Bước tới nội dung

Luân lý giáo khoa thư - Lớp Sơ đẳng/II/29

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

7. — Hội Nước ở Cao-mên.

Người Cao-mên gọi[1] sông Mékong là sông Lớn; người Lào gọi sông Mékong là Mé-nam-không. Nhân dân hai xứ ấy tin rằng ở dưới sông có một vị thủy-thần gọi là Prah-Konkéa.

Cứ hàng năm, sông Mékong dâng nước lên, đem đất phù-sa bồi vào các đồng-điền, làm cho hoa mầu được thêm tốt.

Cho nên năm nào, cứ vào độ tháng một[2] tây, hết mùa mưa, nước sông rút ra, nhân dân sắp được trồng-trọt cày cấy, thì tại Nam-vang, người ta mở hội làm lễ thủy-thần và lễ Trăng rằm tháng chạp rất là trịnh-trọng.

Vua cùng với đình-thần ngự thuyền rồng đến chỗ ngã tư sông, đóng ở đấy ba ngày. Quan, dân tứ xứ tấp-nập kéo đến bờ sông để xem thi bơi-chải, đốt cây bông và các trò múa hát rất vui-vẻ.

Hết ngày thứ ba thì làm lễ cắt-dây. Một thầy-tu cầm thanh gươm chém đứt cái dây chăng ở trên mặt sông ra làm đôi, tựa hồ như cho nước sông được phép chảy ra bể. Hội Nước và hội Trăng ở Cao-mẻn thật là có ý-nghĩa sâu-xa và có vẻ long-trọng.

Ở Ai-lao, tại mấy tỉnh như Bassac, Vạn-tượng và Luang-Prabang, người ta cũng có mở hội như hội này.

Toát yếu. — Người Cao-mên và người Lào kính thờ thủy-thần sông Mékong là Prah-Konkéa.

Ở Cao-mên, tại kinh-đô Nam-vang, năm nào, vào độ nước xuống, người ta cũng mở hội lễ thủy-thần và lễ Trăng rằm. Trong ba ngày hội, có các trò chơi như bơi-chải, đốt cây bông, múa hát. Nhưng trọng nhất là cái lễ cắt dây chăng qua sông.

Ở Lào người ta cũng mở hội Nước ở tỉnh Bassac, Vạn-tượng và Luang-Prabang.

Giải nghĩa.Thủy-thần = thần nước. — Đình-thần = các quan trong Triều.

Câu hỏi. — Người Cao-mên gọi sông Mékong là gì? — Người Lào gọi là gì? — Người Cao-mên và người Lào gọi thần Mékong là gì? — Tại Nam-vang, người ta mở hội Nước về độ nào và làm những gì? — Hội ấy có ý-nghĩa làm sao? — Ở Lào hội ấy mở tại những tỉnh nào?

  1. kêu
  2. mười-một