Luật Quyền tác giả Hợp chúng quốc Hoa Kỳ/Chương 10/Điều 1010

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Luật Quyền tác giả Hợp chúng quốc Hoa Kỳ
của Chính phủ Hoa Kỳ, do Cục Bản quyền tác giả dịch
Điều 1010. Trọng tài của các tranh chấp cụ thể

Điều 1010: Trọng tài của các tranh chấp

(a). Phạm vi của trọng tài: trước ngày phân phối lần đầu tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ thiết bị ghi âm kỹ thuật số hoặc thiết bị ghi âm kỹ thuật số nói chung, bất kỳ bên chế tạo, nhập khẩu, hoặc phân phối các thiết bị đó và bất kỳ bên có lợi ích từ quyền tác giả nào có thể cùng nhau chấp thuận đưa ra trọng tài nhằm mục đích xác định xem liệu các thiết bị đó có thuộc đối tượng của Điều 1002 hay không, hoặc cơ sở mà thông qua đó các khoản thanh toán nhuận bút đối với các thiết bị này được thực hiện theo Điều 1003.

(b). Bắt đầu tiến trình trọng tài: các bên chấp thuận trọng tài sẽ nộp đơn tới Thư viện Quốc hội nêu yêu cầu bắt đầu tiến trình trọng tài, Đơn này có thể bao hàm tên, trình độ của các trọng tài viên tiềm năng. Trong vòng 2 tuần sau khi nhận được đơn này, Thư viện Quốc hội sẽ làm thông báo công bố tại Cơ quan đăng ký liên bang về việc bắt đầu tiến trình trọng tài. Thông báo này sẽ bao hàm tên, trình độ của 3 trọng tài viên được chọn bởi Thư viện Quốc hội từ danh sách trọng tài viên lấy từ Hiệp hội Trọng tài Hoa Kỳ hoặc tổ chức tương tự mà Thư viện Quốc hội sẽ lựa chọn, và từ danh sách các trọng tài viên tiềm năng trong đơn của các bên. Các trọng tài viên được chọn theo Khoản này sẽ lập ra Ban Trọng tài.

(c). Đình chỉ tiến trình tố tụng: bất kỳ khiếu kiện dân sự nào được đưa ra theo Điều 1009 đối với một bên trong tiến trình trọng tài theo Điều này sẽ, theo đơn của một trong các bên trong tiến trình trọng tài đó, bị đình chỉ cho tới khi hoàn thành tiến trình trọng tài.

(d). Tiến trình trọng tài: Ban Trọng tài sẽ tiến hành tiến trình trọng tài về vấn đề có liên quan, phù hợp với các thủ tục mà Ban có thể thông qua. Ban Trọng tài này sẽ hành động trên cơ sở hoàn toàn bằng biên bản văn kiện tư liệu viết. Bất kỳ bên nào đối với trọng tài có thể đệ trình các thông tin và khuyến nghị liên quan tới Ban. Các bên đối với tiến trình sẽ chịu chi phí tham gia của mình theo cách thức và tỷ lệ mà Ban sẽ hướng dẫn.

(e). Báo cáo tới Thư viện Quốc hội: không muộn hơn 60 ngày sau khi công bố thông báo theo Khoản (b) của việc bắt đầu tiến trình trọng tài, Ban trọng tài sẽ báo cáo tới Thư viện Quốc hội phán quyết của mình về việc thiết bị liên quan có thuộc đối tượng của Điều 1002 hay không, hoặc cơ sở mà thông qua đó việc thanh toán nhuận bút đối với thiết bị này được thực hiện theo Điều 1003. Báo cáo này sẽ được gửi kèm theo biên bản viết và sẽ nên rõ các cơ sở mà Ban thấy là thích hợp với phán quyết của mình.

(f). Hành động của Thư viện Quốc hội: trong vòng 60 ngày sau khi nhận được báo cáo của Ban Trọng tài theo Khoản (e), Thư viện Quốc hội sẽ phê chuẩn hoặc huỷ bỏ phán quyết của Ban. Thư viện Quốc hội sẽ phê chuẩn phán quyết của Ban trừ phi Thư viện Quốc hội thấy là phán quyết này rõ ràng là không đúng. Nếu Thư viện Quốc hội huỷ bỏ phán quyết của Ban, Thư viện Quốc hội sẽ, trước khi kết thúc thời hạn 60 ngày, và sau khi kiểm tra lại toàn bộ biên bản được tạo ra trong tiến trình trọng tài, sẽ ban hành lệnh nêu rõ quyết định của Thư viện và lý do của quyết định. Thư viện Quốc hội sẽ đưa ra phán quyết công bố tại Cơ quan đăng ký Liên Bang phán quyết của Ban Trọng tài và quyết định của Thư viện Quốc hội theo Khoản này liên quan đến phán quyết đó (bao gồm bất kỳ lệnh được ban hành nào theo câu trên).

(g). Thủ tục phúc thẩm: bất kỳ quyết định nào của Thư viện Quốc hội theo Khoản (f) liên quan tới phán quyết của Ban trọng tài có thể bị kháng nghị, bởi bất kỳ bên nào tham gia tiến trình trọng tài, tới Toà án kháng nghị Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ khu vực quận Columbia, trong vòng 30 ngày sau khi công bố quyết định tại Cơ quan đăng ký Liên bang. Trong khi giải quyết kháng nghị theo Khoản này sẽ không đình chỉ quyết định của Thư viện Quốc hội. Toà án này sẽ có phán xử sửa đổi hoặc huỷ bỏ quyết định của Thư viện Quốc hội chỉ nếu toà này thấy là, trên cơ sở biên bản trước Thư viện Quốc hội, Ban Trọng tài hoặc Thư viện Quốc hội đã hành động một cách thức bất cẩn. Nếu toà án này sửa đổi quyết định của Thư viện Quốc hội, toà án sẽ có phán xử để đưa ra quyết định của mình theo trình tự chung thẩm. Toà án cũng có thể huỷ bỏ quyết định của Thư viện Quốc hội và trả vụ việc lại để tiến hành tiến trình trọng tài như quy định tại Điều này.