Bước tới nội dung

Khi bảng vàng đề tên

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Khi bảng vàng đề tên
của Lê Thánh Tông

Bốn đầu đề của chùm 4 bài thơ Đại hạn gặp mưa, Đất khách gặp bạn cũ, Đuốc hoa đêm động phòng, Khi bảng vàng đề tên nguyên là một bài thơ Đường:

Cửu hạn phùng cam vũ,
Tha hương ngộ cố tri
Động phòng hoa chúc dạ
Kim bảng quải danh thì.

Thưa sách đan trì ai bén chiêu[1],
Bảng vàng mừng đã thấy tên treo.
Thấp cao vòi vọi chen hàng nhạn[2],
Trên dưới làu làu hiện vẻ beo[3].
Thoáng đến mấy tầng Bồng đảo[4] lạ,
Kẻ âu[5] ba đợt Vũ môn[6] nghèo[7].
Bảng này chẳng phụ danh đồn dậy,
Thấy hậu sinh còn nhiều kẻ theo.

   




Chú thích

  1. Ai làm bài (thưa sách) ở thềm son (đan trì) được lọt vào (bén) chiếu chiêu hiền của vua
  2. Hàng nhạn: Ý nói theo thứ tự người đỗ cao, đỗ thấp như hàng chim nhạn trên không
  3. Vẻ beo: Dương tử pháp ngôn nói: "Con cáo biến hóa ra vằn con beo, tức là cái vằn đẹp hơn". Sau người ta dùng điển tích này ví với người từ địa vị thấp tiến lên cao
  4. Bồng đảo: Chỗ tiên ở. Người nhà Đường ví những người thi đỗ như được lên cõi tiên
  5. Âu: Lo
  6. Vũ môn: Cửa sông có một chỗ rất sâu và nguy hiểm. Tương truyền cá vượt được Vũ môn sẽ thành rồng, cho nên sau người ta ví người thi đỗ như cá đã vượt qua ba đợt sóng ở Vũ môn. Ở nước ta, trên một dãy núi thuộc huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) cũng có một địa điểm gọi là khe Vũ Môn, tương truyền, cũng có cá chép thi ở đấy
  7. Nghèo: Khó khăn