Ma mãnh trên văn đàn Trung Quốc

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

1

Sau khi Quốc dân đảng đối với Cọng sản đảng từ hợp tác đổi ra tiễu diệt[1], có người nói, Quốc dân đảng trước kia chẳng qua lợi dụng bọn họ đó thôi, khi bắc phạt sắp thành công sẽ thi hành sự tiễu diệt, ấy là kế hoạch đã định sẵn. Nhưng tôi cho rằng cái thuyết ấy không đúng sự thật. Trong Quốc dân đảng rất có những người có quyền lực là người thích cọng sản, lúc đó họ đua nhau gởi con cái của mình sang học bên Liên Xô, là một cái chứng cứ. Bởi vì những người làm cha mẹ ở Trung Quốc coi con cái là vật quý báu nhất của mình, họ quyết không khi nào cho chúng nó đi học để làm cái tài liệu bị tiễu diệt. Chẳng qua bọn người quyền lực hình như có một thứ tư tưởng sai lầm, họ nghĩ rằng Trung Quốc cứ cọng sản đi, quyền lực của chính mình họ lại có thể càng lớn, của cải và nàng hầu càng nhiều ; ít nhất là cũng không đến kém sút hồi chưa cọng sản.

Chúng ta có một cái truyền thuyết. Trước đây chừng hai ngàn năm, có một ông họ Lưu, mất bao nhiêu công khó tu luyện thành tiên, có thể cùng bà vợ ông bay lên trời một thể đấy, nhưng mà bà vợ không muốn. Vì sao? Vì bà ta không đành bỏ cái nhà mình ở, gà và chó mình nuôi từ lâu. Ông Lưu phải đi cầu xin Thượng đế, kiếm cách cho hai vợ chồng và nhà cửa gà chó đều bay lên trời cả, thế mới làm tiên được[2]. Đó cũng là sự biến hóa lớn, thực ra lại bằng với không biến hóa gì hết. Ví thử trong nước cọng sản chủ nghĩa có thể không đụng chạm thay đổi cái bề thế cũ của những người quyền lực kia, hay là còn sẽ tấy lên hơn, thì nhất định họ tán thành đấy. Nhưng cái tình hình về sau chứng minh rằng chủ nghĩa cọng sản không có thể làm việc cách linh động như Thượng đế được, thế rồi họ mới quyết một bề tiễu diệt thẳng tay. Con cái vẫn là vật quý báu nhất, nhưng chính mình lại còn quý báu hơn nữa.

Thế rồi bao nhiêu bọn thanh niên, người cọng sản chủ nghĩa và người tình nghi là cọng sản chủ nghĩa, người tả khuynh và người tình nghi tả khuynh, lại với những bạn bè của những người tình nghi ấy, đâu đâu cũng lấy máu của mình rửa sạch sự sai lầm của mình cả đến sự sai lầm của bọn người quyền lực kia. Sự sai lầm trước kia của bọn người quyền lực là bị bọn thanh niên lừa dối, cho nên phải dùng máu thanh niên khác lại còn chưa biết đầu đuôi gì, học xong ở Liên Xô, cứ hớn hở cỡi lạc đà theo đường Mông Cổ trở về nước. Tôi nhớ có một người đàn bà lữ hành ngoại quốc từng thấy mà đau lòng, nói rằng, cơ khổ, họ còn chưa biết hiện ở tổ quốc, cái dang chờ đợi họ đã là cái giá thắt cổ rồi.

Đúng rồi, là cái giá thắt cổ. Song le, giá thắt cổ cũng còn là khá, vẻn vẹn chỉ dùng sợi dây thắt cái cổ, thế còn là ưu đãi. Vả lại cũng không phải mỗi một người đều trèo lên giá thắt cổ đâu, một số người trong đám họ còn có một con đường, là ra sức kéo cái chân của người bạn trông cổ vào dây[3], tức là dùng sự thực để chứng minh cái điều sấm hối trong lòng mình, mà con người biết sấm hối thì tinh thần thật là cao tột.

2

Từ đó rồi người cọng sản chủ nghĩa nào đó không biết sấm hối, ở Trung Quốc thành ra người có tội đáng giết. Vả lại người có tội ấy trở lại giúp cho người khác lắm đường tiện lợi ; họ trở nên món hàng buôn, có thể bán lấy tiền, thêm công ăn việc làm cho người ta. Vả lại sự lôi thôi trong trường học, sự rắc rối giữa trai gái, thế nào cũng có một bên bị chỉ cho là cọng sản, tức là người có tội, nhân đó rất dễ dàng được giải quyết[4]. Nếu có ai biện luận với một nhà thơ có tiền, nó phản đối tôi, cho nên nó là người cọng sản. Thế rồi vị thần thơ bên ngồi trên xe tâng tâng bằng vàng hát bài đắc thắng trở về[5].

Thế nhưng, máu của thanh niên cách mạng lại tưới cho cái mầm văn học cách mạng về phương diện văn học, trở tăng thêm cách mạng tánh hơn trước kia. Trong chính phủ rất có những thanh niên giàu tri thức học ở nước ngoài về hoặc học được tại trong nước, bọn họ hẳn biết được điều đó, nên trước tiên thì dùng thủ đoạn rất thông thường: cấm sách báo, áp bách nhà văn, mà cuối cùng thì giết hại nhà văn, có năm nhà văn thanh niên tả dực hy sinh cho cuộc thị uy đó[6]. Nhưng mà cái sự kiện ấy lại chưa hề công bố, họ biết chán rằng việc ấy có thể làm mà không thể nói ra. Người xưa cũng đã từng nói rồi, "lấy trên ngựa cướp được thiên hạ, chứ không thể lấy trên ngựa trị được thiên hạ"[7]. Cho nên muốn tiễu diệt văn học cách mạng, còn phải dùng thứ võ khí bằng văn học.

Cái được coi là võ khí mà xuất hiện ra, là cái gọi bằng "văn học dân tộc". Họ nghiên cứu màu da mặt của các giống người trên thế giới, rồi quyết định rằng hễ giống người cùng chung một màu da mặt thì phải đi rập một đường hành vi, cho nên giai cấp vô sản da vàng không nên đấu tranh với giai cấp hữu sản da vàng, mà phải đấu tranh với giai cấp vô sản da trắng. Họ còn nghĩ đến Thành Cát Tư Hàn, lấy làm cái tiêu bổn lý tưởng, miêu tả Bạt Đô Hàn, cháu hắn, thế nào đã suất lãnh bao nhiêu dân tộc da vàng càn vào Quát La Tư, phá hủy văn hóa của họ, bắt cả quý tộc và bình dân đều làm nô lệ[8].

Người Trung Quốc đi theo Khắc Hàn Mông Cổ đánh giặc, thực ra không kể được là sự quang vinh của dân tộc Trung Quốc, song, cho được tiêu diệt Quát La Tư, họ không thể không làm như vậy. Bởi vì bọn người quyền lực của chúng ta, hiện đã biết rõ Quát La Tư ngày xưa tức là Liên Xô ngày nay, chủ nghĩa của họ quyết không có thể tăng thêm quyền lực, của cải và nàng hầu cho mình rồi. Nhưng mà Bạt Đô Hàn hiện nay là ai?

Tháng chín năm 1931, Nhật Bản chiếm cứ Đông Tam tỉnh, đó chính là cái bài rao người Trung Quốc đi theo kẻ khác đánh phá Liên Xô, các nhà văn học dân tộc chủ nghĩa có thể lấy làm hể hả lắm. Song dân chúng nói chung, lại cho rằng sự mất Đông Tam tỉnh hiện giờ còn khẩn yếu hơn sự đánh phá Liên Xô mai sau, nên họ đã tức tối vùng lên. Thế rồi nhà văn học dân tộc chủ nghĩa cũng phải coi gió bỏ buồn, đổi ra kêu la khóc lóc đối với sự kiện ấy. Có bao nhiêu tốp thanh niên sốt sắng đi Nam Kinh thỉnh nguyện, yêu cầu xuất binh ; nhưng mà việc đó phải trải qua sự thử thách rất cay đắng: không cho ngồi xe hỏa, ăn nắm giữa trời mất mấy hôm, mới cho ngồi đến Nam Kinh, có nhiều kẻ phải đi chân mà đến. Đến Nam Kinh rồi, lại không ngờ gặp phải một đại đội "dân chúng" từng được huấn luyện, tay cầm gậy gộc, roi da, súng lục, đón đầu đánh cho một trận, làm bọn họ trầy mình sưng mặt, thế là kết quả đó, xuôi lơ cụt hứng đi trở về ; còn có những người từ đó tìm không thấy, hoặc chết đuối dưới sông, theo lời trên báo thì là tự họ nhảy xuống nước[9].

Sự kêu khóc của các nhà văn học dân tộc chủ nghĩa cũng từ đó hạ lớp, cái bóng của họ cũng không thấy, họ đã hoàn thành cái nhiệm vụ đưa ma rồi. Thật giống như hàng ngũ đám tang ở Thượng Hải một thứ, khi ra đi, có phường nhạc lộn xộn, có tiếng khóc giống như hát, nhưng cái mục đích là để chôn quách sự bi ai ; cái mục đích ấy đã đạt rồi, thì mỗi người đi mỗi nơi, không còn thành ra hàng ngũ gì nữa.

3

Song le, văn học cách mạng không hề day động, vẫn cứ phát đạt hơn lên, bạn đọc cũng càng tin cậy hơn lên.

Thế rồi một phương diện khác, bèn xuất hiện cái gọi bằng "loại người thứ ba". Loại người ấy quyết không phải tả dực, mà lại không phải hữu dực, là nhân vật vượt ra bên ngoài tả hay hữu. Họ cho rằng văn học là vĩnh cửu, hiện tượng chính trị là tạm thời, cho nên văn học không thể dính dấp với chính trị, hễ dính dấp thì mất cái vĩnh cửu tánh của nó, Trung Quốc từ đó sẽ không có tác phẩm vĩ đại. Có đều, họ, "loại người thứ ba" trung thực với văn học kia cũng không viết được tác phẩm vĩ đại nào. Tại sao? ấy là tại nhà phê bình văn học tả dực không hiểu văn học, bị tà thuyết làm mù quáng, phê bình cộc cằn mà không đúng và đả kích những tác phẩm hay của họ, làm họ viết không ra. Cho nên nhà phê bình tả dực là đao phủ tủ của văn học Trung Quốc[10].

Đến như về sự chính phủ cấm sách báo, giết hại nhà văn, thì họ không nói đến, vì đó là thuộc về chính trị, nói đến, thì mất cái vĩnh cửu tánh của tác phẩm họ đi. Huống chi cấm hoặc giết bọn người "đao phủ thủ của văn học Trung Quốc" lại chính là bảo hộ cho văn học vĩnh cửu, tác phẩm vĩ đại của "loại người thứ ba" nữa.

Thứ van khóc yếu đuối và giả đò ấy tuy cũng là một thứ võ khí, song lực lượng của nó tự nhiên là rất nhỏ, văn học cách mạng không bị nó đánh lùi đâu. "Văn học dân tộc chủ nghĩa" đã tự mình tiêu diệt rồi, "văn học loại người thứ ba" lại không đứng nổi, khi ấy, chỉ phải một lần nữa dùng võ khí thật.

Tháng 11 năm 1933, Công ty Nghệ hoa ảnh phiến ở Thượng Hải thình lình bị một bọn người tập kích, đập phá lung tung. Chúng làm việc rất có tổ chức, thổi một tiếng còi, ra tay, một tiếng còi nữa, ngừng tay, lại một tiếng còi nữa, rút lui. Khi rút lui, còn để truyền đơn lại, nói sở dĩ chúng tấn công như thế là vì công ty ấy bị Cọng sản đảng lợi dụng. Vả lại không những tấn công một công ty làm phim ấy mà còn rây ra các tiệm sách nữa. Lớn thì một tốp người ào vào đập phá hết thảy, nhỏ thì chẳng biết từ đâu bay đến một cục đá, xán vỡ tấm kính chỗ bày hàng đáng giá hai trăm đồng. Cái lý do, tự nhiên cũng là vì tiệm sách ấy bị Cọng sản đảng lợi dụng. Tấm kính đắt tiền bị vỡ, ấy là điều mà người chủ tiệm sách rất lấy làm đau lòng. Sau đó mấy ngày, có "nhà văn học" đem "tác phẩm hay" của mình đến bán cho, người chủ tiệm biết rằng sách ấy in ra là không có ai xem đấy, nhưng cũng cứ mua, vì giá tiền chẳng qua bằng giá tiền tấm kính, mà có thể khỏi bị cục đá thứ hai, đỡ công chữa sửa chỗ bày hàng.

Áp bách tiệm sách, cái chiến lược ấy thật là rất hay. Thế nhưng, mấy cục đá còn lấy làm chưa đủ. Trung ương Tuyên truyền ủy viên hội còn tra cấm một mớ sách, kể là 149 thứ, hễ là sách bán chạy nhất hầu hết ở trong số đó. Những tác phẩm của tác gia tả dực Trung Quốc, tự nhiên là bị cấm cả, lại còn cấm đến sách dịch. Cử ra đây mấy tác giả, như là Gorky, Lunacharsky, Fedin, Fadaev, Serafimovich, Upton Sinclair, rất dỗi cấm đến của Maeterlinck, Sologup, Strindberg.

Sự đó làm cho các nhà xuất bản rất khó lòng, có nhà lập tức đem sách nộp, đốt đi, có nhà còn tìm cách bổ cứu, thương lượng với chính quyền, kết quả là được tha cho một phần nào. Vì muốn giảm bớt sự khó khăn của nghề xuất bản mai sau, nhà quan với nhà xuất bản cùng mở một cuộc hội nghị. Trong cuộc hội nghị ấy, có mấy kẻ "loại người thứ ba" vì muốn bảo hộ văn học tốt và tư bổn của nhà xuất bản, bèn lấy tư cách mình là người biên tập tạp chí mà đề nghị, xin dùng biện pháp của Nhật Bản, kiểm duyệt và chữa sửa nguyên cảo trước khi đưa in, để người khác khỏi vì tác phẩm của tác gia tả dực làm liên lụy mà cũng bị cấm, hay là sau khi đã in ra mới bị cấm làm cho nhà xuất bản chịu thiệt thòi. Cái đề nghị ấy bên nào cũng thỏa mãn, được áp dụng ngay, mặc dầu nó không phải là cái phương pháp cũ của Bạt Đô hàn vẻ vang[11].

Vả lại cũng liền bắt đầu thực hành. Tháng bảy năm nay, ở Thượng Hải đã đặt Tòa Kiểm duyệt sách báo, bao nhiêu vấn đề "nhà văn học" thất nghiệp không còn nữa, lại có bọn tác gia cách mạng đã cải hối, bọn "loại người thứ ba" là kẻ phản đối văn học với chính trị dính dấp nhau, cũng đều ngồi trên ghế quan kiểm duyệt. Bọn họ rất lảu thuộc tình hình văn đàn ; đầu óc không lù mù như quan liêu thuần túy, một lời trào phúng, một câu phản ngữ, họ tương đối hiểu được ý nghĩa ngậm ở trong ; vả lại dùng ngòi bút văn học mà bôi mà gạch, không luận thế nào cũng không khó khăn như sáng tác, cho nên thấy nói thành tích rất là tốt.

Song le, sự họ đưa Nhật Bản ra làm khuôn mẫu thì là sai lầm. Nhật Bản cố nhiên không cho nói đấu tranh giai cấp, chứ cũng không nói trên thế giới vốn không có đấu tranh giai cấp, mà Trung Quốc thì nói trên thế giới thực ra không có gì gọi là đấu tranh giai cấp, chỉ bởi Mác bị đặt ra, cho nên không cho nói để mà giữ gìn cho chân lý[12]. Lại, Nhật Bản cố nhiên cấm và xóa bỏ trong sách báo, nhưng chỗ nào xóa bỏ thì được phép để trắng cho kẻ đọc thấy thì biết đó là chỗ bị xóa bỏ ; mà Trung Quốc thì không cho để trắng, bắt phải chắp liền lại, làm kẻ đọc thấy như đó là một bài văn nguyên vẹn, chỉ tại người viết viết bất thông. Cái thứ viết bất thông ấy ở dưới mắt kẻ đọc Trung Quốc hiện nay, dù cho Friche, Lunacharsky cũng không khỏi.

Thế rồi tư bổn của nhà xuất bản được yên vẹn, lá cờ của "loại người thứ ba" chẳng thấy đâu, bọn họ cũng ở trong bóng tối ra sức kéo cái chân của bạn đồng nghiệp lên giá thắt cổ, song không có một tờ báo nào có thể vẽ ra nguyên hình của họ được, vì họ đang nắm cây bút bôi và gạch, là cái quyền lực sinh và sát. ở kẻ đọc, chỉ thấy sách báo không ra gì, tác phẩm kém sút, những tác gia tiền tấn có tiếng với ngoại quốc trước kia, năm nay cũng thình lình biến ra đồ ngu dốt mà thôi.

Nhưng mà về thực tế, mặt trận của giới văn học lại càng thêm rõ ràng ra. Sự che đậy không thể lâu dài được, sẽ có một đám chiến đấu tanh máu tiếp theo đây mà nổi lên[13].

21-11-1934
(Dịch ở Thả giới đình tạp văn)

   




Chú thích

  1. Hồi Tôn Trung Sơn còn sống, chủ trương "liên Nga dung Cọng", cho nên sau đó Cọng sản đảng hợp tác với Quốc dân đảng, gọi là "Quốc Cọng hợp tác". Nhờ sự hợp tác đó mới có cuộc Bắc phạt thành công. Nhưng không bao lâu, Tưởng Giới Thạch làm phản Cọng sản đảng, ngày 12-4-1927 ra lệnh "Thanh đảng", giết hại những nông dân, công nhân, trí thức hàng triệu người, ở đây nói "tiễu diệt" là chỉ việc ấy.
  2. "Ông họ Lưu" đây là nói Lưu An, con trai của Hán Cao Tổ (Lưu Bang), được phong Hoài nam vương. Theo Thần tiên truyện nói Lưu An tu luyện, uống thuốc trường sinh, thành tiên, cùng với vợ bay lên trời, những thuốc còn sót lại, gà và chó ăn lấy cũng đều bay lên trời. Cái truyền thuyết chỉ có thế, ở đây nói "bà vợ không muốn..." và "cầu xin Thượng đế" đều là do tác giả bịa thêm ra cả.
  3. Giá thắt cổ có cây ngang ở trên, buộc dây thòng lọng, người bị thắt cổ đứng trên tấm ván ở dưới tròng đầu vào dây, rồi có người kéo cái chân cho lìa khỏi tấm ván, cho hỏng người đi thì cái thòng lọng mới thắt lại mà chết được. Sự thực là thế, nhưng ở đây nói "một số người... kéo cái chân của người bạn" là nói bóng. Ý muốn nói một số người ấy phản bạn, thú khai, trút tội cho bạn để mình khỏi chết, xem câu tiếp theo khắc hiểu.
  4. Lúc bấy giờ trong các trường học, học sinh kiện thầy giáo hay là yêu cầu việc gì không được mà bãi khóa, đều bị chỉ là theo cọng sản mà đuổi ngay ; hai bên trai gái đã đính hôn với nhau mà bên nầy muốn lật bên kia thì vu cho là cọng sản, pháp luật sẽ cho thoái hôn lập tức.
  5. "Một nhà thơ" đây có lẽ ám chỉ Thiệu Tuân Mỹ, cháu rể của Thạnh Tuyên Hoài, một tay tư sản quan liêu mại bản. Việc nầy từng gây ra một cuộc bút chiến giữa nhiều tờ báo Thượng Hải, trong đó có Lỗ Tấn.
  6. Năm nhà văn nầy bị bắt ngày 17 tháng 1 năm 1931, đến ngày 7 tháng 2 thì bị bí mật thủ tiêu, trong đó biết được bốn người là Nhu Thạch, Hồ Dã Tần, Bạch Mãng tức Ân Phu và Lý Vĩ Sum.
  7. Đây là lời của Lục Giả nói với Hán Cao Tổ (Lưu Bang), nguyên văn là: "Dĩ mã thượng đắc thiên hạ, yên năng dĩ mã thượng trị chi".
  8. Bấy giờ trong bọn đề xướng "văn học dân tộc" có người ký tên là Thanh Cồ viết bài ca tụng Thành Cát Tư Hàn và Bạt Đô Hàn từng suất lãnh các dân tộc da vàng, trong đó có người Trung Quốc, đi đánh chiếm nước Nga La Tư, mà cho rằng "đó là một trang lịch sử quang vinh của Trung Quốc". Lỗ Tấn đã có viết bài bác cái thuyết ấy, nói rằng chỉ có ông Thanh Cồ là người Mông Cổ thì mới nói như thế được. Về sau, Lỗ Tấn còn căn cứ ở lịch sử mà chỉ ra rằng người Mông Cổ đánh chiếm Mạc Tư Khoa trước, rồi mới đánh chiếm Trung Quốc sau, vậy khi Bạt Đô Hàn càn vào nước Nga, không thể có người Trung Quốc dự vào. - Thành Cát Tư Hàn tức là Gengis Khan. Hàn là hiệu vua Mông Cổ, cũng như "hoàng đế". Ở Trung Quốc đời xưa, có khi dịch là "hàn", có khi dịch là "khắc hàn". Ngay dưới đây có chữ "khắc hàn", tức là "khan" của tiếng tây. - Người Trung Quốc đời xưa gọi nước Nga La Tư là Quát La Tư.
  9. Ngày 18-9-1931, quân Nhật nổ súng đánh Đông Bắc, Tưởng Giới Thạch ra lệnh "bất đề kháng". Nhưng sau đó có hai lần dân chúng xin ra quân chống Nhật, Tưởng đã nhật lời, hứa trong ba ngày sẽ ra quân mà rồi vẫn không ra quân. Ngày 17-12-1931, có ba vạn người thỉnh nguyện thị uy ở Nam Kinh, Tưởng Giới Thạch ra lệnh đàn áp như đã nói ở đây.
  10. Về việc nầy, Lỗ Tấn đã có viết bài bác luận, nói sở dĩ họ không viết được cái gì ra hồn là tại họ không có lập trường, chứ không phải tại sự phê bình cộc cằn của tả dực. Vì trên văn đàn, không đứng về tả thì đứng về hữu, chứ không có thể có "loại người thứ ba" được.
  11. Trên kia đã có câu "hiện nay Bạt Đô Hàn là ai?". Có ý nói Bạt Đô Hàn là Nhật Bản. Ở đây, trên nói "Xin dùng biện pháp của Nhật Bản", dưới nói thế nầy, thì Bạt Đô Hàn cũng chỉ Nhật Bản.
  12. Thuyết nầy, ở Trung Quốc, không rõ là ai nói ra. Chứ giáo thụ Lương Thực Thu thì nhận rằng xã hội vẫn có giai cấp, nhưng văn học thì không có giai cấp tánh, cũng đã bị Lỗ Tấn bác đi.
  13. Theo lời "Phụ ký" sau cuốn Thả giới đình tạp văn thì bài "Ma mãnh trên văn đàn Trung Quốc" nầy viết cho (tạp chí) China To-day (Trung Quốc hiện đại), không biết do người nào đã dịch ra, đăng ở kỳ thứ 5, quyển thứ 1, sau lại từ tiếng Anh chuyển dịch ra, đăng ở báo Quốc tế văn học vừa bằng tiếng Đức vừa bằng tiếng Pháp.