Nho giáo/Quyển I/Thiên III

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

THIÊN III

HỌC-THUYẾT CỦA KHỔNG-TỬ

A. — HÌNH-NHI THƯỢNG-HỌC

Khổng-tử khảo-cứu những chế-độ và phong-tục thời cổ, ngẫm nghĩ những tư-tưởng của các bậc thánh hiền đời trước và suy-xét cái lẽ biến-hóa của trời đất, rồi đem những điều của Ngài đã tâm-đắc, lập thành một cái học-thuyết có tôn-chỉ rất cao, quán-triệt cả cái căn-nguyên của vạn vật và các lẽ sinh-hóa ở trong vũ-trụ, cả tâm tính và sự hành-động của người ta. Cái học-thuyết ấy thành ra một môn nhân-sinh triết-học rất cao, rất rộng, có thể thi-hành ra đời nào và ở xứ nào cũng được. Ngài đem cái học-thuyết ấy truyền-thụ cho học-trò. Học-trò Ngài ai học được điều gì, hay ghi nhớ được những lời Ngài đã giảng-dụ, đem làm ra các sách để truyền cho hậu-thế.

Nay ta xem kỹ các Kinh Truyện, có thể biết rõ các manh-mối cái học-thuyết ấy là thế nào và có thể chia ra làm hai phần: một phần là hình-nhi-thượng-học tức là cái học thuộc về những lẽ vô hình, rất uyên-áo cao-viễn; một phần là hình-nhi-hạ-học tức là cái học thuộc về những điều quan-hệ đến nhân-sinh nhật dụng của người đời.

Phần hình-nhi-thượng-học của Khổng-tử có nhiều điều nói rõ ở trong kinh Dịch, là sách để làm căn-bản cho sự lý-học của Nho-giáo và trong sách Trung-dung là sách triết-học bàn về thiên đạo và nhân đạo rất sâu xa.

Nay ta chia phần ấy ra những mục như sau này:

I. — Quan-niệm về Trời và người: Thái-cực và sự biến-hóa của thiên lý — Người và sự tri-giác — Trung — Sinh — Nhân — Thiên mệnh — Quỉ-thần — Kính và thành — Sinh tử.

II. — Đạo của Khổng-tử — Cái vui trong sự sinh-hoạt.

I. — QUAN-NIỆM VỀ TRỜI VÀ NGƯỜI

Thái-cực và sự biến-hóa của thiên lý — Phàm đã là triết-học cao xa, thì tất phải có cái quan-niệm về các nguyên-lý và các nguyên-nhân của sự sinh-hóa trong vũ-trụ. Khổng-tử là một bậc thượng-trí, Ngài nghĩ-ngợi mà suy xét mọi việc rồi phát-minh ra cái học-thuyết, chủ lấy sự theo thiên lý làm căn-bản. Ngài cho là trời đất và vạn vật đều có cái lý ấy cả, tất là cùng đồng một thể, cho nên Ngài mới lấy cái chủ-nghĩa thiên địa vạn vật nhất thể làm thống-hệ cho cái học-thuyết của mình. Cái lý nhất-thể ấy lưu-hành khắp trong vũ-trụ, theo cái lẽ tương đối, tương điều-hòa mà sinh sinh hóa hóa. Vậy cái lý ấy là cái nguyên-nhân của sự sinh-hóa trong vũ-trụ.

Thoạt đầu tiên vũ-trụ ra thế nào? Cứ như những ý-tưởng của người đời xưa, thì lúc đầu vũ-trụ chỉ là một khối mờ-mịt hộn-độn, tức là đời hộn-mang. Trong cuộc hộn-mang ấy có cái lý vô-hình, rất linh-diệu, rất cường-kiện, gọi là Thái-cực. Song Thái-cực huyền-bí vô cùng, không thể biết được cái bản-thể của lý ấy là thế nào. Ta tuy không thể biết được rõ cái chân tính và cái chân tướng của lý ấy, song ta có thể xem sự biến-hóa của vạn vật mà biết được cái động-thể của lý ấy. Cái động-thể của lý ấy phát hiện ra bởi hai cái thể khác nhau là động và tĩnh. Động là dương, tĩnh là âm. Dương lên đến cực độ lại biến ra âm, âm lên đến cực độ lại biến ra dương, hai thể ấy cứ theo liền nhau, rồi tương đối, tương điều-hòa với nhau để biến hóa mà sinh ra trời đất và vạn vật.

Vậy cái khởi-điểm của tạo-hóa là do hai cái tương-đối âmdương, mà đạo trời đất cũng khởi đầu bởi sự biến hóa của hai cái tương-đối ấy. Trước hai cái tương-đối ấy, thì dẫu có gì cũng như không, vì không sao mà biết được. Khi hai cái tương-đối ấy đã phát-hiện ra, thì cái gì cũng hiển-nhiên, không thể nói là không có được.

Đó là cái lý-tưởng cốt-yếu ở trong kinh Dịch, cho nên mới nói rằng: « Dịch hữu Thái-cực, thị sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái 易 有 太 極,是 生 兩 儀,兩 儀 生 四 象,四 象 生 八 卦: Đạo Dịch có Thái-cực, Thái-cực sinh ra hai nghi, hai nghi sinh ra bốn tượng, bốn tượng sinh ra tám quẻ. » (Dịch: Hệ-từ thượng). Khổng-tử tin có lý Thái-cực độc-nhất, tuyệt-đối, nhưng vì lý ấy cao diệu quá, không thể biết được, cho nên cái học-thuyết của Ngài để cái bản-thể của lý Thái-cực ra ngoài cái phạm-vi tri-thức của người ta mà chủ lấy cái động-thể của lý ấy làm tôn-chỉ. Vậy xét cái động-thể của lý Thái-cực để biết sự biến-hóa của trời đất và vạn vật, tức là cái tôn-chỉ Dịch-học.

Dịch là gì? Dịch là biến-đổi. Trong trời đất không có cái gì là không biến-đổi luôn. Đó là cái quan-niệm rất trọng-yếu của Khổng-giáo. Một hôm Phu-tử đứng trên bờ sông, ngắm dòng nước chảy mà than rằng: « Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ 逝 者 如 斯 夫,不 舍 晝 夜: Đêm ngày cứ chảy luôn-luôn như thế mãi! » (Luận-ngữ: Tử-hãn, IX). Ý Phu-tử nói cái đạo của trời đất cứ lưu-hành như nước chảy, không lúc nào nghỉ: cái vừa mới có, đã thành ra cái quá-khứ rồi, liên-tiếp nhau mãi mãi, chứ không có cái gì đã thành ra mà lại không biến đổi đi. Cái ý-nghĩa ấy chính là cái ý-nghĩa chữ dịch vậy.

Phàm đã nói biến-đổi, thì cái đơn-nhất, cái tuyệt-đối không biến đổi được, tất phải có hai cái tương-đối, tương điều-hòa, thì mới sinh sinh hóa hóa được. Hai cái tương-đối ấy là hai cái khác nhau, như sự động, sự tĩnh, cái cứng, cái mềm, tức là âm với dương. Hai cái ấy đun đẩy nhau, điều-hòa với nhau mà biến hóa ra thiên hình vạn trạng, cho nên mới nói rằng: « Cương nhu tương thôi nhi sinh biến hóa 剛 柔 相 推 而 生 變 化: Cứng mềm đun đẩy nhau mà sinh ra biến hóa. » (Dịch: Hệ-từ thượng).

Theo cái lý-tưởng ấy thì đạo trời đất khởi đầu rất giản-dị. Do cái giản-dị mà thành ra những cái phồn-tạp. Tức như là trong kinh Dịch chỉ cốt có hai cái vạch: cái vạch liền ⚊ và cái vạch đứt ⚋ là hai cái phù-hiệu dương và âm. Lấy hai vạch ấy thay đổi nhau thành ra tám quẻ, tám quẻ lại thành ra 64 quẻ, v. v. Càng biến, lại càng thêm phồn-tạp ra mãi, khác nào như âm dương sinh ra vạn vật, vạn vật lại sinh sinh hóa hóa ra vô cùng vô tận. Song vạn vật dẫu nhiều thế nào mặc lòng, cái căn-nguyên cũng chỉ có âm và dương mà thôi. Hễ hiểu được lẽ âm và dương ấy, tất là hiểu được cả vạn vật; biết được cái le giản-dị ấy, thì biết được cái lý của thiên-hạ: « Dị giản nhi thiên-hạ chi lý đắc hĩ 易 簡 而 天 下 之 理 得 矣. » (Dịch: Hệ từ thượng).

Âm dương thuộc về phần hình-nhi-thượng, tức là không phải vật có hình, chẳng qua là cái phù-hiệu hai cái tương-đối mà thôi. Đạo trời đất phải có tương-đối, thì mới biến hóa vô cùng, không bao giờ nghỉ, cho nên vạn vật trong vũ-trụ chỉ có biến chứ không có định. Vậy cái học-thuyết của Khổng-tử cốt ở đạo Dịch, mà đạo Dịch là đạo biến hóa của trời đất: Dịch chi vi thư giã, bất khả viễn, vi đạo giã lũ thiên, biến động bất cư, chu lưu lục hư, thượng hạ vô thường, cương nhu tương dịch, bất khả vi điển yếu, duy biến sở thích 易 之 爲 書 也,不 可 遠, 爲 道 也 屢 遷,變 動 不 居, 周 流 六 虛,上 下 無 常,剛 柔 相 易,不 可 爲 典 要,惟 變 所 適: Dịch là sách không xa sự thực, mà đạo Dịch là biến đổi luôn-luôn, không ở nhất-định chỗ nào, lưu-chuyển khắp cả sáu cõi, trên dưới không có thường, cương nhu thay đổi nhau, không nên lấy làm điển-yếu, chỉ thích-hợp với sự biến đổi mà thôi. » (Dịch: Hệ-từ hạ)

Biến-hóa là cái tượng của sự tiến thoái: « Biến-hóa giả, tiến thoái chi tượng giã 變 化 者 進 退 之 象 也. » (Dịch: Hệ-từ thượng). Phàm sự vật phải có biến thì mới tiến, không biến tức là định, mà định là thoái. Đạo trời là không có định, vì cứ hết cái qua, thì có cái lại, qua qua lại lại không cùng. Đó là sự hành-động của thần. Vậy nên Khổng-tử nói rằng: « Tri biến-hóa chi đạo giả, kỳ tri thần chi sở vi hồ 知 變 化 之 道 者,其 知 神 之 所 爲 乎: Ai biết đạo biến hóa thì có lẽ biết sự làm của thần. » (Dịch: Hệ-từ thượng)

Sự biến-hóa của Trời như sự mở sự đóng, mà đạo Trời là cứ qua lại mãi: « Nhất hạp nhất tịch vị chi biến, vãng lai bất cùng vị chi đạo 一 闔 一 闢 謂 之 變,往 來 不 窮 謂 之 道: Một mở một đóng gọi là biến, qua lại không cùng gọi là đạo. » (Dịch: Hệ-từ thượng). Đạo trời chỉ có thế mà thôi, ngoài sự biến-hóa vãng lai ra thì không sao biết được nữa. Cho nên mới nói rằng: « Quá thử dĩ vãng, vị chi hoặc tri giã; cùng thần tri hóa, đức chi thịnh giã 過 此 以 往,未 之 或 知 也:窮 神 知 化 德 之 盛 也: Qua ngoài điều ấy thì chưa dễ ai biết được; hiểu đến cùng cái thần, biết rõ lẽ biến-hóa, là cái đức thịnh vậy. » (Hệ-từ hạ). Xét cho đến cái thần. hiểu rõ lẽ biến-hóa của trời đất, ấy là việc của thánh-nhân dạy người ta vậy.

Người và sự tri-giác. — Cái lẽ sinh-hóa của trời đất và vạn vật là thế. Song người ta có cái địa-vị rất lớn trong vạn vật, cho nên ta phải biết người là thế nào và tại làm sao người lại có cái địa-vị ấy. Cứ theo cái học của Nho-giáo thì: « Nhân giả kỳ thiên địa chi đức, âm dương chi giao, quỉ thần chi hội, ngũ hành chi tú khí giã 人 者 其 天 地 之 德,陰 陽 之 交,鬼 神 之 會,五 行 之 秀 氣 也: Người là cái đức của trời đất, sự giao-hợp của âm dương, sự tụ-hội của quỉ thần, cái khí tinh-tú của ngũ-hành. » (Lễ-ký: Lễ-vận, IX). Trời đất sinh ra người lại phú cho cái tính rất quí, tức là người chịu cái đức của trời đất. Người lại bẩm-thụ được hoàn-toàn cả cái tinh-thần linh-diệu và cái khí-chất tinh-tú, cho nên mới nói là linh hơn cả vạn vật. Nhờ có cái tinh-thần và cái khí-chất ấy người ta mới có cái sáng-suốt để hiểu hết các sự vật.

Cái sáng-suốt ấy là cái tính rất quí của người ta. Nhờ có nó người ta mới hiểu được điều phải điều trái, việc hay việc dở, nhờ có nó người ta mới có cái giá-trị rất cao và cùng với trời đất mà chiếm được cái địa-vị tôn quí trong vũ-trụ. Bởi vậy hậu nho gọi người và trời đất là tam tài 三 才. Nếu không có cái sáng-suốt ấy, thì ta cũng giống như các vật khác, cứ sinh sinh hóa hóa mà vẫn cứ mờ mờ mịt mịt, không biết có nghĩa lý gì nữa cả.

Cái sáng-suốt tự-nhiên có sẵn trong người ta là minh-đức 明 德 hay là lương-tri 良 知, có thể gọi là trực-giác 直 覺, tức là cái khiếu tri-giác rất mẫn-tiệp, xem xét cái gì có thể đạt ngay đến cái tinh-thần và cái chân-lý của các sự-vật. Cái khiếu tri-giác ấy do ở trong tâm người ta. Chữ tâm của Nho-giáo phải hiểu nghĩa rộng là cái thần minh làm chủ-tể cả sự tư-tưởng cùng sự hành-vi của người ta. Hễ ta giữ được cái tâm hư-tĩnh, không để cho cái vật-dục che tối mất cái sáng-suốt tự-nhiên, thì khi có vật gì cảm đến là ứng ngay được, và biết rõ ngay các lẽ. Tâm người ta mà tĩnh bao nhiêu, thì cái trực-giác lại càng mẫn-nhuệ bấy nhiêu. Bởi thế mới nói rằng: « Vô tư giã, vô vi giã, tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông thiên-hạ chi cố 無 思 也,無 爲 也,寂 然 不 動,感 而 遂 通 天 下 之 故: Không nghĩ, không làm, im lặng không động, đến lúc cảm thì suốt được mọi cớ trong thiên-hạ. » (Dịch: Hệ-từ thượng). Sự cảm ứng tự-nhiên thì bao giờ cũng công-chính phổ-cập vạn sự trong thiên-hạ không thiên tư gì cả. Nếu người ta không hiểu lẽ ấy, mà cứ dùng tư-tâm tư-ý để cầu lấy sự cảm-ứng riêng của mình, thì không sao suốt được đến cái lẽ trong thiên-hạ. Bởi vậy kinh Dịch nói rằng: « Đồng đồng vãng lai, bằng tòng nhĩ tư 憧 憧 往 來 朋 從 爾 思: Chăm chăm để ý có đi có lại, thì chỉ có một bọn theo cái nghĩ của ngươi mà cảm ứng thôi. » (Dịch: Hạ-kinh, Hàm). Khi mình chăm chăm để ý nghĩ riêng về cái gì, thì chỉ cảm được cái ấy và chỉ có cái ấy ứng lại mà thôi, còn những cái khác không cảm ứng gì cả. Thành thử sự cảm-ứng không khuếch-nhiên thái-công, không khắp cả vạn sự trong thế-gian. Phàm khi đã lấy tư-tâm tư-ý chú về việc lợi hại, hơn thiệt riêng, thì cái trực-giác mờ tối đi, khiến mình không trông thấy rõ cái thiên lý lưu-hành ở trong thiên-hạ nữa.

Thiên lý tuy biến hóa chia ra trăm đường nghìn lối, nhưng rút lại cũng chỉ thuộc về một mối mà thôi. Hễ người ta biết rõ như thế, thì còn phải lo nghĩ gì nữa. Cho nên Khổng-tử nói rằng: « Thiên-hạ hà tư hà lự? Thiên-hạ đồng qui nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự. Thiên-hạ hà tư hà lự? 天 下 何 思 何 慮?天 下 同 歸 而 殊 塗,一 致 而 百 慮,天 下 何 思 何 慮: Thiên-hạ có lo gì nghĩ gì? Thiên-hạ tuy có nhiều đường khác nhau, nhưng cũng về một chỗ, trăm lo nhưng cùng về một mối. Thiên-hạ có lo gì nghĩ gì? » (Dịch: Hệ-từ hạ), Ý Khổng-tử không phải là nói người ta không nên lo nghĩ, nhưng chỉ cốt dạy người ta không nên chăm chăm chỉ lo nghĩ về một góc, một việc, để làm cho sự cảm-ứng thành ra riêng-tây, hẹp-hòi, không khuếch-nhiên thông cả được mọi việc. Trời sinh ra người và lại phú cho cái tính sáng-suốt thì đạo người là phải cố gắng theo đạo Trời mà tiến-hóa cho đến chí-thiện, chí-mỹ. Trong sự cố gắng như thế tất là phải lo nghĩ luôn, nhưng cái lo nghĩ theo lẽ tự-nhiên rất công, rất chính, chứ không « đồng đồng vãng lai » để làm hẹp mất sự cảm-ứng của người ta.

Cái học của Khổng-tử là cốt khiến người ta gắng hết sức, đem cái sáng-suốt tự-nhiên mà hiểu cho rõ cái nghĩa tinh-vi, vào cho đến cái thần-diệu của các sự vật, thì sự biết mới thật là xác-thực và việc làm mới thật là hay. Bởi vậy, kinh Dịch nói rằng: « Tinh nghĩa nhập thần dĩ trí dụng giã 精 義 入 神 以 致 用 也: Hiểu rõ nghĩa tinh-vi, vào đến chỗ thần-diệu, để sự thi-dụng cho được đến cùng vậy. » (Hệ-từ hạ). Xem như thế, dùng trực-giác là việc rất khó, phải khiến cái tinh-thần của mình vào đến cái tinh-thần của sự vật, phải do ở trong mà ra ngoài, phải dụng lực rất nhíều và phải cố gắng hết sức, thì mới có công-hiệu.

Khi sự biết của người ta vào được sâu xa như thế, thì ta hiểu rằng ở trong thế-gian tuy có trăm giường nghìn mối, nhưng thiên lý chỉ có một mà thôi, cho nên dẫu vạn vật phồn-tạp thế nào mặc lòng, manh-mối vẫn phân-minh, không rối loạn chút nào. Bởi vậy kinh Dịch nói rằng: « Ngôn thiên-hạ chi chí trách nhi bất khả ố giã, ngôn thiên-hạ chi chí động nhi bất khả loạn giã 言 天 下 之 至 賾 而 不 可 惡 也,言 天 下 之 至 動 而 不 可 亂 也: Nói cái cuộc rất phồn-tạp của thiên-hạ mà không ghét, nói cái cuộc chí-động của thiên-hạ mà không loạn. » (Hệ-từ thượng).

Trung. — Đạo trời đất là cứ biến-hóa luôn luôn, mà trong sự biến-hóa lúc nào cũng có điều-hòa, có bình-hành, tức là có cái trung 中 vậy. Trung bao giờ cũng hàm cái ý hòa 和, vì có hòa mới trung được, mà đã trung là tất có hòa. Trung là cái thể rất hoàn-toàn của sự bình-hành. Trời đất và vạn vật có cái trung mới đứng được và có cái hòa mới hóa-dục được. Cho nên nói rằng: « Trung giã giả, thiên-hạ chi đại bản giã; hòa giã giả, thiên-hạ chi đạt đạo giã. Trí trung hòa, thiên-địa vị yên, vạn-vật dục yên 中 也 者,天 下 之 大 本 也;和 也 者,天 下 之 達 道 也.致 中 和,天 地 位 焉,萬 物 育 焉: Trung là cái gốc lớn của thiên-hạ, hòa là cái đạt-đạo của thiên-hạ. Cùng-cực cả trung và hòa, thì trời đất định vị, vạn vật hóa dục. » (Trung-dung). Trung đã là cái gốc của trời đất, thì người ta sinh ra tất là ai cũng bẩm-thụ cái trung để làm tính thường. Thiên Thang-cáo trong kinh Thư nói rằng: « Duy Hoàng Thượng-đế, giáng trung vu hạ dân, nhược hữu hằng tính 惟 皇 上 帝,降 衷 于 下 民,若 有 恆 性: Hoàng Thượng-đế giáng cái trung xuống cho hạ dân, dân có cái trung ấy như có tính thường. »

Trung có thể 體 và có dụng 用. Thể là một cái thái-độ ngay chính, lúc nào cũng không nghiêng không lệch, mà lại có cái sáng-suốt biết rõ sự thực. Dụng là thi-hành ra thì làm việc gì cũng không thái-quá, không bất-cập.

Theo được đạo trung thật là rất khó, học-giả phải giữ cái tâm của mình cho tinh-thuần và chuyên-nhất, thì mới có thể theo đúng được. Bởi vậy cái học của thánh-nhân đời cổ thụ thụ cho nhau, chỉ cốt ở mấy điều là: « Nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi; duy tinh, duy nhất, doãn chấp quyết trung 人 心 惟 危,道 心 惟 微;惟 精,惟 一,允 執 厥 中: Cái tâm của người thì nguy, cái tâm của đạo thì vi; phải giữ cái tâm của mình cho tinh-thuần và chuyên-nhất, thì mới giữ được cái trung. » (Thư: Đại-Vũ mô). Nhân tâm nghĩa là cái phần sáng-suốt riêng của người ta, tuy là một phần thiên lý, tức là một phần đạo tâm, nhưng thường hay bị vật dục làm tế-tắc, hơi sai một ly là chếch lệch ngay, cho nên mới nói là nguy. Đạo tâm nghĩa là phần sáng-suốt trong vũ-trụ, thuần-nhiên là thiên lý, song nó vô thanh vô khứu, ta giữ được hay không là ở ta mà thôi, chứ không thể làm cho tỏ rõ ra được, cho nên mới nói là vi. Ta biết cái tâm của ta là nguy, hễ sai một hào một ly là mất cái trung rồi, cho nên ta phải lo sợ, phải cố hết sức mà giữ cho nó không chếch-lệch. Ta lại biết cái đạo tâm là vi, cho nên ta phải duy tinh, duy nhất, để biết cho rõ cái đạo tâm, thì rồi mới giữ được cái trung.

Giữ đạo trung khó như thế, vậy nên kẻ học-giả phải cố gắng hết sức, lúc nào cũng giữ cái tâm mình cho công chính, đừng để cái tư-dục làm tế-tắc, thì mới biết cái thuần-túy của thiên lý. Biết cái thiên lý thuần-túy ấy rồi tin mà theo, thì mới chấp được trung. Khi đã theo cái thiên lý thuần-túy, tất là lấy vạo tâm làm chủ, bắt nhân tâm phải phục-tòng mệnh lệnh, thì nguy hóa ra yên, vi hóa ra hiển, tự-khắc làm điều gì cũng đắc kỳ trung, không thái-quá, không bất-cập.

Trung là cái yếu-điểm của Khổng-giáo. Hễ người ta giữ được cái trung, thì sự hành-vi động-tác của mình mới điều-hòa và mới trúng tiết. Nhưng phải biết rằng cái trung của Nho-giáo không bao giờ có cái định-vị tuyệt-đối, cứ phải tùy cái địa-vị, cái cảnh-ngộ mà tìm cái trung. Xem như quẻ Kiền trong kinh Dịch có sáu hào dương cả, mỗi hào ở vào địa-vị nào, thì lại có một cái trung riêng, như hào sơ cửu là hào ở dưới cùng, thì nói rằng: « Tiềm long vật dụng 潛 龍 勿 用: Rồng còn đang chìm ở dưới nước, thì không nên làm việc gì. » Vậy ở hào này thì lấy chữ vật dụng 勿 用 làm trung. Hào trên là hào cửu nhị thì nói: « Hiện long tại điền, lợi kiến đại-nhân 見 龍 在 田,利 見 大 人: Rồng đã hiện lên trên mặt đất, thì nên ra mà thi-hành mọi việc. » Vậy ở hào này thì lấy chữ kiến 見 làm trung. Lên trên nữa, đến hào cửu tam, cửu tứ, cửu ngũ, thượng cửu, mỗi hào tùy cái địa-vị ở trong quẻ mà có một cái trung riêng. Vậy theo cái trung là theo thiên lý mà lưu-hành, mà biến-hóa cho được điều-hòa. Bởi thế Khổng-tử nói rằng: « Quân-tử thời trung 君 子 時 中 nghĩa là người quân-tử xử-kỷ tiếp-vật lúc nào cũng phải tùy thời mà giữ cho vừa phải và chính đáng.

Sinh. — Đạo trời đất theo cái trung mà biến-hóa luôn, làm cho mỗi ngày một mới hơn, một tốt hơn, đó là cái thịnh-đức của trời đất: « Nhật tân chi vị thịnh đức 日 新 之 謂 盛 德 » (Dịch: Hệ-từ thượng). Sự biến-hóa ấy do một âm một dương sinh sinh hóa hóa ra mãi, theo đạo ấy mà đi là thiện, thành được đạo ấy là tính. Chỉ có kẻ nhân-giả trông thấy cái đạo ấy, cho nên gọi là nhân, kẻ trí-giả trông thấy cái đạo ấy, cho nên gọi là trí, còn trăm họ thì tuy ngày ngày vẫn theo đạo ấy mà vẫn mờ-mịt không biết, vì vậy cho nên cái đạo của người quân-tử ít có vậy: « Nhất âm nhất dương chi vị đạo, kế chi giã thiện giã, thành chi giả tính giã, nhân giả kiến chi vị chi nhân, trí giả kiến chi vị chi trí, bách tính nhật dụng nhi bất tri, cố quân-tử chi đạo tiển kỹ 一 陰 一 陽 之 謂 道,繼 之 者 善 也,成 之 者 性 也,仁 者 見 之 謂 之 仁,知 者 見 之 謂 之 知,百 姓 日 用 而 不 知,故 君 子 之 道 鮮 矣 » (Dịch: Hệ-từ thượng).

Một âm một dương biến-hóa mà sinh ra vạn vật, mà Dịch là để biểu-thị cái đạo ấy, cho nên mới nói rằng: « Sinh sinh chi vị Dịch. 生 生 之 謂 易: Sinh sinh ra mãi gọi là Dịch » (Hệ-từ thượng). Sự sinh-hóa của trời đất khởi đầu do âm dương cơ ngẫu. Phàm cái gì lẻ một là không sinh được. Phải có cái chẵn đôi để tương đối, tương điều-hòa với nhau, thì mới có sự sinh sinh. Vạn vật sinh sinh đều do ở cái gốc tương-đối ấy. 奇 là lẻ, ngẫu 偶 là chẵn. Một cái cơ lại phải tìm một cái cơ khác để thành ra ngẫu, thì mới sinh được. Trong số ba có một ngẫu và một cơ, vậy cơ là thừa. Cái cơ ấy đi gặp cái cơ khác thành ra ngẫu, lại điều-hòa mà sinh sinh. Thánh-nhân muốn bày tỏ cái ý ấy ra, cho nên mới nói ở hào lục tam quẻ Tốn rằng: « Tam nhân hành, tắc tổn nhất nhân, nhất nhân hành, tắc đắc kỳ hữu 三 人 行,則 損 一 人,一 人 行,則 得 其 友: Ba người đi, thì bỏ một người, một người đi thì gặp được bạn. » Sự sinh hóa của trời đất chỉ có một cái lẽ cơ ngẫu ấy mà thôi. Văn đời cổ thường ít có những trừu-tượng danh-từ cho nên hay dùng những cụ-thể danh-từ để nói những điều cao siêu. Như câu này nói số người đi, để tỏ cái lẽ cơ ngẫu tương phân tương hợp tự-nhiên trong sự sinh hóa. Cái lý-thuyết ấy chắc là do sự thực-nghiêm mà suy ra, nên chi Khổng-tử thích nghĩa hào lục tam ấy, nói rõ trong thiên Hệ-từ hạ rằng: « Thiên địa nhân huân, vạn vật hóa thuần, nam nữ cấu tinh, vạn vật hóa sinh 天 地 絪 緼,萬 物 化 醇,男 女 構 精,萬 物 化 生: Khí trời đất nghi-ngút, trên dưới giao hợp, vạn vật bởi cái khí tinh-thuần ấy mà hóa ra, rồi giống đực giống cái giao-cấu với nhau mà sinh mãi. » Nghĩa chữ thuần là nói giống nào đã sinh ra là cứ tự-nhiên theo giống ấy mà sinh mãi mãi. Vậy vạn vật sở dĩ có, là nhờ có sự sinh của trời đất. Cho nên nói rằng: « Thiên địa chi đại đức viết sinh 天 地 之 大 德 曰 生: Đức lớn của trời đất là sự sinh. » (Hệ-từ hạ).

Xem đó thì biết là cái đạo của Khổng-tử cốt lấy sự sinh làm trọng hơn cả. Ngài cho sự sinh của vạn vật là theo lẽ tự-nhiên. Ta có thể ngắm cảnh tạo-hóa trong vũ-trụ, chỗ nào cũng thấy đầy những sinh-ý và xuân-khí thì biết cái đức của Trời lớn rộng là dường nào! Khổng-tử lấy bốn cái đức của Trời: Nguyên 元, hanh 亨, lợi 利, trinh 貞, ở quẻ Kiền mà nói rõ sự sinh thành của vạn vật. Ngài nói rằng: « Nguyên giả thiện chi trưởng giã, hanh giả gia chi hội giã, lợi giả nghĩa chi hòa giã, trinh giả sự chi cán giã 元 者 善 之 長 也,亨 者 嘉 之 會 也,利 者 義 之 和 也,貞 者 事 之 幹 也: Nguyên là đầu các điều thiện, hanh là hội hợp các cái tốt đẹp, lợi là sự hòa hợp với điều nghĩa, trinh là cái gốc của mọi sự. » (Dịch: Văn-ngôn-truyện). Cái đức nguyên là cái khởi đầu sự sinh vạn vật, cái đức hanh là sự thông-đạt của sự sinh vạn vật, cái đức lợi là sự thỏa-thích của sự sinh vạn vật, cái đức trinh là sự thành-tựu của sự sinh vạn vật. Vậy đạo trời đất là chủ sự sinh vạn vật, mà sự sinh ấy là đầu cả các điều thiện.

Đó là cái quan-niệm rất trọng-yếu của Khổng-giáo. Mà Khổng-giáo sở dĩ không giống các tôn-giáo khác cũng chỉ có cái quan-niệm ấy mà thôi. Thường thì tôn-giáo nào cũng cho sự sống là một cảnh khổ, cho nên cứ phải tìm cách giải-thoát, như Phật-giáo thì cầu lấy sự « bất sinh », Lão-giáo thì cầu lấy sự « vô vi tịch-mịch » không thích gì đến sự đời. Duy chỉ có Khổng-giáo là lấy lẽ sinh-hoạt ở đời làm vui thú, hợp với lẽ trời đất. Khổng-giáo cho sự sinh-hoạt tự nó là cái mục-đích của tạo-hóa, không cần phải hỏi rằng: sinh ra để làm gì, hay là chết thì đi đâu. Lẽ trời đất chỉ có âm dương biến-hóa mà thôi, tinh-khí tụ lại là sinh, tan ra là tử, cứ tự-nhiên lưu-hành như thế mãi, vạn vật đều theo cả cái lệ ấy, không lẽ nào người ta lại ra ngoài cái lệ ấy được.

Người là một phần trong vạn vật, cho nên phải theo lẽ Trời mà biến-hóa, nhưng chỉ có phần vật-chất là phải biến-hóa mà thôi, còn phần tinh-thần là của Trời phú cho, thì bao giờ cũng có cái tư-cách độc-lập và cái năng-lực tự-do để cố gắng mà tiến lên cho đến chí-thiện, chí-mỹ. Nếu ta biết dụng công-phu mà sáng-tạo ra những sự-vật có tinh-thần mạnh-mẽ, có khí-lực linh-hoạt, tức là ta theo đạo trời đất mà sinh sinh. Thí-dụ: Nhà triết-học phát huy ra cái tư-tưởng cao-xa, nhà văn-chương làm ra quyển sách kiệt-tác, nhà mỹ-thuật chế ra pho tượng rất đẹp, hay là nhà khoa-học tìm ra cái cơ-khí rất diệu, đều là hợp với cái đức sinh của trời đất cả.

Vậy hợp với cái đức sinh là thiện, trái với cái đức sinh là ác. Cái quan-niệm về sự thiện sự ác của Khổng-giáo gốc ở sự sinh.

Sự sinh là phần rất linh-hoạt trong Khổng-giáo. Bởi có phần ấy cho nên những điều nhân nghĩa lễ trí mới có tinh-thần, vì những điều ấy chủ ở sự gây thành cái sinh thú của nhân-loại. Nếu người ta sống ở đời mà chỉ tùy-tùng cái vật-dục, để nó sai khiến, rồi chỉ cầu lấy tư-tâm tư-trí mà sinh sự ra để làm nhiễu-loạn nhân tâm, thì thật là làm hại cái sinh cơ của tạo-hóa. Vậy nên cái tôn-chỉ của Khổng-giáo là theo thiên lý mà bồi bổ cho sự sinh của trời đất. Sự bồi bổ đó gốc ở đạo nhân là cái cơ-sở giáo-hóa của Khổng-giáo.

Nhân. — Theo cái lý-thuyết đã nói ở trên, cho cái đức lớn của trời đất là sự sinh, thì đạo người là phải theo đạo trời đất mà bồi dưỡng sự sinh. Đạo trời có bốn đức là: Nguyên, hanh, lợi, trinh; đạo người bởi đó mà có bốn đức là: Nhân, nghĩa, lễ, trí. Nguyên tức là nhân đứng đầu các điều thiện; hanh tức là lễ, hội hợp các cái đẹp; lợi tức là nghĩa, định rõ các phận cho điều-hòa; trinh tức là trí, giữ vững cái chính để làm gốc mọi sự. Bởi vậy Khổng-tử nói rằng: « Quân-tử thể nhân túc dĩ trưởng nhân, gia hội túc dĩ hợp lễ, lợi vật túc dĩ hòa nghĩa, trinh cố túc dĩ cán sự 君 子 體 仁 足 以 長 人,嘉 會 足 以 合 禮,利 物 足 以 和 義,貞 故 足 以 幹 事: Quân-tử lấy nhân làm thể là đủ làm trưởng thành cho người, hợp các cái tốt đẹp là đủ làm cho hợp lễ, lợi cho vạn vật là đủ làm hòa cái nghĩa, biết cái trinh chính mà cố giữ là đủ làm gốc cho mọi sự. » (Dịch: Văn-ngôn truyện). Vậy nhân là đầu các điều thiện, chủ bồi dưỡng sự sinh của trời đất.

Chữ nhân 仁 có chữ nhân 人 và chữ nhị 二 hợp lại là một chữ hội ý, nghĩa là nói cái thể và cái đức chung của mọi người đều có với nhau như một. Bởi vậy hiểu rõ nghĩa chữ nhân, thì hiểu rõ cái tôn-chỉ nhất-thể của Khổng-giáo.

Thế nào là nhân? Các đệ-tử hỏi Khổng-tử, thì Ngài tùy cái học lực, cái tư-cách của từng người mà trả lời với mỗi người một khác. Nhan-tử hỏi nhân. Ngài nói rằng: « Khắc kỷ phục lễ vi nhân 克 己 復 禮 爲 仁: Sửa mình trở lại theo lễ là nhân. » (Luận-ngữ: Nhan-Uyên, XII). Theo lễ là theo thiên lý, bỏ hết tư dục.— Phàn-Trì hỏi nhân, Ngài nói rằng: « Ái nhân 愛 人: Yêu người. »— Trọng-Cung hỏi nhân, Ngài nói rằng: « Xuất môn như kiến đại tân, sử dân như thừa đại tế, kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân 出 門 如 見 大 賓,使 民 如 承 大 祭,己 所 不 欲,勿 施 於 人: Ra cửa phải như đi tiếp khách lớn, trị dân phải như đi làm lễ tế lớn, điều gì mình không muốn ai làm cho mình, thì không nên làm cho ai. » (Luận-ngữ: Nhan-Uyên, XII).— Tử-Trương hỏi nhân, Ngài nói rằng: « Năng hành ngũ giả ư thiên-hạ vi nhân hỹ. Viết cung, khoan, tín, mẫn, huệ. Cung tắc bất vũ, khoan tắc đắc chúng, tín tắc nhân nhiệm yên, mẫn tắc hữu công, huê tắc túc dĩ sử nhân 能 行 五 者 於 天 下 爲 仁 矣.曰 恭.寬,信,敏,惠.恭 則 不 侮,寬 則 得 眾, 信 則 人 任 焉,敏 則 有 功,惠 則 足 以 使 人: Có thể làm được năm điều ở trong thiên-hạ là nhân vậy. Là cung khoan, tín, mẫn, huệ. Cung thì không khinh nhờn, khoan thì được lòng người, tín thì người ta tin cậy được, mẫn thì có công, huệ thì đủ khiến được người. » (Luận-ngữ: Dương-Hóa, XVII). Cứ theo ý nghĩa mấy câu ấy, thì nhân là nói sự hành động của người ta phải hợp thiên lý chí công và bỏ hết cái tư tâm tư ý, khiến cho đối với người cũng như đối với mình, lúc nào cũng kính-cẩn và thân-ái như một vậy.

Song đó mới là cái dụng của nhân mà thôi. Nhân còn có cái nghĩa khác rộng hơn nữa, như Khổng-tử nói rằng: « Trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn, trí giả động, nhân giả tĩnh 知 者 樂 水[1],仁 者 樂 山[2],知 者 動, 仁 者 靜: Người trí-giả thích nước, người nhân-giả thích núi, trí-giả động, nhân-giả tĩnh. » (Luận-ngữ: Ung-giã, VI). Hay là: « Hồi giã, kỳ tâm tam nguyệt bất vi nhân, kỳ dư nhật nguyệt chí yên nhi dĩ 囘 也 其 心 三 月 不 違 仁,其 餘 日 月 至 焉 而 已: Nhan-Hồi bụng giữ được ba tháng không trái đạo nhân, còn người khác thì chỉ được một ngày một tháng là cùng. » (Luận-ngữ: Ung-giã, VI). Hay là: « Nhân viễn hồ tai, ngã dục nhân, tư nhân chi hỹ 仁 遠 乎 哉,我 欲 仁,斯 仁 至 矣: Nhân có xa đâu, ta muốn nhân thì nhân đến vậy. » (Luận-ngữ: Thuật-nhi, VII). Vậy thì nhân lại là một cái thể yên lặng như núi, bao nhiêu đức-tính khác đều bởi đó mà sinh ra, khác nào như các thứ cây cối đều mọc lên cả trên núi. Trong cái thể an lặng ấy có cái tính sáng-suốt, cái sức mạnh-mẽ, có điều gì cũng biết rõ-ràng ngay, mà làm việc gì cũng điều-hòa và trúng-tiết. Như thế thì nhân 仁 với trung 中 cũng đồng một nghĩa; nhưng nhân thì có nhiều tình-cảm rất hậu, đối với vạn vật không bao giờ là không có hậu-tình. Vậy nên chữ nhân vẫn hàm cả cái ý chữ ái 愛. Vì có nhân mới có ái, có ái mới có lòng thương người, yêu vật, muốn cho vạn vật bao giờ cũng có cái khoái-lạc mà sống ở đời. Bởi có lòng nhân cho nên người ta mới hợp-quần với nhau, mới có lòng bác-ái, mới coi nhau như anh em, xem cả đoàn-thể như một người, cả vũ-trụ như nhất thể. Đã như một người thì hễ có chỗ nào đau là cả người thấy khó chịu. Cũng bởi nghĩa ấy mà sách thuốc của ta gọi bệnh tê là ma mộc bất nhân 麻 木 不 仁, vì người có bệnh tê thì trong thân-thể đau đâu cũng không biết. Người bất-nhân ở trong xã-hội cũng như người có bệnh tê vậy, ai đau khổ thế nào, vật gì bị tai nạn làm sao, cũng dửng-dưng không hề có cảm-động chút nào.

Vậy đã nhân thì yêu người, yêu vật, muốn cho vạn vật các đắc kỳ sở. Lòng yêu lòng muốn ấy đều xuất ư tự-nhiên, không có miễn-cưỡng chút nào, cho nên mới gọi là an 安.

Nhân với an quan-hệ với nhau rất là mật-thiết. An là cái đức-tính rất tốt của người có nhân, lúc nào cũng tự nhiên nhi nhiên, mà làm việc gì cũng thung-dung trúng đạo. Người có nhân, tự mình có cái trực-giác sáng-láng, ở trong bụng thì an lặng mà ứng ra ngoài thì việc gì cũng thích-hợp với thiên lý chí-công chí-thiện, cho nên bao giờ cũng an. Người bất-nhân thì hay vị tư-tâm, tư-trí, thành ra làm mờ tối mất cái trực giác, rôi cứ miễn-cưỡng tìm cách làm những điều tàn-ác, trái với thiên lý, cho nên không lúc nào an được. Vậy có an mới là nhân, mà đã nhân là an.

Nói tóm lại, nhân gồm cả thểdụng. Thể thì tịch-nhiên im lặng, và vẫn sẵn có cái năng-lực sinh tức ra các cái đức tính tốt, tức như cái hột trong quả, bởi có hột mà mọc ra mầm, ra cành, ra lá. Cũng vì vậy mà ta gọi cái phần ấy ở trong hột là nhân. Dụng thì dễ cảm dễ ứng, lúc nào cũng suốt đến cả vạn vật, bởi vậy làm việc gì cũng trúng-tiết và rất thích-hợp với thiên lý.

Kẻ nhân-giả suốt cả người đầy những tình-cảm chân-thực, cho nên đã nhân thì bao giờ cũng hiếu đễ và trung thứ; kẻ bất-nhân thì đầy những trí-thuật, rất khôn-khéo, rất linh-lợi, mà tình-cảm đơn-bạc và không chân-thực, cho nên thành ra gian-ác tàn-nhẫn. Bởi thế Khổng-tử nói rằng: « Cương, nghị, mộc, nột, cận nhân 剛,毅,木,訥,近 仁: Cương-trực, nghiêm-nghị, chất-phác, trì-độn, là gần nhân. » (Luận-ngữ: Tử-Lộ, XIII) — « Xảo ngôn lịnh sắc tiển hỹ nhân 巧 言 令 色 鮮 矣 仁: Nói khéo và sửa nét mặt cùng hình dáng bề ngoài, là ít có nhân vậy. » (Luận-ngữ: Học-nhi, I). Xét rõ ý-nghĩa những câu ấy, thì hiểu thế nào là nhân, thế nào là bất-nhân. Nhân thì thật-thà, chất-phác và có cái sinh-thú áng-nhiên; mà bất-nhân, thất-trung, thì khôn-ngoan quỉ-quyệt, hay làm hại cái sinh-cơ.

Nhân là cái gốc lớn của sự sinh-hóa trong trời đất. Thế-gian nhờ đó mà đứng, vạn vật nhờ đó mà sinh, quốc-gia nhờ đó mà còn, lễ nghĩa nhờ đó mà phát-hiện ra. Cho nên Khổng-giáo lấy nhân làm cái tôn-chỉ duy-nhất trong tôn-giáo, chính-trị và học-thuật của thiên-hạ. Đối với từng người một, thì nhân là cái hành-xích để biết việc phải trái, điều hay dở. Sự ngôn-luận, sự hành-vi của người ta mà hợp với đạo nhân là hay là phải, trái với đạo nhân là dở là xấu.

Đạo nhân to lớn như vậy, sâu xa như vậy, cho nên cái học của Khổng-tử chủ cả ở chữ nhân. Vì thế cho nên mới nói: « Quân-tử vô chung thực chi gian vi nhân, tháo-thứ tất ư thị, điên-bái tất ư thị 君 子 無 終 食 之 間 違 仁,造 次 必 於 是,顛 沛 必 於 是: Người quân-tử trong khoảng bữa ăn cũng không trái nhân, vội-vàng cũng phải theo nhân, hoạn-nạn cũng phải theo nhân. » (Luận-ngữ: Lý-nhân, IV). Vậy bao nhiêu việc hành-vi đạo-đức là căn-bản ở nhân cả.

Đạo nhân có thể vừa thấp cho ai cũng với đến được, mà cao thì cao vô cùng. Đến bậc hiền như thầy Nhan-Hồi cũng chỉ giữ được ba tháng không trái đạo nhân mà thôi; mà chính Khổng-tử cũng nói rằng: « Nhược thánh dữ nhân, tắc ngô khởi cảm 若 聖 與 仁,則 吾 豈 敢: Nếu bậc thánh và bậc nhân, thì ta sao dám. » (Luận-ngữ: Thuật-nhi, VII). Xem thế nào thì biết đạo nhân thật là rộng, người không có chí học đạo nhân, không theo được. Học đạo nhân thì phải lập chí theo cho đến cùng, dẫu chết cũng không bỏ. Khổng-tử nói rằng: « Chí-sĩ nhân-nhân, vô cầu sinh dĩ hại nhân, hữu sát thân dĩ thành nhân 志 士 仁 人,無 求 生 以 害 仁,有 殺 身 以 成 仁: Người chí-sĩ bậc nhân-nhân, không ai cầu sống mà hại đạo nhân, chỉ có kẻ giết mình mà làm cho thành đạo nhân. » (Luận-ngữ: Vệ Linh-công, XV). Tăng-tử nói rằng: « Sĩ bất khả dĩ bất hoằng nghị, nhiệm trọng nhi đạo viễn: Nhân dĩ vi kỷ nhiệm, bất diệc trọng hồ? tử nhi hậu dĩ, bất diệc viễn hồ? 士 不 可 以 不 弘 毅,任 重 而 道 遠:仁 以 爲 己 任,不 亦 重 乎?死 而 後 已,不 亦 遠 乎?Người đi học không nên không hoằng-đại kiên-nhẫn, việc thì nặng mà đường thì xa: Lấy đạo nhân làm việc phải làm của mình, thì có phải là việc nặng không? theo làm đạo nhân cho đến chết mới thôi, thì có phải là xa không? » (Luận-ngữ: Thái-Bá, VIII). Nhân là điều trọng-yếu như thế, cho nên Khổng-giáo dạy người ta chỉ cốt ở đạo nhân mà thôi. Nhân là cái đích tu-dưỡng của Nho-học. Ai đã tu đến bậc nhân, thì làm việc gì cũng trúng-tiết, có điều-hòa và có bình-hành, thích-hợp với thiên-lý lưu-hành tự-nhiên vậy.

Thiên-mệnh. — Nho-giáo đã tin có Trời làm chủ-tể cả vũ-trụ, thì tất là nhận có cái ý-chí rất mạnh để khiến sự biến-hóa ở trong thế-gian cho hợp lẽ điều-hòa. Cái ý-chí ấy gọi là thiên-mệnh 天 命 hay là đế-mệnh 帝 命. Cổ nhân dùng chữ thiên 天 để chỉ cái ý to lớn cao xa, bao-bọc, che-chở, và dùng chữ đế 帝 để chỉ cái ý làm chủ-tể cả muôn vật. Nói thiên-mệnh hay đế-mệnh tức là nói cái ý-chí của Trời vậy.

Nhưng ta phải biết rằng cái quan-niệm của Khổng-tử về Trời hay Thượng-đế không giống như cái quan-niệm của phần nhiều người thường tưởng-tượng Trời hay Thượng-đế là một đấng có hình-dáng, có tình-cảm, có tư-dục như người ta. Trời hay Đế chỉ là cái Lý vô hình, rất linh-diệu, rất cường-kiện, mà khi đã định sự biến-động ra thế nào, thì dẫu làm sao cũng không cưỡng lại được.

Khổng-tử tin có Trời như thế, và có thiên-mệnh cho nên Ngài nói rằng: « Bất tri mệnh vô dĩ vi quân-tử giã 不 知 命 無 以 爲 君 子 也: Không biết mệnh Trời thì không lấy gì làm quân-tử. » (Luận-ngữ: Nghiêu-viết, XX). Những công việc người ta ở đời thành hay bại, thế cục thịnh hay suy, đều do ở thiên-mệnh cả. Cái đạo của Ngài mà thi-hành ra được cũng là mệnh Trời, mà không thi-hành ra được cũng là mệnh Trời: « Đạo chi tương hành giã dư, mệnh giã; đạo chi tương phế giã dư, mệnh giã 道 之 將 行 也 與,命 也:道 之 將 廢 也 與,命 也. » (Luận-ngữ: Hiến-vấn, XIV). Người quân-tử cứ an mà làm điều lành điều phải, dẫu thế nào cũng đã có cái mệnh của Trời, không nên oán Trời và giận người. Cho nên Ngài nói rằng: « Thượng bất oán thiên, hạ bất vưu nhân, cư dị dĩ sĩ mệnh 上 不 怨 天,下 不 尤 人,居 易 以 俟 命: Trên không oán Trời, dưới không trách người, cứ bình-dị mà đợi mệnh. » (Trung-dung).

Tri mệnh 知 命 tức là biết vui theo mệnh Trời mà sinh-hoạt, mà hành-vi cho phải đạo, chứ không lập ý riêng, mà cưỡng làm những điều tư-tâm của mình. Nhưng tri mệnh là việc rất khó, đến Khổng-tử mà còn phải đến năm-mươi tuổi mới biết mệnh Trời: « Ngũ thập nhi tri thiên-mệnh 五 十 而 知 天 命. » (Luận-ngữ: Vi-chính, II), huống chi người thường cho là dễ làm sao được. Người ta lúc còn trẻ tuổi, khí huyết đang hăng, tưởng việc gì cũng làm được. Về sau dần dần có kinh-nghiệm nhiều và lịch-duyệt lắm, mới biết là những công việc thành hay bại thường không phải tự mình định lấy được.

Người ta ở đời lưu-hành trong cái đạo biến hóa của trời đất, khác nào như đàn cá lặn-lội ở giữa dòng nước chảy, tuy lúc nào cũng có cái năng-lực vẫy-vùng chạy nhảy, nhưng vẫn cứ phải trôi theo dòng nước. Dòng nước chảy càng to, càng mạnh bao nhiêu, thì sự trôi đi lại càng khó cưỡng lại bấy nhiêu. Sự trôi đi như thế, tức là thiên-mệnh vậy. Song ta phải hiểu rằng trong khi ta theo thiên-lý mà lưu-hành, thì bao giờ ta cũng có cái năng-lực tự-do để tự cường tự kiện, khiến cho cái tâm tình của ta được sáng-suốt, mẫn-nhuệ, để lúc nào ta hành-động cũng không mất cái trung. Vậy trong sự theo thiên-mệnh ấy, có cái sức cố gắng rất cường-kiện để hoạt-động luôn, chứ không phải như những người tầm-thường nhu-nhược, cứ đành chịu ép một bề mà đợi số mệnh. Bởi thế cho nên kinh Dịch nói rằng: «Thiên hành kiện, quân-tử dĩ tự-cường bất tức 天 行 健,君 子 以 自 彊 不 息: Việc hành-động của Trời rất mạnh, người quân-tử phải theo mà tự cường không nghỉ. » (Dịch: Tượng, thượng truyện). Nếu người ta hiểu không rõ cái ý-nghĩa ấy, rồi cứ vì cái lẽ theo thiên-mệnh mà thành ra biếng trễ, thì tự ông Trời cũng tuyệt-diệt đi, không tài-bồi cho cái yếu-đuối hèn-hạ bao giờ. Sách Trung-dung nói rằng: « Thiên chi sinh vật, tất nhân kỳ tài nhi đốc yên, cố tài giả bồi chi, khuynh giả phúc chi 天 之 生 物 必 因 其 材 而 篤 焉,故 栽 者 培 之,傾 者 覆 之: Trời sinh ra muôn vật, nhân cái tài-lực của từng vật mà đôn-đốc thêm vào, cho nên vật nào có thể vun đắp được, thì vun đắp vào cho tốt lên, vật nào nghiêng lệch, thì làm cho đổ nát đi. » Theo thiên-mệnh thì phải có cái khí cường-kiện mới theo nổi, không thì thành ra thất-bại ngay. Người đời nay dùng bốn chữ: « Ưu thắng liệt bại 優 勝 劣 敗 » chính là cái ý-nghĩa ấy vậy.

Xem như thế thì cái đạo Khổng-tử vẫn là một cái đạo có khí-lực mạnh-mẽ, khiến người ta phải cố gắng mà tự cường luôn, chứ không có điều gì là hèn yếu biếng trễ cả.

Quỉ-thần. — Khổng-tử đã tin có Trời, có thiên-mệnh, tất là tin có quỉ-thần. Quỉ-thần là cái khí thiêng-liêng ở trong trời đất, tuy mắt ta trông không thấy, tai ta nghe không thấy, nhưng vẫn thể được cả muôn vật, không sót vật nào: Đâu đâu cũng hình như ở trên đầu ta ở bên tả bên hữu ta: « Dương-dương hồ như tại kỳ thượng, như tại kỳ tả hữu 洋 洋 乎 如 在 其 上,如 在 其 左 右. » (Trung-dung). Bởi vậy ta phải: « Tế thần như thần tại 祭 神 如 神 在: Tế thần như là có thần ở đó. » (Luận-ngữ: Bát-dật, III). Tế quỉ-thần là lấy sự tận thành để tỏ cái lòng tôn-kính, chứ không phải tế để cầu lấy cái phúc riêng cho mình, như những người thường vẫn tin-tưởng đâu. Quỉ-thần là thông-minh chính-trực, có lẽ nào lại thiên-vị ai bao giờ. Người ta ở đời cứ theo cái lẽ công-chính mà làm, đừng làm việc gì tàn-bạo gian-ác. Việc bổn-phận của mình thế nào, thì mình cứ cố gắng mà làm cho trọn-vẹn, rồi sẽ có quỉ-thần chứng-giám cho, hà tất phải nay cầu-nguyện, mai cầu-nguyện mà làm gì? Thường những việc của chính-nhân quân-tử đã làm là việc cầu-nguyện đó rồi, vì rằng có cầu-nguyện gì hơn được cứ theo cái lẽ công-nhiên của trời đất mà làm việc nhân việc nghĩa? Khổng-tử đã bày tỏ cái ý-kiến ấy ra một cách rõ-ràng, như khi Ngài đau nặng, học-trò Ngài là thầy Tử-Lộ xin cầu-nguyện thượng hạ thần-kỳ để Ngài chóng khỏi, Ngài nói rằng: « Khâu chi đảo cửu hỹ 丘 之 禱 久 矣: Ta cầu-nguyện đã lâu rồi. » (Luận-ngữ: Thuật-nhi, VII). Ý Ngài nói rằng chung-thân Ngài chỉ có theo lẽ trời mà làm việc nhân nghĩa lễ trí, như thế là lúc nào Ngài cũng đã cầu-nguyện rồi. Nếu ai là người bất-nhân bất-nghĩa, làm những điều trái đạo, phải tội với Trời, thì dẫu có cầu-nguyện quanh năm cũng không có ích gì: « Hoạch tội ư thiên, vô sở đảo giã 於 天,無 所 禱 也: Phải tội với Trời còn cầu-nguyện vào đâu được. » (Luận-ngữ: Bát-dật, III).

Việc quỉ-thần là việc cao-xa, u-ẩn, ta không có thể biết cho rõ được, ta chỉ nên lấy lòng thành-kính mà đối với quỉ-thần là đủ. Làm người ở đời, ta cứ biết chăm lo làm việc nghĩa của người, chứ biết thế nào được việc quỉ-thần, mà nói những điều huyễn-hoặc để gây thành những mối mê-tín, hại cho việc nhân nghĩa. Vậy nên Khổng-tử nói rằng: « Vụ dân chi nghĩa, kính quỉ-thần nhi viễn chi 務 民 之 義,敬 鬼 神 而 遠 之: Vụ lấy làm việc nghĩa của người, còn quỉ-thần thì kính mà xa ra. » (Luận-ngữ: Ung giã, VI).

Kính và thành. — Khổng-tử tin có Trời và có quỉ-thần, chứ không phải như ý-kiến những người hiểu không rõ cái học-thuyết của Ngài, nói phỏng chừng rằng: đạo của Ngài là đạo vô-thần. Đó là điều sai lầm rất quan-hệ về đường khảo-cứu. Nhưng phải biết rằng Khổng-tử cho Trời là cái Lý linh-diệu chí-công chí-chính, mà quỉ-thần là cái linh-khí của trời đất, rất thông-minh chính-trực, tất là Trời và quỉ-thần không có thiên-tư điều gì vậy. Người và vạn vật sinh ra trong thế-gian, cùng bẩm-thụ một ly một khi của Trời cả, duy chỉ có thanh trọc khác nhau mà thôi. Đã đồng lý đồng khí, thì tất có chỗ cảm-ứng được. Vậy nên đối với Trời và quỉ-thần, người ta phải lấy lòng kính-cẩn và thành-thực mà thờ phụng. Thiên Thái-giáp hạ trong kinh Thư nói rằng: « Duy thiên vô thân, khắc kính duy thân..... quỉ-thần vô thường hưởng, hưởng vu khắc thành 惟 天 無 親,克 敬 惟 親..... 鬼 神 無 常 享,享 于 克 誠: Trời không thân với ai, chỉ thân với người hay kính.... quỉ-thần không thường chứng-giám cho ai, chỉ chứng-giám cho kẻ hay thành. » Vậy chỉ có kính và thành mới cảm-động đến Trời và quỉ-thần được.

Người ta sở dĩ biết có nhân nghĩa lễ trí là nhờ cái tính của Trời phú cho, vậy nên ta phải thờ Trời. Nhưng thờ Trời thì chỉ có cái cách lấy cái ý chân-thực và cái lòng kính-cẩn mà giữ lúc động, lúc tĩnh, lúc chuyện trò hay lúc ngồi im lặng, không lúc nào được khinh nhờn. Ấy là cách phụng-sự rất chính, rất phải. Bởi thế cho nên Khổng-giáo lấy chữ kính 敬 làm quan-trọng lắm. Những lễ nghi của thánh-nhân đời trước đặt ra mà có ý nghĩa, là cũng vì có chữ kính. Nếu không có kính thì chỉ là cái hư văn rất phiền-toái mà thôi.

Khổng-tử nói rằng: « Quân-tử úy thiên mệnh 君 子 畏 天 命: Người quân-tử sợ mệnh Trời. » (Luận-ngữ: Quí-thị, XVI). Ta có sợ Trời, có giữ lòng kính-cẩn thì mới giữ được bụng ngay chính, để làm những điều nhân nghĩa hiếu đễ. Nếu trong lòng mà không chân-thực và lại khinh nhờn, thì còn có kị-đạn gì nữa. Bởi thế Khổng-tử nói rằng: « Tu kỷ dĩ kính 修 己 以 敬: Lấy kính mà sửa mình. » (Luận-ngữ: Hiến-vấn, XIV). Người ta ở đời có phải ngẫu-nhiên mà sinh ra, rồi ngẫu-nhiên lại hóa đi mất đâu. Nếu như vậy, thì suốt cả vũ-trụ cũng chẳng có nghĩa lý gì. Vì chưng có Trời, và Trời lại làm chủ-tể cả muôn vật, nên ta phải thờ Trời và theo đạo Trời mà ăn-ở, để làm cho sáng cái minh-đức của Trời đã phú-dữ cho ta. Người nào đã thành-thực mà giữ lòng kính-cẩn, thì không bao giờ làm điều bất-nhân phi-nghĩa, tất là có thể sửa mình đến chí-thiện được.

Đã có Trời lại có quỉ-thần để chứng-giám cho vạn vật. Vậy đã thờ Trời tất phải thờ quỉ-thần. Nhưng thờ quỉ-thần chỉ cốt có lòng thành, thì quỉ-thần mới chứng-giám cho, vì có thành mới cảm đến quỉ-thần được. Nếu không, thì dẫu có bày đặt ra đủ các thứ lễ nghi đồ vật, nhưng cũng như không mà thôi. Quỉ-thần đã chứng-giám cái lòng thành cho mình, thì mình cứ an lòng mà làm điều lành điều phải. Không nên đem tư-tâm mà dùng sự lễ-bái để cầu tài cầu lợi. Đó là điều mê-hoặc không phải là đạo công-chính của quỉ-thần.

Kínhthành 誠 là cái gốc luân-lý của Nho-giáo. Có kính thì mới giữ được cái bản tính của mình cho thuần-nhất, và có thành thì người với Trời và quỉ-thần mới tương cảm với nhau được. Thiết tưởng kẻ học-giả có hiểu rõ nghĩa hai chữ kínhthành, thì mới biết được nghĩa-lý những điều nhân nghĩa lễ trí và mới hiểu được cái tinh-thần của Nho-giáo vậy.

Sự sinh tử. — Về sự sinh-tử, thì Khổng-tử cũng tin-tưởng như mọi người đương thời bấy giờ. Ngài nói rằng: « Nhân sinh hữu khí, hữu hồn, hữu phách. Khí hồn phách hội vị chi sinh 人 生 有 氣,有 魂,有 魄.氣 魂 魄 會,謂 之 生: Người sinh ra có khí, có hồn, có phách. Khí hồn phách hội lại gọi là sinh. » (Khổng-tử gia-ngữ: Ai-công vấn chính, XVII). Người ta ở đời có mệnh, có tính, có sống, có chết: « Phân ư đạo vị chi mệnh; hình ư nhất vị chi tính; hóa ư âm dương tượng hình nhi phát vị chi sinh; hóa cùng số tận vị chi tử. Cố mệnh giả tính chi thủy giã, tử giả sinh chi chung giã, hữu thủy tắc tất hữu chung hỹ 分 於 道 謂 之 命;形 於 一 謂 之 性;化 於 陰 陽 象 形 而 發 謂 之 生;化 窮 數 盡 謂 之 死.故 命 者 性 之 始 也,死 者 生 之 終 也,有 始 則 必 有 終 矣: Chia một phần ở trong đạo tự-nhiên của trời đất ra gọi là mệnh; rõ hình ra ở cái lý nhất-quán ai cũng như ai, gọi là tính; biến-hóa ở âm dương mà thành ra có tượng có hình gọi là sinh; hóa đến cùng, số hết, gọi là tử. Cho nên mệnh là cái bắt đầu của tính, tử là cái cuối cùng của sinh, có cái bắt đầu thì ắt là có cái cuối cùng vậy. » (Khổng-tử gia-ngữ: Bản mệnh giải, XXVI).

Chết rồi thì cái hài-cốt chôn xuống đất dần dần tan nát đi, còn cái khí tinh-anh thì lên trên khoảng không-gian sáng rõ rực-rỡ: « Tử tất qui thổ, cốt nhục ư hạ, âm vi dã thổ, kỳ khí phát dương ư thượng vi chiêu minh 死 必 歸 土,骨 肉 斃 於 下,陰 爲 野 土,其 氣 發 揚 於 上 爲 昭 明. » (Lễ-ký: Tế-nghĩa, XXIV). Vậy chết không phải là hết. Chỉ hết cái hình-hài mà thôi, còn cái khí tinh-anh tức là tinh-thần, thì lại về chỗ sáng rõ ở trong vũ-trụ.

Cái phần chiêu minh ấy ở trong người ta gọi là tâm. Tâm là cái thần-minh ở trong vạn vật, là cái tia sáng của Trời phú cho ta để hiểu biết các sự vật. Vũ-trụ sở dĩ có là bởi có cái tia sáng ấy, chứ không thì dẫu có cũng như không mà thôi. Vạn vật nhờ có cái tia sáng ấy mà biết là có, và biết là có Trời. Người ta có cái phẩm-giá tôn quí là cũng nhờ có cái tâm, cho nên hễ bỏ cái tâm đi, thì vũ-trụ chỉ là một khối vật-chất vô-tri vô-giác, không có giá-trị gì cả. Có cái tâm thì trời đất rõ-ràng, vạn vật linh-hoạt. Bởi thế người quân-tử bao giờ cũng phải giữ cái tâm cho minh-mẫn. Đến khi người ta mệnh chung, cái tia sáng trở về Trời, mà cái vật-chất thì hẩm nát đi. Bởi cái lý-tưởng ấy cho nên cổ nhân nói rằng: « Sinh ký giã, tử qui giã 生 寄 也,死 歸 也: Sống là gửi vậy, thác là về vậy. » Chết là cái tinh-thần về Trời.

Cổ nhân tin như thế, cho nên mới nói: « Tam hậu tại thiên 三 后 在 天: Ba vua ở trên trời. » Hay là: « Văn-vương trắc giáng, tại đế tả hữu 文 王 陟 降,在 帝 左 右. » Những lời ấy làm bằng-chứng rõ-ràng là người ta chết, cái tinh-thần không mất. Nhưng cái tinh-thần ấy có cảm-giác được như người sống nữa hay không? Một hôm thầy Tử-Cống hỏi Khổng-tử rằng: « Người chết rồi có biết gì nữa không? » — Ngài trả lời rằng: « Nếu ta nói người chết rồi mà còn biết, thì sợ những con cháu hiếu-thảo, liều chết để theo ông cha; nếu ta nói người chết rồi mà không biết gì, thì sợ con cháu bất-hiếu, cha mẹ chết bỏ không chôn. Ngươi muốn biết người chết rồi có biết hay không biết, chuyện đó không phải là chuyện cần-kíp ngay bây giờ, rồi sau sẽ biết. » (Khổng-tử gia-ngữ: Trí-tư, VIII). Dẫu tinh-thần biết hay không biết mặc lòng, đối với người chết bao giờ ta vẫn có cái tình-cảm, khiến ta không có thể cho như là không biết gì nữa, mà cũng không có thể cho là vẫn biết như lúc còn sống được. Khổng-tử nói rằng: « Chi tử nhi trí tử chi, bất-nhân, nhi bất khả vi giã; chi tử nhi trí sinh chi, bất-trí, nhi bất khả vi giã 之 死 而 致 死 之,不 仁,而 不 可 爲 也;之 死 而 致 生 之,不 知,而 不 可 爲 也: Cho người chết là mất hẳn, không biết gì nữa, là bất-nhân, không nên theo; cho người chết là còn biết như lúc hãy còn sống, là bất-trí, không nên theo. » (Lễ-ký: Đàn-cung thượng). Tưy việc sống chết thế nào thì ta không rõ được, nhưng đối với người chết, bao giờ ta cũng có tình-cảm thương-tiếc. Vậy thì ta cứ thờ người chết, cúng-tế tổ-tiên, để tỏ lòng tôn-kính yêu-mến. Song ta không nên thờ bậy, cúng bậy; nếu không phải là bậc mình đáng thờ, đáng cúng, không phải cha mẹ tổ-tiên mình, mà mình thờ cúng, thì gọi là siểm: « Phi kỳ quỉ nhi tế chi, siểm giã 非 其 鬼 而 祭 之,諂 也. » (Luận-ngữ: Vi-chính, II).

Nói rút lại, đạo Trời là chí-thiện chí-mỹ, đạo người là phải cố gắng để làm được những điều chí-thiện chí-mỹ. Ai muốn đạt tới cái mục-đích ấy, thì trước hết phải theo đạo thành. « Thành giả thiên chi đạo giã, thành chi giả nhân chi đạo giã 誠 者 天 之 道 也,誠 之 者 人 之 道 : Thành-thực là đạo Trời, giữ cho được thành-thực là đạo người. » (Trung-dung). Thành là cái tính bản-nhiên của thiên-lý, cái tính ấy chân-thực không sai lầm điều gì, và lại có thể sinh-sinh, hóa-hóa, gây nuôi muôn vật. Người ta ai đã cố gắng mà tiến lên đến bậc chí thành, thì có thể giúp được việc hóa-dục của trời đất và có đức ngang với trời đất. Tức là một cách nói: Trời sinh ra người, người lại cố gắng theo cho được hoàn-toàn như Trời vậy.

Kẻ học giả hiểu rõ lẽ ấy, rồi cứ vui theo mệnh Trời mà cố sức tu-dưỡng cho đến bậc nhân, thì đạo làm người thành ra có cái ý-nghĩa rất cao-xa, mà cái cảnh ở đời lại rất có thú-vị. Bởi thế cho nên thánh-nhân dạy người ta: « Lạc thiên tri mệnh, cố bất ưu; an thổ đôn hồ nhân, cố năng ái 樂 天 知 命,故 不 憂;安 土 敦 乎 仁,故 能 愛: Vui theo đạo Trời và biết mệnh Trời, cho nên không lo; tùy chỗ ở mà an và đôn-đốc làm điều nhân, cho nên có lòng ái. » (Dịch: Hệ-từ-thượng).

II.ĐẠO CỦA KHỔNG-TỬ

Đạo là cái lý tự-nhiên của trời đất, là con đường rộng ai cũng phải theo mà đi, tức là cái công-lệ trung-chính để làm qui-tắc cho sự hành-động của người đời. Khổng-tử theo lẽ điều-hòa của trời đất và đem những tư-tưởng và sự hành-vi của các đế vương đời trước mà lập thành đạo, để dạy thiên-hạ. Ai theo được đạo ấy mà ăn-ở là hay, là người quân-tử; không theo được đạo ấy là dở, là kẻ tiểu-nhân, cho nên mới gọi là: « Quân-tử chi đạo 君 子 之 道: Đạo của người quân-tử ». Đạo ấy gồm hết tất cả cái phải, cái hay, tổng-hợp các cái đức tính tốt để gây thành cái nhân-cách hoàn-toàn của người ta.

Sách Trung-dung chép rằng: « Trọng-Ni tổ-thuật Nghiêu Thuấn, hiến chương Văn Võ, thượng luật thiên thời, hạ tập thủy thổ 仲 尼 祖 述 堯 舜,憲 章 文 武,上 律 天 時,下 襲 水 土: Đức Trọng-Ni tổ-thuật đạo vua Nghiêu, vua Thuấn, bắt-chước phép vua Văn, vua Võ, trên theo thời trời mà quyền biến, dưới tùy thủy thổ mà an vui. » Đạo ấy ví như trời đất, không có cái gì là không che-chở, chuyển-vần như bốn mùa, sáng rõ như mặt trời mặt trăng. Ở trong đạo ấy thì « Vạn vật tịnh dục nhi bất tương hại, đạo tịnh hành nhi bất tương bội, tiểu đức xuyên lưu, đại đức đôn-hóa 萬 物 並 育 而 不 相 害,道 並 行 而 不 相 悖,小 德 川 流, 德 敦 化: Muôn vật đều hóa-dục mà không hại lẫn nhau, các đạo đều thi-hành mà không trái nhau. Đức nhỏ thì phân-minh như nước sông chảy, đức lớn thì đôn-hậu mà sinh-hóa vô cùng. » (Trung-dung). Đạo của Ngài khoan-hoằng quảng-đại như thế và lại theo cái tôn-chỉ chí-công chí-chính, chủ ở sự làm điều lành điều phải, bao giờ cũng dễ-dàng ung-dung, không cố-chấp điều gì. Dẫu đối với đạo khác, Ngài cũng cho là « Thiên-hạ đồng qui nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự »[3], cho nên Ngài không bài-bác công-kích đạo nào cả. Ngài nói rằng: « Công hồ dị đoan, tư hại giã dĩ 攻 乎 異 端,斯 害 也 已: Công-kích đạo khác là chỉ hại mà thôi. »[4] (Luận-ngữ: Vi-chính, II). Vì rằng đạo của Ngài là chỉ theo lẽ thường, cứ việc phải thì làm, việc trái thì bỏ, cốt dạy người ta giữ cái lương-tâm cho sáng-suốt, đừng để tư-tâm tư-dục làm ám-muội đi mất, thì tự khắc là người ta biết phân-biệt điều hay điều dở. Điều hay là phải theo, điều dở là phải bỏ, không lấy cái trí hẹp-hòi mà câu-chấp một mặt nào hay một thuyết nào. Bất cứ điều gì, hễ nó hợp thời thuận lý là được, như thế thật là một đạo chiết-trung, khiến cho lúc nào cũng giữ được cái lẽ điều-hòa tự-nhiên mà lập thành cái nhân-sinh triết-lý rất uyên-bác.

Đạo của Khổng-tử tuy nhận có quỉ thần và có biện biệt sự sống chết, nhưng không lấy việc quỉ thần mà đặt ra những điều mê-tín, không lấy sự sống chết mà huyễn-hoặc lòng người. Ngài chỉ cốt lấy nhân nghĩa lễ trí hiếu đễ trung tín làm đạo thường. Ngài cho những điều ấy là do cái minh-đức của thiên-lý mà phát hiện ra, vậy nên phải theo thiên-lý mà làm cho sáng cái minh-đức ấy, để khiến người ta càng ngày càng hay hơn, đến chí-thiện mới thôi. Đó là nghĩa câu ở đầu sách Đại-học: « Đại học chi đạo, tại minh minh-đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí-thiện 大 學 之 道,在 明 明 德,在 親 民,在 止 於 至 善. » Ba cái cương-lĩnh: minh minh-đức, thân dân, chỉ ư chí-thiện, là cái quan-kiện của sự học trong Khổng-giáo.

Đạo của Khổng-tử lấy hai chữ chí-thiện làm cực điểm. Chí-thiện tức là nhân. Từ đầu chí cuối chỉ có một mối, chủ lấy theo thiên-lý làm gốc, dùng hiếu đễ, lễ nhạc, mà khiến người ta tiến lên đến bậc nhân. Trước sau chỉ theo một cái lý nhất-thể ấy mà thôi, cho nên ngài nói rằng: « Ngô đạo nhất dĩ quán chi 吾 道 一 以 貫 之: Đạo của ta suốt từ đầu chí cuối chỉ có một mà thôi. » (Luận-ngữ: Lý-nhân, IV). Câu ấy nói tóm hết cái đạo của Ngài, mà làm cho cái thống-hệ nhất-thể rất sáng rõ. Đạo nhất-quán ấy, gọi là trung thứ hay là nhân nghĩa cũng là do đạo nhân mà ra cả. Có nhân là hiểu rõ và theo đúng cái thiên-lý thuần-nhiên quán thông từ sự tư-tưởng đến sự hành-vi, không có cái gì là không hợp với đạo nhất-thể.

Trời phú tính cho người ta, tất là đã cho ta có cái đức sáng để hiểu: hiếu, đễ, từ v. v. Ta cố làm cho sáng cái đức sáng của ta để đối với người, với vật, cho đến chí-thiện mới thôi. Chí-thiện là cái cực-điểm của đạo nhất-thể. Học-giả phải theo cái bản-tính thuần nhất của Trời phú cho mà sửa đạo và lập giáo. Vậy nên sách Trung-dung nói rằng: « Thiên mệnh chi vị tính, suất tính chi vị đạo, tu đạo chi vị giáo. Đạo giã giả, bất khả tu du ly giã; khả ly phi đạo giã 天 命 之 謂 性,率 性 之 謂 道,修 道 之 謂 教,道 也 者 不 可 須 臾 離 也,可 離 非 道 也: Trời phú cho gọi là tính, theo tính gọi là đạo, sửa đạo gọi là giáo. Đã là đạo thì không giây phút nào xa lìa ra được, nếu xa lìa ra được thì không phải là đạo. »

Cái đạo chỉ là theo thiên-lý, mà thiên-lý với cái bản-tính của người ta vốn là một, vậy thì đạo là cốt để sửa cái tính của người cho hợp thiên-lý, cho nên Khổng-tử nói rằng: « Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi đạo 道 不 遠 人,人 之 爲 道 而 遠 人,不 可 以 爲 道: Đạo không xa cái bản-tính của người ta, nếu theo đạo để cho xa cái bản-tính của người ta, thì không phải là đạo. » (Trung-dung). Vì đạo ấy mật-thiết với bản-tính của người ta như thế, cho nên tuy có phần rất uyên-áo, dẫu người tài trí cũng không biết hết được, nhưng bao giờ người thường vẫn có thể theo được. Bởi vậy Tử-Tư nói rằng: « Quân-tử chi đạo phị nhi ẩn. Phu phụ chi ngu khả dĩ dữ tri yên, cập kỳ chí giã, tuy thánh-nhân diệc hữu sở bất tri yên; phu phụ chi bất tiếu, khả dĩ năng hành yên, cập kỳ chí giã, tuy thánh-nhân diệc hữu sở bất năng yên 君 子 之 道 費 而 隱.夫 婦 之 愚 可 以 與 知 焉,及 其 至 也,雖 聖 人 亦 有 所 不 知 焉;夫 婦 之 不 肖 可 以 能 行 焉,及 其 至 也,雖 聖 人 亦 有 所 不 能 焉: Đạo của quân-tử rộng-rãi dễ hiểu, mà có phần tinh-vi ẩn-khuất không thể biết hết được. Đứa thất-phu thất-phụ cũng có thể biết được, nhưng biết cho đến cùng-cực, thì tuy thánh-nhân cũng có điều không biết được; đứa thất-phu thất-phụ không có tài-năng gì, cũng có thể làm được, nhưng làm cho đến cùng-cực, thì tuy thánh-nhân cũng có điều không làm được ». Tử-Tư lại nói tóm lại rằng: « Quân-tử chi đạo, tạo đoan hồ phu phụ[5], cập kỳ chí giã, sát hồ thiên địa 君 子 之 道 造 端 乎 夫 婦,及 其 至 也,察 乎 天 地: Đạo người quân-tử lập mối đầu ở những điều nhỏ mọn tầm thường của những kẻ thất-phu thất-phụ biết được làm được, mà lên đến cùng-cực, thì xét rõ việc trời đất. » (Trung-dung). Đạo ấy rất là giản-dị mà thật cao-xa rộng-rãi, bao-quát cả vũ-trụ, ngoài không có cái gì lớn hơn được, trong không có cái gì nhỏ hơn được vậy.

Khổng-tử rất thành-thực tin đạo ấy là chí-thiện, chí-mỹ. Ngài cho là trong đạo ấy có cái vui cái thú vô cùng, hễ ai đã được nghe một lần rồi, thì dẫu có chết cũng không cho là uổng một đời. Vậy nên Ngài nói rằng: « Triêu văn đạo, tịch tử khả hỹ 朝 聞 道,夕 死 可 矣: Buổi sáng được nghe mà hiểu được đạo, buổi tối chết cũng thỏa. » (Luận-ngữ: Lý-nhân, IV). Đạo ấy rất hay, nhưng ai theo thì phải thành-thực lắm mới được. Nếu không thành-thực thì dẫu đạo ấy hay thế nào cũng là vô ích. Khổng-tử nói rằng: « Nhân năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhân 人 能 弘 道,非 道 弘 人: Người có thể mở rộng đạo, đạo không thể mở rộng người. » (Luận-ngữ: Vệ Linh-công, XV). Người thì có cái biết, mà đạo-thể thì vô-vi; nhờ có cái biết cho nên người mới làm cho đạo rộng lớn ra, chứ đạo tự nó không làm cho người rộng lớn ra được. Bởi chưng đạo lập thành cái cùng-cực của người, mà người là cái khí-cụ của đạo, cho nên đạo và người không lìa bỏ nhau được. Người phải dụng lực đem cái đạo-thể ở trong mình mình làm cho sáng rõ ra. Nếu người mà không dụng lực, cứ muốn để cái đạo tự-nhiên làm cho người ta lên đến chỗ cao-minh, quảng-đại, thì không có bao giờ. Điều ấy ta nên nhớ mà cố gắng hết sức trong sự học tập vậy.

Khổng-tử theo cái lý-tưởng cho thiên-lý lưu-hành bất-tức, cho nên cái học của Ngài không nhận cái gì là nhất-định và không cố-chấp điều gì cả. Sách Luận-ngữ chép rằng: « Tử tuyệt tứ: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã 子 絕 四:毋 意,毋 必,毋 固,毋 我: Khổng-tử tuyệt không có bốn điều là: không có ý riêng tư, không đoán phỏng chắc trước, không cố-chấp, không vị mình. » (Tử-hãn IX). Sách Luận-ngữ lại chép rằng: « Khi bàn đến các cái đức-tính của những người hiền đời trước, như bọn ông Bá-Di, Thúc-Tề, Liễu Hạ-Huệ v. v., người thì cương quá, người thì nhu quá, cho nên Ngài nói rằng: « Ngã tắc dị ư thị, vô khả vô bất khả 我 則 異 於 是,無 可 無 不 可: Ta thì khác thế, không có cái gì nhất-định là nên, không có cái gì nhất-định là không nên. » (Vi-tử XVIII). Nghĩa là: Ngài thì có thể cương cũng được, nhu cũng được, có lúc kinh, có lúc quyền, lúc nào làm việc gì cũng thời-trung và hợp lý, chứ không chấp-nhất. Người chấp-nhất là hại đạo, vì đã chấp-nhất thì chỉ biết được một điều mà bỏ mất trăm điều. Những lời chép trên kia làm bằng-chứng rõ-ràng cho cái ý-kiến không nhất-định, và mấy chữ « vô khả vô bất khả » thật đã biểu-thị rõ cái học điều-hòa và chiết-trung của Khổng-tử[6].

Thiên-lý thì lưu-hành bất-tức, mà nhân-sự thì mỗi thời một khác, nếu nhận một điều gì làm lý nhất-định, rồi cứ khư-khư giữ điều ấy để làm chuẩn-đích cho sự hành-vi của mình, thì thành ra cố-chấp và có cái thái-độ thiên về cực đoan, rất trái với cái tôn-chỉ phải tùy thời chấp-trung. Đó là cái tư-tưởng đặc-biệt của Khổng-giáo. Đem cái tư-tưởng ấy mà so-sánh với học-thuyết khác, thì thấy học-thuyết nào cũng có điều cố-chấp. Thí-dụ như họ Mặc theo cái chủ-nghĩa kiêm-ái, họ Dương theo cái chủ-nghĩa vị-ngã, rồi mỗi bên cố-chấp lấy cái chủ-nghĩa của mình làm cái lý nhất-định để theo cho đến cùng, tất là thành ra cái cực-đoan, lệch hẳn về một bên, không có bình-hành, không có điều-hòa, trái với lẽ tự-nhiên của sự thực. Khổng-giáo thì không thế, cứ tùy cái tình thân sơ mà đối với người, với vật, cho hợp lẽ tự-nhiên, vậy nên mới nói rằng: « Thân thân nhi nhân dân, nhân dân nhi ái vật 親 親 而 仁 民,仁 民 而 愛 物: Thân yêu những kẻ thân-thiết với mình, mà nhân-từ với mọi người, nhân-từ với mọi người mà yêu mến các loài vật. » (Mạnh-tử: Tận-tâm thượng). Cái tình-cảm của mình đối với kẻ thân-thích hậu, thì mình cứ hậu, đối với người ngoài hơn kém một tí, thì cứ kém một tí, đối với các loài sinh-vật lại kém đi một bậc nữa, thì cứ kém đi một bậc nữa. Lúc nào cũng tùy cảm mà ứng. tùy cái trực-giác mẫn-nhuệ của mình mà hành-động, chứ không nhận gì làm định-lý cả. Vì rằng khi đã nhận một điều gì làm định-lý, thì tất là cố-chấp theo cái định-lý ấy cho đến cùng, thành ra không thích-hợp với thiên-lý cứ lưu-hành mà biến hóa mãi mãi.

Cái vui trong sự sinh-hoạt. — Đạo của Khổng-tử là đạo nhân, cốt cầu lấy cái vui trong sự sinh-hoạt ở đời. Cái vui ấy do ở sự điều-hòa với cái lẽ tự-nhiên của tạo-hóa, bao giờ trong bụng cũng được thư-thái, không để cái ngoại-vật hệ-lụy đến mình. Xem như Ngài tuy phải chu-du thiên-hạ, để lo thi-hành cái đạo của mình mà không lúc nào trong bụng không vui về cái sinh-thú. Sách Luận-ngữ chép rằng: « Một hôm Tử-Lộ, Tăng-Tích, Nhiễm-Hữu, Công-Tây-Hoa ngồi hầu, Khổng-tử nói rằng: Ta tuy có hơn tuổi các ngươi, nhưng các ngươi đừng vì ta mà nệ, chí mình thế nào, cứ thẳng mà nói. Khi các ngươi bình-cư thường nói: Chẳng ai biết đến ta mà dùng ta. Nếu như có người biết mà dùng, thì các ngươi định làm sao?

Từ-Lộ đứng phắt lên mà thưa ngay rằng: « Một nước nghìn cỗ xe, ở chẹt vào với nước lớn, mà lại thêm có việc binh-đao cùng sự đói kém, giá cho Do này được trị nước ấy, thì chỉ độ ba năm, có thể khiến cho dân nước ấy có lòng dũng-cảm, và biết phương-hướng làm việc nghĩa.

— Phu-tử mỉm cười, rồi hỏi: Cầu thì làm sao?

— Một nước vuông độ sáu bảy mươi dặm, hay năm sáu mươi dặm, giá cho Cầu này trị nước ấy, thì chỉ độ ba năm có thể khiến cho dân được no đủ. Còn đến việc lễ nhạc xin để đợi bậc quân-tử.

— Xích thì làm sao?

— Tôi không dám nói hay, nhưng cũng muốn học. Giá đến việc nhà Tôn-miếu, như lễ Hội-đồng, mặc áo huyền-đoan, đội mũ chương-phủ, thì Xích này xin làm một chức tiểu-tướng.[7]

— Còn Điểm thì làm sao?

Tăng-Điểm lúc ấy đang gảy cái đàn sắt, tiếng đàn thong-thả và hòa-nhã, bỏ đàn xuống, đứng dậy mà thưa rằng: Chí tôi khác hẳn ba anh kia.

— Có ngại gì, chẳng qua người nào cũng nói chí người ấy cả.

— Đến cuối mùa xuân, áo mùa xuân đã may xong, năm sáu người trạc độ hai mươi tuổi, sáu bảy đứa trẻ con, rủ nhau đi tắm sông Nghi, hóng gió nền Vũ-vu, rồi hát mà về.

— Phu-tử thở dài mà than rằng: « Ta cũng thích như Điểm vậy. » (Luận-ngữ: Tiên-tiến XI).

Tử-Lộ nói hăng-hái quá độ, cho nên Ngài mỉm cười có ý chê. Cầu và Xích tuy lời nói có khiêm-tốn, nhưng người nào cũng khu-khu về công việc. Duy chỉ có Điểm là có cái chí thích-hợp với cái sinh-thú ở đời và cái ý « đối thời dục vật 對 時 育 物 », cho nên Khổng-tử mới khen là đồng-chí với mình.

Đạo của Khổng-tử là dạy người ta cầu lấy cái vui ở đời khiến cho lúc nào trong bụng người ta cũng thản-nhiên vui-vẻ, không có lo-sợ buồn-rầu gì cả. Cái gì người ta vui cười, thì mình vui cười như người ta, xong đó rồi thôi, không bận-bịu lo-sợ điều gì nữa. Người quân-tử cứ tùy cảm nhi ứng, tùy ngộ nhi an 隨 感 而 應,隨 遇 而 安 » nghĩa là gặp cái gì cảm đến thì ứng-thuận ngay, gặp cảnh-ngộ nào cũng vui-thú được, « vô nhập nhi bất tự đắc yên 無 入 而 不 自 得 焉: không vào cái cảnh-ngộ nào mà tự mình không có cái thú. » Không lo được lo mất, bao giờ cũng có cái sinh-thú áng-nhiên, thật là một cách ở đời rất vui-thú, rất sung-sướng vậy.

Một hôm thầy Tử-Lộ hỏi Phu-tử rằng: « Người quân-tử có buồn không? — Phu-tử nói rằng: « Vô giã. Quân-tử chi tu hành giã, kỳ vị đắc chi giã, tắc lạc kỳ ý; ký đắc chi, hựu lạc kỳ trị: Hữu chung thân chi lạc, vô nhất nhật chi ưu. Tiểu-nhân tắc bất nhiên, kỳ vị đắc giã, hoạn phất đắc chi, ký đắc chi, hựu khủng thất chi: Thị dĩ hữu chung thân chi ưu, vô nhất nhật chi lạc giã 無 也.君 子 之 修 行 也,其 未 得 之 也,則 樂 其 意;既 得 之,又 樂 其 治:有 終 身 之 樂,無 一 日 之 憂.小 人 則 不 然,其 未 得 也,患 弗 得 之,既 得 之,又 恐 失 之:是 以 有 終 身 之 憂,無 一 日 之 樂 也: Không buồn gì. Cách sửa việc làm của người quân-tử, lúc chưa được đạt cái chí, thì vui ở cái ý muốn của mình. Cả đời lúc nào cũng vui, không có một ngày nào buồn. Kẻ tiểu-nhân thì không thế. Khi chưa được thì lo không được, khi đã được rồi lại sợ mất cái đã được. Bởi thế chỉ lo suốt đời, không có một ngày nào vui vậy. » (Khổng-tử gia-ngữ: Tại-ách, XX).

Khổng-tử thường khen thầy Nhan-Hồi rằng: « Hiền tai Hồi giã! Nhất đan tự, nhất biều ẩm, tại lậu hạng, nhân bất kham kỳ ưu, Hồi giã, bất cải kỳ lạc. Hiền tai Hồi giã! 賢 哉 囘 也!一 簞 食,一 瓢 飲,在 陋 巷,人 不 堪 其 憂,囘 也,不 改 其 樂.賢 哉 囘 也: Hiền vậy thay Nhan-Hồi! Một giỏ cơm, một bầu nước, ở chỗ ngõ hẹp, giá người khác ở vào cảnh ấy, thì lo buồn không chịu được, thế mà Nhan-Hồi không bao giờ đổi cái vui của mình. Hiền vậy thay Nhan-Hồi! (Luận-ngữ: Ung-giã, VI). Cái vui thầy Nhan-Hồi là cái vui Khổng-tử. Ngài muốn dạy người ta cách ăn-ở cho lúc nào cũng có khoái-lạc, làm việc gì cũng theo cái cao-hứng, cái trực-giác mẫn-nhuệ của mình mà làm, làm cho đến kỳ cùng, xong rồi được thế nào lấy thế làm vui thú.

Cầu lấy cái vui là cái vui trong bụng, lúc nào cũng an-nhàn thư-thái, mà vẫn siêng-năng cần-mẫn. Khổng-tử tự tả mình rằng: « Kỳ vi nhân giã, phát phẫn vong thực, lạc dĩ vong ưu, bất tri lão chi tương chí vân nhĩ 其 爲 人 也,發 憤 忘 食,樂 以 忘 憂,不 知 老 之 將 至 云 爾: Ta làm người, hễ có việc gì nghĩ chưa ra, thì nghĩ đến quên ăn, nghĩ ra được, thì vui quên mất cả cái lo, không biết cái già đã sắp đến vậy. » (Luận-ngữ: Thuật-nhi, VII). Xem thế thì biết cái đạo của Khổng-tử cương-nghị là dường nào, và có cái sinh-thú mạnh-mẽ, cái tinh-thần linh-hoạt biết là bao nhiêu!

Đại khái cái tinh-thần của Khổng-giáo là ở cả trong phần hình-nhi-thượng ấy. Do cái tinh-thần ấy mà thành ra cái học hình-nhi-hạ như ta sẽ xét sau này. Nhưng vì phần ấy là phần tâm truyền, phi người đã đắc đạo, không hiểu được. Về sau phần ấy thất-truyền, các học-giả không mấy người lĩnh-hội được hết cái ý-nghĩa, cho nên chỉ khuynh-hướng về những điều thiển-cận, chuyên trị về đường luân-lý thường-hành, dần dần làm thành ra cái học hẹp-hòi, bó-buộc ở những điều vụn-vặt, sai hẳn cái tôn-chỉ hoằng đại cao viễn của Khổng-giáo. Nay những học-giả muốn hiểu rõ Khổng-giáo, thì trước hết phải ngẫm nghĩ và suy xét cho tường-tận phần hình-nhi-thượng-học này, vì đó là phần tối trọng-yếu của Khổng-giáo, rồi sau xem các điều-mục khác ở phần hình-nhi-hạ-học, là phần thực-hành, mới rõ các manh mối và mới không có sự hiểu lầm vậy.

  1. Thiên Khuyến-học trong sách Lễ-ký của Đại-Đái chép rằng: « Tử-Cống hỏi: Quân-tử thấy nước ở sông lớn thì xem là tại sao? — Khổng-tử nói rằng: Nước là quân-tử ví như đức vậy. Cho khắp cả mà không tư, giống như đức; đến đâu thì đó sống, không đến đâu thì đó chết, giống như nhân; trôi chảy xuống chỗ thấp, chảy thẳng, chảy quanh, đều theo lý, giống như nghĩa; ở trên cao trăm trượng chảy xuống khe mà không ngần-ngại, giống như dũng; chỗ cạn thì lưu hành, chỗ sâu thì không lường được, giống như trí; yếu-ớt, mờ nhỏ, mà đâu cũng thấm đến được, giống như sát (soi xét tinh tường); chịu các cái xấu, không từ chối cái nào, giống như bao khỏa thật (bao dung cả mọi vật); cái gì không sạch mà vào nước, thì không mấy cái ra mà không tinh khiết, giống như thiện hóa; đọng thì bằng phẳng, giống như chính; đầy thì không phải gat, giống như có độ; đi chiết khúc bao giờ cũng chảy về đằng đông, giống như có ý. Vậy nên quân-tử thấy nước ở sông lớn thì xem. »
  2. Sách Thượng-thư đại-truyện chép rằng: « Tử-Trương hỏi rằng: Bậc nhân-giả sao mà thích núi? — Khổng-tử nói rằng: Núi cao ngất! núi cao ngất! mà thích, là ở trên núi có cỏ cây sinh ra, có chim muông nảy-nở ra, có của-cải nhiều. Của cải sinh ra mà không để riêng tây, bốn phương đều đến lấy, mà không cho riêng ai. Mây gió ở đó mà ra để làm cho khoang trời đất thông với nhau, âm dương hòa hợp với nhau. Cái ân trạch vũ lộ, muôn vật nhờ đó mà thành, trăm họ nhờ đó mà có ăn. Ấy thế cho nên bậc nhân-giả thích núi vậy. »
  3. Xem trang 109,
  4. Trong sách Luận-ngữ có mấy chữ công 攻 đều nghĩa là đánh, trị. như: « Minh cổ nhi công chi 鳴 鼓 而 攻 之: Đánh trống mà trách tội người ấy. » (Tiên tiến, XI). — Công kỳ ác, vô công nhân chi ác 攻 其 惡,無 攻 人 之 惡: Trị những điều xấu của mình, không trị những điều xấu của người. » (Nhan-Uyên, VII). Về sau hậu-nho hoặc theo ý bài bác Dương Mặc của Mạnh-tử, hoặc đem ý riêng mà giải nghĩa chữ công là chuyên theo, hay là học. Giải nghĩa như thế có lẽ không đúng cái ý của Khổng-tử. Ngài vẫn có cái thái-độ « vô khả vô bất khả ».
  5. Hai chữ phu phụ ở đây ăn nghĩa với câu trên, nói người tầm-thường hèn-hạ. Các tiên-nho đều hiểu như thế cả. Có người nói là vợ chồng thì sai nghĩa sách.
  6. Nghĩa mấy chữ: « Vô khả vô bất khả » cũng như nghĩa câu: « Quân-tử vô nhập nhi bất tự đắc yên », tóm được cả cái tinh-thần của đạo Khổng. Nhưng theo được đạo ấy thật là khó, vì người nào có trí-tuệ minh-đạt, trực-giác mẫn-nhuệ lắm, mới biết được thế nào là vô khả, thế nào là vô bất khả. Muốn hiểu rõ nghĩa mấy chữ ấy, tưởng nên xem những lời bàn của Mạnh-tử rằng: « Khổng-tử khả dĩ sĩ tắc sĩ; khả dĩ chỉ, tắc chỉ; khả dĩ cửu, tắc cửu; khả dĩ tốc, tắc tốc: Nên làm quan thì làm quan; nên thôi thì thôi; nên lâu thì lâu; nên mau thì mau, » (Mạnh-tử: Công-tôn Sửu thượng). Lại có chỗ ông nói rằng: « Khả dĩ thủ, khả dĩ vô thủ, thủ thương liêm; khả dĩ dữ, khả dĩ vô dữ, dữ thương huệ; khả dĩ tử, khả dĩ vô tử, tử thương dũng: Có khi nên lấy, có khi không nên lấy, khi không nên lấy mà lấy là hại cái liêm; có khi nên cho, có khi không nên cho, khi không nên cho mà cho là hại cái huệ; có khi nên chết, có khi không nên chết, khi không nên chết mà chết là hại cái dũng. » (Mạnh-tử: Ly-Lâu hạ) Những lời ấy giải rõ nghĩa mấy chữ: « Vô khả vô bất khả » của Khổng-tử vậy.
  7. Tiểu-tướng 小 相 đây nghĩa là chức tán-lễ để giúp vua trong lúc tế-tự.