Lĩnh Nam dật sử/Hậu biên/Ai làm ra bộ tiểu thuyết Lĩnh Nam dật sử?

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Lĩnh Nam dật sử của Hoàng Nham, do Nguyễn Hữu Tiến dịch
Ai làm ra bộ tiểu thuyết Lĩnh Nam dật sử? của Nguyễn Bá Trác, do Nguyễn Hữu Tiến dịch

Theo Wikipedia thì Lĩnh Nam dật sử vốn là tiểu thuyết Trung Quốc được xuất bản năm 1794 dưới thời Càn Long. Tác giả là Hoàng Nham, hiệu là Hoa Khê dật sĩ, người Quảng Đông. Tác phẩm này bị ai đó "chế biến" lại, thay đổi tên tác giả (gán cho Ma Văn Cao và Trần Nhật Duật), sửa chữa chút ít về nội dung và bài tựa, nhằm biến tiểu thuyết Trung Quốc thành tiểu thuyết Việt Nam. Xem cụ thể ở trang thảo luận.

AI LÀM RA BỘ TIỂU-THUYẾT

« Lĩnh-nam dật-sử? »[1]

Sự khảo-cổ xưa nay rất là khó, khó về sự sách vở không đủ, biên chép không tường, sự ấy vẫn đành là khó. Song lại còn một điều khó nữa, là các nhà trước-thuật khi xưa ghi chép năm tháng thời chỉ chép can-chi, như chỉ chép là năm Giáp Tí, thời còn biết năm ấy mới đây hay là đã lâu? Sách của người nào làm ra thời chỉ ký tên hiệu, như chỉ chép hiệu là Mỗ tiên-sinh, thời còn biết đích là tên ai nữa. Vả lại chép các tên sông tên núi thuộc về địa-dư, thời chỉ dùng những tên hiệu đẹp, còn những tên đích-thực quan-hệ về lịch-sử thời lại không chép. Thế ra hình như những sách của cổ-nhân truyền lại, chỉ để làm cái tài-liệu cho người đời sau ngâm-nga thơ-phú, chớ còn những sự quan-hệ về lịch-sử khảo-cứu, không có can-hệ gì đến hay sao?

Bởi vậy bây giờ ai muốn lưu-tâm khảo-cổ xét trong các bài thi-ca. các bài tiểu-dẫn, hoặc trong các câu đối, mà tìm được một cái chứng-cứ cỏn-con gì về thời-đại, về nhân-vật, hay là về sự-tích, về địa-dư, thời thật là lao-thần khổ-tứ tìm xét mãi mới ra; nếu gặp chỗ nào vướng-vấp còn ngờ, thời đành bỏ quyển sách đó mà thở dài vậy.

Ôi! Cổ-nhân không phải là dối ta mà cũng không phải là giấu ta đâu, nhưng không ngờ rằng chúng ta bây giờ khảo-cổ lại gặp cái nỗi khó-khăn như thế. Ấy đấy, cổ-nhân để cho chúng ta cái nỗi khó khăn đã rõ ra trước mắt như thế, mà bây giờ còn có người bắt-chước cổ-nhân, để làm khó cho người đời sau, và làm khó cho người bây giờ nữa, như là tên tỉnh gọi là « Hà-nội » tên kinh thành là « Thừa-thiên », hai tên đó là tự Nguyễn-triều ta mới đặt ra, thế mà có người lại chép chuyện đời bây giờ, tỉnh Hà-nội lại cứ gọi là thành Thăng-long, kinh Thừa-thiên lại cứ gọi là kinh Phú-xuân; hay là chép sự-trạng một người nào không cần phải kiêng tên huý, mà cũng cứ kiêng, chỉ chép tên hiệu là Mỗ đại-nhân, Mỗ tiên-sinh mà thôi, chớ không có nói rõ đích thực tên họ. Ôi! Những thói kiêng tên vô-vị ấy chỉ làm khó cho việc học khảo-cứu mà thôi. Song cái thói quen đó hoặc bởi là hậu-ý người mình hay yêu cổ, hay kính người hiền, cứ theo thói quen mà không biết là không phải, cũng còn có thể lượng-thứ cho được. Chớ còn như giả-mạo sách của người khác mà đem biến đổi tên họ đi để đánh lừa người ta, cái tài giả-mạo đánh lừa ấy thời không có thể dung tha được.

Mới rồi tôi có tiếp người bạn đưa cho xem bộ tiểu-thuyết Lĩnh-nam dật-sử, đề là của ông Chiêu-văn-vương đời nhà Trần, tôi mừng là được một bản sách cũ của cổ-nhân nước Nam ta, cứ để nguyên cả văn đăng vào báo, không sửa đổi một chữ nào cả.[2] Vả lại những văn-pháp chép trong bộ dật-sử ấy lại có nhiều tiếng quan-hoại Quảng-tây, nên tôi nghĩ rằng ông Chiêu-văn-vương có thông-hiểu cả tiếng Mán, mà tiếng các Mán đều là tiếng người Thổ ở trên thượng-du, tiếng người Thổ Mán trên thượng-du với tiếng thổ-âm Quảng-tây cũng không phân-biệt gì mấy, thế thời Chiêu-văn-vương giỏi về lối văn-pháp dùng tiếng quan-hoại Quảng-tây cũng là có lẽ, nên tôi tin ngay rằng bộ dật-sử này chính là của Chiêu-văn-vương dịch ra không còn ngờ gì nữa. Người nước ta hễ ai lưu-tâm khảo-cổ, nếu tìm được một quyển sách cổ tự sáu trăm năm về trước, mà không đem ra phô với đời, thời thực là ngu và có ý hiểm; huống chi lại tìm được quyển sách cổ của ông Chiêu-văn-vương đời trước thời người ta ai chẳng lấy làm thích. Nên khi được bộ dật-sử này không kể chi nội-dung trong sách ấy chép sự gì và văn-pháp thế nào, vội đem đăng báo ngay.

Mới rồi tôi đến một cửa hiệu sách kia lại mua được một quyển đề nhan là: Hội-đồ Lĩnh-nam dật-sử, tôi đem về xem thời cũng giống như bộ dật-sử đương đăng trong bản-báo không khác gì mấy; chỉ có trong bài tựa ở bộ thạch-bản Tàu thời bỏ bớt mất một đoạn tự-sự của Chiêu-văn-vương đi, và đổi cả họ tên người tác-giả, cùng là năm với ngày tháng về thời-đại trong truyện ấy cũng khác nhau cả. Tôi có cái phần trách-nhiệm về sự biên-tập, chỉ vì không đọc qua những sách tiểu-thuyết thạch-bản của người Tàu, nên khi đăng bộ dật-sử này không có so-sánh khảo-chứng trước, cũng tự biết là lỗ-mỗ. Song xét cả hai bộ dật-sử ấy đều có chỗ trùng-điệp, hoặc có chỗ sai khác nhau, thế thời tất có một đàng giả-trá mạo-nhận. vậy xin kể những chỗ ngờ ở trong hai bộ sách ấg để nhờ các bậc bác-học quân-tử xét đoán cho.

Trước khi xét những chỗ ngờ ở trong hai bộ sách ấy, thời xin kể mấy điều tệ-đoan có quan-hệ đến việc khảo-cổ như sau này: Một là cái tệ những người sao-lục hay làm giả-trá: Từ khi nhà khảo-cổ cho đi sưu-tầm các sách cổ, bia cổ, để làm cái nền khảo-cứu, thời phàm sách dã-sử, di-bi, tàn-biên đoạn-giản, đều thu-thập lấy cả, và lại có huyền-thưởng để mua những bản cổ-thư, bởi vậy nên có kẻ bày mưu biển-trá để cầu lợi, hoặc nhân những bài bi-ký, hoặc các truyện các sách gì, thời hay làm xuyên-tạc đem thay đổi làm ra niên-hiệu đời cổ; hoặc giả làm giấy đời cổ đã cũ rách, hoặc phỏng theo chữ lối cổ tự mấy đời triều, mạo là truyện cổ-tích mới tìm thấy, hay là sách cổ-thư của gia-truyền, để bán cho nhà khảo-cổ lấy lợi. Thường thấy trong một tập văn hay một tập thơ, đề là của di-cảo một ông nào, mà tựu-trung thời sao-lục lảm-nhảm cả. Những kẻ làm càn giả-dối để kiếm lợi, sở-đắc có được là bao nhiêu, mà làm điên-đảo cả phải trái, hỗn-tạp cả trắng đen, làm vu cho cổ-nhân để lừa hậu-thế, cái vạ ấy không biết là chừng nào! Vậy chúng ta muốn khảo-cứu sách cổ-nhân phải nên chú-ý lắm. Thế cho nên bộ Lĩnh-nam dật-sử này ngờ là của người Tàu làm ra, cũng là vì cớ ấy vậy.

Hai là cái tệ sách cổ nước Nam ta thất-lạc đi mất nhiều: Nước ta từ khi thuộc nhà Hán, học theo chữ Tàu, tiền-nhân ta trước-thuật há lại không có bản sách hay để truyền về sau. Song trải mấy mươi phen người Tàu sang lấn cướp, phàm những sử sách cũ của ta di-truyền lại, phải người Tàu vơ-vét lấy đi mất cả. Vả lại khi trước ta chưa có hoat-bản để in sách, nên có trước-thuật ra bộ sách nào, muốn truyền-bá cho rộng ra cũng rất khó; mà người ta lại hay có cái tính thích Tàu hễ quyển sách quyển truyện ai không phải của người Tàu làm ra, thời coi khinh-thường ngay; ít người biết trọng cái sách cũ của cổ-nhân ta, giữ gìn lấy để truyền làm gia-bảo. Vả nước ta khi trước biến-loạn mấy phen, cũng có người văn-học trốn sang ở bên Tàu đem cả sách của nước mình sang bên đó, hoặc là cho người nước ngoài xuất-bản in ra, hoặc là tạng cả bản-thảo cho người nước ngoài. như là ông Lê Chắc có làm bộ Việt-nam sử-lược. mà lại về tay người Nhật-bản in để phát-hành ra, chớ trong nước ta thời không thấy một quyển nào. Lại như quyển Việt-sử-khảo của tiên-nho nước ta làm ra, nói về việc đời Trần đời Lý rất là tường-tận, mà bây giờ chỉ thấy chép ở trong một bộ tùng-thư của Tàu chớ người Việt-Nam ta ít có người biết đến. Xem đó thời biết sách cũ của nước Nam tan mất sang bên Tàu rất nhiều, thế thời sách Lĩnh-nam dật-sử này ngờ là của người nước ta làm ra, cũng không phải là vô-cố vậy.

Thế thời muốn xét bộ Lĩnh-nam dật-sử này của người Tàu hay là của người ta, thực là một cái vấn-đề khó giải-quyết. Nay xin kể hai bộ sách ấy ký tên như sau này.

Bộ dật-sử bản viết của ta truyền lại thời đề là Trần-triều Chiêu-văn-vương Nhật-Duật dịch-bản, mà lại có ông Hoài-văn-hầu Quốc-Toản hiệu chính, Trương Hán-Siêu Thăng-am phê-bình, mà nguyên di-cảo là của Ma Văn-Cao người đỗng Dich-sơn thuộc về Đà-giang. Bộ dật-sử thạch-bản của Tàu thời đề là Tây-viên lão-nhân sang phương Nam chơi đất Vĩnh-an bắt được quyển dật-sử này, mà không nói là ai làm ra cả. Xét trong bộ dật-sử bản viết của ta thời trong bài tựa có một đoạn là lời ông Chiêu-văn-vương tự-thuật lúc đi dụ quân Thổ Mán về năm nào tháng nào ngày nào, được người Thổ Mán tặng bộ dật-sử ấy là nguyên của Ma Văn-Cao làm ra, mà ông mới phiên-dịch ra chữ Hán v. v. Bộ dật-sử thạch-bản của Tàu thời trong bài tựa không có cái đoạn Chiêu-văn-vương tự-thuật, chỉ có đoạn Tây-viên lão-nhân tự-thuật rằng: « Ta sang phía Nam chơi Vĩnh-an... Lấy làm thích bộ dật-sử tả sự-tích họ Hoàng này lắm v. v. » Còn chỗ phàm-lệ thời bản viết của ta đoạn trên đầu bảo rằng « Sách này cứ theo như bộ cũ mà dịch ra. » Đoạn thứ ba bảo rằng: « Cứ theo như Sơn-nam-chí thời dùng nhiều tiếng Thổ Mán... Những tiếng gì khó hiểu thời dịch ra chữ hán... » Đoạn cuối cùng thời bảo rằng: «Có khảo−xét các việc tản-nát ở các sách, mà biên-tập ra. trải ba tháng mới xong ». Bộ thạch-bản của Tàu thời đoạn đầu bảo rằng: « Sách này y theo các sách truyện-chí mà khảo-dịch ». Đoạn thứ ba lại rằng: « Theo Thánh-sơn-chí thời dùng nhiều tiếng Thổ Mán.. Những chỗ nào dễ hiểu thời cứ để vậy. Chỗ nào không hiểu được thời mới dịch ra chữ Hán v. v. » Còn đến như năm với ngày tháng thời bản viết của ta đề là: « Hoàng-Việt Hưng-long ngũ niên » (1297); mà thạch-bản Tàu thời đề là: « Thanh Kiền-long giáp-dần niên » (1794). Xem thế thời bản của ta nói rõ tên người trước-thuật như là Ma Văn-Cao, mà tên người dịch là Trần-triều Chiêu-văn-vương. Thạch-bản của Tàu thời tựa hồ như tay một người làm ra, mà chỉ đề là: « Tây-viên lão-nhân », chớ không rõ họ tên người làm sách là gì, và xét đến chứng-cứ cũng chưa đủ. Vả lại bản dật-sử của ta ra đời trước bộ dật-sử thạch-bản của Tàu 497 năm, mà nguyên làm ra bộ dật-sử ấy là Ma Văn-Cao, lại là ông tổ năm đời trước thời ấy, ước chừng trước Tây-viên lão-nhân hơn sáu trăm năm, quyết-nhiên không có lẽ nào mà ông Ma Văn-Cao với Chiêu-văn-vương lại đạo-tập của Tây-viên lão-nhân, nếu bộ dật-sử này mà không phải của Chiêu-văn-vương chăng nữa, thời Chiêu-văn-vương cũng không có can-thiệp gì đến vậy.

Bản dật-sử của ta thuật sự-tích trong truyện phát-sinh ra từ đời Lý Nhân-tôn niên-hiệu Thái-ninh thứ hai, ngang với đời Tống Thần-tôn bên Tàu niên-hiệu Hi-ninh thứ sáu (1073). Bộ thạch-bản của Tàu thuật sự-tích trong truyện phát-sinh ra về khoảng năm Vạn-lịch (1573 — 1619) đời nhà Minh, hai đàng cách nhau hơn 500 năm. Song xét ra người Tàu đến triều Minh mà trong cõi Quảng-đông sao hãy còn nhiều quân giặc Mán bàn-cứ các sơn-trại như thế, việc đó cũng đáng ngờ là sự-tích ấy không phải ở về triều Minh. Nhưng lại xét tình-trạng quân thổ-phỉ bên Tàu xưa nay thời cũng không lấy gì làm lạ. Xét về bản dật-sử của ta, thời nước ta mới đến triều Lý mà đã có một cậu học trò mười bảy tuổi như Hoàng Phùng-Ngọc, việc đó cũng đáng ngờ, song xem như ông Lê Văn-Thịnh cũng ở triều Lý, tuổi trẻ mà thi đã đỗ đầu, thế thì Phùng-Ngọc cũng chẳng lấy gì làm lạ. Chỉ có những tên làng tên đất gọi là Trình-hương, Hải-phong, Qui-thiện, thời nay không biết là ở chỗ nào; như bộ dật-sử của ta thời bảo rằng: Hoàng Phùng-Ngọc là người Trình-hương, Trình-hương ở đâu? thời ký-giả cũng không được biết, chỉ biết rằng ở huyện Sơn-vi thuộc Phú-thọ còn có làng Trình-xá, mà cứ như trong truyện thời bảo rằng Trình-hương thuộc về Phong-châu, thời bây giờ là địa phận Sơn-tây, Phú-thọ, thế thời Hoàng Phùng-Ngọc là người nước Nam ta.

Sách thạch-bản của Tàu thời bảo là huyện Trình-hương thuộc phủ Trào-châu, thế thời Phùng-Ngọc là người Trào-châu thuộc về Tàu. Song xét đến địa-dư lịch-sử nước Tàu thời Trào-châu kiêm-lý có chín huyện là: Hải-dương, Phong-thuận, Trào-dương, Yết-dương, Nhiêu-bình, Huệ-lai, Đại-dũng, Chừng-hải, Phổ-minh: chớ không thấy huyện nào gọi là huyện Trình-hương cả. Còn như huyện Hải-phong, huyện Qui-thiện, thời đều thuộc về phủ Huệ-châu tỉnh Quảng-đông; huyện Tùng-hóa tức là Hoa-huyện tỉnh Quảng-đông bây giờ thuộc về đạo Lĩnh-nam Quảng-đông.

Trong dật-sử lại chép rằng: Núi Dương-đề ngăn cách huyện Hải-phong với huyện Qui-thiện. nếu bảo hai huyện ấy là đất nước Tàu, thời chính ở vào trong địa-giới Huệ-châu. Phong-châu ở nước ta cách Huệ-châu ở Quảng-đông biết là mấy nghìn dặm, thế mà trong truyện chép rằng Phùng-Ngọc đi một ngày từ Phong-châu đến Huệ-châu, dẫu xe hỏa cũng chẳng chóng được như thế, nữa là đi đường bộ, hay là bảo huyện Hải-phong huyện Qui-thiện là đất nước Nam ta, thế thời cớ sao tự Phong-châu tới các huyện đó lại còn phải đi vòng quanh sang Tràng-sa nữa?

Lại cứ bộ thạch-bản của Tàu thời bảo Phùng Ngọc ở Trào-châu đến Huệ-châu, cũng phải đi đến năm sáu trăm dặm đường trở lên, không phải là một ngày đường đã đi tới được. Vả lại cứ như bộ thạch-bản chép thời là Phùng-Ngọc tự Trào-châu đến Huệ-châu là tự phía đông đến phía tây, chỉ đi xung-quanh trong địa-giới tỉnh Quảng-đông, hà-tất lại phải đi vòng quanh qua Tràng-sa (tỉnh Hồ-nam) nữa? Thế thời hai bộ dật-sử chép đều không đúng sự-thực cả. Song cái vấn-đề ấy là quan-hệ về cái giá-trị bộ dật-sử, xưa nay các nhà làm tiểu-thuyết thường hay bịa-đặt ra để cho thích ý người xem không cần phải biện-bạch làm chi nữa.

Chúng ta chỉ xét những điều ngờ là: Bộ thạch-bản Tàu bảo Phùng-Ngọc là người Quảng-đông, tự phía đông mà sang phía tây là chỉ đi quanh trong địa-giới tỉnh Quảng-đông. Bộ dật-sử ta bảo Phùng-Ngọc là người Châu-phong nước ta, tự phía nam mà sang phía bắc là tự Phong-châu sang Quảng-đông. Còn như Tây-viên lão-nhân thời không biết là người tỉnh nào, không thấy nói rõ; chỉ ở trong bài tựa sách thạch-bản nói rằng lão-nhân sang phía nam chơi Vĩnh-an được bộ dật-sử này, thế thời là chơi huyện Vĩnh-an thuộc về Huệ-châu tỉnh Quảng-đông, hay là huyện Vĩnh-an thuộc về phủ Bình-lạc tỉnh Quảng-tây đó mà thôi. Và trong dật-sử chép nhiều tiếng quan-hoại, mà tiếng quan-hoại là tiếng thường dùng ở nước Tàu, chính lão-nhân là người Tàu ở phương Bắc mà sang chơi tỉnh phương Nam, đã là người Tàu thời chép sách dùng quan-hoại cũng là sự thường, không phải chú-thích chi nữa, cần gì trong phàm-lệ lại còn phải chua rằng chữ « vô » chép là « mậu », chữ « như thử hảo » chép là « như cảm hảo », chữ « huynh » gọi là « biểu » làm gì nữa. Vả lại trong hồi thứ IV có bài thơ tán rằng « Dũng như Trưng, Nhị », có lẽ nào người Tàu chép sách làm thơ mà lại xưng-tụng hai bà Trưng nước ta, thời thực là không đúng khẩu-vẫn. Còn đến bộ dật-sử của ta bảo là bản-dịch của Chiêu-văn-vương, nhưng không biết bản nguyên văn là chữ gì, bảo là chữ Thổ Mán chăng? Thời những từ-khúc thi-ca ở trong bộ ấy không biết đó chính là nguyên-văn, hay là Chiêu-văn-vương tự lấy ý mình mà diễn-dịch ra cho đủ, để cho thành ra vẻ đại-quan chăng? điều ấy cũng khả-nghi lắm.

Nói rút lại thời không biết bộ dật-sử này là tự ai làm ra trước, chửa có thể xét được chứng-cớ cho đích-xác. Ký-giả kiến-văn hẹp−hòi không dám giải-quyết sao cho phải, mong các ngài duyệt-giả phán-đoán giùm cho. Nếu thực là dịch-bản của Trần-triều Chiêu-văn-vương, thời chính là của báu của tiền-nhân ta để lại, ta nên công-nhận lấy, đừng để cho người Tàu nhận mất. Nếu không phải là dịch-bản của Chiêu-văn-vương, mà chính là của Tây-viên lão-nhân kỷ-thuật ra, thời ta mặc quách họ, dẫu hay đến đâu ta cũng không thèm mạo-nhận làm gì; xin các ngài bác-học quân-tử xét đoán mà khám-phá cái nghi-án ấy cho, chúng tôi lấy làm mong lắm.

Đông-châu

Dịch nguyên-văn chữ Hán của ông
NGUYỄN BÁ-TRÁC

  1. Bài này dịch-giả đã dịch đăng báo Nam-phong số 53 từ năm 1921, khi đương dịch bộ dật-sử này đăng lên báo, nay lại in ra đây để chất-chính cùng chư duyệt-giả.Đ. Ch.
  2. Bản dật-sử này hiện có một bản viết lưu ở trường Bác-cổ thư-viện Hanoi, tôi nhân theo đó mới đem dịch ra bộ quốc-ngữ này.Đ. Ch.
 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộngHoa Kỳ vì nó được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929.


Tác giả mất năm 1945, do đó tác phẩm này cũng thuộc phạm vi công cộng tại các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyềncuộc đời tác giả và 75 năm sau khi tác giả mất hoặc ngắn hơn. Tác phẩm này có thể cũng thuộc phạm vi công cộng ở các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyền dài hơn nhưng áp dụng luật thời hạn ngắn hơn đối với các tác phẩm nước ngoài.

 
Bản dịch:

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộngHoa Kỳ vì nó được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929.


Tác giả mất năm 1941, do đó tác phẩm này cũng thuộc phạm vi công cộng tại các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyềncuộc đời tác giả và 80 năm sau khi tác giả mất hoặc ngắn hơn. Tác phẩm này có thể cũng thuộc phạm vi công cộng ở các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyền dài hơn nhưng áp dụng luật thời hạn ngắn hơn đối với các tác phẩm nước ngoài.