Gia Long tẩu quốc/Hồi thứ mười tám

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Quyển IV Giá: 0$50


LỊCH-SỮ TIỄU-THUYẾT

GIA-LONG TẨU-QUỐC

Tác-giã: TÂN-DÂN-TỮ, Cholon

XUẤT BẢN NĂM 1930 SAIGON.-IMP. BẢO-TỒN

GIA-LONG TẨU-QUỐC



QUYỂN THỨ TƯ

HỒI THỨ MƯỜI TÁM

Viếng Đế-Thiên hành lương bái Phật,

Giết Quốc-Anh soán vị xưng vương.


Khi hai tướng Xiêm về tới địa phận Đế-Thiên, thì trời vừa xế bóng, Chất-Tri liền hạ lịnh đồn binh lại nghỉ, rồi cởi ngựa đi dạo xem phong cãnh sơn xuyên, khi đi tới đám rừng kia, bổng thấy một con bạch hầu (khĩ trắng) rất to, lông lá trắng nỏn, đương ngồi trên cây hái trái mà ăn.

Chất Tri liền lấy ná ráp tên, nhắm ngay con bạch hầu, bắn ra một mủi, con bạch hầu thấy Chất-Tri dương ná bắn lên, thì đưa tay bắt phức mũi tên, và cắn ngang nơi miệng, rồi chuyền nhánh nầy qua nhánh kia, chạy coi thắm thoát trên ngọn cây, lẹ như nháy mắt.

Chất Tri thấy vậy lấy làm lạ, bèn giục ngựa rược theo, chạy quanh lộn trong đường rừng một hồi rất xa, bổng thấy con bạch hầu trên ngọn cậy nhảy xuống một cái, rồi chạy qua hướng tây.

Chất-Tri giục ngựa chạy theo, nhưng con bạch hầu đã chạy mất hướng nào, tìm kiếm không đặng. Bổng ngó qua phía tây thấy một cãnh đền đài rất nguy nga đồ sộ, tợ hồ một chổ chùa tiên kiển phật, hay là một chổ cung điện của đế-vương nào đây, thình thình vọi vọi, chím ở bên rừng, điệp điệp trùng trùng, hiện ra trước mắt.

Chất-Tri lấy làm lạ, liền giục ngựa bước tới xem coi, khi bước lên thềm, thấy hai vị phật bằng đá rất to, ngồi hai bên cạnh đền, mỗi vị lớn bằng căng nhà, mặt mày tay chơn chạm trỗ rất khéo, trên thềm thì phân làm ba từng, cẫn đá liền liền, cao hơn mấy chục nấc.

Chất Tri liền xuống ngựa thỉnh thoãn đi lên, khi lên khỏi thềm, bước vào phía trong thì thấy trùng-môn họa-đống, khéo léo tuyệt vời, tượng Phật hình thần, toàn làm bằng đá. Thật là một cảnh rất kỳ quang dị mục, thanh tịnh u nhàn, nhưng nhắm trước xem sau, thật là một cảnh đền viện bỏ hoang, để cho cỏ mọc rều phong, trải qua chẳng biết bao nhiêu gió táp mưa sa, không rõ đời nào sáng tạo.

Chất-Tri xem rồi ngẩm nghĩ, thì nhớ lại, thuở nay có nghe thiên hạ, đồn rằng: Tại nước Caoman có một cảnh cổ tích phật tòa, gọi là Đế-Thiên, Đế-Thích, lòng đả ao ước bấy lâu, nhưng chưa thấy được, thế thì ngày nay trời phật khiến cho ta gặp con bạch-hầu nó dẩn nẻo đem đường, nên mới được vào đây mà quang chiêm cảnh phật.

Chất-Tri đương trầm tư nghỉ nghị như vậy, bổng có một sải già mình mặc áo vàng, như áo cà-sa, chơn đi một đôi thão hài, lưng vận một cái chăn vàng dài xuống khõi gối, đầu đội một mũ đen, tướng mạo giống người Xiêm-La, hai bên có hai tên sải nhỏ, một tên bưng lư trầm-hương, một tên bưng bình bông sứ, ở bên đền phía tả bước ra, chắp tay cúi đầu, chào tiếp Chất-Tri và nói:

Tâu quốc-vương, bần tăng ở chỗ tịch mịch sơn lâm, náu nương cảnh phật, nay được thấy quốc-vương giá lâm vào đây, cũng là một sự hân hạnh cho kẻ bần tăng, vậy bần tăng xin cung nghinh bái yến, nói rồi liền mọp xuống đất.

Chất-Tri nghe nói thì ngạc nhiên sửng sờ, ngó sải ấy châm chĩ và nói rằng:

Tôi không phải quốc-vương, thế thì thoàn-sư nhìn lầm đó chăng? tôi tên Chất-Tri là tướng của vua Xiêm, đem binh chinh phạt Cao-man về đây, nghe nói chỗ nầy là chỗ thắng cảnh danh sơn, nên ghé bước vào đây, đặng dạo xem phong cảnh, chớ tôi chẳng phải quốc-vương, thoàn-sư chẳng nên tưỡng lầm mà xưng hô như vậy.

Sải ấy mĩn cười và đáp rằng:

Tâu quốc-vương, số là đêm hôm qua tôi ngũ, thấy một vị phật kim cang bồ tác, đứng trước tòa tháp kêu tôi mà mách bão rằng: « ngày mai nầy có quốc-vương nước Xiêm là Chất-Tri, đến đây dạo xem phong cảnh, phải tiếp rước cho tử tế », khi tôi thức dậy còn nhớ rỏ ràng, tôi nghĩ và lấy làm lạ; quốc-vương-Xiêm sao lại tới đây làm gì, tôi nghĩ rồi bán tín bán nghi, chưa biết lẻ nào là chắc, nên tôi có ý để chờ thữ coi, có thật như lời ứng mộng của tôi đã thấy đó không, nhưng sự ứng mộng ấy không sai, quả thật ngày nay quốc-vương đến đây, và tự xưng đại danh như thế, thì chính là tên của phật bồ tác đã mách bão cùng tôi rỏ ràng, chẳng phải tôi tưởng lộn nhìn lầm, xin quốc-vương chớ ngại.

Vậy xin quốc-vương quá bước vào chùa, đặng xem chơi cho biết.

Chất-Tri lấy làm lạ, rồi tự nghĩ rằng: sự ta tính về triều giết trừ quân nghịch đặng lên ngôi quốc-vương, song việc ấy chưa làm, mà sao sãi nầy lại xưng hô ta là quốc-vương như vậy, thế thì việc nầy chắc có trời phật giúp đỡ cho ta, nên mách bão sải nầy nói cho ta biết trước đó chăng?

Nghĩ vậy rồi vẻ mặt hân hoan, bước theo sãi ấy vào trong, thấy tường cao cửa rộng, thạch trụ lang cang, đá liển chặp chồng, liền lạc như tô như vẻ.

Chính giữa đền, có xây một tòa phật đài bốn mặt, một mặt ngó ra phía tiền, một mặt ngó ra phía hậu, một mặt day qua phía tả và một mặt day quá phía hửu, cả thảy bốn mặt đều có để tượng phật hình thần, toàn làm bằng đá, và chạm trỗ rất khéo.

Bên tả điện có xây một tháp cao lên mấy từng, và bên hửu điện cũng xây một tháp như bên tã điện, mỗi thạch trụ có hình như hình sư-tử, kỳ-lân, xem rất kỳ quang dị mục. Thật là:

Một nền cơ xảo đoạt thiên công,
Lầu tháp xây nên đá chập chồng.
Trường trải xuân thu ai biết mấy,
Đền đài vọi vọi tột trên không.

Cái cổ tích đền đài nầy, chẵng biết đời nào sáng tạo, mà lưu truyền lại trong nước Caoman, ngày nay đặng một chổ thắng cảnh danh-sơn như vầy, thì chẳng biết dường nào là quí báu.

Khi Chất-Tri lần lần ra tới hậu điện, thấy một tòa-tháp nguy nga, cách xa chừng vài trăm thước, chung quanh có cây cao tàng rậm, cõ lạ hoa thơm, chính giữa có thờ một vị phật rất to, và các phật nhỏ chẳng biết bao nhiêu mà kễ.

Khi Chất-Tri theo sải ấy đi gần tới tháp, bổng thấy trên cây nhảy xuống cái thích, rồi chạy lóc khóc trước tháp lăng xăng hình như một đứa con nít chừng sáu bãy tuổi, mình mẩy trắng phau từ trên tới dưới, như mặc một cái áo lông chiên; mắt đỏ lóng lánh như hột quã châu, chiếu ra nhắp nhán, răng trắng như hột bầu, mặt mũi hồng hồng dường thoa son đỏ.

Kế nghe sãi ấy kêu lên một tiếng: Phi-Phi, ngó lại thấy đứa nhõ ấy chạy tới chắp tay đứng bên sãi già, hai môi chóp chép, mắt ngó tròn vo, kêu tiếng khè khè, coi bộ mặt mày giáo giác, Chất-Tri nhìn coi rỏ ràng, là một con bạch-hầu, mà Chất-Tri đã bắn một mũi tên và rược theo mé rừng kia khi nãy.

Chất-Tri lấy làm kỳ quái, day lại hỏi sãi ấy rằng:

— Ủa, con bạch hầu nào đây, phải là con tôi đả rược nơi mé rừng khi nãy đó không?

— Tâu quốc-vương, nội đây chỉ có một con bạch-hầu nầy mà thôi, chớ chẳng có con nào khác nữa, khi nãy nó đi ăn trái cây nơi rừng, bổng gặp quốc-vương bắn nó, nó bèn cắn tên đem về, nên tôi mới biết quốc-vương đả tới.

Chất-Tri nghe rồi sửng sờ và hỏi rằng:

— Vậy thì con bạch-hầu nầy của thoàn-sư nuôi nó phãi chăng?

— Tâu quốc-vương, con bạch-hầu nầy ở đâu không biết, song mấy năm trước thường thường mỗi đêm tới đứng trước tháp nghe kinh, tôi thấy vậy cho ăn uống và nuôi dưởng từ ấy đến nay, bây giờ mỗi khi tôi tụng kinh, thì nó biết đốt hương lạy phật, gỏ mỏ dộng chuông, và biết nghe tiếng người, song không biết nói. Sãi già ấy nói rồi, day lại ngó con bạch-hầu và lấy tay vỗ trên đầu hai ba cái mà bảo rằng:

— Phi-Phi, mi hãy lại lạy mừng quốc-vương đó đi.

Con bạch-hầu nghe bão, liền lại đứng trước Chất-Tri mọp đầu xuống đất một cái, rồi nhãy phóc lên cây đại thọ trước tháp mà ngồi, lấy tay quào tai lia lịa nhăn răng trắng xát, và hầm hừ khọt khẹt ít tiếng, dường như nó lẫm bẩm cằng nhằn mà nói rằng:

— Người ấy là người thù của ta, đả bắn ta một mũi, nếu ta không lẹ tay bắt đặng mũi tên, thì ta đả phèo gan đổ ruột đi rồi, bây giờ lại bắt ta lạy mừng, thật là ức quá! chớ chi ta không tu tâm luyện tánh, thọ-phái qui-y, thì ta cắn một miếng cho dập xương mà trả thù mũi tên khi nãy.

Chất-Tri thấy con bạch-hầu hình thù tốt đẹp, lông lá trắng tinh, lại biết nghe hiểu tiếng người, và theo ý vâng lời chìu lỵ, thì nói với sãi-già ấy rằng:

— Tôi thấy con bạch-hầu nầy, tôi lấy làm bằng lòng đẹp ý lắm, vậy xin thoàn-sư vui lòng để lại tôi nuôi, tôi sẽ huờn tiền công-quả lại cho, ước có được chăng?

Sãi ấy đáp rằng: nếu quốc-vương muốn dùng nó, mà bão vậy, thì lẻ nào tôi chẳng vâng lời, nhưng khi quốc-vương đem nó về Xiêm, tôi xin cùng quốc-vương một đều, là phải cho nó mỗi bữa lạy phật nghe kinh, nếu chẳng vậy, thì tôi e nó không chịu ở, vì nó tuy rằng bề ngoài là hình thù thú vật, nhưng mà bề trong là lòng dạ phật thần, chớ chẳng phải như nhiều kẻ ở thế-dang nầy, bề ngoài thì diện mạo người ta, mà bề trong là ruột gan cầm-thú.

Chất-Tri nghe rồi gặt đầu và nói rằng:

— Lời của thoàn-sư nói đó. tôi nghe có ý vị thăm trằm, và dòm thấy tình đời đích xát. Vậy tôi xin hứa cùng thoàn sư rằng: tôi sẻ y lời thoàn-sư dặn bão, nói rồi Chất-Tri xin vào tháp hành lương bái phật.

Khi Chất-Tri vào tháp đứng trước phật đài hành hương thì thằm thỉ khấn rằng:

— Tôi là Chất-Tri đem binh về triều, quyết trừ đãng nghịch, xin phật trời phò hộ cho tôi được thắng trận thành công, và được lên ngôi quốc-vương, cầm quyền chánh trị, thì tôi nhứt nguyện tu tạo các chùa trong nước Xiêm, và sùng bái theo đạo từ bi, mà qui y thọ phái, và tôi sẻ tu bổ tháp nầy lại cho tữ tế trang hoàn, khấn rồi lui ra nói với sãi ấy rằng:

— Tôi rất cám ơn thoàn sư có lòng hoan hĩ mà để con bạch-hầu nầy lại cho tôi, vậy tôi xin hứa với thoàn-sư rằng: khi tôi về tới Xiêm lo lắng công việc thành rồi, tôi sẻ cho người đến đây huờn tiền công-quả cho lão-sư, và tu bổ tháp nầy tữ tế, nói rồi liền từ giã sãi già, và dắc con bạch-hầu về trại.

Khi Chất Tri ra khõi Đế-Thiên một đỗi, bỗng thấy một đội quân mã rần rần chạy tới, người cởi ngựa đi đầu là Sô-Xi, thấy anh là Chất-Tri thì gò cương ngừng ngựa và hỏi rằng:

— Anh đi đâu mà hồi xế đến giờ, làm cho em kiếm tìm hết sức như vậy?

Chất-Tri bèn thuật công chuyện từ khi gặp con bạch hầu nơi mé rừng, bắn nó thế nào, đến lúc vào xem cãnh phật và sự phật mách bảo cho sải già tiếp rước thế nào, nhứt nhứt đều thuật lại cặng kẻ cho Sô-Xi nghe hết.

Sô-Xi nghe thì cho là một sự rất ly kỳ, rồi ngó lại thấy con bạch hầu đứng một bên anh bèn hõi rằng:

— Con nầy phải là con bạch hầu anh nói đó chăng?

— Phải, con bạch hầu nầy ở trong chùa tháp với lão sải già, nó biết nghe kinh lạy phật, và biết nghe hiểu tiếng người, qua thấy nó có tánh khôn ngoan, lại biết vâng lời dạy bão, nên qua xin sãi ấy đem nó về đây, thật là một con bạch hầu rất khôn, trên đời ít có, nói rồi hai anh em hớn hở vui mừng, dắc nhau trở về dinh trại.

Bữa nọ Chất-Tri đương ngồi trong dinh, bổng có quan chưỡng-ấn bên Xiêm qua báo tin rằng: Tại Cổ-lạc-Thành có một tướng Xiêm tên là Phi-nha-oan-Sãng dấy loạn, đem binh về triều bắt vua Trịnh-quốc-Anh hạ ngục.

Chất-Tri nghe tin ấy lấy làm lạ, liền hỏi quan chưởng-ấn rằng:

— Cớ sao Phi-nha-oan-Sãng lại cử binh về triều, bắt vua mà hạ ngục, ngươi có rõ chăng?

— Bẩm quan Tổng-binh, nguyên em của Phi-nha-oan-Sãng dấy loạn, vua Trịnh-quốc-Anh sai Phi-nha-oan-Sãng đem binh ra dẹp, chẳng dè anh em chúng nó đồng tâm hiệp ý cùng nhau, rồi kéo binh về triều bắt vua mà hạ ngục.

Chất-Tri nghe rồi liền bão quan chưởng-ấn về trước, rồi truyền lịnh cho chư tướng tức tốc kéo binh về Xiêm.

Khi về gần tới thành đô Vọng-các, truyền lịnh hạ trại đình binh, và đòi em là Sô-Xi cùng chư tướng hội nghị mà nói rằng:

— Nay Phi-nha-oan-Sãng bắt vua Trịnh-quốc-Anh mà hạ ngục, là ý muốn đoạt nước soán ngôi, nhưng mà sợ anh em ta, nên chúng nó để chờ ta về mà dọ thám tình ý, vậy ta nhơn dịp nầy cho người lén vào ngục thất, giết chết vua Trịnh-quốc-Anh, rồi đổ tội cho anh em Phi nha-oan Sãng, mà tuyên bố cho cã thãy thần dân trong nước biết rằng: Anh em Phi-nha-oan-Sãng đồ mưu toán kế, giết vua mà đoạt ngôi; chừng đó ta lấy cớ ấy hưng binh vấn tội,[1] và bắt anh em chúng nó mà giết đi, thì tự nhiên thần dân trong nước đều bằng lòng, rồi ngôi quốc-vương sẽ về tạy ta, chớ ai dám mà tranh dành cùng ta được, như vậy ta đã khỏi mang tiếng giết vua, mà lại được danh trừ thù dẹp loạn.

Sô-Xi và các tướng nghe Chất-Tri bàn nghị như vậy, và cả thảy chư tướng đều khen mà nói rằng: thật Tổng-binh đồ mưu thiết kế, như vậy rất hay, chúng tôi đều hết lòng khâm phục.

— Bữa sau, Chất-Tri kêu hai tướng tâm phúc vào dinh và bão rằng:

Hai ngươi đêm nay phải tới ngục đường giết vua Trịnh quốc-Anh cho đặng. Việc nầy là một việc bí mật ta phú-thác cho hai ngươi, vậy hai ngươi phải sắp đặt mưu thế mà thi hành, và cẩn thận tử tế, chẵng nên sơ thất, mà bại lộ cơ quang cũa ta, thì hai ngươi phãi mang trọng tội.

Hai tướng vâng lịnh trở về, sắp đặt công việc, rồi nữa đêm chừng lối trời khuya canh tịnh, hai tướng liền dắc nhau đồng đi. Khi gần tới ngục đường, bèn nhảy qua tường thành, rồi dở ngói cưa ruôi, lén vào trong ngục.

Mấy hôm nay Trịnh-quốc-Anh ở trong ngục, bị lo buồn sợ hải, nên không ngũ đặng, bửa ấy mệt mỏi tâm thần, mới vừa nhắm mắt thì đả mê mang bất tỉnh.

Hai tướng ấy thấy vua đả ngũ mê, liền xốc lại bên giường, kê dao vào cổ, rồi một đứa sấn xuống một dao, làm cho vua Trịnh-Quốc-Anh đương lúc mơ màng gối mộng, năm canh chưa ngớt giọt sầu bi; bỗng chúc vơ vở hồn mê, một phút hóa ra người tử liệt.

Khi Chất-Tri sai hai tướng nầy giết vua Trịnh-quốc-Anh chết rồi, liền kéo binh mã vào thành, đánh bắt hai anh em Phi Nha-Oan-Sảng. Va đem ra pháp trường xử tử, rồi truyền lịnh làm tờ bố cáo khắp cả thành đô cho thần dân trong nước hay. « nói rằng: anh em Phi-Nha-Oan-Sảng sai người ám sát vua « Trịnh-quốc-Anh nơi ngục, đặng soán quốc đoạt ngôi, nên ta « phải đem binh về, diệt trừ đảng nghịch » lập tờ bố cáo xong rồi, liền vào ngục cứu vợ con gia quyến ra, đó rồi Chất-Tri lên ngôi quốc-vương, phong em là Sô-Si làm vua thứ nhì, và cháu là Ma-Lặc làm vua thứ ba.

Còn Chất-Tri thì làm vua thứ nhứt, tự xưng là Phật-Vương, là vua cũa đạo phật, rồi lập một kiển chùa tại thành đô rất nguy nga tráng lệ, và rước các thoàn sư người nào đạo cao đức trọng, để ở nơi chùa, đặng tới lui hành hương bái phật cho dể. Và truyền cho các tỉnh phải tu bỗ các chùa chiền tử tế. Còn nhơn dân từ nhỏ chí lớn, ai ai cũng phải sùng bái tín ngưởng đạo phật luôn luôn.

Mỗi khi Phật-Vương là Chất-Tri đi hành hương nơi chùa, thì đều dắc con bạch hầu theo nghe kinh bái phật, như lời cũa lảo sư ở Đế-thiên dặn bảo. Và sai quan đem tiền bạc lể vật qua Đế-thiên cúng cắp, như lời đã tự nguyện khẩn cầu.

ÍT LỜI PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ

« Con bạch hầu nầy chưa biết phải là cháu chắt nòi giống chi của Tề thiên Đại-thánh khi trước không? nhưng mà coi bộ thật thà, có lòng hiền hậu, chẳng biết náo loạn thiên đình, mà củng chẳng biết ăn cắp thuốc của Lão-quân, ăn trộm đào của Vương-mẫu như ông Đại-thánh hồi trước, vậy củng đáng khen cho một loại mang lông, mà biết bái phật hành hương, tu tâm luyện tánh.

« Còn vua Xiêm là Chất-Tri nầy, không biết phãi là người giòng giỏi của Lương-vỏ đế bên Tàu hồi xưa hay chăng? mà sao củng tôn sùng phật đạo, tín ngưởng phù đồ, nhưng chưa biết ngày sau, linh hồn có được trực vãng Tây-phương, mà hưỡng phước thanh nhàn nơi miền cực lạc thế giới hay không? hay là chết đối như vua Lương-vỏ-đế ỡ nơi đài thành, thì sự ấy tôi chưa dám đoán. »

Đây nói lại khi Chất-Tri dẹp yên đảng nghịch, lên ngôi quốc-vương rồi, sai sứ qua báo tin mừng cho Nguyễn-hữu-Thoại hay, và sai đem lễ vật cảm tạ.

Nguyển-hữu-Thoại được tin, liền rút binh trở về Saigon, rồi đem các sự tình giao hòa cùng Xiêm, tâu lại cho đức Nguyển-vương rỏ.

Nguyển-vương cũng bằng lòng đẹp ý, rồi sai sứ đem lễ vật qua Xiêm mà tặng mừng cho Chất-Tri lên ngôi tân-quân, mà tỏ rằng hai nước đã kết tình hòa hảo.


   




Chú thích

  1. Hưng binh vấn tội là đem binh về mà bắt tội