Khổng Phu Tử ở Trung Quốc đời nay

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Tuyển tập tạp văn của Lỗ Tấn, do Phan Khôi dịch
Khổng Phu Tử ở Trung Quốc đời nay

Các báo ở Thượng Hải mới rồi đăng tin rằng nhân thánh miếu Khổng Tử ở Thanh Đảo bên Nhật Bản làm lễ lạc thành, tướng quân hà Kiện chủ tịch tỉnh Hồ Nam gởi tặng một bức tượng vẽ Khổng Tử mà bấy lâu giữ làm của báu. Thật thà mà nói, tướng mạo Khổng Tử như thế nào, nhân dân Trung Quốc nói chung, hầu như không biết gì đến cả. Từ xưa đến nay tuy mỗi một huyện đều có thánh miếu, tức văn miếu, nhưng trong đó đại khái không có thánh tượng. Phàm khi vẽ, trỗ hoặc nặn một nhân vật đáng thờ kính, theo nguyên tắc, đại khái là làm lớn hơn người thường, nhưng đến một nhân vật đáng thờ kính hơn hết như đức thánh Khổng Phu Tử, thì lại hình như cả đến hình tượng cũng thành ra tiết độc, trở không bằng không có mà hơn. Điều đó không phải là không có lý. Khổng Phu Tử không để lại tấm ảnh của ngài, tự nhiên không có ai biết được hình mạo đúng thật, trong sách tuy có ghi chép, song là nói bậy nói bạ cũng chưa biết chừng. Nếu bây giờ bắt đầu trỗ nặn, ngoài cách theo tưởng tượng của người trỗ nặn, không còn cách nào, lại càng không yên lòng lắm. Thế rồi rốt cuộc bọn nhà nho cũng chỉ phải lấy cái thái độ của Tây: "Chẳng hoàn toàn, thà không".

Nhưng nếu là tượng vẽ thì thỉnh thoảng cũng có thấy. Tôi từng thấy qua ba lần: một lần là bức minh họa trong sách Khổng Tử gia ngữ ; một lần là bức hình đăng đầu tập Thanh nghị báo của Lương Khải Siêu khi trốn sang Nhật Bản, xuất bản ở Hoành Tân, từ Nhật Bản gởi về Trung Quốc ; còn một lần nữa là tượng vẽ Khổng Tử gặp Lão Tử khắc trên một tấm bia đá đời Hán. Theo ấn tượng đã được trong khi xem hình dáng Khổng Phu Tử trên những đồ họa ấy, thì cái ông ấy là một người già mà gầy còm, mình mặc áo dài rộng tay, trên thắt lưng giắt một thanh gươm hay là dưới nách cắp một cây gậy, nhưng mà không hề cười, trông oai phong lẫm liệt lạ thường. Giá như ngồi hầu bên cạnh ngài, nhất định phải ráng xương sống lên thật thẳng, trải qua vài ba giờ đồng hồ, từng lóng xương nhức mỏi, nếu là người bình thường, không thể nào không ù té chạy trốn được.

Sau đó tôi có lữ hành trong tỉnh Sơn Đông. Khi bị đường sá gập ghềnh làm khổ, bỗng nhớ đến Khổng Phu Tử của chúng ta. Nghĩ đến ngài là bậc thánh nhân đạo mạo dường kia, thuở đó chạy vạy trong cái xứ nầy, ngồi trên chiếc xe thô kệch, vổng lên tụt xuống, lắc qua lắc lại, mà cảm thấy có vẻ buồn cười. Cái thứ cảm tưởng ấy tự nhiên là không tốt, nói gọn, gần như là bất kính, nếu là đồ đệ Khổng Tử, có lẽ quyết không thể có được. Nhưng lúc bấy giờ những người thanh niên mang cái tâm tình tếu như tôi đó cũng nhiều lắm.

Khi tôi ra đời là những năm cuối cùng của triều Mãn Thanh, lúc bấy giờ Khổng Phu Tử đã có một cái hàm ơn sang trọng đến phát khiếp, là "Đại thành chí thánh Vẵn tuyên vương". Không cần nói, đó là cái thời đại đạo thánh chi phối khắp cả nước. Đối với những người đi học, chính phủ buộc phải đọc những sách nhất định, tức là Tứ thư, Ngũ kinh ; buộc phải theo những chú thích nhất định ; buộc phải viết thứ văn chương nhất định, tức gọi là "văn bát cổ" ; lại còn buộc phải phát biểu những nghị luận nhất định nữa. Nhưng mà những nhà nho ngàn người như một ấy, nếu là việc trên đất vuông thì họ biết lắm, đến như việc trên trái đất tròn thì họ không biết gì hết, thế nên mới đánh nhau với Pháp lân tây, Anh Cát Lợi là những nước không có chép trong Tứ thư mà bị thua. Không biết là vì nghĩ thấy cứ thờ Khổng Phu Tử mà chết, trở không bằng kiếm cách giữ cho mình còn sống là hơn, hay vì lẽ gì, nói tóm tắt, lần nầy cái chính phủ và đám quan liêu cố sống cố chết tôn Khổng ấy bắt đầu lung lay, bỏ của kho ra hối hả dịch sách của thằng Tây. Loại sách cổ điển về khoa học như Đàm thiên, Địa học thiển thích, Kim thạch chí biệt, cho đến bây giờ vẫn để làm di vật của thời ấy, hoặc giả còn có cuốn nào nằm trong các hàng sách cũ.

Nhưng mà thế nào rồi cũng có phản động. Người gọi bằng kết tinh và đại biểu của nhà nho cuối triều Thanh là đại học sĩ Từ Đồng đã xuất hiện. Ông nầy, cả đến toán học ông cũng cho là cái học của thằng Tây. Ông tuy thừa nhận trên thế giới có những nước Pháp Lan Tây, Anh Cát Lợi, nhưng không tin có nước Tây Ban Nha, nước Bồ Đào Nha, ông nói đó là bởi nước Pháp nước Anh thường hay đến kiếm chác, tự mình cũng lấy làm thẹn, nên bịa đặt cái tên hai nước ấy ra. Ông lại là người đứng trong màn phát động và chỉ huy Nghĩa hòa đoàn có tiếng năm 1900. Có đều sau rồi Nghĩa hòa đoàn hoàn toàn thất bại, ông Từ Đồng cũng tự tử. Đến đây chính phủ lại cho rằng chính trị, pháp luật và học vấn, kỹ thuật của ngoại quốc cũng có chỗ hay, dùng được. Tôi khát khao mong đi lưu học Nhật Bản chính ở vào lúc đó. Được đi rồi, nơi vào học là Hoằng văn học viện của thầy Gia Nạp lập ra ở Đông Kinh. Tại đây, thầy Tam trạch lực thái lang dạy tôi nước là do dưỡng khí và khinh khí hợp lại mà nên, thầy Sơn nội phồn hùng dạy tôi trong cái vỏ con sò có chỗ nào đó gọi là "ngoại sáo". Đây là việc xảy ra ở một ngày nọ. Thầy kiểm học Đại cửu bảo tập hợp mọi người lại, nói: vì các anh đều là đồ đệ Khổng Tử, hôm nay hãy đến làm lễ trong Khổng miếu ở Ngự trà chi thủy[1] đi! Tôi giật mình đánh thót một cái. Bây giờ tôi còn nhớ hồi đó lòng tôi nghĩ, chính vì mình không còn trông cậy gì ở Khổng Phu Tử và đồ đệ của ngài nữa, cho nên mới sang đến Nhật Bản, mà lại còn đi làm lễ ư? Tôi rất lấy làm quái lạ. Vả lại kẻ có cái cảm giác như thế, tôi tưởng quyết không những một mình tôi.

Nhưng mà, cái xấu số của Khổng Phu Tử ở bổn quốc cũng không phải bắt đầu từ thế kỷ hai mươi đâu. Mạnh Tử phê bình ngài là "Thánh chi thời giả dã", nếu dịch thành ngôn ngữ hiện nay, không nói "ông thánh mô đét" thì cũng không có cách khác. Kể về phần riêng ngài, cái tôn hiệu ấy vốn không có nguy hiểm gì cả, song cũng chẳng phải là cái hàm ơn mười phần đáng hoan nghênh. Chẳng qua trên thực tế, có lẽ lại không như thế, Khổng Phu Tử làm hẳn "ông thánh mô đét", ấy là việc sau khi ngài chết rồi, chứ hồi còn sống lại là người hơi chịu vất vả. Chạy đông chạy tây, từng chỗm chuệ làm tổng giám đốc cảnh sát nước Lỗ, mà rồi lại liền hạ giã[2], thất nghiệp ; vả còn bị kẻ quyền thần khinh miệt, bị người nhà quê chế giễu, thậm chí bị đám bạo dân vây bắt, đói lép cả bụng ; học trò tuy có ba ngàn mà được việc chỉ có bảy mươi hai, người đáng tin cậy nhất lại chỉ có một. Có một hôm, Khổng Phu Tử ngậm ngùi nói, "Đạo chẳng làm được, thôi thời cỡi bè trôi nổi trên biển, kẻ đi theo ta có lẽ là người Do ư!" Cứ như sự toan tính tiêu cực đó, có thể dòm thấy cái ẩn tình kia. Nhưng mà, cả đến cái ông Do ấy, về sau cũng vì chiến đấu với kẻ địch, bị chém đứt dải mũ, song thật xứng đáng là Do, đến lúc đó rồi mà còn không quên lời dạy của Phu Tử, nói "người quân tử chết, không bỏ mũ ra", rồi một mặt buộc lại dải mũ, một mặt bị chúng băm ra làm mắm thịt. Cả đến người học trò có một đáng tin cậy mà cũng đã mất đi, tự nhiên đức Khổng phải đau xót vô cùng, theo lời thì ngài nghe được cái tin ấy một cái, liền bỏa đổ quách hũ mắm thịt dưới nhà bếp[3].

Khổng Phu Tử sau khi chết rồi, tôi cho rằng có thể nói vận mang của ngài khá hơn một chút. Bởi vì ngài không còn hay bô bô nữa, đủ thứ người quyền thế bèn dùng đủ thứ phấn trắng đem hóa trang cho ngài[4], tưng ngài lên đến cái mức cao khiếp người. Nhưng sánh với Thích ca mâu ni mới nhập cảng sau, thực ra lại rất đáng lấy làm thảm hại. Đành rằng mỗi huyện vẫn có thánh miếu tức văn miếu, có đều cái cảnh tượng vắng ngắt lạnh lẽo quá, dân chúng nói chung, quyết không bao giờ vào lễ ở đó, có đi lễ thì là chùa thờ Phật, hay đền thờ Thần. Nếu hỏi đám dân thường rằng Khổng Phu Tử là người thế nào, tự nhiên họ đáp là ông thánh, song le đó chẳng qua là họ nói theo những người quyền thế[5]. Họ cũng kính tiếc giấy chữ, nhưng đó là vì họ mê tín nếu không kính tiếc giấy chữ thì sẽ bị thiên lôi đánh[6] ; miếu Phu Tử ở Nam Kinh cố nhiên là nơi tấp nập, nhưng đó là vì nơi ấy có tiệm trà và nhiều trò chơi. Tuy nói "Khổng Tử làm sách Xuân thu mà loạn thần tặc tử sợ"[7], nhưng những người đời nay lại hầu như không ai biết tên họ của những đứa loạn thần tặc tử nào đã bị ngài phạt bằng bút. Nói đến loạn thần tặc tử, đại khái cho là Tào Tháo, có đều cái đó không phải đức thánh dạy cho, mà là những người không tên tuổi đã viết tiểu thuyết, vở tuồng dạy cho[8].

Tóm lại, Khổng Phu Tử ở Trung Quốc là người được bọn quyền thế tưng đội lên, là ông thánh của bọn người quyền thế hay là muốn trở nên quyền thế đó, chứ không dính líu gì với dân chúng nói chung hết cả. Nhưng mà, đối với thánh miếu, bọn người quyền thế đó cũng chẳng qua có lòng sốt sắng trong một lúc mà thôi. Bởi vì trong khi tôn Khổng đó họ đã nhằm một mục đích khác, khi mục đích đã đạt một cái, thì lại càng là vô dụng hơn nữa. Ba bốn mươi năm về trước, phàm những người nào lăm le có quyền thế, tức là người hy vọng làm quan, đều đọc Tứ thư, Ngũ kinh, làm "văn bát cổ", một số người khác đặt tên chung cho cả các thứ sách vở văn chương ấy là "hòn gạch gõ cửa". Thế nghĩa là, khi thi đỗ rồi, cả các thứ ấy đồng thời đều bị quên bẵng, giống như hòn gạch đã dùng khi gõ cửa, cửa đã mở thì hòn gạch cũng bị vứt đi. Khổng Tử, cái con người ấy, thực ra thì sau khi chết rồi, cũng chỉ là người bị dùng làm "hòn gạch gõ cửa".

Cứ xem việc gần nay lại càng thấy rõ. Từ đầu thế kỷ hai mươi về sau, vận mạng Khổng Phu Tử thật là rất xấu, nhưng đến thời đại Viên Thế Khải, lại bắt đầu nhớ đến, chẳng những khôi phục lại tế điển, mà còn chế ra đồ tế phục cổ quái cho những người dự tế mặc. Việc xuất hiện theo sau đó là việc đế chế. Nhưng mà cái cửa ấy cuối cùng không mở được. Họ Viên chết trói ở ngoài cửa. Còn lưu lại là bọn quân phiệt Bắc dương, khi chúng thấy gần đi đến bước đường cùng, cũng dùng nó để gõ cái cửa hạnh phúc khác. Tướng quân Tôn Truyền Phương, cái người chiếm cứ Giang Tô và Chiết Giang, đi ra đường gặp ai chém nấy, từng lập lại lễ đầu hồ[9] ; tướng quân Trương Tông Xương, cái người lủi vào Sơn Đông, đến cả chính mình cũng không đếm xuể số mục vàng bạc và binh lính và hầu non của mình, thì khắc lại bản in Thập tam kinh ; xả còn coi đạo thánh là thứ giống như benẹh hoa liễu có thể do quan hệ xác thịt mà truyền nhiễm, bèn lấy một chàng nào đó dòng dõi Khổng Tử làm chồng con gái mình. Nhưng mà với ai, cái cửa hạnh phúc cũng vẫn cứ không mở.

Ba người ấy đều dùng Khổng Phu Tử làm hòn gạch, nhưng thời đại đã khác rồi, cho nên đều đã thất bại rõ ràng. Chẳng những chính mình họ thất bại mà thôi, còn liên luỵ đến Khổng Tử, làm ngài càng sa vào cảnh bi thảm. Bọn họ là những người cả đến một chữ cũng không biết, nhưng lại đòi nói tràn Thập tam kinh các thứ, khiến ai cũng phải tức cười ; lời nói với việc làm lại không ăn nhau, càng khiến người ta chán ghét. Đã ghét thầy tu rồi ghét lây đến áo cà sao. Khi ấy, cái sự Khổng Phu Tử bị lợi dụng làm công cụ cho một mục đích nào đó cũng bắt đầu thấy rạch ròi hơn lên, rồi thì cái ý muốn đả đảo ngài cũng càng nẩy nở hơn lên. Cho nên, hễ khi tô điểm cho Khổng Tử càng tôn nghiêm mười phần, thì có xuất hiện những bài luận hay tác phẩm bới móc chỗ khuyết điểm của ngài[10]. Dù là Khổng Phu Tử cũng phải có khuyết điểm, song hồi bình thường không ai nghĩ đến, vì ông thánh cũng là người, có thể tha thứ được. Nhưng nếu đồ đệ của ông thánh đứng ra nói bô bô rằng ông thánh là thế nầy, là thế kia, cho nên các anh không thế ấy không được, thì người ta không thể nhịn mà phải cười lên. Năm sáu năm về trước, từng vì sự diễn vở kịch Tử kiến Nam Tử vỡ lở ra một câu chuyện[11]. Trong vở kịch ấy có Khổng Phu Tử lên sân khấu. Nói là ông thánh mà lên sân khấu, cố nhiên không khỏi có chỗ không đứng đắn và khó coi, nhưng cứ coi là một con người thì lại và vai trò đáng yêu lắm. Nhưng mà các người dòng dõi thánh tức gianạ quá đỗi ; đem vụ diễn kịch ấy kiện đến cửa quan. Bởi vì cái chỗ diễn ra, vừa đúng là quê nhà của Khổng Phu Tử, tại đó, dòng dõi thánh đông đúc nhiều vô kể, thành ra một giai cấp có đặc quyền làm cho Thích ca mâu ni và Sôcờrát phải tủi hor mình không bì kịp. Thế nhưng, đó có lẽ chính là cái nguyên nhân mà bọn thanh niên ở vùng đó không thể nào không đặc biệt diễn vở kịch Tử kiến Nam Tử ở đó được.

Dân chúng nói chung của Trung Quốc, nhất là thứ "dân" gọi bằng "ngu", tuy họ cũng xưng Khổng Tử là ông thánh, nhưng họ không thấy ra là ông thánh. Đối với ngài, họ cung kính, nhưng không thân mật. Có đều, theo tôi nghĩ, được như "ngu dân" Trung Quốc hiểu Khổng Phu Tử đến dường ấy, e cho trên thế giới không còn có ai. Đành rằng Khổng Phu Tử từng bày vẽ cách trị nước rất hay, nhưng đó chỉ là những phương pháp nghĩ đặt ra cho những người trị dân, tức là những người quyền thế, còn, cho chính mình dân chúng thì không có một chút nào hết. Đó tức là "lễ bất hạ thứ nhân"[12]. Đã đành ra là ông thánh của bọn người quyền thế, cuối cùng biến thành ra "hòn gạch gõ cửa", thật cũng đáng lắm, chẳng oan chút nào. Nói rằng tuyệt không có quan hệ với dân chúng thì e không đúng, nhưng nên nói không có mảy may thân mật, thì tôi tưởng đó là một cách nói lịch sự lắm rồi. Không gần gụi với ông thánh vốn không thân mật với mình, là sự đành đứt đi rồi, bất kỳ lúc nào cũng như thế được. Hãy thử mặc áo rách, đi chân trần, bước lên Đại thành điện xem xem, e cũng như lầm lỡ đi vào rạp chiếu bóng cao đẳng ở Thượng Hải hay là lên toa xe điện hạng nhất, tức thì phải bị xua đuổi. Ai ai cũng biết đó là chỗ riêng của các cụ lớn ông lớn, tuy là "dân ngu" chứ cũng không ngu đến nỗi không biết điều đó[13].

29-4-1935
(Dịch ở Thả giới đình tạp văn nhị tập)

   




Chú thích

  1. Ngự Trà Chi Thủy là tên một đại lộ ở Đông Kinh, Nhật Bản. Ở đó lại có cái ga xe lửa cũng mang tên Ngự Trà Chi Thủy.
  2. Ở thời đại Lỗ Tấn, tại Trung Quốc đang có phong trào phản đối Khổng giáo, mà chính phủ Quốc dân đảng lại bắt "tôn Khổng, độc kinh", chính phủ đế quốc Nhật Bản lại cũng đang duy trì Khổng giáo. Bài này Lỗ Tấn viết bằng chữ Nhật cho một tạp chí bên Nhật, viết với lối văn đùa cợt, tỏ ý "khinh bạc" đối với Khổng Tử, cho nên cố ý dùng những danh từ hơi "khiếm nhã". Như trên kia, nguyên Mạnh Tử nói Khổng Tử là "thánh chi thời", lại dịch ra là "ông thánh mô đét" ; ở đây, theo lịch sử, Khổng Tử làm quan tư khấu nước Lỗ được ba tháng rồi thôi, thì lại nói làm "tổng giám đốc cảnh sát" rồi liền "hạ giã". Dùng những chữ "tổng giám đốc cảnh sát" và "hạ giã" để tân thời hóa nó đi, cho ra là "mô đét".
  3. Một đoạn từ "bị kẻ quyền thần..." đến đây đều là chuyện thực, có chép trong sách Luận ngữ và sách Khổng Tử gia ngữ. Kẻ quyền thần là Dương Hổ, đám bạo dân là người ấp Khuông, một người đáng tin cậy nhất là "người Do", tức Tử Lộ, Tử Lộ vì dự vào một cuộc chính biến ở nước Vệ mà bị giết.
  4. Thói tục trên sân khấu ở Trung Quốc, hóa trang cho vai hề thường dùng phấn trắng kẽ ở trên mũi. Đây có ý nói những người quyền thế không thực ý tôn Khổng Tử, chỉ lợi dụng ngài làm hề cho mình. Như Hán Cao Tổ (Lưu Bang) không học, không biết đạo nho (bất sự thi thư), từng đái trong mũ nhà nho (niếu quan), thế mà khi đi ngang qua nước Lỗ, cũng ghé vào Khúc Khụ, giết bò tế Khổng Tử.
  5. Một đoạn nầy, ý muốn nói đạo Phật gần với dân chúng, được dân chúng tin thờ hơn ; còn đạo Khổng chỉ bênh vực quyền lợi cho vua quan phong kiến, tức là những người quyền thế, xa với dân chúng, không có ích gì cho dân chúng, cho nên họ không thiết đến.
  6. Ở Trung Quốc, các đền miếu đều có làm một chỗ để đốt giấy có chữ, đề ở mày cửa bốn chữ "kính tích tự chỉ", nghĩa là "kính tiếc giấy chữ". Ở Hà Nội ta, đền Ngọc Sơn, thờ Văn Xương đế quân, cũng có một chỗ xây bằng vôi gạch và đề chữ như thế. Chữ nho (tức chữ Hán) không phải Khổng Tử bày ra, nhưng vì kính trọng đạo nho, mà sách vở đạo nho bằng thứ chữ ấy, cho nên cũng gọi thứ chữ ấy là "chữ nho" mà kính trọng luôn cả nó nữa. Trong sách Nho không hề có dạy "kính tích tự chỉ" ; "không kính tiếc giấy chữ" mà "bị thiên lôi đánh", đó là thuyết của những sách Âm chí văn hay Ngọc lịch sao truyền là sách của một phái Đạo giáo, chứ đạo nho không hề bảo như thế. Chỗ nầy tỏ thêm ý dân chúng tin Đạo giáo.
  7. Đây là lời Mạnh Tử nói trong sách Mạnh Tử, nguyên văn là: "Khổng Tử tác Xuân thu nhi loạn thần tặc tử cụ".
  8. Tào Tháo, từ đời Đường về trước chưa bị khinh mấy, trong sử sách vẫn được xưng là Ngụy Võ đế. Từ đời Nam Tống về sau, về sử học, bởi chịu ảnh hưởng cái thuyết "chính thống" của bọn Chu Hy, coi Lưu Bị là chính thống, Tào, Ngô là "ngụy", riêng Tào Tháo là người cướp ngôi nhà Hán, cho nên càng bị khinh, coi là loạn tặc. Từ đời Nam Tống về sau mới có những người theo thuyết ấy viết truyện Tam quốc (Tam quốc chí diễn nghĩa) và tuồng Tam quốc, mà có nhiều người viết, không phải một người, cho nên nói "là những người không tên tuổi".
  9. Đầu hồ là một lễ tiết có nói trong kính Lễ. Ở xứ ta ngày trước, các ông nhà nho cũng có sắm để chơi. Ở Trung Quốc, sau Cách mạng Tân Hợi, cái lễ ấy đã nhãng bỏ, Tôn Truyền Phương (một tên quân phiệt) lập lại, có mời Chương Bính Lân đến dự lễ, Chương vẫn ghét Tôn, nhưng vì sợ, phải đến.
  10. Sau Viên Thế Khải, và giữa lúc Tôn Truyền Phương, Trương Tôn Xương tôn Khổng, ở Trung Quốc, phái trí thức tiến bộ công kích Khổng Tử càng tợn hơn. Như Ngô Ngu đưa ra cái khẩu hiệu "đả đảo Khổng gia điếm", Ngô Trĩ Huy thì nói: "Cái học Khổng Khâu là cái học ăn cứt".
  11. Vở kịch Tử kiến Nam Tử (chuyện nầy có chép trong sách Luận ngữ. Nam Tử là vợ của vua Linh Công nước Vệ, có tiếng là người đàn bà dâm đãng, khi Khổng Tử đến nước Vệ, có tới ra mắt, Nam Tử làm cho Tử Lộ cằn rằn) là của Lâm Ngữ Đường viết. Năm 1928, Tống Hoàn Ngô, hiệu trưởng trường sư phạm ở Khúc Phụ, làng của Khổng Tử, có hàng ngàn con cháu của ngài ở đó, đem diễn vở kịch ấy tại nhà trường. Con cháu họ Khổng bèn làm đơn kiện việc ấy thẳng lên tòa án cao cấp Nam Kinh, lấy cớ là "vụ nhục tiên thánh". Kết quả vụ kiện: Tống Hoàn Ngô phải đổi đi nơi khác.
  12. Câu nầy thấy trong kinh Lễ, luôn với câu theo sau nó là: "Hình bất thượng đại phu", nghĩa là: lễ không xuống đến dân chúng, hình không lên đến quan quyền.
  13. Theo lời Hậu ký của Lỗ Tấn sau: "Thả giới đình tạp văn nhị tập" thì bài Khổng Phu Tử ở Trung Quốc đời nay nầy nguyên viết bằng tiếng Nhật Bản đăng trên tạp chí Cải tạo số ra tháng 6-1935, rồi do ông Diệc Quang dịch ra chữ Hán đăng tạp chí Tạp văn số tháng 7, ở đây đã có chữa sửa lại bởi tay tác giả