Bước tới nội dung

Lĩnh Nam dật sử/Hậu biên/Hồi thứ XXVIII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ XXVIII

Vua Thần-tôn mở tiệc phong-công,
Hầu Đông-an một nhà qui-ẩn.

Phùng-Ngọc cáo từ Ngô Đốc-phủ rồi đem thê-thiếp và các tướng-sĩ có công áp-giải các tên tù-phạm đưa về kinh dâng nộp. Đi không bao lâu, đến cửa đô-môn, sai người vào tâu trước, vua truyền-chỉ cho Phùng-Ngọc được mặc nhung-phục vào hiến phù. Vua Thần-tôn ngự trên cửa Thừa-thiên nhận lễ mừng-truyền cho lũ Phùng-Ngọc đều đổi triều-phục vào bái kiến. Phùng-Ngọc vào bệ kiến. Vua hỏi những phương-lược bình-giặc. Phùng-Ngọc đều quì tâu tường-tận. vua cả mừng. Phùng-Ngọc lại tâu rằng:

— Tôi nghe: Quản-hạt rộng quá phải nên thu hẹp lại. Nay Cầm-giang, Cổ danh đã nhờ ơn thánh-thượng cho đắp thành lập huyện. Còn đất La-bàng mông-mênh nghìn dặm, núi non trùng-điệp, người Dao-man ở quanh cả trong khoảng ấy, dễ sinh lòng phản-trắc. Thần-ngu trộm nghĩ: Nhân nay Mai Anh đã qui-thuận, cũng nên phân châu lập huyện cai-trị lấy đất ấy, để khống-chế các nơi yếu-hại, yên dẹp quân đỗng-man, làm bảo-chướng cho một phương, chẳng hay ý thánh-thượng nghĩ có nên chăng?

Thần-tôn chuẩn y lời tâu, đổi La-bàng làm La-định châu, lập ra Đông-an, Tây-ninh hai huyện, sắc cho Lưỡng-Quảng Tổng-đốc Ngô Quế-Phương xem xét địa-thế mà kiến-lập các thành-trì. Phùng-Ngọc bái tạ. Vua lại triệu Lý Tiểu-Hoàn vào trước án phủ-dụ mà rằng:

— Nhà ngươi tuổi còn trẻ mà đã biết tôn-quân qui-thuận, lập đồn-điền nghỉ việc binh, thực là yên lòng trẫm.

Tiểu-Hoàn nghe lời bái tạ. Vua lại ban cho dự-yến ở điện-đình. Mọi người lĩnh yến xong tạ ơn lui ra. Ngày hôm sau, Thần-tôn ra ngự Võ-anh-điện, truyền mệnh chư tướng áp-giải các tên tù-phạm đến thị-trường chính-pháp. Lại triệu lũ Phùng-Ngọc vào trước điện, phủ-phục dưới kim-giai nghe sắc tuyên phong:

Hoàng Quỳnh được phong làm Đông-an hầu Binh-bộ thượng-thư Tuần-phủ Quảng-đông.

Trương Quí-Nhi làm Kiên-trinh phu-nhân.

Lý Tiểu-Hoàn làm Đông-an Quận-chủ Thuận-chính phu-nhân, và ban cho một tập mãng-phục.

Mai Ánh-Tuyết làm Dũng-an phu-nhân.

Tạ Kim-Liên làm Hiếu-liệt phu-nhân.

Mai, Anh làm Tây-ninh vương.

Tiền thị, Đặng Nguyệt-Nga đều làm nhất-phẩm phu-nhân.

Phù Hùng làm Đông-an huyện tri-huyện.

Đặng Bưu làm Tây-ninh huyện tri-huyện.

Bàn Ma-La làm Nam-úc Tổng-binh.

Mã Tán, Đan Dũng, Tống Kim-Cương đều làm Cẩm-y-vệ chỉ huy.

Triệu Tín làm La-định châu Du-kích.

Giả Kỳ làm Nam-lĩnh Du-kích.

Trương Chí-Long làm Đông-an Thiên-tổng.

Vạn Nhân-Địch làm Tây-lộ Đô-chỉ-huy.

Trần Long làm Chỉ-huy-sứ.

Hoàng Doãn làm Chỉ-huy-sứ.

Còn các viên chánh-phó tướng đã mất rồi đều truy-tặng chức Trung-dũng hiệu-uý truy phong tam-đại. Đặng Bưu, Phù Hùng, Bàn Ma-La, Trần Long, Vạn Nhân-Dịch, Tống Kim-Cương, Hoàng Doãn đều không muốn làm quan, nộp trả tờ cáo-sắc. xin về dưỡng-lão ở nơi sơn-trại. Mã Tán, Đan Dũng, Triệu Tín lưu ở Kinh nhận chức, sau đều có công phong đến chức Chánh-tổng-binh.

Lũ Phùng-Ngọc được phong đều tung-hô bái-chúc tạ ơn lui ra khỏi triều rồi, thôi thì vô-số các hàng quan-thân quen biết đều lại thăm mừng, lao-xao ồn-ào trong ba bốn ngày, chợt thấy có người đưa thiếp vào bẩm rằng: « Ở ngoài có quan tân-tiến-sĩ Trương đại-nhân ở Huệ-châu muốn vào tương-kiến ». Phùng-Ngọc mở danh-thiếp ra xem thời thấy trên mặt danh-thiếp đề rằng: « Niên-gia quyến-đệ Trương Phi-Long. » Phùng-Ngọc nghi ngờ hỏi Quí-Nhi rằng:

— Chẳng hay ông hương-thân này sao cũng tên là Trương Phi-Long, hay là lịnh-huynh đấy chăng? Không biết anh ấy tiến-kinh bao giờ mà đã thi đỗ tiến-sĩ?

Quí-Nhi nói:

— Thiên hạ cũng nhiều người đồng-danh, anh tôi vẫn theo học Trung-ly tiên-sinh. đọc sách ở Dịch-sơn, ít lâu nay không tiếp được thư-tín gì cả sao lại có sự gặp may thế.

Phùng-Ngọc nói:

— Tôi không được gặp lịnh-huynh bao giờ, phu-nhân hãy đi vào trong mành-mành để tôi nghênh-tiếp ông ấy vào, phu-nhân sẽ ngó xem thì khắc biết rõ.

Quí-Nhi lui vào trong mành. Phùng-Ngọc ra tiếp rước ông ấy vào. thi-lễ mời ngồi, Phùng-Ngọc vừa toan cất lời hỏi. Quí-Nhi ở trong mành đã trông thấy quả là anh mình Trương Phi-Long tiền tươi cười chạy ra reo lên rằng:

— Chẳng hay anh lai-kinh từ bao giờ thế?

Phi-Long ngửng mắt lên nhìn, thất-kinh mà rằng:

— Nàng là em ta sao lại đến đây?

Quí-Nhi cười trỏ Phùng-Ngọc mà rằng:

— Đó là chồng em đấy.

Phi-Long nghe nói vừa kinh vừa mừng mà rằng:

— Tôi hôm nay đến đây là vì tình thân người làng vào thăm. ai ngờ lại chính là phu-quân của hiền muội.

Nói rồi vội vàng thi-lễ chào hỏi lại Phùng-Ngọc, và lại vái chào Quí Nhi. Quí-Nhi nói:

— Thưa còn có mấy chị em nữa để gọi ra cùng yết-kiến lịnh-huynh nhé.

Phi-Long nói:

— Xin mời các vị cùng ra tương-kiến.

Quí-Nhi vào đưa Lý phu-nhân, Mai phu-nhân, Tạ phu-nhân, cùng ra trung-đường. Quí-Nhi lần-lượt giới-thiệu từng người thi-lễ xong cùng ngồi, tả-hữu hiến trà xong: Quí-Nhi hỏi rằng:

— Chẳng hay anh lai-kinh bao giờ, mà đã thi được đỗ cao như vậy?

Phi-Long nói:

— Vì tôi có người bạn thân tên là Trịnh Tử-Chương làm Quốc-tử Tư-nghiệp, cố khuyên bảo mãi tôi lai-kinh, thi vào nhà Quốc-học, năm nay thi hội đỗ Tiến-sĩ thứ hai mươi bảy nhờ ơn thánh-thượng thụ-chức Lại-bộ Viên-ngoại. Tháng ba năm trước, tôi sai người đưa thư về nhà, chẳng hay hiền-muội có tiếp được không?

Quí-Nhi nói:

— Nguyên-lai thế này, mà anh lại không biết nhà ta gặp phải cơn tai-vạ lớn ư?

Nói rồi, lại trỏ ba vị phu-nhân mà rằng:

— Nếu không gặp mấy vị hiền-muội này cứu giúp cho, thời em với cha mẹ dễ thường không trông thấy anh nữa.

Phi-Long cả kinh mà rằng:

— Chẳng hay gặp phải tai-vạ như thế nào?

Quí-Nhi bèn thuật lại truyện từ khi gặp Phùng Ngọc cứu hộ, cho đến khi bày kế chém Lam Năng, đều kể lại một lượt. Phi-Long vội vàng đứng dậy hướng vào ba vị phu-nhân vái tạ mà rằng:

— Thực là nhờ ơn các vị phu nhân lắm!

Nói rồi lại hướng vào Phùng-Ngọc mà hỏi rằng:

— Thưa bác. định bao giờ vinh-qui?

Phùng-Ngọc nói;

— Tôi định ngày mai vào bái-từ thánh-thượng rồi đăng-trình.

Phi Long nói:

— Như thế thì may lắm. Tôi xa nhà đã lâu cũng muốn về thăm. Hôm trước tôi đã tâu xin thánh-thượng, đã đắc-chỉ phê-chuẩn. ngày mai chúng ta cùng đi thì tiện lắm.

Phùng-Ngọc cả mừng, mời Phi-Long lưu lại yến ẩm, chiều tối mới tan tiệc. Ngày hôm sau, cùng vào chầu bệ-kiến cáo từ. Thần-tôn sai các triều-thần đều ra đô-môn tống-tiễn. Thôi thì:

Ơn nhuận cờ đào lồng bóng nhật,
Vẻ phân dù biếc đượm hơi sương.

Phùng-Ngọc từ-biệt các triều-thần, rồi trông về phía tỉnh-thành Quảng-đông tiến-phát. Đêm nghỉ sớm đi, không mấy ngay đi đến tỉnh-thành, các quan tỉnh đều ra nghênh-tiếp vào thành. Phùng-Ngọc đem tất cả mọi người vào tạ ơn Ngô Đốc-phủ tiến-dẫn cho, và tiễn Giả Kỳ, Mã Cách đi phó-nghiệm xong đâu vào đấy. Trương phu-nhân muốn mau về Gia-quế để thăm cha mẹ. Phùng-Ngọc bèn cáo từ Ngô Đốc-phủ cùng mọi người ra khỏi tỉnh-thành đều đi về Gia-quế. Khi mới đến Hoa-huyện. thì gặp Hoàng Hán tự châu La-định đi lại, thưa rằng:

— Mai đại-vương đã vì tướng-công khởi lập dinh-toà ở dưới núi Đại-hám, sai người đón ông bà và Trương thái-công, thái-bà. Phù-lão phu-nhân và phù lão-cha đều đến cả Đông-an rồi.

Phùng-Ngọc cả mừng. Lý Phu-nhân muốn từ về Gia-quế để tế-cáo Đô-bối đại-vương. Hoàng Hán nói:

— Mai đại-vương ở núi Đại-hám cũng đã khởi-lập một nơi miếu-điện để tượng Đô-bối đại-vương và tượng Phù Ly, Phùng Lực-Mộc cùng tượng Dương, Hứa hai phu-nhân đều đã rước đến núi Đại-hám cả rồi. Và còn đương tô tượng Gia-Cát Đồng, Thiết Lão-Hổ, Bạch Đường-Hổ, Mã A-Ma, Lợi Dụng, Đồng Miêu-Công, Văn Đại-Đao các vị tướng-quân đều bày ở đôi bên hành-lang, mười phần trang-nghiêm, khói hương thờ phụng đương náo nức cả lên.

Nguyên là Đồng Miêu-công, Văn Đại-Đao đều đã lục-tục chết bệnh cả rồi. Lý phu-nhân nghe Hoàng Hán nói cả mừng, không trở về Gia-quế nữa, bèn gói ra 10 lạng vàng, 1000 lạng bạc, sai Hoàng Hán đem về Gia-quế tặng cho Bàn Ma-La. Còn cả nhà thì kéo về huyện Đông-an, đi đến đâu cờ quạt đầy đường, võng giá chen đất, các dinh tòa quan-phủ cùng các nhà sĩ-thứ, đều treo cờ kết thể, bày hương-đăng ra đón rước. Khi qua Nam giang châu La định, các quan châu huyện đều ra nghênh-tiếp. Đến phía đông ngạn huyện Đông-an, thời thấy ông bà Tư-trai và Mai Anh, ông bà Trương thái-công, và Phù lão-phu-nhân, Đặng Bưu, Phù Hùng đều ở đấy ra nghênh-tiếp. Bà cô Phùng-Ngọc và biểu-huynh là anh em Lưu Hạc-Linh cũng đã đến cả ở đó rồi. Phùng-Ngọc cùng mọi người vội-vàng xuống kiệu, để cùng các người tiếp-kiến, ai cũng đều mừng rỡ. Anh em Trương phu-nhân yết-kiến Trương thái-công và Long phu-nhân, nửa thương nửa mừng bồi-hồi khôn xiết. Trương thái-công cầm tay Long phu-nhân mà rằng:

— Đương khi bị cướp, cha con lià tan, ngờ đâu còn có ngày nay nữa. May nhờ uy-linh thiên-tử, và các phu-nhân giúp đỡ, cả nhà được vinh-qui Phi-Long lại tên chiếm bảng vàng, thì còn hân hạnh nào bằng!

Thái-công lại ngảnh về Phùng-Ngọc mà rằng:

— Phàm việc gì cũng có tiền-định cả. Lời nói của Hoàng dã-nhân ngày ấy, bây giờ mới nghiệm ra.

Phùng-Ngọc hỏi rằng:

— Chẳng hay sao biết là nghiệm?

Trương thái-công nói:

— Tên Nhiêu Hữu ở Phong-hồ vốn là con tên Thủy Thiên-Nhất ở Tây-thôn, vì theo mẹ đi lấy chồng khác, bèn đổi ra họ Nhiêu, chớ vốn là họ Thủy, nghĩa câu: «Phùng-thủy vi nạn» là thế. Thân mình phải hãm trong đám giặc Hỏa-đái, đó là nghĩa câu: « Ngộ hỏa vi nạn » Cái ngày lão-phu bị cướp là ngày bính-ngọ, « tại ngọ-hương » là nghĩa thế. Đây là đông-ngạn huyện Đông-an, nay tụ-họp cả ở đây đó là « tụ qui đông-ngạn ». Lời nói tiên-nhân chẳng phải tiền-định là gì.

Trương phu-nhân ngảnh lại Tư-trai mà thưa rằng:

— Bà tiên cô bảo rằng: « Phá mạch kiến phu, tự đắc chân-tín » nghĩa là bảo con tìm thấy Hoàng-lang, thì tự khác biết đích tin cha mẹ. Còn như câu: « Họa hề phúc ỷ, cát hướng hung cầu ». Nghĩa là bảo gặp giặc đấy mà rồi sau được phúc, ngay khi ấy thì không hiểu ra làm sao cả.

Nói chuyện rồi, cả nhà cùng đi đến núi Đại-hám, thời thấy một nơi phủ-đường tân-tạo, một dẫy bảy tòa, cột vẽ xà chạm cực kỳ rộng rãi, tả hữu đều có các phòng quanh-quẩn. Đàng sau lại có một cái hoa-viên, rộng ước và mẫu, đủ cả đình-đài lâu-các, ở giữa đào ra một cái ao, sen ngó ngào ngạt. Phùng-Ngọc cả mừng vội vàng hướng vào Mai Anh đáp tạ mà rằng:

— Thật là làm bận lòng quí-báu của đại-vương lắm!

Cả nhà đều tiến vào trong phủ, mời ông bà Tư-trai, ông bà Thu-cốc vào Phù phu-nhân lên ngồi Phùng-Ngọc đem thê thiếp vào bái-yết, và lại vái chào Mai Anh, bày tiệc khánh-hạ. Ngày hôm sau mổ trâu giết lợn, tế-cáo Đô-bối đại-vương. Lý công-chúa thấy lập ra đền-đài cực-kỳ huy-hoàng kim-bích, liền hướng vào Mai Anh bái-tạ Cả nhà vui vẻ xum vầy, chừng hơn một tháng, Phi-Long cáo-từ Thu-cốc xin tiến-kinh. Sau Phi-Long làm quan đến Thái-thường Chánh-khanh, rồi cũng từ quan về ở huyện Đông-an. Phùng-Ngọc lại sai người đến thôn Đào-hoa mời Phùng-Châu lại, Phùng-Châu không chịu lại, Phùng-Ngọc bèn sai người đem một vạn lạng bạc đưa về cho Phùng-Châu. Một ngày kia, Phùng-Ngọc cùng với bốn vị Phu-nhân nói chuyện mà rằng:

— Xưa kia tôi cùng với nhạc-phụ đi chơi La-phù, có gặp Hoàng sơn-nhân cho tôi một viên hồng-hoàn tiên-dịch, bảo tôi rằng sau khi công-thành danh-toại rồi, phải nên kíp mà cáo lui thì sơn-nhân lại đến tiếp dẫn. Tưởng như khi tôi mắc nạn ở ngục Nam-hải, còn mong gì đến phú-quí nữa, thường có khi vợ chồng cũng không chắc gì gặp nhau. May sao ly mà lại hợp, lại gặp được Tạ-thị, thực là cái phúc phi-thường. Nếu nay ta lại còn tham-luyến quan-chức mãi, vạn-nhất có khi vấp-ngã, thì hối sao kịp được. vậy tôi muốn cáo-từ quan-chức. cùng với các phu-nhân tiêu-dao sơn thủy, cập-thời hành-lạc. các phu-nhân nghĩ thế nào?

Bốn vị phu-nhân đồng-thanh thưa rằng:

— Lang quân nói phải đó.

Phùng-Ngọc bèn làm tờ biểu dâng lên cáo-từ quan-chức. Từ bấy giờ Phùng-Ngọc suốt ngày chỉ cùng với bốn vị phu-nhân uống rượu ngâm thơ, gẩy đàn ca vịnh, hoặc khi đi lại về Tây-ninh, hoặc khi thưởng-hoa túy nguyệt để di-dưỡng tính-tình. Ông bà Tư-trai và ông bà Trương Thu-cốc, Phù lão-phu-nhân, đều hưởng-thọ ngoại 90 tuổi mới mất. Sau này Trương phu-nhân sinh được một con trai, Lý phu-nhân sinh được hai con Tạ phu-nhân sinh được ba con, đều đỗ cao-khoa làm quan đến chính-khanh, thành ra một họ lớn ở Đông-an. Phùng-Ngọc cho một con làm kế-tự cho Lý Cương một con kế-tự cho Tạ Nhân. Xuân-Hoa thì gả cho Hoàng Hán. Thu-Nguyệt thì gả cho Hoàng Thông, Ngọc-Tiêu thì gả cho Chí-Long. Vợ Mai Anh là Tiền phu-nhân sinh được một trai, Đặng Nguyệt-Nga sinh được hai trai, đều đăng-khoa cả, về sau cùng với con cháu Phùng-Ngọc đời đời kết làm hôn-nhân.

Một hôm gặp tiết trùng-cửu, Phùng-Ngọc cùng với bốn vị phu-nhân thưởng cúc ở vườn sau, rắp toan chia vần làm thơ. sực đâu Hoàng Thông chạy vào báo rằng:

— Bẩm, có Thạch thiền-sư lại chơi, muốn vào yết-kiến tướng công và bốn vị phu-nhân.

Phùng-Ngọc cả mừng đem các phu-nhân ra đón rước mời vào vườn sau. Thi lễ xong, Phùng-Ngọc cười mà rằng:

— Chẳng hay lão-sư qua tới đây bao giờ?

Thạch thiền sư nói:

— Bần-tăng nhân qua Triệu-khánh, hỏi thăm đồ-đệ, nghe thấy hiền-hầu công-thành danh-toại, về ẩn ở đây, nên mới lại qua thăm.

Phùng Ngọc cả mừng, bày tiệc tray khoản-đãi, dâng rượu ba tuần rồi; Phùng-Ngọc lại cất chén khuyên mời mà rằng:

— Tôi mà sánh đôi với tiện-nội Trương-thị, là nhờ lão sư có tặng cho lời chú đó.

Thạch thiền-sư nói:

— Người ta gặp gỡ cũng đều có định-số cả, chớ bần-tăng có công cán gì đâu.

Phùng-Ngọc nói:

— Núi Đại-hám này cao ngất mà linh-dị lắm, thường thấy có vân-hà ẩn-hiện; trên núi thấy có cả trì-đài quán-các, quả bích-đào rủ bóng, tiếng bạch-khuyển xủa người, vụt-chốc lại không thấy đâu cả đó thực là nơi tiên-quật. Vậy tôi muốn dựng một ngôi bảo-sát ở núi này, để cung phụng lão-sư mong được thời-thường thỉnh-giáo, chẳng hay ý lão-sư nghĩ sao?

Thạch thiền-sư nói:

— Bần-tăng trụ-trì ở núi Trường-nhĩ đã quen, vả tháp-cốt của tiên sư cũng ở đó, bỏ đi chỗ khác không được. Cổ-nhân có nói: « Núi không cứ gì lớn nhỏ, tùy theo người mà thêm trọng.» Núi Trường nhĩ rất nhiều nơi di-tích, ngày trước hiền-hầu đã qua chơi. mới làm cho được hai bài thơ vịnh đá bàn cờ. nay muốn xin hiền-hầu cứ mỗi nơi danh-thắng ở núi ấy đều vịnh cho một bài, để cho bần-tăng này được đem về khắc vào đá, cho núi ấy được tăng-sắc lên thì hay lắm.

Phùng-Ngọc mừng mà rằng:

— Phiền lão-sư khai các nơi danh-tích ra, để chúng tôi cùng với tiện-nội mỗi người làm mấy bài, xin lão-sư chỉ giáo cho.

Thạch thiền-sư bèn lấy hoa-tiên khai ra các nơi danh-thắng, đưa cho Phùng-Ngọc xem thì là mười bốn cái đề-mục thơ.

Phùng-Ngọc nói:

— Đây xin nhờ bốn vị phu-nhân mỗi vị làm cho ba bài, còn phần tôi xin làm hai bài nên chăng?

Mai phu-nhân nói:

— Thiếp là bậc sơ-học xin cho thiếp làm hai bài thôi.

Phùng-Ngọc nói:

— Như thế thì cũng được.

Trương phu-nhân nói:

— Đầu bài thơ có bài khó bài dễ phải nên gắp thăm mới được.

Phùng-Ngọc nói:

— Phải đó!

Liền đem đầu bài viết ra mười bốn cái giấy, rồi đem vê tròn lại. mỗi người đều nhặt lấy một cái cầm ở tay. Tạ phu-nhân nói:

— Chẳng hay làm theo thể-cách nào cho hay?

Phùng-Ngọc nói:

— Xin cùng làm theo lối ngũ-ngôn cổ-thể là hơn.

Các người đều cho làm phải, đều cầm quản-bút, mở hoa-tiên, đua nhau làm thơ như diều sa thỏ chạy, không đầy nửa khắc đều làm xong cả. Phùng-Ngọc bèn đưa đến trước mặt thiền-sư, Thiền-sư xem rồi mừng mà rằng:

— Bần-tăng này dẫu không biết thơ, nhưng thường nghe thi-gia Đỗ đại-lão nói rằng: « Thơ ngũ-ngôn cổ-thể rất khó, mà làm được cho xương-kính lại càng khó lắm. » Vậy bần-tăng xin đem những bài thơ này về khắc vào đá, để làm vẻ vang cho chốn danh-sơn.

Phùng-Ngọc cố mời Thiền-sư ở lại chơi, Thiền-sư cố-từ xin về. Phùng-Ngọc bèn lấy ra 20 lạng bạc, 10 tấm vải hỏa-cán-bố, giao cho tên trưởng-ban đưa đến núi Trường-nhĩ để tặng Thiền-sư, và viết ra vài phong-thư nhờ Thiền-sư đưa đến hỏi thăm Cổ-khê Tăng tiên-sinh và Trương tiên-sinh. Phùng-Ngọc tiễn Thạch thiền-sư đi rồi, vừa trở về trước phủ, thì thấy hai nàng ngư-nhân tay cầm năm con kim-ngư sắc đỏ đưa đến trước mặt Phùng-Ngọc chúc mừng vạn phúc, rồi hỏi rằng:

— Chẳng hay lang-quân còn nhớ thiếp chăng?

Phùng-Ngọc ngắm lại xem, kinh-nhạ mà rằng:

— Chẳng hay hiền tỉ-muội ở đâu lại đây đó? tôi vẫn lấy làm nhớ mong lắm.

Nguyên hai nàng ấy là Châu-thư, Vân-muội người thuyền chài cứu Phùng-Ngọc khi trước. Phùng-Ngọc cả mừng, dắt tay đưa vào trong phủ-đường, cùng các phu-nhân tương-kiến, bày tiệc khoản-đãi. Trong khi uống rượu, Châu-thư cười hỏi Lý phu-nhân rằng:

— Chẳng hay hiền-muội có nhớ khi mộng thấy tiên-nữ không?

Lý phu-nhân kinh-nhạ mà rằng:

— Chẳng hay thư-thư sao lại biết được?

Châu-thư nói:

— Tôi thường đi lại chơi với tiên-nữ, sao lại không biết.

Mọi người nghe nói đều lấy làm kinh-dị. Lý phu-nhân hỏi rằng:

— Dám hỏi thư-thư đã từng đi lại chơi với tiên-nữ, chẳng hay tiên-nữ ấy tên là gì sao lại có quen biết tiểu-muội?

Châu-thư nói:

— Tiên-nữ ấy có phải là ai đâu, tức là bà Ma-cô đấy. Hiền-muội kiếp-trước là Ngọc-nữ. Ngọc-nữ với Ma-cô cùng đối-cư ở La-phù. Về đời Hán, hiền-muội đã từng giáng sinh ở nhà họ Lục, làm đến Thái-trung-đại-phu. Kiếp này giáng-sinh tức là hiền-muội. Ma-cô sợ hiền-muội quên mất bản-lai diện-mục, cho nên nhờ chị em tôi đến tiếp-kiến hiền-muội nói chuyện cho biết.

Lý phu-nhân gật đầu mà rằng:

— Tôi còn nhớ đấng tiên-phụ tôi nói chuyện lúc tôi mới sinh, có mộng thấy một người xưng là Lục Giả đến đầu-thai.

Lý phu-nhân nói rồi lại than rằng:

— Nếu tôi không gặp được Ma-cô báo tin, Hứa, Dương hai nàng chết thay cho, thì sao có ngày nay được.

Phùng-Ngọc cũng cảm-động than rằng:

— Hứa phu-nhân đã từng hai lần hiển-hiện cứu giúp cho tôi, thực là cái khí tiết trung-trinh, sinh-tử như một, hiếm có người như thế bao giờ. Nhưng còn cái chuyện cắt dọt cho vợ Hồng Nhất-Giáp không biết có phải là hai vị thư-thư không?

Vân-muội cúi đầu cười mà rằng:

— Lang-quân hãy còn nhớ được ư?

Trương phu-nhân hỏi rằng:

— Chẳng hay cái chuyện cắt dọt ra làm sao?

Phùng-Ngọc bèn đem cái chuyện Hồng Nhất-Giáp nói có mộng thấy tiên-nữ xuống cắt dọt cho vợ, thuật lại cho nghe. Chúng đều cả cười. Châu-thư nói:

— Lang-quân với bốn vị hiền-muội đều là bậc thượng-giới tiên-ban, giáng-sinh trần-thế, nay phải nên thanh-tâm quả-dục, rồi tự-khắc lại được phục-hoàn nguyên-vị. Thiếp nay xin tạm cáo-biệt. thế nào cũng có ngày lại được tương-kiến.

Nói rồi, đứng dậy dắt Vân-muội bước ra Mọi người đều mời giữ lại không được, vừa bước ra ngoài sân thì vụt cái đằng-không mà biến mất. Cả nhà đền kinh-dị, tin là người tiên. Từ bấy giờ Phùng-Ngọc cùng với các vị phu-nhân đều tuyệt hẳn nhân-sự, chỉ ngày ngày ra chơi hoa-viên, điềm-tĩnh tu-dưỡng, thung dung hưởng thọ. Bốn vị phu-nhân nhan-sắc cũng đều trẻ như lúc con gái cả. Phùng-Ngọc thì uống thuốc hồng-hoàn của Hoàng dã-nhân cho, tinh-thần cường-tráng, tóc cũng không thấy bạc một sợi nào. Năm ấy gặp tuần Lý phu-nhân bát-thập thượng-thọ, các con muốn bày tiệc ra hoa-viên mời các phụ-chấp và chư mẫu ra để bái-chúc, vừa bước ra vườn hoa, thì chợt nghe tiếng tiên-nhạc văng-vẳng trong vườn, vụt chốc thấy hào-quang rực-rỡ, thụy-khí tưng-bừng bốc lên trời mà bay đi. Các con đều cả kinh, trông ra vườn không thấy ai cả, chỉ thấy hương bay ngào-ngạt. và trên án có để lại hai cái khăn lụa dệt hoa gấm, đề mấy câu thơ rằng:

Tuyết-trắng xem qua Thường-Hải,
Hà-quang bay tới Thný-vi.
Thoát bỏ trần-gian muôn lụy,
Tìm về thương-giới kia kìa,

Người đời sau đều cho là thành tiên cả.

HẾT