Hoàng Lê nhất thống chí/I

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

I

NHÀ Lê, sau khi Trang-tôn trung-hưng ở sông Tất-mã, nhờ có Trịnh Kiểm giúp sức, mới dẹp yên đảng họ Mạc, trở về được chốn cố-đô. Từ đó họ Trịnh đời đời nối ngôi làm Chúa, giữ hết đại-quyền, nhà vua dần dần suy yếu.

Truyền qua vài đời, đến hiệu Cảnh-hưng, triều Hiển-tôn, Trịnh Sâm lên giữ ngôi Chúa, lại càng chuyên-quyền cậy thế, làm oai làm phúc, vua Lê chỉ còn một việc chắp tay rủ áo, ngồi trên ngai vàng làm vì.

Sâm cũng là bậc cương-minh, anh-đoán, trí-tuệ hơn người, có đủ văn-tài, võ-lược, xem khắp sử-sách, lại biết làm văn làm thơ, không phải một người tầm-thường.

Từ khi Sâm nối ngôi Chúa, chính-sự trong nước, kỷ cương trong triều, hết thảy đổi mới một lượt. Bao nhiêu tướng giặc đảng nghịch, cũng đều lần lượt đánh tan; nào phá giặc Ninh-xá, nào diệt bọn Hoàng Chất, quân Chúa đến đâu, tất-nhiên thắng-lợi đến đấy. Bốn phương đã yên lặng, kho đụn lại xung-túc, Sâm bèn dần dần sinh ra xa-xỉ kiêu-căng, cung-tần thị-nữ kén vào rất nhiều, ngày đêm mặc ý mua vui, không còn e-lệ gì nữa.

Một hôm, tiệp-thư Trần Thị-Vịnh sai ả thị-tỳ bưng một cháp hoa đến trước ngự-tọa, Sâm thấy ả có mắt phượng mày ngài, mười phần xinh đẹp, tự-nhiên cầm lòng không được. Hỏi ra mới biết nàng tên là Đặng Thị-Huệ, người làng Phù-đổng. Sâm liền tư-thông với nàng.

Từ đó, Thị-Huệ càng ngày càng được Nhà Chúa yêu-đương, nàng nói gì Chúa cũng nghe, không một việc gì mà Chúa không bàn với nàng. Chẳng bao lâu, nang được ở chung một nơi với Chúa, y như vợ chồng những nhà dân thường. Xe kiệu quần áo của nàng hết thảy được làm như những đồ dùng của Chúa.

Được Sâm cưng-chiều, nàng hơi có vẻ lộng-quyền, hễ có chuyện gì không được vừa ý, thì nàng làm bộ buồn-rầu, kêu-gào khóc-lóc, khiến cho Sâm phải sốt ruột.

Sâm có viên ngọc dạ-quang rất đẹp, bắt được trong khi đánh dẹp phương Nam. vẫn xâu ở trên khăn, làm đồ trang-sức. Một bữa Thị-Huệ mó tay vào viên ngọc đó có ý mân-mê xem nó ra sao. Sâm nói một cách nhẹ nhàng:

— Nhè-nhẹ tay chứ, đừng làm cho ngọc có vết.

Nàng liền dứt phăng viên ngọc ném xuống đất, rồi vừa khóc vừa nói:

— Làm gì cái hạt ngọc này! Chẳng qua đến vào Quảng-nam mua đền giả Chúa hạt khác là cùng. Sao Chúa lại nỡ trọng của khinh người như thế!

Rồi nàng tự ra ở riêng cung khác, từ chối không vào hầu nữa. Sâm phải dùng nhiều cách dỗ-dành để nàng vui lòng, bấy giờ nàng mới làm lành.

Khi nàng có thai, Sâm sai người đi lễ khắp bách-thần, chỉ cầu cho nàng đẻ được con thánh. Đủ tháng, quả nhiên nàng sinh được người con trai, Sâm rất mừng. Muốn tỏ rằng đứa con ấy giống mình, khi nó đầy trăm ngày, Sâm lấy tên mình lúc nhỏ mà đặt cho con là Cán.

Bấy giờ là năm thứ 38 hiệu Cảnh-hưng, vừa gặp có khoa thi hương. Đến kỳ thứ ba, Sâm lấy hai câu: « Sơn xuyên anh dục, hà hải tú chung »[1] để ra đầu đề cho các thí-sinh. Các quan văn võ đưa-đón ý Chúa, nhiều người dùng chữ « tinh huy hải nhuận »[2] làm lời chúc mừng.

Lúc Cán đầy tuổi tôi, cốt-tướng lại càng mập-mạp mạnh-mẽ, khác hẳn người thường. Đến khi biết nói, Cán ứng-đối gẫy-gọn, không kém người lớn. Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng vẫn ra vẻ con nhà nòi, mỗi khi các quan văn võ vào thăm, Cán đều tiếp-đãi bằng một dáng bộ nghiêm-chỉnh. Có người đến cách hàng năm mới lại gặp mặt, Cán cũng nhớ họ, nhớ tên, kể lại chuyện cũ vanh-vách. Hồi đó Sâm có sai quan Hàn-lâm làm những bài tụng 16 câu một, để quan A-bảo dạy Cán học miệng.

Bất-kỳ bài nào, Cán chỉ nghe qua một lượt là đọc được liền, không phải học-hành gì hết. Thấy vậy, Sâm càng quý Cán bội phần.

Nhân cơ-hội ấy, Thị-Huệ mới dự định cho Cán cướp ngôi Thế-tử.

Theo phép, Thế-tử nhà Chúa thường thường về người con đầu. Lúc ấy Sâm đã có con trai rồi, tức là Trịnh Tông, do người cung-tần họ Dương đẻ ra.

Người cung-tần ấy tên là Ngọc-Hoan, quán làng Long-phúc huyện Thạch-hà. Trong hồi Trịnh Doanh làm Chúa, chị nàng được làm cung-nhân. Vì sinh được Đoan-thụy quận-công, bà này được Doanh yêu-chiều rất mực. Nhờ về thần thế của chị, Ngọc-Hoan mới được kén làm cung-tần của Sâm. Nhưng từ sau khi vào cung, nàng vẫn ngày đêm sống trong một cảnh hiu-quạnh.

Hôm ấy tình-cờ nằm mơ thấy vị thần-nhân đem cho tấm đoạn, có vẽ đầu rồng. Nàng không biết đó là điềm gì, liền nói với một viên quan thị là Khê-trung hầu. Khê-trung đoán chắc là điềm sinh thánh, có ý giúp đỡ cho giấc mộng ấy được thành sự thực.

Cách mấy hôm sau, có lệnh nhà Chúa cho vời cung-tần Ngọc-Khoan, Khê-trung-hầu cố ý giả làm nghe lầm; để đưa Ngọc-Hoan lên hầu. Thấy nàng, Sâm có vẻ không thích, nhưng vì đã chót mời đến, không nỡ bắt nàng ra không. Tan cuộc mộng xuân, Sâm gọi Khê-trung vào mắng. Khê-trung dập đầu tạ tội, rồi đem chuyện nàng nằm mơ kể lại, Sâm nín lặng không nói sao.

Quả-nhiên, giấc mộng của nàng thiêng lắm sau khi đội ơn mưa-móc của Chúa, nàng liền thụ-thai rồi sinh ra Tông.

Sâm được tin đó, nghĩ thầm: « Đầu rồng tuy có khí-tượng đế-vương, nhưng là rồng vẽ, không phải rồng thật, và chỉ có đầu mà không có đuôi, thế thì chưa chắc là điềm tốt cả. Vả lại ngày xưa Trịnh Cối, Trịnh Lệ cũng đều do người Long-phúc đẻ ra, mà đều làm sự phản nghịch và cũng không thành. Như vậy cái giống Long-phúc vị-tất đã tốt ».

Bởi vậy, Sâm vẫn không vui. Các quan văn võ vào mừng, Sâm lấy cớ rằng đứa con đó không phải là con vợ cả, từ chối không nhận lời mừng

Đến khi Tông lớn, tướng-mạo rất khôi-ngô, Sâm vẫn không ưa.

Tính Tông chỉ ham võ-nghệ, không chịu học-hành. Năm lên bảy, Sâm mới sai hai viên tiến-sĩ Nguyễn Khản, Trần Thản làm chực tả, hữu tư-giảng, giữ việc rèn-tập cho Tông.

Nhưng chẳng bao lâu, Thản bị bệnh chết, còn Khản thì đương được Chúa tin dùng, coi hết việc trong việc ngoài, công việc rất bận, nên không mấy khi đến được « màn giảng ». Ở bên cạnh Tông, chỉ có chừng năm sáu viên Tùy-giảng bảo ban việc học cho Tông mà thôi. Chuyện đó, Sâm hơi nghe biết, cho nên càng không bằng lòng.

Theo lệ, người con nối nghiệp của Chúa, đến mười hai tuổi thì phải ra ở Đông-cung. Bấy giờ các quan cũng có nhắc đến việc ấy, nhưng Sâm không nghe bắt Tông đến ở nhà riêng của quan A-bảo là Hân-quận-công Nguyễn Đĩnh, còn ngôi Đông-cung thì vẫn bỏ trống, như còn chờ đợi người khác.

Giữa năm Cán đẻ, Tông đã mười-lăm, cách ba năm sau, Tông mười tám, theo phép được mở phủ riêng. Nhưng vì Sâm không thích Tông, cho nên các quan cũng không dám nói đến việc đó nữa.

Bởi ngôi trừ nhị vẫn chưa nhất-định, cho nên lòng người cực-kỳ phân-vân, ai thuộc về Tông thì vào phe Tông, người nào luồn-lọt Thị-Huệ thì bám với Cán. Ở trong phủ Chúa dần dần thành ra bè nọ cánh kia.

Thị-Huệ tự nghĩ Tông đã khôn lớn, vây cánh của hắn thành rồi, con mình hãy còn trứng nước, chưa biết có thể tranh được với Tông hay không? Vì vậy, nàng càng nóng-nảy về sự kết-lập bè đảng.

Cái người mà nàng nhớ đến đầu tiên là Hoàng Tố-Lý, hiện được phong tước Huy-quận-công, người ta thường gọi là quận Huy.

Quận Huy nguyên trước tên là Đăng-Bảo, quán làng Phụng-công, cháu gọi Việp Quận-công Hoàng Ngũ-Phúc bằng chú. Ông ta vẻ người thanh-dật, vào bậc văn võ toàn tài, khoa hương năm Ất dậu đã đỗ trúng-cách, khoa võ năm Bính-tuất lại đỗ tạo-sĩ. Hồi ấy, Trịnh Doanh còn đương trọng-dụng quận Việp, mới gả con gái thứ cho quận Huy.

Sau đó, uy-quyền quận Việp mỗi ngày một to, những người có lòng ngờ vực đều nói quận Việp sắp sửa cướp nước truyền cho quận Huy. Nhân thấy hồi ấy lời sấm có câu « Nhất thỉ trục quần dương »[3], có kẻ tán rằng: Thỉ là quận Huy, bởi vì quận Huy tuổi hợi, mà Dương thì chỉ về Sâm và Tông, bởi vì cả hai cha con đều tuổi mùi. Người ta còn đặt nhiều câu sấm khác, câu nào cũng có ý ám-chỉ vào quận Việp và quận Huy cả. Muốn tránh sự hiềm-nghi đó, quận Việp mới bảo quận Huy đổi tên Đăng-Bảo[4] ra tên Tố-Lý, để cho nhà Chúa khỏi ngờ.

Trong năm Giáp-ngọ, quận Việp phụng-mệnh kéo quân vào đánh Chúa Nguyễn, có đem quận Huy đi theo. Quận Huy vốn đã học được phương-pháp dùng binh của quận Việp, lại khéo cắt đặt nhân-tài, cho nên tướng-tá đều phải sợ phục, các tay hào kiệt đều vui lòng giúp sức, luôn luôn phá được quân địch, tiếng tăm mỗi ngày mỗi lừng-lẫy. Sau khi dẹp yên xứ Thuận-hóa, quận Việp vừa qua đời, Sâm bèn giao cho quận Huy quản-lĩnh quân cũ của chủ, và đóng tại trấn Nghệ-an.

Trong hồi ở Nghệ, quận Huy hết sức lo lắng các việc: nào dẹp giặc cướp, nào cấm đúc tiền, nào trừng-trị bọn cường-bạo, nào cấm-chỉ sự kiện cáo, chẳng bao lâu trong hạt thành ra một xứ thịnh-vượng. Bấy giờ quận Huy lại còn thu-dụng nhiều tay anh tài, đặt ra nhiều ngạch liêu-thuộc, ví như những chức tả, hữu tham-quân v.v... Thế là thiên-hạ lại đồn lầm rằng: Quận Huy sắp sửa làm phản.

Những lời đồn ấy, truyền đến tai Sâm, Sâm cũng nghi ngờ, ngày ngày cùng Kiều-hạc-hầu Nguyễn Khản và Hân-quận-công Nguyễn Đĩnh bàn việc trừ giết quận Huy. Trong lúc nói lóng, ba người vẫn gọi quận Huy là « thập tự » vì chữ « thập » xoay tréo thì thành chữ « nghệ », chỉ về quận Huy đương ở Nghệ-an.

Những lúc bàn về việc đó, Sâm đuổi tất cả những người chung quanh, nói chuyện rất kín. Tuy vậy, Thị-Huệ cũng biết. Nhân có người vợ quận Huy (con gái Trịnh Doanh) thường hay ra vào trong phủ, luồn-lọt Thị-Huệ, nàng bèn đem việc của Sâm bảo ngầm với mụ Quận Huy nghe thấy chuyện đó, trong bụng không yên, tức-thì dâng thư xin cho về triều, Sâm ưng lời.

Lúc ấy, quận Huy nghĩ rằng: Thị-Huệ tuy được Chúa yêu, nhưng con trai nàng còn nhỏ, mà Tông thì đã lớn rồi, bám vào với nàng, quyết không phải là cách lâu-bền. Vì vậy, sau khi đã vào hầu Sâm, quận Huy liền dùng châu báu đút cho mấy người hầu Tông để xin nương-tựa vào Tông, và đem một trăm lạng vàng và mười tấm đoạn Nam-kinh làm món đồ lễ xin vào yết-kiến Tông. Nhưng Tông không nhận và cũng không cho vào hầu. Rồi Tông nói riêng với bọn gia-thần rằng:

— Thằng giặc ấy sao không ở trấn làm phản, lại vội về triều? Rồi đây ta sẽ tịch-biên tất cả gia-sản nhà nó, cần gì đồ lễ của nó?

Quận Huy biết Tông không muốn dùng mình, mới quyết tựa vào Thị-Huệ và định đánh đổ Tông đi để lập Cán làm thế-tử.

Cách đó ít lâu, quận Huy xin đem ngôi nhà cũ của mình vẫn ở, dâng làm dinh riêng cho Cán. Từ đó quận Huy hành ra người riêng của Thị-Huệ.

Ở trước mặt Sâm, Thị-Huệ hết sức che-chở cho quận Huy. Nhờ vậy quận Huy được vào Chính-phủ[5] mở riêng dinh quận Trung-nhuệ, coi việc trong phủ và lĩnh chức Trấn-thủ ở trấn Sơn-nam. Hai người, kẻ trong kẻ ngoài, giao-kết với nhau, quyền-thế nghiêng cả thiên-hạ. Các viên võ-thần từ chức cai-cơ, trấn-thủ trở đi, đều ở cửa họ mà ra; ngoài ra chỉ có Hồng-lĩnh-hầu Nguyễn Khản trấn-thủ Sơn-tây, hiện lĩnh chức Tả-tư-giảng của Tông, và Tuân-sinh-hầu Nguyễn Khắc-Tuân ở trấn-thủ Kinh-bắc, con nuôi Hân-quận-công Nguyễn Đĩnh, hiện lĩnh chức A-bảo của Tông là còn hết lòng với Tông, và dám bỉ thử với quận Huy mà thôi. Thế là cái thế bè-đảng thành rồi.

Tông cũng biết vậy, cho nên từ khi Cán đẻ Tông rất buồn-rầu, chỉ lo mình không được làm thế-tử, luôn luôn cùng với mấy tên gia-thần, là bọn Thế-thọ, Thẩm-thọ và Nho-sinh Đàm Xuân Thụ, Tạp-lưu vĩnh-vũ đêm ngày bàn-bạc, không biết nên làm thế nào.

Tình-cờ chứng cũ của Sâm — Sâm vẫn có chứng đau bụng — lại phát, bệnh-tình rất là nguy-kịch. Đêm ấy, Tông bỗng mơ thấy mình mặc áo chầu chàm, đội mũ chữ đinh, đứng ở phủ-đường. Sáng mai, Tông kể với bọn gia-thần và nói:

— Ta mơ như thế là điềm có tang, trong cung nay mai chắc sẽ có biến. Phải tính-toán trước mới được.

Bọn đó khuyên Tông ngấm-ngầm sắm-sửa đồ binh, chiêu-mộ dũng-sĩ để đó, một mai trong cung có việc chẳng lành xẩy ra, thì cứ đóng chặt cửa thành, giết chết quận Huy, bắt cả mẹ con Thị-Huệ giữ lại, rồi sai đưa hịch cho hai trấn Tây-Bắc, bảo họ đem quân vào kinh, hợp sức với bọn đại-thần, dựng Tông làm Chúa.

Tông lấy làm phải, liền nói phao rằng: Mình mới được lệnh đem quân vào đánh miền Nam. Rồi Tông bảo ngầm Khê-trung-hầu đưa Đàm Xuân-Thụ một nghìn lạng bạc để Thụ giao cho mấy người thân-tín đi sắm binh-khí. Một mặt thì Tông mật bảo hai viên trấn-thủ Tây-Bắc, nhờ mộ số dũng-sĩ.

Sắp đặt vừa xong, bệnh Sâm lại khỏi, công việc đành phải đình lại.

Lúc ấy có Nguyễn Huy-Bá người ở Gia-lâm, tính rất nham-hiểm, xưa nay chỉ chuyên tố-cáo kẻ khác, để cầu làm quan. Năm trước chính y đã vì tố-giác việc Nguyễn Huy-Cơ và Thụy-quận-công âm-mưu khởi-nghịch mà được làm chức Tham-nghị ở trấn Sơn-tây. Nhờ đó, y đã lên chức Tiến-triều, rồi lại thăng chức Đốc-đồng ở trấn Thái-nguyên. Chẳng may vì việc gì đó, y bị cách quan. Lâu nay y vẫn nóng lòng nóng ruột, chỉ mong lại ra làm quan. Vì vậy, y mới cho người con dâu cả vào làm thị-tỳ cho Thị-Huệ, và cố dò-la những việc chơi đùa của Tông thuật lại với con dâu, và xui con dâu thuật lại với Thị-Huệ để lấy lòng nàng. Rồi y lại sai người nhà giả vờ vào làm bộ-hạ của hai viên trấn-quân Tây Bắc, nghe ngóng công việc của hai nơi ấy về nói với mình.

Nhờ vậy, y mới biết qua mưu-mô của Tông. Mừng quá, y liền bảo người con dâu báo với Thị Huệ. Thị Huệ lại đem việc đó kể với quận Huy. Quận Huy liền sai Huy-Bá viết thư nói rõ đầu đuôi, đưa mình bỏ túi, rồi vào phủ Chúa, đuổi hết những người chung quanh, đưa thư ra trình Sâm[6]

Xem xong bức thư, Sâm giận lắm, truyền lệnh bắt Tông trị tội tức khắc, quận Huy can rằng:

— Thế-tử tuy có lỗi thật, nhưng sở-dĩ thế-tử dám làm việc ấy là do hai viên trấn thủ Tây, Bắc chủ mưu Nay những viên ấy hãy còn cầm quân ở ngoài, nếu Nhà Chúa trừng-trị thế-tử gấp quá, tôi sợ sẽ có biến khác. Bất-nhược gọi hai người ấy về triều, giam cả trong phủ rồi hãy tuyên-bố tội-trạng của họ.

Sâm khen là phải. Hôm sau, Sâm cho đòi Tông vào cung, giả-cách quở-trách về sự học-hành lỗ-mỗ, rồi Sâm bắt Tông phải ở tại Tam-gian-đường trong phủ và cho tiến-sĩ Nguyễn Quýnh làm Tả-tư-giảng, tiến sĩ Nguyễn Minh làm Hữu-tư-giảng ở kèm với Tông. Bấy giờ, Sâm mới sai người đòi hai viên trấn-thủ Tây-Bắc về triều. Bữa ấy nhằm ngày 15 tháng 8, năm Canh-tý hiệu Cảnh-hưng.

Ở trấn Kinh bắc lúc ấy có viên Đốc-đồng la Ngô Thì-Nhậm, mọi ngày vẫn rất tương-đắc với Nguyễn Khắc-Tuân, không có việc gì Tuân không đem bàn với Thì-Nhậm, duy đến mưu-mô của Tông thì Khắc-Tuân lại vẫn giấu kín. Tuy vậy Thì-Nhậm cũng biết. Là vì trước độ mấy ngày, Sơn-Thọ là gia-đồng của Tông, lại là học trò Thì-Nhậm đã vâng lệnh Tông lên Bắc nói rõ mọi việc với Thì-Nhậm và bảo Thì-Nhậm sai người cất lẻn lên vùng Lạng-sơn mua cho ít ngựa hồng đực, để dùng về việc quân-bị. Thì-Nhậm giật mình và nói:

— Thế-tử là vị trừ-nhị của nước nhà, nước là nước của thế-tử, lo gì mất ngôi mà phải làm đến việc ấy? Đây chắc do bọn tiểu-nhân xui giục, thế-tử trẻ tuổi nóng tính, không biết nghĩ kỹ, nên mới nghe họ. Nhưng Nhà Chúa là người minh-sát, thế nào mà giấu được ngài? Chỉ sợ rồi đây sẽ có vạ lớn xẩy đến, bọn tiểu-nhân đó không còn chỗ nào mà trốn cho thoát.

Lập-tức Thì-Nhậm sang dinh Khắc-Tuân kể hết tình đầu và khuyên Khắc-Tuân hỏa-tốc về kinh can gián thế-tử thôi hẳn việc đó, để ngăn tai-vạ sau này. Khắc-Tuân không nghe mà rằng:

— Tôi với quan-lớn chỉ biết những việc tuần-phòng, khám-xét. Ngoài ra, không can gì đến chúng mình, chẳng cần nói tới làm chi.

Thì-Nhậm thở dài trở ra.

Cách mấy hôm sau, quả-nhiên thấy có lệnh đòi. Khắc-Tuân và Thì-Nhậm vội-vàng cùng đi. Tới kinh, trấn-thủ Nguyễn Khản và Hân-quận-công Nguyễn Đĩnh cũng đã bị triệu về đó, cả hai còn đương đợi tội ở Tả-xuyên-đường, Khắc-Tuân vào Hạng-hồng-điếm nhờ người đưa tin xin vào hầu Sâm. Nhưng Sâm không cho, chỉ sai một viên quan thị là Quyến-trung-hầu ra bảo Khắc-Tuân:

— Cậu[7] và thằng Tông đã muốn làm giặc thì cậu cứ việc ra mà sắp sửa binh-mã. Đây ta đã có các tướng đối-địch với cậu.

Khắc-Tuân trở ra vừa gặp Thì-Nhậm ở Tiểu-bút-điếm, Khắc-Tuân cầm tay Thì-Nhậm và than:

— Tôi thờ Chúa từ khi lọt lòng đến giờ, nay Chúa gọi tôi là giặc. Hôm nọ quan-lớn nói chuyện, tôi cứ coi thường. Bây giờ việc đã thế này thì làm thế nào?

Thì-Nhậm cũng hốt-hoảng không biết trả lời ra sao.

Khắc-Tuân liền thảo tờ « khải » thú hết những việc ngày trước, rồi cậy Quyến-trung-hầu đưa vào dâng Sâm. Sâm đương cơn giận. Không nhìn đến thư, lại sai Quyến-trung-hầu đem ra xé ở trước mặt Khắc-Tuân.

Khắc-Tuân nhặt mấy mảnh giấy đi ra, cuống-quít sợ hãi, không biết đi đường nào

Nguyễn Khản lúc ấy càng lo, cũng muốn dãi bày, nhưng không dám nói với Sâm. Hai người bèn cùng nói với Thì-Nhậm:

— Chúng tôi ở ngôi trọng-yếu, bị tiếng dèm pha đã nhiều, dù có nói gì, Chúa cũng không tin. Ngài nên đem những điều của ngài nghe được làm một tờ khải, đổ tội cho bọn quần-tiểu, may ra chúng tôi khỏi oan, thế-tử cũng được vô-sự.

Thì-Nhậm bất đắc-dĩ cũng làm theo ý hai người. Chẳng ngờ Sâm xem tờ khải, lại càng giận dữ và nói:

— Đúng như người ta đã nói, không sai chút nào.

Tức-thì Sâm sai Thì-Nhậm và bọn quan-thị là Ngạn-triều hầu. Đường-trung-hầu, Án-trung-hầu cùng tra án đó. Thì-Nhậm và các quan-thị cũng định tìm cách gỡ tội cho bọn Khắc Tuân, chẳng may vì ở nhà có tang[8] Thì-Nhậm phải bỏ quan về. Sâm bèn giao cho viên Đồng-tham-tụng là Nghĩa-phái hầu Lê Quí-Đôn thay chân Thì Nhậm xét hỏi Tông và Khắc-Tuân, Nguyễn Khản Nguyễn Đĩnh cùng nhiều người nữa đều phải nhận tội. Sâm liền gọi các chính-thần vào cung vừa khóc vừa nói:

— Ta chẳng may gặp phải thằng con bất-hiếu, bọn tôi bất-trung, chúng nó ngầm mưu làm giặc, hình-tích cũng giống như chuyện Thừa Kiền, nhưng tâm địa thì lại tệ hơn Thôi thì cái việc bỏ con lớn, mà lập con nhỏ là việc không thể đừng được. Các ngươi cũng hiểu rõ bụng ta, cứ theo đúng phép mà định tội chúng nó.

Theo lệnh của Sâm, các quan trong triều bàn rằng: Mấy người thủ phạm, đều nên xử-tử. Riêng về thế tử thì không dám bàn.

Lời đó dâng lên, Sâm lấy bút phê rằng:

« Cứ xét theo nghĩa của kinh Xuân-thu thì phải trị tội tên Tông thật nặng, nhưng cha con là tình ruột thịt, không nỡ như thế. Vậy nên truất làm con út, để cho nó được hết đạo làm tôi. Còn bọn các quan, thì viên trấn-thủ Sơn-tây và Khê-trung-hầu, hầu-hạ ta từ khi ở Tiềm-để, cũng có công-lao, riêng cho phép họ được tự-liệu lấy. Hân-quận-công già nua thật-thà không dự mưu đó, cũng được tha cho tội chết, nhưng phải cách chức làm tên thường-dân.

Lệnh đó ban xuống, Khê-trung-hầu, Khắc-Tuân đều uống thuốc độc tự-tử.

Bộ-hạ Khắc-Tuân có Nguyễn Quốc-Chấn cũng vì tội lây với thày, phải ghép vào án tử-hình. Lúc sắp bị chém, Quốc-Chấn quát lớn:

— Trời không có mắt, trào không có quan, để cho Quốc-Chấn mắc oan.

Rồi Quốc-Chấn bảo người thân-thuộc để bút và giấy vào tay áo mình và nói:

— Sống đã không thể thân oan, chết phải kiện ở âm-phủ.

Nghe thấy câu đó, ai cũng thương-xót cảm-động.

Sau khi xử xong các án, Tông vẫn bị giam ở Tam-gian-đường, đêm ngày có người coi sóc. Những sự ăn uống, thảy đều không được tự-do. Các người gia thần không ai được ra vào thăm hỏi. Phe đảng của Tông mỗi người trốn đi mỗi nơi.

Từ đó vây cánh Thị-Huệ càng mạnh. Các quan lớn nhỏ, ai cũng xu-phụ với nàng. Sâm cũng kính-trọng nàng hơn trước.

Thừa-cơ Thị-Huệ bèn xin hỏi con gái Sâm cho em ruột mình là Đặng Mậu-Lân.

Sâm chỉ có hai con gái: Người nhớn tên là Ngọc, hiệu là công-chúa Quế-Anh, đã kết duyên với Dương-trung-hầu Bùi Thế-Toại, con Đoan-quận-công Bùi Danh-Đạt. Còn người thứ hai tên là Thuyên, hiệu là công-chúa Ngọc-Lan, chưa lấy ai, Sâm rất yêu quí.

Ngọc-Lan người mảnh dẻ, yếu đuối, thủa nhỏ vẫn ở trong Thủy-tinh-cung kiêng nắng kiêng gió. Nội chỗ nàng ở, Sâm bắt thị-tỳ phải nói rất khẽ, cho nàng khỏi bị giật mình. Khi lớn mỗi lần nàng lên hầu cha, Sâm thường cho phép cùng ngồi với mình, như lúc còn ngây thơ vậy. Nàng xin việc gì, bao giờ cũng được đắt lời. Những kẻ huân-quí nhiều người đã muốn cầu hôn nhưng Sâm chưa gả. Có lần Sâm đã hạ chỉ bắt khắp các quan văn võ và những con cháu các họ công-thần, đều phải vào phủ để nàng tự kén chọn lấy, vừa ý người nào thì Sâm gả cho người ấy. Nhưng vẫn chưa ai được vừa lòng nàng.

Bởi thế, khi thấy Thị-Huệ hỏi nàng cho Mậu-Lân, Sâm rất lấy làm khó nghĩ...

Vì Lân vốn là một kẻ hung-bạo có tiếng, từ khi Thị-Huệ được Sâm yêu chiều, Lân càng cậy thế làm càn. Nội những xe-kiệu, quần-áo của y, hết thẩy giống như của các vua chúa. Thường thường Lân vẫn đem vài chục thủ-hạ cầm gươm, vác súng nghênh-ngang đi khắp kinh-đô. Hễ gặp có đám xe võng, bất-kỳ là của quan quân nào, Lân đều khà-khịa, gây sự đánh nhau, để làm nhục chơi. Được thế, Lân lấy làm sướng. Đàn-bà con gái qua đường, người nào Lân thấy vừa mắt, tức-thì sai quân... bắt vào... Ai không chịu, Lân cắt hai đầu vú. Cha hoặc chồng những kẻ « vô-phúc gặp « hung-thần » đó, nếu có kêu ca nửa câu, Lân liền lấy kìm vặn răng, có người bị đánh đến chết. Thiên-hạ, hàng xứ thấy Lân sợ như thấy beo sói, ai nấy tìm đường mà tránh cho xa.

Sâm cũng biết vậy, nhưng không gả cho y, sợ bị mất lòng Thị-Huệ. Cực chẳng đã Sâm phải nhận lời.

Sau khi hạ giá, Sâm vẫn thương con yếu-ớt, không thể chịu nổi một người đàn ông cường-bạo như Lân.

Vì vậy, đến ngày hồi-môn, Sâm lấy cớ rằng Ngọc-Lan từ bé tới giờ chưa lên đậu, chưa thể hợp-cẩn. Rồi Sâm bắt quan a-bảo và nhiều thị-nữ đi theo để cùng họ-vệ cho nàng. Sâm lại sai thêm Sử-trung-hầu làm người giám-chế, không để cho Lân xâm-phạm đến con.

  1. Khí thiêng-liêng của sông núi tụ lại, sự tốt đẹp của khơi biển đúc nên, ý muốn chỉ về sự giáng-sinh của Trịnh Cán.
  2. Sao sáng, bể nhuận, tức là điềm sinh ra thánh-nhân,
  3. Một lợn đuổi đàn dê.
  4. Có nghĩa là lên ngôi báu.
  5. Phủ của chúa Trịnh, đời Lê gọi là Trịnh-phủ để phân-biệt với triều-đình của vua Lê.
  6. Theo các sách khác thì người tố cáo việc này là Ngô-Thì-Nhậm. Bởi đoạn sách này do Ngô Thì-Chí, em ruột Thì-Nhậm viết ra, nên mới che chở chỗ đó cho anh.
  7. Đời Lê, quan thị được gọi là cậu.
  8. Tức là tang Ngô Thì-Sỹ, cha Ngô Thì-Nhậm. Có sách nói rằng: Vì Thì-Nhậm tố-giác công việc của bọn Khắc-Tuân Thì-Sỹ giận con, liền uống thuốc độc mà chết.