Bước tới nội dung

Luân lý giáo khoa thư - Lớp Sơ đẳng/II/28

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

6. — Các ngày tết lớn.

Kể trong một năm, thật là có lắm ngày tết.

Tết Nguyên-đán. — Tết lớn nhất là tết Nguyên-đán, còn gọi[1] là tết cả. Tết này bắt đầu từ hôm ba-mươi tháng chạp, người ta làm lễ trừ-tịch để tống năm cũ. Chính tết thường ăn ba hôm, thì ngày nào cũng lễ gia-tiên (ông bà). Ngày mồng bốn thì người ta lễ tiễn gia-tiên. Ngày mồng bảy thì lễ khai-hạ để hạ nêu.

Tết Hàn-thực. — Tết này ở Bắc-kỳ, ăn vào ngày mồng ba tháng ba. Người ta thường làm bánh chay, bánh trôi-nước để cúng.

Tết Đoan-ngọ. — Tết này ăn vào ngày mồng năm tháng năm. Người ta có tục nhuộm móng chân, móng tay, và đeo chỉ-bùa cho trẻ. Sáng dậy, thường ăn các thứ hoa quả, gọi là giết sâu bọ. Đến giờ ngọ, lại đi hái các thứ lá để nấu nước uống, cho là hay lắm.

Tết Trung-nguyên. — Tết này ăn vào ngày rằm tháng bảy. Cứ theo sách Nhà-phật, thì ngày ấy, các vong-nhân ở dưới Âm-phủ được xá tội, nên các nhà làm cơm cúng và mua vàng mã đốt cho ông bà ông vải.

Tết Trung-thu. — Tết này ở Bắc-kỳ gọi thế là vì ăn vào hôm rằm tháng tám, là giữa mùa thu. Người ta làm cỗ cúng gia-tiên (ông bà), và tối đến bày bánh-trái ra sàn cúng mặt Trăng. Nhân dịp tết này, người lớn thì uống rượu, chơi trăng, hát trống-quân, trẻ-con thì chơi cỗ, hồ-khoan.

Các ngày lễ khác. — Trong một năm, ngoài những ngày tết vừa kể trên, lại còn những ngày lễ khác. Như ngày rằm tháng giêng, người ta đi lễ các chùa-chiền, theo câu tục-ngữ: « Lễ phật cả năm chẳng bằng ngày rằm tháng giêng ». Tháng ba có tết Thanh-minh, người ta đi tảo-mộ. Tháng tư mồng tám là ngày Bụt giáng-sinh, người ta lễ bái ở các chùa.

Toát yếu. — Tết Nguyên-đán là tết trọng nhất trong một
Ngày tết đốt pháo.
năm. Tết ấy bắt đầu từ hôm ba-mươi tháng chạp đến hôm mồng bốn tiễn ông-vải, hôm mồng bảy lễ hạ nêu.

Tết Hàn-thực ăn vào hôm mồng ba tháng ba.

Tết Đoan-ngọ ăn vào hôm mồng năm tháng năm. Người ta có tục giết sâu bọ, nhuộm móng tay và đeo chỉ-bùa cho trẻ.

Tết Trung-nguyên là tết rằm tháng bảy là ngày vong-nhân xá tội.

Tết Trung-thu là tết rằm tháng tám. Người ta cúng lễ mặt Trăng và bày những trò vui chơi cho trẻ.

Trong một năm lại còn ngày lễ Phật, vào rằm tháng giêng, ngày Phật giáng-sinh vào mồng tám tháng tư, ngày đi Thanh-minh vào độ tháng ba.

Giải nghĩa.Giờ ngọ = lúc tròn bóng, vào khoảng tự mười-một giờ đến một giờ. — Chỉ-bùa = bùa làm bằng chỉ ngũ-sắc. — Vong nhân xá tội = những vong-hồn dưới Âm-phủ được tha. — Giáng-sinh = sinh ra đời. — Tảo mộ = thăm mồ-mả.

Câu hỏi. — Tết Nguyên-đán là gì? — Tết ấy có những lễ gì? — Tết Hàn-thực là tết gì? — Tết Đoan-ngọ là tết gì? — Tết ấy người ta hay làm những gì? — Tết Trung-thu là tết gì? — Tết Trung-thu sao gọi thế? — Tết Trung thu có những gì? — Không kể những ngày tết trong một năm, còn những ngày lễ nào nữa?
Đám rước sư-tử.

  1. kêu