Chuyện thế gian/Quyển thứ nhất/6

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

6.Người cá[1]

Cảnh-sinh ở Sái-Kinh, sang chơi Mân, lúc về đi đường bể, thấy trên bãi cát có một người nằm sóng-sượt, mắt biếc râu quăn, mình đen như ma, nhân gọi hỏi.

Thưa rằng: « Tôi là người cá giao, vì dệt hỏng cái áo cưới của cô Quỳnh-Hoa, cho nên bị đầy đuổi. Nay xiêu rạt không biết nương vào đâu. Nếu được nhờ lượng bao-dung, xin ngậm ơn hết đời. »

Sinh nghe nói mà thương, đem về nhà nuôi. Lạ cho thằng người cá! tính không thích cái gì, cũng không được việc gì, mỗi ngày ăn xong, chỉ nhẩy xuống ao tắm một lượt, rồi lại lên ngồi im trong só tối, không cười không nói. Sinh nghĩ thương tình xiêu-dạt, cũng không nỡ sai bảo.

Ngày lễ tắm-phật, Sinh đi chùa chơi, gặp có một bà già đưa một người con gái bé đến lễ dưới tòa Phật, hai bàn tay chắp vái như búp hoa sen trắng, lưng cúi xuống như cành liễu gục cong, các tà áo sóng-sánh nhau như thể những đám mây muốn lùa ra một mặt nguyệt. Lễ xong, theo bà già đi. Sinh dò theo vào mãi một cái ngõ hẹp, hỏi quanh đấy thời biết là người ở Ngô, họ Đào, người con gái tên là Vạn-Châu, mẹ hóa con côi, bị làng xóm ức lạm lắm, ba năm trước đem nhau đến đấy xin ở ngụ. Sinh nghĩ tình-cảnh nghèo mọn như thế, hỏi lấy tất dễ, về cho người đến giạm.

Bà cụ cười, nói rằng:

« Gả con gái mà nói thách, xưa nay cũng là thường-tình. Vả lại con tôi tên đặt là Vạn-Châu, thời tất phải có đủ một vạn ngọc minh-châu, mới có thể nhận nhời được. Nếu không được như thế thời dẫu mành mối cũng vô ích. »

Sinh nghĩ: Ngọc minh-châu mà đòi đến một vạn, thời dẫu bán cả nghiệp cũng không kiếm đâu được. Rồi từ đấy, ngày thời ngón tay viết lảm-nhảm, đêm thời mơ-màng, thấm-thoắt mươi lăm hôm, thành ra ốm nặng. Mời các thầy thuốc đến xem, đều vô ích. Xương mai một nắm, chờ tạ tuyết sương. Người cá lên hầu hỏi thăm bệnh.

Sinh nói:

« Một mối tơ tình, thôi con tầm đến lúc thác! Chỉ nghĩ cho mày chân giời mặt bể, về cùng ta đã nửa năm. Nay mai ta chết đi, mày lại tìm đâu được chỗ mà nương tựa. »

Người cá nghe nói xong, quì xuống, đập tay vào giường, khóc thật to, nước mắt ra đầy đất, tung-tóe nhấp-nhánh, trông toàn là minh-châu. Sinh đương nằm, vùng dậy nói rằng:

« Thôi khỏi rồi! »

Người cá không hiểu là sao

Sinh nói:

« Ta đến nỗi ốm gần chết là chỉ chậm thiếu một vị thuốc bằng nước mắt của mày. »

Nhân kể rõ sự-tình cho nghe. Người cá mừng, nhặt đếm xem thời chưa đủ số vạn. Tiếc mà bảo rằng:

« Ông thật là tồi quá! chưa chi đã mừng ngay. Sao không chậm lại một chút nữa, để vì nhau khóc một phen cho hết tình.

Sinh — Mày khóc đi một bận nữa, có được không?

— Chúng tôi cười, khóc, là tự trong bụng ra, chớ không như nhiều người giả-dối ở trần-thế, hơi một tí thời đem cái mặt-nạ ra đối với người. Tất ông muốn như thế, thời ngày mai đem chai rượu, cùng lên cái lầu trông ra bể, tôi sẽ xin vì ông liệu xem. »

Sinh theo như nhời nói, mờ sáng hôm sau, đem rượu, cùng người cá lên lầu nom ra bể. Nước sóng mênh-mông, khói sương mờ-mịt, người cá lấy chén rót rượu uống, uống xong rồi múa, trông khắp ra chung-quanh, núi đá đèo cây đều như tỏ như mờ trong lớp sóng.

Than rằng:

« Bốn phương mây trắng một mầu,
Trông về cố-quốc biết đâu là nhà! »

Vung tay vồn-vã, ôm lòng thương xót, lệ châu tuôn rơi. Sinh nhặt lấy, đựng vào mâm, nói rằng:

« Đủ rồi.

Người cá: — Một mối thương tâm đã gợi ra, không thể rướch đi được. »

Cất tiếng khóc thật to, nước mắt hết mới thôi. Sinh mừng quá, đón về, bỗng thấy trỏ tay về mặt đông, nói rằng:

« Kìa, cái thành bằng ráng đỏ đã hiện lên, cô Quỳnh-Hoa đêm hôm nay cưới về quan Thái-Sử ở cù-lao San-Hô. Tôi tai-hạn đã đầy, xin từ đây dã-biệt. »

Nói xong, nhẩy vút mình xuống bể, mất! Sinh ngậm-ngùi quay về một mình.

Ngày hôm sau, đem ngọc châu đến làm lễ xin hỏi. Bà cụ cười bảo rằng:

« Cậu thật là một người si-tình. Tôi chẳng qua nói thử thế thôi, chớ có mặt nào thật đem bán con gái đi để kiếm cái nuôi miệng đâu! »

Giả lại vạn ngọc châu; gả Vạn-Châu cho Sinh.

Thế-gian bàn rằng: — Vạn-Chầu thách cưới mà rồi lại giả về thời vật đó nguyên cũng không cần có; song không có nhời thách của bà cụ thời không có nước mắt tận tình của người cá; không có nước mắt của người cá thời không biểu được chân-tình cao-thượng của bà cụ. Trong thế-gian vạn vật đều là ảo, duy chỉ có cảm-tình là chân thực thôi vậy.

  1. Có một thứ cá tên là cá giao, như hình người, thường đem lụa lên bán ở nhân-gian; lúc dã biệt về, khóc chẩy ra nước mắt, toàn là ngọc minh-châu.