Dưới hoa/XI

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Dưới hoa của Từ Chẩm Á, do Nhượng Tống dịch
XI. — Sóng lòng

XI — SÓNG LÒNG

Nắng hạ mới lên, rét xuân chưa hết, chiều trời độ ấy, thật dễ hại người. Ngoài song nắng non nhạt nhẽo, mây vẩn mịt mờ âm khí nặng nề, phủ kín một vùng sân vắng. Một bụi ba-tiêu[1], thướt tha trước gió, lá xanh như ruộm, đứng sững bên song, trông chẳng khác chi một vị giai nhân đương đỡ ngực cau mày, trong bụng như có điều chi uất ức. Lạ thay! Gốc ba-tiêu có gì là sầu, mà nõn cứ cuốn lại như thế! Dưới trời nắng nhạt, bóng cây tờ mờ in trên cánh song the, mầu thảm lục đã đổi ra mầu thủy-mặc. Ngoài song lúc ấy không có ai cả. Chỉ có gốc tiêu dãi nắng, đứng tựa song có ý nom ròm, hình như lấy làm lạ cho người bên trong, buổi sớm nào cũng thấy đứng bên song mà ngắm vuốt phấn son, sao hôm nay trời đã non trưa mà cánh song còn đóng kín? Hoặc giả tối đến thức khuya mà lúc ấy vẫn mệt mê chưa rậy, hay là xuân về người mỏ, mà bấy giờ còn bải hoải đương nằm? Thế mà bên trong cửa thì Lê-nương đương nằm trơ trên tấm đệm thêu, hơi thở hom hem, mộng hồn sảng sốt, tóc mây bà xoà, mày liễu nhăn nhó, coi ra ủ dột trăm chiều. Chao ôi! Có phải mất ngủ đâu! Có phải mỏi mệt đâu! Chính là nàng đang ốm đó! Nàng ốm nằm trong buồng, bạn bè chả có, kẻ chăm nom thăm hỏi chỉ có con Thu và Bằng-lang. Bấy giờ hai đứa lại chạy chơi cả, màn thúy khép-hờ, đỉnh trầm tắt ngấm, bức mành thấp thoáng, tiếng người vắng tanh. Gác gấm buồng thêu, mà chẳng khác gì cảnh tha-ma mộ-địa. Nàng đương lúc một mình lăn lóc, cặp mắt-sao choàng mở, bỗng thấy trên cánh song có một cái bóng đen. Nàng tưởng là người, sẽ cất tiếng rên mà bóng kia vẫn thấy đứng yên, nhìn kỹ ra mới biết là tầu lá chuối. Chao ôi, xương bệnh mỏi rời, buồng thu lạnh ngắt, cái cảnh khổ bơ vơ bực dọc, còn có gì thê thảm cho bằng. Trông quanh chỉ còn có chàng-áo-xanh nọ là giống đa tình, lấp ló ngoài song, như chiều thăm hỏi. Tình ấy cảnh ấy lòng nàng thương cảm biết bao. May hôm ấy còn có bóng mặt trời. Giá phỏng không nắng mà mưa, một trận lâm râm. đập trên tầu lá, thánh thót la đà, đưa vào tai người ốm, thì « Ba-tiêu ngoài cửa người trong cửa, một giọt mưa sa, một giọt sầu », tình cảnh ấy, kể còn chua xót đến đâu.

Nàng vì cảm lòng chàng mà thành ốm. Bức thư chàng, thật là cái mầm bệnh của nàng. Thế nhưng nàng sở dĩ ốm, cũng còn có cớ khác nữa. Cổ nhân có câu: « Lo lắm hại người, nhọc lắm sinh bệnh ». Lo hay nhọc, chỉ một cái cũng đủ làm cho ốm người. Nàng phải chàng quấn quít, đã thương tâm lắm rồi. Thế nhưng trong mấy hôm ấy, bụng nàng đã quá lo, mà người nàng cũng quá mệt. Trước thì vì mệt rước cho ma bệnh đến, sau thì vì lo nàng cho chứng bệnh lên. Nguyên ở làng ấy, nghề tầm-tang kể cũng phát đạt chẳng vừa. Mỗi năm đến giạo đầu hè, dâu xanh như ruộm, lúa chín đều tay, ngoài đồng cao, các đàn bà con gái gặt lúa hái dâu, đi đông hơn tưới. Sau nhà họ Thôi, cũng có mươi mẫu ruộng dâu, trong nhà nuôi tầm nhiều lắm. Nàng phải giữ việc trông coi, tuy không mạnh chân khỏe tay, việc cắp rổ hái dâu phải thuê mướn người, song những việc cúng thần tầm, dọn nhà tầm, ngày thay nong, đêm rắc lá, khi ấp lạnh, lúc quạt nồng, trông coi khó nhọc, công việc tần phiền, bận rộn chẳng khác gì nuôi con mọn. Sau khi ăn rỗi, trước lúc lên phên, nàng thường suốt đêm không ngủ, hết lòng hết sức, làm mẹ cho tầm. Đến khi ba ngày bỏ tổ, các kén kín tơ, thì đã tốn biết bao nhiêu là công sức. Tâm ngủ người chưa ngủ, tầm già người cũng già... Mà bức thư của chàng, vừa trúng ngay vào dịp ấy. Lo và mệt dồn cả lại mà chần vật tấm thân yếu ớt; đường kia nông nỗi nọ, nàng dù không muốn ốm, dễ mà được sao...

Sẵn mồi dử bệnh, hết cách đuổi sâu, chiếc bóng lạnh lùng, trăm đường phiền não. Cùng là ốm cả, mà chàng kể còn chưa khổ bằng nàng. Là vì con gái vốn phường hay cảm, khách tình sẵn tính đa sầu; tấm thân cửa các buồng khuê, thường không bước khỏi nhà một bước; rèm lau cửa giấy, buồn bã nhiều bề; gió mát trăng trong, lữa lần bỏ phí; chân tay cất nhắc, đã mất cả tự do, tình cảm âm thầm, lại càng thêm phát đạt; những khi khỏe mạnh thì còn ngày vắng ngồi thêu, đêm trường đọc sách, gánh sầu xếp nặng, tạm thời còn được nghỉ vai. Song đến lúc chẳng may mắc bệnh nằm liệt xó giường, lệ tràn khóe mắt, mảnh tàn hồn còn lại là bao; lửa cháy trong lòng, nỗi thương cảm quên đi chẳng được; giận xưa sầu mới, một lúc nổi lên; nỗi nọ đường kia, lo quanh tính quẩn, như nước tràn, như gió cuốn, chỉ trong chớp mắt, kéo đến đùng đùng, ta gọi là « sóng lòng » tức là nghĩa thế. Chao ôi! Nàng bấy giờ chín khúc ruột tầm, muốn đứt không đứt, đắng cay sầu khổ, không biết đến đâu là cùng. Chợt nghĩ đến những lúc buồng xuân khóa kín, cùng các chị em thi hoa đố lá nay lược, mai gương, cái vui thú bấy giờ đến nay coi chẳng khác gì chuyện đâu kiếp trước. Lại chợt nghĩ đến những lúc duyên ưa, phận đẹp đủ lứa no đôi; gối tựa vai kề, loan chung phượng chạ; những tưởng chỉ hồng xe chặt, nào ngờ phận bạc như vôi; đến thế thì thôi, còn mong chi nữa. Nghĩa cũ tình xưa, mơ màng kiếp khác; ruột đau như thắt, ngày dài hơn năm Phàm những việc nhà cửa, những chuyện buồng the, ngày thường không từng nhớ đến bao giờ, bấy giờ đều sôi nổi ở trong lòng mà ra, hình như việc mới ngày hôm trước. Sau cùng thì nghĩ đến việc cùng chàng gian díu, lệ sa trước gió, thư gửi dưới đèn, trong vòng hai tháng, đã deo biết bao nhiêu mầm tình, mà kết quả đến bức thư chàng hôm trước. Nàng tuy ốm mệt ốm mê mà vẫn không quên được chàng, cố nghĩ lấy một cách xử trí. Muôn trượng sóng lòng, lúc lên lúc xuống. một lúc thì lại nằm sấp mặt xuống gối mà thở chẳng ra hơi. Lúc ấy có một đôi én chui mành bay vào, ríu rít quanh nhà, tiếng kêu thảm thiết, theo dịp với tiếng rên rĩ của nàng, không còn hú hý vui vẻ như ngày trước nữa! Én ơi! Én ơi! Sao mà đa tình thế! Thế mà con người đa tình kia, chỉ còn có cập én đa tình nọ là bạn hiền trong khi ốm yếu, tình thương cảnh khổ biết là bao nhiêu.

Tình sinh ra bệnh? Hay bệnh sinh ra tình? Bệnh của nàng chính là vì chàng, chính là vì bức thư của chàng. Bệnh của chàng còn gỡ không xong, thì bệnh của nàng có khỏi sao được điều đó ai còn lạ... Gối tựa đau xương, thuốc vào chối cổ, lòng phiền trăm nỗi, bệnh nặng mười phần. Không phải nàng liều thân đâu, chàng còn thương thân chẳng được thì nàng có thương thân sao được. Người bảo rằng bệnh nặng, mà nàng thì cho rằng bệnh nặng còn chưa khổ bằng tình nặng; người bảo là ốm đau mà nàng thì cho rằng ốm đau còn chưa thấm với lòng đau. Tục ngữ có câu: « Bệnh tâm lại phải thuốc tâm mới dằn ». Hôm trước chàng lại chẳng ốm đó sao? Nàng đem một phong thư ngọc, hai chậu hoa lan, chữa cho chàng, mà chàng tự nhiên khỏi. Nay nàng ốm, hồ dễ đã thuốc thang nào chữa nổi, chàng nếu không quên ơn trước, thì phải lo mà cứu chữa giùm nàng. Kỳ thực thì bệnh nàng tăng giảm cũng là trông vào lòng chàng đó thôi. Nếu chàng muốn cho nàng khỏi, thì cũng chẳng khó gì cho lắm: Chỉ cần phải đưa một mảnh tờ, quyết từ sau sẽ dứt tơ tình, cho chuyện trước là lời nói bỡn; lấp bằng bể hận, đập vỡ trời tình, thì làm gì mà nàng chẳng khỏi ngay. Thế nhưng nếu chàng lại đem cách ấy mà chữa cho nàng, thì nàng dù khỏi song chàng thì lại ốm, mà ốm thì đến chết. Chàng ốm đến chết mà nàng thì lại làm sao! Nói tóm lại, hai người ấy còn thở, còn sống, thì còn chưa quyết-tuyệt được nhau. Cứ trong ý tứ mà suy thì hai người tất đến cùng ốm, mà tất đến cùng chết nữa... Chết còn chẳng tiếc đời, ốm có chi đáng nghĩ, ma tình độc ác, hai người coi đã gớm ghê chưa!...

Hộp gương khóa mảnh trăng tròn. Bức mành ngăn giọt gió luồn hôm mai. Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai. Chiêm bao nào thấy mặt người đồng tâm!... Trong gian phòng bệnh vắng tanh, nửa ngày không thấy một ai thăm hỏi. Bỗng nghe có tiếng nói chuyện với người ốm, thì ra Bằng-lang đã vào thăm mẹ. Con trẻ thơ dại. song cũng biết yêu người thân. Thấy mẹ ốm nằm một nơi, cũng buồn không nô nghịch như ngày thường nữa. Lúc ấy đương đứng tựa đầu giường, lấy tay lay vào ngực Lê-nương mà gọi: Mẹ ơi mẹ! mẹ ươn làm sao? Mẹ có muốn uống thuốc không? con thưa với ông để sai người mời thầy lang đến. Nàng sẽ đáp: Con đừng vẽ chuyện, con có biết lòng mẹ cay đắng không? Trong lòng đã cay đắng rồi lại uống thuốc cay đắng vào thì chết chứ sống sao được. Bằng-lang nghe nói, khóc òa lên rằng: Mẹ cay đắng làm sao? Để con chịu hộ. Nàng cầm lấy tay con rồi cười mà bảo: Con còn dại chưa biết. Việc ấy có chịu thay thế nào được. Con đừng lo, mẹ có ốm đau gì đâu. Bằng-lang thấy mẹ nói thế thì mừng lắm, nín khóc ngay, lại móc túi lấy ra một phong thư đặt lên gối mà rằng: Lúc sáng khi thầy chưa ra trường, con đem chuyện mẹ ươn nói với thầy, thầy liền viết bức thư này bảo con đưa cho mẹ. Lê-nương hơi có ý giận mà nói: Ai bảo mày hay mách lẻo thế! Nói xong lại thở dài một tiếng, mở phong thư, nằm tựa vào gối mà đọc. Bằng-lang nín lặng đứng một bên, trong nhà lại im vắng như tờ. Nàng đọc bức thư chàng hỏi thăm. Thư rằng:

« Nghe tin chị mệt, lòng những thương thầm. Chị ốm thế nào? mệt làm sao? Gang tấc gần kề mà hóa nước non muôn dậm. Giận mình không hóa được làm con chim én, bay lọt mành thưa, vén bức màn loan, để nhìn rõ mặt hoa cho nguôi lòng mong nhớ. Đọc Liêu-Trai, đến chuyện Tôn-Tử-Sở hóa làm con yểng để bay vào buồng A-Bảo mà tâm thần mê mẩn, lòng riêng riêng những ước ao. Tuy nhiên, nhân duyên đã lỗi, gặp gỡ cũng phiền, dù có được nhìn nhau cũng chỉ thêm nước mắt ngắn dài, chứ đâu được miệng cười tươi tỉnh. Trông ai ủ dột võ vàng, càng thêm gây mối đoạn tràng cho ai! như thế thì đừng nhìn nhau nữa còn hơn. Chị Lê tôi ơi! Tấm thân yếu ớt, mộng dứt hồn lìa. Tôi đã qua rồi, bây giờ đến chị... Chị ốm vì ai. ai còn lạ nữa, sẵn mối thương tâm, chính là cái mồi rước bênh đến: nặng lời thề thốt, lại là cái mồi dục bệnh lên. Không có thư trước, chị cũng tất ốm, song ốm không đến nỗi chóng như thế! Mộng-hà! Mộng-hà! tài hèn phận kém, lại đem tấm thân quái gở, để làm hại lây đến chị rồi... Đau đớn không! cái bệnh độc ác gớm ghê kia lại ám vào mình chị; cái tin kinh hoàng chua xót nọ lại đưa vào tai tôi; cái thế giới bao la, cái quang âm quí báu này, lại làm khổ đôi mình đến thế! Tôi muốn chữa cho chị khỏi bệnh, nhưng biết thuốc nào mà tìm; tôi muốn khuyên cho chị nguôi lòng, nhưng có câu gì mà nói; tôi muốn khóc vì chị cho đỡ buồn đỡ tủi, nhưng còn nước mắt đâu mà lau gạt bây giờ. Tôi đã không giữ được chị khỏi ốm thì tôi sao có giữ được cho tôi khỏi ốm. Gần đây sầu càng ôm nặng, lòng ngày kém vui, nay lại nghe tin chị ốm, gan ruột rối bời, e chẳng bao lâu tôi cũng không khỏi ốm. Thế nhưng còn có một lời thưa lại, mong chị rủ lòng thương mà xét cho.,. Tôi viết đến đây lòng tôi thực đau đớn muôn vàn, khóc không thành tiếng, viết không thành chữ nữa. Lời thề của tôi thực là sự vạn bất đắc dĩ. Những phường vô phúc, toàn giống đa tình. Điên dại như tôi, không phải tự nhiên mà thế. Chị mà ở góa suốt đời là tự số: tôi mà ở vậy suốt đời, là tự số; biết là tự số mà cứ quấn quít cùng nhau, chết không chịu bỏ, để đến nỗi nước này, cũng là tự số. Tôi đã không biết thương thân thì chị cũng bất tất thương tôi, mà nhất là chị cũng đừng nên mang bệnh vì tôi. Tấc lòng chưa chết, dầu vậy cũng dầu. Xin cố nén sầu bớt tủi, cơm ăn thuốc uống cho lành; kẻo khi trăng khuyết hoa tàn, người mất cảnh còn thêm khổ... »

Bức thư ấy nét bút run mà mầu mực nhợt, trong vẻ già giặn, thuỷnh thoảng lại hơi ra ý thê lương; thoạt nhìn, trông không ra chữ Mộng-hà, đủ biết lúc chàng hạ bút, trong lòng trăm mối ngổn ngang, cánh tay cũng thay đổi theo lòng, cho nên chữ viết mới khác hẳn ngày thường như thế. Sau thư có đính theo một mảnh giấy, trên viết tám bài thơ tứ tuyệt. Nước mắt chứa chan, bắn vào đầy giấy, trong chỗ nếp tờ hàng chữ, coi loẹt lòe như sắc hoa mai. Chưa đọc đến thư, mới trông giấy đã đủ đau lòng chua xót. Thơ rằng:

I — « Lúa dợn mầu xanh liễu chớm vàng,
      « Xuân về thấm thoắt lại hè sang.
      « Chưa già đã nặng lòng thương cảm,
      « Đọc khúc Giang-nam luống đoạn trường.

II — « Sáu buổi đi về một buổi ngồi.
       « Vì ai thương nhớ, dạ khôn nguôi.
       « Mối sầu mới, cũ theo nhau mãi,
       « So với tơ tầm rối gấp đôi!

III — « Hẹn ngọc thề vàng biết hỏi đâu.
        « Tỉnh xa đành đợi mộng gần nhau.
        « Gió đông ngăn đón kêu không thấu.
        « Xin mượn tờ mây gửi dạ sầu!

IV — « Tờ hoa nửa bức ký tên hoa.
         « Hai chữ tương-tư nhớ đến già.
         « Vẫn biết viết cho cùn ngọn bút
         « Mảnh tình hồ dễ nói cho ra.

V — « Mình võ buồn không ướm áo là.
        « Chim hôm mấy tiếng trạnh niềm xa.
        « Tường cao nửa bức, người đôi ngả.
        « Thương nhớ đành đem lệ tưới hoa.

VI — « Đầu cành thưa nhạt bóng tà dương,
         « Một bước quanh co một bẽ bàng.
         « Mỏi mắt trông chừng người chẳng thấy,
         « Non xa mờ mịt đượm mầu sương.

VII — « Chiều hôm ngại lạnh khép song đào,
          « Giọt lệ đầy vơi dạ thấp cao.
          « Trăng sáng đầy sân, hoa tản tác,
          « Đêm nay hồn mộng biết nơi nào.

VIII — « Ba thước giường không một ngọn đèn,
           « Gót phàm chưa dễ đến non tiên.
           « Năm canh riêng cảm cho đêm lạnh,
           « Trăm mối ai chia hộ dạ phiền.

Lê-nương đọc chưa hết, thì nét mặt đã đổi hẳn, một trận đau dội, gan ruột như bào, bỗng rưng mắt mũi tối sầm, tinh thần mê mẩn; nước mắt vùng quanh, lúc nhắm lúc mở; hơi thở thoi thóp, như đứt như liền; mình trơ như gỗ mà hai tay hơi run. Như thế một lúc lâu. Bằng-lang lay gọi bốn, năm lần, nàng mới bớt đau tỉnh lại. Dương mắt nhìn con, toan khóc lại nín, sợ làm cho đứa trẻ phải khiếp sợ chăng. Mấy mảnh thư còn cầm ở tay, nàng sẽ gấp bỏ vào trong phong bì, rồi ném ra bên gối, thở ra một tiếng, hình như đã không còn sức khỏe mà cất tiếng thở dài. Xong đó lại bảo Bằng-lang rằng: Mẹ mệt buồn ngủ. Con đi chơi, đừng quấy mẹ. Nói xong, nhắm mắt lại như người ngủ thật, Bằng-lang liền lui bước ra. Chao ôi, Lê-nương có phải ngủ thật đâu, chẳng qua muốn giấu Bằng-lang mà gạt thầm mấy hàng lệ thương-tâm thôi đó.

  1. Một loài chuối trồng làm cảnh ở Tầu. Vì ở xứ rét. chuối không kết quả.