Bước tới nội dung

Ghi vụn khi đọc sách I

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Gorky rất kinh phục sự tả đối thoại khéo léo trong tiểu thuyết của Balzac[1], ông cho rằng Balzac không hề tả hình dáng của nhân vật, mà có thể khiến độc giả chỉ xem đối thoại cũng như là thấy tận mắt những người nói chuyện đó. (Bài "Sự tu dưỡng văn học của tôi" trong tạp chí Văn học phần tháng tám).

Trung Quốc còn chưa có nhà tiểu thuyết khéo tay như thế, nhưng trong Thủy hử và Hồng lâu mộng có những chỗ có thể làm cho kẻ đọc do lời nói mà xem thấy người. Thực ra, điều đó cũng không phải là sự lạ gì lắm, những người ở một căn phòng nhỏ thuê trong ngõ hẻm Thượng Hải, mỗi lúc có thể thể nghiệm được. Họ không thấy mặt những người chung quanh mình, nhưng chỉ cách nhau một lớp phên ván mỏng, cho nên khi người nhà của các gia đình ấy nói chuyện với khách, nhất là khi nói to, đều có thể nghe được đại khái, lâu rồi thì biết nhà nào có những người nào, và mường tượng thấy được những người ấy là người thế nào.

Nếu như xén bỏ những điểm không cần thiết, chỉ nhặt lấy những lời nói có đặc sắc của mỗi người, thì tôi tưởng, có thể làm cho người khác từ trong câu chuyện suy biết được mỗi nhân vật đang nói đó. Có đều, tôi nói thế không có nghĩa là: làm như vậy thì sẽ thành ra Balzac của Trung Quốc đâu.

Khi tác giả dùng đối thoại biểu hiện nhân vật, có lẽ ở trong lòng và mắt của tác giả đã tồn tại cái hình dáng của nhân vật ấy, thế rồi đem truyền sang độc giả, làm cho trong lòng và mắt của độc giả cũng trình bày ra cái hình dáng của nhân vật ấy. Song le, cái nhân vật mà độc giả nghĩ thấy, lại không hẳn giống với tác giả tưởng tượng ra đâu. Cái ông già mành khảnh ít râu của Balzac khi đến trong đầu Gorky có lẽ biến thành ra người cao lớn thô kệch có râu quai nón. Chỉ có về tánh cách, ăn nói, nhất định có chỗ giống nhau, không sai mấy, cũng như đem tiếng Pháp dịch thành ra tiếng Nga. Bằng chẳng vậy, thì văn học là cái vật không có phổ biến tánh mất rồi.

Văn học tuy có phổ biến tánh, nhưng vì sự thể nghiệm của độc giả không giống nhau mà có biến hóa, độc giả nếu không có sự thể nghiệm tương tự thì văn học cũng mất hiệu lực đi. Ví như chúng ta xem Hồng lâu mộng, từ trên văn tự tưởng thấy con người Lâm Đại Ngọc, nhưng phải nạng ra đừng cho cái bức ảnh "Đại Ngọc chôn hoa" của Mai bác sĩ[2] vào choán trước trong đầu mình, mình tưởng ra một Lâm Đại Ngọc khác, như thế, e lại sẽ tưởng đến cô con gái tân thời mành khảnh, mơ mộng, tóc cắt ngắn, mặc áo hàng trừu Ấn Độ, hay là tưởng ra hình dạng nào khác nữa, tôi không đoán định được. Có đều, đem mà so sánh với bức họa tượng trong sách, như sách Hồng lâu mộng đồ vịnh xuất bản ba bốn mươi năm trước thử xem, chắc chắn là không giống một chút nào, bức họa tượng trong sách đó là Lâm Đại Ngọc trong lòng và mắt của độc giả lúc bấy giờ.

Văn học có phổ biến tánh, nhưng có giới hạn. Cũng có thứ văn học tương đối lâu dài, nhưng vì sự thể nghiệm xã hội của độc giả mà sinh ra biến hóa. Người át tư cát mô ở Bắc Cực và người da đen ở lòng đất Phi châu, tôi tưởng họ không làm sao hiểu được "mẫu Lâm Đại Ngọc"[3] ; người trong xã hội tốt, lành mạnh và hợp lý, cũng không hiểu được nữa, đại khái nếu họ nghe nói chuyện Thủy Hoàng đốt sách, Hoàng Sào giết người, họ cũng lấy làm lạ tai hơn chúng ta[4]. Đã có biến hóa thì không phải lâu dài, ai nói văn học có vĩnh cửu tánh là nói chiêm bao[5].

6-8-1934
(Dịch ở Hoa biên văn học)

   




Chú thích

  1. Honoré de Balzac, một nhà tiểu thuyết trứ danh nước Pháp (1799 - 1850).
  2. "Đại Ngọc chôn hoa" là một hành động của cô ả Lâm Đại Ngọc trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng. Mai bác sĩ tức là Mai Lan Phương, một kép hát nổi tiếng Trung Quốc, từng sang Mỹ biểu diễn, được chính phủ Mỹ tặng hàm văn học bác sĩ. Mai Lan Phương từng đóng vai Đại Ngọc chôn hoa trên sân khấu, có người chụp lấy bức ảnh ấy bày ở hiệu ảnh mà Lỗ Tấn có nói đến ở nơi khác.
  3. Bốn chữ nầy theo nguyên văn là "Lâm Đại Ngọc hình". Chữ "hình" đây chỉ có nghĩa là khuôn khổ, dáng bộ, chưa phải là "điển hình", cho nên dịch là "mẫu". Nếu nói "điển hình" thì gồm đến cả tánh cách, tâm lý, tác phong, v.v... không dịch là "mẫu" được.
  4. Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất Trung Quốc (cuối thời kỳ Chiến quốc), muốn thống nhất cả đến tư tưởng văn hóa, nên đã hạ lệnh đốt hết những sách nào nói khác với chủ trương của mình (xem thêm bài Hoa và Đức đều đốt sách mà có khác nhau ở đằng trước). Hoàng Sào là người từng khởi binh làm loạn cuối nhà Đường trong mười năm, từng xưng mình là hoàng đế nước Đại Tề, nhưng cuối cùng thất bại và tự tử. Trong mười năm đó Hoàng Sào đã giết hàng mấy chục vạn người, mang tiếng là "giết người như giết dê". Chỗ nầy hình như có ý ám chỉ vào sự độc tài tàn bạo của Tưởng Giới Thạch, và than phiền chỉ có xã hội Trung Quốc quen chịu áp bách mới có được hiện tượng như thế.
  5. Đại ý bài nầy là để bác cái thuyết "văn học có vĩnh cửu tánh" của một bọn người tự xưng là "loại người thứ ba", trên lập trường văn học không đứng về tả mà cũng không đứng về hữu. Vẫn chịu nhận rằng văn học có phổ biến tánh, nhưng phổ biến đến một mức nào mà thôi, do sự thể nghiệm của độc giả tùy thời gian và không gian mà đổi khác đi, thành ra có biến hóa. Đã có biến hóa thì không vĩnh cửu được.