Nho giáo/Phụ lục
Lệ-thần TRẦN TRỌNG KIM
儒 教
NHO-GIÁO
PHỤ-LỤC
In lần thứ nhất
Nhà xuất bản LÊ THĂNG
Nhà In Bắc-Thành 133 Phố Hàng Bông
HÀ-NỘI
Người làm sách giữ bản quyền
PHỤ-LỤC
Khi ông Lê-Thăng, chủ nhà in Bắc-Thành, dự bị tái bản bộ Nho-Giáo, có bàn với tôi rằng nên đem in thêm vào sách ấy những bài của tôi đã thảo-luận với ông Phan-Khôi, chủ bút báo Phụ-nữ-tân-văn ở Saigon vào quãng năm 1930, để độc-giả biết các ý-nghĩa đã bàn ở trong những bài ấy. Từ khi sách Nho-Giáo xuất bản, đã có nhiều người phê-bình, song người thì hiểu lẫn đạo của thánh hiền với sự thực-hành sai lầm của người đời, rồi cho là ta đang ở vào lúc cần phải theo đuổi Tây-học mà lại đem cái đạo-lý của Á-Đông ra mà nói là vô ích; người thì nghi rằng phi những người đã đỗ ông Nghè, ông Cử, không ai có thể nói đến Nho-Giáo được. Những người ấy thường hay dùng những lời nói nặng-nề mà bẻ-bắt những điều vụn vặt không có ích gì cho sự học và cho đạo-lý mà bàn luận được.
Duy có ông Phan-Khôi cũng là người cựu-học mà lại khuynh-hướng về tân-học. Ông rất hay bàn về việc bỏ cũ theo mới. Khi ông đọc xong quyển đầu sách Nho-Giáo, ông viết một bài nói những chỗ mà ông cho là dở trong đạo của Khổng-Mạnh. Tôi có quen ông Phan-Khôi và lại thấy lời lẽ của ông có vẻ thanh-nhã và thành-thực, tôi sợ để im vậy thì một người lầm lại làm bao nhiêu người lầm theo, cho nên tôi mới viết mấy bài thảo-luận sau này để phân giải lẽ phải trái với ông.
Nay nhân dịp tái-bản sách Nho-Giáo, tôi xin vui lòng theo ý nhà xuất-bản, đem nguyên-văn in thêm những bài ấy ở mục Phụ-Lục để độc-giả chư quân-tử xem cho biết.
TRẦN TRỌNG KIM
Trả lời phê-bình của ông Phan-Khôi đăng trong Phụ-nữ-tân-văn số 54 ngày 29 tháng Năm 1930.
Mấy lời bàn với Phan tiên-sinh về
Khổng-Giáo
Trong báo Phụ-nữ số 54 vừa rồi ông Phan-Khôi có đăng một bài phê bình quyển Nho-Giáo của tôi. Ông lấy lời rất thanh-nhã và thành-thực mà bày tỏ cái ý-kiến của ông và chỉ bảo những điều mà ông cho là tôi đã lầm, thật tôi lấy làm cảm-tạ lắm. Tôi làm quyển sách ấy biết là một việc khó, không giám chắc là không có chỗ sai lầm; cho nên chỉ mong những người thức-giả ai thấy điều gì không phải, bảo cho tôi biết để tôi xét lại, hễ có điều chính-đáng thì xin theo mà cải-chính lại.
Người mình xưa nay vẫn chưa quen chịu người ta phê-bình. Ai làm được quyển sách quyển vở nào, đem ra giới-thiệu với công-chúng, thì chỉ muốn khen, chứ không muốn người ta chê, rồi hễ thấy người ta bẻ bắt điều gì là mích lòng, và không hiểu rằng: « Người dạy ta mà phải là thầy ta, người trách ta mà phải là bạn ta ». Bởi vậy người phê-bình cũng không muốn phê-bình, mà sự học cũng không tiến-bộ được. Nay Phan quân không theo thói thường, cứ tự mình sở-kiến thế nào, thì nói rõ ra như thế, để người bàn đi có người bàn lại, khiến cho sáng rõ cái chân-lý ra. Ấy là một cách phê-bình chính-đáng mà tôi rất lấy làm kính phục vậy.
Phan tiên-sinh đã có lòng tốt đem cái sở-kiến của mình mà bày tỏ ra cho tôi biết, vậy tôi xin lấy lòng thành-thực đem cái sở-kiến của tôi ra mà bàn lại với Phan tiên-sinh. Vị tất lời bàn của tôi đã vừa ý Phan tiên-sinh, song cái chủ-đích không phải là ganh hơn ganh kém gì, chỉ cốt làm cho rõ cái chân-lý ra mà thôi. Phan tiên-sinh có nhắc đến những bài của tiên-sinh đã đăng trong báo Thần-Chung. Tôi xin thú thật rằng tôi không được đọc những bài ấy. Mấy câu tôi nói về những cái thái-độ của những nhà cựu học đối với Nho-giáo là tôi thấy hiện-tình thế nào thì tôi nói thế, chứ không có ý chỉ-chích riêng gì một ai cả. Vả tôi cũng chắc là Phan quân không có ngờ gì cho tôi về việc đó.
Chuyện ấy là ngoài cái vấn-đề ta đã bàn định với nhau ở đây, song cũng phải nói qua để cho rõ cái tình thực của tôi, chỉ chú-ý về cái học-vấn của người mình mà thôi. Vậy xin nhập đề ngay vào chuyện Khổng-giáo mà Phan quân đã xướng lên mấy điều cho là không đúng với cái đạo của họ Khổng.
1. — Phan Khôi tiên-sinh cho là Tống-nho không phải là Khổng-giáo. Việc đó tôi đã nói qua trong quyển sách của tôi rồi, sau này đến khi bàn đến Tống-nho tôi sẽ xin bàn rõ thêm — Nhưng thiết tưởng rằng đại-phàm cái tư-tưởng, cái học-vấn, cũng như vạn vật trong vũ-trụ, phải theo thời mà biến-hóa thì mới sinh-tồn được, miễn là cái tinh-thần lúc nào cũng linh-hoạt không đến nỗi như một thứ gỗ mục thì thôi. Khổng-giáo vốn là cái đạo theo thiên-lý mà lưu-hành, mà sinh-sinh, tất là không nên giữ mãi một mực như lúc đầu. Bởi vậy, ngay từ đời Chiến-quốc, cách Khổng-tử độ hơn một trăm năm, mà cái học của Mạnh-tử đã có nhiều điều không giống cái học của Khổng-tử rồi, huống chi đến đời Tống cách Khổng-tử hàng ngàn rưởi năm, sự sinh-hoạt, cách tư-tưởng đều khác với đời thượng-cổ. Vậy theo cái lý đương-nhiên thì tất là Nho-giáo đời Tống không giống Nho-giáo đời Xuân-thu. Và trong khi các tôn-giáo như Lão-giáo và Phật-giáo cũng thịnh-hành lên, dẫu các nhà nho-học muốn giữ cái đạo họ Khổng cho tinh-thuần thế nào mặc lòng, cũng không sao mà tránh khỏi được cái thế-lực của những tôn-giáo kia. Vậy nên khi ta xét đến cái học-thuyết trong một thời-đại, ta phải biết cái thêm cái bớt để cho rõ cái chân-tướng thời-đại ấy — Nếu lấy cái cớ rằng Tống-nho có chịu cái ảnh-hưởng của Lão-giáo và Phật-giáo mà nói rằng Tống-nho không phải là Khổng-giáo, thì tôi e rằng sự học-vấn không được đúng.
Còn như nói rằng Khổng-tử chỉ nói có Thái-cực, chứ không nói đến Vô-cực, thì quả thực như vậy. Cái tôn-chỉ của Khổng-giáo là chỉ nói cái động-thể, không nói cái tĩnh-thể của vũ-trụ. Song biết đâu Khổng-tử đã đi học Lão-tử lại không nghĩ đến Vô-cực? Vì trước khi có cái có, tất phải có cái không. Có lẽ bởi cái ý ấy cho nên Chu Liêm-Khê khi làm ra Thái-cực-đồ đem chữ Vô-cực để lên trên chữ Thái-cực, tưởng đó cũng là một cách hiểu rõ cái đạo họ Khổng vậy. Giả sử ta cứ theo phần hình-nhi-hạ mà suy, thì có thể nói hai chữ Vô-cực ấy không phải là đạo của họ Khổng, nhưng theo phần hình-nhi-thượng mà nói cái ý vô-cực thì cũng không phải là sai. Tuy nhiên, lời Phan quân cũng đúng như lời Lục Tượng-sơn đã bác cái thuyết vô-cực của Chu Liêm-khê. Có một điều nên biết là Tống-nho tuy có nhiều điều sai lầm, nhưng cái học-thuyết của Tống-nho có phần cao và sâu hơn của bọn Hán-nho và Đường-nho, là vì Tống-nho đạt tới cái học hình-nhi-thượng của Khổng-giáo. Vậy nói rằng Tống-nho không phải là Khổng-giáo thì tôi sợ là xét không đến.
Phan tiên-sinh nói rằng cái chân-lý của vũ-trụ như cái chén bạc chưa mở. Bởi vì tạo-hóa huyền-bí khó biết, cho nên từ xưa đến nay bao nhiêu nhà học-giả tìm không ra mối, thành-thử mỗi người đoán ra một cách. Điều ấy đã dĩ nhiên rồi, ai chẳng biết! Nhưng có phải là vì sự cố gắng mà tìm-tòi cái huyền-bí ấy của nhân-loại mà làm cho cái phẩm-giá của người ta cao lên, và cái học-thức của người ta rộng ra không? Cái lối của bọn hủ-nho là chỉ bo-bo ở chỗ thiển-cận trước mắt, chứ không bao giờ đem cái tư-tưởng lên cao được một chút, rồi cho là những việc siêu-việt không sao biết được. Bởi vậy cho nên cái nho-học của mình mỗi ngày một thấp xuống. Ngày nay ta đã trông thấy cái lưu-tệ ấy rồi, lẽ nào ta lại cứ cái lối hủ-bại ấy mà học hay sao?
2. — Phan tiên-sinh lại nói rằng ta nên đem so-sánh Khổng-học với tây-học, nhưng không nên nói cái này tức là cái kia v. v. Bản ý của tôi là đem Khổng-giáo so-sánh với các học-thuyết bên tây cũng là theo cái ý-kiến ấy. Vả lại tôi cũng chỉ nói qua cái đại-lược, xét một vài điều tương-tự như nhau mà thôi, để độc-giả biết cái sở đồng sở dị, chứ không bao giờ tôi nói cái học-thuyết ấy tức là cái học-thuyết nọ. Điều ấy có lẽ Phan quân phán đoán hơi vội-vàng cho nên mới nói thế. Huống chi cổ-nhân có chữ: « Đông hải hữu thánh-nhân xuất yên, thứ tâm đồng giã, thử lý đồng giã. Tây hải hữu thánh-nhân xuất yên, thử tâm đồng giã, thử lý đồng giã ». Vậy biết đâu lại không có chỗ đúng.
Còn những danh-từ triết-học thì tôi vẫn biết rằng Đông Tây dùng khác nhau, mà đến ngay như ở bên Tây mỗi một nhà triết-học, dùng một danh-từ riêng, Cùng một tiếng mà có khi mỗi nhà dùng ra một nghĩa khác, thậm chí khi muốn xem một cái học-thuyết như của Khổng-đức (Comte) hay là của Khang-đức (Kant) độc-giả phải học những danh-từ riêng của những nhà ấy, rồi mới xem được. Tôi dùng chữ trực-giác để cắt nghĩa chữ lương-tri của Mạnh-tử, là có ý để cho những người tây-học dễ hiểu. Vì chữ trực-giác và chữ lương-tri có cái nghĩa tương-tự nhau. Mạnh-tử nói lương-tri mà Khổng-tử không nói lương-tri. Thế mà cái học của Mạnh-tử vẫn hợp với cái học của Khổng-tử. Khổng-tử là một bậc thánh-nhân muốn « bất ngôn nhi giáo » cho nên tuy lời nói ít mà ý tứ nhiều. Ngài không nói lương-tri nhưng cái học của Ngài chủ ở chữ nhân. Mà chữ nhân thì tôi đã giải-thích ở thiên hình-nhi-thượng học tức là cái lương-tri ở trong đó rồi. Bởi vì đời sau bỏ mất cái nghĩa sâu xa chữ nhân của họ Khổng cho nên cái tinh-thần Khổng-giáo mới sai đi.
Chữ trực-giác là một chữ mới của người Nhật và người Tầu dịch chữ intuition của Tây ra để chỉ cái năng-lực biết rất lanh rất rõ, hoặc về những sự-vật, hoặc về những điều quan-hệ đến trí-tuệ, hoặc về những điều quan-hệ đến đạo-lý. Bởi vậy cho nên chữ intuition có ba nghĩa. Một là nói về trực-giác đối với sự vật, thì gọi là intuition sensible; hai là nói về trực-giác đối với trí-tuệ, thì gọi là intuition intellectuelle; ba là nói về trực-giác đối với đạo-lý thì gọi là intuition morale. Nay ta lấy chữ trực-giác mà chỉ nghĩa chữ lương-tri cũng không là sai, vì rằng Mạnh-tử giải nghĩa chữ lương-tri là « bất lự nhi tri ». Đã không nghĩ mà biết thì muốn gọi là lương-tri hay là trực-giác cũng đồng một ý, hà-tất phải phân-biệt chữ mới chữ cũ.
Phan tiên-sinh nói rằng lương-tri nói về tánh. Trước hết phải nên hiểu chữ tánh của ta thường dùng với chữ tánh của Mạnh-tử khác nhau xa lắm. Ta thường gọi tánh là sự khuynh-hướng về thiện về ác, tức là gồm cả nết hay nết dở của người ta. Mạnh-tử gọi tánh là cái lý bản-nhiên của trời phú cho người ta, tức là cái bản-thể của tâm, nói cách khác là cái thần-minh sáng-suốt, khiến ta biết rõ những điều nhân nghĩa lễ trí. Lương-tri là cái biết tự-nhiên về những điều nhân nghĩa lễ trí ấy, mà những điều ấy gồm cả trí-tuệ và đạo-lý. Thế mà Phan quân lại nói rằng lương-tri chỉ nói về tánh, còn trực-giác là cách nhận biết của nhà triết-học, nói như thế thì thật tôi không hiểu.
Phan quân nhận rằng chữ trí của Khổng-tử không phải là lý-trí. Chính thế, chữ trí của Khổng-tử quả như nhời ông nói thật. Chữ lý-trí là chữ người ta mới đặt ra để dịch chữ raison của Tây. Tôi đã từng giải nghĩa chữ lý-trí. Chữ lý-trí không có trong sách Nho-giáo, nhưng cứ theo lời Mạnh-tử, thì lý-trí tức là cái trí xuyên-tạc của người, chứ không phải là cái trí công-nhiên như cái trí của vua Vũ trị-thủy. Tôi nói Khổng-tử không nói đến lý-trí, nghĩa là không nói đến cái trí xuyên-tạc, cứ phải lấy tư-tâm mà suy tính hơn thiệt. Vì rằng đạo của Ngài là thuần-nhiên theo thiên-lý, không theo tư-tâm. Ngài nói rằng: «thận tư chi, minh biện chi » là nói dùng cái lý sáng-suốt tự-nhiên mà nghĩ-ngợi, mà biện-biệt, chứ không phải dùng cái lý-trí xuyên-tạc để tính cái hơn cái thiệt của mình. Vậy nên Ngài nói trong sách Kinh-dịch rằng: « Đồng đồng vãng lai, bằng tòng nhĩ tư ». Dùng cái lý sáng-suốt tự-nhiên mà cách vật mà trí tri là hay, dùng cái lý-trí tức là cái trí xuyên-tạc, là dở. Cái ý nghĩa ấy thật rõ trong Khổng-giáo.
3. — Phan tiên-sinh nói rằng đạo trung-dung của Khổng-tử khó lắm, không thể đem ra mà thi-hành được, nên bỏ đi, đừng nói đến nữa. Vậy tôi xin hỏi tiên-sinh rằng khi ta xét một cái học-thuyết thì ta phải xét rõ các mối, hay là cứ cái gì thích thì nói, cái gì không thích thì bỏ. Cứ như ý tôi thì phàm đã gọi là cái học-thuyết là bao giờ cũng phải treo cao một cái lý-tưởng, để cho người ta noi theo. Cái lý-tưởng ấy tất là phải khó, thì kẻ học-giả mới phải cố gắng cho tới gần được. Cái hiệu-quả hay hay dở là ở sự cố-gắng, hay không cố gắng đó mà thôi.
Đạo của Khổng-tử lấy nhân làm cực-diệm, lấy trung-dung làm sự hành-đạo, cho nên nói rằng: « Cực cao minh nhi đạo trung-dung». Thế mà Phan tiên-sinh lại bảo rằng Khổng-tử không dạy người ta theo đạo trung-dung, thì tôi không biết Ngài dạy người ta cái gì. Ngài cho cái đạo trung-dung là đạo hay mà trông thấy nhiều người không biết theo, cho nên Ngài nói rằng: « Đạo trung-dung rất mực vậy, thế mà người ít hay theo được đã lâu. » Câu ấy là Ngài phàn nàn, chứ không phải là Ngài bảo người ta đừng theo. Nhân khi nói đến đạo trung-dung, Ngài nói rằng: « Ai là người không ăn không uống, thế mà ít người biết mùi vậy.» Xem mấy lời ấy thì biết rằng Ngài muốn người ta theo đạo trung-dung là dường nào! Vả cứ xem ngay trong sách Luận-ngữ biết bao nhiêu chỗ Ngài dạy người ta phải trung-dung. Thí dụ như Ngài nói: « Dĩ đức báo đức, dĩ trực báo oán. » Có người bảo: « Tam tư nhi hậu hành » Ngài bảo: « Tái tư khả hỹ.» Có chỗ Ngài nói: « Vô thích giã, vô mịch giã, nghĩa chi dữ tỉ.» Vậy chẳng phải Ngài dạy người ta theo đạo trung-dung là gì?
Cái đạo ấy thì khó thật, bậc thánh-nhân cũng không theo hết được, nhưng mà người thường cũng có thể biết được và có thể làm được. Bởi vì bậc thánh-nhân có cái trung-dung của thánh-nhân, bậc người thường có cái trung-dung của người thường. Trung-dung là cái vừa phải, không thái-quá không bất-cập. Muốn biết thế nào là trung-dung thì phải thành-thực, đừng để tư-tâm tư-dục làm mờ tối mất cái sáng-suốt của mình. Khổng-tử lại lấy Nhan Hồi làm gương cho người ta. Ngài nói rằng: « Ngươi Hồi làm người là cứ chọn điều trung-dung, được một điều thiện thì cứ chăm giữ trong bụng mà không để mất đi vậy. » Như thế mà Phan quân bẻ tôi rằng bảo người ta theo đạo trung-dung là trái với đạo họ Khổng, thì sao cho phải. Kinh Truyện còn sờ sờ ra đó mà bảo rằng tôi tự-tiện đặt ra những lời không có trong đạo Khổng. Nếu tôi có lầm thật, thì cũng lầm theo các tiên-nho từ Tăng-tử, Tử-tư và Mạnh-tử trở xuống. Có lẽ vì Phan quân thấy có nhiều người mượn tiếng trung-dung mà thật là người hương-nguyện, cho nên tiên-sinh bảo đừng theo trung-dung nữa. Song có phải là một đạo Khổng có bọn hương-nguyện còn các tôn-giáo khác không có bọn hương-nguyện hay sao? Đạo nào lại không có bọn ấy. Hương-nguyện là bọn giả-dối không có liêm-sỉ mượn tiếng đạo-đức mà che đậy bề ngoài. Bọn ấy ở với quân-tử có thể làm quân-tử được, mà ở với tiểu-nhân thì làm tiểu-nhân. Nếu người ta mà thành-thực theo đạo cho đến chết, thì sao lại là hương-nguyện. Bởi thế cho nên thánh-nhân ghét hương-nguyện mà dạy người lấy chữ thành. Người mà đã không thành, thì dẫu đạo hay đến đâu rồi cũng hóa ra dở. Nho-giáo sở dĩ hẩm nát như ngày nay là tại mình học bậy, chứ có phải là tại đạo không hay đâu. Người thợ-rèn rèn con dao thật sắc, đến khi người ta mua về không biết dùng, đem làm sứt mẻ đi, rồi đổ tội cho người thợ không biết rèn. Như thế có phải là thật lỗi người thợ-rèn không? Điều đó xin Phan quân thử nghĩ lại cho chín mà xem.
4.— Phan tiên-sinh quyết đoán rằng Khổng-tử là một nhà « vô thần luận giả. » Cứ như ý tôi thì Khổng-tử là một nhà « Hữu thần luận giả » mà những bằng chứng của Phan tiên-sinh viện ra không đủ phá được cái ý kiến ấy. Trước hết xin nói rằng câu: « Tử bất ngữ quái, lực, loạn, thần » là câu của các môn-đệ Khổng-tử chép ra. Nguyên cái cách lập-giáo của Khổng-tử có hai lối. Một lối tâm-truyền và một lối công-truyền. Lối tâm-truyền quan-hệ đến những điều huyền-bí, còn lối công-truyền thì dạy những điều thiết-thực ở đời. Ngài dạy học-trò thì chỉ dạy miệng chứ không viết ra. Bởi vậy sau ai nhớ được điều gì thì chép ra thành sách Luận-ngữ. Thường những lời của các môn-đệ chép ra ở sách ấy, là thuộc về cái học công-truyền. Trong khi ngài nói với số nhiều học-trò thì Ngài không nói đến những điều huyền-bí, cho nên các môn-đệ mới chép câu ấy. Vậy lấy câu ấy mà làm bằng chứng thì không đủ.
Câu «Tế như tại», «tế thần như thần tại» và câu «dương dương hồ như tại kỳ thượng, như tại kỳ tả hữu» đều là câu nói rằng ta phải kính trọng quỉ-thần. Nhưng vì quỉ-thần u-ẩn, tai không nghe được, mắt không trông thấy được, mà nói cho người ta hiểu được, nếu không dùng chữ như thì không biết nói thế nào được. Trời đất và quỉ-thần thuộc về cái học hình nhi thượng. Người ta chỉ biết tin là có, chứ không có thể đem giải diễn ra như là nói hai với hai là bốn được. Vậy mấy chữ như ấy không đủ làm bằng chứng là Khổng-tử không tin có quỉ-thần. Khổng-tử lại rất chú-ý về việc tế-tự, không lẽ Ngài không tin là có, mà lại bảo người ta phải hết lòng thành-kính mà tế-tự và lại nói: « quỉ-thần vô thưởng hưởng, hưởng vu khắc thành » hay là « kính quỉ-thần nhi viễn chi ». Đã không tin quỉ-thần thì kính cái gì, mà viễn cái gì? Cứ như ý Phan quân thì đó là cái thuật khiến người ta phải tin đạo-đức, chứ không phải là Khổng-tử thực tin có quỉ-thần. Nếu vậy ra Khổng-tử lại dùng thuật như người đời à? Điều ấy tôi không dám theo Phan quân.
Phan quân lại viện câu: « Tính khí vi vật, du hồn vi biến » ở trong kinh Dịch ra làm bằng chứng. Trong câu ấy Phan quân chủ lấy chữ biến mà cho là đã biến đi thì còn đâu là quỷ-thần nữa. Xưa nay ta vẫn học chữ biến là đổi hình-thể, chứ không có nghĩa là mất hẳn đi. Có khi ta nói « biến đi mất » là nói không trông thấy nữa. Vậy câu ấy cũng không đủ làm bằng chứng đạo họ Khổng là đạo vô thần.
Phan quân cũng biết rằng những câu nói trên kia không chứng rõ được cho cái thuyết vô thần của đạo Khổng, bèn viện chứng ở họ Mặc. Muốn biết cái bằng chứng của họ Mặc có xác thực hay không, ta phải biết cái học của họ Mặc và cái học của họ Khổng khác nhau là thế nào. Họ Mặc nhận có trời và có quỉ-thần mà trời và quỉ-thần có ý-chí và thưởng điều thiện, phạt điều ác. Sự tín-ngưỡng của họ Mặc tự-hồ sự tín-ngưỡng của các tôn-giáo bên Tây. Họ Khổng cũng nhận có trời và có quỉ-thần, nhưng cho trời là cái lý, quỉ-thần là cái linh khí; cái lý và cái khí ấy có thể cảm ứng với người ta được, là vì người cùng đồng một lý và một khí với trời và quỉ-thần. Cái học của họ Khổng giống cái học thiên địa vạn vật nhất thể tức là cái học (panthéiste) bên Tây.
Họ Khổng và họ Mặc đã có cái tư-tưởng không hợp nhau, tất là công kích nhau, cho nên Mặc-tử mới nói: «Nho dĩ thiên vi bất minh, dĩ quỉ vi bất thần» Chữ bất minh và bất thần không phải là nói không có. Mặc thì nói rằng trời và quỉ-thần chủ-trương việc người. Nho thì nói trời và quỉ-thần không chủ trương việc người. Hai bên khác nhau là thế. Vậy mà Phan quân lấy câu ấy làm cái bằng chứng chắc chắn rằng đạo Khổng là đạo vô thần, thế chẳng hóa ra lầm lắm hay sao.
Tôi sở dĩ dẫn mấy câu: «Tam hậu tại thiên và «Văn vương trắc giáng tại đế tả hữu» ở trong kinh Thi ra làm bằng chứng cái đạo hữu thần của họ Khổng, là tuy đã hay rằng những câu ấy là lời của con cháu Văn-Vương nói ra, song con cháu Văn-Vương đã tin như thế, tất là người đời bấy giờ cũng tin như thế, mà Khổng-tử lúc san kinh Thi còn để lại tất là cũng tin như thế. Vả ta hãy xét các dân-tộc đời cổ, không có dân-tộc nào là không tin có quỉ-thần. Về sau sự học vấn thịnh-hành lên, mới có thuyết vô thần. Tuy nhiên cũng không có mấy người theo, vì nó trái với lòng người. Chắc Khổng-tử không theo cái thuyết ấy. Vả lại xem các Kinh Truyện có nhiều chỗ rõ là Khổng-giáo tin có quỉ-thần. Hoặc giả Phan quân còn sở-cứ vào cái ý kiến nào nữa thì tôi không được biết.
5. — Phan quân khuynh-hướng về khoa-học và cho Khổng-giáo trái với khoa-học. Trước hết ta phải biết rằng hai chữ khoa-học như ta hiểu ngày nay, thì khi xưa bên Viễn-đông ta không có. Họa chăng ở cuối đời Chiến-quốc bên Tàu, có phái Biệt-Mặc mà nhà Nho thường gọi là quỉ-biện, có một vài nhà triết-học lưu tâm đến những vấn-đề tự-hồ có cái vẻ khoa-học, nhưng vì dùng danh-từ không rõ, thành ra không mấy người hiểu. Về sau xã-hội Tàu thiên về mặt học đạo-đức và bỏ mất khoa-học, không ai nghĩ đến. Độ vài trăm năm nay khoa-học thịnh-hành lên ở phương Tây, làm cho những dân-tộc phương ấy được cường-thịnh, đem cái tài trí của nhân-loại mà cướp cái thế-lực của tạo-hóa, rồi đè nén cả thiên-hạ, nghiễm-nhiên làm chủ cả địa-cầu. Bởi đó mà các dân-tộc thuộc về văn-hóa cũ đều đua nhau theo khoa-học.
Khổng-giáo sở-dĩ không chú ý đến khoa-học là vì lúc trước sự sinh-hoạt của người ta không cần đến khoa-học. Song xét kỹ ra cái tinh-thần của Khổng-giáo không trái với khoa-học, bởi chưng Khổng-giáo dạy người ta phải tùy thời mà biến đổi, miễn là đừng thiên-lệch về một mặt nào thái-quá là được.
Phan quân nói rằng Khổng-giáo có nhiều điều trở ngại cho khoa-học. Những điều ấy tôi không hiểu rõ là điều gì, mà dẫu có nữa chẳng qua là Khổng-tử nói những điều thích-hợp với cái trình-độ của người đời Xuân-thu. Về sau mình không biết phân-biệt trái phải, cứ nhắm mắt theo liều, chứ có phải là tại thánh-hiền đâu. Đạo Khổng sở dĩ có điều hay là có cái nghĩa tùy-thời, không chấp nhất cái gì cả. Việc gì mà hợp thời và thuận lý là được, cốt lúc nào cũng phải giữ cái lẽ điều-hòa mà thôi. Nay ta ở vào thời-đại có khoa-học và cần phải có khoa-học, thì ta theo khoa-học, nhưng theo khoa-học mà không bỏ mất cái tâm-học, thì tâm với trí có thể điều-hòa được với nhau, có việc gì là việc trở ngại. Tôi e rằng Phan quân quá tin khoa-học, cho nên tưởng rằng cái gì không phải là khoa-học thì cho là dở, chứ biết đâu là khi ta quá thiên về khoa-học lại không có điều hại? Kể như ngày nay thiên-hạ đang hâm-mộ khoa-học lắm thật, thế mà ở bên Tây có nhiều nhà thức-giả chán-nản về khoa-học, muốn tìm ra một lối thích-hợp với nhân-đạo hơn lối sinh-hoạt hiện thời.
Ta nay thấy người cường-thịnh, thì ai ai cũng háo-hức theo người, biết đâu rằng cái cường-thịnh ấy, lại không có cái nguy-cơ đã nằm sẵn đó rồi. Bởi vậy những người thức-giả thường lấy làm lo. Tôi nói thế không phải là tôi bảo người mình không theo khoa-học, nhưng tôi chỉ muốn người mình theo khoa-học mà đừng bỏ mất cái tâm-học của mình thì rồi mới có lợi được.
Phan quân lại nói Khổng-giáo chỉ nói cái lẽ đương-nhiên mà không nói cái lẽ sở-dĩ-nhiên. Là vì Khổng-giáo đã không nhận có cái định-lý, thì chỉ nói được cho ta biết cái lẽ đương-nhiên mà thôi, còn cái lẽ sở-dĩ-nhiên là mỗi thời một khác, người học-giả phải biết tùy-thời mà ứng biến, cốt nhất là lúc nào cũng tự cường bất tức để gây nên một cái thế lực tương-đương mà đối phó với đời. Ta ở đời nào ta phải lấy cái lẽ sở-dĩ-nhiên đời ấy, chứ đừng có thấy người ta làm sao, mình bào-hao làm vậy. Nếu người mình mà giữ cái thói ấy mãi, thì dẫu có theo khoa-học cũng chẳng có ích gì, suốt đời chỉ đi nhặt những cái bã của người ta đã vứt ra mà thôi.
Bốn chữ cách vật trí tri của Khổng-giáo tuy chưa phải là khoa-học, nhưng chính là cái ý nghĩa khoa-học. Những nhà học-giả như Vương-Dương-Minh đem mấy chữ ấy cho vào tâm-học, không phải là không có giá-trị. Song vì ông chú về một mặt tâm-học, cho nên ông mới nói như lời ông viết cho Lan Khâm-Thuận. Nếu ta đem cái nhỡn-giới triết-học cao lên mấy độ nữa, thì ta biết cái học của họ Vương không phải là cái học tầm-thường. Điều đó xin để khi nào bàn đến cái học họ Vương ta sẽ nói chuyện.
Còn cái lối dùng trực-giác là chính cái thần-bí của những nhà khoa-học. Nhờ có cái trực-giác cho nên các nhà khoa-học mới tìm ra những cái rất huyền-bí và sáng-tạo ra được nhiều cái rất tinh-xảo. Song khi dùng trực-giác ta phải dùng cái lý-trí chính đáng mà kiểm duyệt lại. Đó là nói qua để Phan quân nghe mà thôi, chứ nói cho hết lẽ, thì dài quá. Thì giờ ít xin Phan quân miễn cho.
6•) — Sau cùng. Phan tiên-sinh cho tôi cắt nghĩa chữ quân là miễn-cưỡng và tiên-sinh nói rằng hai chữ trung-quân không hợp thời. Điều đó, khi tôi viết, tôi cũng đã biết có người không nghe ra. Ý tôi nói chữ quân tức là nói chữ chủ. Khi xưa các dân-tộc mới nhóm lên, ai có thế-lực giữ được một chỗ nào thì làm chủ chỗ ấy, người giữ cái ngôi ông chủ ấy thì gọi là quân. Vậy chữ quân với chữ chủ là một nghĩa. Nhưng quân thì nói về đường chính-trị, mà chủ thì dùng về việc gì cũng được.
Đã có xã-hội là phải có quân cho nên Tuân-tử nói rằng: «Quân giả quần giã» có quần mà không có quân thì thành ra loạn. Cái quyền của ngôi quân, hoặc do thế lực của một nhà chiếm lấy, hoặc do nhân-chúng công-nhận mà trao cho. Bởi chưng nhân-chúng khi xưa không mấy khi biết lợi-dụng cái quyền của mình mà cử lấy người ra giữ ngôi quân, thường là chỉ bị những nhà có thế-lực chiếm lấy. Khi những nhà đã chiếm được cái ngôi cao ấy, xưng là đế là vương, và giữ lấy ngôi cao ấy làm của riêng mình, bắt thần-dân phải phục-tùng mình.
Khổng-giáo phát minh ra trong thời-đại chỉ biết có đế có vương cho nên cũng nhận những bậc ấy làm quân, và dạy những bậc ấy phải làm chức-vụ của mình, nghĩa là phải bảo-dân. Khổng-giáo cho cái quân-quyền là cái thần-khí, làm chủ sự trị-loạn của nhân-dân, cho nên mới nói trung-quân chứ không nói trung-vương hay trung-đế, vì khi mà bậc vương bậc đế nào, đã lạm-dụng cái quân-quyền mà chuyên-chế quá độ, thì người nào được lòng dân thì được phép trừ bỏ bậc vương bậc đế ấy đi. Bởi vậy cho nên Mạnh-tử nói rằng: «chỉ nghe nói giết một đứa Trụ, chứ không nghe nói giết vua bao giờ». Về sau ta theo lối chuyên-chế mà hiểu cái nghĩa trung-quân hẹp đi cho nên mới nói trung-quân là trung với nhà làm vua. Song Khổng-giáo có dạy rằng: «Người trung-thần là người tòng đạo bất tòng quân » chính là để chữa cái nghĩa hẹp của quân vậy.
Đã nói quân-quyền tức là chủ quyền, cho nên những dân-tộc bị bọn đế vương áp-chế thái-quá mới nổi lên trừ bỏ bọn ấy mà giữ lấy cái quân quyền. Cũng vì thế cho nên khi dân nước Pháp dựng lên cuộc Cách-mệnh bèn xướng lên cái chủ nghĩa «souverain peuple» tức là dân giữ quân-quyền.
Khi nhân-chúng đã nhận cho một người, hay cho cả dân được giữ cái quân-quyền, thì người cả nước phải phục-tùng cái mệnh-lệnh những người đã được giữ cái quân-quyền ấy. Nếu không thì thành ra loạn. Người trong nước trung với cái quân-quyền đã định, là cái chính-thể vững, không trung với cái quân-quyền ấy là cái chính-thể đổ. Vậy nên tôi nói rằng: «Bất kỳ ở vào thời-đại nào, hai chữ trung-quân vẫn có nghĩa chính-đáng».
Phan quân đem hai chữ lập-hiến để bác cái nghĩa chữ quân. Vậy lập-hiến là cái gì? Có phải là những lời ước, định rõ cách thi-hành cái quân-quyền đó không? Người nào giữ cái cơ-quan nào, phải theo cái giới-hạn đã định.... hễ ngoài cái giới-hạn ấy là phạm tội. Người phạm tội ấy là bất trung với quân, thì người khác lại có quyền được trừng-trị. Vậy cái ý-nghĩa lập-hiến đời nay với cái ý-nghĩa của Khổng-giáo có khác nhau là bao nhiêu.
Tôi đã nói người học Nho-giáo phải đạt tới cái tinh thần mới hay, chứ đừng cố chấp theo từng chữ từng nghĩa vụn-vặt mà thành ra hủ-nho như ta đã trông thấy.
Tôi nói các xã-hội ngày nay chỉ đổi được cái danh mà không đổi được cái thực. Điều ấy là thật quả thế, chứ không phải là nói ngoa. Tôi dám hỏi Phan tiên-sinh rằng đã có cái xã-hội nào bỏ được cái quân-quyền như tôi đã nói trên kia chưa? Dân-tộc này đánh đổ cái chính-thể chuyên-chế đi, định ra lập-hiến để giao cái quân-quyền cho một bọn người, gọi là cộng-hòa. Dân tộc kia nổi lên định ra lập-hiến để hạn chế cái uy-quyền của ông vua gọi là quân-chủ lập-hiến. Rút cục lại, người làm dân vẫn phải chịu cái quân-quyền, có khi đỡ được một chút chuyên-chế của một người, thì lại bị sự chuyên-chế của một bọn. Người đóng thuế vẫn phải đóng thuế, người đi lính vẫn phải đi lính, người hèn-yếu vẫn phải người khỏe-mạnh bắt nạt. Cái danh tuy đổi mà cái thực vẫn còn.
Khổng-giáo sở dĩ có cái hay là muốn theo chính-thể nào cũng được, cốt nhất là hợp thời thuận lý thì thôi, và bao giờ cũng bắt người trên phải làm những điều chân chính, phải thương dân, yêu dân, đừng để dân đói-khổ, đừng làm điều hà-lạm, khiến dân được an-cư lạc-nghiệp. Muốn được như thế thì từ vua quan cho chí người thường ai cũng lo sửa mình, biết điều nhân nghĩa hiểu lẽ công-bằng, ai cũng làm việc nghĩa trước việc lợi. Nếu người một xã-hội mà số nhiều được như thế, thì dẫu theo chính thể nào, nước cũng trị được.
Tôi nói như thế là nói thực-tình, chứ không phải như Phan tiên-sinh đã nói là vì cái cảm tình của tôi đối với Nho-giáo mà nói một cách tống tình đâu. Cứ như ý tôi thì tôi cho đạo ấy là hay, là phải, và tôi muốn rằng người mình có cái tinh-thần riêng của mình. Nếu ta biết gây bón nó lên, thì nó cũng có thể mạnh-mẽ tốt-tươi như cái tinh-thần của người ta, Cái gì của ta hay thì ta giữ lấy, cái gì ta không có thì ta đi học của người, làm thế nào cho ta lớn lên được mà ta vẫn là ta, chứ không lẫn với người. Ấy là bụng thực của tôi như thế. Tôi vẫn biết Nho-giáo như ta đã thi-hành ra tự xưa đến nay có nhiều điều dở. Những cái dở đó là vì người mình không biết dùng lấy cái tinh-thần mà chỉ khư khư giữ lấy cái cặn-bã, mình không biết tùy-thời mà biến đổi, để đến khi đổ bẹp cả, rồi không biết tự-hối, lại đổ tội cho Nho-giáo. Xét ra tôn-giáo nào và học-thuật nào cũng vậy, người sáng-lập ra chỉ biết dạy mình cái tôn-chỉ mà thôi. Về sau cái hình-thể cứ biến mãi đi, đến khi không biến được nữa là mất. Nho-giáo sở-dĩ đến mực này là vì ta không biết theo thời mà biến. Giả sử ta bỏ hết những cái vụn-vặt cặn-bã đi, những cái ấy có lẽ thích-hợp với thời cổ mà không thích-hợp với thời này nữa; rồi ta rút lấy cái tinh-thần, gây nó lên cho mạnh-mẽ, thì biết đâu ta lại không làm được việc rất đáng làm hay sao?
Trước kia tôi cũng như Phan quân, điều gì của ta, tôi cũng cho là dở, muốn bỏ đi cho hết, để đi lượm lặt của người về mà thay vào, sau dần dần tôi thấy những cái mình muốn lặt của người, lại là cái bã người ta nhai chán đã muốn nhả ra. Nếu mình lại chạy theo mà lượm lấy đem về làm của quý, thế chẳng hóa ra mình dại lắm ru!
Tôi chắc Phan quân cũng biết rằng ngay ở bên Tây, những nhà thức-giả có nhiều người cũng lấy cái cảnh-tượng xã-hội ngày nay làm lo, còn đi tìm-tòi, xem có cách gì mà sửa đổi lại được không. Huống chi ta đây cũng là tai mắt, có đủ trí-tuệ, ta há lại không làm ra được việc gì là riêng của ta, mà lại cứ nhất nhất phải chạy theo đuôi người ta làm gì.
Phan tiên-sinh với tôi cùng nhau đã được trò-truyện một đôi lần, tôi biết tiên-sinh là người có học-thức và lại có nhiệt-tâm về sự cải-cách của xã-hội ta. Nhưng tôi e rằng tiên-sinh nóng ruột quá cho nên vội muốn theo Tây-học. Tiên-sinh nhiệt-tâm đến nỗi cái tinh-thần nuôi tiên-sinh từ thuở nhỏ đến giờ, mà đến khi tiên-sinh chia tay ra đi, không được một giọt nước mắt! Tiên-sinh vốn không phải là người tây-học, mà nhiễm được cái tinh-thần tây-học mau như thế, thì ra cái tinh-thần tây-học mạnh thật mà cái tinh-thần Nho-học suy-nhược lắm thật! Tôi càng nghĩ càng xót-xa đau-đớn cho cái tinh-thần nước nhà, đến nỗi hàng lệ chứa-chan. Hay là vì tôi không cho tây-học là mãn-nguyện, quay trở lại làm bạn với Nho-giáo, cho nên lại bị Nho-giáo quyến-dũ mà mê đi như thế chăng. Có lẽ cái tinh-thần Khổng-giáo và cái tinh-thần tây-học khác nhau ở một chút mối tình đó chăng.
Dẫu thế nào mặc lòng, xem đó thì biết Phan quân với tôi đi hai con đường khác nhau. Thôi thì tiên-sinh đã chia ra tả hữu, thì tiên-sinh cứ đi đường tả, tôi cứ đi đường hữu, mong rằng một ngày kia ta cùng nhau tới một chỗ cao-ráo sạch-sẽ, tiên-sinh thì đem cái tài-năng của tây-học, tôi thì đem những vật-liệu của nước nhà, rồi hai ta cùng ra sức xây lấy một cái nhà thật đẹp theo kiểu mẫu rất mới, mà vẫn là nhà của ta, chứ không giống nhà của người. Lúc ấy ta cùng nhau cả cười rằng ta đi con đường khác nhau mà cùng tới một cái mục-đích.
Nếu được như vậy, thì ta cũng có thể phảng-phất như câu Mạnh-tử nói: quân-tử diệc nhân nhi dĩ hĩ, hà-tất đồng.
II
Sau bài trả lời ấy, ông Phan-Khôi viết một bài đăng ở Phụ-nữ Tân-văn số 63 và 64 đề đầu là: mời Trần-trọng-Kim tiên-sinh đi với Khổng-Tử Mạnh-Tử đến nhà M. Logique chơi, tại đó, chúng ta sẽ nói chuyện.. Tôi phải viết bài sau này đăng ở báo ấy số 71, 72 và 74.
Mời Phan-Khôi tiên-sinh trở về nhà học của ta mà nói chuyện.
Trước khi Phan tiên-sinh mời tôi đến nhà cô Logique (gọi là cô vì Logique ở bên Tây là người đàn bà), để nói chuyện với Khổng-Tử và Mạnh-Tử, tiên-sinh có viết một bài cảnh-cáo các nhà mà tiên-sinh gọi là học-phiệt. Trong bài ấy tiên-sinh trách những người Nho-học có cái thái-độ lãnh-đạm đối với Khổng-giáo, tôi lấy làm phục lắm. Mấy lời tiên-sinh trách ở bài tiên-sinh đã đăng trong báo Thần-chung ra, thì bây giờ tôi mới biết, mà thật là đúng với cái bệnh-tình của các nhà Nho-học ở nước ta. Thường tôi vẫn lấy điều ấy làm phàn nàn lắm. Thế mới biết cái học của mình xưa nay thiển-cận, đến nỗi không có chút gì thấm-thía vào đến tủy-não cả.
Song trong bài ấy có điều Phan tiên-sinh nói về cái thái-độ của những người học-phiệt, thì không được đủ lẽ, là vì tiên-sinh chỉ trách những người ấy khinh người, ai nói gì cũng làm thinh, không thèm đáp lại. Nhưng tiên-sinh không xét cho tự xưa đến nay đã có mấy ai xướng lên vấn-đề gì mà nói cho chính-đáng và ôn-tồn, để cho những người có ý-kiến gì khác cũng muốn đem ra mà bàn chưa? Số nhiều người mình khi đã cầm bút viết, thì chỉ dùng những dọng khích-bác, những lời thô-thiển, có khi lại buông lời quá đáng, làm mất cả cái hòa-khí trong khi biện-luận. Như thế thì tiên-sinh bảo người học-giả ai còn muốn biện-luận nữa. Đã hay rằng người đi học cần phải phục-thiện. Song phải biết lời mình nói có thiện thì người ta mới phục, chứ mình nói những lời sống-sượng ý-tứ ngoắt-ngoéo, từ đầu chí cuối chỉ thổ-lộ ra cái ý cầu thắng thì bảo người ta phục-thiện làm sao được.
Thiết-tưởng nói điều phải, có nhiều cách nói, nếu mình lấy cái thái-độ thanh-nhã ôn-hòa mà nói, thì ai chẳng muốn nghe. Phàm khi đã bàn đến những điều nghĩa-lý, thì ta phải lấy cái nghĩa công-chính mà nói chứ không để ý vào sự cầu thắng. Vì đã có cái ý cầu thắng, thì tất là động khí, mà đã động khí thì còn bàn thế nào được cái trung-chính của đạo-lý nữa. Thế mà có nhiều người hễ biện-luận điều gì là lấy cái tư ý của mình đối với cá-nhân, rồi nói những lời như cãi nhau ở ngoài đường, vậy mà trách người ta không đáp lại, chẳng hóa ra không công-bình lắm hay sao? Đây là tôi nói cái thói thường của phần nhiều người như thế, chứ không nói gì đến Phan tiên-sinh. Vậy cứ ý tôi, ta nên trách cả hai bên, thì mới phải.
Còn như tiên-sinh bảo cho biết rằng sau này có những người tài giỏi, học lực chắc-chắn, sẽ công-bố cái bình-dân chủ-nghĩa mà đánh đổ cái học-thuyết của bọn học-phiệt thì tôi lấy làm mong lắm. Nếu được thật như thế, nước ta sẽ có cái hạnh-phúc lớn lắm vậy. Miễn là khi hai bên đối-địch chỉ dùng công-lý mà tranh-luận, chứ không lấy tư ý mà công-kích nhau, thì còn gì có ích-lợi cho sự học-vấn bằng nữa. Trong nước mà «đạo tịnh hành nhi bất tương bội» thì hay biết là dường nào! Chỉ đáng sợ nhất là cái học tôn nhất, rồi cứ dùng thế-lực mà đè nén mất sự ngôn-luận tự-do thì cái học ấy dẫu hay đến đâu rồi cũng hóa ra dở.
Phàm người nào đã có một chút tư-tưởng, thì ai cũng muốn tìm cái chân-lý cả, nhưng cái chân-lý ở trong vũ-trụ nó thiên hình vạn trạng mỗi lúc một khác, thời xưa nó hiện ra thế ấy, thời nay nó biến ra thế này, rồi sau đây nó lại biến ra thế khác nữa, ta chưa biết. Ta tìm là chỉ tìm được cái chân-lý tỉ-hiệu mà thôi, còn cái chân-lý tuyệt-đối thì ta càng tìm lại càng không thấy đâu cả. Tuy nhiên hình như nó vẫn có, cho nên ai đã hoài-bão một cái chủ-nghĩa nào, thì không bao giờ là không tự tín rằng ta đã nắm được nó rồi, ngờ đâu đến khi xét kỹ lại, thì nó vẫn ở đâu, chứ không ở trong tay mình. Bởi thế tôi tưởng nên theo cái học của họ Khổng, cứ lấy cái tâm khuếch-nhiên thái-công mà suy xét mọi việc, lấy lòng trung-chính mà đối phó với các sự vật, họa may có tới gần đến cái chân-lý ấy chăng. Ta thấy thế nào ta tả nó ra thế, người khác thấy thế nào cũng tả ra thế. Hai bên tuy có khi khác nhau nhưng đổ chung lại, vẫn là mỗi bên có một phần chân-lý.
Nhân tiện đây xin nói để Phan tiên-sinh hay rằng tôi xem sách tây thấy trong quyển «Le puits de Saint Claire» của Anatole France chương XIII và XIV, bàn về chân-lý có nhiều ý nghĩa rất hay và văn-tự lại rõ-ràng, có nhiều ý vị lắm. Giá tiên-sinh có rỗi, nên lấy mà xem, chắc cũng có lợi.
Đó là mấy lời tôi bàn phiếm với Phan tiên-sinh, nhân gặp nhau ở tờ báo, thì nói chuyện mà thôi, chứ không phải câu chuyện mà tiên-sinh mời tôi đến nhà cô Logique để bàn những điều quan-hệ đến Khổng-giáo.
Bởi vì Phan tiên-sinh đã có lòng tốt mời tôi đi nói chuyện, thì tôi đâu dám từ chối. Nhưng có một điều là nhà cô ấy, tôi đã từng được đến nhiều lần rồi. Nhà thật đẹp, đường lối rất phân minh và rất sạch sẽ, vào trong nhà thì có ngăn-nắp, buồng nào ra buồng ấy, nhưng chỉ phải một tội là đã vào buồng nào, thì các cửa đóng bịt lại chỉ để mở có một cái cửa sổ. Lúc đầu mới vào còn lạ, thì cũng thích. Sau ngồi lâu nhìn ra ngoài, chỉ thấy ánh sáng có một mặt còn thì không trông thấy mặt khác có những gì nữa, thành ra chán và mỏi. Người ta bảo rằng đi học thì phải đến qua nhà cô ấy rồi sau mới biết rõ mọi việc, cho nên ai cũng phải đến đó một độ. Song mỗi khi tôi ở nhà ấy ra, được trông đông trông tây, thấy mặt nào cũng có cái cảnh lạ, tôi lấy làm thỏa-thích lắm. Bởi vậy về sau lúc nào nghe nói đến nhà cô Logique tôi vẫn nghi-ngại. Nay Phan tiên-sinh lại rủ tôi đến đó nói chuyện, tôi cũng theo đi, nhưng không được vui lòng.
Tôi theo Phan tiên-sinh đến đó, lại thấy cái nhà ấy vẫn như cũ. Tiên-sinh ngồi nói chuyện sách Luận-Ngữ và sách Mạnh-Tử. Tôi nghe tiên-sinh nói xong, đứng dậy mời tiên-sinh trở về cái nhà học cũ của ta mà nói chuyện cho mát-mẻ. Về đến cái nhà này, thấy chung quanh cây cối mọc tự-nhiên, không có sửa-sang gì mấy. Ở trong nhà thì bốn mặt mở toang ra, trông về mặt nào cũng được. Ngồi uống xong chén nước trà thơm của ta, rồi tôi đem những câu chuyện Phan tiên-sinh nói lúc nãy mà bàn lại
1•) — Phan tiên-sinh theo khuôn phép của cô Logique mà chế câu Khổng-tử trả lời cho Mạnh-Ý-Tử là mô-lăng, Nếu lấy câu ấy mà không nghĩ đến cái cách lập-giáo của Khổng-tử, thì bẻ như thế cũng có lẽ phải. Nhưng theo cái phương-pháp của Ngài thì có hai lối: Một là ai hỏi Ngài điều gì, Ngài xem người ấy sở trường hay sở đoản về cái gì, rồi Ngài liệu mà trả lời cho hiểu ngay. Hai là: «bất phẫn bất khải, bất phỉ bất phát. Cử nhất ngung bất dĩ tam ngung phản, tắc bất phục giã» Nếu theo cái lối trên thì khi Ngài nói hai chữ «vô-vi» là đúng vào cái bệnh của Mạnh-Ý-Tử rồi, cho nên hiểu ngay mà nín lặng. Ngài không phải giảng thêm nữa. Nếu Mạnh-Ý-Tử là người ngu, nghe hai chữ ấy, không hiểu, mà cứ nín lặng, thì trúng vào lối thứ hai, Ngài cũng không bảo gì nữa. Ngài đã lập ra phương-pháp ấy, thì bao giờ cũng thực-tiễn như thế mãi, ấy là hợp với cái lý quán-thông trong cái đạo của Ngài. Phàn-Trì nghe nói điều ấy không hiểu, liền hỏi ngay, cho nên Ngài mới giảng rõ cho mà nghe. Vậy trước sau vẫn dùng đúng cái phương-pháp của mình là « tuần tuần thiện du », tức là hợp với phép luận-lý.
Vì chưng có hai chữ «vô-vi» và câu hỏi của Phàn-Trì cho nên mới rõ cái phương-pháp của Khổng-tử. Nếu hai chữ ấy mà không có nghĩa lý gì, thì chắc hẳn chẳng ai chép lại làm gì. Đã không chép lại, thì biết đâu là có, mà lo không hiểu.
Vậy Phan tiên-sinh bẻ chương ấy, là chỉ nệ về một phép luận-lý, mà chưa hiểu hết lý đó mà thôi. Như thế là một điều rất nên cẩn-thận, trong sự học-vấn.
2•) — Phan tiên-sinh lấy chương vấn đáp của Đào-Ứng và Mạnh-Tử mà viện cái lẽ cho Mạnh-Tử là mậu-vọng, thì tôi e là chính tiên-sinh mậu-vọng, chứ không phải là Mạnh-Tử. Đây tôi hãy xin để riêng phép luận-lý của tiên-sinh ra một chỗ, mà cứ theo cái lý tự-nhiên mà xét lời vấn đáp của Đào-Ứng và Mạnh-Tử xem có hợp lý hay không.
Chuyện thực là Cổ-Tẩu không phải giết người, mà vua Thuấn cũng không phải đến nỗi đem cha đi trốn. Song cái ý của Đào-Ứng là đặt ra một chuyện không có, nhưng có thể xẩy ra được, để hỏi xem giả sử bậc thánh-nhân lâm phải việc lưỡng-nan như thế thì giải-quyết ra làm sao. Lưỡng-nan là người làm quan phải giữ phép mà người phạm tội là ông Thái-thượng-hoàng: người làm thiên-tử là con, mà người phạm tội là cha. Người làm quan và người làm thiên-tử ấy lâm phải việc khó xử như thế thì làm thế nào? Mạnh-tử lấy cái ý lưỡng toàn mà đáp lại. Lưỡng toàn là người làm quan giữ phép nước là không được tư, dẫu ông Thái-thượng-hoàng có phạm tội cũng cứ bắt, ấy là hợp cái nghĩa chí-công trong pháp-luật. Người làm thiên-tử là chí-tôn, nhưng thiên-tử cũng là người, tất là có cái tình cha con; cha lâm nạn thì con phải cứu, đừng có vị cái quyền thế mà bỏ cái bổn phận làm con, ấy là hợp đạo hiếu. Ông Cao-dao làm quan giữ phép, phải làm như thế mới đến cực-điểm về sự tận tâm của kẻ nhân-thần, vua Thuấn làm con phải làm như thế, mới đến cái cực-điểm về sự tận tâm của người làm con. Ấy thế là bên nghĩa bên hiếu lưỡng toàn cả.
Ông Viên-mai chê Đào-Ứng hỏi bậy và ông Mạnh-tử trả lời bậy, là tại ông Viên-mai không hiểu rõ cái ý trong câu hỏi và câu trả lời của Đào-Ứng và Mạnh-tử, cốt lấy một chuyện không có để hỏi xem nếu có như thế, thì hai bậc thánh-nhân làm vua, làm quan xử-trí ra làm sao. Cũng như người nghĩ ra một bài tính đố, rồi đem ra cho người ta, xem giải-quyết thế nào. Có lẽ nào lại bảo bài tính đố ấy không có thực, thì không được ra mà cũng không trả lời. Thế mà Phan tiên-sinh lại không xét kỹ, rồi đem phép luận-lý ở đâu ra mà cắt nghĩa sở dĩ tại sao mà bậy. Thế cũng đáng lấy làm kỳ thực!
Giả sử Đào-Ứng có hỏi rằng vua Thuấn làm thiên-tử mà Cổ Tẩu giết người là tại làm sao? Thế mà Mạnh-tử lại trả lời như đã chép trong sách, thì mới bẻ là trái phép luận-lý được. Đằng này câu hỏi của người ta có ý rõ ràng, mà câu trả lời cũng phân-minh như thế, mà Phan tiên-sinh bẻ là bậy và cho là không thành lập, thì thật tôi không hiểu cái phép luận-lý của tiên-sinh. Có lẽ vì Cô Logique có nhan sắc làm cho tiên-sinh quẫn đi chăng?
Trong câu vấn đáp của Đào-Ứng và Mạnh-tử có ý nói về đạo-lý, cốt xem có hợp-lý hay không, chứ không nói có làm được hay không làm được. Đáng lẽ là lý đã thuận, là việc làm được, nhưng vì người đời có mấy ai chịu theo lý đâu. Đó là cái khốn-nạn của nhân-loại cứ nói lý thì biết là phải, mà đến lúc làm, thì lý đi một đường việc làm đi một nẻo, bởi thế cho nên mới thành ra bao nhiêu sự bất-nghĩa, bất-nhân!
Trong khi Mạnh-tử đang giảng cái nghĩa của người làm quan phải thế nào mới hết chức vụ, mà Phan tiên-sinh lại nói: « bắt thế nào được ông Thái-thượng-hoàng. » Nói như thế, thì còn bàn lý làm sao được nữa. Việc ông Thái-thượng-hoàng có tội mà cứ bắt, là thuộc về phần lý; việc người có tội là ông Thái-thượng-hoàng, không bắt được. là thuộc về phần thế. Phép là phép công của thiên-hạ, người phạm phép là phải trị tội, dẫu là ông Thái-thượng-hoàng cũng mặc, có vậy mới là công. Còn trị tội được hay không là cái thế, nó làm ngăn-trở, đó là một lẽ khác. Bởi cái thế mà làm cho cái lý không thực-hành được, là việc trái đạo. Vì trái đạo cho nên mới có chuyên-chế, có hà-khắc. Như vậy mà Phan tiên-sinh lại nói là: « tình không thuận, lý không trôi », là nghĩa gì?
Mạnh-tử nói: « Vua Thuấn phải xem bỏ thiên-hạ như bỏ chiếc giép hư», có phải là Mạnh-tử bảo vua Thuấn khinh thiên-hạ như chiếc giép hư đâu. Chỗ này Phan tiên-sinh xem cũng không rõ nghĩa. Ý Mạnh-tử nói quyền cai-trị thiên-hạ là quí thật, nhưng đến khi phải làm việc nghĩa, thì bỏ cái quyền chí-tôn ấy như bỏ cái của đáng vứt đi vậy. Đối với việc nước, thì dẫu mình làm thiên-tử mặc lòng, cha phạm tội, mình không có lý cấm người làm quan giữ phép mà bắt cha. Nhưng đối với tình làm con, thì cha có tội là con phải cứu cha, dẫu quyền thế to đến đâu cũng phải bỏ. Bởi vì theo cái tôn-chỉ Nho-Giáo, thì người làm chủ thiên-hạ là phải có hiếu có nghĩa mới được; chứ đã tham danh tham lợi mà bất hiếu bất nghĩa, thì sao cho xứng-đáng. Vậy nên Mạnh-tử nói ở chỗ khác rằng: «Ngô vị văn uổng kỷ nhi chính nhân giả giã, huống nhục kỷ dĩ chính thiên-hạ giả hồ? Thánh-nhân chi hạnh bất đồng giã, hoặc viễn, hoặc cận, hoặc khứ, hoặc bất khứ, quy khiết kỳ thân nhi dĩ hỹ », chính là cái nghĩa ấy vậy.
Phan tiên-sinh lại bẻ rằng: «Trốn thì trốn đi đâu mà Cao-Dao không bắt được». Ý của Mạnh-tử là nói cái lẽ đương-nhiên phải như thế, còn trốn được hay không là việc khác. Nếu trốn không được thì đành chịu phải bắt với cha, ấy là trọn cái nghĩa của mình rồi. Thánh-nhân chỉ dạy người ta làm việc nghĩa mà thôi, sự thành bại là ở cái mệnh, được thế nào hay thế, miễn là ta làm được việc nghĩa là được. Vả chăng là câu truyện giả-thiết đặt ra như thế để dạy người ta về đường đạo-lý nên làm thế nào, mà chương vấn đáp của Đào-Ứng và Mạnh-tử là một chương có nghĩa-lý lắm, ta nên suy nghĩ cho chín để hiểu cho hết lẽ. Thế mà Phan tiên-sinh lại nói nên bỏ đi, thì thật tôi không biết cái học của tiên-sinh thế nào, mà có những ý-kiến lạ như vậy.
3•) — Phan tiên-sinh lấy chương Vạn-chương hỏi Mạnh-tử về việc vua Nghiêu có lấy thiên-hạ cho vua Thuấn được không mà bẻ là Mạnh-tử luận-lý có điều mậu-vọng, thì lại càng khó hiểu nữa. Vạn-chương và Mạnh-tử là hai người học theo tôn-chỉ của Nho-giáo. Mà cái tôn-chỉ cho thiên-hạ là của chung cả thiên-hạ, chứ không phải của riêng gì ai cả. Người làm thiên-tử là người Trời chỉ trao cho cái quyền-bính để giữ thiên-hạ mà thôi. Ý Vạn-chương muốn hỏi cho rõ có phải là thiên-tử có thể lấy thiên-hạ làm của tư một mình mình, rồi đem cho người khác được hay không. Cho nên mới hỏi rằng: «Vua Nghiêu lấy thiên-hạ cho vua Thuấn có không?» Mạnh-tử hiểu rõ ý ấy, trả lời ngay rằng «không», và lại giảng thêm cho rõ hơn nữa rằng: «Thiên-tử không có thể lấy thiên-hạ mà cho người được». Cứ cái lý tự-nhiên mà hiểu, thì câu trả lời ấy ăn với câu hỏi lắm, không có cái gì là «biến canh luận điểm» như Phan tiên-sinh nói hết cả. Thế mà theo phép luận-lý của tiên-sinh thì câu trả lời ấy lại phạm vào cái luật «biến canh luận điểm». Lạ thật! Câu hỏi có chữ «hữu chư» nghĩa là «có không», hay là «việc ấy có không»; câu trả lời rằng «phủ», nghĩa là «không». Phan tiên-sinh luận-lý quanh-quẩn thế nào mà rồi lại nói: « Theo đúng luận-lý-học thì chỗ này Mạnh-tử phải trả lời việc ấy là có hay không cái đã, rồi nói gì hãy nói». Vậy thì tiên-sinh bảo chữ «phủ» trong câu trả lời của Mạnh-tử nghĩa là gì? Trước tiên-sinh bẻ Mạnh-tử là phạm phép luận-lý, thế thì bây giờ người ta bẻ tiên-sinh phạm vào phép gì trong luận-lý học?
Vua Nghiêu nhường ngôi cho vua Thuấn, cứ thường-tình thế là vua Nghiêu lấy thiên-hạ cho vua Thuấn thật. Nhưng theo cái tôn-chỉ của Nho-giáo, thì thiên-hạ là của Trời, tức là của chung cả thiên-hạ, vua Nghiêu chỉ nhường cái quyền trị thiên-hạ cho vua Thuấn mà thôi, song Trời không cho tức là thiên-hạ không thuận, thì vua Nghiêu có nhường cũng không được — Vì thiên-hạ thuận theo vua Thuấn thế là Trời cho vua Thuấn, chứ không phải là vua Nghiêu cho vua Thuấn. Lý ấy rất hợp với cái tôn-chỉ của Nho-giáo, cho nên Mạnh-tử mới giảng thêm nữa cho Vạn-chương hiểu rõ cái nghĩa ấy.
Chương ấy có ý nghĩa liên-tiếp và sâu-xa lắm. Thế mà Phan tiên-sinh lại bảo: « Một chương ấy không cứ cái lý-thuyết ra sao, chỉ duy một điều là không ăn-nhập vào câu hỏi ban đầu đã đủ cho là Mậu-vọng » Có lẽ là Phan tiên-sinh giỏi khoa luận-lý, có những ý-kiến cao xa, tôi xin thú thật là không hiểu được lời tiên-sinh bàn.
4. — Trong bốn điều của Phao tiên-sinh bàn ở số báo 63, một điều bác Khổng-tử và ba điều bác Mạnh-tử. Điều sau cùng tiên-sinh cho những lời Mạnh-tử công kích cái học của Hứa-tử là mậu-vọng.
Nguyên là Trần-Tương nói cái đạo của Hứa-Hành về sự « tịnh-canh » xong rồi, nói cái giá nhất-định về cái « lượng » (quantité) tức là cái dài ngắn, nặng nhẹ, lớn nhỏ mà thôi, chứ không nói đến cái « phẩm » (qualité), tức là cái tinh, thô, xấu, tốt, khéo, vụng của mọi vật. Phàm vật gì cũng phải gồm có cả lượng và phẩm thế mà cái thuyết của Hứa-tử chỉ nói đến cái lượng, chứ không nói đến cái phẩm ấy là một cái sở đoản. Mạnh-tử biết cái sở-đoản ấy trong cái học của họ Hứa, bèn lấy cái sở đoản ấy mà bác đi. Trong khi hai người biện-luận một điều gì, mà một người thấy cái sở đoản của người kia, thì có thể nhân đó mà cãi lại, không cần phải nhắc lại những điều người kia nói mà mình đã cho là phải rồi. Bởi vậy Mạnh-tử nói ngay câu: « Phù vật chi bất tề, vật chi tình giã. v. v. » Câu ấy chỉ cái phẩm của vật là rõ lắm. Ý cả câu ấy là: cứ theo cái lượng mà bán giá nhất-định đã vậy, còn cái phẩm thì mỗi vật một khác, cái này hơn gấp mấy lần cái kia. Dẫu cái lượng tuy đồng nhưng cái phẩm có đồng đâu, mà đánh một giá được. Cái ý ấy đến câu: « Ti nhi đồng chi, thị loạn thiên-hạ giã» là hết. Song Mạnh-tử lại muốn nói rõ tại làm sạo mà loại, và lấy ngay câu « cự lũ tiểu lũ đồng giá » của Trần-Tương mà làm thí-dụ cái phẩm không thể đồng nhau được.
Trong câu «cự lũ tiểu lũ đồng giá, nhân khởi vi chi tai?» có hai mệnh-đề. Mệnh-đề trên là « Cự lũ tiểu lũ đồng giá » mệnh-đề dưới là «nhân khởi vi chi tai» Hai mệnh-đề ấy tương thành với nhau mà có một cái nghĩa riêng. Vì ở trong cái mệnh-đề dưới có hai chữ trợ-tự: «khởi và tai» cho nên câu ấy có cái nghĩa giả-thiết (conditionnel) như thế này: «Phỏng thử giép lớn giép nhỏ mà bán đồng một giá, thì còn có ai làm giép lớn nữa không?» Bởi câu ấy có cái nghĩa giả-thiết và lại có cái ý hỏi đằng sau như thế, thì tất là trong câu ấy có ngụ cái ý: «Vậy giép tốt giép xấu mà bán đồng giá, thì không ai làm giép tốt nữa.» Sau cùng Mạnh-tử theo cái ý hiểu ngầm ấy mà kết-thúc bằng câu: «Theo cái đạo của Hứa-tử, thành ra bảo nhau mà làm điều giả-giối sao có thể trị được quốc-gia.» Nếu ta không xét kỹ cái nghĩa giả-thiết ở trên kia, thì thành hiểu lầm ngay.
Cái nghĩa chương ấy là thế, mà các học-giả xưa nay đều hiểu như thế cả. Nay Phan tiên-sinh không để ý vào nghĩa-lý, chỉ nhất-thiết lấy văn-từ mà bỏ mất cái tinh-thần, thì còn hiểu làm sao được đạo của thánh hiền nữa. Cái học của Nho-giáo cốt ở cái tinh-thần, kẻ học-giả xét điều gì phải hiểu cho rõ hết các ý-nghĩa. Các ý-nghĩa mà hợp lý thì dẫu văn-từ có không rõ, cũng «bất dĩ từ hại ý» Đó là cũng do cái văn-từ của Tầu khó viết cho đúng hết ý mà thành ra. Bởi vậy Mạnh-tử đã nói «Tận tín thư bất như vô thư» chính là Ngài bảo mình đừng nệ về văn-từ ở trong sách. Một đôi khi ta xem sách, thấy có chữ tối nghĩa, hoặc sai lầm, ta cũng đừng lấy làm nệ mà bỏ mất nghĩa lý. Mạnh-tử đã dặn ta rằng «Bất dĩ văn hại từ, bất dĩ từ hại chí. Dĩ ý nghinh chí, thị vi đắc chi» là cốt để răn ta đừng nệ về văn, về từ, mà làm mất cái ý nghĩa trong những điều rất hay về đạo-lý.
Khi tôi bàn cái thống-hệ của Nho-giáo, tôi nói ở trang 15 sách Nho-giáo rằng: «Muốn tìm cái thống-hệ của Nho-giáo, thì phải dùng trực-giác mà xem, phải lấy ý mà hội, thì thấy rõ cái mối liên-lạc trong các đoạn tư-tưởng, tuy về phần hình-thức thì lỏng-lẻo, rời-rạc, nhưng về phần tinh-thần thì suốt từ đầu đến cuối chỉ là một mà thôi». Vậy muốn tìm cho rõ các ý-nghĩa trong những lời giáo-hối của Khổng Mạnh cũng phải như thế mới thấy rõ được. Cái phương-pháp Luận-lý học có cần cho sự tri-thức của người ta lắm, bởi vì nó dẫn đường chỉ nẻo cho ta tìm cái phải cái hay. Song nó dạy ta biết thế mà thôi, chứ một mình nó không đủ làm cho ta biết đến chỗ tinh-vi, thâm-viễn của chân-lý được. Ngay trong Tây-học, người hiền-triết như Pascal đã nói: «ta biết cái chân-lý, không những là bởi lý-trí mà còn bởi cái tâm nữa» (nous connaissons la vérité, non seubement par la raison, mais encore par le cœur). Vậy cái biết của tâm cũng cần lắm, cho nên Nho-giáo chú-trọng ở sự giữ cho cái tâm hư và tĩnh, không để nó bị tế-tắc ở chỗ nào, thì mới «tinh nghĩa nhập thần» và mới biết rõ những điều cao xa. Nên chi ta phải chú ý vào trực-giác, là cái biết rất nhanh, rất sáng của tâm. Nhờ có trực-giác thì ta mới đạt tới cái chân-lý, thường hay ẩn khuất khó biết rõ được.
Phan tiên-sinh chỉ thiên về một mặt lý-trí, muốn chuyên dùng mấy cái qui-thức của Luận-lý-học, không nghĩ gì đến cái tâm, và các nghĩa lý khác nhất nhất thu cả vào một cái khuôn nhất-định, rồi đem cái đạo uyên-bác của thánh hiền vào cái khuôn ấy mà xét, thì tài nào không sai lầm được. Cái học của thánh hiền có nhiều điều tinh-vi, hễ ta vô ý, sai mất một hào ly là lầm đến nghìn rậm. Nếu ta không thận-trọng, không đem cái tâm công chính hư tĩnh mà cân nhắc điều phải điều trái, thì thành ra ta làm hại đạo, và lại làm thiệt-thòi cho sự học-vấn. Tôi biết Phan tiên-sinh nhiệt tâm về sự học-vấn, cho nên tôi lấy tình-thực mà trung cáo, xin tiên-sinh nghĩ lại, đừng để kẻ học-giả chê mình là người nông-nổi. Khổng-tử dạy rằng: «Quân-tử ư kỳ ngôn, vô sở cẩu nhi dĩ hỹ». Ta nên nhớ câu ấy mà giữ mình trong khi biện-luận, có lẽ cũng đỡ được nhiều sự sai lầm vậy.
Trên kia đã bàn xong những điều tiên-sinh nói về Khổng-tử và Mạnh-tử, nay tôi xin cùng với tiên-sinh bàn lại mấy điều ở trong sách Nho-giáo mà tiên-sinh đã nói ở báo Phụ-nữ số 54 và 64. Phan tiên-sinh có trách rằng những điều tôi đã trả lời đăng ở số 60 không được đúng vào những điều của tiên-sinh đã xướng lên. Tôi xét lại quả thật có mấy chỗ tôi viết vội không xem lại cẩn-thận cho nên thành ra không đúng. Vậy tôi xin chịu lỗi. Còn chỗ khác có sai là sai cái lặt-vặt, chứ cái đại-ý của toàn thể cũng không sai mấy.
Tôi đáp lại Phan tiên-sinh tất cả là sáu điều: Một điều nói về cái thuyết hữu thần hay vô thần của Khổng-giáo, thì xong rồi, không phải nói đến nữa. Còn một điều Phan tiên-sinh nói nên bỏ hai chữ vô-cực đừng nói ở cái học-thuyết của Khổng-tử, để đến khi bàn đến Tống-nho sẽ nói. Tiên-sinh bảo như thế có lý hơn, tôi xin nghe để khi nào tái bản quyển Nho-giáo thứ nhất, tôi xin sửa lại. Thế là hai điều ấy đã êm rồi.
Còn bốn điều nữa, thì cái vấn đề bây giớ rõ rệt, hơn trước và chúng ta đã trao đổi ý-kiến với nhau rồi, thì nay cách giải-quyết có lẽ dễ hơn.
1•) Lương-tri và trực-giác. — Phan tiên-sinh nói rằng lý-trí không phải là trí xuyên-tạc. Điều ấy tôi nghĩ lại thì tiên-sinh nói phải. Tôi sở dĩ lầm về chỗ ấy là vì tôi nghĩ: đối với cái lý-trí của người ta thường dùng, hay có cái ý xuyên-tạc, chứ không dùng cái lý ngay chính, cho nên tôi nhận lầm cái lý-trí là cái trí xuyên-tạc. Nay tiên-sinh có lòng tốt chỉ bảo cho, thì tôi hiểu là tôi lầm. Vậy xin có lời cảm tạ. Nếu các nhà học-giả được nhiều người như Phan tiên-sinh, thì sự học của ta chắc có phần tiến-bộ chóng lắm vậy.
Duy chỉ có chữ xuyên-tạc mà Phan tiên-sinh nói là hơi giống như xiên-xỏ thì không phải. Chữ xuyên tuy có nghĩa đen là xoi thủng sang, chữ tạc là đào sâu xuống, nhưng cứ theo nghĩa phổ-thông cả hai chữ dùng liền với nhau là nói ngoắt-ngoéo, thiên-lệch, không ngay thẳng. Còn tiếng xiên-xỏ thì có nghĩa xấu lắm, không thể dùng mà nói về đạo-lý được. Tiên-sinh cũng chỉ nói hơi giống mà thôi, song dầu nói hơi giống cũng không dùng được.
Còn chữ lương-tri mà tiên-sinh bảo là không phải là trực-giác, thì tôi vẫn chưa chịu. Trước khi nói tại làm sao mà tôi bảo lương-tri là trực-giác, tôi hãy xin nói cái ý của Phan tiên-sinh là thế nào. Cứ như Phan tiên-sinh thì lương-tri là cái biết rất rộng, bao hàm cả nhân nghĩa lễ trí tín, cùng trực-giác và lý-trí. Vậy trực-giác chỉ là một phần nội-dung của lương-tri, chứ không phải là lương-tri. Lương-tri và trực-giác đều là cái biết, nhưng cái biết của lương-tri rộng hơn, mà cái biết của trực-giác là « cách nhận thức mọi sự của nhà triết-học mà thôi. » Trong chữ lương-tri và chữ trực-giác phải lấy hai chữ làm cốt, là chữ lương và chữ trực: lương là lành, trực là thẳng. Lương-tri bởi Mạnh-tử xướng lên, mà Mạnh-tử lại chủ-trương cái thuyết tính thiện, thì lương-tri là chỉ nói biết cái thiện mà thôi, cho nên Mạnh-tử nói cái biết ấy như đứa con nít mới đẻ ra, biết yêu cha mẹ mình v. v. Như vậy cái tri của Mạnh-tử chỉ lương mà thôi, chứ không có bất lương, hợp với cái tánh của Mạnh-tử hiểu chỉ là thiện mà thôi, không có ác. Còn trực-giác là bởi chữ intuition dịch ra, trực (direct) đối với bất-trực (indirect) chớ không hề có ý lương hay là thiện ác ở trong. Trực-giác là sự biết thẳng đối với sự không thẳng, cho nên nói trực-giác chỉ là cách nhận-thức mọi sự của nhà triết-học Tôi tưởng cái ý của Phan tiên-sinh nhận chữ lương-tri và chữ trực-giác là thế cho nên mới nói lương-tri không phải là trực-giác.
Phan tiên-sinh hiểu như thế, song tôi hiểu cách khác. Tôi không theo cái nghĩa thường của chữ lương và chữ trực, bởi vì những chữ ấy thường hay đổi nghĩa đi, tùy cái ý của từng người dùng. Mạnh-tử khi dùng hai chữ lương-tri, đã định ngay nghĩa là: Sở bất lự nhi tri giả kỳ lương-tri giã, nghĩa là cái không nghĩ mà biết là lương-tri. Tuy Mạnh-tử theo cái thuyết của mình có dẫn chứng như: Đứa con nít mới đẻ ra biết yêu cha mẹ v.v.» nhưng đó là một cái chứng để cho người ta hiểu cái lương-tri, chứ không phải là chỉ biết cái lành mà thôi. Cũng bởi thế về sau đến đời Tống, đời Minh, những nhà triết-học như Lục Tượng-sơn, Vương Dương-minh đều cho lương-tri là cái biết tự-nhiên của bản tính. Nhất là Vương Dương-minh lại chú-trọng về cái thuyết lương-tri. Ngài nói rằng: «Tri thiện tri ác thị lương-tri». Theo cái nghĩa ấy thì hai chữ lương-tri không phải là chỉ biết riêng về điều thiện mà thôi. Có chỗ Dương Minh-tử lại cắt nghĩa rõ hơn nữa. «Lương-tri giả, Mạnh-tử sở vị thị phi chi tâm, nhân giai hữu chi giả giã. Thị phi chi tâm bất đãi lự nhi tri, bất đãi học nhi năng, thị cố vị chi lương-tri. Thị nãi thiên-mệnh chi tính, ngô tâm chi bản thể, tự-nhiên linh chiêu, minh giác giả giã». Vậy lương-tri là cái biết không phải nghĩ-ngợi, không phải học tập mà biết rất nhanh chóng, rất sáng rõ những việc hay dở, phải trái. Ấy nghĩa hai chữ lương-tri mà tiên-nho đã hiểu là thế. Nay xin đem cái nghĩa chữ trực-giác do chữ intuition mà dịch ra, xem những học-giả bên Tây hiểu ra thế nào.
Theo từ-nguyên-học (étymologie) của Tây, người ta cắt nghĩa như thế này: « Chữ trực-giác nghĩa là cái trông thấy mà biết, không phải cái trông thấy mà biết sơ-lược và nông-nổi ở bề ngoài, nhưng là cái trông thấy mà biết rõ một việc gì ngay đối diện mà biết một cách viễn mãn, sự trông thấy mà biết ngay lập-tức, chắc-chắn dễ dàng, rõ-ràng, tựa như con mắt trông thoáng qua mà biết». (Le mot intuition signifie vue, non pas une vue sommaire et supperficielle, mais la vue qui saisit en face et pleinement un objet, la vue immédiate, sûre, facile, distincte et s'exerçant pour ainsi dire d'un seul conp d'œil). Về sau có người gọi trực-giác là cái biết ngay lập-tức (connaissance immédiate), hay là cái biết tự-nhiên (connaissance spontanée). Có chỗ lại nói: «Có cái trực-giác về sự thiện, sự mỹ, cũng như có cái trực-giác về sự thực». (Ilya une intuition du bien, du beau, comme il y a une intuition du vrai). Hay là: «Cái trực-giác có những phần khác ở ngoài bác-tạp với cái trí-tuệ thuần-túy, bởi vì nó lẫn với những sự xúc-động, những tình-cảm, những thế-lực của tưởng tượng và sự vận-động của cái tâm». (l'intuition se complique d'éléments étrangers à l'intelligence proprement dite, parce qu'il s'y mèle des émotions, des sentiments, des influences de l'imagination, des mouvements du coeur).
Xem cái định-nghĩa (définition) của chữ lương-tri và chữ trực-giác đã nói trên kia thì biết là hai chữ ấy có cái nghĩa tương-tự nhau. Chữ lương, trong chữ lương-tri và chữ trực trong chữ trực-giác, không tỏ hết được nghĩa chữ lương-tri và chữ trực-giác, cho nên ta phải theo cái định-nghĩa của hai chữ ấy, mà không theo cái nghĩa đen chữ lương và chữ trực. Bởi lẽ ấy, cho nên tôi nói rằng lương-tri tức là trực-giác. Phan tiên-sinh không hiểu như thế, cho chữ lương là lành mà lương-tri là biết điều lành, chữ trực là thẳng, mà trực-giác là biết thẳng, cho nên tiên-sinh nói rằng: «Lương-tri là nói về tánh còn trực-giác chỉ nói về cái cách nhận-thức của nhà triết-học dùng mà thôi». Phan tiên-sinh với tôi mỗi người theo một ý hiểu của mình mà nói, cho nên mới thành ra không đồng với nhau được. Nay tôi cứ theo cái định-nghĩa của chữ lương-tri và chữ trực-giác mà giữ vững cái ý-kiến của tôi, phải trái thế nào xin để độc-giả tự quyết-định lấy, thì có lẽ êm hơn.
2. — Trung-dung.— Phan tiên-sinh nói rằng Khổng-tử cho đạo trung-dung là cực khó, mà tôi lại bảo là dễ. Trước tôi xem không kỹ, thành thử bàn ra ngoài đề mất mấy điều, nay xin bàn lại cho rõ. Nhân vì tôi viết trong quyển Nho-giáo rằng: «Đạo của Khổng-tử là đạo trung-dung, tuy không huyền-diệu siêu-việt như đạo Lão, đạo Phật, nhưng cũng cao-minh lắm và lại rất thích-hợp với chân-lý, thật là cái đạo sử-thế rất hay, rất phải, ai theo cũng được và thi-hành ra đời nào cũng được». Đó là cái khởi-điểm sự biện-luận của Phan tiên-sinh với tôi, trong vấn-đề này. Ý tôi nói trong câu ấy là thế này. Đạo trung-dung tức là đạo người quân-tử của họ Khổng, rất hay rất phải, người xứ nào theo cũng được, mà bao giờ thi-hành ra cũng được, cũng như là nói: Đạo ấy đã là cái đạo phải thì dẫu người ở xứ nào hay là thời nào cũng cần phải theo. Nói như thế không có ý gì là ý bảo đạo ấy rất dễ. Vì Phan tiên-sinh ngộ-nhận chỗ ấy, cho nên mới trách tôi nói không đúng, rồi tiên-sinh mới viện những lời của Khổng-tử cho trung-dung là rất khó để bác cái thuyết của tôi. Quả thật không lúc nào tôi nghĩ đến sự cho trung-dung là dễ, bởi vì tôi đã xem kỹ sách Trung-dung tôi lại không biết là Khổng-tử nói đạo ấy là khó hay sao? Tôi chỉ nói rằng đạo ấy rất hay, ai dùng, hay dùng vào thời nào cũng hợp lý, chứ không phải là dở hay là trái thời.
Chỗ ấy đã rõ rồi, thì nay nên xét xem tại sao Khổng-tử đã cho trung-dung là khó mà lại còn đem dạy người ta. Cứ như ý tôi hiểu, thì thủy chung Khổng-tử vẫn lấy trung-dung mà hành-đạo, vì trung-dung là vừa phải, không thái quá và không bất cập tức là đúng với chân-lý, nó theo lẽ điều-hòa mà lưu hành. Đã là vừa phải, thì ai ở vào địa-vị nào cũng phải lấy cái vừa phải vừa hay, người thường ta lúc nào cũng tìm cái vừa phải. Trong những việc nhật dụng thường hành của ta, bao giờ ta cũng muốn được cái vừa phải, chứ không cho sự thái-quá và bất-cập là phải, cho nên Ngài theo cái chủ-nghĩa nhân-sinh triết-lý mà dạy người ta theo trung-dung, tức là theo cái vừa phải.
Theo cái vừa phải thì ai cũng theo được, bởi vì mỗi người có một cái địa-vị, mỗi một địa-vị có một cái vừa phải, nếu điều gì ta cũng theo cái lý tự-nhiên, đừng để cái tư tâm tư dục làm ám-muội mất cái lý ấy đi, thì biết được thế nào là vừa phải, thế nào là không vừa phải. Như thế là nói trung-dung ai cũng có thể biết được và có thể làm được. Song lúc nào cũng theo được trung-dung không lúc nào bỏ quên cái công-lý, không lúc nào để cái tư tâm, tư ý làm ám-muội mất cái sáng-suốt của mình, thì thật là khó, dẫu đến bậc thánh-nhân cũng không làm đến cực-điểm vậy. Bởi vậy Khổng-tử mới đem cái khó ấy mà nói cho người ta biết, để đừng tưởng trung-dung là dễ. Ta đã biết nó là hay, mà nó lại khó như thế, ta muốn theo, thì phải cố-gắng, cố-gắng một không được thì phải cố-gắng mười, mười không được phải trăm, phải ngàn cho đến được mới thôi. Đã được rồi, tất là thành người quân-tử tôn-quí. Như thế là khó lắm, vì phi bậc thánh-nhân đã dễ mấy ai bỏ hết được cái tư tâm tư dục; mà khi đã có cái lòng tư ấy thì làm thế nào cho khỏi thiên-lệch được. Song kẻ học-giả đã biết trung-dung là khó mà muốn học theo đạo thánh-hiền thì phải cố hết sức để cho tới mục-đích, cái mục-đích giáo-dục là ở sự cố-gắng, không có cố-gắng là không có giáo-dục. Khổng-tử hiểu như thế, cho nên Ngài dạy người ta theo đạo trung-dung mà Ngài vẫn nói trung-dung là khó.
Nay Phan tiên-sinh nói rằng: « Đã khó như vậy còn bày ra làm gì ». Nếu vậy bao nhiêu cái khó bỏ đi hết, thì còn dạy người ta cái gì nữa? Thà rằng nói cái dở phải bỏ đi, chứ nói cái khó phải bỏ đi, thì tôi không hiểu. Muốn cho hay mà lại nói không cố-gắng làm việc hay, thì hay làm sao được? Ta chỉ cần biết cái đạo ấy có hay, hay không. Nếu hay thật, thì ta phải học cho đến được. Bởi vậy mới có sự tu-dưỡng. có sự mãnh-miễn để gây cho ta một cái nhân-cách cao-thượng, để làm cho loài người càng ngày càng chiếm được cái địa-vị tôn-quí về đường tinh-thần. Ấy là cái lý-tưởng của Nho-giáo là thế. Cái lý-tưởng ấy cũng như lý-tưởng của các tôn-giáo khác, của các học-thuyết khác, phải có một cái rất khó, để khiến người ta cố-gắng mà luyện-tập. Tôn-giáo nào, hay là học-thuyết nào, mà bỏ mất cái khó đi, thì không phải là tôn-giáo, là học-thuyết nữa.
Song Phan tiên-sinh lại nói: Vì cái khó của trung-dung cho nên mới thành ra có bọn hương-nguyện. Điều ấy tôi đã nói trong số 60 báo Phụ-nữ này rồi. Chỉ cốt có một điều người theo cái lý-tưởng trung-dung cũng như theo cái lý-tưởng khác, có thành-thực hay không. Thành-thực là được, không thành-thực là bậy, là hương-nguyện, là đáng khinh-bỉ. Vậy như ý tôi thì ta nên công-kích bọn hương-nguyện, mà ta không nên bỏ trung-dung. Phan tiên-sinh nói là: Giận rận đốt áo. Song áo có rận là vì ta không biết cách ăn ở cho sạch sẽ. Nay ta muốn không có rận, thì phải biết ở sạch và đem áo mà giặt, mà nấu lên, cho chết hết rận, chứ việc gì đem đốt áo đi, có phí của không? Đốt áo cũ đi mặc áo mới vào, mà lại ở bẩn như trước thì biết đâu rồi lại không có nhiều rận hơn trước. Vậy có rận thì trừ rận đi, xin đừng đốt áo.
3•) Quân quyền. — Về cái lý-thuyết quân-quyền của Nho-giáo, thì tôi đã bàn với Phan tiên-sinh hết lẽ rồi. Phan tiên-sinh tuy không chịu, nhưng cũng không cãi lại nữa. Nếu quả thật tôi được đồng ý với Khang Hữu-Vi tiên-sinh bên Tầu, thì thật là cái vinh-dự cho tôi. Còn như nói: « Việc sờ sờ trước mắt mà cắt nghĩa ra như thế » thì tôi xin đáp lại rằng: Việc sờ sờ trước mắt là một lẽ, việc nói nghĩa-lý là một lẽ. Có khi việc nghĩa-lý không hợp với cái cảnh hiển-nhiên trước mắt. Ta đi học ta theo cái nghĩa lý chứ không cần phải theo cái cảnh hiển-nhiên trước mắt. Nói rằng Khổng-tử thờ vua lúc nào cũng tỏ ra lòng kính trọng, là đời Khổng-tử cái quân quyền thuộc về ông vua, mà cái nghĩa người làm tôi đối với ông vua lúc ấy phải như thế. Đến đời nay cái quân-quyền đã biến đổi cái hình-thể đi rồi, giả sử Khổng-tử có sinh ra ở đời nay thì cũng theo cái nghĩa làm người đời nay mà đối với quân-quyền, chứ không như trước nữa. Đó là đúng với cái đạo tùy thời của Ngài.
Tôi cứ theo cái nghĩa-lý mà nói, còn việc lạ tai hay không, không phải là việc nghĩa-lý. Có khi ta thấy việc thuận tai, thuận mắt, mà vẫn là trái; mà việc lạ tai, lạ mắt, lại là phải. Vậy ta cứ việc phải mà theo. Chữ quân đổi ra chữ chủ cũng không hề gì, chỉ cốt xét xem cái nghĩa chữ quân có bỏ được hay không mà thôi, còn như không muốn dùng chữ ấy nữa, dùng chữ khác đồng nghĩa với nó, thì cũng không có việc gì là ngại-trở. Vậy việc ấy không phải bàn nữa.
4•) Khổng-giáo với khoa-học. — Trong các vấn-đề, có cái vấn-đề này quan-trọng hơn cả, thiết-tưởng nên bàn lại cho kỹ. Trước khi nói đến những điều của Phan tiên-sinh đã xướng lên, tôi xin phép bàn rộng ra cho rõ cái bản ý của tôi, rồi sau bàn đến những ý-kiến của Phan tiên-sinh mới minh bạch được.
Tôi không phản-đối khoa-học, vì khoa-học là cái hiệu-quả của sự cố-gắng chung cả nhân-loại ngày nay, ai cũng cần phải có thì mới sinh-hoạt được. Song người ta sống ở đời không phải chỉ cần có phần vật-chất và phần trí-tuệ mà thôi, phải cần có phần tâm nữa. Vì tâm là chủ trong sự tư-tưởng và sự hành-động của người ta. Bởi chưng tôi nghĩ rằng trong khi ta theo khoa-học của người, ta phải gây lấy cái tâm-học của ta, để làm cái gốc, rồi nhân cái gốc chắc-chắn mạnh-mẽ ấy, mà dùng các ngành khoa-học để theo người mà tiến-hóa. Ta tiến-hóa như thế thì ta không bỏ mất cái đặc-tính của ta, mà những sự tiến-hóa của ta lại có nghĩa-lý và chắc-chắn, không đến nỗi hồ-đồ hỗn-độn, không biết gốc ở đâu, ngọn ở đâu. Cái tâm-học của ta định gây lên đây, phải sở cứ vào cái gì. Tôi tưởng những tôn-giáo và học thuyết mà đã đào-tạo ra cái tinh-thần, cái tư-tưởng của ta từ xưa đến nay, thì có Khổng-giáo, Lão-giáo và Phật-giáo. Khổng-giáo vì nó đã thâm-nhập vào trí não người mình và có cái cỗi dễ sâu xa quan-hệ đến học-thuật, phong-tục và chính-trị của mình, cho nên tôi bắt đầu xét Khổng-giáo.
Khổng-giáo là một khoa triết-học vì triết-học là cái học về nguyên-lý (principes) và các nguyên-nhân (causes) hay là những thống-kê về những tổng-niệm (notions générales) của tất cả các sự vật, cốt để định rõ cái nghĩa của nhân-sinh ở đời và cái địa-vị của người ta ở trong tạo-hóa. Xét kỹ cái triết-học của Khổng-giáo rồi đem so với triết-học bên Tây, thì ta thấy nó cũng có đủ bốn phần trọng-yếu như triết-học của Tây. Bốn phần ấy là: tâm-lý-học, luận-lý-học, siêu-vật-học, và luân-lý-học. Trong bốn phần ấy có hai phần rõ hơn là siêu-vật-học (tức là phần hình nhi thượng học) và luân-lý-học. Còn hai phần kia là tâm-lý-học và luận-lý-học, thì không được rõ lắm, là vì cái phương-pháp không giống như phương-pháp của Tây, cho nên khi mới xem qua, ta thường không trông thấy. Như tâm-lý-học thì vẫn là một phần trọng-yếu trong cái học của Khổng-tử, nhưng không lập ra thành thuyết rõ-ràng. Về sau Mạnh-tử và Tuân-tử mới giảng diễn rõ hơn. Về phần luận-lý-học thì chính Khổng-tử khởi đầu xướng lên cái học chính danh, nhưng cái thuyết của Ngài chỉ thật rõ ở mấy câu trong sách Luận-ngữ và ngấm-ngầm ở trong sách Xuân-thu mà thôi, rồi sau đến Tuân-tử mới lập thành ra cái thuyết, khả cho là có giá trị lắm,
Khổng-tử sở dĩ không dùng phép luận-lý như của Tây, là vì Ngài chủ lấy trực-giác của tâm làm cái biết nhanh hơn và rõ hơn. Trong cái trực-giác ấy tuy gồm có cả lý-trí nữa, nhưng lý-trí không phải là phần chủ động, cho nên khi ta xem xét điều gì trong Khổng-giáo, nếu ta không đem cái tâm hư nhất mà trông rộng ra ngoài vòng lý-trí, thì thường không thấy rõ được. Cái phép luận-lý của Khổng-giáo vẫn hợp lý mà lại có phần sâu xa hơn, nhưng chỉ vì khó lắm, ít người theo được. Song nó cũng là một phương-pháp.
Ta sở dĩ không thể lấy một lý-trí mà xét cái chân-lý được là vì lý-trí nó không được chắc-chắn lắm. Hãy xem như đến đời nay, những nhà triết-học như ông Boutroux bên nước Pháp nói rằng: « Cái lý-trí của ta là cái để cho các giác-quan và cái tưởng-tượng của ta sai khiến những cái ấy là cái quyền-lực lưu-đãng và giả-trá; mà lý-trí thì uốn ra mặt nào cũng được. Cả là quân-thượng, cả là nô-lệ, ấy là cái lý-trí của ta vậy ». (Notre raison est un jouet de nos sens et de notre imagination, puissances déréglées et trompeuses et elle est déployable à tout sens. Souveraine et esclave, telle est notre raison). Chính nhà đại triết-học nước Pháp là Pascal cũng nói phải lấy tâm mới biết được rõ các nguyên-lý, là bởi « cái tâm có những lẽ của nó, mà lý-trí không biết được ». (Le coeur a ses raisons que la raison ne connait point). Vậy xét những việc sâu xa mà chỉ dùng lý-trí là không đủ, cần phải có tâm nữa, cho nên cái phương-pháp dùng trực-giác, dẫu Phan tiên-sinh có tin hay không mặc lòng, vẫn là cái phương-pháp rất có giá-trị trong khoa-học.
Khổng-giáo đã là một khoa triết-học mà lại có thế-lực trong xã-hội như một tôn-giáo, bởi vậy tôi nói cái tinh-thần của Khổng-giáo là cái tinh-thần văn-hóa của dân-tộc ta. Đời xưa khoa-học chuyên-môn không có, cho nên các học-thuật thường trút cả vào một mặt tâm-học, cho cái tâm là chủ cả vạn vật vạn sự, nên chi Khổng-giáo nói cái thuyết « minh minh-đức, thân-dân v; v.» ở sách Đại-học và đời sau cũng lấy cái thuyết ấy làm cái chìa-khóa cho sự học của Khổng-giáo. Cái tâm-học ấy đã gây ra hạng người quân-tử ở trong xã-hội và các nhân-vật trong lịch-sử về đường chính-trị. Đến ngày nay dẫu có khoa-học, nhưng cũng không bỏ được tâm-học, vì nó là cái nền văn-hóa của ta. Cũng như bên Thái-tây bây giờ ai chẳng khuynh-hướng về khoa-học, thế mà họ vẫn giữ cái nền tôn-giáo Cơ-đốc để làm gốc. Vậy ta nay phải theo khoa-học, thì cứ theo, nhưng ta cứ giữ lấy cái nền Khổng-giáo, cốt lấy nhân, nghĩa, lễ, trí mà tu thân và xử thế. Đời bây giờ xã-hội nào cũng cần có khoa-học và tâm-học, để hai bên tương đối và, tương điều-hòa với nhau. Bên tâm-học thì chủ ở sự tiến-hóa về đường đạo-lý, bên khoa-học thì chủ ở sự tiến-hóa về đường trí tuệ và đường vật-chất. Hai bên hội-hợp lại làm cho cái tinh-thần mạnh lên.
Tôi nghĩ như thế, cho nên tôi cố sức muốn duy-trì cái nền Khổng-giáo, mong rằng người mình đừng quá thiên-về một mặt khoa-học hay là một mặt tâm-học mà rồi thành ra chếch-lệch, có thể hại cho tinh-thần, bởi tôi sợ như lời một nhà văn sĩ bên Tây nói rằng: « Có khoa-học mà không có lương-tâm, chỉ là cái hại cho tinh-thần » (sciences sans conscience n'est que ruine de l'âme). Nếu cái tinh-thần đã hèn yếu thì còn tiến-hóa làm sao được.
Tôi đem những điều ấy nói ra đây như vậy, là vì tôi muốn độc-giả hiểu rõ cái ý-kiến của tôi, để sau này bàn đến những ý-kiến của Phan tiên-sinh khỏi có sự hiểu lầm.
Nay xét những ý-kiến của Phan tiên-sinh đối với Khổng-giáo đã nói ở trong hai kỳ báo Phụ-nữ số 54 và số 64, thì tiên-sinh bảo chỉ nên giữ cái phần tu-thân làm người quân-tử; còn theo cái nghĩa rộng của khoa-học, thì tiên-sinh cho cái gì nghịch với khoa-học như « cái vẻ huyền học của Khổng-giáo » hay là cái gì làm ngại trở cho khoa-học như « Chỉ nói cái lẽ đương-nhiên, mà không nói cái lẽ sở-dĩ-nhiên » cùng là « cái chủ-nghĩa quân chủ trái với chủ-nghĩa duy-dân » thì nên bỏ cả. Phan tiên-sinh lại cho «cái phương-pháp chuyên dùng trực-giác hại cho tinh-thần khoa-học », và theo cái nghĩa hẹp của khoa-học, thì ngày nay dẫu có số ít người chán nản khoa-học mặc lòng, số nhiều người vẫn thích khoa-học. Những điều Phan tiên-sinh đã xướng lên tóm lại là thế.
Nay tôi cứ theo lần lượt xem có điều gì trong những điều ấy, nên đem bàn lại, thì bàn một lần này nữa cho rõ. Nói rằng nên giữ phần tu-thân của Khổng-giáo, thì tôi cũng đồng ý với tiên-sinh, không cần phải nói nữa. Còn nói rằng cái gì nghịch với khoa-học thì bỏ, tôi cũng có cái ý ấy, song tôi không muốn nói như Phan tiên-sinh, tôi muốn nói cái gì không thuận lý, cái gì không hợp-thời thì nên bỏ. Đại để những ý-kiến ấy đều tương dung được cả. Duy có những điều trong Khổng-giáo mà Phan tiên-sinh đã đem ra làm chứng, bảo là nghịch với khoa-học, hay là làm ngại trở cho khoa-học thì tôi không chịu, cho nên phải bàn lại cho rõ các lẽ?
a) Phan tiên-sinh nói rằng: « cái huyền-học của Khổng-giáo trái với khoa-học», rồi tiên-sinh dẫn cái thuyết « minh minh-đức tân-dân chỉ ư chí-thiện », làm bằng chứng. Tiên-sinh cho là «khoa-học trọng chứng-cứ và thực-nghiệm cái thuyết minh tân chỉ là một cái lý-tưởng cao-siêu, chớ đem mà đối-chiếu với lịch-sử thì không thể chứng-nghiệm là thực được v. v;» Trước khi bàn cái thuyết ấy tôi xin sửa chữ tân lại là chữ thân cho đúng nguyên-văn. Bởi vì đến đời Tống, Trình-tử và Chu-tử lấy ý-kiến của mình đổi chữ thân ra làm chữ tân. Cái nghĩa tại làm sao các ông ấy lại muốn đổi đi như thế, không phải là chỗ ta bàn ở đây. Song trong nguyên-văn vẫn để chữ thân mà những nho-gia như Lục Tượng-sơn và Vương Dương-minh đều theo nghĩa chữ thân cả. Mà xét kỹ ra, thì cứ theo nguyên-văn để chữ thân mới sáng nghĩa. Vậy sau này xin cứ theo chữ thân và nghĩa trong sách, cùng cái ý của tiên-nho mà xét xem cái thuyết ấy có đúng khoa-học hay không.
Trong số 64, Phan tiên-sinh không định rõ thế nào là nghĩa rộng và thế nào là nghĩa hẹp của khoa-học. Nay tôi cứ theo cái định-nghĩa (définition) của chữ khoa-học mà đoán, thì nghĩa rộng của khoa-học tức là nói tổng-cộng các mối trí-thức của người ta, có lý quán-thông và có phương-pháp mà lập thành thống-hệ. Nghĩa hẹp là nói riêng về một mối trí-thức rất xác-thực như hóa-học, vật-lý-học v. v.
Theo cái nghĩa rộng như đã nói ở trên, thì Khổng-giáo là một khoa triết-học có lý quán nhất, có phương-pháp và có thống-hệ, tức là nó vẫn hợp với khoa-học. Ta đã biết cái phương-pháp của Khổng-giáo là lấy trực-giác làm chủ mà cái thống-hệ của Khổng-giáo là thiên địa vạn vật nhất thể (panthéisme). Vậy ta xét xem cái phương-pháp của Khổng-giáo có tương-hợp với cái phương-pháp của các triết-học bên Tây không.
Đại phàm những khoa triết-học của Tây thường theo hai phương-pháp: Một là cái phương-pháp chứng-luận (méthode démonstrative) lấy cái định-nghĩa tiên-thiên-đích (définition posée à priori) hay là một cái giả-định (hypothése) làm căn-bản. Hai là cái phương-pháp thực-nghiệm (méthode expérimentale) lấy sự quan-sát của giác-quan làm căn-bản. Cái phương-pháp chứng-luận thì khi đã nhận một cái lý nào làm căn-bản rồi, cứ lấy cái lý ấy làm chứng mà luận, các quan-niệm khác đều phải hợp với cái chứng ấy mới được. Phương-pháp ấy thì chỉ theo thuần-lý mới xét được, chứ theo thực-nghiệm thì khó xét ra được. Còn cái phương-pháp thực nghiệm đã chủ ở sự thực-nghiệm thì chỉ biết những điều do sự quan sát của giác quan mà thôi, chứ không biết được những điều do cái tâm mà phát minh ra.
Khổng-giáo dùng cái phương-pháp thứ nhất theo cái chủ-nghĩa thiên địa vạn vật nhất thể và lấy cái định-nghĩa tiên thiên đích làm gốc, cho thiên-hạ như một nhà, một nước như một người. Đã là thiên địa vạn vật cùng đồng một thể, thì cái đạo nhân của tâm tất là cùng với cái đạo nhân của trời đất và vạn vật hợp làm một thành cái đạo nhân của nhất thể. Cái đạo nhân của nhất thể bởi đâu mà ra? Bởi tính của Trời phú cho, tự-nhiên nó linh chiêu, không mờ tối vậy, cho nên mới gọi là minh-đức. Nếu ta không làm cho sáng cái minh-đức ấy ra, mà để cho lòng dục động lên, cái tư tâm tế tắc mất cả, thì cái lợi cái hại chống nhau, lòng tức, lòng giận khêu lên, đến nỗi tàn hại lẫn nhau, thậm chí có khi cha con anh em giết nhau, thành ra cái đạo nhân của nhất thể mất đi. Bởi vậy thánh-nhân dạy rằng: cái học của bậc đại-nhân là cốt bỏ cái tư tâm, tư dục, để tự mình làm cho sáng cái minh-đức của mình. Cái minh-đức của mình đã sáng ra, thì tất là có lòng thân dân. Làm cho sáng cái minh-đức là lập thành cái thể của thiên địa vạn vật nhất thể, thân dân là đạt được cái dụng của thiên địa vạn vật nhất thể. Cho nên minh minh-đức là ở sự thân dân mà sự thân dân là để làm cho sáng cái minh-đức. Ta thân cha ta để cho kịp đến cha người và cha thiên-hạ, rồi sau cái nhân của ta mới thực là cùng với cha ta, cha người và cha thiên-hạ hợp làm nhất thể. Có thực hợp làm nhất thể như thế, thì rồi sau cái minh-đức của sự hiếu mới sáng rõ ra được. Ta thân anh ta là để cho kịp đến anh người và anh thiên-hạ rồi sau cái nhân của ta mới thực là cùng với anh ta, anh người và anh thiên-hạ hợp làm nhất thể. Có thực hợp làm một thể như thế, thì rồi sau cái minh-đức của sự đễ mới sáng rõ được. Vợ chồng cũng vậy, vua tôi cũng vậy, không có điều gì là không thực có mà được thân như thế để đạt cái nhân nhất thể của ta. Nhiên hậu cái minh-đức của ta không có chỗ nào là không sáng, và mới thật có thể lấy thiên địa vạn vật làm nhất thể được. Bởi thế mới nói rằng sáng cái minh-đức ra thiên-hạ, và mới nói rằng gia-tề, quốc-trị, thiên-hạ bình. Cái thuyết minh minh-đức thân dân khởi tự thân mình ra đến thiên-hạ quán-thông như vậy. Nếu đổi chữ thân ra chữ tân thì cái lý ấy không suốt được.
Ba cái cương-lĩnh trong sách Đại-học là minh minh-đức, thân dân và chỉ ư chí thiện. Minh minh-đức là đối với mình, thân dân là đối với người, chỉ ư chí thiện là cái kết quả hoàn toàn của hai cái cương-lĩnh kia. Đối với cái cương-lĩnh minh minh-đức có năm điều mục là; cách-vật, trí-tri, thành-ý, chính-tâm, tu-thân; đối với cái cương-lĩnh thân dân có ba điều mục là: tề-gia, trị-quốc, bình thiên-hạ đều lấy lòng thân ái làm cốt-yếu? Đối với mình hay đối với người, đều phải đến chỗ chí-thiện, tức là đến hết cái tính bản-nhiên của trời phú cho mới thôi.
Cái nghĩa của ba cương-lĩnh trong sách Đại-học rõ như vậy, và quán-thông từ gốc chí ngọn, thật là rất hợp với phương-pháp chứng-luận của Tây. Nay Phan tiên-sinh theo cái nghĩa chữ tân mà cho là lấy mình mà cảm-hóa mọi người từ gần đến xa, tức là do nhà ra nước, ra thiên-hạ là không phải và lại trái với khoa-học như tiên-sinh đã nói thật. Vì tiên-sinh không xét cho kỹ cái nghĩa nguyên-văn từ đời xưa, và lại nệ về cái học của ông Trình ông Chu, cho nên mới có sự lầm đó. Giá tiên-sinh bẻ lỗi ông Trình ông Chu thì phải, chứ đem đổ lỗi ấy cho Khổng-giáo thì thật là tiên-sinh lầm.
Kế đến câu: « Người quân-tử chẳng ra khỏi nhà mà nên sự giáo hóa ở trong nước... Chưa hề có ai học nuôi con rồi sau mới gả chồng » Tôi e lời phán-đoán của Phan tiên-sinh cũng không đúng. Xin đem nghĩa cả đoạn ấy mà cắt rõ ra xem có thực như lời tiên-sinh nói không. Sau khi đem ba cái cương-lĩnh và tám cái điều-mục đã nói trên kia và sách Đại-học rồi, Tăng-tử hay là học-trò Tăng-tử mới diễn cái nghĩa thế nào là thành-ý, là tu-thân, là tề-gia, là trị-quốc, là bình thiên-hạ. Trong cái mục nói về trị-quốc, thì cả đoạn như thế này: « Sở vi trị quốc ắt trước phải tề-gia. Nhà mình không dạy được mà dạy được người, thì không có, cho nên người quân-tử không ra khỏi nhà mà nên sự giáo-hóa ở nước: Hiếu là thờ cha được, thì suy ra thờ vua cũng được; đễ là thờ anh được, thì suy ra thờ kẻ tôn-trưởng cũng được; từ thiện là xử với người trong nhà được, thì suy ra để sai khiến dân chúng cũng được. Thiên Khang-cáo nói rằng: Như nuôi con đỏ, lòng tinh thành tìm đó, tuy không trúng nhưng cũng không sai mấy. Chưa có học nuôi con rồi sau mới gả chồng vậy. »
Khúc trên từ chữ sở vị trị quốc cho đến từ thiện là để khiến nhân-chúng. Ý nói người quân-tử lấy hiếu, đễ, từ mà dạy người trong nhà. Hễ lấy những điều ấy mà dạy người troug nhà không được, thì dạy thế nào được người trong nước Vì về đường đạo-đức, thì sự giáo-hóa của thân mình, của một nhà, của một nước, bao giờ cũng lấy ba điều ấy làm cốt. Ở trong nhà biết hiếu với cha, tức là ở trong nước biết cách thờ quân-thượng; ở trong nhà biết đễ với anh, tức là ở trong nước biết cách thờ kẻ tôn-trưởng; ở trong nhà từ thiện với nhau, tức là ở trong nước biết cách sai khiến dân chúng. Sự giáo-hóa ở trong nhà mà nên, thì sự giáo-hóa trong nước cũng nên. Đã theo cái thuyết nhất thể, thì người một nhà và người một nước cũng phải theo một đạo giáo-hóa, chứ không ra ngoài cái đạo ấy được. Cái căn-bản lập giáo là cần phải biết cái mối đầu rồi suy rộng ra, thì đâu đâu cũng thế cả. Cho nên nói rằng: « Người quân-tử không ra khỏi nhà, mà nên sự giáo-hóa ở trong nước»; Cái nghĩa khúc ấy hiểu rõ rồi, nhưng người làm sách Đại-học lại dẫn thêm cái chứng ở thiên Khang-cáo trong kinh Thư và kết-luận một câu rằng: « Chưa có học nuôi con rồi sau mới gả chồng ». Ý nghĩa câu ấy ăn với câu chứng ở thiên Khang-cáo rằng: « Như nuôi con đỏ, lòng tinh-thành tìm đó, tuy không trúng nhưng cũng không sai mấy ». Lòng tinh-thành tìm đó là tìm cái thị-dục của đứa trẻ. Câu ấy là nói ví người coi việc trị dân cũng như mẹ nuôi con mới đẻ. Mẹ nuôi con đỏ là hết lòng yêu mến con, cho nên tuy con muốn cái gì không nói ra được nhưng cái lòng tinh thành của mẹ yêu con tự nhiên hiểu được. Việc trị-dân cũng phải như vậy, mình phải tinh-thành yêu mến dân, thì lúc dân muốn cái gì, mình hiểu ngay. Nghĩa là phải lấy cái tâm tinh-thành, tức là cái trực-giác mà hiểu dân, thì biết rõ sự cần dùng của dân. Tâm là cái bản-nhiên của Trời phú cho, vẫn có sẵn ở trong người ta rồi, không phải học mà được, hễ đừng để nó bị tế-tắc về điều gì, thì tự nó vẫn sáng-suốt. Bởi cái nghĩa ấy cho nên mới lấy câu « Chưa có học nuôi con rồi sau mới gả chồng » mà kết luận. Câu ấy là theo cái nghĩa câu trên nói: mẹ nuôi con là bởi tòng tự-nhiên yêu con, mà hiểu sự thị-dục của nó, chứ không phải có học mới biết yêu con.
Cái nghĩa câu ấy là thế, chứ không phải như Phan tiên-sinh đã hiểu: « Chưa học nuôi con » là chưa học cách nuôi con như ta thường hiểu ngày nay. Bởi tiên-sinh hiểu như thế, cho nên mới nói là trái với khoa-học.
Thiết-tưởng rằng phàm đã gọi là triết-học, tất có cái nghĩa tinh-vi, hễ sai một ly là đi một dậm. Nếu ta nghĩ không kỹ mà vội-vàng phán đoán, thì thường hay có sự sai lầm. Huống chi đã nói: « Bất dĩ từ hại ý » thì ta há lại không nên cẩn-thận lắm hay sao? Cái thuyết của Phan tiên-sinh đã không đúng với nghĩa trong sách, mà lại lấy cái thuyết ấy bẻ sách, thì theo cái luật của cô Logique mà tiên-sinh đã quen đó, gọi là phạm vào luật nào?
Cái thuyết minh minh-đức, thân dân, chỉ ư chí thiện là cái quan-kiện của sự học trong Khổng-giáo, mà Phan tiên-sinh phê-bình một cách khinh-suất như thế, thì cũng lạ thật: Tiên-sinh nên nghĩ lại xem phê-bình như thế, có ích gì cho sự học-vấn không? Chắc rằng tiên-sinh cứ giữ cái ý-kiến của mình mà nói rằng: «Khoa học trọng cái chứng-cứ thực-nghiệm v; v ». Vậy chứ tiên-sinh đã thấy có mấy cái lý-thuyết triết-học đúng hẳn với sự thực-nghiệm chưa? Khi ta xét một khoa triết-học thuần-lý thì ta phải xét xem nó có đúng với cái lý mà đã nhận làm chuẩn-đích hay không. Nếu nó đúng là hợp khoa-học rồi; chứ lại lấy cái triết-học thực-nghiệm mà xét cái triết-học thuần-lý, thì xét sao được bởi vì mỗi bên theo một phương-pháp khác nhau, thì không có thể lấy cái nọ mà xét cái kia được. Nếu lại muốn rằng các lý-thuyết của triết-học phải đúng với sự thực-nghiệm, thì tôi tưởng không còn gì là triết-học nữa. Vậy nói rằng cái thuyết minh minh-đức thân dân không đúng khoa-học là tôi không chịu, vì những nghĩa của tiên-sinh hiểu đều sai cả.
b) Phan tiên-sinh nói trong số 54 rằng: « Khổng-giáo trái với Tây-học, vì cái chủ-nghĩa tôn-quân trái với cái chủ-nghĩa duy-dân » Trong số 60 tôi chỉ nói cái quân-quyền mà không nói đến cái chủ-nghĩa duy-dân? Nay nhân tiện xin nói thêm mấy lời cho hết ý. Khổng-giáo có cái chủ-nghĩa quân-quyền thật, song chữ quân có cái nghĩa rộng như tôi đã bàn, thì cái chủ-nghĩa ấy không phải là chủ-nghĩa chuyên-chế. Cái thủ-đoạn chuyên chế là cái thủ-đoạn của bọn đế-vương lạm-dụng cái quân-quyền đó mà thôi.
Khổng-giáo đã không có cái chủ-nghĩa chuyên-chế thì tất là có cái chủ-nghĩa duy-dân. Song cái chủ-nghĩa duy-dân của Khổng-giáo không giống cái chủ-nghĩa duy-dân thời nay. Cái chủ nghĩa duy-dân thời nay cốt ở sự bình-đẳng, chính nghĩa là bình-đẳng trong luật-pháp, nhưng nhiều người hiểu là bình-đẳng hoàn-toàn cả và cho bọn hạ-dân cũng có quyền cai-quản, cùng tham-dự chính-trị. Cái chủ-nghĩa duy-dân của Khổng-giáo thì chủ ở trật-tự, lấy đức, lấy tài mà phân trên dưới, và nhận có cái bình-đẳng ở trong luật-pháp, mà không nhận có cái bình-đẳng hoàn-toàn khắp cả. Cái bình-đẳng hoàn-toàn ấy thì ở trong vũ-trụ thật quả không có, cho nên Khổng-giáo không nhận là có. Còn cái bình-đẳng ở trong luật-pháp thì xem như lời giả-thuyết trong sách Mạnh-tử mà Phan tiên-sinh vừa bác trên kia, vua Thuấn làm thiên-tử mà cha là Cổ-Tẩu có tội, quan tư-pháp là Cao-Dao cứ bắt trị tội. Phép công chỉ biết có cái lý, chứ không biết có cái thế, như vậy là bình-đẳng trong luật-pháp.
Khổng-giáo vẫn lấy dân làm trọng, cho thiên-hạ là của chung của thiên-hạ. Theo lý công-nhiên thì vua Nghiêu làm thiên-tử không có thể đem thiên-hạ cho vua Thuấn được, chỉ có thiên-hạ theo ai thì người ấy được. Ấy là hợp với cái tôn-chỉ duy-dân lắm. Song vì trong thiên-hạ số người dở và người ngu nhiều hơn số người hiền và người giỏi, cho nên phải theo hiền ngu giỏi dở mà đặt ra trật-tự trên dưới, để người có đức, có tài cầm quyền chính-trị mà giữ-dìn muôn dân. Bất kỳ người dòng-dõi vua quan, hay con nhà thứ-dân, hễ ai có đức có tài, là được ra cầm quyền chính-trị. Người cầm quyền chính-trị phải nuôi dân, phải làm cho dân giầu, phải dạy dân. Dân là trọng, vua là khinh. Vua làm điều tàn-bạo, dân có quyền trừ bỏ đi. Đó là cái chủ-nghĩa duy-dân của Khổng-giáo mà tôi cho là chính đáng hơn cả. Bởi vậy tôi không đồng ý với Phan tiên-sinh, và tôi dám chắc rằng Khổng-giáo không trái với chủ-nghĩa duy-dân. Xin tiên-sinh hiểu cho rằng đây tôi chỉ nói cái nghĩa duy-dân mà thôi, chứ không nói đến cái chính-thể duy-dân vì nó là một việc khác.
Tôi nói như vậy có lẽ Phan tiên-sinh lại bẻ rằng: Tự xưa đến nay người mình vẫn học Khổng-giáo sao không thấy thi-hành cái chủ nghĩa ấy bao giờ? Xin thưa rằng: Cái chính-thể của xã-hội ta tự xưa đến nay tuy là chuyên chế, nhưng vẫn có một phần theo chủ-nghĩa duy-dân. là thường vẫn lấy những người có đức có tài, trong dân ra làm quan-tư. Vả lại ta cũng nên biết rằng xưa nay người học Khổng-giáo thì nhiều nhưng theo Khổng-giáo mà làm thì ít. Thường những người làm vua làm quan chỉ mượn cái đạo của thánh-hiền làm cái bình-phong để che cái quyền-lợi, chứ đã thật lúc nào chịu thi-hành đạo của thánh-hiền đâu. Vậy nên hòn ngọc tuy là quí, nhưng không ai biết dùng, thì dẫu quí đến đâu cũng không làm gì được. Nay ta biết nó là ngọc, thì cứ nói ai dùng nó thì dùng, không dùng thì thôi, chứ bảo nó là đá thì tôi không chịu.
c) Phan tiên-sinh nói rằng Khổng-giáo làm ngại trở cho khoa-học là vì chỉ nói cái lẽ đương-nhiên, chứ không nói cái lẽ sở-dĩ-nhiên. Trước kia tiên-sinh chỉ nói thế, chứ không nói rõ ở chỗ nào, cho nên tôi chỉ cắt nghĩa tại làm sao mà thôi. Nay tiên-sinh đã viện chứng rõ ràng, thì xin theo cái chứng ấy mà bàn lại. Tiên-sinh lấy câu Khổng-tử trả lời cho Diệp-Công hỏi về việc chính, mà bảo « Ngài chỉ nói về quả mà không nói đến nhân: bảo nên làm như thế mà không bảo cho biết cái phương-thế làm thế nào. Ấy là trái với khoa-học. »
Ta phải biết rằng sách Luận-ngữ là sách chép những câu chuyện người ta hỏi Khổng-tử cái gì, Ngài đáp lại thế nào, hoặc là những lời Ngài nói có ý-nghĩa gì sâu-xa. Trong sách ấy có nhiều câu nghĩ lâu thấm-thía mới biết là hay? Cho nên người ta nói cái học của Ngài là cái học hàm-súc. Vậy những lời của Ngài nói trong sách Luận-ngữ, không phải là chỉ để giảng dạy một cái lý-thuyết nào, mà bảo đã dạy sao lại không nói cho có đầu có đuôi, để người ta biết hết các lẽ. Nay Phan tiên-sinh lấy những câu vấn-đáp vắn-tắt trong lúc nói chuyện mà bẻ; thì tôi cho là không phải. Song đã bẻ, thì tôi cứ lấy cái hiểu của tôi mà đáp lại.
Cái lối dạy của Khổng-tử là cứ đối chứng lập phương, chứ không nhất-định theo một cách-thức nào. Những điều ấy tôi đã nói ở chương Mạnh Ý-tử hỏi hiếu rồi, không cần phải nói lại nữa. Ngài biết Diệp-công ở nước Sở chỉ dùng sức mạnh mà trị nước, không biết cái gốc việc chính-trị là ở sự được lòng người, cho nên khi Diệp-công hỏi việc chính. Ngài trả lời rằng: « Kẻ ở gần thì mến, kẻ ở xa thì đến. » Nghĩa là việc chính cốt là ở được lòng người, chứ không nên làm mất lòng người. Ngài hỏi thế mà Diệp-công nín lặng, là vì đã biết Ngài chê cái chính-sách của mình rồi, cho nên không hỏi lại nữa. Còn cái phương-thế làm thế nào, là hiểu ngay phải theo nhân-chính mà thu-phục lòng người. Nếu Diệp-công không hiểu mà không hỏi lại, thì Ngài cũng thôi không bảo nữa. Lối ấy chính hợp lối « Cử nhất ngung » của Ngài.
Vì câu trả lời ấy khó hiểu cho người đời sau, cho nên trong sách người ta chú-thích là: « Kẻ ở gần chịu cái ơn mà mến, kẻ ở xa nghe tiếng mà đến. » Những ý ấy ở ngoài lời nói, phải lấy ý mà hiểu mới được. Nếu cứ theo như Phan tiên-sinh là khi nói cái quả, phải nói rõ cái nhân, thì ngay trong Tây-học, những sách như Les Pensées của Pascal, hay là Le jardin d'Epicure của Anatole France có nhiều chỗ lại khó hơn những lời của Khổng-tử, tất là phải bỏ đi hết.
Sự giáo-hối có mấy lối: có lối giảng-diễn đủ mọi lẽ, học-giả nghe là hiểu ngay; có lối chỉ gợi ra cái cốt-yếu, để cho người ta phải nghĩ mà hiểu lấy. Mỗi người theo một lối, ai thích lối nào theo lối ấy, miễn là lối nào cũng cần có cái chủ-ý ám-hợp với đạo-lý thì thôi. Dẫu có muốn theo khoa-học nữa, thì khoa-học nào cũng chỉ cần có cái phương-pháp, chứ không phải bao giờ cũng chỉ theo một phương-pháp. Nay Phan tiên-sinh chỉ dùng một phương-pháp muốn điều gì đã nói cái lẽ đương-nhiên, là phải nói cái lẽ sở-dĩ-nhiên. và bắt bao nhiêu học thuyết cũng phải như thế cả thì thật là tiên-sinh có một cách hiểu sự học-vấn rất lạ, xưa nay chưa ai nghĩ đến! cứ như ý tôi thì câu Khổng-tử trả lời cho Diệp-công, tuy hơi khó một chút, nhưng có ý nghĩa ta nên biết lắm.
d) Đó là nói cái nghĩa rộng của khoa-học, còn đối với cái nghĩa hẹp của khoa-học thì Phan tiên-sinh nói rằng: « Còn mình chưa có khoa-học mà lại cần có thì thế nào cũng phải đeo đuổi theo mới đặng. Mình ưng đi xe hỏa cho mau, thắp đèn điện cho sáng v. v.» Nào tôi có bảo không nên theo khoa-học ở đâu, mà tiên-sinh phàn-nàn như thế. Tôi đã nói ở số 60: « Nay ta ở vào thời-đại có khoa-học và cần có khoa-học thì ta theo khoa-học nhưng theo khoa-học mà không bỏ mất cái tâm-học, thì tâm với trí có thể điều-hòa được với nhau ». Nói như thế có điều gì là bảo không nên theo khoa-học? Tôi muốn tỏ cái ý rằng khoa-học tuy có nhiều điều hay nhưng khi ta khuynh-hướng về nó thái quá, thì cũng có điều không hay. Muốn cho rõ cái ý ấy, tôi mới đem cái ý chán-nản về khoa-học của mấy người thức-giả bên Tây, để ta hiểu rằng những người ấy mà chán-nản, tất là khoa-học cũng có điều bất-tiện.
Nếu nói rằng những người ấy là số ít, còn số nhiều người thì ai cũng cho khoa-học là hoàn toàn hay cả. Việc đó đã cố-nhiên đi rồi. Thường những tư-tưởng cao xa là ở bọn người số ít, chứ bọn người số nhiều là chỉ biết được cái thiển-cận trước mặt mà thôi. Vậy nên về đường tư-tưởng và trí-thức ta không nên tin ở số nhiều người. Tôi vẫn biết ai cũng thích « phóng ô-tô, đứng trong một chỗ diễn-đàn rực-rỡ, dưới chân lót mã-nhục, trên đèn điện v. v. » nhưng tựu-trung lại không có người cho những cái đó không phải là sinh-thú của người ở đời hay sao? Như Phan tiên-sinh thì cho người ấy là người quái-lạ, biết đâu người ấy lại không cho bọn mình là lũ cuồng dại. Xét cho cùng kỳ lý, thì đã chắc là ai phải; người ấy là hay bọn ta đây? Nhưng mà thôi nếu bàn như thế, thì viết cả quyển sách cũng không xong, mà không khéo tiên-sinh lại cho là nói rông-dài vô-ích.
Nói rút lại, tôi không phản-đối khoa-học, song tôi chỉ muốn khoa-học của Tây đi đôi với tâm-học của ta. Được như thế thì tôi tưởng hay hơn cả.
Tôi vừa mới viết chữ biết đâu chắc là Phan tiên-sinh đã lắc đầu rồi. Đó chẳng qua là tôi theo cái cách tư-tưởng của tôi trong khi nghị-luận. Hễ điều gì tôi biết chắc-chắn, thì tôi nói quả-quyết, điều gì tôi biết chưa được rõ lắm, hay là không chắc, thì tôi dùng chữ biết đâu để tỏ cái thái-độ hoài-nghi của tôi. Có lẽ tôi với Phan tiên-sinh khác nhau ở chỗ đó. Tiên-sinh nói điều gì là nói quả-quyết, mà tôi thì tùy có điều quả-quyết, có điều không quả-quyết được cho nên phải hồ nghi. Hai ta tuy không đồng, nhưng vẫn hòa được; Cũng như tiên-sinh thì thích đến nhà cô Logique, mà tôi lại ưa nói chuyện ở nhà ta, thế mà ta vẫn theo cái chủ-nghĩa hòa nhi bất đồng kể cũng đã có phần hay lắm rồi.
Phan tiên-sinh đã có lòng tốt cho tôi được dự cuộc bàn chuyện thánh hiền và chuyện khoa-học, thật là một sự may mắn cho tôi lắm. Tôi cứ tình thực đem cái sở-kiến của tôi trình bày với tiên-sinh. Phải trái thế nào đã có công-luận quyết-định. Nay tôi bận việc lắm, cho nên xong câu chuyện này rồi, xin tiên-sinh hãy tạm cho tôi nghỉ, để chút thì giờ làm việc khác, kẻo nữa phần thì sợ thiên-hạ người ta bảo chúng mình lắm điều, phần thì những việc làm chưa xong không thể bỏ dở được.
Xin cảm-tạ Phan tiên-sinh đã cho tôi được cái dịp để tỏ chút lòng đối với Khổng-giáo và khoa-học. Sau này có dịp nào khác nữa ta sẽ nói chuyện.