, nhà cầm quyền bao giờ cũng trích ra một số tiền lớn để lại, còn thì phân phát cho một số ít người mua vé, mỗi người trúng hoặc nhiều hoặc ít. Cái mánh khóe thủ lợi ấy còn trắng trợn và khốc hại hơn nhà thổ chứa bạc lấy hồ nữa. Chỉ ra cái chỗ người đời xưa vụng tính, không bắt những chú con trai dự đám gieo cầu bỏ ra một ít vốn, để thấy cái chỗ bịp bợm gian tham của cuộc xổ số.