Bước tới nội dung

Hoa và Đức đều đốt sách mà có khác nhau

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Tuyển tập tạp văn của Lỗ Tấn, do Phan Khôi dịch
Hoa và Đức đều đốt sách mà có khác nhau

Bọn ông Hitler nước Đức đốt sách, các luận giả Trung Quốc và Nhật Bản đều đem sánh với Tần Thủy Hoàng. Nhưng mà Tần Thủy Hoàng thật oan lắm, chỗ thiệt thòi của ông là tại chỉ có hai đời mà mất nước[1], rồi bọn hầu chảu đều vì nhà chúa mới mà nói xấu ông.

Phải, Tần Thủy Hoàng từng đốt sách, đốt sách để mà thống nhất tư tưởng. Nhưng ông không đốt những sách về nông học và y học ; ông thu dùng nhiều "khách khanh"[2] các nước khác, cũng không chuyên trọng "tư tưởng của Tần", mà là lượm lặt đủ các thứ tư tưởng. Người Tần trọng trẻ con ; mẹ của Thủy Hoàng là con gái nước Triệu, nước Triệu lại là trọng đàn bà, cho nên chúng ta đọc những bài văn "kịch Tần"[3] còn sót lại, cũng không thấy có cái dấu vết khinh miệt đàn bà.

Bọn ông Hitler thì không giống thế. Những sách họ đốt trước hết là sách "không phải tư tưởng nước Đức", không có cái phách lực dung nạp khách khanh. Thứ đến đốt những sách nói về tánh[4], ấy là hủy diệt cái công trình nghiên cứu bằng khoa học để mà giải phóng tánh đạo đức, kết quả sẽ làm cho đàn bà và trẻ con chìm đắm ở cái địa vị thượng cổ, không được thấy ánh sáng. So với cái sự nghiệp lớn, loại như xa đồng quỹ, thư đồng văn...[5] của Tần Thủy Hoàng, bọn họ không làm nên được một tí nào.

Khi người Aráp đánh hạ thành Alexanda,đốt trụi những thư viện ở đó, lý luận của chúng là: nếu đạo lý nói trong những sách đó giống với kinh Côran[6] thì đã có kinh Côran, không cần để làm chỉ ; còn nếu không giống, thì là dị đoan, không nên để. Đó mới là tổ sư chính gốc của bọn ông Hitler - tuy người Aráp cũng là "không phải nước Đức" - không thể so sánh được với sự đốt sách của nhà Tần.

Song le cái kết quả thường thường không giống với sự tính trước của bọn anh hùng. Thủy Hoàng tính rằng ngôi hoàng đế truyền đến muôn đời, lại chỉ có hai đời mà mất, tha không đốt những sách nông học và y học, mà đến hiện nay loại sách ấy từ Tần về trước một bộ cũng không con. Ông Hitler lên sân khấu một cái là đốt sách, đánh người Do thái, không coi ai ra chi, cả đến tụi con nuôi da vàng ở đây cũng nghe mà nở mặt hỉnh mũi lên, tha hồ chế nhạo những kẻ bị áp bách, nhằm văn chương châm biếm bắn ra cái tên ngầm châm biếm, cuối cùng còn trắng trợn hỏi mát rằng: rốt cuộc các anh muốn tự do hay không muốn? Không được tự do, thà chết. Hiện giờ sao các anh không chết đi?

Lần nầy không cần đợi đến hai đời, chỉ có nửa năm, bọn đồ đệ của ông Hitler ở áo bị cấm, cả đến huy chương đảng cũng đổi ra hoa hồng ba màu. Điều rất buồn cười là nhân vì không cho hô khẩu hiệu, ai nấy lấy tay che mồm, thành ra dùng "kiểu bưng mồm".

Đó thật là một cái châm biếm lớn. Người châm biếm là ai, không cần hỏi, song đủ thấy châm biếm vẫn không phải là "nói mơ", không biết tụi con nuôi da vàng nghĩ sao?

28-6-1933
(Dịch ở Chuẩn phong nguyệt đàm)

   




Chú thích

  1. Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất thiên hạ, lên ngôi hoàng đế, ra lệnh: "Ta tự xưng là Thủy Hoàng đế, đến đời con ta sẽ xưng là Nhị hoàng đế... rồi cứ thế mà kể cho đến vạn thế." Nhưng mới đến đời con ta là Hồ Hợi, tức Nhị thế hoàng đế thì mất nước.
  2. Nhà Tần thu dụng những người có tài ở các nước khác đến làm quan ở nước minh, gọi là "khách khanh".
  3. "Kịch Tần" là những bài văn chê trách nhà Tần, như của Dương Hùng ; Giả Nghị cũng có bài như thế, gọi là "Quá Tần luận".
  4. "Tánh" tức là "thư hùng tánh" mà nói tắt đi, đồng nghĩa với chữ "sex" trong tiếng Pháp. Xem thêm lời chua số 1 ở bài "Sự tiến hóa của người đàn ông" sau đây.
  5. "Thư đồng văn" là trong cả nước viết cùng một lối chữ với nhau. Thuở Chiến quốc, văn tự mỗi nước viết khác nhau. Sau Tần Thủy Hoàng thống nhất, Lý Tư làm thừa tướng, bãi bỏ các thứ chữ không giống với chữ của Tần, bắt thiên hạ chuyên dùng một thứ chứ nầy, về sau gọi là "Tần triện". Còn "xa đồng quỹ", nghĩa là bánh xe cùng một cỡ với nhau, nhưng thực sự thế nào thì không biết.
  6. Côran là kinh điển của Hồi giáo. Người Aráp theo Hồi giáo.