Dưới hoa/III

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Dưới hoa của Từ Chẩm Á, do Nhượng Tống dịch
III. — Dạy trẻ

III. — DẠY TRẺ

Muông xanh mây trắng, biến đổi không thường; gió mát trăng trong, lữa lần mấy chốc. Người xưa bảo hai chữ « Nhân Duyên » của nhà Phật, đủ bù cho chỗ khuyết điểm ở trong sách thánh-hiền. Người đời gập gỡ dâu chẳng là duyên, duyên chưa đến thì cầu không xong, duyên đã đến thì tránh không được. Mộng-Hà nhà ở Hổ-phụ, bỗng sang Rong-hồ, đã nhận nhời làm chức ông thầy, lại ở trọ dậy giùm đứa trẻ, lại chẳng phải là duyên đó sao. Tuy nhiên, chàng dù cho thế là duyên, mà duyên của chàng thực thì chưa đến. Nửa tháng bơ vơ, mùi sầu nếm trải: mười phần tịch mịch, nỗi giận chất đầy; bất đắc dĩ mà phải đem tình gửi hoa, đem tình gửi hồn hoa, rồi nhặt hoa, rồi chôn hoa rồi khóc hoa bao nhiêu thứ kỳ tình mới đem lại bao nhiêu duyên kỳ ngộ. Ba thước mồ hoang, năm canh thoảng đến; nửa vừng trăng sáng, đôi lòng cùng soi. Một đêm thương nhớ ngậm ngùi. Trăm năm hận lấp sầu vùi tự đây. Mông-mênh bể khổ nước đầy, đem mình deo xuống biết ngày nào lên...

Trăng ròm cửa sổ, gió lọt mành thưa, trên cánh song the, tờ mờ in một bóng người, thuỷnh thoảng lại nghe tiếng than dài thở ngắn. Lạ thay! người nhà ai thế, mà lại chịu canh tàn ngồi nhẫn, sầu khổ một mình? Người ấy bấy giờ dang ngồi dưới ngọn đèn tàn, lấy tay tỳ má, mặt tần ngần như có điều chi bận nghĩ, hai gò má còn đầm đìa nước mắt, vẻ người ủ dột, thật chẳng khác chi đóa hoa lê nở giữa trời mưa. » Chỉ thấy lệ đầm ướt, chẳng hay lòng giận ai? » Nàng buồn dễ ai người hay, mà nàng khóc dễ ai người trông thấy? Một lát trong màn nghe có tiếng trẻ khóc. Nàng gạt nước mắt đứng rậy, vào màn ru con. Mãi lúc ấy nàng mới bỏ áo đi nằm, thì xáo xác tiếng gà, đã thấy gáy dồn gọi sáng...

Chao ôi! Người bên cạnh song the ai bảo không phải người bên mồ hoa lê? người trong tiếng trẻ khóc, ai bảo không phải người trong mắt Mộng-hà? mà người ở dưới bút kẻ chép truyện đây, ai bảo không phải là « mợ Lê » ở miệng ông già đã nói? Mợ Lê là ai? tức là con gái cả họ Bạch, lại là cô dâu góa họ Thôi. Tám năm xum họp, một sớm chia phôi; ma bắt người còn nể mặt ai; gái ở góa biết bao cảnh khổ. Bực mình con vẹt líu lo, nỏ miệng còn quen tiếng cậu: ngán nỗi trướng loan dằn dọc, chiêm bao nào thấy mặt chồng. Mơn mởn tuổi xanh, hoa xuân đương độ; mông mênh bể ái, sóng gió bất kỳ. Thương ôi! Mồ hoang cỏ mọc xanh rì, son phai phấn nhạt còn gì hồng nhan! Tấm riêng riêng những bàn hoàn, nỗi mình mình biết muôn vàn đắng cay. Đành nhẽ ngâm câu đầu bạc, ta tu cho trọn kiếp này; hay đâu lạc lối nguồn Đào, khách lại tìm vào đường? ấy Mỹ nhân xấu số, danh sĩ nặng tình. Hương lửa ba sinh, nợ nần chưa dứt. Chưa có Mộng-hà, đời Lê-nương đã khổ, có Mộng-hà, lòng Lê-nương lại càng thêm trăm nỗi rót xa...

U-ơ miệng sữa chào thầy. Áo xanh đầm lệ những ngày năm xưa! Mộng-Hà từ khi đến ở nhà họ Thôi, ngày thì hai buổi đi về, đêm thì một mình vò võ. May có đứa con Lê-Nương bé người, song sáng dạ, khi khóc khi cười, coi rất ngộ nghĩnh, chiều hôm ban sớm, có nó cũng vui nhà. Chàng thấy nó là con bồ côi, nên lại càng chiều chuộng chăm nom. Lắm khi đương lúc bực mình, thấy nó đến cũng bán sầu làm tươi. không hề nghiêm mặt, nói xẵng với nó bao giờ, sợ làm cho nó thất đảm. Trời cho chàng vốn tính vẫn hiền-lành, chứ không phải nó là con nhà họ Thôi mà chàng lại ăn ở khác. Nó tên là Bằng-lang, chàng đặt tự cho là Tiên-sử, ý mong cho nó có lúc « cánh bằng bay bổng, nhẹ bước đường mây ». Học một buổi, Bằng-lang đã nhận được mấy chục mặt chữ ngay. Chàng thấy nó học có khiếu, lại càng yêu quí bội phần, ôm ấp vuốt ve, tuy thầy học mà chẳng kém gì mẹ-đẻ. Bằng-lang đang độ thơ ngây, thấy chàng chiều thì sinh « mợn » không còn biết sợ hãi gì nữa. Câu « sớm ra cưỡi ngựa Bồ-Đề, dưới đèn tối đến mân mê trêu thầy » của Vi-Trang ngày trước, thật đã khéo tả được cảnh thầy trò Bằng-lang...

Con côi mẹ góa, cây có một cành; Lê-nương yêu quí Bằng-lang thế nào, không nói chắc ai cũng rõ. Khi Mộng-Hà mới đến, Thôi-ông tỏ ý muốn cho Bằng-lang theo học, Lê-nương tuy vững dạ song lòng vẫn lấy làm lo. Lo vì sao? Lo vì Bằng-lang nhỡ ham chơi nhác học, quen thói dông-dài; Mộng-Hà lại ít tuổi hung càn, không quen tính trẻ; bảo ban chẳng ăn lời lại ra oai đánh đập quá tay, cố ép học hành quá sức; bắt nhặt bắt khoan, từng ly, từng tý, thì chỉ tổ hại trẻ mà thôi. Bởi vậy, nàng vẫn nghi ngại vì chàng, có biết đâu chàng đã khéo thể lòng nàng, bao nhiêu điều nàng đoán phỏng đều không đúng cả. Cứ tối đến, sau khi Bằng-lang vào học rồi, nàng lại phấp phỏng lo âu, sai con hầu đến đứng rình ngoài cửa. Sau biết chàng hết lòng chăm chút Bằng-lang, coi chẳng khác gì con đẻ thì nàng lấy làm mừng lắm. Hay đâu vì cớ thương con, mà từ đấy nàng sinh ra bụng mến chàng, Thường tự nghĩ: người đâu mà tử tế thế, tính nết đã hiền hòa như vậy, học hành chắc tài bộ hơn người: được thầy ra thầy, thôi cũng may cho con trẻ. Kế lại nghĩ: Tình cảnh người ấy thực cũng đáng ai ngại: lưu lạc giang hồ, bơ vơ đất khách; trách con tạo trêu ngươi chi thế? ôm dạ sầu biết ngỏ cùng ai. Bóng chiếc thẩn thơ, đèn khuya le lói; bao nhiêu chí khí, mòn mỏi hết rồi! Đời mà đến thế thì thôi, trông ai thêm lại ngậm ngùi cho thân. Lạ thay con tạo xoay vần, trong cơ lửa bén rơm gần ai hay[1].

« Mành thưa thấp thoáng trăng mờ tỏ, gang tấc xem bằng mấy dậm khơi »! Mộng-hà dẫu có bà con với họ Thôi song người nhà họ Thôi có những ai thì chàng chưa được rõ. Tuy nhiên, chàng đã biết Bằng-lang bồ côi cha, thì sao lại chẳng biết Bằng-lang còn mẹ, huống chi chính miệng Thôi-ông cũng đã từng nói đến hai tiếng mợ Lê. Tuy nhiên, chàng dầu biết có nàng mà trạc tuổi, tài học mà nhan sắc nàng thế nào thì chàng chưa rõ cho lắm. Thường khi nghe lóng ở miệng thằng nhỏ, con hầu vô tình nói đến, thì chỉ biết rằng nàng hằng ngày vẫn giảng sách cho Bằng-lang nghe, cầm tay cho Bằng-lang viết, xong việc chỉ kim lại làm bạn với sách vở; có lúc vần phú câu thơ, mượn việc ngâm nga để làm trò tiêu khiển: trên bàn tập giấy ráp xếp cao đầy thước, bên giá sách vở chồng la liệt; cất dọn chỉnh tề, bầy biện thanh nhã, coi khác hẳn với các nơi gác gấm buồng hương[2] Vì vậy, chàng biết nàng là một trang tài nữ, viết chữ than lau, đức hạnh đã không kém gì Âu-mẫu; làm thơ bông liễu tài hoa lại đủ sánh cùng Tạ-cơ[3]. Tiếc thay con gái tài hoa, trời già vẫn ghét; má-hồng nặng nợ, quen lệ đi rồi. Cành thiên-hương nêu không gẫy nửa chừng; duyên loan-phượng tất nhiên chia đôi ngả. Đời hoa mỏng mảnh, thành sầu giam lỏng đầu xanh; bà Nguyệt phũ phàng, khách tục xe nhầm chỉ thắm. Cầu ly biệt bắc cao nghìn trượng, gánh tương tư xếp nặng ngang đầu. Đời như đời Lê-Nương chính là một tấm gương đau đớn soi chung cho các chị em bạc mạnh ở thế-gian này đó[4]. Mộng-Hà đối với nàng, vừa có lòng thương, vừa đem bụng mến; vì thương mến sinh ra quyến luyến, vì quyến luyến thành ra say mê. Mãi khi vẳng nghe tiếng khóc, nhác thấy bóng người; Thiếu-nữ về hồn, Hằng-nga mất vía; đến, đến thoảng lại đi, đi mất; thì chàng đã đoán chắc ngay là Lê-Nương. Gió lạnh gạt hàng nuớc mắt, tấm tình si ai khác ai đâu. Trăng trong treo mảnh gương nguyền, duyên tri-kỷ may sao may thế. Từ đấy Mộng-Hà không thương gì đến hoa-lê nữa, chỉ còn thương mợ Lê mà thôi!..[5]...

Bóng người vò võ, tiếng học rang rang; mỗi tối Mộng-Hà dậy Bằng-lang hai tiếng đồng hồ; cứ chuông đánh chín giờ là lại sai thằng nhỏ bế xuống nhà, không muốn để cho đứa trẻ phải chịu cái khổ ngồi lâu ngủ gật... Bằng-lang xuống. Lê-nương tất vồn vã hỏi: Hôm nay con thuộc được mấy chữ? Thầy có yêu con không? Con có lỗng để thầy giận không? Thầy làm gì? xem sách hay là viết?... Đợi con trả lời xong, nàng mới thong dong tháo giầy, cổi áo cho: rồi đó bế đặt vào giường, buông màn ru ngủ. Con côi mẹ góa, sớm tối trông nhau; trăng lạnh buồng thu, dằn dọc không sao ngủ ngay được, nàng lại trở dậy ngồi kể đèn mà khâu vá cho quên khắc canh dài. Còn Bằng-lang thì thin thít ngủ say, có lúc nói mê, lại gọi mẹ dục sao không đi ngủ. Tiếng gọi ấy đã nhiều lần làm cho nàng phải động lòng thương cảm mà giọt châu tầm tã tuôn mưa. Một hôm, Bằng-lang hớn hở khoe với mẹ rằng: Thầy yêu con quá! Đặt con lên gối, bế con ngồi lòng, cầm tay con, hôn trán con mà bảo: Bằng-lang! Con có thể dời được lòng mẹ, lên đây ngủ với thầy không? Thầy nằm một mình buồn, dằn dọc ngủ không yên, dễ con không biết đấy nhỉ?[6] Lê-nương nghe lời Bằng-lang, ngọn lửa lòng bỗng bén đến lửa tình, sóng bể hận lại tràn sang bể ái, thở dài không đáp, nước mắt vùng quanh. Nàng tự nghĩ: Đời bây giờ lòng người đen bạc, trẻ côi gái góa, ai kẻ đoái hoài. Thế mà người này lại thiết tha chăm chút con ta, thật là người sốt sắng mà tình-tứ... Từ đấy lòng nàng đối với Mộng-Hà vẫn đinh ninh tơ tưởng, chẳng những là quí mến mà còn có khi cảm đến nỗi lệ tràn thấm khăn...

« Khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào có ai. » Nóng lạnh thói đời, ở đâu cũng thế. Người ta chẳng may phải xa cách quê nhà, bơ vơ đất khách; đường trường vất vả, tiền túi cạn khan: đêm vắng đèn tàn, một mình một bóng; những lúc ấy, phỏng ngoài mình ra, còn ai là kẻ thiết tha đến? Tấm thân khác nào giây tầm-gửi, mọc đậu sống nhờ, không ai vun tưới, không đến nỗi chết ròn chết mỏi cũng là hú-họa đó thôi. Than ôi! Gió bụi mịt mờ, đau lòng ly biệt; nước non cách trở, tủi dạ thần hôn. Ngẫm đời nào được mấy gang tay; trông xuân những ứa hai hàng lệ. Nhân tình buổi mới, nếm vào mới biết chua cay. Cảnh vật quê người, trông đến càng thêm ngao ngán. Một cây đèn lụn, ba thước giường tre; ai là người thăm hỏi chăm nom, ai là kẻ ra vào cơm nước? Phàm kẻ đi ra ngoài đường, ai cũng phải chịu cái khổ ấy cả. Duy có Mộng-hà đến Rong-hồ thì tuy ở trọ nhưng mà còn may... Nhờ được nhà chủ chiều đãi tử tế, nên chàng không thấy có điều gì là bận đến mình: ở trọ cũng như ở nhà, quên cả cái nông nỗi quê người đất khách. Ban ngày thì có Thôi-ông truyện-trò, ban đêm thì có Bằng-lang quấn quít, cửa nhà rếch đã sẵn thằng nhỏ quét tước, quần áo bẩn đã sẵn con hầu giặt giùm. Cơm nước sạch sẽ, hầu-hạ tinh tươm, tưởng ở nhà cũng không được chu đáo như ở đấy. Ở với ông thầy lễ phép mà chăm chút như thế, đều là nhờ có Lê-nương cả. Chàng biết vậy, lòng chàng vẫn lấy làm cảm, vì thế lại càng ra công rèn cặp cho Bằng-lang. Có khi chàng nói với Bằng-lang, tỏ ý cảm ơn nàng. Bằng-lang còn trẻ con, tính trẻ mỏng môi, nghe thầy nói câu gì, xuống nhà lại mách lẻo với mẹ. Ấy vì thế mà kẻ ngoài buồng văn, người trong trướng gấm, tuy chưa từng đôi mặt một lời, quen hơi bén tiếng, song đã tâm đầu ý hợp, khi thân chẳng lọ là cầu mới thân...

Mộng-hà hôm nào cũng phải sớm đi tối về, bẩy ngày mới có một ngày nghỉ. Hôm chàng chôn hoa chính là vào hôm chủ nhật, có chủ nhật thì chàng mới được suốt ngày thong thả, tìm cách mua vui. Không ngờ đêm ấy lại được biết mặt Lê-nương, người đâu gặp gỡ, đêm ấy đêm gì? chẳng hẹn mà nên, âu cũng trời xui khiến vậy. Lúc nàng ra sân, là lúc trăng sáng tỏ, người ngủ yên, bốn bề lặng ngắt như tờ, nàng chắc Mộng-hà chả còn thức đến bấy giờ nữa. Hoa rụng đi đâu, hương thừa còn đó; dời gót ngọc nhìn vào mồ mới, nấm đất chưa khô; gạt hàng châu sờ đến bia tàn, câu văn khéo gở; phận mỏng hơn hoa, lòng đau như cắt, nàng lúc ấy dù muốn thương hoa mà khóc, song mình tự khóc mình chưa chán còn hơi đâu mà khóc cho hoa. Gốc hoa gặp được Mộng-Hà là kẻ đa tình, lúc nở đã có người chăm chút lúc tàn lại được chỗ tựa nương, so lại với nàng, may dủi khác nhau nhiều lắm. Số phận long đong, việc trước đã đành như thế; tháng ngày đằng đẵng, kiếp này chi nữa mà mong. Dẫu cho tài thánh-sống, dễ sức đâu đội đá vá trời? trừ có bóng trăng suông, còn ai kẻ san buồn sẻ tủi? Lòng oán hận mỗi ngày một nặng; vẻ hồng nhan mấy lúc mà già; « không chồng ai dễ sống chi lâu, » nghĩ trước trông sau, ruột tầm những vò tơ chín khúc. Lòng riêng chua xót muôn phần, làn sóng lệ dồn ra hai khóe mắt, bất giác buột mồm lên tiếng khóc; không ngờ vì tiếng khóc ấy mà Mộng-Hà đương thiêm thiếp giấc nồng phải bàng hoàng chợt tỉnh, lại được nhìn thấy hình ảnh hoa Lê, đang tả tơi dưới trận mưa sầu... Chàng dẫu biết nàng, song nàng vì vẫn chưa trông thấy mặt chàng. Tuy nhiên, mảnh tình của chàng thì nàng vẫn rõ, mà van đem lòng cảm. Một sợi tơ mành, đã cùng nhau gắn bó; duy có sự thương thầm nhớ trộm, thì bắt đầu từ trận khóc đó thôi. Từ đấy trở đi, tai chàng đã thành ra bộ máy lưu-thanh, lắng tai nghe lại như thấy tiếng nàng nức nở nỉ non, đưa lại bên tai văng vẳng; mắt chàng đã thành ra bộ đồ chụp ảnh, nhắm mắt nhìn lại như thấy bóng nàng thuớt tha yểu điệu, hiện ra trước mắt rành rành.... Hôm trước gặp nàng, thì hôm sau chàng cố ý đem truyện nói hở với Bằng-lang mà rằng: « Người xinh hơn ngọc, phận mỏng như hoa; đã đa sầu, lại đa tình. » mấy câu ấy đáng để tặng mẹ con, con nên nhớ lấy. Bằng-lang xuống nhà, vội đem lời thầy thưa lại; có sao nói vậy, không sót chữ nào. Nàng bấy giờ đang thẩn thơ đứng trước gương loan chợt nghe lời chàng tặng thì sợ, thì thương; thì than, thì khóc thì gật đầu lẩm nhẩm, thì tỳ má tần ngần; một tấm lòng son, như tơ vò rối. Còn Mộng-Hà thì lúc ấy cũng vậy: Cái tâm sự cuối cùng, chàng chỉ sợ Bằng-lang nói với nàng mà nàng giận; lòng lại ăn năn tự trách mình là nông nổi; suốt đêm vơ vẩn, thức ngủ không yên... Chao ôi! tình cảnh nàng đêm ấy thế nào, chàng có biết đâu là cũng cùng chàng một bệnh tương tư cả..


  1. Những hạng đàn bà góa sớm, trừ một số ít đối với chồng có cái ái tình kiên cố lắm, còn thì nên đi lấy chồng thì hơn. Nếu không di lấy chồng, thì khó lòng khỏi có lúc bị hoàn cảnh cám-dỗ mà sinh ra bại hoại như Lê-nương này được. Than ôi! Luân lý Á-đông cũng không cấm gái góa lấy chồng, chỉ vì quan-niệm thủ-trinh đã thành ra cái « xích-vàng » rất vững của bọn đàn ông khéo đem khóa vào cổ bọn đàn bà; bọn đàn-bà biết nó là cái xích nhưng lại tiếc nó bằng vàng, muốn lấy chồng nhưng lại còn tham cái tiếng « tòng nhất. nhi chung », còn thích cái biển « tiết hạnh khả phúng », thành ra trong các gia-đình bất hạnh đã xẩy ra biết bao nhiêu những chuyện thương tâm. Vì vàng mà cam lòng đeo xích, vì cái danh-giá hão mà vâng chịu sầu khổ, có khi đến nhục nhã một đời; chung qui đến xích phải tháo, vàng phải phai, tấm thân đã dở dang mà danh giá hão cũng chẳng còn, cái ngu kể cũng đáng buồn cười vậy.
  2. Tôi không tin rằng nghe lóng mà biết được rõ ràng như thế. Tôi cho rằng sự đó tất phải hỏi dò tỷ mỷ mới biết được.
  3. Mẹ ông Âu-Dương-Tu, vì nhà nghèo, dậy con viết lấy cục than-lau vạch xuống đất. Tạ-đạo Uẩn là một tay tài-nữ, có câu thơ vịnh bông liễu, người đời vẫn truyền tụng.
  4. Cái bạc mạnh của chị em, cứ ý tôi thì không phải là trời ghen, mà chính là xã-hội áp-chế. Lẽ đó bàn ra dài lắm, xin khất đến cuối sách sẽ nói tường. Tiện đây chỉ mong sao cho phàm các người bạc mạnh, đừng phàn nàn đổ tội cho trời, mà nên hăng hái ra phấn đấu với hàng nghìn cái chế độ hủ bại để tự mở lấy sinh lộ mới được.
  5. Phàm kẻ quyến oanh rủ yến, tất phải tìm cách làm cho người con gái chú ý đến mình, nhất là chú ý đến mình là một kẻ lắm tình nhiều cảm. Mộng-hà chôn hoa, chính cũng cùng một tâm-lý ấy, nào phải thương gì hoa!....
  6. Câu nói sao mà đê tiện thế! Ngoài các cái đê tiện khác còn tỏ ra cái vẻ một kẻ nhu nhược, ỷ-lại, không biết tự-lập, không đáng sống ở đời. Khao khát được người thương, đến nỗi không có ai thương thì điên cuồng cầu đến cả một đứa trẻ con! Khí khái nam-nhi đâu có thế!.,