Dưới hoa/X

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Dưới hoa của Từ Chẩm Á, do Nhượng Tống dịch
X. — Nợ tình
Vạn-Qyuển Thư-Lâu

DƯỚI HOA
(NGỌC-LÊ-HỒN)

TỪ-CHẨM-Á

Soạn

NHƯỢNG-TỐNG

Phiên-dịch và phê-bình

CUỐN THỨ IV



1928

IN TẠI NHÀ IN THỤY-KÝ
93, Phố hàng Gai
HANOI

IN LẦN THỨ NHẤT

Giá bán: 0$10
 

X — NỢ TÌNH

Êm đềm trước mắt, bứt rứt trong lòng, nghĩ đến nguồn cơn biết bao chua xót. Nàng tiếp được thơ chàng liền viết thư trả lời lại. Trong thư có nói: « Tôi đến thì anh không ở nhà. Song anh ở nhà thì tôi cũng không đến. Câu thơ để lại, cũng là ngẫu nhiên, anh đừng vì thế mà phiền. Đến như đem biếu tấm ảnh, thực là sự bất đắc dĩ, đành không quản đến điều tai tiếng, cũng không mong được của đổi trao. Vì Lê-ảnh coi anh là bạn tri kỷ, mà anh cũng thương đến Lê-ảnh, cho là bạn đồng tâm, thế nhưng lòng lại hỏi lòng, e kiếp này không còn có dịp được giáp mặt người quân-tử nữa... Trao tơ đã dứt hương thề, trả ngọc khôn cầm nước mắt, không dám phụ anh, song cũng không dám để nhầm cho anh! Cánh bèo mặt nước, tan họp không thường. Nay đương lúc tấc gang gần gụi, mà đã như muôn dậm xa xôi; một buổi gặp nhau, nghìn vàng khôn chuốc; nữa là sau đây chàng trẩy đường xa. thiếp trong cửa sổ, hồ dễ đã được cùng mảnh tiên trao đổi, hồn mộng đi về. Bức ảnh tặng anh, đã hay là để tỏ tấm tình yêu mến bây giờ, song cũng là để làm một thứ kỷ-niệm về ngày khác... » Chàng đọc lá thư ấy, như phải gậy vụt ngang trên trán, như nghe chuông đánh thức bên tai. lửa tình, đang bốc trên một độ nóng rất cao, bỗng dần dần đương nóng mà ấm, đương ấm mà nguội, đương nguội mà lạnh, lạnh tưởng chết!.. Thần hồn mê man, bưng mặt mà khóc, hai hàng châu tầm tã tuôn mưa... Một lúc lâu chàng mới thở dài mà rằng: « Thà rằng chẳng biết cho xong. Biết bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu! » Bảo rằng vô-duyên thì sao lại gặp gỡ tình cờ? Bảo rằng có duyên thì sao lại éo le lắm nỗi?... Mê vì tình hay sao? Hại vì số hay sao? Nặng vì nợ hay sao? Trời già độc địa, làm khổ nhau biết đến thế nào? Mông mênh trong bể người, nào bạn tri-âm, tìm đâu ra nữa. Kiếp sống thừa này còn có gì là tiếc rẻ, mà không « cũng liều một thác với tình » như ai!... Nhân viết hai bài thơ tứ-tuyệt trả lời nàng, trong thơ có câu rằng: « Lời nguyền kiếp khác bền như sắt, thề bỏ xuân-xanh một kiếp này »! Nàng đọc thơ, lòng rất lấy làm áy-náy. Vội vàng viết thư trả lời, phân trần mọi lẽ, khuyên lơn hết nước hết cái, chữ nào cũng như ở trong tim trong óc mà ra. Thảo được bức thư, lòng son đã nát... Trong mấy hôm ấy, giấy má đi về, kể ra nhiều lắm, mà ngoài cánh song the, trước mồ hoa héo, mưa sầu rả rích, mây thảm mịt mù, cảnh nào chẳng cảnh đau lòng? tiếng nào chẳng tiếng lạnh lùng kinh tai? Thành sầu đen tối ghê người, còn dư chút bóng mặt trời nào đâu!...

Đại-phàm ma-lực của ái tình, khi bắt rất mau, khi mắc rất rữ, khi hút vào rất mạnh, khi nở ra rất to, thế nhưng khi bắt, khi mắc, khi hút vào, khi nở ra, cũng phải trải qua bao từng, trước mỏng sau giầy, trước nông sau sâu, chứ không phải một bước mà đã đến ngay được chỗ gắn bó keo sơn, gỡ ra không được. Tức như Mộng-hà cùng Lê-nương. lúc mới đầu, sợi tơ tình chẳng qua mới như sợi tơ mành vấn vương, sức lực rất là mỏng mảnh. Về sau giao thiệp càng nhiều, thương yêu càng mạnh, đến lúc ấy thì lòng nhau dù có như cái bánh, cũng đem bóc cho nhau xem. Giá phỏng Mộng-hà là Tư-mã, Lê-nương là Văn quân, thì vườn xuân vắng chủ, hiên thúy tiện đường, đón ngọc đưa hương, học đòi cũng được; nhà vắng đêm khuya, có khó gì câu chuyện ấy.... Thế nhưng chỉ vì chàng vốn không phải là phường khinh-bạc mà nàng cũng không phải là gái giang-hồ, có say đắm vì tình cũng không dám vượt ngoài vòng lễ nghĩa, hẹn ngọc dù nặng, mộng xuân không tròn. Vì thế mà cây mọc liền cành, đành để đợi gió đông kiếp khác; thư đưa hàng tập, họa mới nguôi máu nóng lòng ai! tài thực nên thương mà tấm tình-si thực cũng nên đau nên xót. Bức thư của chàng thực tình mà viết. Nàng khuyên lơn một câu, tức là chàng thêm đau đớn một phần. Được thư nàng, chàng muốn nín không xong, liền hòa lệ hòa máu, cởi ruột cởi gan, viết một bức thư, thề một lần cuối-cùng nữa. Thư rằng:

« Vừa được đọc thư, cạn lời khuyên bảo, càng thấy rõ ý bạn mà càng thấy đau lòng cho tôi. Buộc nhau chi mấy ai ơi! Sao nỡ khuyên lơn nhau những chuyện vu-vơ để tấm dạ sầu lại tan nát ra bao nhiêu mảnh!.. Tôi không phải là kẻ gặp ai cũng chung tình, lại không phải là kẻ hay nuốt lời phụ ước. Bạn thử nghĩ, tôi sở dĩ đến bây giờ mà vẫn chửa trao duyên tơ tóc là tại làm sao? Tôi sở dĩ yêu bạn mà cam lòng liều chết với bạn, lại là tại làm sao? Bạn đọc tập thơ vịnh chuyện « Hồng-lâu-mộng » đủ rõ tấm lòng tôi ngày thường; bạn đọc những thư từ trao gửi bấy lâu, đủ rõ tấm lòng tôi ngày nay. Bạn bảo tôi là kẻ có lịch-duyệt ở trong đám tân học, câu ấy bạn nhầm rồi! Mười năm gấp khúc, một việc không thành, lòng danh lợi bây giờ đã nguội. Đến nay vật đổi sao dời, học giới mới thay trò đổi trống, tôi hồ dễ đã theo đóm ăn tàn, cùng mấy bọn đầu xanh, chen chúc vào trong chỗ rừng văn bể học được sao? Năm nay sang đây, chẳng qua vì đói đầu gối phải bò, tạm tìm chỗ trú chân: rèn đúc nhân-tài, có đâu dám nghĩ. Bạn thử trông đấy, trong đám ngày nay gọi là tân-học, nào có ai như tôi! Đến như người trong nữ giới, tôi lại càng không dám chơi trèo. Tôi không phải là hạng Đăng-đồ, thư trước đã có nói rõ. Hoa tường liễu ngõ, vốn chẳng vương tình; gặp mặt nên mê, âu là nợ sẵn. Thế nhưng vườn cũ xuân về, chỉ xót riêng lòng Đỗ-Mục; động Đào mây khóa, đã rào mất lối Ngư-lang. « Trả châu mắt cũng đượm hàng châu. Sao lúc còn không chẳng gặp nhau »! Bạn đã bạc mạnh rồi, mà tôi ai bảo là không bạc mạnh. Không nói chi trong bọn nữ-lưu, người như bạn dễ tìm đâu được nữa, dù cho tìm được, thì gánh tình chung hồ dễ tôi đã chịu sẻ làm đôi! Duyên kia đã lỗi thì xin vậy ở suốt đời. « Đã không lấy sống làm vui, tấm thân nào biết thiệt thòi là thương » Kiếp này đành chịu dở dang, kiếp sau họa được trọn đường ái ân. Vui chi một giấc mộng trần, để thêm chịu một nợ nần yến anh! Đến như về việc nối rõi, không phải tôi không liệu trước đâu, thế nhưng nhà dẫu đơn người, may còn anh cả, năm ngoái lấy vợ, sắp sửa có con. Miễn sao ông bà ông vải, không đến vì mình mà phải ăn cháo lá đa, thì cái tội bất hiếu, chắc cũng nhẹ được một đôi phần. Cổ nhân có câu: « Một nhời đã nói, bốn ngựa khôn theo ». Nếu nói lời mà lại ăn lời, thì xin cũng phải chịu tội như phường bạc hãnh! Thôi đi thôi Bạn đừng nói nữa. Tôi xin hỏi bạn, bạn yêu tôi là thương cái tài tôi hay là cảm cái tình tôi? Thương vì tài hay cảm vì tình, hai điều đó lại đằng nào trọng đằng nào khinh? Lấy tình làm gốc, song lấy lễ nghĩa làm lào, lòng tôi đã quyết rồi, bạn hà tất lại vì tôi mà áy náy? May ra một lời thề nặng, động đến lòng trời; nghìn kiếp chết oan, vẫn còn nấm đất; nghĩa cũ dám sai, thúy rẽ uyên chia ngày ấy; duyên xưa lại nối, loan chung phượng chạ kiếp sau. Từ đây còn sống ngày nào thì gió sớm giăng chiều, xin cùng bạn san buồn sẻ tủi. May mà ông trời rộng thương, cái duyên gập gỡ đôi ta, không đến nỗi đến đây là hết, thì cùng bạn phong thư tờ giấy, ta sẽ cùng nhau cùng thở than thân phận lạc loài. Điều đó rất mong, nhưng cũng không biết đâu mà chắc được. Chao ôi! Tôi khuyên tôi không nổi mà bạn khuyên tôi cũng không xong, đến nỗi lại khuyên bạn bằng lời bạn khuyên tôi, mà lòng tôi càng khổ, mà ruột tôi càng đau, lồng lộng trời cao, éo le chi thế! Tôi người vốn yếu ớt, đã hại vì tình, lại hao vì ốm, hôm trước bỗng phải chứng thổ huyết, có lẽ cũng vì uất ức mà nên. Đại phàm tuổi trẻ đã đa sầu đa cảm, là đời người bỏ đi. Tôi tuổi mới đôi mươi, mà trăm lo nghìn tức ở đời đã nếm đủ mọi mùi, lận đận sống thừa, có gì đáng tiếc? Xin bạn đừng nghĩ chi đến tôi nữa... »

Dưới thư lại phụ thêm bốn bài thơ tám câu. Thơ rằng:

I — « Dưới đèn lần rở tập thư tình,
      « Nghĩ lại mình thêm xót nỗi mình.
      « Nhỡ lứa buồn cho duyên gặp-gỡ,
      « Thiệt đời mang lấy nợ thông-minh.
      « Nghìn vàng dễ chuộc ngày trai trẻ,
      « Trăm tuổi xin tròn hẹn sắt đanh.
      « Muốn hóa làm mây bay khắp cả,
      « Mênh mang trời hận vá cho lành!

II — « Mở hộp gương soi thấy bóng gầy.
       « Mười năm tâm sự ngỏ mình hay.
       « Trông trăng đêm vắng lòng ai rối.
       « Ngồi gió trời hôm lệ khách đầy.
       « Mộng cũ bàng-hoàng oanh gọi tỉnh,
       « Hồn quê tan nát én đua bay.
       « Cành dâu hết lá, tầm đương chín,
       « Đất khách thoi đưa tháng lại ngày!

III — « Trời đất mênh mang hẹp một mình!
        « Nửa đời lận đận kiếp phù-sinh.
        « Cuộc cờ bí nước thêm dầu ruột,
        « Khúc hát đưa xuân những nặng tình,
        « Nghiên bút nhầm người tài sẵn lụy.
        « Cỏ hoa đón khách cảnh vừa xinh,
        « Câu thơ, chén rượu vui mua lấy.
        « Cười nói trông nhau nghĩ chẳng đành,

IV. — « Văn-chương bán hết lấy đồng tiền!
         « Son phấn may sao được bạn hiền.
         « Gối chiếc chăn đơn buồn với cảnh,
         « Đá mòn sông cạn tiếc cho duyên.
         « Lạnh lùng mưa đập trên tầu lá.
         « Man mác hương bay trước bóng đèn.
         « Dằn dọc canh trường nằm chẳng ngủ,
         « Thơ tình ngâm đọc một vài thiên!

Nát lòng ra chữ, rỏ máu nên thơ, một bức tờ mây, muôn vàn tâm sự. Nhìn một chữ ruột đau một khúc, Lê nương xem thư ấy, đọc thơ ấy, tấm tình thương xót, thực không biết thế nào mà nói cho cùng; gan vàng nghìn mảnh, giọt ngọc đôi dòng, không ngờ chàng lại say mê đến thế. Nghe nói như vậy, biết lòng làm sao, nếu nói nhời lại giữ lấy nhời, thì ở vậy suốt đời, còn có gì là vui thú nữa. Cho dẫu tự làm nên tội, nhưng cũng nên thương vì tình, mình chẳng giết ai, nhưng ai chết tự mình; chỉ hại vì hai chữ « liên tài », để diễn ra bao trò thảm kịch; ta biết lấy cách nào để khuây cho nỗi ấy, mà còn mặt nào trông thấy ai đây!... Trời ơi! Trời ơi! Mông mênh bể khổ, đã giam thân này vào cảnh thê lương, mà oan nghiệt lôi thôi, lại có kẻ đâm đầu vào lưới như Mộng-hà; sống chết theo nhau, không chịu bỏ rời nửa bước, mê man lú lấp, suốt ngày chìm nổi ở trong lớp sóng tình vớt cũng không lên! Cơn cớ vì đâu mà bông hoa bạc mạnh, lại thành ra một thứ quái-gở ở đời? Hại mình chưa chán lại hại người; nhầm một chưa đủ lại nhầm hai; nghĩ nỗi nước này, thà rằng về sớm dạ-đài, khuất mắt khôn coi; non xanh nước biếc, xương trắng má hồng, phút chốc cùng vào cảnh mộng, còn hơn là ở chỗ nhân-gian mà đọa đầy khổ-sở, man mác trời tình, mộng mênh bể hận, ngày qua tháng lại, giam mình cho thảm lấp sầu vùi; khi buốt ruột, khi đau lòng, khi chau đôi mày, khi vò chín khúc; núi kiếm rừng dao, chịu đủ mọi cái khổ-sở ở miền địa ngục; còn có hay chi mà theo nhau vào cảnh đoạn trường! Thương thay cho Mộng-hà, sao nỡ liều thân thế? Sao lại không xét cho nhau thế? Móc ruột moi gan, bảo cho nhau biết; tấm tình khăng khít, có phải ta không biết cảm đâu. Thế nhưng việc đã nghiệp-di như thế, say đắm mà chi. Chi bằng ta buông tha lẫn cho nhau, lại giữ người nào phận nấy; nặng lời thề thốt, nào có ích gì! Nay lại nói ra thế ấy, thì ta còn biết nghĩ sao. Ngu dại thay là Mộng-hà! Bức nhau chi lắm tá! Ta không biết nợ nần kiếp trước còn thiếu lại bao nhiêu nữa, mà đến bao giờ mới trả sạch đây!.. Chao ôi! Nàng nghĩ thế mà có làm thế nào cho chàng thay lòng đổi dạ được đâu, chỉ đành ngồi nhẫn tàn canh mà cảm, mà buồn, mà thương, mà khóc... Kể ra thì nàng đối với chàng lúc bấy giờ, chỉ có tìm hết cách khuyên lơn, chứ không đủ được tài chống chế Thế nhưng lời chàng đã nói ra, ý chàng đã nhất quyết, đem lời mà van vỉ, hồ dễ đã ăn thua. Nàng cũng biết thế song cũng không biết làm ra cách cớ thế nào, càng cảm bao nhiêu lại càng oán bấy nhiêu. Thế mà nàng còn oán chàng là còn chửa bỏ được chàng, còn chửa bỏ được chàng thì sao đã chịu chàng được giữ trọn lời thề trước...

« Chữ tình đúc lại, chính ở bọn mình ». Bụi hồng mờ mịt, một trận cười mua với bạn tình-si, đêm vắng âm thầm, muôn hàng lệ khóc cho người mạnh bạc, Một lời đã nói, sống chết không quên, kẻ chép chuyện không dám bảo Mộng-hà là quá. Thế nhưng « Gương rơi sớm đã tan từng mảnh, trâm gẫy còn toan chắp mấy lần », xuân đã về rồi, mộng làm chi nữa. Người ta chẳng may gặp cảnh ấy thì chỉ có mượn thanh gươm sắc để cắt đứt tơ tình, bền tấm gan vàng để dập tan lửa dục, đã không thắm thì phai mà đã sao Nếu phai nhau được thì đôi bên cùng được yên lành, song nếu mê nhau vào thì đôi bên cùng phải khổ sở; một hay, một dở, đã rõ rành rành; thế nhưng kẻ trong vòng mê mộng, lại thường muốn làm trái ngược đi, cố tình lấy được. Có biết đâu đem tình đánh lại với tình, tất có một bên thua mà chịu hại, có khi cả đôi bên cùng thua mà cùng chịu hại. Chúng ta đem tình mà dùng, chỉ nên dùng vào chỗ có thể dùng được, chứ đừng dùng vào chỗ không thể dùng được. Vào chỗ không thể dùng được mà cứ cố đem tình để dùng cho bằng được, loạng choạng bước vào con đường tình, làm theo lối « nhất nọ nhị kia »; lúc đầu thì mơ màng tưởng nhớ, như trong kinh phật gọi là hạng « điên đảo hãi hùng »; rút lại đến nếm đủ mọi mùi cay đắng, trải qua bao nỗi thê lương, mà vẫn không sao được đẹp duyên tròn phận; chỉ còn được một câu chuyện éo le kỳ quặc, để lại ở trong khoảng trời dài đất rộng cho người sau phải tốn không biết bao nhiêu nước mắt; người như thế ai bảo không phải là kẻ đáng thương, ai bảo không phải là kẻ đáng cười. Tôi cầm bút viết đến đây, những cảm cho chàng là kẻ đa tình, song lại lạ cho chàng là kẻ vô tình; suy lòng chàng, hẳn là muốn đem cô Lê-Ảnh đáng yêu, đáng quí của chàng, giầy vò cho đến chết mới yên; ái tình mà để đến say mê, say mê mà thành ra cay độc, là như thế đấy...

Các bạn độc-giả, có biết cái nông-nỗi của Lê-nương sau khi tiếp được thư chàng đó không? Muốn theo theo chẳng được, muốn dứt dứt không xong, lệ thấm đến tim, hồn bay theo máu. Ngậm giận mày chau, không biết đã vì chàng mà thêm bao nhiêu phần cau-có; gánh sầu vai nặng, không biết đã vì chàng mà thêm bao nhiêu sự nặng-nề. Nàng quyết không chịu để cho chàng vì mình mà mất cả hạnh phúc một đời, đinh ninh chỉ muốn tìm ra một cách lưỡng-toàn, vừa không phụ lòng chàng, lại vừa không muốn cho chàng giữ lời thề cũ. Tính quẩn lo quanh, vẫn không ra kế, vì thế mà nằm không yên giấc, ăn chẳng biết mùi. Lấy tấm thân bệnh lấp sầu vùi, chịu sao nổi mưa đơn gió kép. Không đầy ba ngày như thế mà ma-ốm đã tự nhiên kéo đến, bông-lê tiều-tụy, mười phần xuân đã gầy ba bốn phần...