Bước tới nội dung

Dưới hoa/IX

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Dưới hoa của Từ Chẩm Á, do Nhượng Tống dịch
IX. — Đề ảnh

IX — ĐỀ ẢNH

Ngày dài bằng tháng, người gầy hơn hoa; chàng tuy đã đuổi được ma bệnh, xa được thần chết, song mấy ngày nằm liệt, người chỉ còn xương bọc lấy da. Sau khi ốm, chàng cầm gương soi mặt, thấy đã võ vàng mất hết cả bóng dáng ngày thường. Chân tay quệnh quạng, ngồi đứng cũng không được vững. Lúc ốm lúc khỏi, tuy bởi tình mà ra cả, song thực thì hại cho thân thể nhiều lắm: Mộng-hà khi ấy đã không phải là Mộng-hà mặt đầy mình đẫy như ngày trước nữa rồi. Lê-nương biết là sau khi khỏi còn cần phải gìn giữ, khuyên chàng hãy nghỉ mấy ngày, đừng đi dậy vội, sợ đi về vất vả, bệnh lại nhân đấy mà phát lại chăng. Nhân lại mời thầy lang Phí đến cắt một vài tễ thuốc để uống cho dứt bệnh và bổ cho lại người. Đến như các đồ ăn thức uống, nàng đều trông coi từng tý, sao cho hợp với vệ-sinh. Chàng chịu ơn nàng, lòng riêng vẫn tạc dạ ghi xương, có lúc cảm khích đến nỗi nước mắt chan hòa đầy mặt, không biết tìm cách gì để báo đền ơn ấy...

Khói lò bay thoảng, phong thuốc chồng cao, thuốc lúc ốm như nước đổ lá-khoai, thuốc khi khỏi như gió rung lá-úa.. Công hiệu hay không có phải tự thuốc đâu, tự lòng cả... Chàng nằm khoèo uống thuốc bổ, thường xem sách cho đỡ buồn. Có lúc ra hiên tập đi, thấy gân cốt mạnh mẽ, đi đứng nhẹ nhàng, đã dần dần lại được như trước. Chỉ có gió thì kinh lắm, không dám bước ra cửa mấy khi. Phòng không vắng bạn, lại cầm bút viết nhăng, hoặc làm câu thơ ngắn để gửi ý xa xôi, hoặc viết bức thư dài để tỏ lòng thương nhớ; mà Bằng-lang thì đi về đưa đón, suốt ngày quần-quật như con én trên mái nhà. Như thế được hơn mười ngày. Nàng đãi chàng càng tử tế mà chàng mến nàng càng thiết tha. Tấm tình của đôi bên, sức nóng bỗng chốc bốc lên đến bên trên trăm độ!...

Chàng vì ốm nghỉ việc, đã đến hai tuần. Bấm đốt ngón tay, tính hành-trình của Thạch-si, thì có lẽ đã sang tới Nhật. Nước non cách trở, còn chưa thấy được cánh tem về thăm hỏi bạn tâm-giao. Trong khi chàng ốm, ông cụ đẻ ra Thạch-si cũng sai người đến hỏi thăm mấy lần. Bấy giờ bệnh đã khỏi hẳn, nằm yên một xó cũng buồn bực quá. Vì vậy chàng quyết ý hôm sau thì ra trường dậy học, và định đến thăm ông cụ đẻ ra Thạch-si trước, một là tạ ơn săn sóc trong khi mình ốm, hai là hỏi thăm sự thể sau khi bạn đi. Định bụng thế rồi, hôm ấy đi ngủ sớm, dưỡng sức để hôm sau đi sớm.

Tảng sáng chàng đã rậy. Rửa mặt xong, thấy trời còn sớm, sợ sáng ra cảm lạnh, nên chưa đi ngay. Đứng ngồi quanh quẩn, sực nhớ đến mẹ già, liền vào bàn viết thư, nói rõ cận trạng của mình. Chỉ có việc đau yếu thì không nói vào trong thư, sợ mẹ già nghe tin lại đem lòng áy náy. Phong bì gián-kín, gọi thằng nhỏ đem bỏ ra hộp thư.

Quanh nhà tiếng quẹt tưng bừng. Báo cho chủ biết tin mừng chi đây!... Đồng hồ trên vách đánh mười tiếng, chàng vừa toan khóa cửa ra đi, thì người đưa thư bỗng đưa hai phong thư đến. Chàng cầm một phong xem, thấy trên có đề chữ « Thạch-si, gửi ở Trường-kỳ » thì mừng lắm, vội mở ra xem. Trong thư đại khái nói: Em sang Nhật chuyến này, sóng im gió lặng, ăn ngủ như thường, xin nói để anh yên lòng. Duy có sáng hôm nay đến Trường-kỳ, giữa đường gặp mưa, hành-lý ướt hết, chịu đủ mọi cảnh khổ của khách du-lịch. Em định hãy ở lại mấy ngày, nghỉ ngơi đôi chút, rồi mới sang Đông-chi-tư, có lẽ vào lúc bắp niễng lên mâm, cỏ bồ treo cửa[1], thì mới tới nơi được. Đọc xong, tạm để một bên, lại xem nốt phong nữa. Chữ đề trên phong bì, thoạt nhìn đến đã làm cho chàng mừng cuống quít, vì là thư của Kiếm-thanh gửi ở Phúc-Kiến về. Kiếm-thanh một mình sang Phúc-Kiến vào mùa Thu năm trước, bấy giờ đã hơn mười tháng. Lúc chàng đi, Kiếm-thanh không biết. Khi chàng ở Rong-hồ, có gửi cho anh hai bức thư, song vẫn chưa thấy trả lời. Nay tình cờ lại có thư đến, ai mà không mừng. Xem đến thư mới biết Kiếm-thanh hiện coi giấy má trong một sở công, cận trang cũng khá. Trong thư lại nói; Anh định hạ tuần tháng năm, sẽ sắp sửa về. Bấy giờ chính là lúc em được nghỉ hè, anh em có thể xum họp với nhau được mấy tháng. Đợi sang thu mát, sẽ lại tính việc sau. Chàng vừa đọc vừa mừng, nhẩm sẵn cái ngày được gặp Kiếm-thanh, cũng không xa mấy. Anh em vắng lâu, một sớm xum họp không biết vui vẻ đến thế nào. Trong khi mừng rỡ, tâm thần mê man, hình như đã đương cùng Kiếm-thanh tay bắt mặt mừng, cùng nhau cùng kể lể công việc sau khi xa vắng. Chao ôi! Tẻ vui không thường, mỗi khi một khác. Những việc xẩy đến, thường thường vẫn trùng điệp theo nhau chứ không hay đi lẻ-loi... Lúc chàng ốm có phải không nhớ anh, nhớ bạn đâu, thế mà tin tức vắng tanh, mong mòn con mắt. Nay ốm vừa khỏi thì một lúc đến hai phong thư. Trong chỗ minh-minh hình như có kẻ cố ý bầy trò, làm cho việc thích ý đến dồn cả vào một lúc.

Tin mừng đến nơi, gánh sầu nhẹ nửa, tình cảnh chàng lúc ấy thực hệt với câu thơ: « Lòng gần những bận chuyện đường xa. tiếng quẹt đưa thư đến trước nhà » của Đường Quán-Hưu..

Vầng đông lơ-lửng ngang đầu. Bước chân ra cửa gượng sầu làm tươi. Trông ra đồng đất quê người. Mạ thêu mầu lục, lúa phơi bông vàng. Thảnh thơi gió mát trời quang. Chim non ríu rít bên đường gọi ai. Non xanh tươi tỉnh chào người. Bóng lồng nước biếc liền trời mông mênh... Phong cảnh đi sớm, riêng có vẻ thanh tân. « Nắng chiếu, sương tan, người vắng tanh », không phải kẻ ở nhà-quê thì sao có tưởng tượng được cái thú thiên-nhiên ấy?... Trong nửa tháng trời, chàng chỉ nằm khèo một chỗ, lâu không được ra đồng để thở hút cái khí trời mới mẻ, trong lòng buồn bực vô chừng. Hôm ấy một mình đi sớm, người thấy nhẹ nhàng; một lối đường đê, phong quang như vẽ; cảnh đẹp bầy ra trước mắt, tin mừng còn để bên lòng, chàng tự thấy đẹp mắt vui tai, mười phần khoan khoái. Cùng một cảnh ấy, ở lúc buồn bực trông ra thì thấy chán, ở lúc thư thái ngắm vào thì thấy vui. Tâm-lý túy lúc đổi thay mà cảm tình đối với bên ngoài, thành ra khác hẳn. Giá phỏng lúc chàng đi mà không phải là lúc người đang vui vẻ, thì dạ sầu ngẩn-ngơ, đường xa man-mác; bước đi tất tả, con mắt mỏi gờ, dọc đường cảnh vật thờ ơ; lòng chàng sẽ chán nản thế nào, dễ ai đã rõ....

Khi vào trường, người trong trường đều xúm lại thăm hỏi. Còn học-trò thì đều hớn hở chạy đến chào hỏi vui vẻ, coi đó đủ biết ngày thường họ đối với chàng thân thiết thế nào. Trường ấy có tất cả hai thày giáo. Một thày tức là người họ Lý nọ. Lúc Thạch-Si còn ở nhà, mỗi ngày cũng dậy một, hai giờ. Khi chàng đi vắng rồi, các giờ ấy đều về Mộng-hà dậy cả. Chàng đau xin nghỉ, mình Lý phải dậy thay cả trường. Lý là người về phái Tân-học, hơi lây thói đời, không hợp tính với chàng. Lại có chứng thích khoe tài mình, nói xấu người, song chàng cũng không chấp, có khinh bỉ cũng chỉ để bụng. Bấy giờ Lý nghe tin chàng đến, hớn hở ra chào; chàng tạ ơn mà rằng: Mấy hôm khó ở, không ra được trường, để khó nhọc một mình ngài, lòng tôi thật áy-náy quá. Lý « không dám » mà rằng: « Hôm nay may ngài đã khỏi. Gió mát mây quang, chiều trời êm-ả, dạo này giá ta đi chơi thì thật vui. Nghe nói các trường bên Nga-hồ, học tấn tới lắm. Ý « đệ » định ngày mai chủ-nhật, đem học-trò sang đấy chơi, thử xét xem học-hành hơn kém thế nào, cũng là cách so sánh để liệu coi chừng mà dậy dỗ. Vả chăng trời mới đầu hè, cỏ cây xanh tốt, gặp cảnh dong chơi, tiện đường xem xét, cũng có ích cho trí-thức về thực vật được một đôi phần. Chỉ sợ ngài mới yếu dậy, không đi được xa. Nếu cùng đi được thì thực hay quá. Mộng-hà nhận lời. Dạy học xong, bảo cho các học trò biết: Hẹn đến sớm hôm sau thì cùng đến cả trường.

Nga-hồ là một trấn lớn ở Vô-Tích. Tuy là một nơi nhà quê, song bán buôn tấp nập, nhà cửa phong quang, chẳng khác gì một nơi đô hội nhỏ. Người làng phần nhiều họ Hoa. Trong họ lắm kẻ tài học có tiếng với đời, thật là một chỗ cảnh đẹp người xinh, đất lành chim đậu... Phong-khí làng ấy mở mang sớm. Các trường học đã lập thì có trường Quả-Dục, trường Nữ-học cùng các trường tiểu-học dậy tư theo lối cải-lương. Một làng như vậy mà mở được bao nhiêu trường, việc học đã phát đạt lắm. Vả chăng trường nào sắp đặt cũng chỉnh tề, lớp nào học hành cũng tấn tới, trong một hạt đã đành là không làng nào theo kịp, mà đến trong cả nước cũng chưa dễ đã ở đâu được bằng. Miền ấy cách nhà trường chàng dậy độ vài mươi dậm đường, thuyền đi nửa ngày mới tới. Chàng đến Vô-Tích vẫn muốn đi xem phong cảnh Nga-hồ song khổ vì không được mấy lúc thư nhàn để đi cho biết đó biết đây được. Nay nhân việc đem học trò đi chơi, có thể thỏa được lòng bấy lâu ao ước, cho nên ngày thường tuy không hợp ý kiến với Lý cho lắm mà hôm ấy nói đến chuyện đi chơi thì tán-thành ngay...

Sáng hôm sau, chàng rậy sớm ra trường. Hơn năm chục học trò, đã mũ mới áo mới, sắp hàng đứng đợi, mà Lý thì đương bảo phu trường sắm sửa các thứ cần dùng trong lúc đi đường xa. Bấy giờ đã ngót tám giờ. Lái đò đã chạy lên dục. Chàng nói: Vừa đi vừa về, hơn bốn mươi dậm đường kể cũng mất nhiều thì giờ lắm. Đến nơi lại còn bê tha chỗ này chỗ khác, nếu không đi sớm, sợ nữa không về kịp chăng. Nói xong liền cùng thầy giáo Lý đem học trò ra « sân-chơi », sắp hàng đếm số, dặn dò lại các lễ phép cùng cách-thức đi chơi xa, mà ngày thường vẫn dậy, bảo phải nhớ cho kỹ. Bảo xong, sắp hàng đi ra. Thuyền đậu cách trường chừng nửa dậm, tất cả hai chiếc. Khi đến bến, mỗi người đem hơn hai chục học trò, ngồi xuống một thiếc, rồi đó cửi chạc cho chạy. May được xuôi chiều gió, buồm căng thuyền nhẹ, đi chóng như tên. Chừng 11 giờ trưa thì thuyền đã cùng đến bến Nga-hồ, các nhà ở trên bờ đương vào lúc thổi cơm, khói bếp bốc lên nghi ngút. Hai người đem học trò bỏ thuyền lên bộ. Định xem trường Quả-Dục trước bèn hỏi thăm đường vào. Bấy giờ đương là lúc gió nhỏ nắng cao, đường không vẩn bụi; tiếng dầy lát xát. bóng cờ phất phơ; đi đứng đều đặn, hàng ngũ chỉnh tề, người đứng xem bên đường đều tấm tắc khen rằng: Đấy là học trò trường Rong-hồ đấy! Trông họ mặt mũi tinh nhanh, bước đi đều đặn, được như thế, ai bảo không phải là không nhờ công thầy tốt trông nom... Trường Quả-Dục là trường lập lên sớm nhất ở Nga-hồ, mở dậy đã lâu, học hành vẫn khá. Các tay coi việc nhà trường, đều là người tai mặt ở trong học giới, học thức rộng, lịch duyệt nhiều. Mộng-hà đi chuyến ấy được cùng các bậc sĩ-phu trong làng ấy tay bắt mặt mừng, lòng riêng cũng lấy làm thích. Khi tới trường học trò sắp hàng ra đón. Chào nhau xong, một bên hát bài « đón-tiếp », một bên hát bài « sang-thăm », để tỏ tình kính mến lẫn nhau. Xong đó chia nàng vào trường xem. Trời gần trưa, nhà trường giữ lại thết cơm. Đồ ăn thức uống rất tinh tươm, bọn học trò cậu nào cũng được no cả. Ăn xong nghỉ một lúc rồi do học trò trường ấy sắp hàng đi trước, dẫn đi xem các trường. Nhạc quân uyển chuyển, tiếng hát rịu ràng, dọc-đường trông quặn-quại như một con trăn, qua mấy khúc đường vẫn chưa thấy hết. Người đi theo xem, đông chật cả các ngõ, chẳng khác gì một đám hội to. Thăm các trường xong, trời đã xế chiều. Ông Đốc trường Quả-Dục mời ra ngoài ruộng đá ban, song Mộng-hà lấy cớ trời muộn, từ dã xin đi. Các học-trò cũng chơi chán muốn về. Học-sinh các trường lại sắp hàng ra bến sông, làm lễ tiễn biệt. Bóng xế thuyền về, giữa dòng lơ lửng. cánh buồm thuận gió, chèo lái như bay. Thế mà khi về đến trường thì trời đã tối nhá nhem, quanh làng xóm đã le lói bóng đèn bóng lửa...

Học trò cậu nào về nhà cậu ấy, chàng cũng mệt, liền chào Lý ra về. Vừa bước vào đến cửa, thì trong bóng đèn sáng Bằng-lang đã chạy ra đón hỏi rằng: Hôm nay chủ nhật mà thày đi chơi đâu. để con mong mãi?... Chàng đem chuyện nói lại. Bằng-lang không đợi nói dứt. chạy vụt đi ngay. Chàng cũng không kịp soát lại đồ đạc, để cả áo nằm vật ngay xuống giường, vì vất vả suốt ngày, cần phải nghỉ cho lại sức. Nào hay vừa đặt lưng nằm thì thấy trong chăn có cái gì chạm ngay vào ngực, lạnh như dội nước. Chàng giật mình lấy tay sờ xem, song trong chỗ tối không biết là cái gì. Cầm đèn lại soi thì ra một cái khung kính, trong để tấm ảnh, cái chạm vào da thấy lạnh tức là mặt kính ở ngoài. Lại nhìn kỹ người trong ảnh thì bất giác ngực dồn trống, bụng mở cờ, vì người trong ảnh chính là Lê-nương chứ không phải người nào khác cả. Chàng mừng cuống mừng quít, tự nghĩ nàng hôm nay tất là một mình đến đây, bỏ tấm ảnh vào trong chăn để cho ta được đỡ cái khổ thầm trông trộm nhớ, ý nàng mới xa xôi mà lòng nàng mới sâu sắc làm sao! Kế lại nghĩ nàng đã đến cho ta bức ảnh này, chắc là còn có cái gì để lại nữa chứ không sai, ta thử tìm xem đã. Chàng lúc ấy đã quên hết mỏi mệt, đứng vùng rậy, cầm đèn đặt lên bàn, xem xét từng tý... Xem nghiên thì mực còn ướt, xem bút thì ngòi chưa khô, thế mà tìm khắp trên bàn, không được lấy một chữ...

Chàng lại soi xuống đất thì thấy tàn giấy tơi bời, bay khắp mặt đất, cời nhặt được một mảnh giấy còn chưa cháy hết, cầm lên xem thì đọc được bẩy chữ rằng: « Người cũng đi như ngọn thủy chiều ». Lạ thay! nàng đã ngồi vào bàn viết sao lại đem đốt đi, đã đốt đi sao trong đám tro tàn lại để bẩy chữ này lại? Cái « bầu » ngờ vực ấy, một lúc dễ mà đã đập được ra.

Bóng hồng đã khuất, hương thầm chưa phai... Chàng cầm mảnh giấy cháy giở ấy mân mê một lúc, ngẫm nghĩ một lúc mà vẫn không đoán được ý nàng ra làm sao. Một trời vui vẻ thành ra một mối hồ nghi, trong dạ băn khoăn, không sao yên được. Cơm chiều đã bưng, song nuốt sao cho trôi cổ. Lại ngồi nghĩ ngấm nghĩ ngầm một lúc, chợt như người mới tỉnh ra mà rằng: Hôm nay nghỉ dậy, nàng biết chắc ta không ra trường cho nên cốt sang hỏi thăm, hoặc có bàn tính điều gì, chứ không biết ta lại có chuyến đi chơi xa đó. Câu nàng để lại, như phàn nàn về nỗi « nhà gần người xa », có ý trách ta sao đi đâu không bảo trước. Ta thật khờ quá, lại chiều ý học-trò, theo lời lão Lý, lúc đi lại chẳng rằng chẳng nói, lùi lũi ra đi, để uổng công nàng đến thăm ta! Nghĩ đến đấy liền đập bàn và buột mồm kêu to lên rằng: Lầm to rồi! Lầm to rồi! Không sau không trước, bên đến bên đi; ngày xuân hồ dễ tình cờ mấy khi, bỏ hoài ngay mất! Các bạn đọc sách! Như Lê-nương vốn dòng trâm anh, chẳng may góa bụa, nào phải phường sớm mận tối đào. Nàng cùng chàng tuy chỗ họ hàng, theo lễ phép, đến thăm nhau cũng không sao, thế nhưng trong ngoài cách biệt, bà con xa xôi, lẽ nào đương giữa lúc ban ngày ban mặt dám rở trò đi vụng đi thầm, dù chẳng thẹn dẫn mình đến dâng, dễ không sợ để đời mai mỉa?... Nàng dù say mê Mộng-hà đến đâu, cũng không dám sỗ sàng đến thế[2]. Lúc nàng đến, chính là đã dò biết chàng đi vắng rồi. Thế nhưng chàng lúc ấy thì đương như dại như ngây, vẫn đinh ninh là nàng muốn gặp mặt mình mà chỉ vì việc đi chơi làm lỡ. Thở ngắn than dài, hình như bực tức không sao chịu nổi, nhân làm hai bài thơ để gửi ý. Thơ rằng:

I — « Con thuyền đủng đỉnh tới Nga-hồ,
      « Mình đến mà ta chẳng gặp cho!
      « Ngọn bút đề thơ chưa ráo mực,
      « Mảnh tiên gửi ý đã tàn tro.
      « Hương thầm còn đượm lan đưa thoảng.
      « Tiếng áo xa nghe gió thổi lò.
      « Ai nhớ nhớ ai nông nỗi ấy,
      « Ngồi rù mấy lúc lại nằm co!

II — « Đào-nguyên lạc lối buổi hôm nay,
       « Gót ngọc còn in vết lại đây!
       « Vắng bạn buồn trông hàng chữ thảo,
       « Tìm hương ngồi nhẫn khắc canh chầy.
       « Nặng tình ai dễ như người ấy,
       « Xấu số ta sao đến nước này.
       « Mặt trắng, má hồng cùng một kiếp,
       « Xương mòn, thịt nát, giận khôn khuây!

Chàng ngâm xong, lại lấy tấm ảnh của nàng cho, ngắm nghía lại một lượt. Bức ảnh chụp nàng ăn mặc lối Tây, mũ hoa xiêm chùng, tay cầm cuốn sách con, vẻ người coi rất thùy mỵ... Chàng cầm lấy xem, nhìn không chớp mắt: người trong tranh gọi chẳng thấy thưa! Lòng bâng khuâng như mất lạng vàng, nhân mở khung kính, lấy tấm ảnh ra, lại đề hai bài thơ vào sau ảnh. Thơ rằng:

I — « Khách trong mộng hóa khách trong gương!
      « Ốm rậy, đèn xanh sẵn bạn vàng.
      « Lan trắng khéo in vào cốt cách,
      « Trăng tròn như đúc lấy dong quang.

       « Ngậm tình những tiếc duyên kỳ-ngộ,
       « Không nói thêm đau nỗi đoạn-trường.
       « Chưa dám đề thơ bên vạt áo[3]
       « Vì e ngọn bút bụi còn vương!

II — « Mở mắt nhìn nhau chẳng thấy chào.
       « Kính lồng khung đóng lạnh lùng sao!
       « Nét buồn như vẽ đôi mày liễu,
       « Vẻ thẹn còn in mảnh má đào.
       « Chăn gấm mấy lần khi gói ghém,
       « Lòng son một tấm lúc đưa trao.
       « Hương hôm hoa sớm xin thờ phụng,
       « Gặp mặt từ nay dễ được nào!


  1. Tết mồng năm tháng năm.
  2. Chưa chắc! Đàn bà con gái vốn nhút nhát, song trong lúc mê vì tình-ái thì thường bạo dạn hơn bọn nam-nhi nhiều. Dù chẳng thế thì đưa thư tặng ảnh, cũng đã quá lắm rồi. Đừng lấy thế mà lên bộ « khuê-các » nữa mới được!...
  3. Phong-rao ta có câu: « Em về anh chẳng cho về, anh kéo vạt áo anh đề bài thơ. »