Luân lý giáo khoa thư - Lớp Sơ đẳng/I/4
4. — Phải tôn kính và vâng lời cha mẹ.
Tôn kính cha mẹ là phải giữ lễ-phép với cha mẹ. Cách ăn nói, lúc đứng ngồi, phải giữ-gìn ý-tứ, không làm điều gì mất lòng và trái ý người.
Vâng lời cha mẹ là khi cha mẹ bảo điều gì thì phải nghe, không được cưỡng lại. Cha mẹ là người đã trải việc đời, dạy bảo ta điều gì, là mong cho ta hay. Vậy ta phải vâng lời cha mẹ. Người con biết tôn-kính và vâng lời cha mẹ, là người con có hiếu.
Tiểu dẫn. — Chuyện vua Trần Anh-Tôn.
Đời xưa, vua Trần Anh-Tôn, nhân ngày tết đoan-ngọ, uống
rượu say, bỏ việc triều-chính. Thái-thượng-hoàng đến thăm, thấy
vậy, tức giận, bỏ về. Khi vua Anh-Tôn tỉnh rượu, biết mình có
lỗi, vội-vàng làm biểu đem dâng Thái-thượng hoàng, rồi lạy phục
xuống sân mà tạ tội. Thái-thượng-hoàng quở mắng rằng: « Con
Trần Anh-Tôn tạ tội.
rượu-chè như thế, thật là trái đạo làm vua. Từ rày phải chừa
rượu đi. » Từ đó, Anh-Tôn vâng lời vua cha dạy, không dám
uống rượu nữa.
Ấy, bậc đế-vương còn giữ đạo hiếu như vậy, huống chi ta lại không biết tôn-kính và vâng lời cha mẹ hay sao?
Giải nghĩa. — Thái-thượng hoàng = ông vua đã nhường ngôi cho con rồi.
Câu hỏi. — Tôn kính cha mẹ là thế nào? — Vâng lời cha mẹ là thế nào? — Vua Anh-Tôn một hôm say rượu thế nào? — Thái-thượng-hoàng thấy vậy, làm gì? — Lúc tỉnh rượu, vua Anh-Tôn làm gì?
Cách-ngôn. — Bất đắc hồ thân, bất khả dĩ vi nhân,
- bất thuận hồ thân, bất khả dĩ vi tử.