Bước tới nội dung

Gia đình là nền của Trung Quốc

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Chính mình người Trung Quốc biết cất rượu, sự ấy ở trước xa chính mình biết trồng cây nha phiến. Nhưng hiẹn nay chúng ta chỉ nghe nói có nhiều người nằm mà đi mây về gió, chứ ít thấy có người say rượu nghênh ngang đầy đường phố như những lính thủy ngoại quốc. Lối đá cầu đời Đường, đời Tống, thất truyền đã lâu, bây giờ sự vui thú nói chung là quây quần trong xó nhà đánh mà chược suốt đêm. Cứ theo hai điểm đó mà nói, thì cái sự chúng ta từ ở ngoài trời dần dần chui vào trong nhà là không còn nghi ngờ gì nữa. Nhà văn ở Thượng Hải thuở xưa từng ngậm ngùi nói về sự đó, họ có ra một câu đối thách đối: "Tam điểu hại nhân nha, cáp, tước", "cáp" tức là vé xổ số, những vé được trúng, bấy giờ gọi là "bạch cáp phiếu"[1]. Nhưng tôi không biết câu đối ấy về sau có ai đối được không.

Tuy vậy, chúng ta cũng không phải lấy hiện trạng làm mãn nguyện đâu, cái thân ở trong xó nhà mà tinh thần thì dong ruổi ngoài vũ trụ. Kẻ hút thuốc phiện hưởng cái thú mơ màng như lên tiên, kẻ đánh mà chược thỏa lòng ở chỗ quân bài có khắp đông tây nam bắc. Cho đến đốt pháo tre dưới hiên nhà là để cứu mặt trăng ra khỏi mồm con thiên cẩu[2] ; kiếm tiên ngồi trong phòng sách, huỵt một cái, một luồng ánh sáng trắng giết quách kẻ địch ở ngoài ngàn muôn dặm, nhưng cái kiếm bay đó vẫn trở về nhà, rúc vào trong lỗ mũi chỗ nó từ đó ra, vì lần khác còn sẽ dùng nữa. Như thế gọi là ngàn biến muôn hóa, không lìa khỏi gốc. Bởi vậy, cho nên trường học là nơi kéo con em từ gia đình ra để dạy cho thành nhân tài xã hội, nhưng một khi làm rầy rà đến không xử trí được, vẫn phải "giao về cho gia trưởng quản thúc nghiêm ngặt".

"Xương thịt về nơi đất, đó là mạng ; đến như hồn khí thì không chỗ nào chẳng đi đến, không chỗ nào chẳng đi đến!"[3]. Một con người đã biến ra ma, đáng lẽ có thể tùy tiện một chút, thế mà người sống vẫn phải đốt cho một nếp nhà giấy, mời vào đó ở, ai sang trọng còn có cái bàn đánh bài, cái khay hút thuốc phiện. Thành tiên là một sự biến hóa rất lớn, nhưng bà lớn Lưu cũng còn không bỏ cái nhà được, nhất định vận động cho được cả nhà bay lên, luôn cả gà chó cũng mang theo lên mới được, bà lớn vẫn cứ coi sóc việc nhà, cho chó ăn, gà ăn[4].

Cả người đời xưa lẫn người đời nay của chúng ta, thực ra, đối với hiện trạng cũng muốn có biến hóa, biến ra ma phải chịu, mà thành tiên thì càng hay, nhưng mà đối với cái nhà, thế nào thì thế, chết cũng không chịu bỏ. Tôi nghĩ, thuốc súng chỉ đem làm pháo đốt, kim địa bàn chỉ để xem địa lý, có lẽ là vì cớ ấy.

Hiện nay thuốc súng đã tiến hóa làm bom oanh tạc, bom napan, trang trí trên máy bay, chúng ta lại chỉ có thẻ ngồi trong nhà chờ nó rơi xuống. Tự nhiên, người ngồi máy bay cũng đã có rồi đấy, nhưng họ có phải là viễn chinh đâu, họ chỉ vì muốn về nhà cho nhanh một chút.

Nhà là chỗ chúng ta sống, cũng là chỗ chúng ta chết.

16-12-1933
(Dịch ở Nam xang bắc điệu tập)

   




Chú thích

  1. Câu đối này nghĩa là: Ba thứ chim hại người là nha (quạ), cáp (bồ câu), tước (se sẻ). Mà nha là nha phiến ; cáp là bạch cáp phiếu (vé xổ số) như có giải ở bổn văn ; tước là ma tước, cũng gọi mà chược, một thứ đánh cờ bạc. Đó là một cách chơi chữ, có ý nêu ra ba trò chơi có hại.
  2. Bên Trung Quốc trước kia có một số người tin rằng khi có nguyệt thực là mặt trăng bị con thiên cẩu ăn, đốt pháo để cho con thiên cẩu sợ mà nhả mặt trăng ra. Cái tục mê tín ấy ở thời đại Lỗ Tấn vẫn còn đó. Ở nước ta, theo sử chép thì triều Lê Thánh Tôn, ở kinh đô Thăng Long cũng có tục ấy, người ta đốt pháo, đánh trống, đánh đồng la và con giết con vượn con khỉ gì đó để lấy máu làm phép "cứu mặt trăng". Cái tục ấy ở nước ta bỏ đi từ hồi nào thì không rõ.
  3. Đây là một câu sách xưa, nói người ta chết, xác thịt hóa ra đất, nhưng linh hồn thì đi khắp nơi.
  4. Đây là theo một truyền thuyết, nói Lưu An, Hoài Nam Vương, ở đời Hán, tu luyện thành tiên, đang ban ngày cùng với vợ con nhà cửa đều bay lên trời, luôn cả gà chó trong nhà cũng bay lên nữa. Bà lớn Lưu, chỉ vợ Lưu An, vì là tước vương. (Xem thêm lời chua số 2 ở bài Ma mãnh trên văn đàn Trung Quốc dưới đây).