Nho giáo/Quyển I/Thiên II

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

THIÊN II

XUÂN-THU THỜI-ĐẠI
(722-480 trước Tây-lịch)

KHỔNG-TỬ

Tình-thế nước Tàu về đời Xuân-thu. — Từ khi nhà Chu lên giữ ngôi Thiên-tử, chế-độ vẫn theo lối phong-kiến, chia thiên-hạ ra làm hơn 70 nước, để phong cho những người công-thần và các con cháu làm Chư-hầu. Những nước Chư-hầu ấy đều được quyền tự-chủ, nhưng hằng năm phải triều cống Thiên-tử nhà Chu, và khi có sự chinh-phạt ở đâu, thì phải theo mệnh-lệnh Thiên-tử đem quân đi tòng-chinh. Nước Tàu thuở ấy ở quanh-quẩn trong vùng sông Hoàng-hà, vào độ chừng năm sáu tỉnh ở phía bắc nước Tàu ngày nay. Các nước Chư-hầu lớn thì bằng hai ba tỉnh của ta bây giờ, nhỏ thì bằng một vài huyện gì đó. Khi nhà Chu còn thịnh thì trật-tự vẫn được phân-minh, nhưng từ khi nhà Chu đã suy-nhược, phải dời đô về phía đông ở đất Lạc-ấp, mệnh-lệnh của Thiên-tử không ai theo, các nước Chư-hầu phân ra có đến 160 nước. Sự chiến-tranh càng ngày càng kịch-liệt, cương-thường đổ nát, nhân-dân đồ-thán. Chư-hầu ai mạnh thì làm bá cả thiên-hạ, như nước Tề, nước Tấn, nước Tống, nước Tần, nước-Sở, nước Ngô, nước Việt v. v. rồi nước nọ kiêm tính nước kia. Thiên-tử cùng không có đủ uy-quyền mà ngăn cấm được. Thời-đại ấy sử Tàu gọi là Xuân-thu thời-đại.

Trong thời Xuân-thu loạn-lạc như thế, đạo đế-vương đời trước mờ tối, người đời say đắm về đường công-lợi, không ai thiết gì đến nhân nghĩa nữa. Nhưng cũng vì thế-cục biến-loạn, dân-tình khổ-sở, người trong nước mới lo nghĩ tìm cách sửa đổi để cứu vớt thiên-hạ, vậy nên các học-thuyết mới hưng-thịnh lên. Thuở ấy có Khổng-tử đem phát-minh cái đạo của thánh hiền ra, lập thành một học-thuyết có thống-hệ, lấy nhân nghĩa lễ trí mà dạy người, lấy cương-thường mà hạn-chế nhân-dục, để giữ cái trật-tự ở trong xã-hội cho vững bền.

Lịch-sử của Khổng-tử — Khổng-tử người làng Xương-bình, huyện Khúc-phụ, nay thuộc phủ Duyện-châu, tỉnh Sơn-đông bên Tàu. Ngài dòng-dõi người nước Tống (Hà-nam). Ông tổ ba đời dời sang ở nước Lỗ (Sơn-đông). Thân-phụ Ngài là Thúc-Lương-Ngột làm quan võ, lấy người vợ trước sinh được chín người con gái. Người vợ lẽ sinh được một người con trai tên là Mạnh-Bì, nhưng lại có tật què chân. Đến lúc gần già ông thân-phụ mới lấy bà Nhan-thị sinh ra Ngài. Ngài sinh vào mùa đông tháng mười năm Canh-tuất, là năm thứ 21 đời vua Linh-vương nhà Chu, tức là năm 551 trước Tây lịch kỷ-nguyên. Bà Nhan-thị có lên cầu-tự trên núi Ni-khâu, cho nên khi sinh ra Ngài mới nhân điềm ấy mà đặt tên Ngài là Khâu 丘, tên tự là Trọng-Ni 仲 尼. Có sách chép rằng trán ngài cao và gồ lên, cho nên mới đặt tên là Khâu. Khâu nghĩa là cái gò.

Ngài sinh-trưởng theo lẽ tự-nhiên như mọi người, nhưng vì Ngài là một bậc giáo-tổ, hậu-thế mới đặt ra những chuyện huyền-bí, nói rằng trước khi sinh ra Ngài, bà Nhan-thị thấy một con kỳ-lân nhả tờ ngọc-thư có chữ đề rằng: « Thủy-tinh chi tử, kế suy Chu vi tố vương 水 精 之 子,繼 衰 周 爲 素 王: Con của thủy-tinh, nối nhà Chu đã suy mà làm vua không ngôi. » Bà Nhan-thị thấy vậy, lấy dây lụa buộc vào sừng con kỳ-lân. Được mấy ngày thì con kỳ-lân ấy đi mất. Đến khi sinh ra Ngài, có hai con rồng xuống quấn chung-quanh nhà, và có năm ông lão là năm vị sao trên trời xuống đứng giữa sân. Ở trong phòng bà Nhan-thị nghe trên trời có âm-nhạc và có tiếng nói rằng: « Thiên cảm sinh thánh-tử 天 感 生 聖 子: Trời cảm lòng cầu-nguyện cho sinh ra con thánh. » Những truyện ấy tuy là truyện người đời sau bịa đặt ra, nhưng cũng là cái bằng chứng rõ là người đời ưa sự quái lạ, nhất là những người đã làm nên công nghiệp lớn, hoặc là đã sáng-lập ra tôn-giáo nào, đều có truyện lạ để làm cho có cái phẩm-giá khác người thường.

Cứ theo truyện chép trong chính-sử, thì khi Khổng-tử lên ba tuổi, ông thân-phụ mất. Thuở Ngài còn nhỏ, học-hành thế nào, sử không chép rõ, chỉ nói rằng khi Ngài chơi với trẻ hay bày đồ cúng tế. Điều ấy cốt tỏ cái bản-tính của Ngài trọng những điều lễ nghĩa.

Năm Ngài 19 tuổi thì thành gia-thất, rồi ra nhận chức Ủy-lại 委 吏, coi sự gạt thóc ở kho, sau lại làm Tư-chức-lại 司 職 吏 coi việc nuôi bò dê để dùng về việc cúng-tế. Thuở ấy tuy Ngài còn trẻ tuổi, nhưng đã nổi tiếng là người giỏi, cho nên quan nước Lỗ là Trọng Tôn-Cồ cho hai con là Hà-Kị và Nam-cung Quát theo ngài học lễ.

Ngài vốn là người học theo nho-thuật cho nên Ngài rất chú-ý về lễ nghi và những phép tắc của các đế vương đời trước. Thuở Ngài 28, 29 tuổi, Ngài muốn đi đến học ở Lạc-ấp là chỗ kinh-sư nhà Chu, nhưng vì đường xa, tiền lộ-phí mất nhiều, không đi được. Sau học-trò Ngài là Nam-cung Quát đem việc ấy bẩm với Lỗ-hầu, là vua nước Lỗ. Lỗ-hầu cho một cỗ xe hai con ngựa và những người hầu-hạ đưa Ngài đi.

Ở Lạc-ấp có nhà Minh-đường của Chu-công lập ra, để chứa những luật-lệ và những bảo-vật cùng các hình-tượng của các thánh hiền đời trước. Ngài đến đó khảo-cứu mọi việc, và đi xem những chế-độ ở nơi miếu-đường cùng những nơi tế Giao, tế Xã. Phàm ở đâu có việc gì quan-hệ đến sự tế-lễ, là Ngài cũng đi xem xét rất tường-tận. Ngài lại đi đến hỏi lễ Lão-tử, hỏi nhạc Trành-Hoằng. Sách Sử-ký của Tư-mã Thiên chép rằng: « Khổng-tử đến hỏi Lão-tử về lễ. Lão-tử đáp rằng: Người quân-tử gặp thời thì đi xe, không gặp thời thì đội nón lá mà đi chân. Ta nghe: Người buôn bán giỏi, khéo chứa của, coi như người không có gì; người quân-tử có đức tốt, coi diện-mạo như người ngu-dại. Ông nên bỏ cái khí kiêu-căng, cái lòng ham-muốn, cùng cái sắc-dục và dâm-chí đi; những cái ấy đều vô ích cho ông ». Khổng-tử về bảo các đệ-tử rằng: « Chim thì ta biết nó bay được, cá thì ta biết nó lội được, giống thú thì ta biết nó chạy được. Chạy, bay, lội, ta có thể chăng lưới mà bắt được, đến như con rồng thì ta không biết nó cưỡi gió, cưỡi mây bay lên trời lúc nào. Hôm nay ta thấy Lão-tử như con rồng vậy: Ngô kim nhật kiến Lão-tử kỳ do long gia 吾 今 日 見 老 子,其 猶 龍 邪 ».

Khổng-tử ở Lạc-ấp được ít lâu rồi trở về nước Lỗ. Từ đó sự học của Ngài rộng hơn trước, và học-trò theo học Ngài càng ngày càng nhiều. Nhưng vua nước Lỗ vẫn không dùng Ngài. Được mấy năm trong nước có loạn, Ngài phải bỏ sang nước Tề. Vua nước Tề là Tề-hầu đón Ngài đến hỏi việc chính-trị, Ngài nói truyện gì cũng vừa ý Tề-hầu. Tề-hầu đã toan lấy đất Ni-khê mà phong cho Ngài, nhưng quan đại-phu nước Tề là Yến-Anh không thuận, can ngăn Tề-hầu không cho. Ngài thấy thế lại bỏ nước Tề trở về nước Lỗ. Bấy giờ Ngài đã 35, 36 tuổi, Ngài về nước nhà dạy học-trò và suy xét cho tường-tận cái đạo của thánh hiền đời trước.

Sự hành-chính của Khổng-tử — Năm thứ 19 đời vua Kính-vương nhà Chu, bấy giờ Khổng-tử đã 51 tuổi, vua nước Lỗ mới dùng Ngài làm quan Trung-đô-tể, tức như là quan kinh-thành phủ-doãn ngày nay. Cách một năm thì cải chức làm quan Đại-tư-khấu, tự-hồ bây giờ là quan Hình-bộ Thượng-thư. Ngài đặt ra luật-lệ để cứu giúp kẻ nghèo khổ, lập ra phép-tắc, định rõ việc tống-táng người chết. Lớn nhỏ phân-biệt, trai gái không lẫn lộn, người đi ngoài đường thấy của rơi không nhặt, kẻ gian-phi không có, hình-pháp đặt ra không hề dùng đến.

Ngài làm Đại-tư-khấu được bốn năm, vua nước Lỗ cất Ngài lên nhiếp tướng-sự, nghĩa là cho Ngài quyền-nhiếp việc chính-trị trong nước. Sử chép rằng: Ngài cầm quyền được bảy ngày thì giết quan đại-phu Thiếu Chính-Mão là một người xảo-quyệt gian-hiểm thời bấy giờ, được ba tháng thì việc chính-trị rất hoàn-toàn: trật-tự phân-minh, con trai thì chuộng trung-tín, con gái thì chuộng trinh-thuận. Trong nước thành ra có cái cảnh-tượng rất thịnh-trị. Nước Tề bên cạnh không muốn nước Lỗ thịnh lên, bèn dùng kế phản-gián, cho 80 người con gái đẹp, múa hát giỏi, và 30 con ngựa tốt, đem sang bày ở cửa nam thành nước Lỗ, để dâng cho Lỗ-hầu. Thuở ấy các nước Chư-hầu, có nhiều nước có vua và lại có quan Đại-phu là một bậc quyền-thần trong nước. Quan Đại-phu nước Lỗ lúc ấy là Quí-tôn Tư hai ba lần ra xem những người và vật của nước Tề đem sang, và có ý muốn nhận lấy, rồi vào bẩm với Lỗ-hầu, và đem Lỗ-hầu ra xem. Lỗ-hầu say mê, bỏ việc ba ngày không ra thính chính.

Đó là theo nguyên-văn trong sử mà chép ra. Còn sự thực hư thế nào tưởng không bàn làm gì, vì Khổng-tử sở dĩ là thánh không phải chỉ ở những việc ấy mà thôi, nhưng cốt ở cái đức-độ của Ngài khiến cho ai đã học được cái đạo của Ngài, thì cũng thành ra hạng người có phẩm-giá tôn-quí. Vậy hậu-thế dẫu có thêm bớt điều gì về sự-nghiệp của Ngài đã làm trong khi Ngài hành chính ở nước Lỗ, cái đức của Ngài vẫn không giảm đi hay thêm lên chút nào.

Khổng-tử đi chu-du thiên-hạ. — Khổng-tử thấy vua vì sự vui chơi bỏ trễ việc nước như thế, chắc là việc gì cũng hỏng, cho nên Ngài mới nhân lúc nhà vua làm lễ tế Giao, không chia thịt cho các quan, Ngài liền từ chức bỏ sang ở nước Vệ. Việc này có người không biết hỏi rằng: Ngài là bậc thánh-nhân sao lại vì việc nhỏ mọn như thế mà bỏ việc nước? — Phải biết rằng: Ngài xuất chính là mong đem thi-hành cái đạo của mình. Đạo ấy chủ ở sự lễ nghĩa, mà ông vua đã không thiết gì đến lễ nghĩa nữa, thì chẳng đi còn ở làm gì. Vậy sự Ngài bỏ đi là vì Ngài biết vua không muốn dùng mình, chứ không phải là vì miếng thịt. Vả Ngài theo cái chủ-nghĩa tôn quân, dẫu thế nào cũng phải giữ cho trọn cái đức của vua, cho nên Ngài mới nhân một điều lỗi nhỏ mà bỏ đi, để không lộ cái điều dở của vua. Cái ý-kiến ấy chính là của Mạnh-tử nói trong thiên Cáo-tử, thật là tỏ rõ được cái tính kính-cẩn của Khổng-tử, không làm cẩu-thả điều gì vậy.

Ngài ở nước Vệ được 10 tháng, vua nước Vệ không dùng, Ngài định đi sang nước Trần, nhưng khi đi đến đất Khuông, người nước ấy nhận lầm Ngài là Dương-Hổ, là một người tàn-bạo, ai cũng ghét, cho nên mới đem quân ra vây đánh. Lúc Ngài bị vây, học-trò Ngài là thầy Tử-Lộ muốn ra chống cự, nhưng Ngài không cho, bảo thầy Tử-Lộ lấy đàn gảy và hát để Ngài họa theo. Người nước Khuông nghe tiếng đàn hát, biết là lầm, liền rút quân về. Ngài thấy có sự ngăn trở như thế, lại trở về nước Vệ. Bấy giờ vua nước Vệ có người vợ tên là Nam-tử, nhan sắc rực-rỡ, nhưng dâm-đãng vô cùng. Nàng ấy muốn tiếp Ngài. Trước Ngài đã từ-chối, nhưng sau bất-đắc-dĩ Ngài phải vào yết-kiến, vì theo tục bấy giờ, hễ ai đến nhận chức gì ở nước nào, thì phải vào ra mắt vợ ông vua nước ấy. Thầy Tử-Lộ thấy Ngài vào yết-kiến nàng Nam-tử, lấy làm không bằng lòng. Ngài nói rằng: « Dư sở phủ giả, thiên yếm chi! thiên yếm chi! 予 所 否 者,天 厭 之,天 厭 之; nếu ta có làm điều gì không phải, thì Trời bỏ ta! Trời bỏ ta! » (Luận-ngữ: Ung-giã VI). Vua nước Vệ lại chiều nàng Nam-tử, mời Ngài đi xe theo sau ra chơi ngoài thành-thị, có người cười rằng: « Kìa! Đạo-đức chạy theo cái đẹp! » Ngài cũng than rằng: « Ngô vị kiến hiếu đức như hiếu sắc giả giã 吾 未 見 好 德 如 好 色 者 也: Ta chưa thấy ai yêu cái đức tốt như yêu cái sắc đẹp vậy ». (Luận-ngữ: Tử-hãn IX).

Ngài ở nước Vệ phải những điều không vừa ý như thế, cho nên được ít lâu Ngài sang ở nước Tống, bị quan Tư-mã nước Tống là Hoàn-Khôi muốn giết Ngài, Ngài lại bỏ sang nước Trần. Ở nước Trần được ba năm, vua nước Trần vẫn trọng-đãi Ngài, nhưng nước ấy cứ bị giặc-giã luôn, Ngài lại trở về nước Vệ.

Ngài đi hết nước này qua nước nọ, chỉ muốn đem cái đạo của mình ra giúp đời, mà mãi không thành công được. Ngài đi đi về về nước Vệ đã ba lần rồi mà vua nước Vệ vẫn không dùng. Ngài thì một tuổi một già, có lúc Ngài đã toan sang giúp người bạn-thân là Phật-Bật. Thầy Tử-Lộ hỏi Ngài rằng: « Ngày trước đệ-tử được nghe Phu-tử dạy: Người quân-tử không có nhập đảng với người nào đã làm điều bất thiện, nay ngươi Phật-Bật lấy đất Trung-mâu, làm sự phản-nghịch, mà Phu-tử lại định sang giúp là nghĩa làm sao? » — Ngài trả lời rằng: « Ta có nói điều đó thật, nhưng ta cũng có nói: Vật gì đã cứng thì dẫu có mài cũng không mòn được, vật gì đã trong sạch thì dẫu có dấn vào chỗ đen, chỗ bẩn, cũng không đen không bẩn được. Ta đây há lại là quả dưa chỉ để treo mà không ăn được hay sao? » Ý Ngài nói rằng: Ngài là người ngay chính, tuy có theo giúp ngươi Phật-Bật để khiến nó bỏ tà theo chính, thì cái lòng ngay chính của Ngài vẫn không việc gì. Vả người ta ai có tài có trí, thì phải đem ra ứng-dụng ở đời, chứ có phải là vật vô-dụng đâu, mà để cho hẩm nát. Ngài nói thế, nhưng rồi Ngài cũng không đi. Sau Ngài lại định sang với quan Đại-phu nước Tấn là Triệu-Ưởng, nhưng khi ngài đi đến sông Hoàng-hà nghe tin Triệu-Ưởng đã giết hai người hiền là Đậu Minh-Độc và Thuấn-Hoa, Ngài lại trở về nước Vệ.

Ngài ở nước Vệ lần này được non ba năm, một hôm vua nước Vệ mời ngài vào bàn việc binh. Lúc đang ngồi nói chuyện, vua thấy đàn chim nhạn bay trên trời, ngửng mắt lên trông, không để tâm nghe Ngài nói. Ngài thấy vua không có ý dùng Ngài, Ngài lại bỏ sang ở nước Trần. Ngay năm ấy quan Đại-phu nước Lỗ là Quí-tôn Tư mất, dặn con là Quí-tôn Phì đón Ngài về làm tướng giúp nước, Quí-tôn Phì không nghe lời dặn ấy, lại cho đón người học-trò Ngài là thầy Nhiễm-Cầu.

Ngài ở nước Trần được ít lâu, lại sang nước Thái, đi qua đến nước Diệp, vua nước Sở cho người đi đón Ngài, và định lấy 700 dặm đất mà phong cho Ngài, nhưng lại bị quan Lệnh-doãn là Tử-Tây can ngăn đi, Ngài lại trở về nước Vệ.

Trước Ngài tưởng rằng vua nước này không dùng, thì có lẽ gặp vua nước khác dùng được, vậy nên Ngài đi hết nước nọ qua nước kia. Trong mấy ông vua đã đón rước Ngài, ông thì thấy công việc nhiều quá, sợ làm không nổi, nói thoái-thác là tuổi đã già rồi, thi-hành cái đạo của Ngài không kịp nữa. Ông thì bị quan Đại-phu sợ Ngài làm mất quyền-lợi, cố tìm cách ngăn trở. Vả thời bấy giờ vua các nước Chư-hầu còn muốn lấn quyền của Thiên-tử, quan Đại-phu còn muốn lấn quyền của vua Chư-hầu, mà cái chủ-nghĩa của Khổng-tử thì lại cố tôn-phù nhà Chu để giảm bớt cái quyền của các nước Chư-hầu, giữ quyền vua Chư-hầu mà bớt quyền các quan Đại-phu. Ngài nói rằng: « Thiên-hạ hữu đạo tắc lễ nhạc chinh phạt tự Thiên-tử xuất; thiên-hạ vô đạo, tắc lễ nhạc chinh phạt tự Chư-hầu xuất 天 下 有 道,則 禮 樂 征 伐 自 天 子 出;天 下 無 道,則 禮 樂 征 伐 自 諸 侯 出: Thiên-hạ có đạo thì việc lễ nhạc chinh phạt do ở Thiên-tử mà ra; thiên-hạ vô đạo thì việc lễ nhạc chinh phạt do ở Chư-hầu mà ra ». Hay là: « Thiên hạ hữu đạo, tắc chính bất tại Đại-phu 天 下 有 道,則 政 不 在 大 夫: Thiên-hạ có đạo, việc chính-trị không ở quan Đại-phu ». (Luận-ngữ: Quí-thị XVI). Cái chủ-nghĩa của Ngài như thế, tất là phản-đối với cái quyền-lợi của các vua Chư-hầu và các quan Đại-phu, cho nên Ngài đi đến đâu, các nước vì danh-nghĩa mà trọng-đãi, nhưng kỳ thực không ai muốn dùng Ngài, mà có ông nào muốn dùng Ngài nữa thì cũng bị quan Đại-phu ngăn trở đi, không cho dùng. Vì vậy cho nên Ngài đi chu-du khắp thiên-hạ mà không tìm được chỗ nào để thi-hành cái đạo của mình.

Cái chủ-nghĩa của Ngài là cái chủ-nghĩa của những người nho-học, cốt ở sự hành-đạo. Ai có tài có trí thì phải ra ứng-dụng ở đời để làm những điều ích lợi cho nhân-chúng, chứ không phải là chỉ cầu lấy sự an-nhàn ở chỗ ẩn-dật và sự vui thú trong vòng tư-tưởng. Vậy nên cái chí của Ngài là muốn ra làm quan để thực-hành cái đạo của mình. Vả cái tình-trạng nước Tàu lúc bấy giờ rất là rối loạn, lòng người ngao-ngán. Có người thấy thế-sự điên đảo quá nỗi, tưởng không sao vãn hồi lại được, bèn đề-xướng lên cái chủ-nghĩa yếm-thế, bỏ việc đời phó mặc trời xanh, lấy sự an nhàn làm vui thú. Có người thì theo cái chủ-nghĩa phá-hoại, không thiết gì đến cương-thường đạo-lý nữa. Trong khi những nhà tư-tưởng xướng lập lên những chủ-nghĩa tiêu-cực như thế, Khổng-tử muốn đem cái chủ-nghĩa tích-cực cứu-thế mà biến-đổi thời-đại vô-đạo ra thời-đại hữu-đạo. Ngài biết rằng những điều biến-cải trong trời đất không có điều gì là tự-nhiên bất-thình-lình mà thành ra. Dẫu những mối biến-loạn ở trong xã-hội cũng không phải một buổi sớm, một buổi tối, mà thành ra được. Thường cái căn-do ở tự đâu đâu mới kết cục thành ra hiện-trạng. Ngài nói rằng: « Thần thí kỳ quân, tử thí kỳ phụ, phi nhất triêu nhất tịch chi cố, kỳ sở do lai giả tiệm hỹ. Do biện chi bất tảo biện dã 臣 弑 其 君,子 弑 其 父,非 一 朝 一 夕 之 故,其 所 由 來 者 漸 矣,由 辨 之 不 早 辨 也: Tôi giết vua, con giết cha, không phải một buổi sớm, một buổi tối, cái căn do dần dần đã lâu mà thành ra vậy. Bởi vì những kẻ lo-liệu phòng bị những việc ấy, không biết lo-liệu phòng-bị sớm ». (Dịch: Văn-ngôn truyện). Nếu những người có trách-nhiệm đến vận-mệnh của xã-hội biết lo xa, biết tìm cách ngay chính mà sửa đổi lòng người lại, thì cuộc loạn có thể trở nên cuộc trị được. Vậy nên nhất sinh Ngài chuyên tâm chú ý về việc giáo-hóa và việc canh-cải chính-trị. Ngài cho người ta đã sinh ra ở đời, ai cũng có cái nghĩa-vụ đối với đời. Người nào bỏ việc đời không nghĩ đến là làm điều trái với đạo người, cho nên Ngài càng thấy cuộc đời rối loạn bao nhiêu, Ngài lại càng muốn ra sức sửa đổi bấy nhiêu.

Thuở ấy có người biết thời-sự không thể làm gì được, mà thấy Ngài cứ cố tìm cách sửa đổi, cho nên mới chê rằng: « Tri kỳ bất khả vi, nhi vi chi 知 其 不 可 爲,而 爲 之: Biết không thể làm được mà cứ làm ». (Luận-ngữ: Hiến-vấn XIV). Đó là vì người ta không hiểu cái bụng của Ngài cho việc thiên-hạ không có lúc nào là không có thể làm được việc ích lợi, vậy nên Ngài cứ chăm chắm lo làm việc cứu thế. Lại có người nói rằng: « Thao thao giả thiên-hạ giai thị giã, nhi thùy dĩ dịch chi 滔 滔 者 天 下 皆 是 也,而 誰 以 易 之: ùa ùa như nước chảy một chiều, thiên-hạ đều thế cả, ai mà theo mình để sửa đổi được loạn ra trị ». — Ngài nói rằng: « Thiên-hạ hữu đạo Khâu bất dữ dịch giã 天 下 有 道 丘 不 與 易 也: Thiên-hạ có đạo thì Khâu này còn dự đến việc thay đổi làm gì ». (Luận-ngữ: Vi-tử, XVIII).

Muốn làm việc thay đổi trong thiên-hạ, thì tất phải có quyền-thế mới làm được, chứ dùng lời nói thì vị tất đã thành công. Lời nói dẫu hay đến đâu cũng không bằng việc làm, Ngài hiểu như thế cho nên Ngài không chịu giữ cái địa-vị cao-thượng làm ông thầy dạy học mà cố tìm cách ra hành-chính. Ngài muốn gặp ông vua nào biết Ngài, giao quyền bính cho Ngài để sửa đổi phong-tục và chính-trị, làm cái gương cho các nước khác bắt-chước. Cái chủ-ý của Ngài là muốn hành-đạo, chứ không phải cầu lấy danh-lợi. Ngài tin rằng nếu cái đạo của Ngài mà thi-hành ra được, thì tất thế nào cũng hay, cho nên Ngài quả quyết mà nói rằng: « Cẩu hữu dụng ngã giả, cơ nguyệt nhi dĩ khả giã, tam niên hữu thành 茍 有 用 我 者,期 月 而 已 可 也,三 年 有 成: Nếu ai dùng ta, thì trong một năm đã khá, ba năm ắt thành ». (Luận-ngữ: Tử-Lộ, XIII). Ngài tin như thế, nhưng không ai dùng được Ngài, thành thử đạo của Ngài vẫn không thi-hành ra được.

Lần sau cùng Ngài trở về nước Vệ ở năm sáu năm không đi đâu nữa. Quí-tôn Phì bên nước Lỗ cho người sang đón Ngài về. Ngài bỏ nước Lỗ đi tất cả là 14 năm, lúc Ngài trở về thì đã 68 tuổi. Bấy giờ Ngài đã già rồi, không cầu ra làm quan nữa. Ngài ở nhà dạy học-trò, san-định lại các sách vở đời trước và làm sách Xuân-thu để bày tỏ cái đạo của Ngài về đường chính-trị.

Hình giáng và đức-độ của Khổng-tử. — Sách Khuyết-lý tả rõ cái hình-giáng của Khổng-tử: Người cao lớn, có tướng ngũ lộ là: mắt lồi, lỗ mũi rộng, lộ hầu, tai bạt, hở răng. Mặt to và có những vạch như quả dưa chín. Bàn tay hổ, ngực rùa, râu rậm, mồm rộng, miệng nói tươi, đi nhanh.

Tính Ngài ôn-hòa, nghiêm-trang và kính-cẩn. Sách Luận-ngữ chép rằng: « Tử ôn nhi lệ, uy nhi bất mãnh, cung nhi an 子 溫 而 厲,威 而 不 猛,恭 而 安: Phu-tử hòa mà nghiêm, uy mà không dữ, kính-cẩn mà an-vui tự-nhiên ». (Thuật-nhi, VII). Lúc nào Ngài cũng ung-dung và bao giờ cũng có cái vẻ tự-nhiên vui-vẻ. « Tử chi yến cư, thân-thân như giã, yêu-yêu như giã 子 之 燕 居,申 申 如 也,夭 夭 如 也: Phu-tử lúc ở dưng, thì hình dáng khoan-thai, mặt mày tươi tỉnh ». (Thuật-nhi, VII). Thiên Hương-đảng trong sách Luận-ngữ tả rõ sự cử-chỉ của Ngài trong những khi ăn uống nằm ngồi, không bao giờ là không cầu lấy sự ngay chính kín đáo; lúc vào chỗ miếu-đường đối với vua với quan, lui tới rất kính-cẩn, điều gì cũng giữ cho hợp lễ phép, không dám sai một phân một li, để bày tỏ cái đạo của người quân-tử là phải cẩn-thận từng tí một. Lúc động lúc tĩnh, lúc nào cùng có thể làm gương cho người ta bắt-chước.

Khổng-tử nhất sinh rất cẩn-thận và nhất là khi có việc tế-tự phải tinh-khiết thành kính để giao cảm với thần-minh, khi có việc chinh-chiến quan-hệ đến vận-mệnh của dân của nước, và khi có bênh-tật quan-hệ đến tính-mênh của người, thì Ngài hết lòng gìn-giữ: « Tử chi sở thận: trai, chiến, tật 子 之 所 慎:齊 戰 疾: Những điều mà Phu-tử giữ-gìn cẩn-thận là việc trai-giới, việc chinh-chiến, việc bệnh-tật » (Thuật-nhi, VII).

Ngài là một người rất nhân-hậu, hễ thấy ai đau-đớn buồn-rầu thì Ngài cũng động lòng thương-xót. « Tử thực ư hữu tang giả chi trắc, vị thường bão giã. Tử ư thị nhật, khốc tắc bất ca 子 食 於 有 喪 者 之 側,未 嘗 飽 也.子 於 是 日,哭 則 不 歌: Phu-tử ngồi ăn bên cạnh người có tang, thì ăn không no. Ngày nào đã đi điếu phúng về, thì suốt cả ngày không đàn hát ». (Thuật-nhi, VII). Một hôm thầy Tử-Lộ hỏi Ngài rằng: « Đệ-tử muốn biết cái chí của Phu-tử thế nào? » — Ngài nói rằng: « Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi 老 者 安 之,朋 友 信 之,少 者 懷 之: Lấy sự yên-vui mà đối với kẻ già cả, lấy sự tin mà đối với bè bạn, lấy sự yêu-mến mà đối với đứa trẻ thơ ». (Luận-ngữ: Công-dã Tràng, V).

Tính Ngài thích đàn hát. « Tử tại Tề, văn thiều tam nguyệt bất tri nhục vị. Viết: bất đồ vi nhạc chi chí ư tư dã 子 在 齊,聞 韶 三 月 不 知 肉 味.曰:不 圖 爲 樂 之 至 於 斯 也: Phu-tử lúc ở nước Tề, học nhạc thiều ba tháng, ăn không biết mùi thịt. Ngài nói rằng: Chẳng ngờ học nhạc vui đến được như thế ». (Thuật-nhi, VII). — « Tử dữ nhân ca nhi thiện, tất sử phản chi, nhi hậu họa chi 子 與 人 歌 而 善,必 使 反 之,而 後 和 之: Phu-tử đàn hát với ai, người ta hát câu nào hay, thì bắt hát lại để Ngài họa theo. » (Thuật-nhi, VII). Ngài học cái gì cũng ham mê như thế, mà lúc nào cũng ôn-hòa vui-vẻ, và đã làm việc gì, thì cố hết sức làm cho được hoàn-toàn.

Ngài rất hiếu-học và hay suy xét những việc đời xưa. Ngài nói rằng: « Ngã phi sinh nhi tri chi giả giã, hiếu cổ, mẫn dĩ cầu chi giả giã 我 非 生 而 知 之 者 也,好 古,敏 以 求 之 者 也: Ta không phải là người sinh ra đã biết, chỉ là người thích đạo của thánh hiền đời trước, cố sức mà cầu lấy được. » (Thuật-nhi, VII). Ngài hay nghĩ-ngợi, ham học, và hết sức dạy-bảo người ta. Ngài nói rằng: « Mặc nhi thức chi, học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện, hà hữu ư ngã tai 默 而 識[1] 之,學 而 不 厭,誨 人 不 倦,何 有 於 我 哉: Thầm lặng nghĩ-ngợi mà biết mọi lẽ, học mà không chán, dạy người mà không mỏi, ba điều ấy ta có điều gì là hơn người đâu. » (Thuật-nhi, VII). Bất cứ điều gì Ngài cũng để chí học cho hiểu, hoặc để biết điều hay mà theo, hoặc để biết điều dở mà sửa mình. Bởi vậy thầy Tử-Cống nói rằng: « Phu-tử an bất học, nhi diệc hà thường sư chi hữu 夫 子 焉 不 學,而 亦 何 常 師 之 有: Không có điều gì là Phu-tử không học, nhưng không nhất định học một thầy nào. » (Luận-ngữ: Tử-Trương XIX). Lúc đi ngoài đường với người ta cũng có thể học được. Ngài nói rằng: « Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên, trạch kỳ thiện giả nhi tòng chi, kỳ bất-thiện giả nhi cải chi 三 人 行 必 有 我 師 焉,擇 其 善 者 而 從 之,其 不 善 者 而 改 之: Ba người đi với nhau, tất có một người là thầy ta, chọn người hay mà bắt chước, người dở mà sửa mình. » (Thuật-nhi, VII). Bình sinh lúc nào Ngài cũng lo việc sửa mình cho ngay chính. Ngài nói rằng: « Đức chi bất tu, học chi bất giảng, văn nghĩa bất năng tỉ, bất thiện bất năng cải, thị ngô ưu dã 德 之 不 修,學 之 不 講,聞 義 不 能 徙,不 善 不 能 改,是 吾 憂 也: Đức của mình không sửa cho tốt, học của mình không giảng cho rõ, nghe điều nghĩa mà không theo được, nghe điều dở mà không đổi được, đó là cái lo của ta vậy ». (Thuật-nhi VII). Ngài học điều gì cũng cẩn-thận, không có khinh-suất, chưa biết đã cho là biết. Ngài nói rằng: « Cái hữu bất tri nhi tác chi giả, ngã vô thị giã. Đa văn, trạch kỳ thiện giả nhi tòng chi, đa kiến nhi chí chi, tri chi thứ giã 蓋 有 不 知 而 作 之 者,我 無 是 也.多 聞,擇 其 善 者 而 從 之,多 見 而 識 之,知 之 次 也: có người chẳng biết rõ nghĩa lý gì đã làm, chứ ta thì không thế. Nghe nhiều, rồi chọn điều hay mà theo, thấy nhiều mà nhớ lấy, để xét cho rõ cái hay cái dở, thì cùng đã cho là biết vậy. » (Thuật-nhi VII).

Ngài là một người chí-thánh chí-nhân, mà Ngài vẫn khiêm-tốn, không dám nhận mình là thánh, là nhân. Ngài nói rằng: « Nhược thánh dữ nhân, tắc ngô khởi cảm, ức vi chi bất yếm, hối nhân bất quyện, tắc khả vị vân nhĩ dĩ hỹ 若 聖 與 仁 則 吾 豈 敢,抑 爲 之 不 厭,誨 人 不 倦,則 可 謂 云 爾 已 矣: Nếu bảo ta là thánh là nhân, thì ta sao dám đương, nhưng ta làm việc thánh việc nhân không chán, dạy người không mỏi, có thể bảo ta được thế mà thôi. » (Thuật-nhi VII).

Đối với các môn-đệ, Ngài rất dễ-dãi. Hễ ai làm việc đúng lễ, thì không bao giờ Ngài từ chối. Ngài nói rằng: « Tự hành thúc tu dĩ thượng, ngô vị thường vô hối yên 自 行 束 修 以 上,吾 未 嘗 無 誨 焉: Từ người đem lễ bó nem trở lên, ta chưa từng không dạy ai vậy. » (Thuật-nhi VII).

Sự giáo-hối của Ngài có cái chủ-ý làm cho sáng cái đức sáng của người ta, chứ không những chỉ đem cái biết của mình mà trao cho người ta. Ngài dùng cách làm cho người ta tự mình hiểu lấy được mọi lẽ phải trái. Ngài nói rằng: « Ngô hữu tri hồ tai? Vô tri giã. Hữu bỉ-phu vấn ư ngã, không không như giã, ngã khấu kỳ lưỡng đoan nhi kiệt yên 吾 有 知 乎 哉?無 知 也.有 鄙 夫 問 於 我,空 空 如 也,我 叩 其 兩 端 而 竭 焉: Ta có biết gì không? Không biết gì cả. Có đứa quê-kệch hỏi đến ta, ta không không như không biết gì, đem đầu đuôi trước sau mà nói, làm cho người ấy biết hết mọi lẽ. » (Luận-ngữ: Tử-hãn IX).

Đó thật là một cái phương-pháp giáo-hối rất hay để mở rộng cái biết của người ta vậy.

Đối với học-trò, không bao giờ Ngài làm việc gì mà không cho mọi người biết. Ngài bảo các học-trò rằng: « Nhị tam tử dĩ ngã vi ẩn hồ? Ngô vô ẩn hồ nhĩ; ngô vô hành nhi bất dữ nhị tam tử giả, thị Khâu dã 二 三 子 以 我 爲 隱 乎?吾 無 隱 乎 爾;吾 無 行 而 不 與 二 三 子 者,是 丘 也: Các anh tưởng ta có giấu gì các anh chăng? Ta không giấu các anh điều gì cả; ta không làm điều gì mà không cho các anh biết. Ta thực thế vậy. » (Thuật-nhi, VII). Ngài ôn-hòa và thành-thực như thế, cho nên học-trò Ngài rất đông, mà ai cũng yêu-mến và kính-trọng Ngài như cha sinh ra vậy.

Khổng-tử mất. — Ngài về ở nước Lỗ đến mùa xuân năm Canh-thân là năm thứ 39 đời vua Kính-vương nhà Chu, người nước Lỗ đi săn, bắt được con kỳ-lân, què chân trước bên tả, ai cũng cho là điềm không lành, đem thả ra ngoài đồng. Ngài đi xem, trông thấy, nói rằng: « Kỳ-lân ra làm gì thế? » Nói rồi bưng mặt mà khóc. Khi Ngài trở về, Ngài nói rằng: « Ngô đạo cùng hĩ 吾 道 窮 矣: Đạo ta cùng vậy. » Sách Xuân-thu của Ngài làm, chép đến chuyện ấy là hết.

Khi sắp sinh ra Ngài, thì có kỳ-lân ra nhả ngọc-thư, đến khi Ngài sắp mất, lại có kỳ-lân ra mà què một chân. Vậy con kỳ-lân ấy là vật gì? Đối với Ngài là thế nào? Đó là chuyện chép trong sách như thế, ta cứ theo mà chép ra vậy. Sau khi có chuyện ấy được hơn hai năm, đến tháng tư năm Nhâm-tuất là năm thứ 41 đời vua Kính-vương, tức là năm 478 trước Tây-lịch kỷ-nguyên, một hôm Ngài dậy sớm đi tiêu-dao trước cửa, tay kéo lê cái gậy mà hát rằng: « Thái-sơn kỳ đồi hồ? Lương-mộc kỳ hoại hồ? Triết-nhân kỳ nuy hồ? 泰 山 其 頹 乎?梁 木 其 壞 乎?哲 人 其 萎 乎?Núi Thái-sơn có lẽ đổ chăng? Cây lương-mộc có lẽ nát chăng? Người triết-nhân có lẽ nguy chăng? » (Lễ-ký: Đàn-cung thượng). Hát xong, Ngài vào ngồi giữa cửa. Thầy Tử-Cống đến, nghe Ngài hát như thế, vội-vàng vào hỏi thăm. Ngài nói chuyện đêm nằm chiêm-bao, biết có lẽ sắp chết. Đoạn rồi Ngài mắc bệnh được bảy ngày thì mất.

Ngài mất rồi, học-trò thương khóc thảm-thiết, ai cũng để tâm-tang ba năm. Tâm-tang là để tang trong bụng, chứ không có mặc đồ tang-phục. Lại có đến hơn một trăm người làm nhà ở gần mộ Ngài đến hết tang. Thầy Tử-Cống ở đó đến hết sáu năm mới thôi.

Mộ Ngài nay ở Khổng-lâm, cách huyện Khúc-phụ (thuộc tỉnh Sơn-đông) hai dặm, cây-cối sầm-uất lắm.

Khổng-tử là một người rất thông-minh, rất nhân-hậu, hết lòng lo việc cứu đời. Ngài đem cái đạo của thánh hiền đời trước mà phát-huy ra, lập thành cái học-thuyết, lưu-truyền về sau để làm kỷ-cương cho các dân-tộc ở Á-đông, mãi đến đời nay đã hơn hai nghìn năm, kể có hàng năm trăm triệu người sùng-bái làm thánh-sư. Mỗi lời nói, mỗi sự cử-chỉ của Ngài là đời đời người ta lấy làm khuôn làm phép mà theo. Một đôi khi, vì thời-cực biến-đổi, thiên-hạ náo-loạn, lòng người chán-nản, đạo của Ngài cũng có lúc mờ tối đi, nhưng rồi lại sáng rõ hơn trước, mà cái đức-vọng của Ngài càng ngày càng tôn-trọng thêm lên. Thiết tưởng nếu Ngài không phải là bậc chí-thành, chí-nhân, thì sao được như thế! Ngài nói điều gì cũng ôn-hòa và hàm-súc, làm việc gì cũng ngay chính và vừa phải, tiến thoái phân minh, động tĩnh hợp thời. Vậy nên về sau Mạnh-tử nói rằng: Khả dĩ sĩ tắc sĩ, khả dĩ chỉ tắc chỉ, khả dĩ cửu tắc cửu, khả dĩ tốc tắc tốc, Khổng-tử giã 可 以 仕 則 仕,可 以 止 則 止,可 以 久 則 久,可 以 速 則 速,孔 子 也: Nên làm quan thì làm quan, nên thôi thì thôi, nên lấy làm lâu thì lâu, nên lấy làm chóng thì chóng, là đức Khổng-tử vậy. » (Mạnh-tử: Công-tôn Sửu thượng). Có người không hiểu cái đạo của Ngài, thường hay buông lời hủy-báng Ngài. Thầy Tử-Cống nói rằng: Vô dĩ vi giã. Trọng-Ni bất khả hủy giã. Tha nhân chi hiền giả, khâu lăng giã, do khả du giã; Trọng-Ni nhật nguyệt giã, vô đắc nhi du yên. Nhân tuy dục tự tuyệt, kỳ hà thương ư nhật nguyệt hồ? Đa kiến kỳ bất tri lượng giã 無 以 爲 也,仲 尼 不 可 毀 也,他 人 之 賢 者 丘 陵 也.猶 可 踰 也;仲 尼 日 月 也,無 得 而 踰 焉.人 雖 欲 自 絕,其 何 傷 於 日 月 乎?多 見 其 不 知 量 也: Hủy-báng sao được, Đức Trọng-Ni không ai hủy-báng được. Người khác có tài giỏi thì cũng như cái gò cái đống, còn có thể trèo qua được. Đức Trọng-Ni như mặt trời mặt trăng, không sao mà trèo qua được. Dẫu có người muốn lấy lời hủy-báng mà tự tuyệt với mặt trời mặt trăng, thì hại gì đến mặt trời mặt trăng đâu? Càng đủ rõ là người không biết lượng vậy. » (Luận-ngữ: Tử-Trương, XIX). Cứ như thầy Tử-Cống thì: « Phu-tử chi bất khả cập giã, do thiên chi bất khả giai nhi thăng giã. Phu-tử chi đắc bang gia giả, sở vị lập chi tư lập, đạo chi tư hành, tuy chi tư lai, động chi tư hòa, kỳ sinh giã vinh, kỳ tử giã ai. Như chi hà kỳ khả cập giã 夫 子 之 不 可 及 也,猶 天 之 不 可 階 而 升 也.夫 子 之 得 邦 家 者,所 謂 立 之 斯 立,道 之 斯 行,綏 之 斯 來,動 之 斯 和,其 生 也 榮,其 死 也 哀.如 之 何 其 可 及 也: Phu-tử không ai sánh kịp được, như trời kia không ai bắc thang mà lên được. Nếu Phu-tử được có nước mà trị, thì có thể bảo là gây dựng cho dân thì dân nên, dạy dân thì dân theo, yêu dân thì dân mến, khiến dân làm thì dân được hòa, sống được vẻ-vang, chết người ta thương tiếc. Ai là người sánh kịp được. » (Tử-Trương, XIX).

Cái đức-vọng của Khổng-tử to như thế, nhưng đến ngày nay cái văn-hóa vật-chất quật-khởi lên, những dân-tộc ở Á-đông này đều nô-nức bỏ cũ theo mới, có người cho đạo của Ngài làm ngăn trở cho sự cải-cách, muốn trừ bỏ đi. Đó chẳng qua là vì sự náo-nhiệt trong cuộc hành-động một thời, người đời còn đang say đắm về đường công-lợi, chưa có thì giờ mà suy xét cho kỹ, cho nên mới lấy cái lầm lỗi của bọn hủ-nho mà bài bác cái đạo của Ngài. Nhưng thiết-tưởng xã-hội nào đã yên-trị, thì dẫu chẳng theo đạo của Ngài, tất cũng phải theo một đạo khác tương-tự như thế, để giữ lấy cương-thường trật-tự trong đám nhân-quần.

Đạo của Ngài là đạo chí-công chí-chính, khiến người ta phải theo thời mà biến-đổi, tức là đạo phải tiến-hóa luôn. Nhưng vì người đời thường hay hiểu lầm, dần dần thiên về mặt hư-văn. Đến nay sự khoa-học thịnh-hành lên, việc công-nghệ mở-mang ra, người ta bỏ được cái lối hư-văn đi, nhưng lại thiên về đường vật-chất. Xét ra cho kỹ, sự tiến-hóa thái-quá về đường vật-chất vị tất đã hay cho sự sinh-hoạt của loài người. Xưa kia ta quá tin về đường hư-văn, cho nên thành ra suy-nhược, sau này ta lại quá tin về đường vật-chất, có lẽ lại dở hơn. Phàm cái gì thái-quá cũng là dở cả, chỉ nên giữ thế nào cho tinh-thần và vật-chất hai bên cùng điều-hòa với nhau được, thì mới là hoàn-toàn. Nếu giữ được cái đạo điều-hòa như thế, tức là theo được cái đạo trung-dung của Khổng-tử. Vậy muốn biết rõ cái đạo của Ngài sở chủ về những điều gì, ta có thể chia rõ ra từng mối mà xét cho tường-tận như sau này.

  1. Chữ này, người ta thường đọc là chữ chí là ghi nhớ, nhưng trong sách thích rằng: đọc là chữ thức cũng có nghĩa. Thức là biết. Thiết-tưởng đọc là thức phải nghĩa hơn, vì đây có ý nói: nghĩ ngợi mà tâm giải ra.