Bước tới nội dung

Lòng hiếu thảo

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Cách chừng ba trăm năm nay, có một người buôn bán giàu có chết tại Lyon, để gia tài lại lớn lắm. Người nầy có một đứa con trai mà thôi; thằng ấy thuở còn nhỏ đi qua Thiên-trước[1] ở với một người chú nó. Người ta nói khi trở về bên tây, thằng nầy bị chìm tàu, mà đều khỏi chết.

Cho đến lúc ngặt mình. Cha còn ước trông con về, mà sau thấy chết một mình chẳng gặp được mặt con, thì sở cậy gởi gấm của cải cho một người bằng hữu thiết nghĩa, dặn sau nếu con có về thì giao lại cho nó.

Cuối năm, có một người con trai đến nói mình là con người buôn bán ấy, xin lãnh gia tài cha để lại. Cách một ít bữa có một người khác cũng đến nói như vậy. Tháng sau lại có tới một người nữa. Cả ba đều đến người giữ của mà hỏi gia tài cha chết lưu lại. Mà người nào cũng nói mình bị chìm tàu mất giấy tờ đi rồi, nên lấy làm khó xử, vì vô bằng cớ. Vậy mới nói với chúng nó rằng: “Trong ba người đây làm sao cũng có hai người trá mạo, mà tôi không lẽ biết được, nên để tôi biểu đưa cho một người một cây cung, rồi ai bắn trúng cái bia nơi chỗ tôi chỉ, thì người ấy được ăn phần gia tài đó; vì lòng tôi sở nguyện cho trời định lấy việc nầy.”

Khi ấy mới dắt người thứ nhứt ra ngoài vườn mà nói với nó rằng: “Kìa, cái chân dung ông già bậu đó, nhắm lấy dấu trắng là chỗ trái tim mà bắn.” Người con trai nầy bắn một mũi tên nhằm gần chỗ chỉ đó. Biểu kêu người thứ hai đến, nó bắn lại hay hơn nữa, sau hết tới quận người thứ ba; song le, khi họ chỉ cái chân dung người cha nó cho nó bắn, thì nó liền ném cung tên mà nói thà mất cái gia tài chẳng thà mắc tội giết cha, ấy là sức biểu bắn trên tượng vẽ đó, mà nó còn không chịu thay. Người giữ của la lên rằng: “Bậu nên đứng làm người, gia tài ấy là của bậu, bởi vì bậu thiệt là con, còn hai tên kia là kẻ trá mạo. Nếu người buôn bán là cha chúng nó, thì chúng nó kính trượng cái chân dung người ấy, có đâu dám bắn.”

   




Chú thích

  1. Thiên Trúc, tức Ấn Độ.