Bước tới nội dung

Lĩnh Nam dật sử/Tiền biên/Hồi thứ XII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ XII

Kíp cứu chồng, khởi hết cả ba quân,
Vận mưu lạ, phá tan đồn Lục-bộ.

Mai tiểu-thư đã giết Nhiêu-Hữu rồi liền sai vứt thây vào trong cái bếp lò chất đầy củi rác vào rồi phóng hỏa đốt đi. Mai tiểu-thư nói với Chí-Long rằng:

— Anh ở lại đây cũng vô-ích, tôi với anh ta cùng ra bến sông thuê thuyền để cho anh cùng với Hoàng Thông về tỉnh thành thăm nom Hoàng-lang; còn tôi với Hoàng Hán cùng đi đường bộ về trại Thiên-mã, để sắp sửa đại-binh đến ứng-cứu.

Nói rồi, đều dắt nhau ra bến sông, thuê một chiếc đò để cho Chí Long với Hoàng Thông đi về tỉnh. Còn Mai tiểu-thư với Hoàng Hán thời đi tắt về trại Thiên-mã. Không đầy hai ngày đã đến Nam-giang, gặp toán quân tiểu-đội phục ở đấy ra đón rước, liền phi-báo lên sơn trại. Mai Anh nghe tin cả mừng, đem tướng tá xuống núi nghênh-tiếp. Mai tiểu-thư trông thấy Mai Anh cất tiếng khóc oà lên mà rằng:

— Em ơi! Hoàng-lang đã phải Đốc-phủ Súc Nục nó bắt, nó vu cho là đi giao-thông với người mán để khởi-loạn, tra-tấn mãi phải chiêu-xưng, rồi nó đem giam ở huyện Nam-hải, xin hiền-đệ phát-binh mau lên để cứu lấy cho.

Mai Anh nghe nói nổi giận lên mà rằng:

— A! Thang giặc Súc Nục nay! ta muốn đối-địch với nó đã lâu, nay nó dám hãm-hại chồng chị ta; thưa chị chớ lo, để em thương-nghị với quân-sư, lập-tức phát-binh đi cứu.

Nói rứt lời, quân-sĩ liền rước về sơn-trại. Khi vào trong trại ngồi yên, các tướng đều đến bái-kiến xong. Mai Anh liền sai người mời quân-sư Gia-Cát Đồng đến, thi-lễ mời ngồi, Mai tiểu-thư đem đầu đuôi duyên-do sự Phùng-Ngọc bị giam-hãm, nói rõ cho quân-sư nghe mà rằng:

— Xin quân-sư liệu tính kỳ-mưu, để mau mau cứu lấy chồng tiện-thiếp!

Tiểu-thư nói rồi xùi-xụt mãi không thôi. Gia-Cát Đồng nói:

— Phiên-ngung là một tỉnh-thành đô-hội, không phải mỗi lúc mà đánh được ngay, tất phải lo mưu vạn-toàn mới nên được việc, chớ không nên vọng-động. Nay cứ như lời tiểu-thư nói thời lời lão-ông là chỉ đắc-chí thính-văn, Chí-Long thời trông thấy nhưng chửa được đích-xác. Phải nên sai người đến tỉnh-thành do-thám cho đích-thực rồi sẽ phát-binh. Xin tiểu-thư khoan tâm. hãy về trại sau nghỉ ngơi, để bất-tài này sai người đi thám thính. Nếu quả đích thực, thời xin cứ phó mặc đại-vương với bất-tài này lo tính quyết không để Hoàng tướng-công phải lầm lỡ chút gì.

Mai tiểu-thư đứng dậy cảm tạ rồi lui vào trại sau. Mai Anh liền phái thần-tướng là Trần Long đi đến tỉnh thành để thám-thính. Trần Long biệt-hiệu là thiên-lý-câu đi chạy như bay nhanh hơn ngựa câu, một đêm một ngày đi được một nghìn dặm đường. Trần Long đi không đầy hai ngày rồi trở về bẩm rằng:

— Tiểu tướng đến đầu huyện Nam-hải, gặp Hoàng Thông ở trong nhà ngục trở ra, nói rằng Hoàng chúa-công không chịu được tra khảo phải chiêu-xưng nhận là phản-nghịch, còn giam ở đó để đợi ngày trảm-quyết, kêu xin đại vương và tiểu-thư mau mau cứu lấy cho.

Mai Anh nghe nói, liền sai mời Gia-Cát Đồng đến thương nghị. Gia-Cát Đồng nói:

— Nay đã biết tin đích thực như thế thời phải cấp cứu. Song đất Triệu-khánh là nơi cổ họng tỉnh-thành, thành trì kiên-cố lại có trọng-binh đóng giữ ở đó cấp-bách không thể phá ngay được. Nếu không phá được Triệu khánh, thời sợ họ chặn đường quân-lương và họ chẹn mất đường về của mình Kế bây giờ không gì bằng làm như thế này.... Trong ứng ngoài hợp thời xoa tay chụp được tỉnh-thành ngay, chẳng hay đại-vương và tiểu-thư có chịu đi giúp Hoàng chúa-công không?

Mai Anh và tiểu-thư đồng-thanh nói lên rằng:

— Quân sư bày kế ấy cực diệu! chị em chúng tôi xin đi.

Gia-Cát Đồng nói:

— Nay đại-vương với tiểu-thư đã định đi, thời ngày mai phải sắp sửa binh-mã, đợi khi đại-vương xuống núi độ mười ngày thời đại-binh sẽ lục-tục khởi-trình, cùng hẹn họp binh đến Triệu-khánh, đợi đến canh ba ngày hôm thứ ba, thời đại-vương ở trong mở cửa tây ra làm nội-ứng.

Mai Anh y lời. Ngày hôm sau, Mai Anh lên trướng, họp cả chư-tướng lại truyền-lệnh, sai Vạn Nhân-Địch làm tiên-phong, quân-sư Gia-Cát Đồng tướng trung-quân; Thiết Lão-Hổ, Thạch-Thung-Cữu đem cánh quân Tả hữu-Dực; Tống Kim-Cương làm đoạn-hậu: đều thống-lĩnh năm vạn quân mán. Đồng Miêu-Công thời họp tập các thuyền của quan dân được ba nghìn chiếc, thống lĩnh năm vạn quân. Lại sai bọn quân Côn-luân nô mỗi toán 500 người đi đường thủy để làm binh cứu-ứng cho chư-quân. Trần Long và Hoàng Mộng-Khôi thời đem lương-thảo để tiếp-tế, Mai Anh phân phát xong liền cầm gươm và ấn trao cho Gia-Cát Đồng mà rằng:

— Chư-tướng đều phải nghe tiết-chế quân-sư, nếu người nào vi-lệnh thời lập-tức trảm-quyết.

Chư-tướng đều dạ dạ rồi lui ra. Mai Anh trở vào sau trại cùng với chị là Mai Ánh-Tuyết, cải-trang mặc lối áo phường hát đả-hoa-cổ ở Phụng-dương phủ. Mai Ánh-Tuyết thời đầu đội khăn nhiễu xanh, mình mặc áo bào mùi huyền, tay viền đỏ, cổ nẹp đỏ. Mai Anh thời mặc cái áo ngắn đầu đội khăn chùm mình thắt lưng đạm-hồng chân đi giầy phiêu-tử, trong mình đều giắt trùy lưu tinh lững thững đi xuống núi, đi về đường Triệu-khánh, nổi dịp thanh-la, khua hồi hoa cổ, thỉnh thoảng lại cất tiếng ca đi đến Mã-vu những người đi chợ búa trông thấy đều reo lên rằng:

— A a! Kim-đồng, ngọc-nữ ở đâu hạ-giáng kìa!

Một lát, xô nhau đến xúm đông xúm đỏ lại xem. Mai Ánh Tuyết cười hì-hì mà rằng:

— Em hát lên một bài để chư-vị nghe, mà phát thưởng cho.

Mai Anh nói:

— Chị bảo phải đó!

Liền gõ hoa cổ liên-hồi, Mai tiểu-thư lên giọng mà hát rằng:

Chị em ta, đâu tới đây
Bao quản thiên-sơn vạn-thủy,
Chẳng ngại gót giầy
Chỉ mong gặp người đa-tình quân-tử,
Thoa vàng tặng-đáp.
Chàng với thiếp,
Họp mặt sánh vai.
Đẹp duyên hài,
Ai bảo chàng say,
Hay là thiếp say,

Tiếng hát cất lên như tiếng chim oanh véo von trên cành kiều mộc. Mọi người xúm lại nghe ai nấy đều xiêu lòng khoái-chí, mê-mẩn tâm-thần, đương lấy làm thích, thời thanh-la đổ hồi vừa hết khúc ca. Mọi người nghe đều đồng-thanh khen là hay. đua nhau thưởng tiền, xin thư-thư hát cho một khúc nữa để nghe Đương lúc chúng-nhân ồn-ào, thời thấy có một người len vào trong đám ấy gọi lên rằng:

— Phường hát đả hoa cổ đâu, theo ta đi đến hát để Tiền đại tú nghe đó.

Mọi người nghe thấy Tiền đại-tú gọi phường hát, không ai dám ngăn trở. phải rãn ra để cho hai chị em Mai tiểu-thư đi, Mọi người chỉ lũ-lượt theo sau để chực đến xem. Mai tiểu thư nghĩ thầm rằng không biết Tiền đại tú là người thế nào mà thanh thế như vậy, ta cứ đi lên xem thử. Nào ngờ đâu là Tiền Tử Cán từ khi ở Bác la phải Mai tiểu-thư đánh cho một trận, vừa đau vừa thẹn, chạy cút về nhà, mấy hôm vẫn nằm mèo buồn bã. hôm nay thấy khí trời sáng sủa, bèn đi ra chơi giải-muộn, nghe thấy có bọn con hát đả-hoa-cổ mới đến, người đẹp hát hay, bèn cho người đi gọi đến. Mai Anh và Mai tiểu-thư vừa tiến đến chào, Mai tiểu-thư thời nhận biết là y, song y không nhận biết Mai tiểu-thư. Tiểu-thư trông thấy trên mũi y hãy còn dán một miếng thuốc cao, nhịn cười không được, bèn nấp vào sau lưng Mai Anh nhấm đầu tay áo mà cười khanh-khách. Mai Anh không hiểu ý gì, ngảnh lại hỏi:

— Chẳng hay chị cười gì vậy?

Mai tiểu-thư nói:

— Chị nghe nói người ta mọc trĩ hoa sen, hay mọc ở lỗ đít. ông đại-tú này lại mọc trĩ ở trên đầu mũi, lạ thật!

— Mọi người nghe tiếng đều cười ầm cả lên Tiền Tử-Cán thời cho là những con hát giang-hồ nó quen thói nhạo-báng, cũng chẳng lấy chi làm quái lạ. Y lại trông thấy Mai Anh người đẹp trai xinh xắn như măng nõn, liền động ngay tình dâm-dục, cười ha hả mà rằng:

— Nhà ngươi có khúc hát gì hay, hát lên cho ta nghe, ta sẽ ban cho trọng thưởng.

Mai Anh liền khua thanh-la lên, Mai tiểu-thư cũng đánh lên một hồi trống. Tiểu-thư vừa lên giọng hát một câu rằng: « Chị em ta» Tiền Tử-Cán xua tay mà rằng:

— Thôi thôi mi đừng hát để cho em mi hát xem thử nào.

Mai Anh bèn theo điệu mà hát lên rằng:

Phụng-dương vừa tới, gặp biết bao vương-tôn quí khách, thẩy bọn dung-tài.

Nào được như ngài, phong-lưu khí-khái, thích thảng tình-hoài.

Mải tìm hoa, đạp tuyết tầm mai.

Thú vui chơi tỏ mặt văn tài, không phải thô-tài.

Tử-Cán nghe rất câu hát liền trọng-thưởng cho Mai Anh, tuy rằng yêu Mai Anh là người nõn nà đẹp trai, song thấy y vũ-khí hiên-ngang cũng khó lòng mà trêu ghẹo được, vả lại sực nghĩ đến truyện ở Bác-la, chỉ sợ lại giở trò xấu ra, nên cái lòng dâm dục vụt biến lên mây xanh mất cả. Và lại thấy Mai Anh khen cái cách phong-lưu cái chí thảng-thích của mình, thời cũng cho là con người tinh mắt, sau cùng lại thấy khen mình là người văn-tài thi-bá, liền mừng nở mũi ra. Tử-Cán nguyên là anh có tiền luồn lỏi mua được cái tú-tài, kỳ thực trong bụng chẳng có một chữ nào, làm câu thơ cũng không thông Lạ thay những người dốt, lại hay làm bộ thông-thái, để loè người đui mù ngu dốt ở chốn thôn quê mong người ta khen mình là bậc văn-nhân tài-tử Mà những người ngu dốt nhà quê. hễ gặp người phú quí thời coi như bậc thần-tiên; gặp người văn-nhân thời coi khinh thường rẻ rúng. Cho nên không kể chi Tử-Cán công danh hiển-đạt ra làm sao, chỉ tán anh ta là người lắm ruộng nhiều tiền, chớ không ai tán anh ta là người văn nhân thi-bá Tử-Cán lại không thích người ta khen mình là ông phú-hộ, chỉ thích người ta khen mình là khách văn-nhân thường thường đối trước mặt mọi người, hoặc mua bộ sách hoặc mua cái bút, làm bộ ra điều ta là người mặc-khách tao-nhân. Nhưng mà lỗ tai con mắt bọn dân quê chỉ vì hai chữ kim-tiền làm loè điếc đi mất cả, hễ thấy Tử-Cán mua sách mua bút thời chỉ tán rằng tiền bạc nhà ông ấy sao mà giàu có thừa thãi làm vậy. Tử-Cán nghe những tiếng khen ấy vẫn lấy làm tức, nhưng cũng phải ngậm bồ-hòn làm thinh. Nay chợt nghe thấy Mai Anh khen mình là «Rõ mặt văn tài, không phải thô-tài » chính gãi ngay vào chỗ ngứa, lấy làm thích ý lắm, liền đứng ngay dậy cầm tay Mai Anh mà rằng:

— Anh thực là người tri-kỷ với Tiền Tử-Cán này lắm. tối hôm nay xin mời về nhà tôi uống rượu chơi.

Mai tiểu-thư nghĩ là hắn lại khởi bụng tà-tâm như lần trước bèn cười mà rằng:

— Chị em chúng tôi không có nền nếp gì cả, không dám vào trọ nhà ông, sợ đi vào có điều gì xông đột lại làm không tiện cho nhà ngài chăng?

Tử-Cán nói:

— Đã là bạn hát giang-hồ, thời thực là người khôn khéo lọt vành, có điều gì xung đột mà sợ, hôm nay thế nào cũng phải vào không thể trối từ được.

Mai Anh trông vào tiểu-thư mà rằng:

— Chị tính thế nào?

Mai tiểu-thư nói:

— Ông ấy đã có lòng tốt, thời ta cứ đi.

Tử-Cán cả mừng mà rằng:

— Thư-thư thật là lanh-lợi lắm!

Ba người cùng đưa nhau bước ra ngoài tiệm, đi về nhà Tử Cán, ngồi yên đâu đấy, tên nhỏ bưng nước ra, uống xong. Liền thấy tên Ả-hoàn tự nhà trong chạy ra thưa với Tử-Cán rằng:

— Cô-nương tôi với đại tú-nương nghe tiếng có phường hát hoa-cổ hát hay, muốn gọi vào nhà trong hát một bài, vậy sai tôi ra thưa với ông bảo cho.

Tử-Cán chưa đáp trả lời. Mai tiểu-thư liền đứng dậy thưa rằng:

— Tôi xin vào nhà trong chào đại-tú-nương và cô-nương cho phải phép.

— Tiểu-thư nói rứt lời, liền đến dắt tay Ả-hoàn cùng đi vào nhà trong. Khi vào đến nhà nội-đường, trông thấy Tiền đại-tú-nương-nương ước chừng độ hơn hai mươi tuổi, nhan sắc cũng tầm-thường. Lại trông thấy Tiền cô-nương ước chừng độ mười sáu mười bảy tuổi, rõ ra vẻ: Nét mặt hoa lê đặm, chiều lưng lá liễu xinh, lan còn thua sắc đẹp, ngọc cũng kém chiều thanh.

Mai tiểu-thư vào thi-lễ chào xong, rồi ngồi xuống Tiền cô-nương cứ để mắt nhìn vào Mai tiểu-thư tròng trọc. Mai tiểu-thư biết ý, mỉm cười mà hát lên rằng:

Tự Phụng-dương, em tới đây.
Gặp biết bao ả mặt phấn mày ngài, tốt bộ bề ngoài.
Sao được như cô-nương, thiên-nhiên vẻ đẹp, lọ là phải phấn sáp như ai.
Phong-tình rất mực vẻ hồng-mai đẹp tuyệt vời!
Nọ khách Thiên-thai, hay gái Dương-đài.

Tiền cô-nương và Tiền cô-tẩu hai người nghe giọng Mai tiểu-thư hát du-dương uyển-chuyển, tiếng hát thanh-cao như rót vào tai đều cả mừng giữ ngủ ở nhà trong chớ không cho ra nhà ngoài nữa. Đến đêm Tiền cô-nương dắt Mai tiểu thư cùng ngủ, hai người nói chuyện với nhau rất là tương-đắc.

Nói về Mai Anh ngồi ở nhà ngoài trông thấy đôi bên tường treo vô số cung tên đao kiếm. biết rằng Tiền Tử-Cán thích nghề võ, bèn trỏ mà hỏi rằng:

— Chẳng hay cng kiếm kia là của ngài để dùng đó phải không?

Tử-Cán bèn tự khen lấy mà rằng:

— Tiểu-đệ chẳng có nghề gì giỏi cả, chỉ có nghề cung-kiếm ấy, tất cả học trò tám phủ đây, ai cũng phải phục

Mai Anh nghe thấy ý nói khoác muốn thử tài xem sao, liền nói đỡ lên rằng:

— Trông người ông to lớn hùng-vĩ như thế, hẳn là trang anh-hùng, xin ông dậy bảo cho một vài bài đẻ khỏi phụ phen kỳ-ngộ này được hầu tiếp tôn-nhan thời tôi lấy làm mừng lắm!

Tử-Cán nghe nói liền ngứa nghề ngay lên, đứng dậy mà rằng:

— Chỉ sợ đại-phương kiến-tiếu mà thôi, nếu đã không hiềm nghề mọn, thời xin mời ngô-huynh ra chơi vườn tập-xạ này.

Mai Anh cả mừng, cùng dắt nhau ra vườn. Tử-Cán liền lấy cung trăm thạch giương ra, không nói nhường nhịn gì cả, rút ngay tên ra lắp lên cung bắn luôn ba phát. tuy ba mũi tên ấy cắm ngay lên trên bia, song không tin gì vào hồng-tâm cả. Mai Anh mỉm cười mà rằng:

— Quả nhiên ngài bắn giỏi, dẫu Dưỡng Do-Cơ cũng không hơn được.

Tử-Cán thấy Mai Anh khen mình, hớn hở lấy làm đắc ý lắm. Mai Anh liền dỡ lấy cung mà rằng:

— Xin cho tiểu-đệ thử vài mũi tên xem sao.

Tử-Cán nói:

— Anh cũng biết bắn à! Ừ bắn thử xem cũng hay.

Mai Anh bèn đủng-đỉnh giương cung lắp tên lên, dùng lối liên-châu bắn luôn ra ba phát tin thấu suốt hồng-tâm. Tử-Cán giật mình lien bái tạ mà rằng:

— Tiểu-đệ nhục-nhãn không biết người anh-hùng, dám tự khoe khoang, thực là thẹn chết đi được.

Mai Anh vội vàng đỡ dậy mà rằng:

— Đó chẳng qua là cái nghề mọn, ông tha cười cho là tốt, sao ông lại quá khiêm-nhường làm vậy.

Nói xong, hai người cung dắt nhau vào nhà nội-đường. Tiền Tử-Cán từ bấy giờ lại càng kính trọng Mai Anh, bày tiệc khoản-đãi. Ngày hôm sau Mai Anh cùng tiểu-thư từ biệt Tử-Cán ra đi. Tử-Cán lưu thế nào cũng không ở lại, bèn đưa tiễn ra khỏi trại mà trở về. Mai Anh bèn theo con đường tắt đi về Triệu-khánh, đi độ vài ngày đến thành Triệu-khánh, trông thấy trên thành bày dàn cờ xí nghiêm-chỉnh, có một quan Thiên-tổng đóng ở đó để tra xét người đi lại. Trông thấy hai chị em Mai Anh đến cửa thành, liền thét quân-sĩ giữ lại không cho đi.

Mai Anh nói.

— Lũ chúng tôi là phường hát đả-hoa-cổ đây mà.

Quan Thiên-tổng thét lên rằng:

— Mày không xem yết-thị đấy à! phàm người nói tiếng khác mặc áo lạ, đều phải bắt giam cứu cả; mày nếu không phải bọn phường hát đả-hoa-cổ, thời tao bắt đem giải mày đến quân-môn trị tội ngay tức thì!

Mai Anh cười mà rằng:

— Chúng tôi xông-đột khắp các nơi phủ huyện, cho đến-Nam-kinh, Bắc-kinh, trong một năm chúng tôi cũng đi qua đến bốn năm lần, chả thấy bọn nhỏ nhen nào lại làm bộ dậm dọa như vậy.

Thiên-tổng cả giận, thét gọi quân-lính ra đuổi bắt. Mai Anh thấy sự ngăn trở làm vậy, liền quay mình chạy trở ra cùng với Mai tiểu-thư tron đi mat. Khi ấy quân Thiên mã chửa hề động-binh, cớ sao thành Triệu-khánh ở đây lại phòng-thủ nghiêm-mật làm vậy? Nguyên là vì mưu-kế Đặng Bưu ở núi Gia-quế sai người đi các nơi nói phao lên rằng quân giặc Ngũ-hoa ở núi Thiên-mã sắp sửa khởi binh đến lấy tỉnh-thành, Súc-Nục nghe thấy tin ấy sợ có quân do-thám nó lẻn vào chăng, nên mới sức đi các nơi bến đò cửa ải phải phòng-thủ cho nghiêm mật, xét hỏi những người lạ mặt. Nếu không phải chức Thiên-tổng ấy ngu-ngơ, mà Mai Anh nói không giảo-hoạt, thời không khỏi bị bắt được. Mai Anh đi khỏi rồi bàn với chị rằng:

— Nay ta đã không vào được tỉnh thành, thời ở lại đây cũng vô-ích, gì bằng ta hãy trở về, rồi sẽ bàn tính sau.

Mai tiểu-thư nói:

— Em nói phải đấy!

Hai người liền theo đường trở về sơn-trại, vừa đi đến đất Lục-bộ, thấy một lũ bách-tính kẻ cõng trai người dắt gái kéo lũ lượt chạy như đàn ong, vừa đi vừa kêu khóc nói rằng: Có quân giặc Thiên-mã kéo lại cướp phá. Nguyên bọn giặc đó là một bọn côn-đồ vô-lại họp đảng lại tự xưng là quân chúa Thiên-mã, rồi thừa thế đi cướp lấy của cải, bắt hiếp con gái. Chị em Mai Anh đi đến Việt-thành, chợt thấy một bọn cường-đồ đương đón bắt lũ bách-tính, thét lên mà rằng: « Đại quân chúa Thiên-mã ở đây! biết điều ra thời phải bỏ tiền của con gái lại đó, thời mới đi thoát được. » Bọn ấy đương cầm gươm giáo ra oai dậm doạ. Chị em Mai Anh vừa tới nơi nghe thấy thế cả giận mà rằng:

— Quái thay quân côn-đồ này dám giả danh làm bậy, làm mất cả danh-giá mình đi.

Nói rồi liền lấy trùy lưu-tinh ra vung lên đánh vào mặt tên đầu đảng vỡ toác đầu ra mà chết. Bọn côn-đồ bèn reo ầm lên bỏ bọn bách-tính mà xông lên, chị em Mai Anh đều vung trùy ra đánh tan ba bốn trăm côn-đồ như gió thổi hoa bay, tan tác chạy trốn đi sạch. Quân côn-đồ đã chạy tan rồi, thời vừa trông thấy người con gái ngồi trong xe gọi to lên rằng:

— Mai tiểu-thư cứu tôi với!

Mai tiểu-thư nghe tiếng chạy lên xem thời là Tiền cô nương Nguyên là nhà họ Tiền nghe tin quân trại Thiên-mã kéo đến. hàng xóm láng diềng đều trốn đi sạch cả. Tiền Tử-Cán cũng hoang-mang thu-nhặt gia-tài chứa vào xe chở đi. Lại sắp một cái xe để cho Tiền đại-tú nương-nương và Tiền cô-nương đi, còn mình thời cưỡi ngựa cùng với hai ba mươi tên đầy tớ đi theo định sang nhà Dương Thiên-tổng ở thành Triệu-khánh để tị-nan. Khi đi đến Việt-thành gặp một bọn côn-đồ ra đón đường. Tử-Cán thất-kinh ngã ngựa, may gặp chị em Mai tiểu-thư đánh tan bọn giặc cứu thoát cho cả tính-mệnh một nhà. Mai Anh trông thấy Tử-Cán nằm phục ở mặt đất run cằm-cặp vội vàng bước tới đỡ dậy. Tử-Cán thấy quân giặc đã chạy tan rồi mới hơi hoàn-hồn. đứng dậy lạy tạ chị em Mai Anh. Tiền cô-nương liền nắm lấy Mai tiểu-thư cả khóc mà rằng:

— Dám xin Mai thư-thư đưa chị em tôi vào thành Triệu-khánh với.

Mai tiểu-thư nói:

— Nay thành Triệu-khánh phòng-bị tra hỏi nghiêm-mật, làm thể nào mà vào được.

Tiền Tử-Cán nói:

— Tiểu đệ nguyên có người biểu-huynh ở đấy làm chức Thiên-tổng, tiểu-đệ đã sai người đi báo tin cho y trước, hễ chúng tôi đến thời y ra ngoài thành nghênh-tiếp.

Mai tiểu-thư cả mừng mà rằng:

— Như thế thời hay lắm, hai chúng tôi đã định vào tỉnh-thành để tránh giặc, nhưng phải quân cẩu-trệ kia ngăn cấm không cho người lạ mặt vào thành. Nay cô-nương đã bảo hai chúng tôi đưa vào thành, thời xin cô-nương cho chúng tôi mượn hai bộ áo để cho chúng tôi cải-trang đi thời mới có thể đưa cô-nương vào thành được.

Tiền cô-nương cả mừng vội vàng lấy hai bộ áo đưa cho hai chị em Mai tiểu-thư cải-trang rồi nhận làm bọn người nhà đi đến thành Triệu-khánh. Khi đến cửa thành thời Dương Thiên-tổng vẫn chờ ở đó; Tiền Tử-Cán xuống ngựa vào tương-kiến, Dương Thiên-tổng nói với quan giữ cửa biết sự-tình; Tiền Tử-Cán lại đưa ít tiền lễ ra làm quà cho quan giữ cửa; quan giữ cửa liền cho cả bọn nhà Tử-Cán vào thành, rồi tìm một nhà trọ cho hai chị em Mai tiểu-thư cùng ở đó.

Nói về Đốc-phủ Súc Nục nghe tin của Đặng Bưu cho đi nói phao thất-kinh, vội vàng sức đi các xứ cửa ải bến đò phải đề-phòng cho nghiêm cẩn; và họp cả các quan lại để bàn-định kế sách phòng giặc. Bàn định chưa xong thời những công-văn ở châu Đức-khánh, Triệu-khánh báo tin cáo-cấp về như bươm-bướm, bảo rằng trại Thiên-mã khởi lên đến sáu mươi vạn binh xung sát sắp kéo đến nơi, làm cho Súc Nục mặt xám như gà cắt tiết, không biết nghĩ giở kế gì cả. Khi ấy có quan Tuần-phủ Đới-Diệu đương đêm gọi cửa viên-môn vào yết kiến Súc Nục nói rằng:

— Nay sự đã kíp lắm rồi! Đại-nhân phải kíp phát binh cho ra đóng ở Lục-bộ, kiên-thành thanh-dã, giữ vững đó chớ đừng giao-chiến với giặc vội, để cho quân giặc tiến lên không đi được, lui về không cướp lấy gì được: rồi sau ta thừa khi nó tan về, ta theo sau mà đánh, có thể toàn-thắng được. Nếu cứ nhùng nhằng trông ngóng, hồ-nghi bất-quyết, hễ mà thành Triệu-khánh thất thủ, thời tỉnh thành này cũng đáng lo lắm!

Súc Nục nghe nói giật mình mà rằng:

— Tiên-sinh nói thực là lời vàng đá!

Liền sức phát 30 vạn quân thủy bộ đều tiến lên. Lại sức cho quan tổng-binh Triệu-khánh là Đỗ Tung phải thâu đêm đem quân đến đóng ở Lục-bộ giữ chẹn các con đường yếu-hại, để đợi đại-binh kéo đến đóng dàn ra năm trại lớn, đào hào đắp lũy, trong bày nỏ lớn súng to để phòng-bị. Xếp-đặt vừa xong, thời bỗng dưng nghe thấy tiếng súng nổ, quân trại Thiên-mã đâu đã kéo đến như nước trẩy, chực xông vào phá lũy. Quan quân trông thấy ai cũng run lên cầm cập. Súc Nục vội vàng liền sai bắn súng, quân-sĩ ở trong trại liền mở máy súng lớn ra bắn vài trăm phát tiếng vang rầm trời. Vạn Nhân-Địch bèn hồi chiêng thu quân lui cách ra ngoài hơn một dặm lập trại. Ngày hôm sau lại đem quân đến đánh trại quan quân, song vì thành lũy bền chặt, súng nỏ xâm-nghiêm Vạn Nhân-Địch đánh luôn ba ngày không vỡ không biết làm thế nào, chợt nghe báo tin có quân-sư đến, liền ra nghênh-tiếp, đón vào trong quân yến-lạo. Gia-Cát Đồng hỏi rằng:

— Mấy hôm nay đã có giao-chiến trận nào không?

Vạn Nhân-Địch nói:

— Mấy hôm nay quan quân không có ra ngoài trại giao chiến lần nào cả, tiểu-tướng có đem quân đến đánh phá thành lũy, nhưng trong trại họ đã phòng bị súng nỏ, không thể đánh vào được, xin quân-sư hoạch-kế trỏ bảo cho.

Gia-Cát Đồng nghe nói liền đứng dậy ra ngoài trại lên xe bốn bánh đem vài viên kiện-tướng theo hầu, đi vòng quanh trại quan quân xem qua, rồi trở về truyền-lệnh đem năm vạn tinh-binh lui đến Việt-thành mai-phục ở đôi bên tả hữu, hễ nghe hiệu súng nổi, thời Thạch tướng-quân ra đàng trước chẹn đường quan quân kéo về; Thiết tướng-quân thời đánh bừa vào giữa trận cho tan nát ra. Vạn Nhân-Địch thời đem năm nghìn quân nhu nhược đợi ta trao cho kế cẩm-nang rồi cứ y kế mà ra khiêu-chiến dụ giặc. Lại giao cho viên tì-tướng một kế cẩm-nang lẻn đi họp với Đồng Miêu-Công rồi cứ y kế mà làm. Gia-Cát Đồng dặn bảo xong đâu đấy rồi cùng với Tống Kim-Cương thống lĩnh binh mã đại-đội đến đóng đồn ở Mã-khư. Lại sai mười viên tì-tướng đều đem 3000 quân đi đến các làng bắt lấy dân phu không kỳ kẻ già người yếu bắt cho đủ 6000 người giải về bẩm mệnh. Các tướng vâng lệnh kéo quân đi các ngả, không đầy ba ngày, bắt giải nhân-dân về trong quân dâng nộp. Gia-Cát Đồng lấy lời ngon ngọt phủ dụ, ban cho cơm rượu ăn uống, rồi chia ra làm ba trại mỗi trại 2000 người. Lại truyền lệnh rao trong bọn bách-tính hễ có người nào hào-kiệt làm được nguyên-soái thời báo-danh lên sẽ thăng thưởng cho. Quân-lệnh truyền ra, trong đám bách-tính có những kẻ tử-đệ kiệt-ngạo sinh muốn làm giặc liền ra báo tên. Gia-Cát Đồng bèn chọn lấy kẻ nào phẩm-cách hiên-ngang, cho ba người làm nguyên-soái, và ban cấp cho mũ kim-khôi ngù đuôi trĩ, áo cẩm-bào, giáp ngân-khải, và ngựa cùng đồ binh, rồi phân ra thống-lĩnh các toán dân-binh; còn mấy tên nữa thời cho làm tướng-quân, chúng đều lấy làm vinh-diệu mừng rỡ, ra đến trại dân-binh ngất-ngưởng ngồi trên trướng, điểm-kiểm dân-binh làm bộ tác-uy tác-phúc, bắt bách-tính tôn-xưng mình là đại-vương. Ngày hôm sau, Gia-Cát Đồng gọi Tống Kim-Cương sẽ ghé tai dặn bảo mấy lời, rồi trao cho một kế cẩm-nang, đem áp-giải 2000 dân-binh đến trại Vạn Nhân-Địch, Tống Kim-Cương đến nơi đem kế cẩm-nang và lời mật-ngữ bảo cho Vạn-Nhân Địch biết

Vạn Nhân Địch vội vàng ra ngoài trại nghênh tiếp quan nguyên-soái bọn dân binh, rồi đặt tiệc khoản đãi, đem lời phỉnh-nịnh các quan nguyên soái, mấy viên nguyên-soái trong bọn dân-binh đều lấy làm tự phụ hăng hái lắm Tống Kim-Cương cáo từ trở về trại. Ngày hôm sau cũng không thấy quan-binh ra giao-chiến. Đến hôm sau nữa, Vạn-Nhân Địch bèn đem dân-binh đến trước trại quan-quân thống-mạ một hồi, cũng không thấy thò ra. Vạn Nhân-Địch bèn cho quân lính đi cướp lấy trâu rượu đem đến trước trại quan-quân mổ thịt, cổi trần ra uống rượu, có đứa say rượu nôn ọe cả ra, quan-quân cũng cứ phó mặc. Ngày hôm thứ ba, Vạn Nhân-Địch bèn cho quân-lính đi đến các làng bắt lấy đàn bà con gái năm sáu trăm người đem đến trước trại lột trần truồng ra cho quân lính dâm hiếp, hễ người nào chết thì ném xuống hào ở trước trại quan-quân. Quan-quân trông thấy đều rùng mình khiếp-sợ lấy làm thương-thảm, làm cho Dương Kiệt là một viên khi trước Súc Nục cho làm Tuần-dao quan-sát-sứ, nay trông thấy sự thương-thảm ấy phải tức giận lên, một mình xin vào yết-kiến nói với Súc-Nục. Súc-Nục bảo rằng:

— Nay quân mán-mèo phong nhuệ đương hăng-hái, nếu mình khởi-động lên, thời sợ mắc phải mưu-kế, bây giờ chỉ nên phòng-thủ cho nghiêm mật; để đợi cho nó hết lương không cướp lấy vào đâu được, thời tự khắc nó phải lui, bấy giờ ta đem binh đuổi đánh, thời hẳn được toàn-thắng, ấy là cái kế sách Lục Tốn đánh phá Lưu Bị đó, tướng-quân hãy nên tĩnh để đợi xem.

Dương Kiệt nói:

— Đại-nhân nghĩ thế là lầm, nay quân mán mèo nó nhân có sẵn lương-thực của dân, chớ có ví như Lưu Bị đâu. Nếu đợi cho nó hết lương mới ra đuổi đánh thời nhân-dân ở về phía tây này không còn nòi giống nữa. Xin đại-nhân coi dân như con đỏ cấp cứu cho lúc hiểm-nguy này, ti-chức xin làm quân tiền-khu, dẫu chết cũng không oán.

Dương Kiệt nói xong, Súc-Nục chẳng nói chi cả, bởi vì từ trận đánh Lệ-pha, Súc-Nục phải Lý công chúa chỉ tám trăm quân đánh đổ hai mươi vạn quân của y, nên y nghe thấy tiếng quân mán mèo đã sợ khiếp đi rồi. Huống chi quân giặc Ngũ-hoa lại hung tợn hơn quân trại Gia-quế, nay khởi đến sáu mươi van quân kéo lại, nghe thấy đã hết hồn đi rồi, nên Dương Kiệt nói sao y cũng không nghe. Dương Kiệt hăng lên nói rằng:

— Nếu đại-nhân không chịu ra đánh, thời xin đại-nhân cho tôi ba vạn quân, để tôi thử ra thăm xem quân giặc mạnh yếu thế nào, rồi đại-nhân hãy phát binh ra đánh

Súc Nục thấy Dương Kiệt tự xin ra thám giặc, vậy cũng nghe lời y cấp cho ba vạn quân, cho mở cửa thành ra đánh Vạn Nhân-Địch thấy quan quân ra khai-chiến, cả mừng, liền hô quân lui đến Nhất tiến bày dàn trận thế nhường cho quan binh kéo ra, Dương Kiệt thúc ngựa múa đao xông lên đánh. Vạn Nhân-Địch liền truyền cho nguyên soái dân binh ra nghênh-địch Dương Kiệt tuy là hăng-hái song cũng chẳng có tài võ nghệ gì, trông thấy tướng bên giặc đầu đội kim-khôi, mình mặc ngân-khải, vẫn tưởng là chúa mán tất là tay võ-nghệ giỏi, đã hơi chột dạ trùng tay, sau Dương Kiệt xông vào giao đấu một vài vòng, thấy tướng bên giặc võ-nghệ có phần-kém xa, bèn cả gan múa đao xông vào, tướng giặc giở mình không kịp, bị Dương Kiệt chém phăng làm hai đoạn, và chém phăng đứt đôi cả mình ngựa của tướng ấy cưỡi. Dương Kiệt đắc ý cả mừng, múa đao lên vẫy gọi quan quân đổ xô ra xung sát. Vạn Nhân-Địch liền bỏ toán dân binh, vứt cả mũ khôi áo giáp mà chạy trốn. Toán dân-binh kinh khiếp ngơ ngác cả lên, muốn chạy không thể chạy được; quan quân xung sát đến nơi, vung đao ra chém bừa đi, hai nghìn bách-tính giết không còn sót một mống nào cả. Dương Kiệt đắc-thắng hồi trống thu quân. Khi trở về trung-quân, Súc Nục thân ra nghênh-tiếp, mừng rỡ mà rằng:

— Hôm nay nếu không phải tướng-quân là người trung-tâm vị nước, tự xin ra đánh giặc, thời bản-chức xuýt nữa bỏ mất một người anh-hùng.

Nói rồi, ban thưởng cho Dương Kiệt ba chén rượu. và tức thời thăng cho làm Tả-tiễu du-kích. Dương Kiệt cả mừng.

Ngày hôm sau, Vạn Nhân-Địch cho người đến quân-sư xin cho thêm binh. Quân-sư Gia-Cát Đồng lại cho 2000 dân-binh. đến trước trại quan quân để khiêu-chiến. Dương Kiệt lại hăng hái xin ra đánh. Súc Nục lại phân cho ba vạn binh cho mở cửa thành ra đánh. Dương Kiệt trông thấy tướng giặc thét to lên mà rằng:

— Những quân giặc mán này giết còn chưa hết, hôm nay phải giết cho sạch, không cho sót mảnh giáp nào mà trở về nữa mới nghe!

Nói rồi, liền múa đao thúc ngựa xông vào, Vạn Nhân-Địch lại sai một viên nguyên-soái dân-binh ra đối địch, chưa giao-chiến được và hợp thời viên nguyên-soái liền bị Dương Kiệt chén chết tươi. Quan-quân thấy Dương Kiệt lại thắng trận, đổ xô ra xung sát. Vạn Nhân-Địch lại quay ngựa chạy trốn, quân mán chạy nhanh như cắt, còn hai nghìn dân-binh đổ xô nhau lại một đống, tha hồ cho quan quân băm chém như dưa, giết sạch không còn sót một mống nào cả. Dương Kiệt lại hồi trống thắng-trận kéo quân trở về, đều múa tay mà hát lên rằng:

Thiên tử có đức,
Đốc-phủ có oai.
Giặc mán dẫu mạnh,
Đánh cho thua hoài
Đốc-phủ có oai,
Thiên-tử có đức
Giết quân hung-đồ.
Sạch như quét đất

Súc Nục thân ra ngoài cửa trại nghênh-tiếp, nắm lấy tay Dương Kiệt đều giong cương ngựa mà đi, vào đến trung-quân ngồi yên đâu đấy, Súc Nục nói rằng:

— Nếu được chư-tướng đều như tướng-quân anh-hùng cả, thời giết quân giặc mán kia có khó gì!

Nói rồi thăng Dương Kiệt lên làm Tham-tướng Chư-tướng thấy Dương Kiệt mới trong hai ngày làm lên đến Tham-tướng, đều ngứa ngáy muốn sinh nghề mình. Ngày hôm sau lại nghe thấy quân giặc đến trước trại khiêu-chiến. Chư-tướng đều đồng-thanh nói lên rằng:

— Chúng tôi xin ra đánh.

Súc Nục thấy chư-tướng đã nức lòng, trong bụng nghĩ mừng thầm rằng nay chư-tướng đã phấn-chấn, có thể ra đánh một trận được; bèn trông vào chư-tướng mà bảo rằng:

— Nay chư tướng-quân đều muốn ra quyết-chiến cả, vậy bản-chức khởi hết cả quân năm trại, thân ra cầm hiệu trống, để cùng với quân giặc mán này đánh một trận cho quyết thư hùng! Chư-vị tướng-quân đều nên gắng sức xông pha, hễ ai có được một công nào thời thưởng ngay cho công ấy, cũng như là Dương tướng-quân mới rồi, ta quyết không sai lời đâu!

Chư-tướng cả mừng đều sắn áo ray tay, chỉ chực đợi lịnh trên điều-bát. Súc Nục trước tiên điều-khiển ba vạn binh-mã cho Dương Kiệt mở cửa thành đem đi trước, còn đại-binh thời lục-tục kéo đi sau, dàn bày ra thành trận-thế. Cửa cờ mở ra, Dương-Kiệt nhẩy ngựa hô lên rằng:

— Chư-tướng, ai có can-đảm thì theo ta ra đây!

Chư-tướng đều reo lên một tiếng đua nhau hăng-hái xông ra trận. Vạn Nhân-Địch liền quay ngựa tháo chạy, chớ không đợi phải đến giao-phong, Dương Kiệt thét to lên rằng:

— Tên tướng giặc kia có chạy đi đàng trời!

Đương lúc săn đuổi, chợt thấy một đội quân xông ra, viên thủ-tướng đầu đội mũ kim-khôi, mình mặc giáp ngân-khải, thúc ngựa ra nghênh-địch; liền bị Dương Kiệt vung đao ra chém, ngã quay xuống dưới ngựa. Quan quân liền xô sát xông lên, hai nghìn dân-binh lại bị quan quân giết sạch cả. Dương Kiệt một mình ruổi ngựa tế đi như bay. Súc Nục thấy Dương Kiệt thắng liền hai trận, bèn khu cả đại-binh đuổi theo sau, hạ lịnh trong quân rằng: «Hễ tiến lên một bước thời được thưởng, mà lui xuống một bước thời phải chém!» Quân-sĩ được lịnh ấy đều tranh nhau tiến lên ầm ầm như sấm vang gió ruổi. Đương lúc theo đuổi, chợt nghe một tiếng pháo nổ, thời thấy Gia-Cát Đồng thống-lĩnh đại-tướng là Tống Kim-Cương ra chắn ngang đường.

Dương Kiệt nghiến răng nghiến lợi mà rằng:

— Quân tặc-nô kia xem đao ta đây này!

Kim-Cương cũng cả giận mà rằng:

— Quân cẩu-đạo kia thôi đừng chạy nữa.

Nói rồi liền xông vào giao-phong đâm ngay cho Dương Kiệt một mũi đao thấu đàng trước ra đàng sau ngã lăn xuống ngựa. Quan quân kêu lên một tiếng, đều chạy giật lùi lại. Gia-Cát Đồng chỉ huy ba quân. đuổi theo sau chém giết. Quan quân giầy séo lẫn nhau mà chạy. Súc Nục cả kinh, kíp truyền hậu-quân lui chạy; lại chợt nghe một tiếng pháo nổ, có một toán quân ra chặn ngang đường. Súc Nục đương lúc hoang-mang, chợt đâu toán quân ấy xông đột đến nơi, thế không thể át được, phải quân thiết-kỵ tung-hoành giầy séo, quan quân bị giết, máu chẩy đầy sông, thây chết đầy đường. Súc Nục không biết chạy đường nào, một mình một ngựa chạy về hướng nam. Đương lúc mải chạy thì chợt đâu một tướng như thiên-thần hiện ra chặn ngang đường thét to lên rằng:

— Tướng tiên-phong trại Thiên-mã là Vạn Nhân-Địch ở đây!

Thét rứt lời, múa ngọn thương lên xông vào đâm. Súc Nục thất-kinh kêu lên một tiếng ngã lăn xuống ngựa. Chợt đâu có một tướng xông lại, thét to lên rằng:

— Chủ-soái chớ hoảng, đã có Trần Cao ở đây!

Liền múa đao ra giao-phong với Vạn Nhân-Địch, hai người giao-chiến đến năm mươi hiệp. Sau Trần Cao phải Vạn Nhân-Địch đâm cho một mũi thương chết liền. Súc Nục thời lột bỏ cả mũ áo, lẩn vào trong đám bại-quân mà chạy trốn. Khi chạy về đến trước trại, trông thấy khói lửa cháy rực trời. Nguyên là Đồng Miêu-Công dụng được bọn quân Côn-luân-nô sai lặn xuống nước đục thủng chiến-thuyền của quan-quân đóng ở bên sông. Quan-quân náo-động kêu ầm lên, Miêu-Công thừa thế đánh xông vào, phá tan thủy-trại; bèn đánh xông lên bộ, tiến vào đàng sau trại phóng hỏa đốt lên, lương thảo năm trại đều bị cháy sạch cả. Súc Nục không dám đảo vào trại nữa. phải quay về hướng bắc mà chạy, lại chợt gặp một toán quân ra chặn đường. Súc Nục thất kinh kêu lên rằng:

— Trời ơi! chết mất rồi!

Kêu rứt lời ngã lăn xuống đất.