Bước tới nội dung

Luân lý giáo khoa thư - Lớp Sơ đẳng/II/32

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

2. — Lễ hôn (tiếp theo).

Lễ dạm (lễ bỏ trầu cau) thì bên nhà trai phải đem trầu cau đến nhà gái để đôi bên làm quen với nhau. Từ đó trở đi, cứ mồng năm ngày tết thì nhà trai phải đem lễ vật đến nhà gái, gọi là đi sêu tết. Được ít lâu, hai bên định ngày làm lễ ăn-hỏi, thì nhà trai đem lễ vật như là trầu cau, rượu, trè, lợn[1] đến nhà gái. Nhà gái nhận lễ, đặt lên bàn-thờ cúng-cáo gia-tiên rồi đem chia cho họ-hàng, bè-bạn để mọi người đều biết rằng mình đã nhận lời gả chồng cho con gái.

Khi đến ngày cưới, những bà con cùng chú-rể đều ăn-mặc quần áo đẹp đi đến nhà gái làm lễ cưới. Trong đám cưới, người ta thường kén một ông già, vợ chồng song toàn, lắm con nhiều cháu, cầm một bó hương đi trước. Khi đến nhà gái, chú-rể vào[2] lễ nhà-thờ cùng ông bà cha mẹ vợ. Đoạn, cô-dâu cũng vào lễ nhà-thờ và lễ ông bà cha mẹ. Rồi rước dâu về, thì họ-hàng thân-thích nhà gái cũng đưa người con gái về nhà chồng, gọi[3] là đưa dâu. Lúc bấy giờ, đám cưới lại có những đồ hồi-môn của nhà gái dẫn về nữa. Khi về đến nhà trai, thì cô-dâu chú-rể đều lễ nhà-thờ và lễ ông bà cha mẹ, rồi mới tế Tơ-hồng. Đủ các lễ rồi, hai vợ chồng làm lễ hợp-cẩn.

Được hai hay bốn ngày thì hai vợ chồng đưa nhau về nhà gái để đi lễ tổ-tiên và thăm cha mẹ, họ-hàng, gọi[3] là nhị hỉ hay tứ hỉ.

Toát yếu. — Lễ dạm (bỏ trầu) là để bên nhà trai, bên nhà gái làm quen với nhau. Lễ dạm rồi, thì nhà trai phải đi sêu tết. Được ít lâu thì làm lễ hỏi. Bên nhà trai đem lễ vật đến nhà gái cúng-cáo gia-tiên rồi đem chia cho họ-hàng, bà-con. Đến ngày cưới thì họ nhà trai và chú-rể đến nhà gái làm lễ cưới và đón dâu. Cách hai hôm hay bốn hôm lại có lễ nhị hỉ hay tứ hỉ.

Giải nghĩa.Hồi-môn = của người con gái đem theo về nhà chồng.

Câu hỏi. — Lễ dạm là gì? — Sêu là gì? — Lễ hỏi là gì. — Đến ngày cưới thì họ nhà trai làm gì? — Đến nhà gái chú-rể làm gì? — Nhà gái làm gì? — Về nhà trai thì cô-dâu làm gì? — Cưới xong, còn lễ gì nữa?

  1. heo
  2. a ă kêu