Hoàng Lê nhất thống chí/X

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

X

Sau khi Trịnh Tông bị bắt, Tây-sơn giết được chủ-súy, rồi lại kéo quân về Nam, những bậc cố-gia, di-thần Nhà Chúa cũng có kẻ tiếc Tông không khéo lẩn núp đến nỗi bị nạn. Bụng những người ấy đối với họ Trịnh vẫn chưa tuyệt-vọng.

Bấy giờ con Tông còn nhỏ, vương-thân là Khanh quận-công Trịnh-Kiều thì đã già nua, tính ra trong giòng họ Trịnh chỉ còn có Côn quận-công Trịnh-Bồng và Thụy quận-công Trịnh Lệ đều tuổi ngoài bốn mươi, là còn có thể trông cậy.

Bồng là con trai Trịnh-Giang, tính rất từ-hòa khoan-hậu, vẫn được nhiều người yêu-mến. Cuối đời Trịnh Sâm, vì việc con lớn con nhỏ lôi-thôi, Sâm đã muốn cho Thị-Huệ nuôi Bồng làm con, để nếu bệnh của Trịnh-Cán không khỏi, thì sẽ lập Bồng làm Chúa. Nhưng cái ý đó, Sâm mới nghĩ đến chứ chưa kịp làm. Đến lúc Tông ở ngôi Chúa, kiêu-binh mấy lần vào tận nhà Bồng muốn cố ép Bồng thay Tông, Bồng phải lẩn vào phủ Chúa kể rõ đầu đuôi với Tông, rồi mới dám về nhà riêng.

Còn Lệ thì là con thứ Trịnh Doanh, em ruột Trịnh-Sâm, tính rất khôn ngoan sáng-suốt. Lúc Doanh còn sống. Lệ đã có ý cướp quyền con cả. Đến khi Doanh chết, Sâm lên làm Chúa, Lệ bèn cùng một người gia-thần là tiến-sĩ Phạm Huy-Cơ mưu tính cướp ngôi. Chẳng may việc đó bị Dương Trọng-Tế phát-giác. Sâm nghĩ Lệ là tình anh em, bèn tha tội chết, chỉ bắt giam vào một nơi. Lúc Tông lên ngôi, vì nể mẹ Lệ là già ruột mình, liền thả Lệ ra khỏi ngục. Khi bọn kiêu-binh oán Tông gọi quân tứ-trấn trị họ, Lệ lại xui họ cướp lại ngôi Chúa cho mình. Nhưng việc này cũng lại bại-lộ. Mẹ Tông vì Lệ là con chị ruột nên phải cố xin với Tông, Tông sợ lời mẹ, lại thả cho Lệ.

Lúc quân Tây-sơn kéo ra, Bồng chỉ đem một con nhài, một tên đầy tớ trốn về Chương-mỹ lẩn-núp trong đám dân-gian, định ở lâu dài tại đó. Còn Lệ thì lánh về huyện Văn-giang cùng Thì-trung-hầu ngấm-ngầm chiêu-tập binh-mã, chỉ đợi có dịp thì sẽ nổi lên.

Với Lệ, Thì-trung là con nhà cô, do trưởng công-chúa đẻ ra, có đỗ Tạo-sĩ, đã giữ cấm-quân, lại đã coi trấn Kinh-bắc. Khi ấy nghe quân Tây-sơn đã đi, Thì-trung liền dùng hai chữ « cần vương » kéo cờ khởi quân, rước Lệ qua sông, theo bến Thanh-trì thẳng lên đến cung Tây-long. Bấy giờ quân Dương Trọng-Tế vâng chỉ hoàng-thượng từ huyện Gia-lâm sang sông cũng vừa tới đó.

Tế khi mới đỗ tiến-sĩ đã ra làm quan, vì ăn của đút, lại phải bãi quan đến hơn 10 năm. Sau nhờ về công phát-giác việc Lệ mưu nghịch, mới được phục chức. Lúc ấy thấy quân của Lệ, Tế rất kinh sợ, bèn xin đầu hàng để chuộc lỗi xưa. Lệ sai Tế và Thì-trung đóng quân ngoài thành, khua chiêng thúc trống, thanh-thế rất lớn.

Hoàng-thượng nghe tin Thì-trung lượn lờ ở ngoài, bèn sai người đòi vào hầu và bảo:

— Ngươi là nhà giòng danh-tướng, nay lại dấy quân vào giúp kinh-thành, trẫm đã khen là người trung. Vậy ngươi cứ việc kéo quân vào thành, trẫm sẽ tùy việc dùng đến.

Thì-trung quì tâu;

— Ở trong bốn bể, đâu cũng là tôi nhà vua. Bệ-hạ khoanh tay rủ áo, không có việc gì, thì còn cần gì binh-vệ. Duy có Nhà Chúa chẳng may bị tên dân mọi làm hại, mới phải dùng đến binh-vệ mà thôi.

Nói rồi, Thì-trung lạy tạ đi ra.

Hoàng-thượng sai quan trấn-điện đem quân đuổi chém. Tả hữu cố can mới thôi.

Thì-trung về dinh bảo với Trọng-Tế; Xưa nay Nhà Chúa truyền ngôi nối ngôi chẳng có bao giờ bẩm trước nhà vua. Thường thường công việc xong rồi, mới đệ tờ tâu vào triều. Cho đến những tờ sắc-dụ, sách phong cũng do Nhà Chúa thảo sẵn đệ lên hoàng-thượng ngự lãm, rồi lại đệ về phủ Chúa tuyên-bố thi-hành. Cái đó đã thành lệ rồi, nay cũng không cần xin phép nhà vua cho thêm lôi-thôi.

Hai người bèn gấp chỉnh-đốn quân-ngũ, đón Lệ vào thành. Lúc ấy trời đã gần tối, chừng đến canh hai mới vào tới phủ. Họ bèn thắp đèn đốt đuốc khắp trong phủ-đường đánh đủ ba hồi và chín tiếng trống, rồi cùng phò Lệ lên ghế. Hai người chia làm hai ban lạy mừng. Các quân hò-reo vang trời.

Tan cuộc, hai người chia quân đi đóng ở các điếm canh trong kinh, canh phòng đúng như lệ cũ. Sáng ra mới cho đi vời các quan văn võ vào hầu.

Hoàn quận-công, Tứ-xuyên-hầu, Thao-đường-hầu, Kiến-xuyên-hầu, Luyện-đường-hầu, và hai, ba viên tiến-sĩ đương ở trong triều, thấy có tin vời, liền cùng bàn rằng: Quận Thụy từ lúc đẻ ra đến giờ, đã từng ba lần cử sự mà đều không thành. Cái người bụng dạ như thế quyết là không phải « đồ khá ». Thì-trung là hạng công-tử ăn chơi, bình-sinh chỉ biết ban đêm uống rượu say mèm, ban ngày ngủ đến mặt trời sắp lặn mới dậy, trong một ngày, thì giờ còn được bao nhiêu để nghĩ việc nước mà còn muốn làm đại-thần? Trọng-Tế lúc xưa đã phản quận Thụy, bây giờ lại theo quận Thụy, không thể làm một tay « bề tôi miếu-đường ». Vả chăng, một việc lởn lao như vậy, mà họ trên không xin phép nhà vua, dưới không hợp với ý-kiến của mọi người, chỉ cứ cắm đầu nhắm mắt tự làm với nhau, thì có lẽ nào lại thành việc được? Hoàng-thượng là bậc anh-minh cương-quyết, chắc là bọn đó không thể hiếp-chế được ngài. Vậy thì chúng ta không nên hấp-tấp mà đến với họ, sợ rằng sau này hối lại không kịp.

Rồi đó mấy người, sai người trả lời cho Tế, đại-ý nói rằng: Các viên triều-thần vì chưa tiếp mệnh-lệnh hoàng-thượng, cho nên chưa dám tự-tiện đi đến. Xin hai trưởng-quan trình Chúa thảo giấy tâu xin hoàng-thượng, triều-thần chúng tôi sẽ xin vâng mệnh hoàng-thượng sang phủ lạy mừng.

Tế bèn thảo một tờ tâu, đại-khái như vầy:

« Thần là Trịnh Lệ cẩn tâu:

« Nhà thần đời đời nối nghiệp Chúa, tôn-phù nhà vua. Mới rồi, nhân vì giặc Mọi vào cướp, tông-tự nghiêng đổ. May nhờ trung-thần nghĩa-sĩ một lòng giúp đỡ, giặc Mọi nghe tin, đương đêm đã phải trốn đi. Mồng mười tháng này thần đã vào ở Chính-phủ. Cúi xin ban-hạ sắc dụ, cho thần được nối ngôi Chúa, đời đời tôn-phù, để giữ cái nghiệp « duy đế duy vương » trong muôn năm... »

Hoàng-thượng coi rồi, cả giận nói:

Họ Trịnh là người dưới mà lấn người trên, tự gây lấy vạ bại-vong, nay lại còn muốn đi theo vết xe đổ ấy... Nó khinh trẫm ít tuổi hay sao!

Lúc ấy quân của hoàng-thượng cho gọi đến trước cửa khuyết đã có tới vài nghìn người. Tả hữu bèn khuyên ngài rằng:

— Chẳng qua hắn cũng giương to thanh-thế đấy thôi, ta cứ dọa cho hắn sợ, chắc là có thể nhân đó mà cưỡi được hắn. Hắn có một vạn thủ-hạ, ta cũng không dưới vài nghìn, nếu như hai bên đánh nhau, hắn muốn nuốt mình cũng khó nuốt trôi. Vả chăng nhân-dân trong nước, tuy là nơi nào theo sự xướng-suất của hào-kiệt nơi ấy mà cùng nổi lên, đám nọ vẫn có khác với đám kia, nhưng đến cái lòng tôn kính nhà vua thì đâu cũng như đâu. Nếu như làm việc mà lại chống lại nhà vua thì quyết không một người nào dám theo. Nay quận Thụy không chịu vào triều lạy yết, ngông-nghênh ngồi trong chính-phủ, chưa được mệnh-lệnh nhà vua mà đã vội xin sắc dụ, nếu như cho hắn một cách dễ-dãi, sau này sẽ có nhiều sự không thể chịu nổi. Vậy xin bắt hắn phải lạy trước đã rồi mới được lập, chắc hắn sẽ không dám đến. Việc sách-lập nếu đã chậm-trễ, đại-thế của hắn tất-nhiên tan vỡ. Thì-trung, Trọng-Tế ngồi xuông trong phủ mà đóng vai quan võ, quan văn phường chèo, quyết là không được bao lâu.

Hoàng-thượng theo lời, bèn sai thảo một tờ dụ, nói rõ lệ cũ mỗi khi sách-lập, Chúa mới phải thân vào triều vâng mệnh nhà vua, về sau mới có cái lệ « vào triều không lạy, tờ tâu không xưng tên ». Thảo xong, hoàng-thượng sai viên nội-hàn là Lê Hữu-Ngữ đem ra phủ-đường đưa cho Trọng-Tế.

Trọng-Tế xem rồi, đối mặt sứ-giả xé tan tờ dụ và nói:

— Lạ thay, ta Chưa từng thấy triều nào đời nào lập Chúa, mà vua lại ngăn trở như thế! Chắc là mấy thằng dồ-dại đã lạy quân Mọi hôm nọ, sợ rằng sau khi lập Chúa, Chúa sẽ hỏi tội chúng nó, cho nên chúng nó xúc-bẩy nhà vua đấy thôi. Ta có cần gì xin-xỏ, chỉ đem quân đến, bắt hết mấy thằng xúc-bẩy.., thử xem vua có cho lập hay không cho lập.

Trọng-Tế lại bảo sứ-giả:

— Ông về tâu với hoàng-thượng rằng: Chúa vẫn làm Chúa, nhà vua cần gì kén-chọn. Xin hãy lập đã, sau sẽ vào lạy.

Sứ-giả về triều tâu hết đầu đuôi. Hoàng-thượng càng giận, ngài nói:

— Nó khinh ta quá. Như thế, nó còn phải xin mệnh-lệnh của ta làm gì? Mặc kệ nó muốn làm gì thì làm, ta cũng không khiến nó lạy chi nữa.

Triều-thần thấy vậy, ai cũng ra vẻ sợ-hãi. Giữa khi ấy, vừa có tờ tâu của quận Côn ở đâu đệ vào. Trong tờ đại-ý nói rằng: Tổ-tiên nhà thần giúp đức tiên-đế gây nghiệp trung-hưng, đội ơn nhà vua xét công ban thưởng, phong cho ngôi chức, như thế kể cũng đã hậu. Đến đời gần đây, dần dần cậy thế chuyên quyền, làm ra những việc trái với lẽ thường, đến nỗi đổ mất cơ-nghiệp của tổ-tông. Nay thánh thiên-tử thống-nhất thiên-hạ, đùm-bọc che-chở, lấy lòng trời đất làm lòng mình, chẳng nỡ làm đứt tông-tự nhà thần, thần nay thẹn là phái trưởng họ Trịnh, lánh nạn nấp ở dân-gian, cái bụng mến nhớ tông-miếu, khắc-khoải suốt đêm suốt ngày, chỉ vì chưa được chiếu-chỉ, cho nên chưa dám vào thành. Vậy xin mạo-muội mấy hàng, dâng trước ngai rồng, cúi chờ tiến lên ngự-lãm... »

Hoàng-thượng coi hết tờ biểu, ngài rất vừa ý và nói:

— Ta vân nghe nói quận Côn là người rất có lễ-nhượng, quả-nhiên không sai.

Rồi ngài giao tờ biểu đó xuống cho đình-nghị. Các viên quan triều cũng đã nghe tin quận Côn ở vùng Chương-mỹ hiện đương hăng-hái có thể dậy được, ai nấy bèn khuyên hoàng-thượng giáng chỉ vời vào.

Quận Côn tiếp được chiếu-chỉ, lập-tức sắp-sửa bộ-khúc, người ngựa, luôn trong bữa ấy lên đường về Kinh. Quan quân lại-sĩ thấy bóng, tranh nhau đón rước tấp-nập.

Thì-trung, Trọng-Tế được tin đều cùng sợ-hãi, lòng người lúc ấy cũng hơi nôn-nao. Cả hai bấy giờ mới chịu lún mình, sai người vào triều xin cho quận Thụy lên lạy. Hoàng-thượng ưng lời.

Sứ-giả ra khỏi, hoàng-thượng sai lính ra phục bên cầu Cận-thiềm (?) đợi khi quận Thụy và Thì-trung, Trọng-Tế tới đó thì sẽ bắt lại bỏi tội.

Nhưng sau quận Thụy cũng không dám vào. Trọng-Tế biết việc không xong, bèn nói với quận Thụy xin để mình và Thì-trung chia quân chống giữ quận Côn. Quân của Trọng-Tế đóng ở cửa ô Trường-bắn, quân của Thì-trung đóng ở cửa ô Trường thị (?)

Rồi Tế sai Nguyễn Mậu-Nễ lĩnh quân lẻn đi xin hàng..

Nễ tới làng Nhân-mục, vừa gặp tiền-quân của quận Côn. Nễ sai quân lính cắm ngược gươm dáo xuống đất hai tay chắp trán, đứng ở ven đường. Khi kiệu quận Côn đến nơi, Nễ liền quì xuống vệ đường, thuật rõ ý của Trọng-Tế, Quận Côn bằng lòng và cho Nễ làm tiền-bộ tuyên-phong. Đi đến dưới lầu Trường-thi thì gặp quân của Thì-trung chĩa súng ra bắn, quân Nễ nhất-tề ngồi sệp xuống đất tránh đạn. Quân của Thì-trung xấn-sổ kéo ra. Quân Nễ và quân quận Côn răm-rắp đứng lên xông vào trước trận. Quân của Thì-trung thấy quân Trọng-Tế đã hàng, ai nấy bỏ cả gươm dáo mà chạy. Quân Nễ và quân quận Côn thừa thắng, đuổi thẳng đến trại Nam-đồng, chém được chừng vài trăm người, quân của Thì-trung thua to, phải rút vào thành. Các bộ hết thảy tan vỡ. Quận Thụy, Thì-trung, Trọng-Tế không kịp nhìn nhau, ai nấy cắm đầu chạy tuột ra phía cửa ô Ông-thánh.

Quận Côn kéo quân vào thành.

Khi ấy toán tàn-quân của Trọng-Tế ở cửa ô Trường-bắn, ngoài bị quân của quận Côn chắn ngang, trong bị các lính thị-vệ của Nội-điện chẹn giữ, không còn đường nào mà chạy, chúng phải liều chết cố đánh. Một vị hoàng-thân vì bị chúng đâm, ngã ngựa mà chết, Hoàng-thượng liền sai đại-tướng đốc quân vây bắt cả toán đem chém, máu chẩy lênh-láng mặt đất. Hôm ấy là ngày 14 tháng chín.

Bấy giờ, thanh-thế quận Côn cũng rất ghê-gớm, hoàng-thượng chỉ vì thấy y có vẻ kính-thuận, nên muốn vỗ-về rồi sẽ uốn-nắn bằng cách ngấm-ngầm. Sau khi y đã vào thành, hoàng-thượng liền sai dẫn vào ra mắt ở điện Vạn-thọ.

Quận Côn lạy ba lạy và vái năm vái. Hoàng-thượng cho ngồi rồi bảo:

— Nhà Chúa trải hai trăm năm tôn-phù, cái công đối với nhà vua thật là không nhỏ. Trẫm muốn đãi lại bằng cách ân-hậu, Xét trong họ hàng Nhà Chúa, không ai được hiền như ông, vả, ông lại là ngành trưởng, cái việc nối giòng tế-tự trẫm vẫn để dành cho ông.

Quận Côn tâu:

— Thần vốn là kẻ ươn-hèn, tính lại ưa sự điềm-tĩnh, chẳng may gặp lúc vận nhà suy-bĩ, thần đã cam phận bỏ đi, định lưu ở đó rồi kiếm một nơi chùa-chiền mà sống cho hết tuổi thừa. May nhờ hoàng-thượng sẵn có mưu-mô thần-thánh, xoay lại vận hội trời đất, nạn của nhà nước lại yên, thần lại được thấy bóng mặt trời, hoàng-thượng lại nghĩ đến tiên-tổ nhà thần mà không nỡ tuyệt thần, thần xin về triều chờ đợi mệnh-lệnh. Nặn-đúc cho thần kiếp này, đều là ơn của bề trên.

Hoàng-thượng khen phải và hỏi:

— Thế thì đã chọn nơi nào để đóng quân ngựa hay chưa?

Quận Côn tâu:

— Tòa Lượng-phủ[1] còn có thể che mưa che gió, thần xin ở đấy.

Ý của hoàng-thượng không muốn quận Côn lại ở trong phủ, liền hỏi:

— Nhà cũ của ông không việc gì chứ?

Quận Côn thưa:

— Nhà thần ở chỗ hẻo-lánh, lửa binh không lan tới. Nhưng cũng bị người kẻ chợ cướp bóc tàn phá, không còn chỗ nào nguyên lành.

Hoàng-thượng lại hỏi:

— Thái-phi và các vương-tử của Đoan-nam-vương bây giờ ở đâu?

Quận Côn thưa:

— Trong lúc vội-vàng, mỗi người chạy đi mỗi ngả. Đến khi hơi yên, mới kịp dò hỏi. Nay vừa được biết đều ở tại nhà Ngạn-Lĩnh trong trấn Sơn-tây, nghe như ba vị vương-tử đã chết mất hai, bây giờ chỉ còn một vị nguyên-tử.

Hoàng-thượng nói:

— Đoan-nam-vương cũng có hậu-tình với trẫm, trẫm vẫn thương-xót và sai người thăm viếng phần-mộ, sửa lễ cúng vái, cho linh-hồn « vương » được yên-ủi, và trẫm cũng thường hỏi thăm tin-tức Thái-phi và các vương-tử, bây giờ mới biết đích-xác. Vậy nên cho người đón về, trẫm sẽ đối-đãi bằng cách ân-hậu.

Quận Côn vâng lệnh. Lâu lâu, quận Côn lạy tạ xin lui. Khi qua cửa phủ, vào thăm cung-miếu, quận Côn gào-khóc một hồi, rồi lại sai xe toan về Lượng-phủ. Bọn thủ-hạ nói:

— Thần-dân thiên-hạ đón ông đến đây, chỉ muốn ông lại ở phủ làm Chúa để họ mong lập một chút công-danh. Nay ông nhường phủ không ở, chắc họ sẽ bảo « con Chúa vẫn hoàn con Chúa mà thôi ». Nhân-đinh đã nản, đại-binh sẽ tan, và rồi không còn thể nào mà thu lại được. Về ở Lượng-phủ, chẳng bằng cứ ở Chương-đức mà làm một người thanh-nhàn, cần gì phải dắt-díu biết bao nhiêu người tới đây cho nhọc!

Quận Côn bèn lưu lại trong phủ và vào ở tại Trạch-các, rồi làm tờ tâu dâng vào trong triều, đại-ý nói rằng: « Thần vào thăm yết gia-miếu, trông thấy lửa hương nguội lạnh, quang-cảnh tiêu-điều, bồi-hồi không nỡ bỏ đó mà đi. Vậy xin tạm chọn một nhà cạnh miếu và ở tại đó, cho tiện sớm hôm thăm viếng, để cho linh-hồn tổ-khảo được yên. » Hoàng-thượng xem rồi, biết rằng tình-thế không thê ngăn cấm liền bảo tả-hữu:

— Nếu muốn ở phủ, thì là lại được làm Chúa, cũng như vẫn không trừ được quận Thụy... Cái ổ đã vỡ đó, kẻ kia đi thì kẻ này lại, thật là dơ bẩn con mắt người ta. Tiếc rằng trong lúc Tây-sơn mới đi, không kịp cho nó mớ lửa cho rảnh!

Hôm sau, vua sai triều-thần bàn việc sách-phong quận Côn. Ý vua chỉ muốn phong làm quốc-công mà cho nhiều lộc mà thôi. Triều-thần thấy quận Côn cầm quân, ở phủ, chắc y không chịu ngồi xuông. Vả lại, coi cái thế của thiên-hạ xu-hướng, tưởng sự nên cho y khỏi to lớn cũng là việc khó. Bởi vậy, có người xin vua rằng:

— Nhà Chúa khi Văn-tổ[2] bắt đầu được phong, là chức Tiết-chế thủy-bộ chư-doanh bình-chương quân-quốc trọng-sự, và tước quốc-công. Bây giờ xin theo lệ đó mới là có sở-cứ.

Vua bèn sai đem quốc-sử ban xuống tra xét, nhưng bắt bớt đi hai chữ « tiết-chế ». Triều-thần vẫn còn phân-vân chưa dám quyết-định.

Chợt có tin báo Liễn trung-hầu Đinh Tích-Nhưỡng vâng sắc hoàng-thượng đã tới. Nhưỡng có ba nghìn quân bộ, nói thặng lên làm ba vạn và ba trăm chiếc thuyền đóng ở Bát-tràng, hiệu quân gọi là Đông-giang. Người nước nghe thấy thanh-thế của Nhưỡng đua nhau đi theo.

Lúc ấy, Nhưỡng đem vài trăm khinh-kỵ vào thành, thái-độ dương-dương tự đắc, có vẻ khinh cả thiên-hạ.

Vua thấy Nhưỡng đến vừa gặp quận Côn, sợ Nhưỡng có ý bất-bình, mới sai đưa vào ra mắt, úy-lạo cực-kỳ ôn-tồn. Nhưỡng cũng ân-cần bày tỏ tấm lòng trung-ái của mình. Vua bảo Nhưỡng:

— Nhà ngươi nay đã đến đây, nên đem hết quân vào thành để giữ kinh-sư.

Nhưỡng lạy tạ xin ra.

Vua lại nhủ Nhưỡng hãy ra sân triều để cùng các quan bàn việc.

Các quan đem lệ cũ ở quốc-sử ra nói với Nhưỡng. Nhưỡng hỏi:

— Tôi là quan võ không biết văn-học. Chẳng hay hoàng-thượng đãi Nhà Chúa như thế, là hậu hay bạc?

Các quan chưa kịp nói sao. Nguyên Hãn đáp:

— Nhà Chúa không thể giữ nổi tôn-miến, hoàng-thượng để cho được còn, như thế kể cũng là hậu lắm.

Nhưỡng nhìn Hãn tròng-trọc và hỏi:

— Ông là ông nghè phải không?

Hãn đáp:

— Phải.

Nhưỡng lại hỏi:

— Đỗ khoa nào?

Hãn đáp:

— Khoa kỷ-hợi.

Nhưỡng nín lặng đi ra.

Các quan đều lui.

Hôm ấy thủ-hạ quận Côn muốn nhờ thanh-thế của Nhưỡng cho chóng thành việc, mới khuyên quận Côn mời Nhưỡng đến để nói chuyện.

Nhưỡng từ chối mà rằng:

— Tôi là bề tôi của nhà Lê, nhà Trịnh, vẫn chỉ biết có nhà Lê nhà Trịnh chứ có lòng nào. Nay ông đến đây, việc phong tước vẫn còn chưa xong, tôi lại đem quân vừa tới. Nếu tôi vào ra mắt ông, ông lại được làm Chúa, sau này triều-đình bàn bạc, kẻ nói thế này, người nói thế khác, hoặc-giả có kẻ lại ngờ cho tôi tư-túi với ông. Vậy để bao giờ mệnh-lệnh nhà vua định xong, tôi sẽ xin đến bái kiến cũng chưa muộn gì.

Hôm sau, hoàng-thượng hạ chỉ phong Nhưỡng tước quận-công và sai nội-hàn là Lê Hữu-Cáo đi ra dụ Nhưỡng một lòng giúp đỡ nhà vua cho thành công-cuộc nhất-thống. Nhưỡng thưa:

— Tôi vâng chiếu-chỉ đến đây, chỉ mong thánh-thiên-tử ở trên cầm quyền nhất-thống bốn bể, ấy là phúc của thiên-hạ. Tôi đâu dám không hết sức để làm cho tỏ lòng ngu của tôi? Nhưng mà trước kia, tôi trót phạm luật, làm tan cả một đạo quân để cho việc nước đến thế này. Nhà vua tha tội cho tôi đã là may lắm. Bây giờ việc nối ngôi Chúa chưa xong mà tôi lại chịu phong trước, rồi đây công-nghị bảo tôi ra sao! Tôi thờ nhà vua còn lâu, vậy nay hãy xin dâng lại cáo-mệnh, tôi chưa dám nhận.

Luôn thể, Hữu-Cáo đem việc hoàng-thượng muốn phong quận Côn tước quốc-công để dò ý Nhưỡng. Nhưỡng đáp:

— Thánh-thiên-tử chẳng thiếu trí-lự, ngài cứ thù đáp thế nào xứng với công-đức Nhà Chúa thì thôi.

Hữu-Cáo về triều thuật lại ý Nhưỡng xin theo đúng như lệ cũ của Văn-tổ khi trước. Hoàng-thượng bèn sai triều-thần bàn lại. Các quan giữ lời bàn cũ xin phong quận Côn làm chức « Tiết-chế thủy-bộ chư-doanh, Bình-chương quân-quốc trọng-sự », tước Côn quốc-công và cấp ba nghìn tên lính, năm nghìn mẫu ruộng, hai trăm dân xã để cung về việc tế-tự Nhà Chúa. Rồi đó triều-thần lại đem ý của hoàng-thượng nói thật với Nhưỡng.

Nhưỡng không nói sao. Các quan bèn đem lời nghị của triều-đình tâu lên hoàng thượng.

Hoàng-thượng nghĩ rằng Văn-tổ ngày xưa, lúc mới được phong thì thế, rồi sau lại tiến lên đến tước vương. Bây giờ nếu không nói rõ, sau này lại sinh bàn-bạc lôi-thôi. Bởi vậy, sau khi cái nghị « phong cho quận Côn làm tước Quốc-công » đã xong, hoàng-thượng bèn sai triều quan thảo sắc nói rõ từ nay về sau đời đời nối làm tước công. Quan triều theo ý hoàng-thượng cứ thế mà làm. Mệnh-lệnh ấy Nhưỡng không được biết.

Sáng mai, hoàng-thượng sai quan đem sắc đến phủ ban cho quận Côn, rồi đem bản sao yết ở ngoài cửa Đại-hưng để cho thiên-hạ đều biết.

Nhưỡng coi tờ yết, thấy có mấy chữ « đời đời nối làm tước công » ra vẻ tức giận và nói:

— Dùng tước công làm cái mệnh-lệnh lúc đầu còn là có nghĩa. Nay lại nhất-định hạn đến tước công và bắt buộc con cháu Nhà Chúa hết đời nọ đến đời kia, cứ phải noi theo tiên-tổ, thì còn có lý nào nữa? Lần này giặc đến vua được tôn-phù, các quan văn võ không một người nào phải mất tước vị, Nhà Chúa tội gì mà bị sút ngôi? Thử coi những kẻ tai mặt ngồi ở trong triều, ai không chịu ơn Nhà Chúa? Vậy mà người ta lại dùng những câu văn hay để cố nịnh-hót đến vậy, thật quá khinh-bạc. Ừ! họ đã nổi tiếng văn hay, ta cũng hãy lấy văn hay chọi lại, thử xem ai được ai thua?

Rồi Nhưỡng liền làm một tờ yết-thị như vầy:

« Hàm-giang, Đinh-mỗ kính đạt các quan văn-võ quí-đài:

« Nay vâng sắc-chỉ cho lập quốc-công để nối giòng-giõi Nhà Chúa. Nếu như lòng người đều thuận, thì nên đến phủ lạy mừng. Bằng ai nghĩ đến công-đức Nhà Chúa, riêng muốn tâu xin thế nào, thì nên đến họp ở cung Tây-long, để bàn với « mỗ » về việc thảo biểu dâng lên hoàng-thượng, cúi chờ thánh-thượng xét-định, cho thỏa lòng mong của thiên-hạ ».

Trước kia, lệnh phong quận Côn làm tước quốc-công vừa mới ban xuống, ai nấy đều tưởng thế là việc xong, những lời bàn ra nói vào sẽ im. Không ai ngờ rằng: Nhưỡng lại đứng đầu mọi người, cố dựng lên cuộc hội ấy để tranh công đầu. Bởi thấy Thì-trung, Trọng-Tế vì sự lỗ-mãng đến nỗi hỏng việc, nên Nhưỡng không dám lấy thế mà ép những viên triều-thần theo về nhà vua.

Những viên triều-thần theo về nhà vua khi mới gặp Nhưỡng, đều chỉ ngồi im mà xem ý Nhưỡng chênh về bên nào để dự-đoán sự kính-trọng. Lúc ấy thấy Nhưỡng dựng lên hội đó, mọi người tuy không dám theo Nhưỡng, nhưng cũng sợ Nhưỡng, nên phải chểnh-mảng về sự theo vua. Nhà vua tuy vẫn nhất-quyết giữ đúng lệnh cũ, không chịu thêm bớt nửa chữ, nhưng ngài cũng chỉ soay-xỏa một mình, không ai là người giúp đỡ.

Bấy giờ trong hàng quan văn đến họp với Nhưỡng, có Ngô Trọng-Khuê. Nguyễn Văn-Lịch, Nguyễn Điển, Nguyễn Huy-Thiệu, Nguyễn Đình-Thiều, Phan Huy-Ích, tất cả độ sáu bảy người.

Nhưỡng đặt tiệc rất to để thết các quan. Tan tiệc Nhưỡng hỏi:

— Cái mệnh « quốc-công » các ông cho là thế nào?

Ngô Trọng-Khuê đáp:

— Hai trăm năm nay, có vua có Chúa. Công-đức Nhà Chúa, chưa đáng chỉ thua một trận mà phải tuyệt-diệt. Nhà vua ít tuổi, nghĩ ngợi chưa chín. Phụ-họa với ý nhà vua mà làm việc vô-lý này là lỗi của bọn chúng tôi. Bây giờ chữa chỗ đó lại phi ông không xong.

Nhưỡng nói:

— Tôi họp các ông cũng chỉ vì thế. Bây giờ tôi muốn làm tờ tâu xin nhà vua, các ông có « hiệp » hay không?

Mọi người đều đáp:

— Không « hiệp » thì không đến đây. Ai đã đến đây tức là « hiệp » cả.

Nhưỡng nói:

— Nếu đã « hiệp » thì nên thảo ngay tờ tâu để tôi đem dâng. Nhà vua dù muốn không cho, tôi cũng cố xin cho được mới thôi.

Một viên quan võ là Nguyễn Gia-Quán nói xen:

— Hôm nọ Thì-trung, Trọng-Tế cũng có tờ tâu chứ không đâu? Chỉ vì đợi « xin », cho nên mới đến hỏng việc. Nay có đủ cả quan văn quan võ cùng họp, thì cứ kéo cả vào phủ là thành triều-đình. Triều-đình đã thành, oai-thế sẽ phải quay về...! Kia kìa, hãy trông hai điếm tả hữu, không vẫn hoàn không. Đến thế, cần gì còn phải đợi « xin »?

Nhưỡng đáp:

— Tôi muốn làm thế, kể cũng không khó. Nhưng nghĩ « Chúa không có mệnh của vua » bảo là thuận thì chưa được thuận. Vả lại tục-ngữ đã nói: « Chẳng ai mặc áo qua đầu », vì vậy tôi muốn cứ theo đường chính cho thuận.

Tôi không phải là quân ô-hợp như bọn Thì-trung, Trọng-Tế, đến nôi người ta bỏ hết. Nếu tôi tâu xin, chắc là mấy ông « thày già » ngồi trong triều-phòng dù muốn nhiễu tôi cũng không thể được.

Rồi thì mọi người đều thảo tờ tâu, đại-ý nói rằng: « Kính dâng hoàng-đế bệ-hạ đoái nghĩ Nhà Chúa, muốn cho được còn tông-tự, phong làm tước công, đời đời giữ việc cúng-tế. Thần dân thấy vậy đều phải cảm-khích. Nhưng Nhà Chúa từ đức Thái-vương[3] trở đi, vẫn được thiên-tử ban cho tước vương. Mới rồi gặp quốc-biến, Tiên-chúa Đoan-vương đã phải lấy thân theo nước. Bây giờ nạn nước đã qua, vâng được hoàng-thượng rộng lượng bao-dong, các người bề tôi không ai bị mất quan tước, riêng có Nhà Chúa lại phải giáng phong. Như thế, thần dân nghĩ không đành lòng. Vậy dám cúi xin cho Côn quốc-công được gia-phong làm tước vương, cho thỏa sự mong-mỏi của bọn thần-thứ ».

Hoàng-thượng xem xong tờ tâu liền nói:

— Cứ đòi phong vương để ăn hiếp ta mới sướng hay sao? Nếu đã yên phận làm tôi, thì « vương » với « công » có khác gì nhau? Vả lại, mệnh-lệnh vừa mới ban xuống mà đã muốn đổi... thiên-tử có phải trẻ con...!

Các viên triều-thần thấy vậy tự nghĩ « phò Chúa đã không dự, giúp vua lại không xong » ai nấy đều muốn tháo thân mà đi. Tứ-xuyên-hầu vào tâu với vua:

— Lấy Chúa hiếp vua, đó là cái gốc sinh loạn. Loạn đã đến thế, họ còn vẫn theo mà làm, chẳng qua cũng là lòng trời xui-khiến ra thế. Liễn-trung là kẻ vũ-phu, không thể lấy nghĩa-lý mà nói cho hiểu. Thần xin vâng chỉ đến thẳng quận Côn, khuyên y tự xin lui nhường, may ra việc nước còn có thể làm. Nếu không được thế, lần này mà loạn, thì sức lũ thần không sao cáng-đáng cho nổi? Dám xin nhà vua tha tội cho thần.

Hoàng-thượng bằng lòng. Tứ-xuyên-hầu bèn đến bảo với Trịnh-Bồng:

— Tôi chịu ơn sâu của Nhà Chúa, không phải là không muốn hậu với ông. Nhưng mà quốc-biến lần này, chính là một cuộc « khép mở » rất lớn của trời đất, thế thì tất cả mọi việc, không nên câu-nệ nếp cũ. Nay nếu theo lệ truyền kế ngày trước, cố ép thiên-tử phải làm cái việc mà ngài không muốn, thì thật quá ư vô-đạo. Chúng tôi nghĩa không thể nín, cho nên phải nói với ông. Nếu ông bỏ qua lời nói của tôi, thì đến trận loạn sau này, không còn cách nào cứu được. Trong truyện đã nói: « Nước có đạo thì làm quan, nước vô-đạo thì ẩn » chúng tôi xin đi từ nay.

Bồng đáp:

— Tôi vẫn tự biết là kẻ ươn-hèn, đâu dám mong những điều quá đáng. Việc này tự Liễn-trung-hầu gây ra, tôi thật không dự. Xử-trí thế nào tùy lượng bề trên. Xin ông vì tôi tâu xin nhà vua soi xét lòng đó cho tôi.

Tứ-xuyên-hầu thấy Bồng có ý đưa đẩy bèn về tâu với vua rằng:

— Việc này thần không thể nào cáng-đáng được nữa. Nhà vua dùng thần cũng là vô ích mà thôi.

Rồi Tứ-xuyên-hầu từ biệt xin đi.

Nhưỡng nghe tin ấy nói với tả hữu:

— Anh chàng rậm râu sâu mắt đi rồi. Bớt được một tên cáo già,!

Lúc ấy hai điếm triều-phòng đã bị một điếm bỏ không. Những người vào ngồi sân triều, đều là bè đảng của Nhưỡng. Hoàng-thượng thấy vậy, than thở với bọn gia-thần:

— Ta nay không còn có ai giúp nữa. Tuy vậy nó cũng không thể cậy có nhiều người mà ăn hiếp ta. Ta cứ không nghe, thử xem nó làm thế nào!

Bởi vậy Tứ-xuyên-hầu tuy đã đi rồi, việc phong cho Bồng làm quốc-công vẫn cứ để nguyên như cũ, từ quân đến dân, nhà vua không chịu thêm cho tên nào.

Các quan văn trong tòa Nội-hàn ở luôn cạnh vua, sợ Nhưỡng quở trách, nhiều người khuyên vua ưng cho lời xin của Nhưỡng, vua không nghe.

Nhưỡng thấy nhà vua cương-quyết, cũng có ý sợ, bèn làm một tờ mật-tấu xin vua cho Bồng đeo hiệu tước vương, còn các quyền-bính vẫn về nhà vua. Trong tờ tâu ấy, Nhưỡng nói cực-kỳ mềm mỏng. Rồi Nhưỡng lại tự mình vào chầu để xin với vua. Bấy giờ vua mới nguôi lòng mà ưng cho Bồng làm chức Nguyên-úy phụ quốc-chính, tước Án-đô-vương. Rồi vua sai viên quan trào là Nguyễn-Du đem sắc đến ban cho Bồng.

Bồng vâng mệnh-lệnh, thân-hành vào triều lạy tạ. Đoạn mới về phủ, sai người đánh đủ 3 hồi 9 tiếng trống, làm lễ lên ngôi Chúa. Hôm ấy nhằm ngày 19 tháng chín.

Sau khi Bồng lập rồi, tả hữu có kẻ khuyên Bồng nên theo lệ cũ, đặt ra các viên Tham-tụng, Bồi-tụng, Chưởng-phủ, Thự-phủ, để dựng riêng một triều-đình rồi họ trông mặt mấy người đến họp ở cung Tây-long hôm nọ mà cắt người này làm chức này người kia làm chức kia, bố trí đã đâu vào đấy. Nhưng Bồng tự nghĩ hôm trước mình đã tâu với hoàng-thượng thế kia mà nay vội tự xoay đi, đổi lại, e rằng mang tiếng đánh lừa người trên. Vì vậy Bồng còn trù-trừ chưa dám ban bố mệnh-lệnh.

Nhà vua cũng giữ mệnh cũ, hạ chỉ đổi chức Tham-tụng làm chức Bình-chương, Bồi-tụng làm Tham-tri, Thiêm-sai làm Thiêm-thư, hai điếm tả hữu làm nhà Nghị-sự. Rồi bắt Nhưỡng chọn quan, xin chỉ, định ngày hội-nghị, chia đặt các chức. Ý Nhưỡng chưa quyết, quanh co luôn trong mấy hôm, chợt có tin báo quận Thạc ở trấn Sơn-tây vơ vét binh lính các huyện, tất cả đến vài vạn người, lại có hai tay phiên-mục kiệt-hiệt ở vùng Hưng-hóa là Đinh Công-Tường và Đinh Công-Trinh cũng đem lính Thổ đi theo, nay mai sẽ tới kinh-sư, khiến Nhưỡng càng thêm bối-rối...

  1. Phủ của thế-tử họ Trịnh.
  2. Tức là Trịnh-Kiểm.
  3. Tức là Trịnh Kiểm.