Hoàng Lê nhất thống chí/Mấy câu giới thiệu
MẤY CÂU GIỚI-THIỆU
Ngày nay, ai có để ý đến rừng sách cũ nước nhà, chắc đã đọc qua, hoặc đã trông thấy, hay đã nghe nói đến bộ Ngô-gia văn-phái. Đó là một lô sách riêng của họ Ngô-thì làng Tả-Thanh-oai. Toàn-bộ rất hùng-vĩ, có thể đứng sau cái kho tác-phẩm của Lê Quí-Đôn.
Hoàng Lê nhất-thống-chí chính là một tập trong bộ sách đó.
Cũng như các tập khác của Ngô-gia văn-phái, sách này chỉ có bản viết, không có bản in. Trong những bản lưu-truyền đến nay, có bản lại đề tên là An-Nam nhất-thống-chí.
Tên tuy khác, nội-dung vẫn đúng như nhau, toàn-tập có mười bảy hồi, chia làm hai cuốn.
Chính-biên bảy hồi bắt đầu từ khi Trịnh Sâm làm Chúa, Tuyên-phi lộng-quyền, cuối cùng là lúc phủ Chúa bị đốt, họ Trịnh tan-tành, giang-sơn Bắc-hà hoàn-toàn thuộc về vua Lê. Cái tên « Hoàng Lê nhất thống », do đó mà ra.
Tục-biên mười hồi, chép những công-việc tự lúc Nguyễn Chỉnh thất-bại, vua Chiêu-thống phải chạy sang Tàu, đến khi nhà Nguyễn được nước, linh-cữu vua Lê tự Tàu đưa về an-táng ở lăng Bàn-thạch.
Đầu cuốn chính-biên, dưới mấy chữ Ngô-gia văn-phái có chua chín chữ « Thiêm-thư bình-chương Học-tốn-công di thảo ». Học-tốn là tên tự của Ngô Thì-Chí (con Ngô Thì-Sỹ, em Ngô Thì-Nhậm). Vậy thì cuốn này tức là tác-phẩm của Thì-Chí. Còn cuốn tục-biên, không thấy có tên soạn-giả, không biết là ai, nhưng chắc không phải Thì-Chí. Bởi vì lúc đó, Thì-Chí đã bị bệnh chết ở Gia-bình, chính hồi mười một trong cuốn này chép vậy.
Theo cuốn Ngô-gia thế-phổ, thì ở tập Hoàng-Lê nhất-thống chí, Ngô Thì-Du có viết bảy hồi. Hoặc-giả Thì-Du tức là tác-giả của cuốn tục-biên này chăng. Nhưng mà cuốn đó cả thảy mười hồi, nếu của Thì-Du bảy hồi, thì ba hồi nữa của ai, và những hồi nào do Thì-Du viết, hồi nào do người khác viết? Hiện nay chưa thể biết rõ.
Có người nói rằng: Phần trên cuốn này, có thể cho là của Ngô Thì-Nhậm. Bởi vì những chỗ chép về Tây-sơn, đều rất tỷ-mỷ rành-rọt, không phải một người quan-hệ với triều ấy như Thì-Nhậm, thì không thể biết. Nhưng cái lý đó cũng không có gì chắc-chắn. Là vì những đoạn chép về công việc của vua Chiêu-thống và bọn vong-thần khi ở đất Tàu cũng rất rành-rọt tỷ-mỷ, có lẽ lại vin cớ đó mà bảo cuốn ấy do bọn tòng-vong viết ra hay sao?
Cứ sự nhận-xét của tôi, thì mười hồi tục-biên, rõ-ràng của hai tác-giả, viết ra trong hai thời-kỳ; từ hồi thứ tám đến hồi thứ mười bốn, viết khi Tây-sơn còn mạnh, cho nên đối với triều ấy vẫn có lễ-độ, mỗi khi chép đến vua Quang-trung đều gọi là « vương » hay « Bắc-bình-vương »; từ hồi thứ mười lăm trở đi, thì đến sau khi triều Nguyễn làm vua mới viết, vì vậy, thỉnh-thoảng đã dùng những chữ « Tây tặc » hay « Tây-ngụy ». Hơn nữa, hồi thứ mười bảy, lời văn rất giản-lược, từ khi Nguyễn Quang-Toản lên ngôi, đến khi vua Gia-long lấy xong Bắc-hà, công việc trong mười mấy năm, chỉ chép vào hơn mười tờ giấy, hình như tác-giả đã viết một cách vội-vàng, cho chóng đến cuộc đất-nước thống-nhất, để nói về việc an-táng di-hài ông vua cuối cùng nhà Lê. Có lẽ vì thế mới có cái tên « An-Nam nhất thống chí »,
Dù sao mặc lòng, sách này vẫn là một cuốn rất có giá-trị, tục-biên cũng như chính-biên.
Tuy rằng thể-tài của nó theo lối diễn-nghĩa, mỗi hồi đều khởi đầu bằng hai câu mào, và kết-thúc bằng hai câu thơ, giống như tiểu-thuyết của Tàu, nhưng nội-dung thì là một bộ truyện-chí, chép toàn sự thật, không bịa-đặt, không tây-vị. Như việc Ngô Thì-Nhậm bị Trần Danh-Án nói mỉa trong khi ông này định gọi ông kia về làm tôi nhà Tây-sơn ở đây cũng có chép rõ.
Bởi nó là thứ truyện-chí, chép những sự thật, có thể giúp cho chính-sử, vả lại, công việc trong hồi Lê-mạt, chỉ có tập này ghi lại tường-tận mà thôi, cho nên các nhà chép sử sau này đều có dùng làm tài-liệu.
Với giá-trị ấy, sách này rất đáng tồn-tại sau khi chữ Hán đã hết ở đất Việt-Nam.
Chính vì lẽ đó mà có bản dịch sau đây.
Một điều nên nói thêm là: Trong bản dịch này, tôi vì muốn nó khỏi bị liệt vào hạng tiểu-thuyết, cho nên, về việc chia thiên, không theo nguyên-văn, gặp chỗ đứt mạch thì ngắt ra làm một đoạn, bất-kỳ dài ngắn, và những câu mào ở đầu hồi, câu thơ ở cuối hồi, đều bỏ không dịch, thỉnh-thoảng gặp chỗ mạch văn không tiếp-tục, cũng có thêm bớt vài chữ cho khỏi ngớ-ngẩn.
Làm vậy, tôi cũng biết là đắc-tội với cổ-nhân. Bởi muốn tăng thêm phẩm-giá của nguyên-văn, khiến cho người ta biết nó là bộ truyện-chí quan-hệ với sử-học-giới, nên tôi không tránh lỗi đó.
Mong rằng bạn đọc lượng cho.