Bước tới nội dung

Khái luận về văn học chữ Hán ở nước ta

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Khái luận về văn học chữ Hán ở nước ta  (1939) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tao đàn, Hà Nội, số 1 (1er Mars 1939), trang 13 - 18; số 2 (15 Mars 1939), trang 107 - 114.

Nhớ lúc bấy giờ đâu là năm 1928, tôi ở Sài Gòn có viết mấy bài bằng chữ Hán, ký tên Khải Minh Tử, gửi cho Hoa kiều Nhật báo ở Chợ Lớn, được họ lần lượt đăng tải và có để lời khen tặng ở một cái mào đầu. Trong mấy bài ấy có một bài đầu đề giống như đầu đề trên đây, đại ý tôi khoe với người Tàu rằng văn học chữ Hán ở nước Việt Nam thuở xưa phát đạt lắm. Tôi lược cử ra những thi văn đời Lý, đời Trần cho đến đời Nguyễn gần đây. Cuối cùng, tôi cho họ biết rằng các nhà văn chữ Hán xứ này có một cái đặc sắc là hay tự tạo ra văn thể mới. Tức như Thu dạ lữ hoài ngâm  秋 夜  旅  懷  吟 làm bằng thể lục bát gián thất; lại hai bài ca trù: một bài đề là Bùi viên đối ẩm  裴  園  對  飲 của Nguyễn Văn Thắng; một bài đề gì và của ai không biết, mở đầu là Phong thanh nguyệt bạch, Tô Đông Pha xích bích chi du…  風 清 月 白 , 蘇 東 坡 赤 壁 之 遊 …  Các văn thể ấy có phải là chính bên Tàu không hề có, mà nhờ tác giả Việt Nam chế tạo ra làm cho cái kho văn học chữ Hán thêm giàu?

Lại nhớ như bài ấy, tôi đã có lần dịch ra quốc ngữ đăng lên một tờ báo nào đó mà tôi quên.[1]

Lần này tôi viết bài này ở đây, tuy đầu đề giống nhau mà lập ý thì khác.

Từng có người nói: Lòng ái quốc không thể cứ một mực, có khi bởi nó mà mình nói tốt cho nước mình, cũng có khi bởi nó mà mình lại nói xấu cho nước mình. Hai lần tôi viết đây, chính tôi cũng không tự biết có phải bởi lòng ái quốc hay không; tôi chỉ thấy rằng lần trước viết bằng chữ Hán, đăng báo Tàu, đối với người Tàu, tôi có ý tuyên truyền cho tổ quốc Việt Nam; lần này viết bằng chữ ta, đăng báo ta, tôi muốn chỉ cho đồng bào thấy cái chân tướng của văn học cổ xứ mình.

Như vậy chẳng là mâu thuẫn nhau? Tôi tưởng chả có gì đến nỗi. Một cái mề đay, hôm qua cho người ngoại quốc xem, tôi chỉ đưa bề mặt, hôm nay cho người bản quốc xem, tôi đưa luôn cả bề trái nữa, thế thôi.

Trước hết tôi muốn bạn đọc biết rằng, viết bài này, tôi rứt không có ý chê hay trách các bậc văn sĩ tiền bối xứ ta. Nếu có những chỗ chỉ trích ít nhiều khuyết điểm của họ là chính để thấy rằng nền văn học của một nước nếu không lập lên trên tiếng nói của nước ấy thì đừng có mong nó được vững bền và rực rỡ. Người nước Nam, nói thì nói tiếng nước mình, viết thì viết chữ nước khác, tay còn không theo được miệng thay, bảo sao lời cho đạt được ý? Chính vì đó mà văn học chữ Hán của ta đã không thành ra một văn học chân chánh xứng với danh từ nó như của Trung Hoa. Ấy là một cái lầm chung của cả một thời đại từ xưa, chứ chẳng phải cái dở, cái bất tài riêng của từng người một mà đáng để cho chúng ta ngày nay chê hay trách vậy.

Cái văn học cổ ấy hiện nay đã tiêu diệt đi, nhường chỗ cho văn học quốc ngữ, đó thật là một điều may mắn cho dân tộc chúng ta. Tuy vậy, đã có quan hệ với nhau một ngàn năm, trong cơn vĩnh biệt, chẳng nhiều thì ít, nó há lại chẳng có cái gì làm cho ta quyến luyến? Tôi muốn nói đương lúc văn học chữ Hán của người Việt Nam tàn tạ, đáng lẽ, trong nó, nếu có tác phẩm gì hay, cần phải dịch ra quốc ngữ để làm hòn đá tảng, không thì cũng một viên gạch, một tấm ngói cho cái lâu đài văn học mới sau này.

Nhưng than ôi! Theo tôi thấy thì hình như không có, và nếu có cũng ít lắm! Cả thảy chỉ một món lịch sử, bòn đãi lắm may ra còn hữu dụng; kỳ dư, những thi, những văn, những tiểu thuyết, cái đáng gọi là văn học thực mặt, thì lại vắng vẻ làm sao! Thử hỏi từ thời Lý đến nay có một cuốn sách nào về hạng ấy có thể đại biểu cho một thời đại hay cho một cá nhân mà bây giờ chúng ta cần phải dịch ra mới được? Thật không có! Người Pháp sang đây, muốn biết văn chương tiếng An Nam thế nào thì họ đã dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du ra, vì nó xứng đáng đại biểu cho tiếng An Nam; còn chúng ta, chúng ta muốn biết văn chương chữ Hán của tổ tiên mình trong khoảng một ngàn năm vừa qua thì lại không tìm được một cuốn sách nào mà dịch hết! Đó chẳng phải một cái chứng cứ hiển nhiên, đủ thấy văn học chữ Hán của ta hồi trước còn ở dưới mực thủy bình?

Nhưng không có thể chê trách những người học và viết chữ Hán trong một ngàn năm ấy được. Là vì chữ Hán không đủ dịch hết tiếng nói An Nam, không đủ ghi hết sự vật trong xã hội An Nam; ý tưởng của người An Nam không ngẫm nghĩ và phô bày bằng nó, thì làm sao hai đằng thân thiết với nhau cho được? Học sách vở của thánh hiền ngoại quốc, rồi nghĩ và viết ra cũng theo tư tưởng của thánh hiền ngoại quốc; những kẻ ấy khi họ hạ bút, họ có thể quên cả sự vật chung quanh mình và quên luôn cả mình nữa; những tác phẩm của họ không đại biểu cho thời đại được mà cũng không đại biểu được cho cá nhân, là lẽ tất nhiên. Cái công dụng của văn học là ở sự biểu hiệu và phê bình; mà, cho được biểu hiệu và phê bình, người mình lại dùng một thứ chữ không quen, không sành, hóa ra mất cả hai cái công dụng ấy.

Chữ Hán ở bên Tàu lập nên nền văn học thế nào, còn ở bên ta thế nào, chỗ đó, phần nhiều người mình còn chưa thấy đến nơi.

Ở bên Tàu tuy cũng có văn chương khoa cử, tức những bài làm để đi thi, lại cũng có văn chương thù ứng, tức như ở ta câu đối bức trướng; nhưng thứ văn chương ấy, họ không kể cho vào văn học. Văn học của họ đại khái chia làm hai hạng: một về nghĩa lý, là những tác phẩm có quan hệ với kinh sử học thuyết; một về từ chương, là những tác phẩm thuần có tính chất mỹ văn. Ở đây, những người xưng là đại nho, như Chu Hy, Vương Thủ Nhân, phải có những trứ thuật về hạng trên; những người xưng là văn hào, như Hàn Dũ, Tô Thức, phải có những trứ thuật về hạng dưới.

Nước ta, về hạng trên, phải kể như là không có. Vì dù có mà nó thấp thỏi, vụn vặt, không ra gì, thì cũng không kể được với ai. Cuốn Nho giáo  儒 教 của Trần Trọng Kim mới xuất bản gần đây, cho đi rằng nó không hoàn toàn nữa, thử hỏi một ngàn năm nay đã có người An Nam nào làm được cuốn sách bằng Hán văn nào như nó? Minh đạo 明 道 mười bốn thiên của Hồ Quý Ly, dám nghi bốn điều trong Luận ngữ 論 語 và công kích Tống nho, có lẽ còn đỡ đỡ, nhưng tiếc thay lại không truyền! Ngoài ra, những sách như Quần thư khảo biện  群 書 考 辩  của Lê Quý Đôn cùng những bài biện thuyết ngăn ngắn về sách xưa như trong tập Vĩ giã  葦 野 thì chưa hề phát minh được nghĩa gì to tát, chỉ đáng coi là một mớ tháp ký của học sinh, chẳng có giá trị là bao. Hồi nhà Trần có Chu An, trước đây bờ một trăm rưỡi năm ở Gia Định có Võ Trường Toản, đều là bậc đại sư nho, nổi tiếng như cồn, mà rủi cho dân tộc này làm sao, các ngài lại chẳng để lại một chữ gọi là có!

Về hạng dưới, từ chương, để rồi dưới đây tôi sẽ nói đến. Ở đây tôi muốn cho bạn đọc biết ngay thử trong một ngàn năm ấy người mình học chữ Hán đã có sở đắc những gì.

Hầu hết người đi học ở nước ta chỉ biết có một lối văn khoa cử. Xưa nay những người nổi tiếng học giỏi và hay chữ đều chỉ bởi nhớ nhiều điển cố để làm bài và làm bài hay. Cho đến các cụ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng gần đây cũng đều thế cả.

Tôi còn nhớ trong sách dã sử có một nơi chép truyện ông Bảng nhãn gì đó ở làng Mộ Trạch, lúc chưa đỗ, đã lừng tiếng một thời. Một hôm có vị danh sĩ gặp ông, muốn thử tài, ra cho một bài phú, đề là Kỳ lân du uyển hựu  麒  麟  遊 苑 囿. Tức thì ông cất bút thảo ngay bốn câu mở: Qui phi xuất lạc, long bất trình hà, y bỉ hữu hùng chi quốc, đô vu trác lộc chi a  龜 非 出 洛 , 龍 不 呈 河 , 意 彼 有 熊 之 國 , 都 于 涿 鹿 之 阿[2]. Vị danh sĩ kia thấy viết đến đó đã kinh hoàng sửng sốt, bái phục là thiên tài rồi, không để làm hết bài nữa! Xem ý người chép sử như cho cái việc ông Bảng nhãn làm đó là một kỳ công trong học giới và bốn câu phú đó là một kiệt tác trên văn đàn, không thể không trịnh trọng chép vào sách của mình để truyền cho hậu thế!

Đến các ông trạng, như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Hiền, ông nào cũng sính câu đối, đã làm cho một nhà viết văn khảo cứu, ông Trần Thanh Mại, có lần phải gắt lên trong một bài ở báo Phụ nữ thời đàm. Rồi đến Nguyễn Thị Điểm, một nữ tài tử nổi danh thuở Hậu Lê, cũng tại câu đối mà thôi: Bạch xà đương đạo, Quí bạt kiếm nhi trảm chi; Hoàng long phụ chu, Vũ ngưỡng thiên nhi thán viết  白 蛇 當 道 , 季 坺 劍 而 斬 之 , 黃 龍 負 舟 , 禹 仰 天 而 嘆 曰 cùng với Đối kính họa my, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm; Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân   對  鏡  畫  眉  , 一 點   翻  成  兩  點 , 臨  池  玩  月  , 隻  輪  轉  作  雙  輪[3], thế là đã rất mực tài tình, làm cho tác giả Nam hải dị nhân liệt truyện tỏ ý phục lăn ra!

Giữa cuộc bang giao hai nước, muốn khoe tài văn học của nhau, người ta cũng đã sính chữ Hán một cách oái oăm đáo để. Đây là hai truyện có chép trong Tiền biên liệt truyện  前 編 列 傳

Dưới triều chúa Nguyễn Hy Tôn,[4] chúa Trịnh lấy danh nghĩa vua Lê, sai sứ mang tờ sắc vào phong cho chúa Nguyễn chức Thái phó quốc công. Bấy giờ Chúa Nguyễn có vị mưu thần Đào Duy Từ khuyên hãy tạm nhận rồi sau sẽ trả. Đến khi trả sắc, Duy Từ vẽ làm một cái mâm đồng hai đáy, bỏ tờ sắc vào trong, kèm một mảnh giấy có viết mười sáu chữ, luôn với lễ vật, sai sứ đem ra bắc dâng Chúa Trịnh. Sau, cái mâm đồng khui ra, thấy mười sáu chữ ấy là: Mâu nhi vô dịch, mịch phi kiến tích, ái lạc tâm trường, lực lai tương địch  矛 而 無 腋 , 覔 非 見 跡 , 愛 落 心 腸 , 力 來 相 敵  Chúa Trịnh cùng cả đình thần đều chẳng hiểu nghĩa chi. Chỉ một mình Thiếu úy Phùng Khắc Khoan biết được mà thôi, ông ấy giải ra thành bốn chữ Dư bất thụ sắc   予 不  受  敕, nghĩa là ta chẳng nhận lời sắc.[5]

Lần khác, dưới triều Chúa Nguyễn Thái tôn[6], người Trịnh muốn thử nhân vật Nam triều, bèn đưa vào tặng một cái trống lớn với một phiến gỗ vuông dài chừng một thước, trên mặt gỗ viết ba chữ Hồ bất thực, 狐 不 食 thếp vàng. Chúa Nguyễn hỏi khắp mặt triều thần, không ai biết gì cả. Sau hỏi đến Võ Đình Phương là tay bác học thời ấy, Đình Phương thưa rằng: “Ba chữ ấy chỉ là người Bắc nói lái để thử ta có biết không mà thôi. Hồ bất thực  狐 不 食 nghĩa là cáo chẳng ăn. Mà cáo chẳng ăn thì cáo gầy. Cáo gầy là cây gạo. Vậy phiến gỗ này nó là bằng cây gạo”. Nghĩa lý mắc mỏ chỉ có thế; còn cái trống thì khi đem đánh, nó cũng chẳng khác gì cái trống thường.

Từ đoạn dẫn dã sử đến đây, tôi muốn trưng ra mấy cái chứng cứ để thấy rằng cái sở đắc của mình học chữ Hán chỉ có thế. Chỉ có một cái tiểu xảo trong văn học, tiếng Pháp gọi là “Jeu de mots”[7] là người mình hơi có khiếu sở trường. Thì đó, bốn câu phú của ông Bảng nhãn, hai câu đối của Nguyễn Thị Điểm, mười sáu chữ nọ với ba chữ kia làm cho Phùng Khắc Khoan và Võ Đình Phương có dịp trổ tài, hết thảy đều là một cách “Jeu de mots” chứ có gì lạ!

Ở nước ta, kẻ học khi chưa đỗ thì chăm về văn khoa cử, khi đỗ rồi thì chăm về văn thù ứng. Hay chữ có tiếng nhất nước như ông Vũ Phạm Hàm cũng chỉ nhờ bài phú Điệu cao sơn đại xuyên trong khoa đậu hội, như ông Phan Bội Châu cũng chỉ nhờ bảy bài kinh nghĩa kiêm trị trong khoa đậu giải nguyên. Ông Vũ Phạm Khải được đức Dực Tôn ban khen là thế, tưởng có cái đặc sắc thế nào, ngờ đâu đọc văn tập của ông làm cho mình thất vọng: Nhan nhản, hết bài tự tặng người này, đến bài khải dâng người khác, té ra trời phó cho ông ấy cái văn tài lỗi lạc là chỉ đi thù phụng thiên hạ mà thôi!

Vậy nếu tôi nói một ngàn năm nay người An Nam làm văn chữ Hán chỉ chuyên có hai lối khoa cử và thù ứng, và trong văn học, họ chỉ sở trường một cách “Jeu de mots” mà thôi thì cũng chẳng quá nào!

Nói về thi, văn, tiểu thuyết, không kể phần dở, dù phần hay là phần rất ít đi nữa là của người mình cũng không sánh kịp của người Tàu. Bởi chúng ta cứ rập theo khuôn sáo họ, hứng lấy cặn bã họ, người An Nam mà văn chương chẳng có một chút gì là đặc tính của An Nam, thành thử chúng ta, dù đến trên loài mỹ văn ấy, cũng không lập nổi một nền văn học riêng cho mình.

Một vài ông vua nước Nam đã làm cho thần dân của các ngài tưởng lầm rằng văn học nước mình cũng ngang hàng với Trung Quốc. Sự thác giác ấy làm hại cho quốc dân từ lâu nay, cái hại chẳng phải nhỏ.

Vua Lê Thánh Tôn một đêm ngự bóng mát chốn nội đình, trông lên trời thấy vầng trăng đương sáng tỏ bỗng bị che khuất bởi đám mây bay ngang, đám mây bay khỏi rồi, vầng trăng lại sáng tỏ như trước, cảm xúc làm nên hai câu: 素 蟾 浩 浩 玉  盤 清 , 雲 弄 寒 光 暗 復 明 “Tố thiềm hạo hạo ngọc bàn thanh, vân lộng hàn quang ám phục minh”.[8] Thế mà ngài dám tự phụ rằng không ai làm được, cho đến Đỗ Phủ cũng không, chỉ một mình ngài làm được mà thôi. Ngài lại còn đem hai câu ấy so sánh với bốn câu giữa trong bài 錦  瑟  “Cẩm sắt”[9] của Lý Nghĩa Sơn mà nói rằng bốn câu ấy của Lý, về phần mầu lạ xinh xắn thì bằng hai câu của ngài, nhưng về phần sáng suốt trong trẻo thì hãy còn kém. Lần khác, Thánh Tôn phê bình hai câu của Thân Nhân Trung, quan đại học sĩ tại triều mình: 瓊  島  夢  殘  春  萬  頃 , 寒  江  詩  落  夜  三  更 “Quỳnh đảo mộng tàn xuân vạn khoảnh, hàn giang thi lạc dạ tam canh”,[10] cũng hợm hĩnh rằng dù cho Lý Bạch, Đỗ Phủ, Âu Dương Tu, Tô Thức cũng vị tất đã nghĩ được ra. (Mẩu truyện này có chép trong sách Việt sử thực lục cuốn 13, tôi nhớ mà thuật ra đây chứ không dịch đúng nguyên văn).

Gần nay người ta còn truyền tụng hai câu thơ phê bình thi văn bản triều: 文 如 超 适 無 前 漢 , 詩 到 從 緌 失 盛 唐  “Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán, thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường”[11] mà nói là của vua Thiệu Trị hay của vua Tự Đức. Của vua nào cũng thế, cái công hiệu thổi phỉnh lòng tự khoa của người nước cũng chẳng kém mẩu chuyện vừa kể của Lê Thánh Tôn.

Dưới triều vua này, vũ công với văn trị đều cực thịnh. Bao lần đánh Chiêm Thành, Bồn Man, Lão Khoa, đánh đâu thắng đó, làm cho vua Tàu cũng phải nể. Sử chép ngày 27 tháng 8 năm Hồng Đức 11, sau khi đại phá Lão Khoa, vua nhà Minh có đưa sang một tờ sắc, nói: “Vừa rồi tỉnh thần Vân Nam có tâu về, nói An Nam quốc vương đã vô cớ cử binh công phạt xứ Lão Khoa, hiện chưa lui binh, còn muốn sang xâm lược xứ Bát Bách Tức Phụ nữa. Vì vậy sắc sang hỏi vua: nếu có, phải lui binh ngay; còn không thì phúc tấu lại, để triều đình xét và bắt tội kẻ man báo”. Liền ngày ấy vua Thánh Tôn họp triều thần lại thảo lời phúc tấu, đại ý nói: “Có 13 tên dân bản quốc trốn sang bên Lão Khoa; nhân đó sai người đến tại biên giới đòi về, thì đã đem xe chở chúng về rồi; chứ còn những việc đánh Lão Khoa và Bát Bách Tức Phụ vốn không biết tới”. Bản phúc tấu ấy đưa sang, vua nhà Minh vẫn làm thinh, coi như là sự thực. Nhưng sự thực của sự thực là: trước đó một năm, tháng 8 năm Hồng Đức thứ 10, vua Thánh Tôn quả có sai các tướng đem mười tám vạn binh, chia làm năm đạo đi đánh Lão Khoa, vào tận đô thành nước ấy, đuổi vua, bắt nhân dân của họ, rồi còn đánh dốc đến ranh sông Trường Sa, nơi Lão Khoa giáp với Diến Điện, khi được văn thơ người Diến kháng nghị mới chịu rút quân về.

Ấy, vua Thánh Tôn ngài đã quen mui, tưởng việc văn cũng như việc võ: về việc đánh Lão Khoa, có nói làm không mà vua Minh cũng nghe được, thì về việc thi văn, dở nói làm hay, người Tàu còn có ai dám cãi lại ngài? Nhưng “văn chương là việc ngàn xưa”, dở hay còn có đó, không ai nói theo ý riêng mình được.

Thực ra thì câu thơ của vua không đến nỗi dở chứ nó khí tầm thường quá. Nội bảy chữ đầu đã trùng điệp với nhau rồi: “tố thiềm hạo hạo” có khác gì với “ngọc bàn thanh”, chỉ có một nghĩa là vầng trăng sáng. Thế mà câu dưới còn tiếp hai chữ “hàn quang” nữa, cũng lại sáng trăng! Về ý thì rất xoàng, có gì lắm mà bảo không thi nhân nào làm nổi? Đến đem mà sánh với bốn câu của Lý Nghĩa Sơn thì thật là quá phận. Bốn câu này hay mà có vẻ thần bí, đến nỗi từ đời Tống đến nay có bao nhiêu nhà chú thích đã giải nghĩa không giống nhau. Còn câu của vua rất dễ dàng, hễ ai biết chữ là hiểu được. Nó vốn không đồng một tánh chất, đem mà sánh nhau, khác nào đem cái đền Ngọc Sơn giữa hồ Hoàn Kiếm sánh với Kim tự tháp bên Ai Cập!

Sau nữa, câu của Thân Nhân Trung, nếu cho vế trên là được thì vế dưới thật không xứng. Nhất là hai chữ “thi lạc” e đến không có nghĩa. “Thi” làm sao lại “lạc” được? Chỉ hai chữ không có nghĩa đủ làm hỏng cả câu. Thế thì hẵng làm cho có nghĩa đã rồi hãy nói chuyện bầy vai với Lý, Đỗ, Âu, Tô!

Văn học chữ Hán đến triều Nguyễn, đáng gọi là thịnh hơn các triều trước; nhưng nếu bảo vượt quá cả Hán, Đường thì lố quá. Nguyễn Văn Siêu còn có Phương Đình văn tập truyền lại, thức giả còn có thể đem đọ với văn Tiền Hán thử ra sao. Tùng Thiện Vương có tập thi Thương Sơn, Tuy Lý Vương có tập thi Vĩ Giã, muốn biết giá trị nó đối với Thịnh Đường thế nào, đọc qua thì biết. Tôi thì tôi tin quyết rằng Hán Đường là kẻ sáng tạo, Siêu, Quát, Tùng, Tuy là kẻ học đòi; không bao giờ kẻ học đòi lại vượt qua kẻ sáng tạo cho được. Nói cho công bằng ra thì trong ngần ấy tác giả, duy có Cao Bá Quát, là cả thi lẫn văn đều đáng sắp ngang hàng với đệ nhất lưu tác giả ở Trung Quốc mà không hổ mà thôi. Rủi cho ông, vì mang tội “đại nghịch” nên tập không được in, tên họ bị vùi dập đi hơn nửa thế kỷ đến gần nay mới có người nhắc đến!

Những lời tự khoa thái quá ấy cần phải cải chánh. Sau khi cải chánh chúng ta mới có thể tìm thấy cái mực thực của văn chương chữ Hán nước mình.

Đại để trong các món, duy món thi, người mình còn có thể làm được. Vì thi có khi dùng một số chữ rất ít, chỉ mười mấy hay vài mươi chữ cũng thành một bài, không cần phải có cái lực lượng hùng vĩ mới làm nổi; lại trong thi, về mặt văn pháp cũng rộng rãi, không nhặt nhiệm lắm như tản văn. Hai điều kiện khoan dung đó thích hợp với cái tài vận dụng chữ Hán của người An Nam, cho nên về văn chương chữ Hán, người An Nam đã làm món thi nhiều hơn các món khác, và về món thi cũng có sở trường hơn các món khác.

Trừ ra thơ của một hạng thi nhân gọi là “thợ thơ” thì trong làng thơ chữ Hán của ta không phải không có thơ hay. Nhất là vào hồi Lý Trần, bấy giờ kẻ học chưa nhiễm phải cái độc khoa cử nên trong ngâm vịnh thường có nhiều tánh tình và phong thú. Bạn đọc hãy tìm chứng cứ trong pho Hoàng Việt thi tuyển. Tiếc thay hạng thơ ấy, chúng ta chỉ có thể thưởng thức ở các tác phẩm rải rác mà không thể chỉ hẳn ra được một tác giả nào.

Mãi đến gần đây mới được một Cao Bá Quát. Ông này, theo thời luận thì nổi tiếng về văn, nhưng văn của ông ít truyền lắm, ngày nay chỉ còn bộ Cao Chu Thần thi thảo chép tay, ấy là thơ của ông, chừng được ba bốn trăm bài. Ba bốn trăm bài ấy giá ở bên Tàu thì nó đã được in ra, làm cho tác giả nhảy lên đứng ngang hàng với Đỗ Thiếu Lăng, Tô Đông Pha chẳng hạn, nhưng ở nước ta phải đành mai một!

Đọc Cao Chu Thần thi thảo, thấy cái thân thế, cái phẩm cách, cái tư tưởng của tác giả nó mà khiến mình trạnh lòng tương cảm ở sau sáu, bảy mươi năm. Con người ấy mà ở vào thời đại ấy trong đất nước này, nếu chẳng phải thi đỗ làm quan cho tột bực đi thì còn làm gì nữa mà không làm giặc!

Ngoài ra, cũng có những thi tập của những người khác đã được ấn hành, nhưng lại không vì cớ ấn hành mà không mai một! Hạng thơ ấy nói vượt qua Thịnh Đường thì khí quá, dù cho giống hệt với Thịnh Đường đi nữa mà không có ngụ một chút tánh tình quan hệ mảy may với thời đại thì cũng bị đào thải bởi luật tự nhiên. Trái lại, một vài câu xuất sắc, khiến người ta cảm được, như “Học đắc trường sinh bí, bất cầu thiên hạ văn” (thơ hái thuốc)[12], “Sơn nhân tự lai vãng sơn thâm nhân bất tri” (thơ đi đường núi) của Nguyễn Hương[13]; “Cô phẫn khí thành thiên khả vấn, độc tinh nhân khứ quốc cơ không” (thơ vịnh Khuất Nguyên) của Phạm Lam Anh thì lại nhờ được người ta truyền tụng mà còn ghi trong sử sách.[14]

Văn, tản văn hay biền văn cũng vậy, như trên đã nói, khó hơn thi, cho nên người mình ít làm và làm cũng ít hay.

Phú của Mạc Đĩnh Chi thì sao cho bằng phú của Giả Nghị, của Tô Thức? Ký của Trương Hán Siêu thì sao cho bằng ký của Hàn Dũ, của Âu Dương Tu? Chính người An Nam lại ưa phóng tụng văn Tàu mà nhãng quên văn nước mình, chẳng phải là không có cớ. Hịch của Trần Quốc Tuấn, đại cáo của Nguyễn Trãi mà được chúng ta coi làm báu, chẳng qua nhờ trong đó nhuộm đậm màu quốc gia đấy thôi, chứ cứ kể văn chương còn chưa thấm vào đâu.

Tiểu thuyết, không có trường thiên, chỉ có đoản thiên mà cũng không được đúng với tên ấy lắm, tức như Truyền kỳ mạn lục và Vân nang tiểu sử[15] v.v… Những tác phẩm ấy, thứ thì tuyệt bản rồi, thứ thi còn chép tay, nhưng, giả sử từ trước người ta đã in ra cho thật nhiều là cũng không bán tranh nổi với Liêu trai chí dị hay Tử bất ngữ của Tàu.

Kể ra thì hết thảy văn chương các món, đằng lượng cũng như đằng phẩm, ta đều còn kém Tàu xa. Cái kém ấy đáng lắm, không ai trách được. Chỉ trách sao còn có người không chịu là kém mà lại kiếm lời tưng bốc nhau, nói trái với sự thực, đã gieo một sự mậu ngộ lớn vào trong óc mọi người luôn với sự kiêu căng nữa.

Bài này vì đầu đề là khái luận, cho nên về các tác phẩm và tác giả không thể nói tường tận hơn, tôi cũng lấy làm đáng tiếc, nhưng tôi phải ngừng bút ở đây để bắt đầu kết luận đi.

Lúc hai mươi tuổi, tôi được đọc cuốn Việt Nam vong quốc sử ở Nhật Bản gởi về; ngoài cái cảm tưởng mới lạ nẩy ra cho tôi lúc bấy giờ, tôi còn nhờ đó bắt đầu có một điều xét nhận về sự người An Nam viết chữ Hán.

Cuốn sách ấy, ông Lương Khải Siêu đứng tác giả, nhưng cả phần chính văn do cụ Phạn Bội Châu soạn, ông Lương chỉ viết mấy tờ đầu như cái tiểu dẫn. Trong phần như tiểu dẫn ấy, ông Lương có nói một cậu tợ hồ phân bua với độc giả người Tàu mà rằng, trong sách nếu có chỗ văn không được nhã thuần, ấy là vì muốn để y cho còn cái chơn tích của tác giả, cụ Phan, nên không hề sửa chữa một chữ nào.

Đọc câu phân bua đó tôi phải ngẩn người ra, tôi phải đánh dấu trong đầu một sự chú ý rất lớn: à, té ra học giỏi như Phan Bội Châu của An Nam, văn hay như Phan Bội Châu của An Nam mà viết ra người Tàu còn bảo là có chỗ không được nhã thuần!

Nhã 雅 là nhã nhặn, đối với tục; thuần 馴 là như con thú rừng đem về tập luyện đã lành đi (dompté). Viết văn mà không được nhã thuần, nghĩa là còn pha giọng tục, còn như con voi lung lăng chưa chịu vố, bành; con ngựa hay cất hay đá, chưa chịu cương, khớp.

Người ngoại quốc viết tiếng Pháp, có nhiều câu không sai mẹo, không tối ý, người Pháp xem vẫn hiểu nhưng không cho là được, gọi là pasfrançais. Thì khi người ngoại quốc viết văn Tàu mà bị phê là không được nhã thuần, cũng có nghĩa như thế, nghĩa là paschinois vậy.

Sau khi tôi thấy ông Lương Khải Siêu phê văn cụ Sào Nam rằng còn có chỗ paschinois, tôi bèn để ý xem lại văn của những người An Nam khác viết thì quả nhiên thấy ra có nhiều chỗ paschinois lắm.

Lấy ví dụ gần đây cho bạn đọc có thể kiểm soát được, thì không đâu bằng lấy ở phần chữ Hán của tạp chí Nam phong. Trong đó nhan nhản những chữ người ta đã dùng chẳng ra Tàu chút nào cả. Nhất là chữ nhưng  仍 đem dùng như chữ nhiên 然 , chữ 啻  đem dùng như chữ thí  譬  thì đến ông Lương Khải Siêu cũng không hiểu nếu hồi còn sống ông có đọc!

Nhưng cái thời đại báo Nam phong là thời đại chữ Hán ở nước ta đã tàn tạ rồi, không đáng trách lắm; tôi xin trình bạn đọc một bộ sách do Sử quán làm ra hồi Tự Đức mà trong đó còn có nhiều câu đầy những lỗi về văn pháp, không thể dung thứ được.

Ấy là bộ Đại Nam chánh biên liệt truyện sơ tập, biên tập xong năm Tự Đức thứ năm, do hai ông Trương Đăng Quế và Võ Xuân Cẩn làm tổng tài, còn các quan toản tu toàn là người khoa giáp. Đây, tôi trích ra một vài cái lỗi của sách ấy:

Cuốn 23, truyện Lê Văn Duyệt, tờ 31, chỗ nói chuyện ông Duyệt để năm chục quan tiền giữa nhà, thình lình mất đi, đi tìm thì thấy “có người lót tiền mà ngồi trên nóc nhà” v.v… mà biên rằng 有 屋 上 者 載 錢 踞 坐 hữu ốc thượng giả tại tiền cứ tọa thì thật là không có nghĩa. Vì theo văn pháp, khi đặt 有 …. 有 cách ấy thì giữa nó phải có verbe mới được, mà ở đây chẳng có verbe nào hết. Nếu chữa lại: 有 載 錢 踞 坐 於 屋 上 者 hữu tại tiền cứ tọa ư ốc thượng giả thì có nghĩa hơn.

Cuốn 30, truyện Nguyễn Văn Nhạc, tờ 15, chỗ nói Nhạc nghe Huệ chết, chính mình đem hơn ba trăm liêu thuộc cùng em gái ra thăm, đi đến địa đầu Quảng Ngãi thì  “bị viên đồn trưởng của Huệ ngăn lại” mà biên là  爲 惠 屯 將 阻 之  “vi Huệ đồn tướng trở chi”  cũng lại không trôi nữa. Theo văn pháp, câu này muốn đặt lối actif thì nói: 惠 屯 將 阻 之  “Huệ đồn tướng trở chi”; muốn đặt lối passif thì nói: 爲 惠 屯 將 所 阻 “Vi Huệ đồn tướng sở trở”,  chứ không ai lại đặt câu bằng lối passif lại còn để chữ  之 chi là chữ chỉ có thể dùng được trong câu actif mà thôi.

Cuốn 31, truyện Cao Man, tờ 8, chỗ nói ba người em khác mẹ của vua Cao Man chạy sang Xiêm, bầy tôi cũ trong nước “có nhiều kẻ lẻn theo họ” mà biên là: 多 有 潛 往 之 者 “đa hữu tiềm vãng chi giả” cũng không đúng mẹo. Theo văn pháp, 往 vãng là verbe intransitif, theo sau nó phải để chữ 焉 yên, không được để chữ 之 chi. Thế thì nên chữa lại: 多 有 潛 往 焉 者 đa hữu tiềm vãng yên giả ; nhưng như thế, đúng mẹo mà chưa đủ nghĩa, vậy phải chữa nữa là: 多 有 潛 往 從 之 者 “đa hữu tiềm vãng tòng chi giả”.

Thôi, không lẽ cứ thế này mà kéo dây ra mãi, chỉ trích ba chỗ cũng là đủ rồi. Nhân tiện, tôi nắm lấy lẽ này làm kết luận:

Hơn một ngàn năm học chữ Hán, vẫn có nhờ nó lập cho ta một nền văn hóa khả quan, nhưng nếu nói ta đã lập nên trên thứ chữ ấy một nền văn hóa xứng đáng thì tôi tưởng rằng chưa chắc. Bởi một thứ chữ mà ta viết hãy còn chưa được nhã thuần, chưa đúng văn pháp, thì làm sao cho thành văn học được?

Tội không tại người mà cũng không tại chữ. Tội tại người nước này mà lại dùng chữ nước kia!

Bởi vậy tôi nói nước ta từ ngày có văn học quốc ngữ là một hạnh phúc ở đâu đưa đến cho chúng ta! Ở người ta, nước mất thì sợ cho chữ cũng theo mà mất; còn mình, trong khi nước mất lại có quốc văn sản xuất và mỗi ngày một thịnh, ấy chẳng phải là điều may mắn lạ?

Nhân chữ Hán suy ra, tôi biết chữ Pháp rồi cũng thế. Cái trạng huống của văn học chữ Pháp ở nước ta mai sau ra thế nào, tôi có thể đoán biết từ hôm nay. Văn của ông Nguyễn Mạnh Tường hay của ông Phạm Duy Khiêm, mãi đến sau đây vài mươi năm rồi người ta sẽ tìm thấy nó pasfrançais cũng như văn cụ Sào Nam đã không được nhã thuần, của các quan Sử quán đời Tự Đức đã sai văn pháp! Thế thì sao người ta còn sính chữ Tây cũng như ngày xưa đã sính chữ Tàu?

Rút lại, một thứ chữ ngoại quốc nào cũng chỉ hành dụng bởi sự nhu cầu của thời đại mà thôi, còn muốn lập nên văn học thì ắt phải là văn tự bản quốc mới được. Vậy chúng ta nên đồng thanh kêu: Hỡi, người Việt Nam, trở về với quốc văn!

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Tức là bài Văn học chữ Hán của nước ta đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 169 (22. 9. 1932)
  2. Nhân đề có chữ kỳ lân nên bài làm mỗi câu có tên một con vật để chọi quy, long, hùng (gấu), lộc (hươu); vì thế mà cho là hay, phục là tài. (nguyên chú)
  3. Xem sách Nam hải dị nhân liệt truyện về truyện ba người: Nguyễn Hiền, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Thị Điểm. Ở đó có giải rõ nghĩa các câu đối này.
  4. Nguyễn Hy Tông tức là Nguyễn Phúc Nguyên (ở ngôi chúa: 1558-1612)
  5. Xem Nam hải dị nhân liệt truyện về truyện Đào Duy Từ.
  6. Nguyễn Thái Tông tức là Nguyễn Phúc Tần (ở ngôi chúa: 1648-1687)
  7. Jeu de mots (chữ Pháp): chơi chữ.
  8. Nghĩa là: Mặt trăng sáng và trong, bị đám mây đùa bỡn làm cho tối lại sáng.
  9. Bốn câu giữa của bài Cẩm sắt : (Trang Sinh hiểu mộng mê hồ điệp, Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên. Thượng hải nguyệt minh châu hữu luy, Lâm Điển nhật hoãn ngọc sinh yêu). Xin khỏi thích nghĩa, vì khó quá mà lại lôi thôi nữa.
  10. Chắc nghĩa thế nào mà thích được!
  11. Nghĩa rõ rồi, không cần thích!
  12. Thơ của Nguyễn Hương, nghĩa là: học được cái bí quyết sống lâu mà chẳng cầu cho thiên hạ biết mình.
  13. Nghĩa là người trong núi tự đi qua đi lại, vì núi sâu nên người ngoài chẳng ai biết.
  14. Thơ của Phạm Lam Anh (***), nghĩa là cái khí phẫn uất lồng lên, trời cũng có thể hỏi được; cái người một mình tỉnh đã đi rồi, trong nước trống trơn. Hai mẩu này đều thấy trong sách Đại Nam Triều Biên liệt truyện.
  15. Truyền kỳ mạn lục  傳 奇 漫 錄 của Nguyễn Dữ đời Hậu Lê; Vân nang tiểu sử  雲 囊 小 史  có in trong Nam Phong mấy số đầu.