Một bài thơ ngụ tình hay là cụ Phan Sào Nam với Nhật Bản

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Một bài thơ ngụ tình hay là cụ Phan Sào Nam với Nhật Bản  (1938) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Dư luận, Hà Nội, số 6 (1er Août 1938), trang 3, 6. 

Vừa rồi ở vùng Huế − Quảng Nam có người truyền tụng một bài thơ mà nói là của cụ Phan Sào Nam mới làm xong. Đầu đề là Lấy anh thì lấy nằm chung không nằm, thơ thế này:

Thời thế xui nên giả vợ chồng,
Lấy anh chưa dễ đã nằm chung.
Ừ chơi cho nó toi đồng bạc,
Thật chẳng cho ai nếm má hồng.
Cười gượng lắm khi che nửa mặt,
Khóc thầm một nỗi khác hai lòng.
Bao giờ duyên mới thay duyên cũ,
Hòa thuận cùng nhau tát bể Đông!

Tôi bắt đầu nghe thấy bài thơ ấy hôm đầu trung tuần tháng bảy tây trên một chuyến tàu suốt, khi tôi ở Hà Nội về Quảng Nam, do một người Huế đọc ra. Về đến Quảng, tôi lại được nghe một lần nữa bởi một người làng tôi vừa ở Huế về. Cuối cùng, một ông bạn tôi, người đứng đắn đáng tin lắm, từ Huế vào Quảng, cũng lại có đọc cho tôi nghe. Hết thảy đều nói rằng ấy là một cận tác của cụ Phan Bội Châu, người mà quốc dân mấy lúc này gọi bằng cái tên quê quê hay hay: Ông già Bến Ngự.

Cụ Phan năm nay trên bảy mươi tuổi rồi, già yếu lắm, văn chương của cụ cũng kém hồi trai trẻ. Nằm bẹp một xó, cụ tưởng cụ đã bị quên đi trong óc người Việt Nam. Không ngờ một bài thơ vừa làm ra chưa luận hay dở, người ta đã tranh nhau đọc, chỉ vì cái tên ký dưới nó. “Con trâu đã chết cái sừng còn nhọn”, chúng ta có thể nói câu tục ngữ ấy vì cụ mà đặt ra!

Chỉ một điều, về bài thơ của cụ người ta đã hiểu nghĩa một cách hồ đồ, giải thích một cách xuyên tạc, là điều mà ai biết đến nên để ý. Cũng vì vậy tôi đem viết ra trên báo.

Những người đọc bài thơ cho tôi nghe, đều có theo ý họ mà cắt nghĩa; lại tình cờ chẳng hẹn mà sự cắt nghĩa của họ đều giống nhau, cho đến ông bạn tôi cũng vậy.

“Ăn sung ngồi gốc cây sung, lấy anh thì lấy nằm chung không nằm”. Cái đầu đề ai cũng biết, lấy từ câu phong dao ấy ra. Và theo thói thường trong làng thơ xứ ta, mỗi khi mệnh đề[1] như vậy, người ta còn trùm trên đầu đề bằng hai chữ “phú đắc”. Vả nữa, người làm thơ mỗi khi làm mỗi bài thơ như vậy, đại khái là trong lòng có cảm xúc mà nói ngay ra không tiện, bèn mượn đầu đề để gởi cái tư tưởng hay cái tâm sự của mình, cho nên bài thơ nói một đường mà phải hiểu ra một đường khác. Trong thơ có một lối như thế, gọi là thơ “ngụ tình” hay thơ có “ký thác”.

Đã hiểu mấy điều đó và lấy đó làm căn cứ, những người đọc cho tôi nghe, cắt nghĩa như thế này: Sáu câu trên, cụ Phan tỏ ra cái chánh kiến Pháp-Việt đề huề của mình là giả dối chứ không phải thành thật; hai câu dưới, cụ mong Nhật Bản đến chiếm trị Đông Dương.

Cắt nghĩa như thế, họ cho rằng đã dựa vào từng câu trong bài thơ rất sát sao. “Thời thế xui nên giả vợ chồng” : cụ thất thời túng thế, bị bắt về đây nên phải khuất phục dưới chính phủ Pháp, chứ không phải thành tâm về với chính phủ ấy. Lắm khi cụ cũng “mầy mà” cho qua việc; thật ra thì người Pháp có lòng khác, cụ có lòng khác, không thể hợp tác với nhau, − ấy tức là “cười gượng”“khóc thầm”“khác hai lòng”. “Duyên cũ” chỉ sự tương quan với nước Pháp, “duyên mới” chỉ sự tương quan với nước Nhật; chữ “bao giờ” tuy để chỉ cái thời gian vị lai mà cũng có ý trông đợi nữa. Hai câu kết, tác giả mong cho Nhật Bản đến đây “thay” quyền chiếm trị của nước Pháp; bấy giờ mình với chính phủ Nhật sẽ là “vợ chồng thật” và sẽ cùng nhau hợp tác kỳ đến thành công.

Khi nghe qua mấy câu cắt nghĩa ấy, tôi phải hết sức ngạc nhiên, và không đừng được, trước mặt mỗi người, tôi phải thốt ra những lời cải chính. Sợ cho còn có nhiều kẻ khác nghe bài thơ và cũng hiểu như vậy nữa nên tôi đem những lời ấy viết ra đây.

Trước hết tôi chưa có đủ chứng cớ để bảo rằng bài thơ ấy là của cụ Phan Bội Châu; có điều nghe nhiều người nói thế, và nhất là ông bạn đáng tin của tôi cũng nói thế thì tôi cũng tạm cho là của cụ vậy. Sự dè dặt đó nên lấy làm quan hệ lắm, vì bài thơ này tùy ở người làm ra nó mà có nghĩa thế nào: nếu của cụ Phan, nghĩa khác; nếu của một viên thừa phái ở Huế, nghĩa khác; mà nếu của một tay “thợ thơ” nào, thì lại không có nghĩa gì cả, cũng nên.

Huống chi một bài thơ “ngụ tình” hay “có ký thác” như bài này thì thật khó mà cắt nghĩa. Trừ ra chỉ có bài nào cũng lối ấy mà ký thác một cách rõ ràng lắm, như bài Gái hóa của cụ Tam nguyên Yên Đổ, thì ai nấy mới dám chắc sự giải thích của mình là không đến nỗi lầm mà thôi. Trong thơ Tàu, bài Cầm sắt của Lý Thương Ẩn, đã có kẻ than rằng “khó có người hiểu nó”, đến nỗi hơn ngàn năm nay, trải qua hàng trăm nhà chú thích mà không ai giống ai!

Tôi cho rằng khi gặp một bài thơ như vậy, đừng cắt nghĩa là hơn; chứ cắt nghĩa mà hồ đồ hay xuyên tạc, là một sự rất nguy hiểm.

Bài thơ ấy mà nếu quả là của cụ Phan, tôi cũng phải hiểu như những người kia rằng cụ có ngụ ý làm sao đó. Nhưng cái ý ấy kín quá, tôi đã không biết được thì thôi, tôi không dám cưỡng giải.

Cưỡng giải như họ, sáu câu trên, cho rằng không thành tâm hợp tác với chính phủ Pháp, còn có thể trôi được; chứ hai câu dưới mà cho rằng mong Nhật Bản đến chiếm trị Đông Dương, thì, tôi dám quyết, sai với ý tác giả rất xa.

Cái chính sách Pháp-Việt đề huề của cụ Phan mà là giả dối ư, tưởng cụ cũng có quyền làm sự giả dối ấy mà không có gì điếm nhục cho cụ cả. Cụ thủy chung là nhà cách mạng, bởi thời thế có bách bức thế nào cụ mới thỏa hiệp cùng chính phủ. Trong khi thỏa hiệp đó, một mình cụ thành thực mà nên việc được hay sao?... Nhớ trong tờ “Thông cáo quốc dân” của cụ khi mới được tha về Huế có một câu đại ý như vầy: Bội Châu này chỉ đề huề với chính phủ có lòng thành khai hóa cho người Việt Nam…

Thế thì khi cụ nhìn thấy chính phủ không có cái lòng thành ấy, ta còn giữ sao được cho sự thỏa hiệp của cụ khỏi trở nên giả dối? Sự giả dối ấy cho đến bây giờ cụ chẳng hề đem tuyên bố với quốc dân mà chỉ lộ ra hơi hám trong một bài thơ ký thác thì có hại gì đâu, cho nên tôi nói rằng “có thể trôi được” vậy.

Đến như mười bốn chữ trong hai câu kết chẳng có một chữ nào có dấu chỉ về Nhật Bản cả, mà nói là “mong Nhật Bản”, thì rất nỗi hồ đồ và xuyên tạc.

Dầu sáu câu trên trong bài thơ quả có cái ý như vừa nói trên đây nữa là cũng không được vin lấy đó mà bảo cụ Sào Nam “thân Nhật”. Dầu cụ có giả dối trong sự hợp tác với chính phủ Pháp nữa là cụ cũng còn nhận thấy cái chỗ Việt Nam thuộc Pháp và thuộc Nhật, lợi hại khác nhau thế nào. Huống chi còn có lẽ khác tỏ ra rằng cụ không ưa Nhật cũng như phần nhiều người Việt Nam chúng ta.

Ở ngoài những hai mươi năm, thấy cai trị Đài Loan thế nào, cai trị Cao Ly thế nào, cụ Sào Nam còn biết rõ sự bạo ngược của Nhật Bản hơn chúng ta nữa. Hơn nữa, năm 1909, chính cụ cùng đồng chí mình bị chính phủ Đông Kinh đuổi ra khỏi ba hòn đảo, lang thang không chỗ dung thân! Thế thì đối với Nhật Bản, cụ Phan có hâm mộ gì, còn cảm tình gì mà mong họ tới đây đã chớ?

Ấy là những lời tôi đã cải chính. Giữa lúc người Nhật dòm dỏ Đông Dương mà lại có những người hiểu lầm cụ Sào Nam, vô tình đưa cụ ra làm quảng cáo cho phe thân Nhật; vì sự lợi hại của tổ quốc, tôi cho sự cải chính là cần có.

Vậy thì câu “duyên mới thay duyên cũ” có nghĩa thế nào? Tôi xin chịu rằng không hiểu. Tôi đã nói đừng cắt nghĩa là hơn.[2]

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Từ “mệnh đề”  命 題 ở đây có nghĩa là ra đề mục (một hành vi trong kiểu sáng tác gọi là xướng họa ở giới làm thơ thời trung, cận đại), chứ không phải là một thuật ngữ ngữ học (“mệnh đề” chỉ một đơn vị cú pháp, làm thành một câu đơn).
  2. Về bài thơ trên đây, báo Tiếng dân có bài của Hải Âu, cho biết: “… 6 câu trên tả thực cái nghĩa “lấy mà không nằm chung”, ông Phan Khôi đã giải nghĩa rõ ràng, không phải bàn nữa. Duy câu kết “duyên cũ thay duyên mới”, làm nền cho mấy ai ghép vào án “thân Nhật”, mà ông Phan Khôi cũng chịu là không hiểu. Ký giả [người ký tên Hải Âu] đã thân đến hầu Cụ [Phan Bội Châu], phiền Cụ nói rõ ý nghĩa câu ấy, để giải mối nghi ngờ trong dư luận. […..] Cụ nói: Đời tôi là người cách mạng, vì tổ quốc mà có tư tưởng và hành vi cách mạng, nên những thi văn tôi, ai có ghép vào tội cách mạng, tôi không cần chối. Song nên biết tôi phản đối chánh phủ Bảo hộ là phản đối cái chánh sách áp chế ở thuộc địa, chớ không phản đối cái chánh sách “tự do – bình đẳng – bác ái” mà nước Pháp đã làm tiền đạo cho thế giới. Trước kia tôi vẫn có ở Nhật là cốt học cái công cuộc duy tân, Âu hóa, tự cường, chớ không không thân với cái dã tâm và võ lực xâm lược giết người vô nhân đạo. Vậy bài thi trên vẫn là bài thi cảm xúc nhứt thời, mà ai có nhận là tôi có ngụ ý về mặt “chánh trị cách mạng” tôi vẫn không chối. Xin thành thực mà nói ngay rằng: “Duyên cũ” là chánh trị áp chế bất lương, mà “duyên mới” là “chánh sách thành tâm khai hóa”, “thay” là cải lương… tức là cái chánh kiến mà tôi đã nói rõ trong bản “Pháp-Việt đề huề” năm 1918. Nước Nam không có ngày độc lập như ý nguyện tôi thì chớ, chứ tôi không có ý điên cuồng gì mà mong ước cho nước Nam tôi làm Đài Loan, Triều Tiên thứ hai”. [ý nói trở thành thuộc địa Nhật Bản] (Báo “Tiếng dân” nói thêm về bài thơ của cụ Sào Nam đăng trên Dư luận, Hà Nội, số 6, ngày 5/9/1938; số 12, ngày 12/9/1938)