Lĩnh Nam dật sử/Tiền biên/Tựa của Chiêu Văn Vương

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Theo Wikipedia thì Lĩnh Nam dật sử vốn là tiểu thuyết Trung Quốc được xuất bản năm 1794 dưới thời Càn Long. Tác phẩm này bị ai đó "chế biến" lại, thay đổi tên tác giả (gán cho Ma Văn Cao và Trần Nhật Duật), sửa chữa chút ít về nội dung và bài tựa, nhằm biến tiểu thuyết Trung Quốc thành tiểu thuyết Việt Nam. Xem cụ thể ở trang thảo luận.

TỰA CỦA CHIÊU-VĂN-VƯƠNG

Sử-ký là một thể thuyết-văn để ký-sự, có sách quốc-sử, có sách Dã-sử. Quốc-sử chép những sự thực-lục các triều, đủ mà không nhàm, kỹ mà có thể, thực là hay lắm. Sách dã-sử chép cả những sử kẻ hiền người gian ở chốn ngõ hẻm, quân cướp kẻ trộm ở chốn sơn-lâm. Xưa nay làm ra sách ấy cũng nhiều, song phần nhiều là lời hủ-sáo, sự hoang-đường; cần lấy một quyển sách tâm-kỳ dị-dạng mà lắm truyện biến-ảo vô-cùng, thời thực là hiếm có vậy.

Ta sinh gặp đời thịnh, thác ấm cành vàng, học tập Thi Thư, vốn cũng có chút thiên-tính, ngoài sự thực-học ta có xem khắp cả các sách ngoại-thư, đến cả tiếng mán tiếng mèo, chữ mường chữ thổ, cũng xem hiểu cả. Đương thời các bậc danh-công cự-khanh, hiền-nhân quân-tử, thường cười ta là vu-khoát, ta cũng chẳng cãi lại làm chi, chỉ một niềm nhẫn-nại, cốt giữ chí-tháo cho bền mà thôi.

Tháng mười năm canh-thìn (niên hiệu Thiệu-bảo thứ hai đời vua Nhân-tôn nhà Trần, tức là năm Chí-nguyên thứ 17 đời nhà Nguyên, lịch tây 1200), vì trong nước nhiều việc, kẻ đầu-mục; thổ-tù ở Đà-giang tên là Giốc-Mật làm phản, vậy có tờ chiếu cầu kẻ thông-hiểu tiếng mán để sai đi hiểu-dụ. Xét tất cả các quan trong triều và các hàng tướng-tá khó tìm thấy được một người, bởi vậy ta được ứng-tuyển, trên nhờ có thiên uy đem tờ minh-chỉ đi hiểu-dụ. Giốc-Mật thấy ta nói được tiếng mán hiểu được phong tục của họ, vả lại thấy ta có bụng truân thành nghĩa-khái, bèn đem cả quân-chúng về đầu-hàng. Sau khi sự đã yên rồi, ta vẫn lấy lòng tin-thực tiếp-đãi, cho nên thường cùng với Giốc-Mật đi lại vào mãi trong sào-huyệt các đỗng, tù-trưởng trong các đỗng đều theo về hàng-phục cả, vậy ta phải miệng nói tiếng mán, mũi uống rượu cần, suốt ngày thù-tạc với bọn tù-trưởng không lúc nào rồi. Đến khi ta sắp sửa phụng chiếu ban-sư, trước khi ra về. Giốc-Mật có bày tiệc tiễn, trong khi tiệc rượu, trưởng đỗng Dịch-sơn là Ma Văn-Khái 麻 文 槪 (tục danh Mường Cầm) có đem ra một quyển sách của ông tổ năm đời là Ma Văn-Cao 麻 文 高 soạn ra, đưa tặng cho ta, ta nhận lấy xem, thời thấy chữ viết chi-ly, lời nói líu-lo, xét cùng ra mới biết là văn rất khúc-chiết, sự rất ly-kỳ, không kể sao cho xiết, mà chủ-não trong truyện này là người thôn Đào-hoa quận Thanh-sơn, châu Phong tên là Hoàng-Quỳnh. Ta được quyển này lấy làm quí báu lắm, đem về dịch ra chữ Hán, đặt nhan là Lĩnh-Nam dật-sử. Ôi! văn-chương quí-hồ biến-hoá, có biến-hoá thời truyện mới tân-kỳ, văn trong dật-sử này ly-kỳ biến-ảo, không biết là mấy nghìn vạn trạng; xem như có người con gái mà anh-hùng, mà trung-hiếu, mà nghĩa-hiệp, mà hùng-đàm áp chúng, trí-tuệ kinh-nhân; tuy rằng truyện không lấy gì làm chứng-thực cho tin được, song thiên-biến vạn-hoá như truyện dật-sử này tài nào lại không có sự hoang-đường, nếu đem truyền lại về sau, tất cũng có người cho lời nói ta làm không lầm vậy.Nay tự

Ngày tháng chạp niên-hiệu Hưng-long thứ năm, năm đinh-tị (1297) Quốc-thân Chiêu-văn-vương Nhật-Duật viết bài tự này ở mái tây-hiên nhà vương-để.