Hoàng Lê nhất thống chí/XI
XI
Thạc quận-công Hoàng Phùng-Cơ sau trận đại-bại ở sông Thúy ái liền chạy về vùng Hưng-hóa, nương náu ở nhà một người phiên-mục là Đinh Công-Hồ, tới khi nghe quân Tây-sơn đã rút về Nam, mới về Sơn-tây, thu nhặt quân sĩ để kéo vào giúp kinh-thành. Hoàng-thượng thường vẫn sai người đi lại với Cơ, vua tôi rất là tương-đắc.
Lúc ấy được tin Cơ tới, nhà vua bèn sai kéo quân vào ô Trường-Bắn để giữ hoàng-thành. Trước hết Cơ vào yết-kiến hoàng-thượng. Rồi mới ra chào Trịnh Bồng.
Bấy giờ trong kinh nhao-nhao đồn rằng: Cơ vào bè vua, Nhưỡng vào bè Chúa. Hai người bất-nhật sẽ phải đánh nhau. Cả hai đều là tướng mạnh, chưa biết ai thua ai được. Có người lại nói: Vua với Chúa sức cũng ngang nhau, nhưng nói về thế thì vua mạnh hơn một chút.
Bồng chừng cũng nghĩ như thế nên thường sai người đến yên-ủi Cơ và khuyên Cơ giúp đỡ Nhà Chúa. Nhưỡng cũng cho người đi lại biếu tặng quà cáp, để hòng kết-liên với Cơ.
Thủ-hạ của Cơ có người tên là Nguyễn Liên, vì thấy đại-thể thiên-hạ muốn về với Chúa, tự nghĩ cái cuộc « phụ Chúa » hiện đã thành rồi khó mà lay chuyển. Muốn cho Cơ hợp với Nhưỡng, Liên bèn cố khuyên Cơ bỏ vua theo Chúa, Cơ nói:
— Người ta trải bao khó nhọc mới làm được mâm cỗ ngon. Mình bỗng xông đến xỏ đũa mà ăn, như thế mặt mũi còn ra cái gì.
Liên nói:
— Ngày nay ngôi Chúa tuy lập, quyền Chúa vẫn chưa định xong, ông Liễn[1] vì đã chót hẹn với vua là để quyền-bính vẫn về nhà vua, bây giờ không dám hé răng nói lại. Chúa vẫn vò-vọ ngồi ở trong phủ, chính-phủ chẳng có người nào, dân không biết theo ai. Việc ấy phi ông ai làm nôi? Cổ-nhân đã nói « làm việc thì dễ, mà làm cho được nên việc thì khó » Ông gánh lấy cái khó ấy, công-nghiệp chắc không kém ông Liễn.
Cơ hỏi:
— Thế thì nên làm ra sao?
Liễn đáp:
— Người ta họp được các quan, lẽ nào ông lại không thể họp nổi. Bây giờ ông nên định ngày triệu-tập các quan để bàn về việc đặt tên quan chức ở phủ Chúa, rồi đem những lời bàn ấy mà xin với vua, chắc là nhà vua phải theo.
Cơ cho là phải, bèn sai thảo tờ hiểu-thị đưa cho các quan văn võ đại-để nói rằng: Khi Nguyễn Hữu-Chỉnh đưa giặc vào cướp, mình phải vâng mệnh cầm quân đánh giặc. Chẳng may lỗi phép vỡ quân, đến nỗi kinh-thành thất-thủ, thật là đáng chịu muôn tội. Nhờ được lòng trời ghét sự tai vạ, quân giặc nay cất lẻn trốn về, non sông y nguyên, vua Chúa không khác ngày trước. Nhưng mà bây giờ giường-mối đã đổ, triều-chính lại càng rối bời. Tướng võ, quan văn, há nên một niềm nín-lặng. Vậy xin định đến ngày « mô » tháng này hội họp ở nhà bộ Lễ, cùng nhau bàn định rồi đem tâu xin hoàng-thượng, khải trình vương-thượng, phó cho thi-hành, để chỉnh-đốn lại thể-thống của triều-đình.
Lúc mới thấy tờ hiểu-thị đó, ai nấy đều tưởng Cơ muốn vị nhà vua dựng hội để báo thù lại cuộc họp ở cung Tây-long của Nhưỡng. Đến ngày hẹn, Cơ kéo quân ở hoàng-thành ra, Nhưỡng dẫn quân từ vương-phủ đến, người ta chắc là hai tướng sắp sửa giao-chiến, có kẻ đã phải lánh đi nơi khác. Lúc thấy hai người gặp nhau, không xẩy ra sự lạ, nhiều người lại đồ quận Thạc lừa cho quận Liễn vào họp mới bắt, lắm kẻ lại bảo tướng trẻ chắc phải mắc mưu tướng già. Rút lại, chẳng ai hiểu được bản-ý của Cơ.
Trong lúc các quan đến họp đông đủ, Cơ hỏi:
— Chúa dựng đã hơn một tuần, chính-sự vẫn còn chưa ra đầu mối gì cả. Các ông sở-kiến thế nào xin cứ bày tỏ rồi cùng lựa chọn những điều đáng làm để đem xin với bề trên.
Mọi người đều chưa hiểu rõ lời Cơ nói thế là ý thế nào. Trong đám có Ninh-Tốn là người khôn-quyệt, liền dùng một câu lững-lờ để dò ý Cơ mà rằng:
— Từ khi sáng-nghiệp trở đi, quyền ở nhà vua, từ ngày trung-hưng trở lại quyền ở phủ Chúa.
Tốn vừa mở miệng. Nhưỡng liền hỏi dồn:
— Bây giờ là trước đời sáng-nghiệp hay là sau đời trung-hưng?
— Bây giờ là sau đời trung-hưng.
Nhưỡng tiếp:
— Đã là sau đời trung-hưng, sao còn nói đèo thêm đời sáng-nghiệp? Viên ấy là quan chức gì mà nói gàn dở đến vậy?
Tốn vốn là người nhanh trí, liền thưa:
— Tôi chỉ viện-dẫn ra đó, để tỏ rõ rằng từ đời trung-hưng trở đi là thế.
Nhưỡng nói:
— Nếu vậy, thì ông ra thảo tờ nghị,
Tốn bèn thảo một bản giáp, đại-ý nói rằng: Nhà Vua Nhà Chúa vẫn là nhất-thống. Nay tên các quan ở phủ Chúa phải theo như chỉ hoàng-thượng mới định, nhưng cũng nên giữ cả tên cũ. Vậy xin để chức Bình-chương kiêm chức Tham-tụng, chức Tham-tri kiêm chức Bồi-tụng, chức Thiêm-thư kiêm chức Thiêm-sai, chức Đô-cấp-sự-trung kiêm chức Tri-phiên của sáu « phiên ». Về hàng quan võ thì những chức Chưởng-phủ, Thự-phủ nên thêm những chữ « ngũ quân đô-đốc phủ tả hữu đô-đốc ». Còn nhà Nghị-sự ở ngoài cửa phủ đã quen tai mắt thiên-hạ, xin cứ để nguyên như cũ. Các việc chính-sự, sau khi bàn xong, trước hết phải « khải » với Chúa, rồi mới đem tâu với vua để xin nhà vua quyết-định.
Nhưỡng coi bản giáp, thấy trong lời văn có vẻ khôn khéo, tiếng rằng theo vua, thật ra vẫn trọng ở Chúa, lại mừng và nói:
— Người ta khen ông lão-luyện về nghề từ-hàn, thật là không sai. Vừa rồi tôi nói lỡ lời, xin ông đừng giận.
Rồi Nhưỡng bảo Tốn chép thành bản tâu để dâng vua. Khi Tốn viết xong, Nhưỡng tự thấy rằng việc này so với lời mình trót hẹn với vua ngày trước trái nhau rất xa, bèn xin cáo-từ về dinh, các viên quan võ cũng đều theo Nhưỡng giải-tán, Cơ cùng mấy viên quan văn vào điện để xin mệnh-lục nhà vua.
Hoàng-thượng lúc đầu tưởng Cơ sẽ theo ý mình, ngài đã mừng rỡ cho người dẫn vào ra mắt. Đến khi coi hết tờ biểu thì ngài tức giận và nói:
— Muốn Tham-tụng cứ việc Tham tụng, can gì phải đèo Bình-chương, Tham-tri? Muốn Chưởng Thự cứ việc Chưởng-Thự, can gì phải đèo Ngũ-quân Đô-đốc? Các người muốn lấy hư-văn để đánh lừa ta... Đó há là phép thờ vua?
Cơ nghĩ xưa nay mình với hoàng-thượng vẫn có ân-tình sâu xa. Bây giờ vô-cố tự-nhiên thay đổi, thật là xấu-hổ? Bởi vậy, Cơ không dám nói thêm câu nào, chỉ cứ khấu-đầu tạ tội mà thôi.
Ninh-Tốn quì tâu:
— Nay ở ngoài thành đều là chiến-trường, thiên-hạ đương đại-loạn, chính-sự triều-đình vẫn còn rối bời. Lũ thần can phạm oai trời, thật là sợ hãi khôn xiết. Dám xin hoàng-thượng xét soi!
Vua gắt:
— Ngoài thành đều là chiến-trường, vạ ấy hỏi tại nhà ai gây ra? Có phải là lỗi ở trẫm đấy à! Thôi đừng nói lắm. Các ngươi tưởng rằng bè đảng đông người có thể ăn hiếp được trẫm, cứ việc mà làm, cần gì phải xin cho nhọc?
Bọn Cơ sợ hãi, bồ hôi toát ra khắp lưng, ai nấy không dám cố xin, bèn cùng dắt nhau phủ-phục trước sân, mãi cho đến đầu canh một vẫn chưa trở dậy..
Hoàng-thượng thấy mọi người đã có bụng khác với mình, không thể trông cậy vào họ được nữa, dù có cố giữ ý mình cũng là vô-ích, ngài bèn ưng cho lời tâu của họ.
Bọn Cơ lạy tạ rồi ra.
Hôm sau, họ cùng vào phủ để chọn các quan.
Mọi người bàn rằng: Chúa mới được ngôi, thì những người mà hoàng-thượng đã từng tin dùng như Tứ-xuyên-hầu, chưa nên bỏ vội.
Bồng bèn cho Tứ-xuyên-hầu làm Bình-chương kiêm Tham-tụng, Kế-liệt-hầu và Khuê-phong-hầu cùng làm Đồng-bình-chương kiêm Hành tham-tụng. Cơ làm Trung-quân Đô-đốc phủ tả đô đốc Chưởng-phủ-sự, tước Thạc-vũ-công; Nhưỡng làm Đông-quân Đô-đốc phủ hữu đô-đốc, tước Liễn-quận-công, Ngô Trọng-Khuê, Ninh-Tốn đều làm Tham-tri chính-sự, kiêm chức Bồi-tụng, còn bọn Nguyễn Huy-Thiệu và Phan Huy-Ích, tất cả sáu người đều làm Cấp-sự-trung kiêm chức Thiêm-sai Tri-phiên.
Lệnh đó ban xuống, Tứ-xuyên-hầu từ chối không nhận, Kế-liệt-hầu thì tự thẹn mình, không được việc gì và nói:
— Ta làm tể-tướng không hay. Việc trước hãy còn có thể làm gương. Một đời còn định mấy lần làm hại nước nữa?
Rồi Kế liệt-hầu cũng không chịu ra. Thành ra ba viên tể-tướng còn Khuê-phong-hầu làm việc một mình. Bấy giờ quyền-bính trong nước ở cả tay Nhưỡng. Cơ vừa già nua vừa thật-thà không biết chính-sự là gì, chỉ ngồi làm vì đó thôi.
Quan-liêu chính phủ đã đủ, họ bèn ngày ngày bàn nhau về cách đè nén nhà vua muốn cho quyền-hành việc binh việc dân về cả Vương-phủ, còn lộc nhà vua thì đặt hậu hơn tiền-triều một ít. Nhưng mà hoàng-thượng vẫn cứ mỗi việc mỗi giữ giằng co, không chịu lún hẳn, thành ra chính-sự rối beng, không đâu vào đâu. Rồi đó nhà vua lại cố mộ thêm binh-mã, để tự giữ mình và cũng có ý nén bớt thế-lực Nhà Chúa.
Lệ cũ, nội-điện nhà vua có viên phụ tá, Bồng cho một vị hoàng-thân về phe với Bồng xung vào chức đó. Hoàng-thượng không bằng lòng, bảo vị hoàng-thân ấy rằng:
— Ta vừa cho lên làm Chúa, sập ngồi hãy còn rung-rinh, thế mà đã vội sai người đến để dòm dỏ, làm như kiểu đời thái-bình...! Ông về bảo Chúa Án-đô: Chúa đã cho ông làm người phụ-tá của ta, ta cũng cho ông làm người phụ-tá của Chúa.
Vị hoàng-thân ấy lui ra, hoàng-thượng lại dặn mấy người bên cạnh:
— Các ngươi nhớ lấy! Hễ mà người này còn lại đây nữa, thì cứ chặt chân hắn đi!
Từ đó hai bên vua chúa càng ngày càng thêm thù nhau.
Lúc Bồng mới vào kinh-thành, Thì-trung, Trọng-Tế đều trốn về huyện Gia-lâm. Bồng vốn có ý trọng về tư cách của Tế, bèn cho sứ-giả đi mời. Khi Tế đến nơi Bồng nói:
— Trong hồi quân Mọi vào cướp kinh-kỳ, các quan văn võ, kẻ thì chạy trốn, người thì đầu-hàng, ngươi là một viên nho-thần lại dám lập đồn bên cạnh kinh-sư chống nhau với giặc, cái tiếng nghĩa-khí của ngươi đã làm rung-động cả nước, quân giặc mà phải trốn đi, cũng là sợ về oai phép của ngươi. Điều đó thật là quận Thạc quận Liễn không thể sánh kịp. Vả lại, ngươi thoạt vào thành, tức thì lấy việc lập Chúa làm nghĩa thứ nhất. Tuy việc quận Thụy không thành, nhưng mà thanh-thế Nhà Chúa lại gây lên được cũng là tự đó. Nay ta mới được lên ngôi, vua Chúa chưa hòa nhau, thiên-hạ hãy còn phân-vân, ngươi cố ở lại giúp ta.
Rồi Bồng cho Tế coi việc tài-phú và nhắc Nguyễn Nễ, môn-nhân của Tế làm chức Tiến-triều.
Tế vốn có lòng oán giận nhà vua bèn nói với Bồng:
— Cái thuyết nhất-thống do ở giặc Chỉnh xướng ra, thật không nghĩa-lý gì hết. Xưa nay nhà vua vẫn giao quyền-hành cho Nhà Chúa, Nhà Chúa thì phò giường-mối cho nhà vua, có hề « nhị thống » bao giờ? Bây giờ nhà vua đã không chịu chung vận nạn với Nhà Chúa, lại lấy sự Nhà Chúa mất ngôi làm lợi cho mình, bọn Tứ-xuyên-hầu cúi mình theo giặc, lại phụ với vua mà không biết Chúa là ai. Đó là hạng người mà lẽ trời việc người không thể tha-thứ. Dạo trước vì Chúa đến chậm, thần bất-đắc-dĩ phải phò Thụy-quận-công. Nếu Chúa đến sớm, thì thần há để cho bọn hàng giặc đến nay vẫn còn trốn khỏi hình-pháp? Tông-thất nhà vua còn nhiều, tìm một vị khác làm người khoanh tay rủ áo, tưởng cũng không thiếu. Nếu Chúa đến sớm, ông vua tóc đỏ chắc phải theo quân tóc đỏ mà đi đã lâu!
Đoạn Tế xui Bồng cho quân vây điện vua ở, bắt hết gia thần của vua giết đi, rồi bỏ vua này mà lập người khác.
Bàn định xong rồi, Tế sai Nguyễn-Nễ đem quân chẹn ở phía trước điện, và cho Nhuận-trạch-hầu đi lẻn vào cửa Đông-hoa đánh úp phía sau.
Hoàng-thượng nghe thấy tin có biến liền sai hoàng-thất đem hết quân lính đã mộ kéo ra chống giữ. Nguyễn Nễ cưỡi voi vào đến ngoài cửa Đại-hưng, bộ-dạng coi rất hùng-dũng. Trong điện ai nấy run-sợ, sắp sửa tan vỡ, thình lình thấy Hoàng Phùng-Cơ ngồi trên đầu voi, lù lù từ phía sau điện kéo vào trong cửa Đông-hoa, ngăn Nê không được vào nữa và quát:
— Mày muốn sống thì đem quân về, nếu không, tao sẽ chặt đầu mày trước để làm hiệu-lệnh, rồi mới bắt cả đảng nghịch chém cho kỳ hết mới thôi.
Đó là bởi Cơ đã quên tên Tế, vả lại bụng Cơ cũng không ưa việc đại nghịch như thế, hơn nữa, lúc ấy, Cơ đương làm chức Đề-lĩnh chính-hiệu, phải giữ hoàng-thành, sợ rằng trong điện có biến, mình cũng mang tiếng có tội, cho nên phải cố cản trở. Nễ sợ oai Cơ phải lùi, Nhuận-trạch-hầu không dám vào, trong điện được vô-sự, Hoàng-thượng giận lắm, liền bảo với bọn tả hữu:
— Đảng ác đã đông, mầm họa khó mà nhổ nổi. Trừ phi Hữu quân lại ra, thì việc không xong.
Bởi vậy, hoàng-thượng lại định cho mời Nguyễn Hữu-Chỉnh đem quân ra giúp nhà vua.
Sau khi quân Nam lén về, Chỉnh cướp được chiếc thuyền buồm lật-đật đuổi theo, ra bể lại bị lật gió mấy ngày, chừng hơn một tuần mới vào đến cửa Hội-thống. Anh em Tây-sơn đi nẻo đường bộ cũng vừa về đến dinh Vĩnh. Nghe tin Chỉnh được thoát nạn và trốn vào đó, Quang-Bình giật mình mà rằng:
— Thằng chết lại khéo tìm được đường sống. Thật giống con quỉ dạ-soa, (?) rêu-rễu ám-ảnh, cắt không thể đứt.
Nhưng lúc Chỉnh vào ra mắt, Bình vẫn vỗ-về yên-ủi cực-kỳ ôn-tồn. Chỉnh xin theo Bình cùng về, Bình nói:
— Nay quận Thạc, quận Liễn vẫn chưa trừ xong, nước An-nam phi ông không ai trị nổi. Ông hãy ở đây mới được.
Rồi Bình liền chia các thứ súng đồng, súng sắt cùng những khí-giới đồ-đạc bắt được ở Bắc-hà, sai người đưa đến Động-hải cho Chỉnh.
Chỉnh chối không nhận.
Bình lại đem tặng Chỉnh hai chục lạng vàng và để một trăm tên lính hộ-vệ cho Chỉnh. Chỉnh nghĩ để lính cũng chẳng dùng được, bèn nhận số vàng, giả lại số lính và nói:
— Để tôi xin mộ thổ-dân mà dùng. Nếu như sức tôi không thể mộ được, sẽ xin đưa thư cáo cấp, rồi bấy giờ ông nên sai tướng sai quân giúp tôi.
Bình ưng lời, rồi về Phú-xuân, để Chiêu-viễn-hầu ở lại, đóng tại Kỳ-hoa tiếp-ứng với Chỉnh. Nhưng Bình đi khỏi, Chiêu-viễn cũng không liên-lạc với Chỉnh.
Chỉnh ở dưới thuyền, thủ-hạ chỉ cỏ hơn ba chục người, không dám bỏ thuyền lên cạn.
Người xứ Nghệ-an biết Chỉnh cố-cùng, họ đã bàn nhau định ngày khởi quân bắt Chỉnh.
Chỉnh vội gọi người anh rể là Nguyễn Kim-Khuê xuống thuyền và hỏi:
— Ngày nay trong nước rối loạn, tôi muốn chiếm lấy trấn này để tính việc lấy thiên-hạ, ý anh ra sao và nghĩ nên làm thế nào?
Kim-Khuê quán làng Khanh-điền (?) huyện Chân-phúc, đã từng làm chức tri-huyện, là bậc túc-học và có mưu-trí, thấy Chỉnh hỏi vậy, liền đáp:
— Ông, ai cũng phải sợ. Sức ông lấy Nghệ-an chẳng qua như trở bàn tay. Người trong trấn này tuy biết thế ông cô-cùng, nhưng chưa biết rõ hư thực thế nào. Tờ hịch của họ truyền đi, chỉ là lời dưa dẩy, chẳng ai dám thò đầu ra trước. Ông mà làm trước chặn họ, họ sẽ giở tay không kịp. Nếu ông có được một nghìn thủ-hạ, thì ông có thể hoành-hành thiên-hạ.
Chỉnh khen:
— Anh nói rất hợp ý tôi.
Rồi Chỉnh đưa hịch mộ quân. Hịch phát bắt đầu tự làng Chỉnh ở. Ra lệnh để chậm một khắc thì chém.
Ở làng bên cạnh có hai người lính già, nguyên là lính ở đội Nhưng-kiệu mãn về, thường vẫn có quyền sai bảo cả làng, khi thấy lá hịch của Chỉnh đưa đến, hai người ra ngăn dân làng đừng nhận.
Chỉnh nghe tin ấy, luôn đêm đốc các thủ-hạ sang cướp làng đó, đâm chết hai người lính già, rồi chém lấy đầu làm hiệu.
Bởi vậy cả huyện Chân-phúc đều phải nghe theo. Trong mươi ngày, Chỉnh mộ được hơn nghìn quân.
Hào-mục ở huyện bên cạnh thấy Chỉnh khởi binh, vội-vàng tính việc đánh Chỉnh. Họ bàu viên trấn-thủ cũ là Dương-trung đứng đầu, rồi thì ai nấy kéo quân đi theo. Trước tình-thế ấy, Chỉnh đã bốn mặt bị đánh, tình-hình rất là nguy-ngập.
Bấy giờ ở ngoài kinh-sư, Khuê-phong hầu đương cầm quyền-chính. Vì vốn là người Nghệ-an, thấy nhiều người làng nói cách bắt Chỉnh dễ-dàng, Khuê-phong-hầu bèn gọi tàn-binh xứ Nghệ cùng các hào-mục, thổ-dân sở-tại để đánh Chỉnh rồi vào xin với Trịnh-Bồng.
Bồng bằng lòng, liền cho Phan Huy-Ích làm chức Đốc-thị, Mãn-trung-hầu làm chức Tham-lĩnh.
Ích lĩnh mệnh đi, lúc lên đường, Ích nói với các bè bạn:
— Các ông hãy đứng đó để xem tôi vào xứ Nghệ lấy đầu Nguyễn Hữu-Chỉnh đem về cướp ấn quận-công.
Ích lại sai bọn bộ-hạ chế chiếc trống quân và dặn:
— Phải làm thật lớn, có thể đựng được một người. Để ta thúc đạo tiền quân trẩy đi cho chóng. Khi nào bắt được Nguyễn Hữu-Chỉnh thì ta chọc thủng mặt trống nhét y vào đó mà khiêng về cửa khuyết.
Ngày Ích trẩy quân, oai phong khá hùng-dũng, ai cũng cho rằng có thể chờ-đợi được cuộc thành-công.
Trước đó, khi Bồng được lập làm Yến-đô vương, Chỉnh ở Nghệ-an có dùng tiếng lái mà nói đùa rằng:
— Yến-đô tức là « đố yên ».
Đó là Chỉnh bảo không thể yên được. Lúc ấy nghe các tàn-binh họp thành cơ-ngũ như xưa, lại nghe Bồng đã sai người kéo vào đánh mình, Chỉnh bèn viết thư chạy vào Phú-xuân, kể việc quận Thạc, quận Liễn lại lập họ Trịnh, định chiếm đất nước để báo thù xưa. Xin cho thêm quân cứu-viện để chống với họ.
Bình được thư ấy tức-thì phái viên Hữu-quân kéo quân thẳng ra.
Chỉnh lại viết thư cho Đinh Tích-Nhưỡng. trước hết nhắc lại tất cả tình xưa nghĩa cũ. Rồi nói nay Chỉnh đã đoạn-tuyệt với Tây-sơn xứ Nghệ-an tiếp-giáp xứ Thuận-hóa, chưa biết quân Nam ra đánh lúc nào. Xin để cho Chỉnh ở đó để đương một mặt và nhòm phía sau của Bình. Nếu Nhưỡng bảo-toàn cho Chỉnh, thì trong ít lâu, Chỉnh cũng về triều. Nhưỡng tiếp được thư liền gọi rể Chỉnh là Siêu-vũ-hầu vào dinh và bảo:
— Ông anh với chú cùng ở trong cửa cụ Huy. Cụ lớn đều coi như con. Chẳng may cụ lớn bị nạn, ông anh đã trả thù được cho ngài, riêng chú không được việc gì, chú thật thẹn với ông anh nhiều lắm. Tuy vậy, ông anh về nghĩa đành đủ lắm rồi, về trung thì hãy còn thiếu. Nay chú phò Nhà Chúa, dựng lại cơ-đồ, ông anh muốn ở giữ trấn Nghệ-an, lẽ đân chú dám không theo? Nhưng ông anh đừng có nói dối, cần phải mau mau về thật mới được. Song chú cũng nói thế thôi, có chú ở đây, ông anh muốn về, chú cũng không nghe. Cháu về phải trình ông anh ý chú như thế.
Từ đó Nhưỡng không để ý đến việc Chỉnh nữa.
Bấy giờ Bồng đương ngày ngày mưu sự chuyên quyền, không nghĩ đến việc gì khác. Có người thấy vậy, bảo với Nhưỡng rằng:
— Hiện nay giặc lớn mới đi, ngoài biên chưa yên, giặc Chỉnh còn ở Nghệ-an, thanh-thế càng ngày càng lớn. Nhân trong lúc này lòng người đương hăng, nên xin với Chúa tự đi thân-chinh, diệt được Hữu quân[2], đuổi được Chiêu-viễn, lấy lại cõi cũ của đất Nghệ-an, thì không kém gì công tiên-vương dựng nghiệp trung-hưng ngày xưa. Khi đã lập công mà về, quyền cả tự-nhiên về tay. Cần gì cứ phải khư-khư tranh nhau những chuyện cũ rích, mà bỏ quân giặc không lo? Vạn-nhất Chỉnh lại ra nữa, thì sẽ lấy gì mà chống?
Nhưỡng nín lặng không nói sao.
Giữa khi ấy thì Chỉnh đã sai anh ruột là Dam-sinh Nguyễn-Ban lẻn ra yết kiến hoàng-thượng, mà xin làm chức trấn-thủ Nghệ-an.
Hoàng-thượng nhân thể liền hỏi ngầm Ban về tình-hình quân-gia của Chỉnh.
Ban bèn nói thật to-lớn để giương thanh-thế cho Chỉnh. Hoàng-thượng mừng lắm, ngài nói:
— Việc đó Hữu-quân đã từng « diện thỉnh » với trẫm. Bấy giờ trẫm đã « diện hứa ». Nay lại xin nữa, vậy nên truyền cho làm sắc... Ngươi hãy ở đó mà đợi.
Tả hữu khuyên vua:
— Hữu-quân ở xa, mà Chúa thì gần, chưa biết sau này hai bên thua được ra sao. Nếu như lệnh này ban ra, mà Hữu-quân bị thua, thì rồi Chúa sẽ có cớ mà nói.
Hoàng-thượng nghe theo, bèn thôi không dám hạ sắc phong Chỉnh.
Ban về, nói mạo là có chiếu vua cho Chỉnh làm chức trấn-thủ Nghệ an, được mở dinh quân Trung-hùng, thăng lên tước Bằng-lĩnh-hầu và phải đem quân về giúp nhà vua.
Chỉnh cũng giả cách làm lễ bái mệnh, rồi lại truyền hịch hiệu triệu hào-mục, thu-thập quân-lính tản-mác trong vùng.
Thấy tờ hịch ấy, những tay hào-mục bàn với nhau rằng:
— Hắn tuy đáng ghét, những đã có chịu mệnh vua. Nếu chống lại hắn, tức là chống lại mệnh-lệnh triều đình, hắn sẽ vin vào cớ đó mà nói, thì mình khó tránh khỏi tội.
Họ bèn bỏ Đương-trung-hầu mà theo Chỉnh Trong khoảng mươi ngày, Chỉnh mộ được hàng vạn quân, bèn cho Kim-Khuê làm chức Thị-sư và đặt ra những quân-hiệu Tứ-đội, Tứ-thành... rồi nói phao rằng mình vâng sắc ra giúp nhà vua, nay mai sẽ trẩy quân. Quân Chỉnh tuy là mới mộ, nhưng mà đội ngũ tề-chỉnh, hiệu-lệnh nghiêm ngặt có thể gọi là toán quân mạnh.
Bấy giờ hoàng-thượng đương tức vì bị bọn Nhưỡng ăn hiếp, ngày ngày mong Chỉnh kéo ra, ngài bèn viết tờ mật chiếu sai người đưa vào giục Chỉnh.
Chỉnh liền hội họp đông đủ quân sĩ rồi tuyên-cáo rằng:
— Bọn Đinh Tích-Nhưỡng và Dương Trọng-Tế cầm quân ở kinh, ngầm mưu những việc đại-nghịch. Ta nay vâng được mật-chỉ đem quân về triều, để quét cho sạch lũ giặc bên cạnh nhà vua. Các người phải nên giốc lòng hết sức giúp đỡ nhà vua trong lúc có nạn.
Rồi Chỉnh kéo quân lên đường. Khi sang khúc sông Hoàng-mai ở huyện Quỳnh-lưu thì gặp Tham-lĩnh Mãn-trung-hầu và Đốc-thị Phan Huy-Ích, hai người vâng mệnh Trịnh-Bồng vào mộ thổ binh xứ Thanh đánh Chỉnh. Chỉnh sai 2 đội thiết-kỵ, thiết-đội nghênh-chiến ở vùng Ngọc-sơn, Mãn-trung đại-bại, chết tại trận, Huy-Ích thì bị bắt sống.
Sau khi mắng Ích những tội vào bè với Nhưỡng, làm phản nhà vua, Chỉnh hỏi:
— Nghe nói ngươi làm cái trống lớn lắm, dùi thủng, có thể nhốt được một người phải không?
Ích rất sợ hãi và xin tạ tội.
Nguyễn Khuê vì có quen Ích, hết sức cứu gỡ cho Ích, Chỉnh cười và nói:
— Thày đồ nói khoác, giết cũng vô-ích.
Rồi Chỉnh tha Ích và bắt phải đi theo mình.
Nhờ trận thắng ấy, thanh-thế của Chỉnh càng lớn.
Tin đó phi báo về kinh. Trịnh-Bồng liền cho đòi Nhưỡng vào phủ bàn cách chống cự.
Lúc ấy hoàng-thượng đã hạ mật-chỉ dụ các hào-kiệt Hải-dương đánh làng Hàm-đàn[3], Nhưỡng bất-đắc-dĩ phải xin ra làm trấn-thủ hai trấn Yên quảng, Hải-dương, rồi tự đem hết quân lính về Đông.
Nhân-dân mấy hạt Thượng-hồng, Hạ-hồng, Kinh-môn, Nam-sách vốn ghét Nhưỡng là kẻ tàn-bạo, khi được mật-chỉ nhà vua đưa ra, họ rất mừng-rỡ, tức-thì nơi nào nơi ấy họp lại thành đoàn, đưa hịch kể các tội ác của Nhưỡng, rồi thì bốn mặt ào-ào kéo đến vây kín thành trấn.
Nhưỡng liệu sức mình không thể giẹp nổi, bèn lừa ban đêm, đánh vỡ vòng vây, lui về giữ sông Hàm-giang.
Lúc ấy ở kinh có tin đồn rằng: Nhưỡng đã bị dân xứ Đông giết chết, bất-nhật quân Chỉnh cũng đến, kinh-thành ắt phải làm bãi chiến-trường. Một ngày ồn-ào, nhốn-nháo đến ba bốn lần. Nhân-dân trong thành nơm-nớp lo sợ, đua nhau khuân vác đồ-đạc, dắt-díu già trẻ về quê, quân lính ngăn cấm không được.
Trước tình-hình ấy, quận Thạc biết là sự-thế không thể cứu-vãn, liền bàn riêng với bộ-hạ rằng:
— Vua, chúa ghét nhau, việc nước không có chủ. Quận Liễn đã đi, giặc Chỉnh lại sắp sửa đến, ta đóng mãi quân ở đây, không phải là một kế hay. Bất-nhược rút về Sơn-tây, chiếm đất thượng-du, giữ vững cái thế căn-bản, nuôi oai dành sức, từ từ coi việc thiên-hạ ngả về mặt nào, chờ được cơ-hội rồi sẽ nổi dậy, sau này chắc có kỳ-công. Các ngươi đều là bộ thuộc của ta, túi gươm, yên ngựa, giong ruổi đã quen, bây giờ cũng nên gắng sức. Trong lúc trẩy quân, chỉ cốt đánh giẹp trộm cướp, giữ cho dân được yên-ổn, đừng có bắt chước quận Liễn, đến đâu tàn-bạo ở đó, khiến cho ngày nay nhân-dân xứ Đông đều phản lại mình.
Chúng xin vâng lời, quận Thạc bèn thu quân về tây.
Quận Liễn đi, quận Thạc lại đi, kinh-sư thành ra một nơi trống-rỗng. Hoàng-thượng truyền các hoàng-thân đốc những lính mộ đêm ngày tuần phòng canh giữ trong điện. Ở bên phủ Chúa thì chỉ có quan quyền Phủ-sự Bùi Thì-Nhuận[4]; quan Hành-tham-tụng Mai Thế-Uông và quan Bồi-tham-tụng Dương Trọng-Tế ngồi trong phủ-đường thảo giấy bắt lương, bắt lính. Nhưng các phủ huyện không một người nào chịu đến. Người của Vương-phủ sai đi, đi đến thôn quê, liền bị dân quê đánh bắt bóc lột, ai nấy chỉ còn cái mình trần chạy về.
Trịnh Bồng thấy vậy rất lo, bảo với Trọng Tế:
— Việc lớn hỏng mất. Nếu không phải hạng người có tài như vua Thiếu-Khang hay ông Thần-Mỹ nhà Hạ thì không thể nào cứu vớt lại được. Ta không tự lượng sức mình, chót đã làm Chúa, ngươi quá trung thành chót đã giúp ta, nay quân giặc Chỉnh kéo ra, thanh-thế mạnh lắm... Tục-ngữ có nói: « cưỡi hổ không thể xuống được », muốn cho được việc, phi ngươi không xong.
Bồng bèn phong Tế làm chức Thanh-hoa trấn-thủ, đem quân chống nhau với Chỉnh.
Tế bất-đắc-dĩ phải xin vâng mệnh, nhưng mỗi khi nghe nói tên Chỉnh, Tế đã mất cả hồn vía. Sau khi lĩnh chức, Tế còn trùng-trình hai ngày chưa chịu trẩy quân. Bồng phải sai người đến giục, Tế mới chịu đi. Vừa đi tới làng Bình-vọng, thì có tin báo Chỉnh đã sang sông Thanh-quyết. Tế giật mình nói:
— Trừ phi đức Đổng-thiên-vương ra đời, ai còn có thể đối-địch với hắn? Quận Liễn, quận Thạc thật là trí-cơ. Tiếc rằng mình là một người đọc sách biết chữ, lại không bằng bọn võ-biền! Bây giờ nghĩ lại đã muộn mất rồi!
Tức thì Tế sai thu quân sang bến Thanh-trì. Không kịp vào ra mắt Bồng, Tế chạy thẳng sang hạt Kinh-bắc, rồi sai người dâng thơ cho Bồng, xin được lĩnh chức trấn thủ Kinh-bắc, chiêu mộ hào-mục vùng đó để mưu chuyện khác
Bồng thấy tờ khải của Tế, luống-cuống sợ-hãi, như mất cả hai cánh tay, lập-tức cho người đi gọi Thì-Nhuận. Nhưng mà Thì-Nhuận đã đem gia-quyến trốn đi từ ban đêm rồi. Bồng lại cho đòi Sỹ-Uông. Uông cũng tạ tội xin về nhà riêng. Bồng khóc và nói:
— Ta chẳng may đẻ vào nhà Chúa, lại bị một lũ tiểu-nhân xui khôn xui dại, làm cho lỡ chuyện. Nếu biết thế này, thà cứ ở huyện Chương-đức làm ông sư già chống gậy dạo trong cửa chiền, còn hơn.
Rồi Bồng hỏi bọn tả hữu:
— Bây giờ đi đâu?
Có người họ ngoại ở huyện Quế-dương liền thưa:
— Xin Chúa hãy cứ trấn-tĩnh, vào nhà Thái miếu làm lễ cáo biến, thu xếp thần-chủ của tiên vương, để tôi ra sông tìm thuyền, chờ đến đêm khuya, tôi xin phò Chúa qua sông sang Bắc đi về làng tôi. Nhà tôi đã trải mấy đời cầm quân, hào-mục ở vùng Từ sơn phần nhiều đều ở trong cửa, nếu tôi lấy lời trung-nghĩa bảo họ một tiếng, chắc là họ đều theo cả. Có Đinh Tích-Nhưỡng ở Cẩm-giàng làm cánh tay trái, Dương Trọng-Tế ở Gia-lâm làm cánh tay phải, Hoàng Phùng-Cơ ở Sơn-tây làm ngoại-viện, Chúa đóng tại huyện Quế dương hò gọi các quân cần-vương, giữ từ Nhị-hà trở lại. Chỉnh tuy hung-tợn há dám sang sông đánh nhau với mình? Xin Chúa đừng lo.
Bồng mừng mà rằng:
— Hoặc-giả trời chưa muốn làm mất nhà Trịnh, nên mới đem ngươi mà ban cho ta. Nếu được như lời ngươi nói thật là công lớn đối với xã tắc.
Canh hai đêm ấy, Bồng bèn lẻn sang mặt Bắc, lính hầu, quan hầu chỉ có chừng vài chục người, tản-binh Thanh, Nghệ không một tên nào đi theo.
Sáng ra, Hoàng-thượng nghe tin Bồng đã trốn đi ban đêm, tức-thì sai người phóng hỏa đốt hết phủ Chúa. Khói lửa bốc lên ngất trời, hơn mười ngày chưa tắt. Thế là một đám lâu đài cung-khuyết hai trăm năm trời, phút chốc thành ra bãi đất cháy xém. Hôm ấy là ngày mồng 8 tháng 10 năm Bính-ngọ.
Xa gần nghe thấy tin đó, ai cũng thương Chúa trách Vua.
Lúc ấy quân Chỉnh đã đi khỏi sông Thanh-quyết, Chỉnh có sai người bộ-hạ tên là Lê-Giốc đem biểu ra dâng Hoàng-thượng.
Trong biểu đại-ý nói rằng: « Thần vâng chỉ kéo quân vào giúp nhà Vua. Hiện đã trẩy quân từ tháng trước. Khi tới Ngọc-sơn, Lê Trung-Nghĩa và Phan-Huy Ích dám ra chống-cự, thần tự đốc toán thiết-kỵ đuổi đánh, chém được Trung-Nghĩa, bắt được Huy-Ích. Nhờ về oai trời, lòng hăng-hái của quân sĩ tăng lên gấp trăm. Từ Thanh-hóa trở ra Bắc, thần đi đến đâu, sĩ dân vui-mừng đón rước đến đó. Thần đều kính-cẩn tuyên-bố oai-đức nhà vua, khiến cho đâu đó đều yên nghiệp làm ăn. Thần nay mình mặc áo giáp, đầu đội mũ trụ, lòng những mơ màng tiếng quân-thiều, mong nhớ cửa khuyết khôn xiết ».
Hoàng-thượng coi xong mừng lắm, liền hỏi thăm về tình-trạng của Chỉnh khi ở trấn Nghệ-an, Giốc đều thưa thật tất cả.
Hoàng-thượng khen Chỉnh khéo xử trong lúc quyền-biến. Rồi ngài phong Giốc làm chức Nội-hàn-lâm-viện cung-phụng sứ, coi viện Cơ-mật và cơ Tả-oai. Khi Chỉnh tới làng Thịnh-liệt, ngài sai triều-quan ra ngoài cửa ô đón tiếp. Lúc Chỉnh vào chầu, ngài cho ra mắt tại điện Trung-hòa và nói nhiều câu yên-ủi. Chỉnh thưa:
— Trong hồi kiêu binh làm loạn, đại-thần[5] bị nạn, tôi đương cầm quân ở ngoài, vì bị chúa Trịnh không ưa, nên phải bỏ nước đi trốn. Thần đã nghĩ kỹ, cuộc rối loạn đó do ở cương-thường sai lỗi, mũi giép đặt ngược mà ra. Khoảng năm Canh-thân, Tân-giậu, những hạng trung nghĩa trong nước, lắm người tức về chuyện đó, có người phò hoàng-thân khởi nghĩa, có người giữ quận ấp mộ quân. Công việc của họ tuy đều không thành, nhưng cái tiếng cũng đã lan rộng, coi đó đủ biết người ta ai cũng chung một bụng ấy, không phải thần vì mưu riêng của thân mình mà dám gây ra hiềm-khích. Vả chăng, thần dùng điều nghĩa lay động lòng người để chỉnh-đốn lại cơ-đồ nhà vua, cũng chỉ muốn định rõ phận vị vua tôi cho thuận với lẽ trời đất, chớ có chấp gì Chúa Trịnh? Nếu như lòng trời có ý hối chuyện tai vạ, người nước có thể đổi sự lầm lỗi, há chẳng phải là phúc của nước nhà? Tiên-đế thương tấm lòng đó của thần, ngài đã dụ thần nhiều lời ôn-tồn, thần thật cảm-kích vô-cùng. Thế mà người nước, kẻ không biết thần lại cho thần là có tội. Họ định séo lên vết xe đã đổ, cứ muốn cam tâm với thần để quấy rối chính-sự buổi đầu của bệ hạ. Cúi xin bệ hạ xét rõ, lo xa, soi hết những nỗi u-ẩn. Không phải thần muốn gây vạ cho người, để che cái lỗi của mình. Cô-nhân đã nói « biết tôi là vua » mong rằng trông lại!
Hoàng-thượng nói:
— Trẫm đã biết rồi! Ngày nay cái người giúp trẫm giẹp yên cuộc loạn, làm cho nước được thái-bình chỉ có nhà ngươi mà thôi.
Rồi ngài thăng Chỉnh làm chức Bình-chương quân-quốc trọng sự, tước Bằng-trung-công, và phong Nguyễn Du — con trai Nguyễn Khuê, một người thân-mật của Chỉnh — làm tước hầu, được cầm quân, cùng thuộc về phủ Tể-tưởng. Ngoài ra bao nhiêu bộ-khúc tướng-sĩ của Chỉnh đều được thăng chức tất cả.
Lúc Chỉnh chạy về Nghệ-an, trong triều có viên văn-thần là Nguyễn Đình-Giản hết sức hạch Chỉnh về tội dắt quân nước ngoài về phá nước nhà, và xin nhận việc đánh Chỉnh, để giết tên giặc của nước, thề không cùng sống với Chỉnh dưới một gầm trời. Bấy giờ công-nghị cũng khen là phải, nhưng không dám ưng lời xin của Giản.
Giản là người làng Vĩnh-trị huyện Hoằng-hóa, đỗ Tiến-sĩ khoa kỷ-dậu, tính rất chất-phác cương-trực, chỉ hay công-kích lỗi của người khác. Dẫu bậc quyền-quí thân-cận của nhà vua, hay hạng bè-bạn quen thuộc của mình, nếu có điều gì không phải, Giản cũng bắt bẻ giữa mặt, chứ không kiêng nể. Bởi vậy, ai cũng khen là người thẳng.
Đến khi Chỉnh ra ngoài này thì Giản vâng mệnh lên trấn Sơn-tây chiêu dụ quận Thạc chưa về. Các quan nhiều người đồ rằng: Giản sẽ không về, hay nếu có về cũng không chịu khuất với Chỉnh, chắc sẽ hợp nhau với Hoàng Phùng-Cơ để cùng đánh Chỉnh. Cũng có người nói: Nếu như Giản về, chắc Chỉnh không dung, quyết sẽ ngấm ngầm kiếm một việc khác hại Giản.
Nguyễn Khuê nghe những tin đó, liền vào hỏi Chỉnh:
— Nguyễn Đình-Giản là người thế nào?
Chỉnh đáp:
— Là kẻ cương-trực.
Khuê nói:
— Có thể dùng được hay không?
Chỉnh đáp:
— Chẳng những dùng được mà thôi, còn đáng trọng nữa!
Khuê tiếp:
— Ông không giận Giản, có phải là thật tình không?
Chỉnh đáp:
— Ông há không thấy quận Hoàn là bố vợ hắn, thế mà hắn còn ngồi tại giữa triều kể tội ông ta cúi mình theo giặc, huống chi người khác? Nếu mình có tội, hắn nói là phải. Bằng như mình không có lỗi, dù hắn có nói cũng không hại gì cho mình. Người như hắn thật không nên giận, dầu có giận nữa cũng không làm gì hắn tốt, chẳng qua chỉ để người ta nhòm thấy cái chỗ nông nổi của mình.
Khuê bèn khuyên Chỉnh vời Giản về dùng để thu lấy lòng mong mỏi của người trong nước. Chỉnh nghe lời, bèn sai người đưa thư cho Giản, trong thư, lời lẽ cực kỳ khiêm-tốn.
Lúc đó vừa gặp triều-đình có việc đặt các quan chức, sau khi đã phong Phan Lê-Phiên làm Bình-chương-sự, Trương Đăng Quĩ, Trần-Công-Sán làm Đồng Bình chương-sự, Nguyễn Huy-Trạc, Phạm Đình-Dự làm Tham-tri chính-sự, người ta bèn phong cho Giản làm chức phó Đô-ngự-sử.