Nho giáo/Quyển I/Thiên IV
THIÊN IV
B — HÌNH-NHI-HẠ HỌC
Phần hình-nhi-thượng là phần tinh-thần của Khổng-giáo, phát-hiện ra ở phần hình-nhi-hạ, tức là phần thiết-thực ở đời. Thường những việc hành-động của những người chân-chính nho-học, đều có sở đắc ít nhiều về cái học hình-nhi-thượng, cho nên tuy hai phần có cao thấp khác nhau, nhưng vẫn quan-hệ với nhau mật-thiết lắm. Vậy nay ta trích-lục những lời giảng dạy của Khổng-tử mà các môn-đệ Ngài đã ghi chép ở trong các Kinh, Truyện, đem chia ra thành tiết mục như sau này để cho dễ khảo-cứu:
I.— Quân-tử và tiểu-nhân.
II.— Sự học-vấn và cách thao-thủ của người quân-tử: Sự học-vấn — Tu-thân — Xử-kỷ tiếp-vật — Quan nhân — Bằng-hữu — Bác-ái.
III. — Sự giáo-hóa của Khổng-giáo: Cách lập-giáo của Khổng-tử:
a) Hiếu đễ
b) Lễ nhạc
IV.— Chính-trị: Quan-niệm về chính-trị — Chính danh định phận — Tôn quân-quyền — Thiên-ý và dân-tâm — Quân dân tương thân — Cái thịnh-đức của người quân-tử — Hình chính tương tham — Cư kính hành giản — Thứ, phú, giáo — Kính-cẩn và thận-trọng.
I.— QUÂN-TỬ VÀ TIỂU-NHÂN
Đã nói rằng đạo của Khổng-tử là đạo người quân-tử cốt dạy người ta cho thành người có đức-hạnh hoàn-toàn và có nhân-phẩm tôn-quí, cho nên bao nhiêu những sự dạy dỗ học tập của Khổng-giáo đều chú cả vào sự gây thành người quân-tử. Khổng-giáo chia người ở trong xã-hội ra làm hai hạng là: quân-tử 君 子 và tiểu-nhân 小 人. Quân-tử là quí, là hay; tiểu-nhân là tiện, là dở. Vậy trước khi bàn đến các mục khác, thiết-tưởng nên nói rõ cái tư-cách của người quân-tử và kẻ tiểu-nhân khác nhau thế nào, thì sau xem mới hiểu rõ mọi ý nghĩa.
Người ta sinh-hoạt ở đời bao giờ cũng tựa người hành-khách, lúc nào cũng thấy có hai con đường giao nhau ở trước mặt. Có người biết chọn con đường thẳng mà đi, thì được ung-dung mà chóng đến nơi, có người thì đi con đường cong-queo, thành ra vất-vả mà không bao giờ đến nơi được. Con đường thẳng là con đường đạo-đức nhân-nghĩa, con đường cong-queo là con đường gian-ác quỉ-quyệt. Trong hai con đường đó, ta phải chọn lấy một con đường mà đi. Đi con đường thẳng là người quân-tử, có nhân-cách hoàn-toàn; đi con đường cong là người tiểu-nhân hèn-hạ.
Lúc đầu chữ quân-tử là nói người có địa-vị tôn-quí, mà chữ tiểu-nhân là nói người thường nhân, không có địa-vị gì trong xã-hội. Nghĩa ấy rất rõ ở những câu này: Khổng-tử nói rằng: « Quân-tử học đạo tắc ái nhân, tiểu-nhân học đạo tắc dị sử giã 君 子 學 道 則 愛 人,小 人 學 道 則 易 使 也: Quân-tử học đạo thì yêu người, tiểu-nhân học đạo thì dễ khiến. » (Luận-ngữ: Dương-Hóa, XVII). — Quân-tử nghĩa dĩ vi thượng. Quân-tử hữu dũng nhi vô nghĩa vi loạn, tiểu-nhân hữu dũng nhi vô nghĩa vi đạo 君 子 義 以 爲 上.君 子 有 勇 而 無 義 爲 亂,小 人 有 勇 而 無 義 爲 盜: Quân-tử chuộng nghĩa. Quân-tử có dũng mà không có nghĩa thì làm loạn, tiểu-nhân có dũng mà không có nghĩa thì làm đúa ăn trộm. » (Luận-ngữ: Dương-Hóa, XVII).
Về sau dùng rộng nghĩa ra, gọi quân-tử là người có đức-hạnh tôn-quí, và gọi tiểu-nhân là người có chí khí hèn-hạ. Vậy người quân-tử theo nghĩa rộng, thì dẫu bần cùng khổ sở cũng là quân-tử, mà người tiểu-nhân tuy có quyền tước sang trọng, cũng vẫn là tiểu-nhân. Người đi học cũng vậy, có người nho quân-tử, có người nho tiểu-nhân. Khổng-tử bảo thầy Tử-Hạ rằng: « Nhữ vi quân-tử nho, vô vi tiểu-nhân nho 女 爲 君 子 儒,無 爲 小 人 儒: Ngươi làm nho quân-tử, không làm nho tiểu-nhân. » (Luận-ngữ: Ung-giã, VI). Nho quân-tử là người học đạo thánh-hiền, để sửa mình cho thành người có phẩm-giá tôn-quí, dẫu bần cùng cũng không làm điều trái đạo. Nho tiểu-nhân là người mượn tiếng học đạo thánh-hiền để cầu danh, cầu lợi, miệng nói những điều đạo-đức, mà bụng nghĩ làm những việc bất-nhân bất-nghĩa.
Khổng-tử phân biệt thế nào là quân-tử, thế nào là tiểu-nhân, Ngài nói rằng:
« Quân-tử thượng đạt, tiểu-nhân hạ đạt 君 子 上 達,小 人 下 達: Quân-tử đạt về cái lý cao minh, tiểu-nhân đạt về cái lý đê hạ. » (Luận-ngữ: Hiến-vấn, XIV). Quân-tử bao giờ cũng theo thiên-lý, cho nên tâm tính thanh-minh, nghĩa lý sáng rõ, biết điều gì là càng ngày càng tinh-thâm, làm việc gì là càng ngày càng thuần-thục, bởi vậy mới tiến lên chỗ cao minh. Tiểu-nhân bao giờ cũng theo nhân-dục, cho nên cái chí khí mờ tối, cứ bị vật dục sai khiến, biết cái gì càng ngày càng sai lầm, làm điều gì càng ngày càng càn-rỡ, bởi vậy mới trụy-lạc về đường đê hạ.
« Quân-tử dụ ư nghĩa, tiểu-nhân dụ ư lợi 君 子 喩 於 義,小 人 喩 於 利: Quân-tử hiểu rõ chưng nghĩa, tiểu-nhân hiểu rõ chưng lợi.» (Luận-ngữ: Lý-nhân, IV). Nghĩa, là cái chính-đáng của thiên-lý; lợi, là cái ham-mê của nhân-dục. Người quân-tử hiểu sâu việc nghĩa, cho nên mới dốc lòng muốn làm việc nghĩa; kẻ tiểu-nhân hiểu sâu việc lợi, cho nên mới dốc lòng lo làm việc lợi. Làm việc nghĩa mà có lợi là chính-đáng, làm việc lợi mà quên việc nghĩa là trái lẽ.
« Quân-tử trung-dung tiểu-nhân phản trung-dung 君 子 中 庸,小 人 反 中 庸: Quân-tử thì trung-dung, tiểu-nhân thì trái trung-dung ». (Trung dung). Quân-tử hiểu suốt đến cái lẽ rất cao xa, rồi chọn cái vừa phải mà theo, cho nên mới trung-dung. Tiểu-nhân chỉ biết cái tư lợi mà không biết cái lý cao xa, cho nên chỉ làm những việc tầm-thường mà thôi, thành ra bao giờ cũng trái với trung-dung.
« Quân-tử cầu chư kỷ, tiểu-nhân cầu chư nhân 君 子 求 諸 己,小 人 求 諸 人: Quân-tử cầu ở mình, tiểu-nhân cầu ở người. » (Luận-ngữ: Vệ Linh-công, XV). Cầu ở mình là chỉ cầu cái thực có của mình, cầu ở người là chỉ cầu cái hư-danh đối với người. Cầu ở mình thì cái đức càng ngày càng tiến lên, cầu ở người thì cái lòng muốn càng ngày càng buông xổng ra.
« Quân-tử thái nhi bất kiêu, tiểu-nhân kiêu nhi bất thái 君 子 泰 而 不 驕,小 人 驕 而 不 泰: Quân-tử thư-thái mà không kiêu-căng, tiểu-nhân kiêu-căng mà không thư-thái. » (Luận-ngữ: Tử-Lộ, XIII). Cái bụng của quân-tử chỉ theo cái lý tự-nhiên, cho nên lúc nào cũng yên-nhàn tự-đắc, không có cái gì là căng kỷ ngạo vật. Cái bụng kẻ tiểu-nhân chỉ thích cái muốn của mình, cho nên khi đắc chí thì tỏ ra mặt khoe-khoang kiêu-ngạo, không có cái thái-độ thung-dung như người quân-tử.
« Quân-tử hòa nhi bất đồng, tiểu-nhân đồng nhi bất hòa 君 子 和 而 不 同,小 人 同 而 不 和: Quân-tử hòa với mọi người mà không về hùa với ai, tiểu-nhân thì về hùa với mọi người mà không hòa với ai. » (Luận-ngữ: Tử-Lộ, XIII). Quân-tử chỉ chuộng nghĩa, để bụng vào việc công, cho nên đối với người chỉ theo cái lý công-nhiên mà phân biệt những điều phải trái hay dở, để hòa với mọi người, chứ không a-dua với ai cả. Tiểu-nhân chỉ chuộng lợi, để bụng vào việc tư, cho nên đối với người chỉ a-dua theo bọn này đảng kia, để chống với người, thành ra chỉ đồng mà không hòa vậy.
« Quân-tử chu nhi bất tỉ, tiểu-nhân tỉ nhi bất chu 君 子 周 而 不 比,小 人 比 而 不 周: Quân-tử chung khắp cả mọi người mà không tây-vị, tiểu-nhân tây-vị mà không chung. » (Luận-ngữ: Vi-chính, II). Cái bụng người quân-tử bao giờ cũng công-nhiên, cho nên xem thiên-hạ như một nhà, xem mọi người như một mình, ai đáng yêu thì yêu, không đợi có theo mình mới yêu, đáng làm ơn cho ai thì làm, không đợi có cầu đến mình mới làm, việc gì cũng lấy lòng quảng-đại công-chính mà không hề có điều thiên-tư. Cái bụng kẻ tiểu-nhân thì chỉ biết tư-lợi, hễ thấy ai có thần-thế thì phan-phụ vào, hoặc thấy ở đâu có lợi lộc thì xu-hướng về, hoặc bè nọ đảng kia để giao kết làm điều gian ác, bỏ mất cái công nghĩa.
« Quân-tử thản đãng-đãng, tiểu-nhân trường thích-thích 君 子 坦 蕩 蕩,小 人 長 戚 戚: Quân-tử bao giờ trong bụng cũng phẳng lồng-lộng, tiểu-nhân bao giờ trong bụng cũng lo ngay-ngáy. » (Luận-ngữ: Thuật-nhi, VII). Quân-tử theo thiên-lý cho nên lúc nào cũng thư-thái, tiểu-nhân bị vật-dục sai khiến, lúc nào cũng phải lo nghĩ để cầu danh cầu lợi, cho nên suốt đời chỉ những lo buồn.
« Quân-tử cố cùng, tiểu-nhân cùng tư lạm hỹ 君 子 固 窮,小 人 窮 斯 濫 矣: Quân-tử cố giữ lúc khốn cùng, tiểu-nhân phải lúc khốn cùng thì làm bậy. » (Luận-ngữ: Vệ Linh-công, XV). Quân-tử phải lúc khốn cùng thì cứ lấy nghĩa mệnh mà tự yên; tiểu-nhân phải lúc khốn cùng thì không nghĩ gì đến lễ nghĩa đạo lý nữa, điều bậy-ba thế nào cũng làm được.
« Quân-tử bất khả tiểu tri, nhi khả đại thụ giã; tiểu-nhân bất khả đại thụ, nhi khả tiểu tri giã 君 子 不 可 小 知,而 可 大 受 也;小 人 不 可 大 受,而 可 小 知 也: Quân-tử không thể biết được cái nhỏ mà có thể chịu được cái lớn vậy; tiểu-nhân không có thể chịu được cái lớn, mà có thể biết được cái nhỏ vậy. » (Luận-ngữ: Vệ Linh-công, XV). Quân-tử đối với việc nhỏ mọn vị tất đã làm được, nhưng cái tài đức có thể đương được việc to lớn; tiểu-nhân tuy có cái khí lượng hẹp-hòi, nhưng đối với việc nhỏ có cái sở trường khả thủ được.
« Quân-tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác; tiểu-nhân phản thị 君 子 成 人 之 美,不 成 人 之 惡;小 人 反 是: Quân-tử gây thành cái hay cho người ta, không gây thành cái ác cho người ta; tiểu-nhân không thế. » (Luận-ngữ: Nhan-Uyên, XII). Lòng người quân-tử vốn hậu mà cái sở hiếu chỉ ở sự thiện, cho nên thấy ai làm điều hay thì khuyến miễn người ta cố gắng làm hay hơn nữa, hoặc thấy ai làm điều ác thì can ngăn, không để cho người ta làm thành điều ác được. Lòng kẻ tiểu-nhân vốn bạc, mà cái sở hiếu chỉ ở điều ác, cho nên thấy ai làm điều ác, thì xui khiến để cho thành ra ác, hoặc thấy ai làm điều thiện thì lại ghen ghét, kiếm cách ngăn trở để cho không thành được điều thiện, bởi thế mới trái với người quân-tử.
« Quân-tử dị sự nhi nan duyệt giã, duyệt chi bất dĩ đạo, bất duyệt giã, cập kỳ sử nhân giẫ, khí chi; tiểu nhân nan sự, nhi dị duyệt giã, duyệt chi bất dĩ đạo, duyệt giā, cập kỳ sử nhân giã, cầu bị yên 君 子 易 事,而 難 說 也,說 之 不 以 道,不 說 也,及 其 使 人 也,器 之;小 人 難 事,而 易 說 也,說 之 不 以 道,說 也,及 其 使 人 也,求 備 焉: Quân-tử dễ thờ mà khó làm cho đẹp lòng, vì không lấy đạo làm cho đẹp lòng, thì không đẹp lòng, kịp đến dùng người thì tùy tài mà dùng; tiểu-nhân khó thờ mà dễ làm cho đẹp lòng, vì không lấy đạo làm cho đẹp lòng, cũng đẹp lòng, kịp đến dùng người thì cầu toàn trách bị. » (Luận-ngữ: Tử-Lộ, XIII), Cái tâm của quân-tử công và thứ. Công thì chuộng những điều trung-chính, dẫu ai có đem những điều trái đạo lý mà làm cho đẹp lòng, cũng không ưa, vậy nên khó làm cho đẹp lòng được. Còn cách dùng người thì lấy lòng thứ mà đãi, tùy cái tài khí của từng người mà dùng, chứ không bỏ ai cả, vậy nên dễ thờ. Cái tâm của tiểu-nhân tư và khắc. Tư thì chuộng những điều không chính, cho nên dầu không theo đạo lý mà cũng làm cho đẹp lòng được. Còn cách dùng người thì lấy lòng khắc mà đãi, dùng ai thì muốn nguời ấy thật toàn-bị mới nghe, cho nên khó thờ.
« Quân-tử nhi bất nhân giả, hữu hỹ phù? Vị hữu tiểu-nhân nhi nhân giả giã 君 子 而 不 仁 者,有 矣 夫?未 有 小 人 而 仁 者 也: Quân-tử mà bất-nhân, có vậy chăng? Chưa có tiểu-nhân mà nhân vậy. » (Luận-ngữ: Hiến-vấn, XIV). Bậc nhân-giả là thuận theo thiên-lý, chứ không có một hào ly gì là tư-dục. Người quân-tử phải để chí ở đạo nhân, đáng lẽ là không lúc nào bất-nhân được, song trong khoảng dây phút, có lúc tâm bất tại, thì cái thiên-lý gián-đoạn đi, mà làm điều bất-nhân, điều ấy có khi có chăng. Còn kẻ tiểu-nhân thì đã mất cái bản-tâm và bỏ hết cái thiên-lý rồi, dẫu một đôi khi cái thiên-lý có phát-hiện ra nữa, thì cũng không thắng được cái tư-dục, cho nên kẻ tiểu-nhân không bao giờ có nhân.
Khổng-tử chia nhân-loại ra làm hai hạng người như thế. Quân-tử chủ ở sự theo thiên-lý để làm những điều công chính, tiểu-nhân chủ ở sự theo tư-dục để làm những điều tàt khúc. Một đường thì làm cho tôn cái phẩm-giá của mình lên, một đường thì làm cho hạ cái phẩm-giá của mình xuống. Ai muốn theo đường nào, cũng tùy ở cái chí của mình cả.
Người quân-tử bao giờ cũng ôn-nhã, tĩnh trọng, không hề làm điều gì là không hợp lē phải. Khổng-tử nói rằng:
« Quân-tử bất ưu, bất cụ 君 子 不 憂 不 懼: Quân-tử không lo không sợ. » (Luận-ngữ: Nhan-Uyên, XII). Người quân-tử làm việc gì cũng theo đạo lý, tự xét trong bụng không có hối-hận thì còn lo và sợ gì nữa.
« Quân-tử ưu đạo bất ưu bần 君 子 憂 道 不 憂 貧: Quân-tử lo đạo, không lo nghèo, » (Luận-ngữ: Vệ Linh-công, XI). Người quân-tử lấy sự học đạo làm gốc, cho nên chỉ lo không đạt tới đạo, chứ không lo có lợi lộc hay không có lợi lộc.
« Quân-tử bất khí 君 子 不 器: Quân-tử tùy nghi làm việc gì cũng được, chứ không chỉ có một tài một nghệ mà thôi. » (Luận-ngữ: Vi-chính, II), Khí là cái đồ dùng về một việc gì, chứ không dùng làm các việc khác được. Người quân-tử không như thế, dùng làm được cả mọi việc.
« Quân-tử căng nhi bất tranh, quần nhi bất đảng 君 子 矜 而 不 爭,羣 而 不 黨: Quân-tử nghiêm-trang mà không tranh với ai, hợp quần với mọi người mà không bè đảng. » (Luận-ngữ: Vệ Linh-công, XV). Quân-tử tự mình nghiêm-nghị theo cái lý công-nhiên mà đối với người, chứ không thiên-tư, cho nên không tranh dành với ai. Xử với người thì thân-ái cả mọi người, không vị tình riêng mà a-tùng theo đảng, theo bọn, để cầu lợi riêng.
« Quân-tử vô sở tranh, tất giã xạ hồ! Ấp nhượng nhi thăng, hạ nhi ẩm, kỳ tranh giã quân-tử 君 子 無 所 爭,必 也 射 乎!揖 讓 而 升,下 而 飲,其 爭 也 君 子: Quân-tử không tranh gì cả, mà có tranh nữa, thì ắt là như việc bắn thi chăng! Vái nhường rồi mới lên thềm, xuống thềm mời nhau uống rượu, sự tranh ấy là sự tranh quân-tử. » (Luận-ngữ: Bát-dật, III). Người quân-tử có vì đạo-lý mà tranh luận điều gì, thì cũng theo cái nghĩa lễ-nhượng cung-kính để không mất đạo trung. Tranh luận mà vẫn ung-dung khiêm-tốn như lệ tập bắn đời xưa, nghĩa là tranh nhau, nhưng vẫn giữ cách tranh nhau của người quân-tử, chứ không như cách tranh nhau của kẻ tiểu-nhân, lấy tư tình khách khí mà đối với người.
« Quân-tử dục nột ư ngôn, nhi mẫn ư hành 君 子 欲 訥 於 言,而 敏 於 行: Quân-tử muốn nói thì chậm mà làm thì nhanh. » (Luận-ngữ: Lý-nhân, IV). Nói thì dễ, mà hay hỏng ở chỗ nói quá sự thực; làm thì khó, mà hay hỏng ở chỗ làm không cố hết sức, bởi vậy người quân-tử muốn nói chậm mà làm nhanh.
« Quân-tử trinh nhi bất lượng 君 子 貞 而 不 諒: Quân-tử cố giữ điều ngay chính mà không cố chấp những điều tiểu tín. » (Luận-ngữ: Vệ Linh-công, XV). Quân-tử giữ bền cái chí theo lẽ công-chính, không bao giờ thay đổi, cho nên gọi là trinh, và không khăng khăng một mực cố chấp một điều tiểu tín, cho nên gọi là bất lượng.
« Quân-tử thượng giao bất siểm, hạ giao bất độc 君 子 上 交 不 諂,下 交 不 讀: Quân-tử giao với người trên thì không nịnh, giao với người dưới thì không nhàm. » (Dịch: Hệ-từ hạ). Giao với người trên thì kính, nhưng kính quá thành ra siểm; giao với người dưới thì hòa, nhung hòa quá thành ra nhàm. Người quân-tử không siểm và không nhàm.
« Quân-tử kiến cơ nhi tác 君 子 見 幾 而 作: Quân-tử xem cơ màu mà động-tác. » (Dịch: Hệ-từ hạ). Cơ là phần tinh-vi nảy ra lúc sắp động, người quân-tử phải xem xét suy nghĩ cho cẩn-thận, để lúc làm việc gì thì biết rõ cái cơ có làm được hay không. Có cái cơ làm được mà không làm là dại, chưa có cái cơ làm được mà làm cũng là dại, không phải là người quân-tử.
« Quân-tử kính dĩ trực nội, nghĩa dĩ phương ngoại 君 子 敬 以 直 內,義 以 方 外: Quân-tử chủ ở sự kính để giữ cái bụng cho thẳng, giữ điều nghĩa để khiến các việc ở ngoài cho có khuôn phép. » (Dịch: Văn-ngôn truyện). Kính là chủ ở sự hàm-dưỡng ở trong bụng cho ngay chính, nghĩa là chủ ở sự thi-thố ra ngoài cho hợp đạo lý.
« Quân-tử chi ư thiên-hạ giã, vô thích giã, vô mịch giã, nghĩa chi dữ tỉ 君 子 之 於 天 下 也,無 適 也,無 莫 也,義 之 與 比: Quân-tử đối với việc thiên-hạ, không chuyên-chú một việc nào, không cố-chấp không làm một việc nào, cứ theo cái công-chính mà làm mọi việc. » (Luận-ngữ: Lý-nhân, IV). Thích là có việc không nên làm mà cứ chuyên-chú làm cho được; mịch là có việc nên làm mà cứ theo cái tư ý cố-chấp không làm. Thích với mịch đều trái với nghĩa. Người quân-tử thì không thế, đối với việc trong thiên-hạ cứ theo cái nghĩa mà làm, chứ không khăng khăng một mực giữ cái tư ý định trước. Vậy nên việc của người quân-tử làm bao giờ cũng công-chính.
« Quân-tử nghĩa dĩ vi chất: lễ dĩ hành chi, tốn dĩ xuất chi, tín dĩ thành chi, quân-tử tai! 君 子 義 以 爲 質:禮 以 行 之,孫 以 出 之,信 以 成 之,君 子 哉!Quân-tử lấy nghĩa làm cốt: lấy lễ mà làm, lấy khiêm-tốn mà thi-thố ra, lấy lòng tin mà thành-tựu, thật là quân-tử vậy thay! » (Luận-ngữ: Vệ Linh-công, XV). Nghĩa là cái gốc của muôn sự, cho nên bao giờ cũng phải lấy nghĩa làm cốt. Làm điều nghĩa thì cần có tiết văn, thi-thố điều nghĩa ra thì cần có tốn-nhượng, thành được điều nghĩa là ở sự thành-thực. Đó mới thật là việc người quân-tử.
« Quân-tử động nhi thế vi thiên-hạ đạo, hành nhi thế vi thiên-hạ pháp, ngôn nhi thế vi thiên-hạ tắc, viễn chi tắc hữu vọng, cận chi tắc bất yếm 君 子 動 而 世 爲 天 下 道,行 而 世 爲 天 下 法,言 而 世 爲 天 下 則,遠 之 則 有 望,近 之 則 不 厭: Quân-tử cử-động có thể đời đời làm đạo cho thiên-hạ, hành-vi có thể đời đời làm khuôn phép cho thiên-hạ, nói-năng có thể đời đời làm chuẩn-tắc cho thiên-hạ, người ở xa có trông mong, người ở gần không bao giờ chán. » (Trung-dung).
« Quân-tử chi đạo, đạm nhi bất yếm, giản nhi văn, ôn nhi lý 君 子 之 道,淡 而 不 厭,簡 而 文,溫 而 理: Đạo của quân-tử nhạt mà không chán, giản-dị mà có văn-vẻ, ôn-hòa mà hợp lý. » (Trung-dung). Đạo của quân-tử mới đầu tưởng là đạm-bạc, nhưng lâu càng hiểu ra càng lấy làm hay, cho nên không chán; đạo ấy giản-dị mà biện biệt rõ các nghĩa lý, cho nên mới có văn; ôn-nhuận mà chính-trực cho nên mới hợp lý.
Đạo quân-tử cao thâm thanh nhã như vậy, ai muốn theo thì phải lập chí mà học tập. Khổng-tử nói rằng: « Quân-tử bất trọng, tắc bất uy, học tắc bất cố. Chủ trung tín, vô hữu bất như kỷ giả, quá tắc vật đạn cải 君 子 不 重,則 不 威,學 則 不 固.主 忠 信,無 友 不 如 己 者,過 則 勿 憚 改: Quân-tử không hậu-trọng thì không uy-nghiêm, học không kiên-cố. Chủ ở sự trung tín, không bạn với người không làm điều nhân như mình, có điều lỗi thì chớ sợ tìm cách mà sửa đổi. » (Luận-ngữ: Học-nhi, I). Quân-tử phải gây nuôi lấy phần thâm-hậu ở trong cho trịnh-trọng, thì rồi cái giáng điệu ở ngoài mới có vẻ uy-nghiêm, và sự học của mình mới được kiên-cố. Nếu ở trong mà khinh-phù thì ở ngoài không có uy-nghiêm mà sự học của mình không có gì là chắc-chắn. Giữ được như thế rồi, cứ lấy trung tín làm chủ, tìm bạn hay hơn mình mà học tập, hễ thấy mình có điều gì sai lầm là phải sửa đổi ngay. Ấy là cách học-tập và tu-dưỡng rất hay vậy.
Người quân-tử hành đạo cốt ở thân mình, làm việc gì sai lầm là mình phải tự trách mình, tựa như người đi tập bắn, bắn không trúng bia là tại mình ngắm không ngay. Vậy nên Khổng-tử nói rằng: « Xạ hữu tự hồ quân-tử, thất chư chính hộc, phản cầu chư kỳ thân 射 有 似 乎 君 子,失 諸 正 鵠,反 求 諸 其 身: Người tập bắn cũng tựa như người quân-tử, bắn không trúng bia thì tự xét lại mình. » (Trung-dung).
Người quân-tử thấy điều thiện là phải cố làm cho được, thấy điều ác thì phải sợ hãi, như lời cổ nhân đã nói: « Kiến thiện như bất cập, kiến bất thiện như thám thang 見 善 如 不 及,見 不 善 如 探 湯: Thấy điều thiện phải cố làm như là theo không kịp, thấy điều bất thiện thì phải sợ hãi như thò tay vào nước sôi.» (Luận-ngữ: Quí-thị, XVI).
Học làm quân-tử thì phải thành-thực không bao giờ tự mình dối mình mà làm hại cái biết của mình. Khổng-tử nói rằng: « Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri giã 和 之 爲 知 之,不 知 爲 不 知,是 知 也: Cái gì biết thì cho là biết, cái gì không biết thì chịu là không biết, ấy là biết vậy.» (Luận-ngữ: Vi-chính, II). Sự lý trong thiên-hạ vô cùng, ta không thể biết hết được. Vậy cái gì quả thật ta biết thì ta nhận là biết; cái gì ta không biết thì ta không nhận là biết. Như thế tuy có điều ta không biết, nhưng cái bản tâm của ta vẫn không tự khi, mà cái bản-thể chân-thực của sự biết cũng không bị mờ tối, ấy là sự biết đó rồi. Lấy cái tâm thành-thực ấy mà đối với sự học-vấn để biện-biệt sự phải trái, để suy nghĩ điều hay dở, thì sự biết của ta mới có thể tiến được.
Muốn là quân-tử thì phải giữ đủ cả phần chất-phác ở trong và phần văn-hoa ở ngoài, đừng để chếch-lệch về phần nào. Khổng-tử nói rằng: « Chất thắng văn tắc dã, văn thắng chất tắc sử; văn chất bân bân, nhiên hậu quân-tử 質 勝 文 則 野,文 勝 質 則 史;文 質 彬 彬,然 後 君 子: Chất hơn văn thì quê mùa, văn hơn chất thì kém lòng thành-thực, văn chất đều đều nhau, nhiên hậu mới thật là quân-tử.» (Luận-ngữ: Ung-giã, VI). Chất-phác mà quá hơn văn-vẻ là thô-lỗ, văn-vẻ mà quá hơn chất-phác là hào-nháng bề ngoài, trong không có gì là thực, bởi vậy phải có văn và có chất đều nhau, đừng để bên nọ hơn bên kia, thì mới thật là quân-tử vậy.
Người quân-tử thật là hoàn-toàn thì rất khó. Thầy Tử-Lộ hỏi Khổng-tử thế nào là người hoàn-toàn, Ngài nói rằng: « Kiến lợi tư nghĩa, kiến nguy thụ mệnh, cửu yêu bất vong bình sinh chi ngôn, diệc khả dĩ vi thành nhân hỹ 見 利 思 義,見 危 授 命,久 要 不 忘 平 生 之 言,亦 可 以 爲 成 人 矣: Thấy lợi nghĩ đến nghĩa, thấy sự nguy-cấp thì trao mệnh mình mà chống lại, lời giao-ước đã lâu năm mà không quên, người ấy cũng khá cho là người hoàn-toàn vậy. » (Luận-ngữ: Hiến-vấn, XIV). Thầy Nhan-Uyên hỏi cái đức-hạnh của người hoàn-toàn là thế nào. Khổng-tử nói rằng: « Thành nhân chi hạnh, đạt hồ tình tính chi lý, thông hồ vật loại chi biến, tri u minh chi cố, đổ du khí chi nguyên, nhược thử khả tắc vị thành nhân. Ký tri thiên-đạo, hành thân dĩ nhân nghĩa, sức thân dĩ lễ nhạc. Phù nhân nghĩa lễ nhạc, thành nhân chi hạnh giã, cùng thần tri hóa, đức chi thịnh giã 成 人 之 行 達 乎 情 性 之 理,通 乎 物 類 之 變,知 幽 明 之 故,睹 遊 氣 之 源,若 此 可 則 謂 成 人.旣 知 天 道,行 身 以 仁 義,飾 身 以 禮 樂.夫 仁 義 禮 樂,成 人 之 行 也,窮 神 知 化,德 之 盛 也: Đức-hạnh của bậc thành-nhân là: đạt cái lý của tình tính, suốt cái biến của vật loại, biết cái cớ u-minh, rõ cái nguồn du-khí (như là sống chết hồn phách), như thế gọi là bậc thành-nhân. Đã biết đạo Trời, lại đem mình làm những điều nhân nghĩa, trang sức mình bằng lễ nhạc. Nhân nghĩa lễ nhạc là cái hạnh của bậc thành-nhân, cùng thần tri hóa, cái đức đến thế thật là thịnh vậy. » (Khổng-tử tập-ngữ: Sở phạt Trần, XVIII).
Cái phẩm-giá của bậc người quân-tử hoàn-toàn cao như thế, sự học-vấn rộng như thế, không thể lấy cái tư-cách của hạng người tầm-thường chỉ bo bo những việc thiển-cận trước mắt mà ví được. Vậy nên người đi học, muốn theo đạo của người quân-tử, cần phải cố gắng lắm.
II. — SỰ HỌC-VẤN VÀ CÁCH THAO-THỦ
CỦA NGƯỜI QUÂN-TỬ
Sự học-vấn. — Cái chủ-đích của Khổng-giáo là để dạy người ta cho thành người nhân nghĩa trung chính, tức là người quân-tử. Song có dạy mà không có học, thì dẫu sự dạy hay thế nào mặc lòng, cũng không sao thành công được. Vậy nên Khổng-giáo lấy sự học làm một điều rất trọng-yếu.
Sự học của cổ nhân không phải như sự học của số nhiều người thường ngày nay vẫn hiểu. Cổ nhân nói học là cốt học đạo của thánh hiền để hiểu nghĩa lý, biết phải trái, mà sửa mình cho thành người có đức-hạnh, chứ không chỉ vụ lấy biết nghề kiếm ăn. Sách Lễ-ký nói rằng: « Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học, bất tri đạo 玉 不 琢 不 成 器,人 不 學 不 知 道: Ngọc không dũa không thành đồ, người không học không biết đạo. » (Học-ký, XVIII). Bởi vậy cho nên thầy Tử-Lộ nói rằng: « Quân-tử học dĩ trí kỳ đạo 君 子 學 以 致 其 道: Người quân-tử học để hiểu rõ cái đạo. » (Luận-ngữ: Tử-Trương, XIV). Người ta học có hiểu tới đạo, thì mới biết cách thao-thủ, để có cái phẩm-giá đạo đức hơn người thường.
Sự học của quân-tử sở chủ ở điều gì? Khổng-tử dạy người ta phải giữ cái tâm cho trung-chính và việc làm cho thành-thực, để sự biết và việc làm hợp làm một, trong ngoài không có hai. Ngài nói rằng: « Quân-tử tiến đức tu nghiệp. Trung tín, sở dĩ tiến đức giã; tu từ, lập kỳ thành, sở dĩ cư nghiệp giã. Tri chí chí chi, khả dữ cơ giã; tri chung chung chi, khả dữ tồn nghĩa giã 君 子 進 德 修 業.忠 信,所 以 進 德 也;修 辭,立 其 誠,所 以 居 業 也.知 至 至 之,可 與 幾 也;知 終 終 之,可 與 存 義 也: Quân-tử tiến đức tu nghiệp. Trung tín là để tiến đức; tu tỉnh ngôn từ, lập cái thành-thực của mình, là để giữ vững cái nghiệp vậy. Biết chỗ đến mà đến chỗ ấy, là có thể gần cái đức; biết chỗ cuối cùng mà suốt đời giữ vững là có thể giữ cho còn cái nghĩa vậy. » (Dịch: Văn-ngôn truyện). Lời ấy thật là quan-trọng, chư nho thường cho là sự trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, đều căn-bản ở đó vậy. Trung tín chủ ở tâm; tu từ, lập kỳ thành chủ ở sự thực-hành. Tri chí chí chi là việc tiến đức, tức là trí tri; tri chung chung chi là việc tu nghiệp, tức là lực-hành. Tri chí là biết cái chỗ đến của đạo; chí chi là thực-hành mà nghiệm cái biết của mình. Tri chung là thấy rõ chỗ cùng cực của đạo; chung chi là cố lực-hành cho đến chỗ qui-túc, nghĩa là chỗ trọn đời ở mãi được. Ấy là tri mà hành, hành mà tri, hai bên giao với nhau mà cảnh-phát lẫn nhau, thì cái đạo càng ngày càng sáng rõ. Đó thật là cái thủy chung việc học của quân-tử vậy.
Sự học ấy cần phải lấy sự học đạo làm đầu và lấy sự học nghệ-thuật làm thứ. Khổng-tử nói rằng: « Đệ-tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân, hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn 弟 子 入 則 孝,出 則 弟,謹 而 信,汎 愛 衆 而 親 仁,行 有 餘 力,則 以 學 文: Người đi học vào thì hiếu, ra thì đễ, cẩn mà tín, yêu mến mọi người mà thân-cận người có nhân, làm được những điều ấy rồi có thừa sức thì mới học văn. » (Luận-ngữ: Học-nhi, I). Chữ văn đây nói gồm cả lục nghệ là: lễ, nhạc, xạ, ngự, thư số, tức là các nghệ-thuật của người ta thực-hành ở đời vậy.
Cái học hoàn-toàn của Khổng-giáo nói rút lại là: « Chí ư đạo, cứ ư đức, y ư nhân, du ư nghệ 志 於 道,據 於 德,依 於 仁,游 於 藝: Để chí vào cái đạo, giữ lấy cái đức, tựa vào cái nhân, ưu-du ở nghệ-thuật. » « Luận-ngữ: Thuật-nhi, VII). Nghĩa là cái đạo của Khổng-tử không phải là chỉ học đạo-đức mà thôi, nhưng vẫn chuộng cả sự tinh-thông lục nghệ để sinh-hoạt ở đời nữa.
Người quân-tử bao giờ cũng muốn có đức, song phải có học, thì các đức mới thật là tốt, là hay. Khổng-tử nói rằng : « Hiếu nhân bất hiếu học, kỳ tế giã ngu; hiếu trí bất hiếu học, kỳ tế giã đãng; hiếu tín bất hiếu học, kỳ tế giã tặc, hiếu trực bất hiếu học, kỳ tế giã giảo; hiếu dũng bất hiếu học, kỳ tế giã loạn; hiếu cương bất hiếu học, kỳ tế giã cuồng 好 仁 不 好 學,其 蔽 也 愚;好 知 不 好 學,其 蔽 也 蕩;好 信 不 好 學,其 蔽 也 賊;好 直 不 好 學,其 蔽 也 絞;好 勇 不 好 學,其 蔽 也 亂;好 剛 不 好 學,其 蔽 也 狂: Muốn nhân mà không muốn học, thì bị cái che-mờ là ngu; muốn trí mà không muốn học, thì bị cái che-mờ là cao kỳ thái quá; muốn tín mà không muốn học, thì bị cái che-mờ là hại nghĩa; muốn trực mà không muốn học, thì bị cái che-mờ là ngang ngạnh; muốn dũng mà không muốn học, thì bị cái che-mờ là loạn; muốn cương mà không muốn học, thì bị cái che-mờ là táo bạo khinh suất. » (Luận-ngữ: Dương-Hóa, XVII). Nhân, trí, tín, trực, dũng, cương, đều là đức tốt, nhưng chỉ muốn có những đức ấy, mà không muốn học, để hiểu cho rõ cái lý thế nào mới thật là hay là phải, thì muốn nhân lại bị lòng ái che-mờ làm cho thành ra ngu; muốn trí lại bị cái trí làm cho muốn cái cùng cao cực viễn, thành ra đãng; muốn tín lại bị cái tín làm cho hẹp-hòi cố-chấp, thành ra hại nghĩa; muốn trực lại bị cái trực làm cho chướng, thành ra nóng-nảy ngang-ngạnh; muốn dũng lại bị cái dũng làm cho phóng tứ, thành ra loạn; muốn cương lại bị cái cương làm cho gàn dở, thành ra ngông cuồng. Như thế là muốn có đức tốt, mà vì không học cho nên thành ra dở. Vậy nên phải cần có học mới biết thế nào là thật nhân, thật trí, thật tín, thật trực, thật dũng, thật cương.
Khổng-tử là người rất chuyên-cần về việc học. Ngài nói rằng: « Ngô thường chung nhật bất thực, chung dạ bất tẩm dĩ tư, vô ích, bất như học giã 吾 嘗 終 日 不 食,終 夜 不 寢 以 思,無 益,不 如 學 也: Ta thường suốt ngày không ăn, suốt đêm không ngủ để suy nghĩ, vô-ích, không bằng học. » (Luận-ngữ: Vệ Linh-công, XV). Song phải biết rằng học phải có suy nghĩ thì mới hay, không thì thành ra mờ tối, không biết được các lẽ. Vậy nên Ngài nói rằng: « Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi 學 而 不 思 則 罔,思 而 不 學 則 殆: Học mà không nghĩ, thì mờ tối chẳng hiểu gì, nghĩ mà không học thì khó nhọc, mất công không.» (Luận-ngữ: Vi-chính, II).
Sự học cũng như việc trồng lúa, có cây lúa mọc lên mà không tốt, có cây tốt mà không có hạt. Người đi học cũng vậy, có người đi học mà không giỏi, có người học giỏi mà cái hạnh không ra gì. Vậy nên người đi học cần phải cố gắng để sửa mình cho thành người có tài năng và có đức hạnh. Sự cố gắng ấy là một điều trọng-yếu trong sự học. Sách Trung-dung nói rằng: « Bác học chi, thẩm vấn chi, thận tư chi, minh biện chi, đốc hành chi. Hữu phất học, học chi phất năng, phất thố giã. Hữu phất vấn, vấn chi phất tri, phất thố giã. Hữu phất tư, tư chi phất đắc, phất thố giã. Hữu phất biện, biện chi phất minh, phất thố giã. Hữu phất hành, hành chi phất đốc, phất thố giã. Nhân nhất năng chi, kỷ bách chi; nhân thập năng chi, kỷ thiên chi. Quả năng thử đạo hỹ, tuy ngu tất minh, tuy nhu tất cường 博 學 之,審 問 之,慎 思 之,明 辨 之,篤 行 之.有 弗 學,學 之 弗 能,弗 措 也.有 弗 問,問 之 弗 知,弗 措 也.有 弗 思,思 之 弗 得,弗 措 也.有 弗 辨,辨 之 弗 明,弗 措 也.有 弗 行,行 之 弗 篤,弗 措 也.人 一 能 之,己 百 之;人 十 能 之,己 千 之.果 能 此 道 矣,雖 愚 必 明,雖 柔 必 彊: Học cho rộng, hỏi cho kỹ, nghĩ cho cẩn-thận, phân-biện cho sáng rõ, làm cho hết sức. Có điều không học, nhưng đã học điều gì mà không hay, không thôi. Có điều không hỏi, nhưng đã hỏi điều gì mà không biết, không thôi. Có điều không nghĩ, nhưng đã nghĩ điều gì mà không được, không thôi. Có điều không phân-biện, nhưng đã phân-biện điều gì mà không minh-bạch, không thôi. Có điều không làm, nhưng đã làm điều gì mà không hết sức không thôi. Người ta dụng công một, ta dụng công một mà không được, thì phải cố gắng gấp trăm; người ta dụng công mười, ta dụng công mười mà không được, thì phải cố gắng gấp nghìn, để đến kỳ được mới thôi. Nếu quả theo được đạo ấy, thì tuy ngu rồi cũng thành ra sáng, yếu-đuối rồi cũng thành ra khỏe-mạnh. » Mạnh-mẽ thay lời dạy bảo của thánh-nhân! Ai lập chí học được như thế, thì sự học tiến-ích biết là bao nhiêu! Đã đi học là phải lập chí thì mới thành. Cái chí đã lập thì bao giờ cũng phải cho kiên, không thấy khó mà sợ, không thấy lâu mà nản. Khổng-tử nói rằng: « Tam quân khả đoạt súy giã, thất-phu bất khả đoạt chí giã 三 軍 可 奪 帥 也,匹 夫 不 可 奪 志 也: Có thể bắt được ngưòi tướng trong đám ba quân, mà không có thể cướp được cái chí của một đứa thất-phu. » (Luận-ngữ: Tử-hãn, IX). Cái chí người ta có bền như thế, thì mới học được đạo và tu được thân vậy.
Người đi học phải biết rằng: « Tri chi giả, bất như hiếu chi giả, hiếu chi giả, bất như nhạo chi giả 知 之 者 不 如 好 之 者,好 之 者 不 如 樂 之 者: Biết mà học, không bằng thích mà học, thích mà học, không bằng vui say mà học. » (Luận-ngữ: Ung-giã, VI) Có vui say về việc học, thì sự học mới chóng tiến-ích. Muốn cho sự học có vui-thú, thì phải luyện tập luôn. Khổng-tử nói rằng: « Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ? Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ? Nhân bất tri nhi bất uấn, bất diệc quân-tử hồ? 學 而 時 習 之,不 亦 說 乎?有 朋 自 遠 方 來,不 亦 樂 乎?人 不 知 而 不 慍,不 亦 君 子 乎?: Học mà cứ buổi buổi tập luôn, thì trong bụng lại không thỏa-thích hay sao? Có bạn ở phương xa nghe tiếng đến học làm điều lành với mình, thì lại không vui hay sao? Mình học giỏi mà người ta không biết, cũng không lấy làm tức giận, thế không phải là quân-tử hay sao? » (Luận-ngữ: Học-nhi, I). Người quân-tử ăn không cầu no, ở không cầu an, làm công việc thì mau-mắn, nói điều gì thì cẩn-thận, tìm người có đạo mà theo học để chất-chính sự ngôn-ngữ và sự hành-vi của mình. Được như thế mới có thể gọi là người hiếu học: « Quân-tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an, mẫn ư sự nhi thận ư ngôn, tựu hữu đạo nhi chính yên, khả vị hiếu học giã dĩ 君 子 食 無 求 飽,居 無 求 安,敏 於 事 而 慎 於 言,就 有 道 而 正 焉,可 謂 好 學 也 已. » (Luận-ngữ: Thuật-nhi, I). Ta đi học là học cho ta, để gây nên cái phẩm-giá của ta, chứ có phải là học để khoe với người đâu. Vậy ta chỉ lo không làm được những việc đáng cho người ta biết, chứ không lo người ta không biết mình: « Bất hoạn nhân chi bất kỷ tri, hoạn kỳ bất năng giã 不 患 人 之 不 己 知,患 其 不 能 也. » (Luận-ngữ: Hiến-vấn, XIV). Học mà không chủ cầu danh. cầu lợi, thì mới thật là cái học của người quân-tử.
Người quân-tử phải học để gây thành cái đức tốt của mình, vậy nên phải chuyên tâm trí ý về sự thực-tiễn những điều lành điều hay, chứ không phải là học thớn-thớt ở bề ngoài, nghe vào tai rồi nói ra miệng mà thôi. Cái học thớn-thớt ở bề ngoài ấy rất hại cho cái đức. Khổng-tử nói rằng: « Đạo thính đồ thuyết, đức chi khí giã 道 聽 塗 說,德 之 棄 也: Nghe ngoài đường, nói ngoài đường là bỏ cái đức vậy. » (Luận-ngữ: Dương-Hóa, XVII). Nghĩa là nghe điều thiện thì phải ghi nhớ lấy để nuôi cái đức của mình, rồi mới hay được, chứ chỉ nghe cho biết để nói ra miệng mà không chịu cố gắng thực-hành điều thiện, thì càng học lắm càng dở nhiều. Người đã học đến biết thực-tiễn những điều thiện, là bao giờ cũng phải thành-thực, không giả-dối ô-mị như bọn ngụy nho.
Người quân-tử phải theo đạo lý mà có cái định kiến của mình, không ô-mị theo thói đời như bọn hương-nguyện. Hương-nguyện là hạng người tầm-thường không có kiến-thức, chỉ a-dua theo người ta. Hạng người ấy thật đáng ghét. Cho nên Khổng-tử nói rằng: « Hương-nguyện đức chi tặc giã 鄉 原 德 之 賊 也: Hương-nguyện là hại đức vậy. » (Luận-ngữ: Dương-Hóa, XVII). Hương là quê-kệch, nguyện là người ta thích thế nào thì mình cũng theo thế. Hương-nguyện là người hành-động cứ một chiều theo thế tục không trái ý ai bao giờ, cư-xử thì gìn-giữ cẩn-thận để có điều đáng chê mà không ai lấy gì chê được, có điều đáng bẻ mà không ai lấy gì bẻ được, cho nên người ta cho là có đức tốt. Kỳ thực người hương-nguyện không phải là trung-tín mà giống như trung-tín, không phải là liêm-khiết mà giống như liêm-khiết, lấy cái giống như làm lẫn cái chính-thực, tức là mượn tiếng đạo-đức mà làm hại đạo-đức. Vậy nên Khổng-tử rất ghét, mà gọi là đức chi tặc.
Muốn học cho đúng cái đạo người quân-tử thì phải theo như lời Khổng-tử đã dạy.: « Đốc tín, hiếu học, thủ tử, thiện đạo. Nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư, thiên-hạ hữu đạo tắc hiện, vô đạo tắc ẩn. Bang hữu đạo, bần thả tiện yên, sỉ giã; bang vô đạo, phú thả quí yên, sỉ giã 篤 信,好 學,守 死,善 道.危 邦 不 入,亂 邦 不 居,天 下 有 道 則 見,無 道 則 隱.邦 有 道,貧 且 賤 焉,恥 也;邦 無 道,富 且 貴 焉,恥 也: Giốc lòng tin, hám sự học, giữ cho vững dẫu chết không thay đổi, làm cho cái đạo hay hơn lên[1]. Không vào nước đã nguy, không ở nước có loạn[2], đời có đạo thì ra làm mọi việc, đời không có đạo thì ẩn mà sửa mình[3]. Nước có đạo mà mình nghèo và hèn là xấu-hổ; nước không có đạo mà mình giàu và sang là xấu-hổ[4]. » Người quân-tử có học, có thủ: cái chí học-vấn có vững bền, cái nghĩa lui tới có phân minh, thì mới thành cái toàn đức vậy.
Tu thân. — Người quân-tử cần phải có học, mà sự học của mọi người là cốt ở sự sửa mình, cho nên sách Đại-học nói rằng: « Tự thiên-tử dĩ chí ư thứ-nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản 自 天 子 以 至 於 庶 人,壹 是 皆 以 修 身 爲 本: Tự vua cho đến người dân, ai cũng phải lấy sự sửa mình làm gốc. » Muốn sửa mình cho thành người có đức-hạnh hoàn-toàn, thì trước phải giữ cái tâm của mình cho chính, cái ý của mình cho thành, rồi mới cách vật trí tri được, nghĩa là hiểu rõ các sự vật và biết đến cùng cực cái biết.
Giữ cái tâm của mình cho chính, là đừng để cho sự tức-giận, sự sợ-hãi, sự vui-say, sự ưu-hoạn, nó làm cho cái tâm của mình chếch-lệch, mà không hiểu rõ cái nghĩa lý ngay thẳng. Khi đã bị những sự ấy làm loạn cái tâm của mình thì mắt trông không thấy, tai nghe không hiểu, ăn không biết mùi, bởi thế cho nên bao giờ ta cũng phải giữ cái tâm cho chính.
Giữ cái ý của mình cho thành, tức là mình không dối mình, đối với việc gì cũng cứ thành-thực như ghét mùi thối, yêu sắc đẹp, nghĩa là ý mình thế nào, thì cứ thực mà bày tỏ ra như thế, chứ không có dối-giá chút nào, được như thế mới là khoái-túc. Bởi thế cho nên người quân-tử phải giữ cẩn-thận cái tư-tưởng của mình trong khi ngồi một mình mình đối với mình: « Sở vị thành kỳ ý giả, vô tự khi giã, như ố ác xú, như hiếu hảo sắc, thử chi vị tự khiệm, cố quân-tử tất thận kỳ độc giã 所 謂 誠 其 意 者,無 自 欺 也,如 惡 惡 臭,如 好 好 色,此 之 謂 自 謙,故 君 子 必 慎 其 獨 也. » (Đại-học).
Tâm đã chính, ý đã thành, thì tự nhiên cái lương-tri lương-năng của mình, tức là cái minh-đức của mình, thành ra mẫn-nhuệ, xem xét điều gì cũng hiểu rõ đến chỗ sâu xa mà làm điều gì, hay là đối-phó với cảnh-huống nào, cũng đắc kỳ trung, cũng có điều-hòa, có bình-hành, rất hợp với đạo-lý.
Trong việc tu thân, Khổng-giáo lấy sự thành ý làm trọng-yếu hơn cả. Vậy nên Tăng-tử nói rằng: « Phú nhuận ốc, đức nhuận thân, tâm quảng thể bàn, cố quân-tử tất thành kỳ ý 富 潤 屋,德 潤 身,心 廣 體 胖,故 君 子 必 誠 其 意: Giàu thì hiển-hiện ra ở nhà, có đức tốt thì hiển-hiện ra ở người, trong bụng quảng-đãng thì thân-thể có vẻ ung-dung thư-thái. Bởi thế cho nên người quân-tử phải giữ cái ý của mình cho thành-thực. » (Đại-học). Cái ý ở trong mà thành-thực, thì cái đức hiển-hiện ra ngoài thân-thể. Việc tu thân tề gia, trị quốc, bình thiên-hạ đều bởi đó mà ra cả.
Xử kỷ tiếp vật.— Người quân-tử đã sửa được mình cho ngay chính, theo như cái tôn-chỉ của Khổng-giáo, thì tất ở đời bao giờ cũng phải lấy lòng thành-thực trung-hậu, không làm điều gì trái lẽ thường. Dẫu đối với người thù oán, cũng không bỏ lẽ công-bằng. Có người hỏi Khổng-tử rằng: « Dĩ đức báo oán hà như 以 德 報 怨 何 如? Lấy đức mà báo oán thì sao? » — Ngài trả lời rằng: « Hà dĩ báo đức? Dĩ trực báo oán, dĩ đức báo đức 何 以 報 德?以 直 報 怨,以 德 報 德: Lấy gì mà báo đức? Lấy thẳng mà báo oán, lấy đức mà báo đức. » (Luận-ngữ: Hiến-vấn, XIV). Lời ấy thật là trung chính, thật là quân-tử lắm vậy.
Người ở đời không nên dùng lời nói khéo mà làm hại đạo-đức, không nên nóng-nảy làm bậy, không nên bo bo tính lấy lợi riêng của mình. Khổng-tử nói rằng: « Xảo ngôn loạn đức, tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu 巧 言 亂 德,小 不 忍 則 亂 大 謀: Nói khéo làm loạn cái đức, điều nhỏ mọn mà không nhịn, thì hỏng việc lớn. » (Luận-ngữ: Vệ Linh-công, XV).—« Phóng ư lợi nhi hành, đa oán 放 於 利 而 行,多 怨: Nương tựa vào điều lợi mà làm là hay sinh ra nhiều điều oán. » (Luận-ngữ: Lý-nhân, IV). Mình đối với mình thì phải khổ-khắc, mà đối với người thì nên dong-thứ: « Cung tự hậu nhi bạc trách ư nhân, tắc viễn oán hỹ 躬 自 厚 而 薄 責 於 人,則 遠 怨 矣: Mình tự trách mình nhiều mà trách người ít, thì xa được điều oán giận. » (Luận-ngữ: Vệ Linh-công, XV). Người quân-tử phải lấy lòng thành-thực trung-hậu mà đối với người, song phải biết rõ sự thực sự giả, đừng để cho ai lừa-đảo được mình. Khổng-tử nói rằng: « Bất nghịnh trá, bất ức, bất tín, ức diệc tiên giác giả, thị hiền hồ 不 逆 詐,不 億,不 信,抑 亦 先 覺 者,是 賢 乎: Không đón trước là người ta dối mình, không đoán phỏng là người ta không tin mình, thế mà lâm đến có điều lừa-đảo, thì biết trước ngay, thế là người giỏi vậy. » (Luận-ngữ: Hiến-vấn, XIV).
Người ta muốn có cái phẩm-giá cao-thượng, thì không nên vì phú-quí, vì danh-lợi mà làm điều phi nghĩa. Khổng-tử nói rằng: « Phú dữ quí thị nhân chi sở dục giã, bất dĩ kỳ đạo đắc chi, bất xử giã: bần giữ tiện thị nhân chi sở ố giã, bất dĩ kỳ đạo đắc chi, bất khứ giã 富 與 貴 是 人 之 所 欲 也,不 以 其 道 得 之,不 處 也;貧 與 賤 是 人 之 所 惡 也,不 以 其 道 得 之[5],不 去 也: Phú quí thì ai cũng muốn, nhưng không lấy đạo mà được, thì không nhận; bần tiện thì ai cũng ghét, nhưng không lấy đạo mà làm cho khỏi, thì không bỏ. » (Luận-ngữ: Lý-nhân, IV). Hễ phải nghĩa thì làm gì cũng không nề-hà, mà không phải nghĩa thì dẫu được gì cũng không thiết. Khổng-tử nói rằng: « Phú nhi khả cầu giã, tuy chấp tiên chi sĩ, ngô diệc vi chi, như bất khả cầu, tòng ngô sở hiếu 富 而 可 求 也,雖 執 鞭 之 士,吾 亦 爲 之,如 不 可 求,從 吾 所 好: Giàu mà nên cầu được, thì dù làm người cầm roi đi hầu, ta cũng làm. Nếu không nên cầu, thì cứ theo cái thích của ta. » (Luận-ngữ: Thuật-nhi, VII).
Đã là người quân-tử thì không bao giờ thấy điều lợi mà bỏ việc nghĩa; nếu làm việc phi-nghĩa mà được phú quí, thì đành chịu bần-tiện còn hơn. Cho nên Khổng-tử nói rằng: Phạn sơ tự, ẩm thủy, khúc quăng nhi trẩm chi, lạc tại kỳ trung hỹ. Bất nghĩa nhi phú thả quí, ư ngã như phù vân 飯 疏 食,飲 水,曲 肱 而 枕 之,樂 在 其 中 矣.不 義 而 富 且 貴,於 我 如 浮 雲: Ăn gạo xấu, uống nước lã, gấp cánh tay mà gối đầu, tuy thế cũng có cái vui ở trong đó. Làm điều bất-nghĩa mà giàu sang, thì ta coi như đám mây nổi. » (Luận-ngữ: Thuật-nhi, VII). Người quân-tử đứng vào cái địa-vị nào cũng có thể vui được. Sách Trung-dung nói rằng: « Quân tử tố kỳ vị nhi hành, bất nguyện hồ kỳ ngoại. Tố phú quí hành hồ phú quí, tố bần tiện hành hồ bần tiện, tố di địch hành hồ di địch, tố hoạn nạn hành hồ hoạn nạn. Quân-tử vô nhập nhi bất tự đắc yên 君 子 素 其 位 而 行,不 願 乎 其 外.素 富 貴 行 乎 富 貴,素 貧 賤 行 乎 貧 賤,素 夷 狄 行 乎 夷 狄,素 患 難 行 乎 患 難,君 子 無 入 而 不 自 得 焉: Quân-tử tùy cái địa-vị mà hành-động, không muốn điều gì ở ngoài cái cảnh-ngộ của mình. Phú quí thì hành-động theo cảnh-ngộ phú quí, bần tiện thì hành-động theo cảnh-ngộ bần tiện, ở với mọi-rợ thì hành-động theo cảnh-ngộ mọi-rợ, lâm hoạn-nạn thì hành-động theo cảnh-ngộ hoạn-nạn. Người quân-tử không ở vào cái cảnh-ngộ nào, mà tự mình không có cái thú vậy. »
Quan nhân. — Người quân-tử ở với người, trước hết phải biết người. Khổng-tử nói: « Thủy ngô ư nhân giã, thính kỳ ngôn nhi tín kỳ hành, kim ngô ư nhân giã, thính kỳ ngôn nhi quan kỳ hành 始 吾 於 人 也,聽 其 言 而 信 其 行,今 吾 於 人 也,聽 其 言 而 觀 其 行: Trước ta đối với người, nghe lời nói thì tin việc làm, nay ta đối với người, nghe lời nói phải xem việc làm. » (Luận-ngữ: Công-giã-tràng, V). Vì nói thì dễ, làm thì khó, mà ở đời thường lại có những người miệng nói giỏi thì nhiều, bụng ở thật-thà trung-hậu thì ít, vậy nên muốn biết người hay người dở, phải xem xét công việc người ta làm, chứ đừng vội tin lời người ta nói. Khổng-tử nói rằng: « Thị kỳ sở dĩ, quan kỳ sở do, sát kỳ sở an, nhân an sưu tai! nhân an sưu tai! 視 其 所 以,觀 其 所 由,察 其 所 安,人 焉 廋 哉!人 焉 廋 哉!Trông người ta làm việc gì, xem người ta nói theo cái gì mà làm việc ấy, xét cái vui của người ta về việc ấy thế nào, như thế thì người ta còn dấu sao được nữa! » (Luận-ngữ: Vi-chính, II). Xét người hay dở, không nên theo lời khen chê của nhân-chúng. Khổng-tử nói rằng: « Chúng ố chi, tất sát yên, chúng hiếu chi, tất sát yên 衆 惡 之 必 察 焉,衆 好 之 必 察 焉: Người ta ghét ai ta cũng phải xét, người ta yêu ai ta cũng xét. » (Luận-ngữ: Vệ Linh-công, XV). Vì rằng có khi người hay mà bị thiên-hạ ghét, người dở mà được thiên-hạ yêu. Vậy nên ta phải xem xét kỹ-càng, thì mới phân-biệt được người hay kẻ dở, để đối-phó với người ta cho khỏi sai lầm. Thường muốn biết rõ người hay người dở mà chỉ theo dư-luận của nhân-chúng cũng không lấy gì làm chắc-chắn lắm, cho nên Khổng-tử dạy người ta phải xem cái dư-luận của người thiện người ác là thế nào, thì mới biết rõ được. Thầy Tử-Cống hỏi Khổng-tử rằng: « Hương nhân giai hiếu chi, hà như? — Tử viết: vị khả giã. — Hương nhân giai ố chi, hà như? — Tử viết: vị khả giã. Bất như hương nhân chi thiện giả hiếu chi, kỳ bất thiện giả ố chi 鄉 人 皆 好 之,何 如?— 子 曰:未 可 也.— 鄉 人 皆 惡 之,何 如?— 子 曰:未 可 也.不 如 鄉 人 之 善 者 好 之,其 不 善 者 惡 之: Người mà cả làng ưa hết thảy, là người thế nào? — Khổng-tử nói rằng: Chưa phải là người hiền. — Người mà cả làng ghét hết thảy, là người thế nào? Khổng-tử nói rằng: Chưa phải là người hiền. Không bằng người mà kẻ thiện trong làng ưa, kẻ bất thiện trong làng ghét. » (Luận-ngữ: Tử-Lộ XIII). Thầy Tử-Cống lấy số đồng làm một mà xét, Khổng-tử chia ra từng loại mà xét. Dư-luận bao giờ cũng nên có, nhưng cái dư-luận đồng làm một thì không thật, vì tựu trung có người thiện kẻ ác. Nếu người thiện ưa mà kẻ ác không ghét là không thật, hoặc kẻ ác ghét mà người thiện không ưa cũng không thật. Chi bằng theo từng loại mà xét, người thiện ưa mà kẻ ác ghét thì mới thật. Người thiện ưa là bởi người kia cùng theo thiên lý mà làm điều lành như mình; kẻ bất thiện ghét là bởi người kia làm những điều trái với cái tư lợi của mình. Xét như thế thì mới biết rõ người hay người dở vậy.
Đoi với người ở trong xã-hội, ta phải biện-biệt thế nào là nên, thế nào là không nên. Việc nên mà cho là không nên, hay không nên mà cho là nên, đều là dở cả. Khổng-tử nói rằng: « Khả dữ ngôn, nhi bất dữ chi ngôn, thất nhân; bất khả dữ ngôn, nhi dữ chi ngôn, thất ngôn 可 與 言,而 不 與 之 言,失 人;不 可 與 言,而 與 之 言,失 言: Người nào mình khả nói chuyện vói người ta mà không nói, là mất người; người nào mình không khả nói chuyện với người ta mà nói, là mất lời.» (Luận-ngữ: Vệ Linh-công). Xem như thế thì sự biết người chẳng phải là quan-hệ lắm hay sao? Song người quân-tử không có câu-chấp, không thiên-tư, bất cứ đối với ai, cũng lấy lẽ phải làm chừng: « Quân-tử bất dĩ ngôn cử nhân, bất dĩ nhân phế ngôn 君 子 不 以 言 舉 人,不 以 人 廢 言: Quân-tử không lấy lời nói mà cất người lên, không vì người mà bỏ lời nói. » (Luận-ngữ: Vệ Linh-công, XV). Nghĩa là đừng nghe một lời nói hay đã cho là người giỏi, cũng đừng vì người dở mà người ta nói điều gì hay cũng không nghe.
Người đi học là chỉ cốt để chí vào việc theo đạo cho thành người hoàn-toàn. Nếu vậy, mà ai lại còn cho sự ăn-mặc không được tốt-đẹp làm xấu-hổ, thì ắt là người chưa đủ bàn đạo-lý vậy: « Sĩ chí ư đạo, nhi sỉ ác y ác thực giả, vị túc dữ nghị giã 士 志 於 道 而 恥 惡 衣 惡 者,未 足 與 議 也. » (Luận-ngữ: Lý-nhân, IV). Người như thế là người còn lo trang-sức ở bề ngoài, tức là còn hiếu hư-danh, chưa thật bụng theo đạo-lý. Vậy người ấy chưa phải là người để chí ở sự học đạo của thánh hiền.
Bằng-hữu.— Có biết người hay, người dở, thì mới giao-kết với nhau để làm điều lành, điều phải. Tăng-tử nói rằng: « Quân-tử dĩ văn hội hữu, dĩ hữu phụ nhân 君 子 以 文 會 友,以 友 輔 仁: Quân-tử lấy văn-học mà họp bạn, lấy bạn mà giúp mình làm điều nhân. » (Luận-ngữ: Nhan-Uyên, XII). Bạn với người nhân-từ trung-chính, thì học được nết hay, bạn với người gian-tà quỷ-quyệt, thì nhiễm lấy điều dở. Bởi thế cho nên ta phải chọn bạn mà chơi. Bạn-hữu chơi với nhau, phải lấy điều phải trái hay dở mà khuyên bảo nhau, nhưng việc gì cũng giữ cho phải nghĩa thì thôi. Đừng sờm-sỡ quá mà thành ra sơ. Khổng-tử nói rằng: « Trung cáo nhi thiện đạo chi, bất khả tắc chỉ, vô tự nhục yên 忠 告 而 善 道 之,不 可 則 止,毋 自 辱 焉: Lấy điều ngay thẳng mà bảo, khéo tìm cách mà khuyên răn, không nghe thì thôi, đừng để tự lấy cái nhục cho mình. » (Luận-ngữ: Nhan-Uyên, XII). Người nào mình đã lấy lẽ phải khuyên-răn không được, thì nói lắm cũng vô-ích, mà lại làm cho người ta khinh-nhờn mình. Cũng vì thế cho nên thầy Tử-Du nói rằng: « Sự quân sác, tư nhục hỹ; bằng hữu sác, tư sơ hỹ 事 君 數,斯 辱 矣;朋 友 數,斯 疏 矣: Thờ vua can-ngăn không nghe, mà can-ngăn mãi, ấy là có nhục; bạn-hữu đã khuyên-bảo không nghe, mà khuyên-bảo mãi, ấy là sơ nhau. » (Luận-ngữ: Lý-nhân, IV).
Người ta ở trong xã-hội, giao-thiệp với nhau, bao giờ cũng phải lấy sự tín làm quan-trọng. Vậy nên sách Đại-học nói rằng: « Dữ quốc nhân giao, chỉ ư tín 與 國 人 交,止 於 信: Giao-kết với người trong nước cốt ở sự tin. » Không có sự tín thì sự giao-thiệp của người ta không nương-tựa vào đâu được. Khổng-tử nói rằng: « Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả giã. Đại xa vô nghệ, tiểu xa vô ngột, kỳ hà dĩ hành chi tai 人 而 無 信,不 知 其 可 也.大 車 無 輗,小 車 無 軏,其 何 以 行 之 哉: Người mà không có tín thì không biết ra thế nào. Xe lớn không có càng, xe nhỏ không có dây, thì làm thế nào cho xe chạy đi được. » (Luận-ngữ: Vi-chính, II). Bởi thế cho nên chữ tín là một đạo trong năm đạo thường rất quan-trọng lắm.
Nhưng phải biết rằng đạo của Khổng-tử là bao giờ cũng cầu lấy cái trung, chủ ở sự theo đạo lý, chứ không câu-nệ điều gì cả. Có người cứ nhất nhất nói thì phải tin, làm thì phải quả-quyết, bao giờ cũng khăng khăng một mực như thế, không nghĩ gì đến phải trái, người ấy tuy cũng có phần khả thủ, nhưng vẫn là tiểu-nhân. Vậy nên Khổng-tử nói rằng: « Ngôn tất tín, hành tất quả, khanh khanh nhiên, tiểu-nhân tai! 言 必 信,行 必 果,硜 硜 然,小 人 哉: Nói ắt phải tin, làm ắt phải quả, khăng khăng một mực như thế, là người tiểu-nhân, khí-cục nhỏ vậy thay! » (Luận-ngữ: Tử-Lộ, XIII)[6].
Bác-ái. — Người ta sinh ra ở đời, ai cũng bẩm-thụ cái lý khí của trời đất, cũng chịu cái mệnh trời như nhau cả, tất là cũng như anh em một nhà vậy. Nếu ai ai cũng biết lấy điều lễ nghĩa mà cư-xử với nhau, thì lòng thân-ái há lại chẳng dồi-dào lắm sao. Thầy Tử Hạ nói rằng: « Ta nghe Phu-tử thường nói: « Quân-tử kính nhi vô thất, dữ nhân cung nhi hữu lễ, tứ hải chi nội gia huynh đệ giã 君 子 敬 而 無 失,與 人 恭 而 有 禮,四 海 之 內 皆 兄 弟 也: Quân-tử kính mà giữ được mãi không mất, tiếp người thì cung-kính, có lễ phép, như vậy người trong bốn bể đều là anh em cả. » (Luận-ngữ: Nhan Uyên, XII). Đạo của Khổng-tử là đạo nhân, chủ lấy sự yêu người làm trọng. Thiên Hiếu-sinh sách Khổng-tử gia-ngữ chép rằng: « Một hôm vua Cung-vương nước Sở đánh rơi mất cái cung, các quan tâu xin sai người đi tìm. Vua nói rằng: Vua nuớc Sở mất cung, người nước Sở nhặt được, mất đi đâu mà phải đi tìm. — Có người đem chuyện ấy nói với Khổng-tử, Ngài nói rằng: « Tiếc thay cái ý còn hẹp! Sao không nói: người rơi mất cung, người bắt được, hà tất phải nói là người nuớc Sở. » Ý Ngài nói người ta ở đâu cũng là người, việc gì phải lấy cái giới-hạn một nước mà phân-biệt nhau ra. Lòng nhân-ái của người quân-tử phải lan ra khắp cả thiên-hạ, chứ không riêng ra cho một xứ nào, một nước nào cả. Trước sau Khổng-tử chỉ lấy cái đạo nhất quán là đạo nhân mà dạy người, cho nên Tăng-tử nói rằng: « Phu-tử chi đạo trung thứ nhi dĩ hỹ 夫 子 之 道 忠 恕 而 已 矣: Đạo của Phu-tử chỉ trung thứ mà thôi. » (Luận-ngữ: Lý-nhân). Một hôm thầy Tử-Cống hỏi rằng: « Có một lời nào khả dĩ thi-hành được chung thân không? — Khổng-tử trả lời rằng: « Kỳ thứ hồ; kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân 其 恕 乎;己 所 不 欲,勿 施 於 人: Chữ thứ chăng; điều gì mình không muốn, thì đừng làm cho người. » (Luận-ngữ: Vệ Linh-công, XV). Lại một hôm Ngài bảo thầy Tử-Cống rằng: « Phù nhân giả, kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân 夫 仁 者,己 欲 立 而 立 人,己 欲 達 而 達 人: Phàm kẻ nhân-giả là mình muốn lập, thì lập cho người, mình muốn đạt, thì đạt cho người. » (Luận-ngữ: Ung-giã, VI). Mấy lời ấy thật đã biểu-thị rõ cái đạo nhân-ái của thánh-nhân, tưởng xưa kia chưa hầu dễ đã có ai diễn-giải ra được rõ-ràng như thế.
Đạo của người quân-tử đối với mình, thì thận trọng kính cẩn, đối với người thì nhân hậu từ ái, mà bao giờ cũng ung-dung hoằng-đại, không có điều gì là hẹp-hòi bó-buộc. Người nào đã theo đạo ấy thì không những giữ được cái phẩm-giá tôn-quí của mình, mà lại có thể làm lợi cho cả thiên-hạ.
Đạo ấy cốt ở sự giáo-hóa, khiến người ta phải « Tu thân dĩ đạo. tu đạo, dĩ nhân 修 身 以 道,修 道 以 仁: Lấy đạo mà sửa mình, lấy nhân mà sửa đạo ». (Trung-dung). Nhân là cái gốc của đạo người quân-tử mà sự giáo-hóa là cái cách để đào-tạo ra người quân-tử vậy.
III. — SỰ GIÁO-HÓA CỦA KHỔNG-GIÁO
Cách lập-giáo của Khổng-tử. — Sách Khổng-tử gia-ngữ thiên Đệ-tử-hạnh, XII, chép rằng: « Khổng-tử chi thi giáo giã, tiên chi dĩ Thi Thư, nhi đạo chi dĩ hiếu đễ, thuyết chi dĩ nhân nghĩa, quan chi dĩ lễ nhạc, nhiên hậu thành chi dĩ văn đức 孔 子 之 施 教 也,先 之 以 詩 書,而 道 之 以 孝 悌,說 之 以 仁 義,觀 之 以 禮 樂,然 後 成 之 以 文 德: Cách dạy người của Khổng-tử, trước hết dùng Thi Thư mà dạy, rồi lấy hiếu đễ mà đạo-dẫn người ta, lấy nhân nghĩa mà giảng dụ, lấy lễ nhạc mà khiến người ta xem xét, sau cùng mới lấy văn lấy đức mà làm cho nên người ». Cái lối giáo-hóa của Khổng-tử là trước hết lấy Thi, Thư mà gây nuôi tính tình và mở-mang sự tri-thức của người ta, rồi lấy hiếu đễ lễ nhạc mà sửa tâm tính cho ngay chính, và lấy văn-chương đạo-đức mà trang-sức cho thành vẻ tôn-quí. Cái mục-đích là đem người ta đến bậc nhân. Vì cái mục-đích ấy cho nên Ngài rất chú trọng ở sự học Thi, học Lễ và học Nhạc. Ngài nói rằng: « Bất học Thi vô dĩ ngôn...; bất học lễ vô dĩ lập... 不 學 詩 無 以 言...;不 學 禮 無 以 立...: Không học Thi không lấy gì mà nói...; không học Lễ không lấy gì mà đứng...». (Luận-ngữ: Quí-thị, XVI). Nghĩa là không học Thi, thì sự lý không đạt, tâm khí không hòa bình, nói nghe sao được; không học Lễ, thì cái phẩm tiết không rõ, đức tính không kiên, đứng vững sao được. Học Thi, học Lễ và học Nhạc là cốt để sửa tâm tính của người ta, cho nên Ngài nói rằng: « Hưng ư Thi, lập ư Lễ, thành ư Nhạc 興 於 詩,立 於 禮,成 於 樂: Hưng khởi cái chí-ý là ở Thi, sửa-sang phẩm-cách cho đứng-đắn là ở Lễ, điều-hòa tính-tình cho hoàn-toàn là ở Nhạc. » (Luận-ngữ: Thái-bá, VII).
Phương-pháp của Khổng-tử là trước hết dạy những điều người ta có thể hiểu được, rồi dần dần dạy đến những điều cao xa. Ngài theo cái phương-pháp ấy mà dạy học-trò, cho nên thầy Nhan Hồi nói rằng: « Phu-tử tuần tuần nhiên, thiện dụ nhân: bác ngã dĩ văn, ước ngã dĩ lễ 夫 子 循 循 然,善 誘 人:博 我 以 文,約 我 以 禮: Phu-tử cứ tuần-tự khéo dạy-dỗ người: lấy văn-học mà làm rộng sự kiến-thức của ta, lấy lễ nghĩa mà ước thúc sự hành-vi của ta. » (Luận-ngữ: Tử-hãn, IX). Thường những kẻ có học-thức rộng mà không có lễ nhượng để ước thúc lấy mình, thì hay sinh ra kiêu-căng, làm mất cái thái-độ ôn-hòa khiêm-nhã của người quân-tử. Bởi thế cho nên Khổng-tử lấy cái học bác văn ước lễ mà dạy người.
Ngài dạy điều gì cũng để cho học-trò phải cố sức suy-nghĩ tìm-tòi lấy, khi nào xem chừng đã gần hiểu được, nhưng còn chưa suốt được mọi lẽ, hoặc chưa giải-diễn ra được cho rõ-ràng, thì Ngài mới chỉ bảo cho. Ngài nói rằng: Bất viết: như chi hà, như chi hà giả, ngô mạt như chi hà giã dĩ hỹ 不曰:如 之 何,如 之 何 者,吾 末 如 之 何 也 已 矣: Người nào không nói rằng: làm thế nào, làm thế nào, thì ta cũng chẳng làm thế nào được ». (Luận-ngữ: Vệ Linh-công, XV). Ai mà tự mình không cố sức suy-xét cho kỹ các lẽ; thì dẫu có dạy cũng không có ích gì. Khổng-tử cho sự học là sự mình phải gắng sức luôn-luôn. Không gắng sức là không có sự học. Vậy nên Ngài dạy người ta thường chỉ gợi lên một mối rồi để người ta tự mình phải suy nghĩ ra mà hiểu lấy. Ngài nói rằng: « Bất phẫn bất khải, bất phi bất phát. Cử nhất ngung bất dĩ tam ngung phản, tắc bất phục giã 不 憤 不 啓,不 悱 不 發.舉 一 隅 不 以 三 隅 反,則 不 復 也: Không tức-giận vì muốn biết, thì không truyền mở cho, không tức-giận vì nói không rõ ra được, thì không bày vẽ cho. Vật có bốn góc, bảo cho biết một góc mà không suy ra ba góc kia, thì không dạy nữa. » (Luận-ngữ: Thuật-nhi, VII). Cũng vì vậy mà thầy Tử-Cống theo học mãi mới được nghe Ngài nói đến tính và đạo Trời, khi được nghe Ngài dạy những điều ấy, lấy làm thích mà than rằng: « Phu-tử chi văn-chương, khả đắc nhi văn giã, Phu-tử chi ngôn tính dữ thiên đạo bất khả đắc nhi văn giã 夫 子 之 文 章,可 得 而 聞 也.夫 子 之 言 性 與 天 道.不 可 得 而 聞 也: Văn-chương của Phu-tử, ta có thể được nghe luôn, đến như những điều Ngài nói về tính và đạo Trời, thì ít khi được nghe vây. » (Luận-ngữ: Công-dã Tràng, V). Văn-chương là cái đức hiển-hiện ra ở ngoài, cho nên Phu-tử thường lấy để dạy mọi người, còn tính và đạo Trời là phần vi-diệu, phi đối với người học-lực đã thâm viễn, thì Ngài không hay nói đến, cho nên không mấy người được nghe vậy.
Khổng-tử cho là có hạng người tư-chất đủ học mà hiểu được những lẽ cao-xa, có hạng người tư-chất dẫu có học cũng không hiểu được. Ngài nói rằng: « Trung nhân dĩ thượng, khả dĩ ngữ thượng giã; trung nhân dĩ hạ, bất khả dĩ ngữ thượng giã 中 人 以 上,可 以 語 上 也;中 人 以 下,不 可 以 語 上 也: Đối với những người có tư-chất tự bậc trung trở lên, thì mới có thể nói những điều cao-xa; đối với những người có tư-chất tự bậc trung trở xuống, thì không có thể nói những điều cao-xa. » (Luận-ngữ: Ung-giã, VI).
Vậy nên trong cái học của Khổng-tử có hai phần: một phần công-truyền và một phần tâm-truyền: Phần công-truyền nói về luân-thường đạo-lý để dạy cho mọi người; phần tâm-truyền nói về những sự cao-xa khó-hiểu để riêng cho những người có tư-chất đặc-biệt, tự mình phải học mà lĩnh-hội lấy, chứ không phải giảng rõ ra nhiều lời. Ngài bảo thầy Tử-Cống rằng: « Dư dục vô ngôn 予 欲 無 言: Ta muốn không nói ». — Thầy Tử-Cống thưa rằng: « Tử như bất ngôn, tắc tiểu-tử hà thuật yên 子 如 不 言,則 小 子 何 述 焉: Nếu Phu-tử không nói thì đệ-tử biết noi theo vào đâu? » — Ngài nói rằng: « Thiên hà ngôn tai! Tứ thời hành yên, bạch vật sinh yên. Thiên hà ngôn tai! 天 何 言 哉!四 時 行 焉,百 物 生 焉.天 何 言 哉!Trời có nói gì đâu! Bốn mùa chuyển vần, trăm vật sinh nở. Trời có nói gì đâu! » (Luận-ngữ: Dương-Hóa, XVII). Cái đạo của thiên-hạ có điều nói mà sáng rõ ra, có điều nói nhiều mà lại mờ tối đi. Song thiên lý tự lưu-hành mà sinh-hóa, người biết suy-xét thì há lại phải đợi nói mới biết hay sao? Người nào đã không thể biết được, thì càng nói lắm, lại càng làm cho người ta không hiểu lắm. Vậy nên Ngài muốn không nói mà dạy được, nghĩa là Ngài muốn khiến kẻ học-giả tự suy-xét lấy mà hiểu, hơn là đợi người ta giảng dạy mà không hiểu.
Bởi lẽ ấy cho nên những điều có ý-nghĩa khó-khăn là Ngài không hay bàn đến. Sách Luận-ngữ chép rằng: « Tử hãn ngôn lợi dữ mệnh dữ nhân 子 罕 言 利 與 命 與 仁: Phu-tử ít nói đến lợi cùng mệnh và nhân. » (Luận-ngữ: Tử-hãn, IX). Ngài ít nói đến lợi, là vì lợi có thể làm hại cho nghĩa, sợ người ta hiểu không hết lẽ, rồi hoặc là đắm-đuối vào cái ti-cận quá, hoặc là lại siêu-việt ra xa quá; Ngài ít nói mệnh và nhân, là vì cái nghĩa chữ mệnh rất tinh-vi, cái đạo nhân rất to lớn, sợ người ta hoặc là thiên về mặt cao-xa quá, hoặc là theo không kịp, thành ra thất kỳ trung.
Cách Khổng-tử lập giáo là Ngài cho nhân-loại số nhiều chỉ hiểu được những điều thiển-cận giản-dị mà thôi. Còn những điều uyên-áo cao-xa, dẫu có đem ra giảng dậy, người ta cũng không hiểu hết cả mọi ý-nghĩa, thành ra lại làm loạn cả tinh-thần mà không được việc gì. Vì thế cho nên đối với người thường là Ngài không nói những điều người ta không thể hiểu được, hay là những điều có thể làm cho người ta hiểu lầm được. Bởi vậy mới nói rằng: « Tử bất ngữ quái, lực, loạn, thần 子 不 語 怪,力,亂,神: Phu-tử không nói việc quái-lạ, việc dùng mãnh-lực, việc bội-loạn, việc quỉ-thần. » (Luận-ngữ: Thuật-nhi, VII). Có người hỏi đến việc thờ quỉ thân, thì Ngài nói rằng: « Vị năng sự nhân an năng sự quỉ 未 能 事 人,安 能 事 鬼: Chưa thờ được người, thờ thế nào được quỉ thần. » Hỏi chết là thế nào, thì Ngài nói rằng: « Vị tri sinh, an tri tử 未 知 生,安 知 死: Chưa biết được việc sống, biết thế nào được việc chết. » (Luận-ngữ: Tiên-tiến, XI). Ý hai câu này không phải là Ngài nói người ta không thờ được quỉ thần và không biết được việc sống chết, nhưng vì việc quỉ thần và việc sống chết là việc u-ẩn rất khó hiểu, nếu không cẩn-thận mà đem những việc ấy ra nói với người thường, thì người ta hay hiểu lầm mà tin bậy. Vậy nên phàm những điều huyền-bí, mà có thể làm cho người ta sinh ra hồ tư loạn tưởng, không có ích gì cho sự sinh-hoạt ở đời, là Ngài không hay nói đến. Ngài nói rằng: « Sách ẩn, hành quái, hậu-thế hữu thuật yên, ngô phất vi chi hỹ 素 隱,行 怪,後 世 有 述 焉,吾 弗 爲 之 矣: Tìm những điều huyền-bí tối-tăm, làm những việc quái-lạ, để đời sau có người bắt-chước, thì ta không làm. »[7].(Trung-dung).
Về việc giao-hóa, thì Khổng-tử cho là người ta ở đời, ai cũng có cái tính của trời đất phú cho. Cái tính ấy thì ai cũng như ai, nhưng rồi vì sự tập-quán mà thành ra mỗi người một khác, duy chỉ có bậc thượng trí với đứa hạ ngu thì mới không biến-đổi mà thôi: « Tính tương cận giã, tập tương viễn giã, duy thượng trí dữ hạ ngu bất di 性 相 近 也,習 相 遠 也,唯 上 智 與 下 愚 不 移 » (Luận-ngữ: Dương-Hóa, XVII) Bâc thương trí là đã bẩm-thụ cái khí rất thanh của trời đất, thì ngay từ lúc đầu đã hoàn-toàn rồi, knông phải thay đổi gì nữa. Đứa hạ ngu đã bẩm-thụ cái khí rất trọc, thì dẫu có dạy bảo thế nào cũng không trở nên hay được. Còn những bậc trung-nhân, thì tùy cái giáo-dục, cái tập-quán, mà thành ra người hay người dở. Khổng-tử nói rằng: « Thiếu thành nhược thiên tính, tập quán như tự-nhiên 少 成 若 天 性,習 慣 如 自 然: Tập thành từ lúc nhỏ, cũng như thiên tính, tập quen cũng như tự-nhiên. » (Đại-Đái Lễ). Người ta đã học tập điều gì lâu ngày thành quen, thì chẳng khác gì cái tính tự-nhiên bẩm-thụ của trời đất. Vậy nên Ngài lấy sự giáo-hóa làm quan-trọng cho người ta ở đời trong xã-hội.
Trong nhân-loại tuy có bậc thượng trí và người hạ ngu, nhưng bao giờ cũng là số ít, số rất ít; còn phần nhiều là hạng trung nhân có thể dạy bảo được cả, cho nên Khổng-tử nói rằng: « Hữu giáo vô loại 有 教 無 類: Có dạy mà không phân chủng-loại. » (Luận-ngữ: Vệ Linh-công, XV). Nghĩa là bất cứ hạng người nào, nòi giống nào, cũng có thể dạy bảo cho thành người hay được. Vậy nên Khổng-giáo rất chú ý về việc giáo-hóa.
Cái mục-đích sự giáo-hóa của Khổng-giáo là dạy người cho đến bậc nhân. Người có nhân thì tất là phải trung. Nhân với trung là hai cái cơ-bản của Khổng-giáo như đã nói ở thiên Hình-nhi-thượng-học. Muốn đạt được cái mục-đích ấy, thì trước hết phải gây nên những tình-cảm rất hậu, và giữ cho sự hành-vi lúc nào cũng có chừng mực vừa phải. Vậy nên Khổng-giáo lấy hiếu đễ và lễ nhạc làm cái nền giáo-hóa. Bỏ những điều ấy đi, thì bỏ hết cả sự giáo-hóa của Khổng-giáo.
a) HIẾU ĐỄ
Đã nói rằng Khổng-giáo chủ lấy sự dạy người ta cho tới đạo nhân 仁, tức là khiến cho người ta bao giờ cũng có đầy những tình-cảm rất hậu và thành-thực. Cứ lẽ thường, thì cha mẹ và anh em chị em là người thân-thiết của ta, tất là ta phải kính yêu, rồi đối với người ngoài mới có lòng từ-ái, trung-thứ được. Nếu ở với cha mẹ mà không hiếu thảo, ở với anh em không kính thuận, tức là cái tình-cảm của ta rất bạc, làm thế nào mà thành được người nhân?
Cái gốc đạo nhân là ái 愛 và kính 敬。Lấy ái và kính làm cái nền hiếu đễ, thì sự giáo-hóa có công-hiệu rất hay. Khổng-tử nói rằng: « Lập ái tự thân thủy, giáo dân mục giã. Lập kính tự trưởng thủy, giáo dân thuận giã. Giáo dĩ từ mục, nhi dân quí hữu thân; giáo dĩ kính trưởng, nhi dân quí dụng mệnh. Hiếu dĩ sự thân, thuận dĩ thính mệnh, thố chư thiên-hạ vô sở bất hành 立 愛 自 親 始,教 民 睦 也.立 教 自 長 始, 教 民 順 也.教 以 慈 睦,而 民 貴 有 親;教 以 敬 長,而 民 貴 用 命.孝 以 事 親,順 以 聽 命,錯 諸 天 下 無 所 不 行: Dựng lòng ái khởi đầu từ cha mẹ, là dạy dân hòa-mục vậy. Dựng lòng kính khởi đầu từ người huynh-trưởng, là dạy dân kính-thuận vậy. Lấy từ-mục mà dạy dân, thì dân biết quí có cha mẹ; lấy kính người huynh-trưởng mà dạy dân, thì dân biết quí sự theo mệnh-lệnh người trên. Hiếu là để thờ cha mẹ, thuận là để vâng mệnh người trên, đem những điều ấy mà thi-thố ra thiên-hạ, thì không có điều gì là không làm được. (Lễ-ký: Tế-nghĩa, XXIV). Vậy nên trong sự giáo-hóa, Khổng-giáo lấy hiếu đễ làm rất trọng.
Người có hiếu trước hết phải nuôi cha mẹ. Nuôi thì phải kính, chứ không kính thì không phải là hiếu. Một hôm Tử-Du hỏi hiếu, Khổng-tử nói rằng: « Kim chi hiếu giả, thị vị năng dưỡng; chí ư khuyển mã, giai năng hữu dưỡng, bất kính hà dĩ biệt hồ 今 之 孝 者,是 謂 能 養;至 於 犬 馬,皆 能 有 養,不 敬 何 以 別 乎: Hiếu ngày nay là bảo có thể nuôi được cha mẹ; đến như giống chó giống ngựa đều có người nuôi, nuôi mà không kính thì lấy gì mà phân-biệt? » (Luận-ngữ: Vi-chính, II). Vậy nuôi cha mẹ thì cốt ở sự thành-kính, dẫu phải ăn gạo xấu, uống nước lã, mà làm cho cha mẹ được hết cái vui, ấy gọi là hiếu: « Xuyết thúc ẩm thủy, tận kỳ hoan, tư chi vị hiếu 啜 菽 飲 水,盡 其 歡,斯 之 謂 孝 » (Lễ-ký: Đàn-cung hạ).
Khi cha mẹ còn, không bao giờ làm điều gì để cho cha mẹ lo buồn. Bởi vậy không nên đi đâu xa, mà có đi xa, thì phải nói cho cha mẹ biết chỗ đi, để cha mẹ khỏi lo và nhỡ có việc gì, có thể tìm gọi được: « Phụ mẫu tại, bất viễn du, du tất hữu phương 父 母 在,不 遠 遊,遊 必 有 方 » (Luận-ngữ: Lý-nhân, IV).
Trong sự hiếu có hai điều rất nên chú ý là vô vi 無 違 và vô cải 無 改. Vô vi là xử cảnh thường, thì thờ cha-mẹ không trái lễ; vô cải là xử cảnh biến, thì không đổi ngay cái đạo của cha mẹ. Hai điều ấy hàm cái ý phục-tùng, song phục-tùng theo đạo phải, chứ không phục-tùng một cách thuận-thụ, không biết phân-biệt phải trái gì cả.
Sách Luận-ngữ chép rằng: Mạnh Ý-tử hỏi hiếu. Khổng-tử đáp lại rằng: « Vô vi », rồi sau Phàn-Trì không hiểu rõ nghĩa hai chữ ấy, mới hỏi lại, Ngài giải rõ nghĩa là: « Sinh sự chi dĩ lễ, tử táng chi dĩ lễ, tế chi dĩ lễ 生 事 之 以 禮,死 葬 之 以 禮,祭 之 以 禮: Sống thì lấy lễ mà thờ, chết thì lấy lễ mà táng, lấy lễ mà tế ». (Luận-ngữ: Vi-chính, II). Vậy sự vô vi đó là sự thờ cha mẹ cho đúng lễ. Lễ là hợp nghĩa lý, là vừa phải, chứ không thái-quá hay bất-cập, miễn là « xứng gia chi hữu vô 稱 家 之 有 無: vùa sức nhà giàu nhà nghèo mà làm cho phải lẽ thường ». (Lễ-ký: Đàn-cung thượng). Có chỗ Khổng-tử lại nói rằng: « Lễ dữ kỳ xa giã, ninh kiệm; tang dữ kỳ dị giã, ninh thích 禮 與 其 奢 也,寧 儉;喪 與 其 易 也,寧 戚: Lễ với xa-xỉ, thì thà rằng kiệm-ước còn hơn; tang với nghi-văn quá, thì thà rằng thương buồn còn hơn ». (Luận-ngữ: Bát-dật, III). Nghĩa là nếu theo lễ mà không được trung-dung, thì thà bất-cập còn hơn thái-quá. Ngài nói như thế, nhưng chủ-ý là vẫn bảo phải theo lễ. Theo lễ là theo cái lý phải.
Lấy lễ mà thờ cha mẹ không phải là cha mẹ làm điều gì trái đạo cũng theo. Khổng-tử nói rằng: « Sự phụ mẫu cơ gián, kiến chí bất tòng, hựu kính bất vi, lao nhi bất oán 事 父 母 幾 諫 見 志 不 從,又 敬 不 違,勞 而 不 怨: Thờ cha mẹ thì khi cha mẹ có làm điều gì lầm-lỗi, con phải tìm cách êm-đềm dịu-dàng mà can-ngăn, thấy cha mẹ không nghe, thì lại kính mà không trái lễ, dẫu có phải điều đau-đớn khó-nhọc cũng không oán-giận ». (Luận-ngữ: Lý-nhân, IV). Nghĩa là khi cha mẹ có làm điều gì trái đạo, thì con phải dùng cách ôn-hòa mà can-ngăn. Nếu cha mẹ không nghe, thì lại tỏ lòng cung-kính và hiếu-thảo, rồi dần dần lựa cách nói cho cha mẹ biết lẽ phải mà sửa đổi lại. Dẫu có khi cha mẹ giận mà đánh đập hay bắt phải chịu khổ-sở, cũng không oán. Việc giữ cái danh-tiết của cha mẹ được trong-sạch là cái bổn-phận người con hiểu đạo hiếu vậy.
Một hôm Ai-công nước Lỗ hỏi Khổng-tử rằng: « Con theo mệnh cha có phải là hiếu không? Tôi theo mệnh vua có phải là trung không? » Hỏi ba lần mà Khổng-tử không thưa. Khi Ngài ra ngoài, đem chuyện ấy nói với thầy Tử-Cống và hỏi ý thầy ấy thế nào. Thầy Tử-Cống thưa rang: « Con theo mệnh cha là hiếu, tôi theo mệnh vua là trung, còn ngờ gì nữa? » — Khổng-tử nói rằng: « Ngươi không biết gì. Đời xưa đáng minh-quân làm vua nước vạn thặng, có tránh-thần bảy người, thì vua không làm điều lỗi; làm vua nước thiên thặng, có tránh-thần năm người, thì xã-tắc không nguy; làm chủ một nhà, có tránh-thần ba người, thì lộc vị không suy. Cha có tránh-tử, thì không hãm vào điều vô lễ; kẻ sĩ có tránh-hữu, thì không làm điều bất-nghĩa. Cho nên con theo mệnh cha há đã là hiếu, tôi theo mệnh vua há đã là trung. Chỉ có biết xét cái đáng theo mà theo, mới gọi là hiếu, là trung vậy ». (Khổng-tử gia-ngữ: Tam-thứ, IX). Xem thế, thì làm điều hiếu, không phải cha làm thế nào cũng phải theo. Có khi cha làm điều gì trái lẽ, thì phải hết sức can-ngăn, để cho cha không bị những điều lầm-lỗi. Nhưng chỉ cốt phải theo lễ mà can-ngăn. Hiếu có hợp lễ mới thật là hiếu.
Phàm người có hiếu là khéo nối được cái chí của cha mẹ, khéo noi được việc làm của cha mẹ: « Phù hiếu giả thiện kế nhân chi chí, thiện thuật nhân chi sự giả giã 夫 孝 者 善 繼 人 之 志,善 述 人 之 事 者 也. » (Trung-dung). Câu này cốt ở chữ thiện 善, nghĩa là khéo biết phân-biệt cái chí của cha mẹ, và công việc của cha mẹ đã làm, để xem cái gì hay thì theo, cái gì dở thì bỏ, chứ không phải gặp thế nào cũng nhắm mắt mà theo.
Khổng-tử có dạy phải vô-cải, như Ngài nói rằng: « Phụ tại quan kỳ chí, phụ một quan kỳ hành, tam niên vô cải ư phụ chi đạo, khả vị hiếu hỹ 父 在 觀 其 志,父 沒 觀 其 行,三 年 無 改 於 父 之 道,可 謂 孝 矣: Cha còn thì phải xem cái chí của cha, cha mất rồi phải xem việc làm của cha, ba năm không đổi cái đạo của cha, khả gọi là hiếu vậy. » (Luận-ngữ: Học-nhi, I). Lúc cha còn thì xem cái chí của cha, để có điều gì phải thì theo và có điều gì trái thì can. Việc cha đã làm mà có nên thay đổi, thì đợi hết ba năm tang-chế rồi hãy thay đổi, trước là để tỏ lòng bất-nhẫn của người hiếu-tử, sau là khi làm việc thay đổi như vậy, cần phải kính-cẩn thận-trọng. Nghĩa hai chữ vô-cải là thế, và có theo cái nghĩa ấy thì mới thích-hợp với lẽ trung.
Khổng-tử dạy hiếu, nhưng bao giờ cũng dạy phải giữ đạo trung-dung. Một hôm Diệp-công bảo Khổng-tử rằng: « Ngô đảng hữu trực cung giả, kỳ phụ nhương dương, nhi tử chứng chi 吾 黨 有 直 躬 者,其 父 攘 羊,而 子 證 之: Xóm chúng tôi có người cứ lấy cái thẳng mà khiến mình; cha đi ăn trộm dê, mà con đi làm chứng. Ngài nói rằng: « Ngô đảng chi trực giả dị ư thị, phụ vị tử ẩn, tử vị phụ ẩn, trực tại kỳ trung hỹ 吾 黨 之 直 者 異 於 是,父 爲 子 隱,子 爲 父 隱,直 在 其 中 矣: Người thẳng xóm chúng tôi thì khác thế: Cha che-chở cho con, con che-chở cho cha, cái trực ở trong đó vậy. » (Luận-ngữ: Tử-Lộ, XIII), Lời ấy thật là ôn-hòa, trung-dung, rất thích-hợp với đạo làm người.
Khổng-giáo vốn không phải thuần là một tôn-giáo, vì không có định ra sự thờ-cúng một vị thần nào. Song lấy sự thờ cha mẹ và tổ tiên làm rất tôn-trọng. Khổng-tử cho sự thờ cha mẹ rất hiếu là: « Kính kỳ sở tôn, ái kỳ sở thân, sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn, hiếu chi chí giã 敬 其 所 尊,愛 其 所 親,事 死 如 事 生,事 亡 如 事 存,孝 之 至 也: Kính những người cha mẹ đã tôn-trọng, yêu những người cha mẹ đã yêu-mến, thờ cha mẹ lúc chết rồi cũng như lúc còn sống, lúc mất rồi cũng như lúc hãi còn, ấy là hiếu đến rất mực vậy. » (Trung-dung). Theo cái ý-chỉ ấy, thì sự thờ cha mẹ có cái thái-độ tựa như một tôn-giáo. Huống chi lại nói cách con thờ cha mẹ phải: « Thính ư vô thanh, thị ư vô hình 聽 於 無 聲,視 於 無 形: Nghe thấy ở chỗ không có tiếng, trông thấy ở chỗ không có hình. » (Lễ-ký: Khúc-lễ thượng, I). Nghĩa là phải chuyên-tâm trí-ý mà thờ cha mẹ, lúc nào cũng tưởng-tượng như trông thấy cha mẹ ngồi trước mặt, và nghe thấy lời cha mẹ dạy bảo vậy. Xem như thế, thì hiếu là cái đạo có tính-chất của một tôn-giáo thật. Song ta nên biết rằng sự thờ cha mẹ không phải là cái lẽ cuối cùng của sự hiếu. Cái lẽ cuối cùng của sự hiếu là lấy hiếu gây thành đạo nhân, vì người có hiếu tất là có nhân. Nhân với hiếu thường dắt-díu nhau, cho nên những người có địa-vị trọng-yếu ở trong xã-hội, phải chú ý về đạo hiếu lắm. Ngài nói rằng: « Quân-tử đốc ư thân, tắc dân hưng ư nhân; cố cựu bất di, tắc dân bất thâu 君 子 篤 於 親,則 民 興 於 仁;故 舊 不 遺,則 民 不 偷: Người quân-tử hậu với cha mẹ, thì dân hưng-khởi làm điều nhân; không bỏ sót những người cố-cựu, thì dân không có bạc-tục. » (Luận-ngữ: Thái-Bá, VIII). Người quân-tử đây là nói những kẻ có quyền-bính, làm tiêu-biểu cho nhân-chúng. Những người ấy mà bất-hiếu, bất-mục, tình-cảm đơn bạc, thì khiến dân có nhân, có nghĩa, có tình-cảm hậu sao được? Vậy nên Tăng-tử nói rằng: « Thận chung, truy viễn, dân đức qui hậu hỹ 慎 終,追 遠,民 德 歸 厚 矣: Cẩn-thận lúc cha mẹ chết, nhớ đến tổ tiên xa, thì cái đức của dân trở nên hậu, » (Luận-ngữ: Học-nhi, I).
Chữ hiếu trong Khổng-giáo quan-trọng như thế, cho nên người đi học phải xét cho kỹ, chớ nên vội-vàng phán-đoán nông-nổi mà sai lầm. Cũng vì nhiều người không hiểu cái thâm ý chữ hiếu là cái mối đầu sự tác-dụng của đạo nhân, cho nên cứ câu-nệ về cái hình-thức bề ngoài, bày ra những cách phiền-toái, làm mất cả cái tinh-thần giản-dị, thành-thực. Đó là cái lỗi tại những người đời sau, chứ cứ theo cái đạo của Khổng-tử, thì có điều gì là điều không hay? Đạo của Ngài là đạo trung-dung, phải tùy thời, tùy cảnh-ngộ mà biến-đổi, chủ lấy sự thích-hợp với đạo nhân làm cốt. Việc hiếu cũng như mọi việc khác, vụ lấy lòng thành-thực và cung-kính, còn những điều vụn-vặt không hợp thời, hợp cảnh, thì bỏ đi, có ngại gì? Có biết theo thời mà biến-đổi, để giữ lấy được cái trung, thì mới thật là người nho-học.
Nhưng học cho biết cái lẽ phải trái, biết lẽ điều-hòa trong sự hành-vi của người ta, thì phải biết lễ nhạc, vì lễ nhạc là phần luân-lý thực-hành của Nho-giáo, cốt để bồi dưỡng cái tâm của người ta cho khỏi nghiêng-lệch. Lễ nhạc cũng như hiếu đễ, quan-hệ với nhau mật-thiết lắm, cho nên lễ nhạc là một phần rất trọng-yếu trong sự giáo-hóa của Nho-giáo.
b) LỄ NHẠC
Khổng-tử từ thuở còn thanh-niên ở nước Lỗ, đã nổi tiếng là người học giỏi về lễ. Khi Ngài vào kinh-đô nhà Chu, đi hỏi lễ ở Lão-tử, hỏi nhạc ở Trành-Hoằng. Về sau Ngài ra xuất-chính, hay là dạy học, lúc nào cũng chú ý về lễ nhạc. Xem như vậy, thì lễ nhạc là phần rất trọng-yếu trong sự giáo-hóa của Khổng-giáo. Sau khi Ngài mất rồi, các môn-đệ Ngài ghi nhớ lấy những lời Ngài giảng-dụ về lễ nhạc, rồi chép vào sách Lễ-ký. Hậu-nho đời Hán lại phụ-hội thêm vào, bàn rõ các ý-nghĩa hai chữ lễ nhạc.
Lễ nhạc quan-hệ đến luân-lý, phong-tục và chính-trị rất mật-thiết lắm, cho nên các nho-giả tìm cái căn-nguyên ở trong đạo tự-nhiên của trời đất, cho lễ là cái trật-tự của trời đất, nhạc là cái điều-hòa của trời đất: « Nhạc giả thiên địa chi hòa giã, lễ giả thiên địa chi tự giã 樂 者 天 地 之 和 也,禮 者 天 地 之 序 也: » (Lễ-ký: Nhạc-ký, XIX). Lễ phân ra trật-tự khác nhau, để cho vạn vật có thứ vị phân-minh; nhạc hợp-đồng lại làm một, để người ta biết vạn vật tuy khác nhau, nhưng cùng đồng một thể, cùng theo một lẽ điều-hòa mà sinh hóa. Bởi vậy mới nói rằng: « Thiên cao địa hạ, vạn vật tán thù, nhi lễ chế hành hỹ. Lưu nhi bất tức, hợp đồng nhi hóa, nhi nhạc hưng yên 天 高 地 下,萬 物 散 殊,而 禮 制 行 矣.流 而 不 息,合 同 而 化,而 樂 興 焉: Trời cao đất thấp, muôn vật khác nhau, cho nên thánh-nhân mới nhân đó mà định ra lễ chế, để phân tôn ti trật tự. Trời đất và vạn vật lưu-hành không nghỉ, rồi hội-hợp khí tính cho điều-hòa, để hợp đức mà sinh dục, thế mới thành ra có nhạc vậy. » (Lễ-ký: Nhạc-ký, XIX),
Cái căn-nguyên lễ nhạc cao xa như thế, cho nên mới có cái giá-trị tôn quí, mà thánh hiền đời trước đều lấy làm cơ-bản để dạy người và trị thiên-hạ, khiến người ta cư-xử, hành-động cho hợp nhân đạo. Bởi vậy mới nói rằng: « Tiên-vương chi chế lễ nhạc giã, phi dĩ cực khẩu phúc nhĩ mục chi dục giã, tương dĩ giao dân bình hiếu ố, nhi phản nhân đạo chi chính giã 先 王 之 制 禮 樂 也,非 以 极 口 腹 耳 目 之 欲 也,將 以 教 民 平 好 惡,而 反 人 道 之 正 也: Tiên-vương chế ra lễ nhạc, không phải là để làm cho cùng-cực cái dục của miệng bụng tai mắt, nhưng để khiến dân giữ lòng hiếu ố cho vừa phải, mà sửa lại cái đạo làm người cho chính vậy. » (Lễ-ký: Nhạc-ký, XIX). Vậy nay bàn đến lễ và nhạc, thì ta nên định rõ cái nghĩa hai chữ ấy của cổ-nhân nhiều ra thế nào.
Lễ 禮.— Chữ lễ trước tiên chi dùng để nói cách thờ thần cho được phúc, tức là chỉ có nghĩa cúng tế, thuộc về đường tôn-giáo mà thôi. Sau dùng rộng ra, nói gồm cả những qui-củ mà phong-tục và tập-quán của nhân-quần xã-hội đã thừa nhận, như: quan 冠, hôn 昏, triều 朝, sính 聘, tang 喪, tế 祭 , tân chủ 賓 主, hương ẩm tửu 鄉 飲 酒, quân lữ 軍 旅. Sau cùng chữ lễ lại có cái nghĩa thật rộng nói gồm cả cái quyền-bính của vua và cách tiết-chế sự hành-vi của nhân chúng. Cái nghĩa ấy bao-quát cả những việc thích-hợp với cái lẽ công-chính của đạo-lý và lẽ thích-nghi của sự lý. « Lễ giã giả, nghĩa chi thực giã. Hiệp chư nghĩa nhi hiệp, tắc lễ tuy tiên-vương vị chi hữu, khả dĩ nghĩa khởi giã 禮 也 者,義 之 實 也.協 諸 義 而 協,則 禮 雖 先 王 未 之 有,可 以 義 起 也: Lễ là cái thực của nghĩa. Hợp với các điều nghĩa mà hợp, thì lễ tuy tiên-vương chưa đặt ra, nhưng cũng có thể lấy nghĩa mà khởi sáng ra được ». (Lễ-ký: Lễ-vận, IX). Vậy lễ với lý và nghĩa là một, có thể lấy làm qui-củ cho sự hành-vi, có thể tùy thời mà thay đổi cho hay hơn, tốt hơn, không phải cố-chấp lấy cổ lễ cựu tục làm hạn. Chữ lễ hiểu nghĩa rộng như thế, mới đúng với cái tôn-chỉ của Khổng-giáo. Cái tôn-chỉ ấy cốt nhất là hàm-dưỡng những tình-cảm cho thật hậu, để gây thành cái tập-quán đạo-đức cho đến bậc nhân.
Theo cái nghĩa rộng chữ lễ đã định rõ trên kia, thì cái tác-dụng của lễ có thể chia ra làm bốn chủ-đích như sau này:
1• Chủ-đích thứ nhất là để hàm-dưỡng tính-tình. Nguyên Khổng-giáo vốn là cái học trọng tình-cảm, cho nhân-sự đều bởi tình-cảm mà sinh ra. Vậy nên thánh-nhân rất chú ý về việc gây nên nhiều tình-cảm rất tốt, rất hậu, tức là gây thành cái gốc đạo nhân. Cái nghĩa tối-cổ chữ lễ thuộc về việc tế-tự vẫn quan-hệ đến đạo-đức. Vì việc tế-tự có thể gây thành cái trạng-thái có nhiều tình-cảm rất hậu. Tế là lấy cái bụng thành-thực cung-kính mà đối với tổ tiên, quỉ thần: « Phù tế giả, phi vật tự ngoại chí giả giã, tự trung xuất, sinh ư tâm giã 夫 祭 者 非 物 自 外 至 者 也,自 中 出,生 於 心 也: Tế là không phải cái vật ở ngoài đến, tự trong bụng ra, ở tâm sinh ra vậy. » (Lễ-ký: Tế-thống, XXV). Trong khi tế-tự cha ông tổ tiên, lúc nào người ta cũng tưởng nghĩ đến luôn. Trước ba ngày tế đã trai giới để bụng chăm-chăm vào việc tế; đến ngày tế thì thật hình như đã trông thấy cha ông tổ tiên, thành ra có cái cảm-tình lai-láng biết là bao nhiêu! Sách Lễ-ký, thiên Tế-nghĩa nói rằng: « Trai chi nhật, tư kỳ cư xử, tư kỳ tiếu ngữ, tư kỳ chí ý, tư kỳ sở lạc, tư kỳ sở thị. Trai tam nhật nãi kiến kỳ sở vi trai giả. Tế chi nhật, nhập thất, ái-nhiên tất hữu kiến hồ kỳ vị; chu hoàn xuất hộ, túc-nhiên tất hữu văn hồ kỳ dung thanh; xuất hộ nhi thính, khái-nhiên tất hữu văn hồ kỳ thán-tức chi thanh 齋 之 日 思 其 居 處,思 其 笑 語,思 其 志 意,思 其 所 樂,思 其 所 嗜.齋 三 日 乃 見 其 所 爲 齋 者.祭 之 日,入 室,僾 然 必 有 見 乎 其 位;周 還 出 户,肅 然 必 有 聞 乎 其 容 聲;出 户 而 聽,愾 然 必 有 聞 乎 其 歎 息 之 聲: Ngày trai-giới thì nghĩ đến cách cư-xử, nghĩ đến cách cười nói, nghĩ đến chí-ý, nghĩ đến cái vui, nghĩ đến cái muốn của cha ông tổ-tiên. Trai-giới được ba ngày thì mới thấy rõ được thế nào là trai-giới. Ngày tế, bước vào đến nhà, thì mình phảng-phất hình như trông thấy ở ngai thờ; lúc thong-thả đi ra ngoài cửa thì mình kính-cẩn hình như nghe thấy tiếng, trông thấy giáng điệu; lúc ra ngoài cửa rồi, thì mình băn-khoăn hình như nghe tiếng than-thở. »
Cách ăn-mặc trong lúc tang-chế, ở chỗ triều-đường, hay khi đi trận-mạc, phải theo lễ, cũng là có ý để gây nên những tình-cảm cho xứng đạo nhân. Một hôm Ai-công nước Lỗ hỏi Khổng-tử rằng: « Thân ủy chương phủ hữu ích ư nhân hồ 紳 委 章 甫 有 益 於 仁 乎: Giải mũ và áo chương-phủ có ích cho đạo nhân không? — Khổng-tử nghiêm sắc mặt mà thưa rằng: « Quân hồ nhiên yên! Thôi ma thư trượng giả, chí bất tồn hồ lạc, phi nhĩ phất văn, phục sử nhiên giã; phủ phất cổn miện giả, dung bất tập mạn, phi tính căng trang, phục sử nhiên giã; giới trụ chấp qua giả, vô thoái nọa chi khí, phi thể thuần mãnh, phục sử nhiên giã 君 胡 然 焉!衰 麻 苴 杖 者,志 不 存 乎 樂,非 耳 弗 聞,服 使 然 也;黼 敝 袞 冕 者,容 不 襲 慢,非 性 矜 莊,服 使 然 也;介 冑 執 戈 者,無 退 懦 之 氣,非 體 純 猛,服 使 然 也: Sao vua lại nghĩ thế! Người mặc áo sô gai chống gậy, chí không để đến sự vui, không phải là tai không nghe thấy, vì y-phục khiến như thế; người mặc cái phủ cái phất, áo cổn mũ miện, giáng điệu không nhờn, không phải là nguyên tính vốn trang-nghiêm, vì y-phục khiến như thế; người đội mũ trụ, mặc áo giáp, cầm cây giáo, không có cái khí dút-dát, không phải là thân-thể vốn mạnh-bạo, vì y-phục khiến như thế. » (Khổng-tử gia-ngữ: Hiếu-sinh, X).
Khổng-giáo dùng lễ là cốt tạo-thành ra một thứ không-khí lễ nghĩa, khiến người ta có cái đạo-đức tập-quán, để làm điều lành, điều phải, mà vẫn tự-nhiên không biết. Sách Lễ-ký, thiên Đàn-cung-hạ chép chuyện ngươi Chu-Phong thưa với Lỗ Ai-công rằng: « Hư mộ chi gian, vị thi ai ư dân nhi dân ai; xã tắc tôn miếu chi trung, vị thi kính ư dân nhi dân kính 墟 墓 之 間,未 施 哀 於 民 而 民 哀;社 稷 宗 廟 之 中,未 施 敬 於 民 而 民 敬: Ở chỗ mồ mả, chưa dạy dân phải thương, mà dân tự-nhiên có lòng thương; ở chỗ xã-tắc tôn-miếu, chưa dạy dân phải kính, mà dân tự-nhiên có lòng kính. » Ở chỗ mồ-mả thì có cái không-khí bi-ai, ở chỗ tôn-miếu thì có cái không-khí tôn-kính, ai đã hô-hấp cái không-khí ấy thì rồi tự hóa theo mà không biết. Khổng-giáo dùng lễ tức là để gây thành ra cái không-khí đạo-đức vậy.
2. Cái chủ-đích thứ hai là để giữ những tình-cảm cho thích-hợp đạo trung. Gây thành ra những tình-cảm rất tốt, rất hậu, là một điều rất trọng-yếu của Khổng-giáo. Nhưng cứ để cho tình-cảm được tự-do hành-động, thì thường sinh ra lắm điều chếch-lệch, phi thái-quá thì bất-cập. Vậy nên phải lấy lễ mà khiến sự hành-vi của người ta cho có chừng-mực, để lúc nào cũng hợp với đạo trung. Khổng-tử nói rằng: « Cung nhi vô lễ tắc lao, thận nhi vô lễ tắc tứ, dũng nhi vô lễ tắc loạn, trực nhi vô lễ tắc giảo 恭 而 無 禮 則 勞,慎 而 無 禮 則 葸,勇 而 無 禮 則 亂,直 而 無 禮 則 絞: Cung-kính mà không có lễ thì phiền, cẩn-thận mà không có lễ thành ra khiếp-sợ, dũng mà không có lễ thì loạn, trực mà không có lễ thành ngang-ngạnh. » (Luận-ngữ: Thái-Bá, XIII). Vì vậy cho nên Ngài bảo thầy Nhan-Uyên là một người đã hiểu đạo nhân hơn cả mọi người, rằng: « Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động 非 禮 勿 視,非 禮 勿 聽,非 禮 勿 言,非 禮 勿 動: Không phải lễ thì chớ trông, không phải lễ thì chớ nghe, không phải lễ thì chớ nói, không phải lễ thì chớ làm ». (Luận-ngữ: Nhan-Uyên, XII). Lễ là cốt để giữ chừng-mực cho sự hành-vi của người ta, cho nên mới nói rằng: « Đạo đức nhân nghĩa, phi lễ bất thành: giáo huấn chính tục, phi lễ bất bị; phân tranh biện tụng, phi lễ bất quyết; quân thần, thượng hạ, phụ tử, huynh đệ, phi lễ bất định; hoạn học, sự sư, phi lễ bất thân; ban triều, trị quân, lị quan, hành pháp, phi lễ uy-nghiêm bất hành; đảo từ, tế tự, cung cấp quỉ thần, phi lễ bất thành bất trang. Thị dĩ quân-tử cung kính tỗn tiết, thoái nhượng dĩ minh lễ 道 德 仁 義,非 禮 不 成;教 訓 正 俗,非 禮 不 備;分 爭 辨 訟,非 禮 不 決;君 臣 上 下 父 子 兄 弟,非 禮 不 定;宦 學 事 師,非 禮 不 親;班 朝 治 軍 涖 官 行 法,非 禮 威 嚴 不 行;禱 祠 祭 祀,供 給 鬼 神,非 禮 不 誠 不 莊.是 以 君 子 恭 敬,撙 節,退 讓 以 明 禮: Đạo đức nhân nghĩa, không có lễ, không thành; dạy bảo, sửa đổi phong-tục, không có lễ không đủ; xử việc phân tranh kiện tụng, không có lễ không quyết; vua tôi, trên dưới, cha con, anh em, không có lễ không định; học làm quan, thờ thầy, không có lễ không thân; xếp đặt thứ vị trong triều, cai-trị quân lính, đi làm quan, thi-hành pháp-lệnh, không có lễ, không uy-nghiêm; cầu khấn tế tự, cung cấp quỉ thần, không có lễ không thành kính, không trang chính. Bởi thế cho nên quân-tử dung-mạo phải cung, trong bụng phải kính, giữ gìn pháp-độ, thoái-nhượng, để làm sáng rõ lễ ». (Lễ-ký: Khúc-lễ-thượng).
Khổng-giáo thủy chung làm việc gì cũng cần lấy đạo trung; nếu không có lễ để làm tiêu-chuẩn cho sự hành-vi, thì biết thế nào là trung được. Vậy nên Khổng-tử nói rằng: « Lễ hồ, lễ hồ, sở dĩ chế trung giã 禮 乎,禮 乎,所 以 制 中 也: Lễ vậy ôi, lễ vậy ôi, để chữa cho vừa đạo trung vậy ». (Lễ-ký: Ai-công-vấn, XXVIII).
Cái chủ-đích thứ hai này quan-hệ với cái chủ-đích thứ nhất mật-thiết lắm, vì là cái tôn-chỉ Khổng-giáo không những là khiến người ta phải có tình-cảm rất tốt, rất hậu mà thôi, nhưng lại khiến những cái tình-cảm ấy phải điều-hòa cho hợp đạo trung. Đó là cái quan-niệm tối trọng-yếu trong Khổng-giáo, bởi vì người ta có giữ được tâm-tính cho công-chính và làm việc gì cũng đắc kỳ trung, thì mới là nhân được.
3• Cái chủ-đích thứ ba là định cái lẽ phải trái, cái tình thân sơ và cái trật-tự trên dưới cho phân-minh. Ở trong xã-hội có vua tôi, cha con, vợ chồng, có người thân kẻ sơ, có việc phải việc trái, cho nên phải có lễ để phân-biệt cho rõ mọi lẽ, khiến người ta biết đường ăn-ở cho phải đạo: « Phù lễ giả, sở dĩ định thân sơ, quyết hiềm nghi, biệt đồng dị, minh thị phi giã 夫 禮 者,所 以 定 親 疎,决 嫌 疑,別 同 異,明 是 非 也: Lễ là để định thân sơ, quyết sự hiềm-nghi, phân-biệt cái giống nhau khác nhau, rõ cái phải trái ». (Lễ-ký: Khúc-lễ-thượng, I). Lễ là cốt để phân ra trật-tự, khiến cho vạn vật không có điều gì hồ-đồ hỗn-độn: « Phù lễ giả, sở dĩ chương nghi biệt vi, dĩ vi dân phường giả giã. Cố quí tiện hữu đẳng, y phục hữu biệt, triều-đình hữu vị, tắc dân hữu sở nhượng 夫 禮 者,所 以 章 疑 別 微,以 爲 民 坊 者 也.故 貴 賤 有 等,衣 服 有 別,朝 廷 有 位,則 民 有 所 讓: Lễ là dùng để làm cho rõ điều ngờ, biện-bạch những điều vi-ẩn, để làm sự phòng giữ cho dân. Cho nên người sang người hèn có bậc, y-phục có phân-biệt, ở chỗ triều-đình có ngôi thứ, thì dân mới có đức nhượng ». (Lễ-ký: Phường-ký, XXX). Nếu không có lễ thì làm thế nào mà biết cách thờ trời đất quỉ thần cho phải, lấy gì mà phân-biệt cái nghĩa vua tôi trên dưới cho hợp đạo lý? « Dân chi sở do sinh, lễ vi đại. Phi lễ vô dĩ tiết sự thiên địa chi thần giã; phi lễ vô dĩ biện quân thần thượng hạ trưởng ấu chi vị giã; phi lễ vô dĩ biệt nam nữ phụ tử huynh đệ chi thân, hôn nhân sơ sác chi giao giã 民 之 所 由 生,禮 爲 大.非 禮 無 以 節 事 天 地 之 神 也;非 禮 無 以 辨 君 臣 上 下 長 幼 之 位 也;非 禮 無 以 別 男 女 父 子 兄 弟 之 親,婚 姻 疏 數 之 交 也: Trong những cái của dân cậy mà sinh-hoạt thì lễ là to hơn cả. Không có lễ thì không có thể thờ thần của trời đất cho có thứ bậc; không có lễ thì không biện-biệt ngôi vua tôi, trên dưới, lớn bé; không có lễ thì không có thể phân-biệt cái lòng thân của trai gái, cha con, anh em, sự giao-tiếp về việc hôn-nhân, về người thân hay người sơ ». (Lễ-ký: Ai-công vấn, XXVII). Lễ dùng về phương-diện phân tôn ti trật tự, tức là cái phép-tắc để tổ-chức cái luân-lý ở trong gia-đình, xã-hội và quốc-gia vậy.
4• Cái chủ-đích thứ tư là để tiết-chế cái thường tình của người ta. Sách Lễ-ký, thiên Nhạc-ký nói rằng: « Nhân sinh nhi tĩnh, thiên chi tính giã. Cảm ư vật nhi động, tính chi dục giã. Vật chí tri tri, nhiên hậu hiếu ố hình yên. Hiếu ố vô tiết ư nội, tri dụ ư ngoại, bất năng phản cung, thiên lý diệt hỹ 人 生 而 靜,天 之 性 也.感 於 物 而 動,性 之 欲 也.物 至 知 知,然 後 好 惡 形 焉.好 惡 無 節 於 內,知 誘 於 外,不 能 反 躬,天 理 滅 矣: Người ta sinh ra vốn tĩnh, đó là tính trời. Cảm với vật ở ngoài mà động, là cái muốn của tính. Vật đến thì cái biết của mình biết, nhiên hậu cái hiếu, cái ố, mới hình ra. Cái hiếu, cái ố, mà không có tiết-chế ở trong, cái biết của mình bị ngoại-vật dẫn-dụ, cứ thế mà không nghĩ lại, thì thiên-lý tiêu-diệt vậy ». Cứ theo Khổng-giáo thì người ta bẩm-thụ cái tính của Trời, cái tính ấy cảm-xúc với ngoại vật mà động; tính động thành ra tình. Tình thì ai cũng có, nhưng nếu không có cái gì để tiết-chế, thì rồi bị ngoại vật làm cho đến mất cái thiên-tính đi. Bởi vậy Khổng-tử nói rằng: « Phù lễ, tiên-vương dĩ thừa thiên chi đạo, dĩ trị nhân chi tình 夫 禮,先 王 以 承 天 之 道,以 治 人 之 情: Lễ là tiên-vương vâng theo cái đạo của Trời, để trị cái tình của người ». (Lễ-ký: Lễ-vận, IX).
Khổng-giáo vốn lấy tình-cảm làm trọng, nhưng vẫn biết cái tình-cảm của người thường mà không có hạn-chế, thì thành hư-hỏng. Khổng-tử nói rằng: « Trung nhân chi tình hữu dư tắc xỉ, bất túc tắc kiệm, vô cấm tắc dâm, vô độ tắc thất, túng dục tắc bại. Cố ẩm thực hữu lượng, y phục hữu tiết, cung thất hữu độ, súc tụ hữu số, xa khí hữu hạn, dĩ phòng loạn chi nguyên giã 中 人 之 情,有 餘 則 侈,不 足 則 儉,無 禁 則 淫,無 度 則 失,縱 欲 則 敗.故 飲 食 有 量,衣 服 有 節,宮 室 有 度,蓄 聚 有 數,車 器 有 限,以 防 亂 之 源 也: Cái thường tình của hạng người trung nhân, hễ có thừa thì xa-xỉ, không đủ thì sẻn, không ngăn cấm thì hoang-dâm, không theo tiết-độ thi sai lầm, buông thả lòng dục thì hư hỏng. Cho nên ẩm thực phải có hạn-lượng, y phục phải có tiết-chế, cửa nhà phải có pháp-độ, súc-tụ phải có số thường, xe cộ và đồ dùng phải có ngữ có hạn, là để giữ phòng cái nguồn loạn vậy. » (Khổng-tử tập-ngữ: Tề-hầu vấn, XIII). Vì vậy mới theo thường-tình của người ta mà đặt ra văn-vẻ, để giữ cho người ta khỏi làm bậy: « Lễ-giả, nhân nhan chi tình nhi vi chi tiết văn, dĩ vi dân phường giả giã 禮 者,因 人 之 情 而 爲 之 節 文,以 爲 民 坊 者 也: Lễ là nhân cái thường-tình của người ta mà đặt ra tiết-độ, văn-vẻ, để làm cái ngăn giữ cho dân. (Lễ-ký: Phường-ký, XXX). Nhưng cái tình của người ta thường ẩn-khuất ở trong bụng không sao biết được, chỉ có dùng lễ thì mới ngăn giữ được mà thôi: « Ẩm thực, nam nữ, nhân chi đại dục tồn yên; tử vong, bần khổ, nhân chi đại ố tồn yên. Cố dục ố giả, tâm chi đại đoan giã, nhân tàng kỳ tâm, bất khả trắc đạc giã; mỹ ác giai tại kỳ tâm, bất kiến kỳ sắc giã. Dục nhất dĩ cùng chi, xả lễ hà dĩ tai 飲 食,男 女,人 之 大 欲 存 焉;死 亡,貧 苦,人 之 大 惡 存 焉.故 欲 惡 者,心 之 大 端 也,人 藏 其 心,不 可 測 度 也;美 惡 皆 在 其 心,不 見 其 色 也.欲 一 以 窮 之,舍 禮 何 以 哉: Cái đại-dục của người ta là ở việc ăn uống trai gái, bao giờ cũng có, cái đại-ố của người ta là ở sự chết mất, nghèo khổ, bao giờ cũng có. Cho nên dục, ố, là cái mối lớn của tâm vậy, người ta dấu kín cái tâm không thể dò xé được; cái hay cái dở đều ở cả trong tâm, không hiển-hiện ra ngoài. Nếu muốn tóm lại làm một để biết cho cùng, mà bỏ lễ, thì lấy gì mà biết được. » (Lễ-ký: Lễ-vận, IX). Đế vương đời trước sở dĩ trị được thiên-hạ, là vì hiểu rõ cái tình của người ta, cho nên mới đặt ra lễ và nghĩa để phân-biệt cái lơi cái hại, để trị thất tình là hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục, sửa thập nghĩa là phụ từ, tử hiếu, huynh lương, đệ đễ, phu nghĩa, phụ thính, trưởng huệ, ấu thuận, quân nhân, thần trung, giảng điều tin, sửa sự hòa-thuận, chuộng sự từ-nhượng, bỏ sự tranh-cướp (Lễ-vận, IX).
Sự giáo-hóa của lễ tinh-vi lắm và có hiệu-quả rất sâu-xa: « Lễ chi giáo hóa giã vi, kỳ chỉ tà giã ư vị hình, sử nhân nhật tỉ thiện, viễn tội, nhi bất tự tri giã 禮 之 教 化 也 微,其 止 邪 也 於 未 形,使 人 日 徙 善,遠 罪,而 不 自 知 也: Sự giáo-hóa của lễ rất cơ-mầu, ngăn-cấm điều bậy ngay lúc chưa hình ra, khiến người ta ngày ngày đến gần điều thiện, tránh xa điều tội, mà tự mình không biết ». (Lễ-ký: Kinh-giải, XXVI). Vì thế cho nên thánh-nhân rất chuộng lễ: « Phù lễ cấm loạn chi sở do sinh, do phường chỉ thủy chi tự lai giã 夫 禮 禁 亂 之 所 由 生,猶 坊 止 水 之 自 來 也: Lễ là cấm sự loạn sinh ra, như đường đê giữ cho nước không đến vậy ». (Lễ-ký: Kinh-giải, XXVI). Người giàu sang biết lễ thì không dâm-tàn, không kiêu-căng; người bần-tiện biết lễ thì không nản chí, không làm bậy. Người làm vua làm chúa có biết lễ thì mới biết cách trị nước yên dân. Nói rút lại: « Lễ chi ư chính quốc giã, do hành chi ư khinh trọng giã, thằng mặc chi ư khúc trực giã, qui củ chi ư phương viên giã 禮 之 於 正 國 也,猶 衡 之 於 輕 重 也,繩 墨 之 於 曲 直 也,規 矩 之 於 方 圓 也: Lễ đối với việc sửa nước cũng như cán cân đối với vật nặng nhẹ, cái dây đối với vật thẳng vật cong, cái qui cái củ đối với vật tròn vật vuông vậy ». (Lễ-ký: Kinh-giải, XXVI).
Xét kỹ bốn cái chủ-đích đã nói trên kia, thì biết rõ cái tác-dụng của lễ thật là quảng-đại, thật là tinh-vi, đủ chứng là tâm-lý-học của Khổng-giáo sâu xa vô cùng. Hồ Thích-Chi nói trong sách « Trung-quốc triết-học-sử » rằng: « Trong cái nghĩa rộng chữ lễ có hàm cái tính-chất pháp-luật, nhưng lễ thì thiên trọng về cái qui-củ tích-cực, mà pháp-luật thì thiên trọng về cái cấm chế tiêu-cực. Lễ thì dạy người ta nên làm điều gì và không nên làm điều gì; pháp-luật thì cấm không cho làm những việc gì, hễ làm thì phải tội. Người làm điều trái lễ thì chỉ bị người quân-tử chỉ-nghị chê-cười, chứ người làm trái pháp-luật thì có hình-pháp xét xử ». Lời ấy nói riêng về cái chủ-đích thứ-tư thì rất phải lắm.
Dùng lễ có lợi hơn là có thể ngăn cấm được việc chưa sẩy ra, mà dùug pháp-luật thì chỉ để trị cái việc đã có rồi, bởi vậy thánh-nhân chỉ trọng lễ, chứ không trọng hình: « Phàm nhân chi tri, năng kiến dĩ nhiên, bất kiến tương nhiên. Lễ giả cấm ư tương nhiên chi tiền, nhi pháp giả cấm ư dĩ nhiên chi hậu... Lễ vân, lễ vân, quí tuyệt ác ư vị manh, nhi khởi kính ư vi diểu, sử dân nhật tỉ thiện viễn tội nhi bất tự tri giã 凡 人 之 知,能 見 已 然,不 見 將 然.禮 者 禁 於 將 然 之 前,而 法 者 禁 於 已 然 之 後… 禮 云,禮 云,貴 絕 惡 於 未 萌,而 起 教 於 微 眇,使 民 日 徙 善 遠 罪 而 不 自 知 也: Phàm cái biết của người ta chỉ biết được cái đã có rồi, không biết được cái sắp có. Lễ là để cấm trước cái sắp có, pháp-luật là để cấm sau cái đã có rồi... Lễ vậy, lễ vậy, lễ quí là dứt được điều ác từ lúc chưa nảy mầm ra, dấy lòng kính ở chỗ người ta không trông thấy, để cho dân ngày ngày đến gần điều thiện, xa điều tội, mà tự mình không biết ». (Đại-Đái Lễ-ký: Lễ-tế).
Nhạc 樂. — Cả kinh Nhạc của Khổng-tử đã định ra, nay chỉ còn có một ít trong thiên Nhạc-ký, chép ở trong bộ Lễ-ký. Tuy vậy, nhưng xem kỹ thiên ấy, thì cũng có thể hiểu được nghĩa chữ nhạc theo như ý của cổ-nhân. « Nhạc giả âm chi sở do sinh giã 樂 者 音 之 所 由 生 也: Nhạc là do âm mà sinh ra ». Âm khởi-phát ra tự ở lòng người. Lòng người cảm ngoại-vật mà động, cho nên mới hình ra ở cái thanh. Những thanh tương ứng với nhau rồi biến ra thành phương, tức là thành cung bậc trong đục cao thấp, gọi là âm. Âm chia ra làm năm bậc là: cung, thương, giốc, trủy, vũ. Đem các âm so vào những nhạc khí để đánh ra tiếng. Những tiếng: kim thạch ti trúc, những đồ múa: can 干 (khiên), thích 戚 (búa), vũ 羽 (lông chim sả), mao 旄 (lông đuôi bò), và những thi phú ca vịnh, gồm tất cả gọi là nhạc. Vậy nghĩa chữ nhạc là nói chung cả chuông trống đàn địch múa hát và văn thơ.
Nhạc với lòng người cảm hóa lẫn nhau: một là bởi lòng người cảm-xúc ngoại cảnh mà thành ra tiếng nhạc; hai là tiếng nhạc cảm lòng người, rồi khiến lòng người theo tiếng nhạc mà biến đi. Như khi ngoại cảnh đau-đớn thì lòng người thương-xót, trong lòng đã thương-xót, thì cái thanh âm nghe tiêu-sái; khi ngoại cảnh tốt lành, tất là trong lòng vui-vẻ, thì cái thanh âm nghe thong-thả, êm-đềm; khi ngoại cảnh thỏa-thích, trong lòng hớn-hở, thì cái thanh âm nghe hể-hả; khi ngoại cảnh có điều không lành, trong lòng tức-giận, thì cái thanh âm nghe thô-thiển dữ-tợn; khi ngoại cảnh trông thấy tôn-nghiêm, thì cái thanh âm nghe chính-trực, nghiêm-trang; khi ngoại cảnh làm cho sinh ra lòng yêu-mến, thì cái thanh âm nghe dịu-dàng, hòa-nhã.
Tâm tính người ta vốn sẵn của Trời phú cho, nhưng cái tình-dục thì do sự cảm-xúc với ngoại vật mà thành ra. « Phù dân hữu huyết khí tâm trí chi tính, nhi vô ai lạc hỉ nộ chi thường. Ứng cảm khởi vật nhi động, nhiên hậu tâm thuật hình yên 夫 民 有 血 氣 心 知 之 性,而 無 哀 樂 喜 怒 之 常.應 感 起 物 而 動,然 後 心 術 形 焉: Phàm người là ai cũng có cái tính bởi huyết khí tâm trí sinh ra, mà cái tình ai lạc hỉ nộ, thì không thường. Sự ứng cảm khởi ở ngoại vật mà động, rồi cái tâm thuật mới hình rõ ra ». (Nhạc-ký, XIX). Thánh-nhân cho nhạc thanh thiện ác đều do ở cả lòng người. Lòng người cảm điều thiện, thì thiện thanh ứng; cảm điều ác, thì ác thanh ứng. Sự thiện ác của nhạc là bởi lòng người mà sinh ra, rồi lại cảm lòng người mà khiến cho thành ra thiện hay ác. Thí-dụ như nhạc-thanh thiện cảm người, thì lòng người hóa đi mà làm điều thiện; nhạc-thanh ác cảm người, thì lòng người theo mà làm điều ác. Thành thử nhạc do ở lòng người thiện hay ác mà sinh ra, rồi lại cảm lòng người mà khiến người làm điều thiện hay điều ác. Nhạc có cái thế-lực quan-trọng như thế, cho nên đế vương đời trước chú ý về việc dùng nhạc, để hóa lòng người, khiến cho được chí thiện chí mỹ.
Cái tác-dụng của nhạc cốt hòa thanh âm cho tao-nhã, để di-dưỡng tính-tình. Cho nên Khổng-tử nói rằng: Trí nhạc dĩ trị tâm, tắc dị trực từ lượng chi tâm du-du nhiên sinh hỹ 致 樂 以 治 心,則 易 直 慈 諒 之 心 油 油 然 生 矣: Xét cho cùng các lẽ về nhạc để trị lòng người, thì cái lòng giản-dị, chính-trực, từ ái, thành-tín, tự nhiên phơi-phới mà sinh ra. » (Lễ-ký: Tế-nghĩa, XXIV). Thánh-nhân biết nhạc có cái thế-lực rất mạnh về đường đạo-đức, cho nên mới chế nhạc để dạy người. « Nhạc giã giả, thánh-nhân chi sở lạc giã, nhi khả dĩ thiện dân tâm, kỳ cảm nhân thâm, kỳ di phong dịch tục, cố tiên-vương trứ kỳ giáo yên 樂 也 者,聖 人 之 所 樂 也,而 可 以 善 民 心,其 感 人 深,其 移 風 易 俗,故 先 王 著 其 教 焉: Nhạc là cái vui của thánh-nhân, mà khả khiến cho lòng dân trở nên tốt lành, có thể cảm lòng người rất sâu và di phong dịch tục được, cho nên tiên-vương mới đặt ra dạy nhạc ». (Nhạc-ký, XIX).
Nhạc cũng như lễ, rất có ảnh-hưởng về đường chính-trị. « Thanh âm chi đạo, dữ chính thông hỹ 聲 音 之 道,與 政 通 矣: Đạo thanh-âm thông với chính-trị vậy ». (Nhạc-ký, XIX). Hễ chính-trị hay thì nghe tiếng nhạc hay, chính-trị dở thì nghe tiếng nhạc dở. Thí-dụ: âm-nhạc đời trị, thì nghe yên-tĩnh vui-vẻ, âm-nhạc đời loạn thì nghe oán-giận tức-tối, âm-nhạc lúc mất nước thì nghe bi-ai sầu-thảm v. v. Bởi vậy cho nên nói rằng: « Thẩm nhạc dĩ tri chính 審 樂 以 知 政: Xét kỹ âm-nhạc để biết chính-trị hay dở ». (Nhạc-ký, XIX).
Dùng nhạc cũng như dùng lễ, phải vụ lấy giữ đạo trung. Nhạc để khiến người ta đồng vui, đồng thương. Nhưng vui hay thương vẫn phải lấy điều-hòa làm chủ. Khổng-tử nói rằng: « Lạc nhi bất dâm, ai nhi bất thương 樂 而 不 淫,哀 而 不 傷: Vui mà không dâm, thương mà không hại ». (Luận-ngữ: Bát-dật, III). Ý ngài nói: nhạc là để điều-hòa tính tình, dẫu vui thế nào cũng không mất cái chính, mà buồn thế nào cũng không mất cái hòa, cốt cho thích-hợp đạo trung mới được.
Đại-để, lễ và nhạc có cái chủ-đích chung, là sửa đổi tâm tính cho ngay chính, bồi-dưỡng cái tình-cảm cho thật hậu. Song lễ và nhạc mỗi bên lại có cái chủ-đích riêng, là lễ cốt ở sự cung-kính, để giữ trật-tự cho phân-minh, nhạc cốt ở sự điều-hòa, để khiến tâm tình cho tao-nhã. Hai bên dung-hòa với nhau, thì mới hoàn-toàn được. Nếu có lễ mà không có nhạc, thì nhân-quần ở với nhau thành ra phân-biệt thái-quá, nhân-tình bất thông; có nhạc mà không có lễ, thì thành ra lưu-đãng khinh-nhờn. Vậy nên có lễ phải có nhạc, để cái nọ chế cái kia cho thành điều-hòa. « Nhạc giả vi đồng, lễ giả vi dị. Đồng tắc tương thân, dị tắc tương kính. Nhạc thắng tắc lưu, lễ thắng tắc ly. Hợp tính sức mạo giả, lễ nhạc chi sự giã 樂 者 爲 同,禮 者 爲 異.同 則 相 親,異 則 相 敬.樂 勝 則 流,禮 勝 則 離.合 情 飾 貌 者 禮 樂 之 事 也: Nhạc là làm cho hợp-đồng, lễ làm cho phân-biệt. Hợp-đồng thì tương thân nhau, phân-biệt thì tương kính nhau. Dùng nhạc quá thì thành ra lưu-đãng, dùng lễ quá thì phân-ly cách-biệt, mất cái tình thân-ái. Thích-hợp tính tình, trang-sức dung-mạo, là việc của lễ nhạc vậy ». (Nhạc-ký, XIX).
Lễ và nhạc có cái ý nghĩa rất sâu xa, cái thế-lực rất mạnh về đường đạo-đức, vì một đường thì khiến tâm tình ở trong, một đường thì khiến sự hành-vi ở ngoài, cốt cho trong hòa ngoài thuận. « Nhạc giã giả, động ư nội giả giã, lễ giã giả, động ư ngoại giả giã. Nhạc cực hòa, lễ cực thuận 樂 也 者 動 於 內 者 也,禮 也 者 動 於 外 者 也.樂 極 和,禮 極 順: Nhạc là động ở trong, lễ là động ở ngoài. Cái cùng-cực của nhạc là hòa, cái cùng-cực của lễ là thuận ». (Nhạc-ký, XIX). Hòa là điều-hòa tính tình, mà thuận là thuận hợp nghĩa lý. Nếu trong lòng mà tính tình điều-hòa và ở ngoài mà sự hành-vi thuận hợp nghĩa lý, thì cái tà-tâm vọng-niệm còn vào thế nào được lòng người ta nữa. Vậy nên thánh-nhân dạy người cốt lấy lễ nhạc làm trọng.
Cứ theo cái tôn-chỉ của Nho-giáo, thì lễ và nhạc có cái địa-vị rất trọng-yếu về đường chính-trị, vì đế vương đời trước cho việc chính-trị và việc giáo-hóa cùng theo một chủ-nghĩa. « Lễ dĩ đạo kỳ chí, nhạc dĩ hòa kỳ thanh, chính dĩ nhất kỳ hành, hình dĩ phòng kỳ gian. Lễ nhạc hình chính, kỳ cực nhất giã, sở dĩ đồng dân tâm, nhi xuất trị đạo giã 禮 以 道 其 志,樂 以 和 其 聲,政 以 一 其 行,刑 以 防 其 姦.禮 樂 刑 政,其 極 一 也,所 以 同 民 心,而 出 治 道 也: Lễ để khiến cái chí, nhạc để hòa cái thanh, chính-trị để tề-nhất việc làm, hình-phạt để ngăn-cấm sự gian-tà. Lễ nhạc hình chính tuy khác nhau, nhưng rút lại đến chỗ cực cũng là một, là khiến lòng dân đồng cả về việc thiện, để cho ra đạo trị vậy ». (Nhạc-ký XIX). Không có lễ nhạc để sửa lòng người cho ngay chính, hòa-thuận, thì việc chính-trị thành ra hà-khốc, bạo-ngược, không phải là vương-đạo. « Lễ tiết dân tâm, nhạc hòa dân thanh, chính dĩ hành chi, hình dĩ phòng chi. Lễ nhạc hình chính, tứ đạt nhi bất bội, tắc vương-đạo bị hỹ 禮 節 民 心,樂 和 民 聲,政 以 行 之,刑 以 防 之.禮 樂 刑 政,四 達 而 不 悖,則 王 道 備 矣: Lễ để tiết-chế lòng dân, nhạc để hòa thanh-âm của dân, chính-trị để định việc làm, hình-pháp để ngăn cấm điều bậy. Lễ nhạc hình chính, bốn việc ấy đạt cả, không trái điều nào, thì vương đạo đủ vậy ». (Nhạc-ký, XIX) Khổng-tử tin sự dùng lễ nhạc có công-hiệu rất lớn, cho nên mới nói rằng: « Quân-tử minh ư lễ nhạc, cử nhi thố chi nhi dĩ 君 子 明 於 禮 樂,舉 而 錯 之 而 已: Người quân-tử mà biết rõ lễ nhạc, thì chỉ đem thi-thố ra là đủ mà thôi ». Lễ-ký: Khổng-tử yến-cư, XXVIII).
Lễ-nhạc quan-hệ đến việc giáo-hóa và việc chính-trị mật-thiết như thế, cho nên xưa nay những người nho-học rất sùng thượng lễ nhạc. Song vì người đời sau câu-nệ cái hình-thức bề ngoài, dần dần bỏ mất cái thâm-ý mà chỉ giữ lấy cái phiền văn. Đến nay lễ thì thành phiền-toái, mà nhạc thì không tiến-hóa được. Lễ là cốt lấy sự kính làm gốc, nhạc cốt lấy sự hòa làm gốc. Nếu lễ mà không kính, nhạc mà không hòa, dẫu bề ngoài có giữ được đủ các lề lối, thì cũng không có ích-lợi gì cho sự tiến-hóa của người ta. Khổng-tử than rằng: « Lễ vân, lễ vân, ngọc bạch vân hồ tai! Nhạc vân, nhạc vân, chung cổ vân hồ tai! 禮 云,禮 云,玉 帛 云 乎 哉!樂 云,樂 云,鐘 鼓 云 乎 哉!: Lễ vậy, lễ vậy, ngọc lụa vậy hay sao! Nhạc vậy, nhạc vậy, chuông trống vậy hay sao! » (Luận-ngữ: Dương-Hóa, XVII). Nghĩa là: ngọc lụa là đồ lễ, nhưng có lễ mà không có kính, thì lễ ra gì; chuông trống là đồ nhạc, nhưng có nhạc mà không có hòa, thì nhạc ra gì. Lời ấy thật là chứng rõ cái tôn-chỉ của Ngài dùng lễ nhạc trọng về tinh-thần là bao nhiêu! Nhưng dẫu lễ nhạc hay thế nào mặc lòng, người mà không có nhân, thì cũng không có hiệu-quả gì. Có nhân, tức là có tình-cảm rất hậu, có trực-giác rất mẫn-nhuệ, rồi lấy lễ nhạc mà khiến, thì cái công-dụng của lễ nhạc rất hay. Nếu không có nhân mà dùng lễ nhạc, thì chỉ là một cái hư-văn mà thôi. Bởi vậy Khổng-tử nói rằng: Nhân nhi bất nhân như lễ hà? Nhân nhi bất nhân như nhạc hà? 人 而 不 仁 如 禮 何?人 而 不 仁 如 樂 何?: Người mà không có nhân, thì dùng lễ sao được? Người mà không có nhân, thì dùng nhạc sao được »? (Luận-ngữ: Bát-dật, III).
Vậy lễ nhạc cũng như hiếu đễ, cốt ở đạo nhân. Người có nhân là người quân-tử hoàn-toàn, có phẩm-giá tôn-quí, làm việc gì cũng thích-hợp với lẽ trời và có thể để làm tiêu-chuẩn cho người ta theo.
IV. — CHÍNH-TRỊ
Quan-niệm về chính-trị. — Đạo của Khổng-tử cốt lấy đạo nhân làm gốc: Lấy hiếu đễ, lễ nhạc, làm cơ-bản cho sự giáo-hóa, để gây thành đạo nhân; lấy chính-trị làm cái công-dụng của đạo nhân mà thi-thố ra ở đời. Ngài nói rằng: « Nhân đạo mẫn chính, địa đạo mẫn thụ. Phù chính giã giả, bồ lư giã. Cố vi chính tại nhân; thủ nhân dĩ thân, tu thân dĩ đạo, tu đạo dĩ nhân 人 道 敏 政,地 道 敏 樹.夫 政 者 也,蒲 盧 也.故 爲 政 在 人;取 人 以 身,修 身 以 道,修 道 以 仁: Cái nhanh thành-hiệu của đạo người là việc chính-trị, cái nhanh thành-hiệu của đạo đất là sự mọc cây cối. Ấy việc chính-trị cũng như cây lau cây sậy vậy. Cho nên làm việc chính-trị cốt ở dùng người hiền; sửa mình, mà dùng người hiền, lấy đạo mà sửa mình, lấy nhân mà sửa đạo », (Trung-dung). Nghĩa là việc chính-trị cốt ở đạo nhân: lấy nhân mà sửa đạo, lấy đạo mà sửa mình. Có sửa được mình cho ngay chính, thì những kẻ hiền tài mới theo mà giúp mình, có người hiền tài giúp mình, thì việc chính-trị rất chóng có công-hiệu, khác nào như đất tốt thì cây cỏ mọc lên chóng vậy. Đạo nhân vốn là cái gốc của việc chính-trị, cho nên thánh hiền cần lấy sửa mình cho đến bậc nhân để đem cái đạo của mình mà thi-hành ra khắp thiên-hạ. Xem vậy thì biết cái đạo của Khổng-tử là để hành-động, chứ không phải để im lặng ngồi yên mà ngắm cảnh đời. Việc hành-động của người ta không gì bằng việc chính-trị, vì chính-trị quan-hệ đến sự hay dở của nhân quần, sự trị loạn của thiên-hạ. Cho nên Ngài nói rằng: « Nhân đạo chính vi đại 人 道 政 爲 大: Đạo người thì chính-trị là lớn ». (Lễ-ký: Ai-công vấn, XXVII). Ngài có cái tư-tưởng như thế, nên chi Ngài muốn rằng những người có tài, có đức, phải đem cái hay, cái giỏi, của mình ra trị nước yên dân.
Đây ta phải biết rằng cái quan-niệm của Nho-giáo về đường chính-trị cho sự trị loạn trong một xã-hội do ở người hành-chính, chứ không phải ở cái chính-thể. Người hành-chính mà có tài, có đức, thì nước được trị; người hành-chính không có tài, không có đức, thì nước phải loạn. Dẫu chính-thể hay đến đâu mà người hành-chính không ra gì, thì cũng hóa ra dở. Khổng-tử nói rằng: « Văn Vũ chi chính bố tại phương sách, kỳ nhân tồn, tắc kỳ chính cử, kỳ nhân vong, tắc kỳ chính tức 文 武 之 政 布 在 方 策,其 人 存 則 其 政 舉,其 人 亡 則 其 政 息: Việc chính-trị của vua Văn vua Vũ bày ra ở trong sách. Nếu những người như vua Văn vua Vũ còn, thì cái chính-trị ấy thi-hành ra, nếu những người ấy mất, thì cái chính-trị ấy hư hỏng ». (Trung dung). Vậy xiệc chính-trị hay dở cốt ở người hành-chính. Bởi thế cho nên Nho-giáo muốn rằng lúc nào người cầm quyền hành-chính cũng phải kính-cẩn, lo sửa mình cho ngay chính, để dùng người hiền mà làm việc nước, việc dân[8].
Việc chính-trị là việc khó, người có cái trách-nhiệm trị nước trị dân cần phải lấy sự kinh-nghiệm làm trọng, phải xem xét cái đạo của thánh hiền đời trước là thế nào, rồi mới có thể theo mà sửa đổi mọi việc được. Vì rằng thánh hiền là bậc rất thông-minh, hiểu rõ thiên lý, đạt được nhân sự, biết lấy điều nhân nghĩa lễ trí mà trị dân trị nước. Những công việc của các bậc ấy tích-lũy đã lâu đời và đã kinh-nghiệm nhiều lần, rất có ích lợi cho nhân-chúng. Nếu ta suy xét cho kỹ, rồi cứ tuần tự theo trình-độ tiến-hóa của xã-hội mà thay đổi, cho hợp thời và thuận lý, thì chắc có thể làm cho thiên-hạ đỡ được nhiều điều khổ-não. Bởi vậy Khổng-tử rất chú ý về việc khảo-cứu những chính-trị của thánh hiền đời cổ, và suốt đời Ngài muốn đem cái đạo của Ngài mà thi-hành ra, để định rõ danh và phận, khiến cho việc chính-trị có giường mối hợp với đạo-lý. Nhưng sau Ngài thấy các vua chúa không ai dùng, Ngài mới về làm bộ sách Xuân-thu để bày tỏ cái ý-kiến của Ngài về đường chính-trị, chủ ở mấy điều là: chính danh tự, định danh phận, tôn quân quyền. Những điều ấy thuộc về cái học tâm-truyền, cho nên Ngài không nói rõ, chỉ mượn lối làm sử mà hình-dung ra. Về sau những môn-đệ Ngài, ai đã lĩnh-hội được cái vi ý của Ngài, mới đem truyền-bá ra ở đời.
Chính danh định phận. — Khổng-tử cho việc chính-trị hay, hay dở, do ở người cầm quyền. Người cầm quyền biết theo đường ngay chính để sửa đạo nhân, thì việc gì cũng thành ra ngay chính cả. Ngài bảo Quí Khang-tử rằng: « Chính giả chính giã, tử suất dĩ chính, thục cảm bất chính 政 者 正 也,子 帥 以 正,孰 敢 不 正?: Chính-trị là làm mọi việc cho ngay thẳng, ông lấy ngay thẳng mà khiến người, thì ai dám không ngay thẳng? » (Luận-ngữ: Nhan-Uyên, XII). Hễ người trên đã ngay chính, thì người dưới ắt là phải theo mà bắt-chước. Vậy nên mới nói rằng: « Kỳ thân chính, bất lịnh nhi hành, kỳ thân bất chính, tuy lịnh bất tòng 其 身 正,不 令 而 行,其 身 不 正,雖 令 不 從: Mình ngay chính thì không sai-khiến người ta cũng làm, mình không ngay chính, thì tuy có sai khiến cũng không ai theo ». (Luận-ngữ: Tử-Lộ, XIII),
Người trên phải giữ mình cho ngay chính và làm việc gì cũng phải giữ cái danh cho chính-đính. Một hôm thầy Tử-Lộ hỏi Khổng-tử rằng: « Giá như vua nước Vệ cậy thầy sửa việc chính-trị, thì thầy làm việc gì trước ? — Khổng-tử trả lời rằng: « Tất giã chính danh hồ 必 也 正 名 乎: Ắt là phải sửa cái danh cho chính. — Có đâu thế, thầy nói vu-khoát quá. Sửa danh cho chính để làm gì? — Ngươi quê lắm thay! Người quân-tử điều gì mà chưa biết rõ, thì đừng nói vội. Danh không chính thì nói không xuôi, nói không xuôi thì việc không thành (danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành 名 不 正 則 言 不 順,言 不 順 則 事 不 成). Cho nên quân-tử danh chính ắt là khá nói được, nói được ắt là khá làm được. Bởi vậy quân-tử giữ lời nói không có cẩu-thả bao giờ ». (Luận-ngữ: Tử-Lộ, XIII). Những lời ấy giải rõ nghĩa cái tôn-chỉ chính-đáng của Khổng-tử về đường chính-trị, ta nên chú ý mà xét cho kỹ.
Cái tôn-chỉ ấy Khổng-tử đã phu-diễn ra ở sách Xuân-thu. Ngài sở dĩ dụng tâm làm bộ sách ấy là cốt để bày tỏ cái nghĩa chính danh, định phận, khiến cho sự ngôn-luận có tiêu-chuẩn rõ-ràng, nói điều gì không mập-mờ rối loạn, và làm cho kẻ gian người ngay bày rõ ra, ai cũng biết mà phê-bình phán-đoán cho khỏi sai lầm.
Danh tự đã chính, thì việc gì có nghĩa lý việc ấy, những điều tà-thuyết không làm mờ tối được cái chân-lý. Danh phận đã định rõ, thì người nào có địa-vị chính-đáng người ấy, trên ra trên, dưới ra dưới, trật-tự phân-minh. Vua có phận vua, tôi có phận tôi: « Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung 君 使 臣 以 禮,臣 事 君 以 忠: Vua lấy lễ mà khiến tôi, tôi lấy trung mà thờ vua ». (Luận-ngữ: Bát-dật, III). Một nước thịnh-trị là trong nước « Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử 君 君,臣 臣,父 父,子 子: Vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con ». (Luận-ngữ: Nhan-Uyên, XII). Giữ trật-tự cho minh, và danh phận cho chính, tức là giữ cái căn-bản của sự chính-trị vậy.
Tôn quân quyền. — Phàm người ta đã quần-tụ với nhau ở thành xã-hội, thì tất thế nào cũng phải có một người đứng cầm quyền để giữ kỷ-cương cho cả đoàn-thể. Người đứng cầm quyền ấy, tức là quân 君. Vậy nghĩa chữ quân là nói người giữ cái quyền chủ-tể cả một đoàn-thể, cả một nước. Dẫu đến ngày nay có những chính-thể như cộng-hòa, cộng-sản v. v. đem bỏ cái lối chuyên-chế của một người đi, lập ra lối dân-chủ, nhưng xét cho kỹ, chẳng qua là chỉ đổi có cái danh mà thôi, chứ cái thực vẫn không sao bỏ được, vì rằng chính-thể nào cũng cần phải có cái quân quyền. Cái quân quyền do một người giữ, thì gọi là đế, là vương, mà do một bọn người của công dân đã thừa-nhận cho được giữ, thì gọi là thống-lĩnh; đế vương hay thống-lĩnh đều thuộc về cái nghĩa chữ quân cả. Vậy nên đối với việc chính-trị của một nước, Khổng-giáo lấy cái nghĩa quân thần làm trọng.
Ở trong nhà thì con phải hiếu với cha mẹ, ở trong nước thì thần dân phải trung với quân. Hai chữ trung qnân 忠 君 không nên theo như người ta thường vẫn hiểu là chỉ trung với người làm đế làm vương mà thôi, nhưng có thể theo nghĩa rộng là trung với cái quân quyền trong nước. Theo cái nghĩa rộng ấy, thì bất kỳ ở vào thời-đại nào, hai chữ trung quân vẫn có nghĩa chính-đáng. Có lòng trung ấy, thì dân mới yên và nước mới trị, miễn là quân quyền không trái với lòng dân là được.
Cái quân quyền là cái bảo-vật, cái thần-khí, quan-hệ đến vận-mệnh của một xã-hội, một dân-tộc, nếu không phải là bởi cái mệnh Trời trao cho, tất là bởi cái thế-lực của bọn đạo-tặc cướp lấy. Vậy muốn cho chính cái danh-hiệu của người giữ quân quyền, Khổng-giáo mới cho là quân quyền do ở mệnh Trời mà ra.
Mệnh Trời không phải là đã cho ai là nhất định cho mãi. Ai làm điều lành thì được, ai làm điều ác thì mất. Cho nên sách Đại-học dẫn câu ở thiên Khang-cáo trong kinh Thư rằng: « Duy mệnh bất vu thường, đạo thiện tắc đắc chi, bất thiện tắc thất chi hỹ 惟 命 不 于 常,道 善 則 得 之,不 善 則 失 之 矣: Mệnh Trời không nhất định, thiện thì được, bất-thiện thì mất ». Thiên Thái-trọng-chi-mệnh, trong kinh Thư nói rằng: « Hoàng thiên vô thân, duy đức thị phụ; dân tâm vô thường, duy huệ chi hoài. Vi thiện bất đồng, đồng qui vu trị; vi ác bất đồng, đồng qui vu loạn, nhĩ kỳ giới tai! 皇 天 無 親,惟 德 是 輔;民 心 無 常,惟 惠 之 懷.爲 善 不 同,同 歸 于 治;爲 惡 不 同,同 歸 于 亂,爾 其 戒 哉: Ông trời không thân riêng ai, chỉ có đức là Trời giúp; lòng dân không có thường, chỉ có ơn là mến. Làm điều lành cũng không giống nhau, nhưng kết-quả là trị; làm điều ác cũng không giống nhau, nhưng kết-quả là loạn, ngươi phải lấy làm răn vậy thay! » Vậy người làm đế làm vương, tuy rằng có cái uy-quyền rất to, thế-lực rất mạnh, nhưng vẫn không được lạm-dụng cái uy-quyền ấy và cái thế-lực ấy, mà làm điều tàn-bạo.
Thiên ý và đân tâm. — Cái chính-thể của các tôn-giáo khác đã cho vua thay Trời trị dân, thì vua muốn điều gì là Trời muốn điều ấy, không ai được cưỡng lại. Cái chính-thể của Khổng-giáo có cái quan-niệm đặc-biệt là cho Trời với người cùng đồng một thể, toàn dân muốn thế nào là Trời muốn thế ấy. Ông vua chỉ là một phần trong toàn-thể, vì có tài có đức, mà được cái địa-vị tôn-quí, để giữ cho toàn-thể được điều-hòa yên-ổn. Hễ ông vua làm điều gì trái lòng dân, tức là trái mệnh Trời. Thành thử ông vua tuy đối với Trời được thay quyền Trời, nhưng đối với dân lại phải chịu hết cả các trách-nhiệm. Mà dân thì tuy phải chịu quyền ông vua cai-trị, nhưng vẫn có cái quyền bắt vua phải theo điều lành mà làm. Vì rằng: « Thiên căng vu dân, dân chi sở dục, thiên tất tòng chi 天 矜 于 民,民 之 所 欲,天 必 從 之: Trời thương dân, dân muốn điều gì, Trời cũng theo ». (Thư: Thái-thệ thượng). Vậy muốn biết lòng Trời, thì cứ xem lòng dân: « Thiên thị tự ngã dân thị, thiên thính tự ngã dân thính 天 視 自 我 民 視,天 聽 自 我 民 聽: Trời trông thấy, tự ở dân ta trông thấy, trời nghe thấy, tự ở dân ta nghe thấy ». (Thư: Thái-thệ trung). Trời với dân là một, thì trên dưới giao-thông với nhau: « Thiên thông minh tự ngã dân thông minh, thiên minh úy tự ngã dân minh úy, đạt vu thượng hạ, kính tai hữu thổ! 天 聰 明 自 我 民 聰 明,天 明 畏 自 我 民 明 畏,達 于 上 下,敬 哉 有 土!: Cái sáng-suốt của trời, ở cái sáng-suốt của dân, sự làm cho rõ điều lành sợ điều ác của Trời, ở sự làm cho rõ điều lành sợ điều ác của dân, trên Trời dưới dân thông đạt với nhau. Vậy nên người làm vua, làm chúa, phải kính vậy thay! » (Thư: Cao-Dao mô).
Quân dân tương thân. — Cứ theo cái lý-tưởng ấy, thì người làm vua phải theo lòng dân mà khiến sự chính-trị của mình: « Dân chi sở hiếu, hiếu chi; dân chi sở ố, ố chi. Thử chi vị dân chi phụ mẫu 民 之 所 好,好 之;民 之 所 惡,惡 之.此 之 謂 民 之 父 母: Phải thích cái thích của dân, phải ghét cái ghét của dân. Thế mới gọi là cha mẹ dân, » (Đại-học). Lòng tự-nhiên của dân là muốn điều lành, ghét điều ác, theo cái lòng ấy mà trị dân thì tất là dân yêu mến như cha mẹ. Nếu ông vua nào trị dân mà yêu cái của dân ghét, và ghét cái của dân yêu, là làm những điều trái lòng dân, tức là trái mệnh Trời, thì người khác được quyền « điếu dân phạt tội », nghĩa là cứu dân mà đánh người có tội, như vua Thang đánh vua Kiệt, vua Vũ-vương đánh vua Trụ vậy.
Xem như thế thì cái chính-thể của Khổng-giáo tuy là chính-thể quân-chủ, nhưng cái quyền ông vua đối với dân, không khác gì cái quyền người cha đối với các con. Người làm vua trong nước phải có nhân có đức, lo cho dân được an cư lạc nghiệp, được cường-thịnh văn-minh, như cha lo cho con vậy. Ông vua tuy làm chủ-tể cả nước, nhưng không được chuyên-chế, việc gì cũng phải theo lẽ công-bình mà làm. Người trong nước không cứ sang hèn, hễ ai có tài có trí là được cất nhắc lên giúp vua mà trị dân. Vua với quan đều lấy sự lợi dân làm chủ đích. Thành thử trong nước có vua, có quan, mà vẫn lấy dân làm trọng hơn cả. Nếu người đời mà thực-hành được cái lý-tưởng ấy, thì thật là lập thành một cái chính-thể rất hay, rất công-bình, và lại hợp cái nghĩa duy-dân rất chính-đáng.
Vua với dân có cái quan-hệ rất mật-thiết với nhau, vua không thể không có dân, mà dân không thể không có vua được. Hai bên phải nương-tựa vào nhau như tâm-thần với thân-thể. Khổng-tử nói rằng: « Dân dĩ quân vi tâm, quân dĩ dân vi thể; tâm trang tắc thể thư, tâm túc tắc dung kính. Tâm hiếu chi, thân tất an chi; quân hiếu chi, dân tất dục chi. Tâm dĩ thể toàn, diệc dĩ thể thương; quân dĩ dân tồn, diệc dĩ dân vong 民 以 君 爲 心,君 以 民 爲 體;心 莊 則 體 舒,心 肅 則 容 敬.心 好 之,身 必 安 之;君 好 之,民 必 欲 之.心 以 體 全,亦 以 體 傷;君 以 民 存,亦 以 民 亡: Dân lấy vua làm tâm, vua lấy dân làm thân-thể; tâm trang chính thì thân-thể thư-thái, tâm nghiêm-túc thì dung-mạo cung kính. Tâm thích cái gì, thân-thể ắt là yên vui cái ấy; vua thích cái gì, dân ắt là muốn cái ấy. Tâm nhờ thân-thể mà toàn, và cũng vì thân-thể mà nguy; vua nhờ dân mà còn, và cũng vì dân mà mất. » (Lễ ký: Truy-y, XXXIII). Vậy nên làm vua phải lo làm lợi cho dân, thì ngôi mình mới vững mà nước mới yên, vì dân không sợ gì bằng sợ cái hà chính của ông vua bất-nhân. Một hôm Khổng-tử đi gần núi Thái-sơn, trông thấy một người đàn bà ngồi khóc ở bên cái mồ, nghe tiếng khóc thương-xót mà ra bộ sợ hãi lắm. Ngài sai thầy Tử-Lộ hỏi xem tại làm sao. Người ấy nói rằng: « Ngày trước bố chồng tôi bị cọp ăn, chồng tôi cũng bị cọp ăn, nay con tôi lại bị cọp ăn nữa, cho nên tôi thương khóc mà sợ lắm. » — Ngài bảo rằng: « Sao không đi chỗ khác mà ở? » — Người đàn bà ấy trả lời rằng: « Ơ đây không có hà chính. » — Ngài ngảnh lại bảo học-trò rằng: « Các con nhớ lấy, cái hà chính gớm-ghê hơn cọp vậy. Hà chính mãnh ư hổ giã 苛 政 猛 於 虎 也 » (Lễ-ký: Đàn-cung hạ, II). Hễ người làm vua làm chúa mà không hiểu rõ lẽ ấy, cứ dùng những chính-sách hà-khốc làm cho lòng người ly-tán thì sự nguy-vong đến kề sau lưng vậy. Bởi thế cho nên cái đạo trị nước được vững bền là cốt ở sự trên dưới thân yêu nhau. Khổng-tử nói rằng: « Thượng chi thân hạ giã, như thủ túc chi ư phúc tâm; hạ chi thân thượng giã, như ấu-tử chi ư từ-mẫu hỹ. Thượng hạ tương thân như thử, cố lệnh tắc tòng, thi tắc hành. Dân hoài kỳ đức, cận giả duyệt phục, viễn giả lai phụ, chính chi trí giã 上 之 親 下 也,如 手 足 之 於 腹 心;下 之 親 上 也,如 幼 子 之 於 慈 母 矣.上 下 相 親 如 此,故 令 則 從,施 則 行,民 懷 其 德,近 者 悅 服,遠 者 來 附,政 之 致 也: Trên thân dưới như chân tay đối với lòng ruột, dưới thân trên như con nhỏ đối với mẹ từ. Trên dưới thân nhau như thế, cho nên trên có lệnh thì dưới theo, trên thi-thố điều gì, thì dưới phụng hành. Dân mến đức của người trên, kẻ gần thì vui lòng mà phục-tùng, kẻ xa thì đến qui-phụ, thế là chính-trị hay rất mực vậy. » (Khổng-tử gia-ngữ: Vương-ngôn-giải, III),
Cái thịnh-đức của người quân-tử. — Người cầm quyền chính-trị phải biết rằng cái số người thật tài giỏi, có đủ đức-hạnh, đáng cầm quyền mà sai khiến người ta, bao giờ cũng là số ít. Còn số nhiều, là người tầm-thường, trí-tuệ không được minh-mẫn, đạo-đức bạc-nhược, tự mình không thể hiểu biết được các lẽ cao xa. Vậy nên bao giờ cái số nhiều ấy cũng phải theo số ít, để người ta đưa đường chỉ nẻo cho mà đi, khỏi phải sai lầm. Bởi lẽ ấy cho nên Khổng-tử nói rằng « Dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi 民 可 使 由 之,不 可 使 知 之: Có thể khiến dân theo cái lý đương-nhiên mà làm, không có thể khiến dân biết được tại làm sao mà cái lý ấy phải như thế ». (Luận-ngữ: Thái-Bá, XIII),
Phàm những người làm vua làm quan mà biết làm những điều nhân nghĩa đạo đức, thì tự nhiên thiên-hạ người ta theo về mình và trông vào mình mà bắt-chước. Khổng-tử nói rằng: Vi chính dĩ đức, thí như bắc-thần cư kỳ sở, nhi chúng tinh củng chi 爲 政 以 德,譬 如 北 辰 居 其 所,而 眾 星 拱 之: Làm việc chính dùng lấy đức, ví như sao bắc-thần đứng một chỗ, mà các sao chầu về cả ». (Luận-ngữ: Vi-chính, II). Khổng-tử cho cái đức của người trên có thể hóa được người ta, cho nên Ngài nói rằng: « Quân-tử chi đức phong, tiểu-nhân chi đức thảo, thảo thượng chi phong tất yển 君 子 之 德 風,小 人 之 德 草,草 上 之 風 必 偃: Cái đức của bậc quân-tử như gió, cái đức của kẻ tiểu-nhân như cỏ, gió thổi trên cỏ, thì cỏ phải lướt xuống mà theo ». (Luận-ngữ: Nhan-Uyên, XII). Chữ quân-tử đây là nói những người có quyền tước ở trên, mà tiểu-nhân là người dân ở dưới. Người trên làm thế nào, thì người dưới bắt-chước như thế, cho nên người trên phải giữ sự hiếu ố của mình cho cẩn-thận, để người ta trông mà noi theo. Khổng-tử nói rằng: « Thượng hiếu nhân, tắc hạ chi vi nhân, tranh tiên nhân. Cố trưởng dân giả, chương chí, trinh giáo, tôn nhân, dĩ tử ái bách tính, dân trí hành kỷ, dĩ duyệt kỳ thượng hỹ 上 好 仁,則 下 之 爲 仁,爭 先 人.故 長 民 者,章 志,貞 教,尊 仁,以 子 愛 百 姓,民 致 行 己,以 說 其 上 矣: Người trên thích điều nhân, thì người dưới tranh nhau làm trước điều nhân. Cho nên người cai-quản dân phải làm cho sáng rõ sự hiếu ố của mình cho dân biết, lập cái đạo cho chính-đính để dạy dân, tôn quí điều nhân. Như thế thì dân hết lòng hết sức làm điều lành điều phải, cho đẹp lòng người trên vậy ». (Lễ-ký: Truy-y, XXXIII).
Hình chính tương tham. — Khổng-tử muốn lấy đạo-đức mà hóa người hơn là dùng hình-pháp mà trị người. Ngài nói rằng: « Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ; đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách 道 之 以 政,齊 之 以 刑,民 免 而 無 恥;道 之 以 德,齊 之 以 禮,有 恥 且 格: Dùng chính-trị mà khiến, dùng hình-pháp mà tề-nhất, thì dân khỏi tội, nhưng không có lòng hổ thẹn; dùng đức mà khiến, dùng lễ mà tề-nhất, thì dân có lòng hổ thẹn, mà lại cố làm điều hay. » (Luận-ngữ: Vi-chính, II). Lời ấy nói rõ được cái ý-chỉ của Ngài về đường chính-trị. Ngài nói rằng: « Thính tụng ngô do nhân giã, tất giã sử vô tụng hồ 聽 訟 吾 猶 人 也,必 也 使 無 訟 乎: Xử kiện thì ta cũng như người, cốt sao cho khỏi kiện-tụng mới là hay. » (Luận-ngữ: Nhan-Uyên, XII). Hễ bao giờ dùng đức mà không hóa được, thì mới dùng đến hình. Nhưng dùng hình là bất đắc dĩ để trừng-trị những kẻ không thể hóa được, chứ cái mục-đích là cốt không dùng đến hình. Vậy nên Ngài nói rằng: « Thánh nhân chi trị hóa giã, tất hình chính tương tham yên. Thái-thượng dĩ đức giáo dân, nhi dĩ lễ tề chi. Kỳ thứ dĩ chính sự đạo dân, dĩ hình cấm chi: hình bất hình giã. Hóa chi phất biến, dân chi phất tòng, thương nghĩa nhi bại tục, ư thị hồ dụng hình hỹ 聖 人 之 治 化 也,必 刑 政 相 參 焉.太 上 以 德 教 民,而 以 禮 齊 之.其 次 以 政 事 道 民,以 刑 禁 之:刑 不 刑 也.化 之 弗 變,民 之 弗 從,傷 義 而 敗 俗,於 是 乎 用 刑 矣: Thánh-nhân trị dân và hóa dân, là phải dùng cả chính lẫn hình. Bậc thái-thượng lấy đức dạy dân, mà lấy lễ tề dân. Bậc thứ nhì lấy chính-sự mà khiến dân, và lấy hình mà ngăn cấm: hình đặt ra nhưng không dùng đến. Chỉ có lúc hóa dân mà dân không theo, để đến hại nghĩa nát tục, thì bấy giờ mới phải dùng hình vậy. » (Khổng-tử gia-ngữ: Ngũ-hình-giải, XXX).
Cư kinh hành giản. — Người quân-tử làm việc chính-trị không những là cần phải có đức để hóa dân mà thôi, nhưng lúc nào cũng kính-cẩn, làm việc gì cũng vụ lấy việc giản-dị. Thầy Trọng-Cung nói rằng: « Cư kính nhi hành giản, dĩ lâm kỳ dân, bất diệc khả hồ 居 敬 而 行 簡,以 臨 其 民,不 亦 可 乎: Giữ mình cho kính-cẩn, làm việc thì giản-dị, cứ thế mà trị dân, chẳng nên lắm sao? » (Luận-ngữ: Ung-giã, VI). Trị dân mà lấy việc giản-dị để khiến dân, thì không phiền dân, không nhiễu dân, dân được an cư lạc nghiệp, vui lòng mà theo người trên sai-khiến. Người trên lại phải chăm-chỉ, chịu khó nhọc, việc gì cũng cứ theo lẽ thẳng mà làm. Khổng-tử thường lấy lẽ ấy mà dạy bảo người ta. Thầy Tử-Trương hỏi việc chính, Ngài nói rằng: « Cư chi vô quyện, hành chi dĩ trung 居 之 無 倦,行 之 以 忠: Để mình vào chỗ không mỏi, làm việc thì theo đạo thẳng ». (Luận-ngữ: Nhan-Uyên, XII). Thầy Tử-Lộ hỏi việc chính, Ngài nói rằng: « Tiên chi, lao chi 先 之,勞 之: Bắt dân làm việc gì, thì mình làm trước, bắt dân phải khó nhọc việc gì, thì mình chịu khó nhọc trước ». Thầy Tử-Lộ lại hỏi thêm, Ngài nói rằng: « Vô quyện 無 倦: Cứ thế mà làm không mỏi ». (Luận-ngữ: Tử-Lộ, XIII). Vì rằng mình là người trên đã làm thì không khiến, dân cũng theo mà làm; mình chịu khó nhọc trước, thì dân có phải khó nhọc cũng không oán. Mình cứ bền trí làm điều ngay, điều phải, thì tất thế nào dân cũng phải phục.
Thứ, phú, giáo. — Việc chính-trị có ba điều hệ-trọng là: làm cho dân nhiều, làm cho dân giàu, và dạy cho dân biết lễ nghĩa. Khi Khổng-tử đi đến nước Vệ, thấy dân đông-đúc. Ngài nói rằng: « Thứ hỹ tai! 庶 矣 哉!: Dân đông lắm thay! ». Học-trò là thầy Nhiễm-Hữu hỏi rằng: « Ký thứ hỹ, hựu hà gia yên? — Viết phú chi — Viết ký phú hỹ, hựu hà gia yên? — Viết giáo chi 旣 庶 矣,又 何 加 焉?— 曰 富 之 — 曰 旣 富 矣,又 何 加 焉?— 曰 教 之: Đã đông vậy, lại nên thêm gì nữa? — Làm cho dân giàu. — Đã giàu rồi lại thêm gì nữa? — Phải dạy dân. » (Luận-ngữ: Tử-Lộ, XIII) Trị dân mà không dạy dân, thì dân biết thế nào được cương-thường đạo-lý, để giữ trật-tự ở trong xã-hội. Nhưng trước khi dạy dân, phải cần làm cho dân giàu, vì có đủ ăn đủ mặc, thì mới học được lễ nghĩa vậy.
Việc trị đân trị nước là phải lo cho dân đủ ăn, nước đủ binh, làm cho người trong nước ai cũng tin cậy mình. Có thế thì mới có đủ thế-lực mà giữ cho nước được yên trị vững bền. Thầy Tử-Cống hỏi việc chính nên thế nào? Khổng-tử dạy rằng: « Túc thực, túc binh, dân tín chi hỹ 足 食,足 兵,民 信 之 矣: Đủ ăn, đủ binh, dân tin mình vậy. — Nhược bằng trong ba điều ấy, bất đắc dĩ phải bỏ một điều, thì nên bỏ điều nào trước? — Bỏ việc binh. — Còn hai điều mà bất đắc dĩ phải bỏ đi một điều nữa, thì nên bỏ điều nào trước? — Bỏ ăn. Vì bỏ ăn thì chết, nhưng xưa nay người ta vẫn chết, chứ dân mà không tin, thì không sao đứng được. » (Luận-ngữ: Nhan-Uyên, XII). Trong việc chính-trị cần phải lấy sự dân tin làm quan-trọng hơn cả. Dân đã tin thì thành ra cái thế-lực rất mạnh, làm việc gì cũng được. Song người cầm quyền chính-trị phải biết lấy việc nhân nghĩa mà trị dân, thì dân mới tin phục. Thầy Tử-Trương hỏi Khổng-tử rằng: « Làm thế nào thì khả theo được việc chính? » Ngài nói rằng: Tôn năm điều thiện, bỏ bốn điều ác, thì khả theo được việc chính. » Thầy Tử-Trương nói rằng: « Năm điều thiện là những điều nào? » Khổng-tử nói rằng: « Quân-tử huệ nhi bất phí, lao nhi bất oán, dục nhi bất tham, thái nhi bất kiêu, uy nhi bất mãnh 君 子 惠 而 不 費,勞 而 不 怨,欲 而 不 貪,泰 而 不 驕,威 而 不 猛: Quân-tử có ân sâu mà không phí, khiến dân phải khó nhọc mà dân không oán, muốn mà không phải là tham, thư-thái mà không kiêu-căng, có uy-nghi mà không dữ-tợn. » Thầy Tử-Trương lại hỏi rằng: « Làm thế nào cho có ơn huệ mà không phí? Khổng-tử nói rằng: « Nhân cái lợi của dân mà làm lợi, thì chẳng phải là có ơn mà không phí hay sao? Việc nên khó nhọc mới bắt dân khó nhọc, thì ai còn oán giận nữa. Muốn nhân mà được nhân, thì sao lại là tham. Người quân-tử không vì người nhiều hay ít, không vì việc lớn hay nhỏ, không dám biếng trễ, thế chẳng phải thư-thái mà không kiêu-căng hay sao? Người quân-tử sửa áo mũ chỉnh-tề, sự trông ngó tôn-nghiêm, ai trông cũng kính-sợ, thế chẳng phải là uy-nghi mà không hung-tợn hay sao? » Thầy Tử-Trương nói rằng: » Thế nào gọi là bốn điều ác? » — « Không dạy dân để dân phạm tội mà giết, gọi là ngược; không răn bảo trước mà muốn thành việc ngay, ấy gọi là hung-bạo; hiệu-lệnh để trễ lâu, đến kỳ thì thúc-giục, ấy là thù hại dân; ban thưởng cái gì mà thu vào phát ra bủn-xỉn, gọi là kẻ hữu-tư. » (Luận-ngữ: Nghiêu-viết, XX),
Kính-cẩn và thận-trọng.— Người quân-tử không nên khinh-suất. Việc gì đã có hữu-tư xét trước kỹ-càng, rồi sau hãy quyết-định,
thì không hay sai lầm. Bao giờ cũng phải có độ-lượng, không nên chấp-trách những điều lỗi nhỏ và phải biết cất nhắc những người tài giỏi lên mà dùng. Khổng-tử nói rằng: Tiên hữu-tư, xá tiểu quá, cử hiền-tài 先 有 司,赦 小 過,舉 賢 才: Việc để hữu-tư xét trước, xá lỗi nhỏ, cất-nhắc người giỏi. » (Luận-ngữ: Tử-Lộ, XIII).Phàm việc chính-trị là việc hệ-trọng, người quân-tử không nên vội và tham. Vội và tham là hay hỏng việc. Bởi vậy Khổng-tử nói rằng: « Vô dục tốc, vô kiến tiểu lợi: dục tốc tắc bất đạt, kiến tiểu lợi tắc đại sự bất thành 無 欲 速,無 見 小 利:欲 速 則 不 達,見 小 利 則 大 事 不 成: Đừng muốn mau thành công, đừng tham lợi nhỏ: muốn mau thành công, thì không đạt, tham lợi nhỏ thì việc lớn không thành. » Luận-ngữ: Tử-Lộ, XIII).
Người quân-tử làm việc chính-trị phải có tài có đức xứng-đáng mới làm được. Nếu mình tự lượng cái tài-đức của mình không đủ, thì chớ có tham. Khổng-tử nói rằng: « Đức bạc nhi vị tôn, trí tiểu nhi mưu đại, lực tiểu nhi nhiệm trọng, tiển bất cập hỹ 德 薄 而 位 尊,知 小 而 謀 大,力 小 而 任 重,鮮 不 及 矣: Đức mỏng mà ngôi cao, trí nhỏ mà lo làm việc lớn, sức nhỏ mà gánh việc nặng, thì ít khi thành công vậy. » (Dịch: Hệ-từ hạ).
Người trị nước, trị dân, phải biết lo xa: nay tuy được yên, nhưng bụng thường không quên việc khuynh-nguy; nay nước tuy còn, nhưng bụng thường không quên sự bại-vong; nay việc chính-trị tuy có trật-tự, nhưng bụng thường không quên lúc họa-loạn. Nghĩa là lúc nào cũng sợ hãi về việc nguy-vong có thể sẩy ra được. Cho nên Khổng-tử nói rằng: « Nguy giả an kỳ vị giả giã, vong giả bảo kỳ tồn giả giã, loạn giả hữu kỳ trị giả giã. Thị cố quân-tử an nhi bất vong nguy, tồn nhi bất vong vong, trị nhi bất vong loạn, thị dĩ thân an nhi quốc gia khả bảo giã 危 者 安 其 位 者 也,亡 者 保 其 存 者 也,亂 者 有 其 治 者 也.是 故 君 子 安 而 不 忘 危,存 而 不 忘 亡,治 而 不 忘 亂,是 以 身 安 而 國 家 可 保 也: Nguy là vì cứ yên vui ở ngôi mình, mất là vì chắc ở sự còn, loạn là vì cậy có trị. Vậy nên bậc quân-tử lúc yên không quên lúc nguy, lúc còn không quên lúc mất, lúc trị không quên lúc loạn, thế mới yên thân mà giữ được nhà được nước vậy. » Dịch: Hệ-từ hạ).
Nói rút lại việc chính-trị của Khổng-giáo cốt ở chữ ái và chữ kính. Khổng-tử nói rằng: « Ái dữ kính, kỳ chính chi bản dư 愛 與 敬,其 政 之 本 與: Ái với kính là gốc sự chính-trị vậy vay. » (Lễ-ký: Ai-công vấn, XXVII). Phải lấy lòng nhân-ái mà đối với dân, và phải lấy bụng kính-cẩn mà giữ mình. Có nhân-ái thì mới thương yêu dân và muốn mở-mang cho dân; có kính-cẩn thì làm việc gì mới cẩn-thận, không khinh-suất, không làm bậy. Khổng-tử vẫn có cái tư-tưởng về đường chính-trị rất thích-hợp với cái chủ-nghĩa hòa-bình. Ngài nói rằng: Hữu quốc hữu gia giả, bất hoạn quả nhi hoạn bất quân[9], bất hoạn bần nhi hoạn bất an. Cái quân vô bần, hòa vô quả, an vô khuynh 有 國 有 家 者,不 患 寡 而 患 不 均,不 患 貧 而 患 不 安,蓋 均 無 貧,和 無 寡,安 無 傾: Người làm vua làm chúa không lo ít người mà lo không đều, không lo nghèo mà lo không an. Hễ đã đều là không có sự nghèo, đã hòa thuận là không có ít người, đã an là không có sự khuynh nguy. » (Luận-ngữ: Quý-thị XVI). Lấy nhân-ái mà trị dân, lo cho dân không có sự giàu nghèo chếch lệch, giữ cho dân được hòa-bình an-lạc, đó mới thật là cái chính sách của vương-đạo. Nếu xưa nay các vua chúa quan tư, ai cũng thực bụng theo cái tôn-chỉ ấy mà trị nước trị dân, thì tưởng nhân-dân trong thiên-hạ đỡ được bao nhiêu những việc chính-trị hà-khốc, làm cho người ta khỏi phải lầm-than nhiều nỗi vậy.
⁂
Đạo của Khổng-tử gồm cả phần hình-nhi-thượng và phần hình-nhi-hạ như đã nói ở trên, là cái đạo chủ ở sự theo thiên lý mà hành-động. Thiên lý lưu-hành bất tức, nghĩa là biến-hóa hết thái-độ nọ, đến thái-độ kia, để tìm lấy cái điều-hòa, cái bình-hành. Sự lưu-hành của thiên lý phảng-phất giống như nước chảy vậy. Chỉ khác có một điều là nước chảy thì khi hai mặt nước đã phẳng bằng nhau rồi, không chảy nữa. Đằng này thì lúc nào cũng lưu-hành không nghỉ, do điều-hòa đến không điều-hòa, rồi lại do không điều-hòa đến điều-hòa, tức là do cái tương thành mà hóa ra cái tương phản, rồi lại do cái tương phản mà hóa ra cái tương thành, cứ thế mà biến-hóa mãi mãi. Điều-hòa và không điều-hòa là hai cái lý-tưởng, hay hai cái thế-lực tương đối nhau, không lúc nào rời nhau ra được, mà ở đâu cũng có. Âm và dương là biểu-thị hai cái thế-lực ấy, cho nên mới nói rằng không đâu là không có âm và dương. Chỗ nào cũng có một âm một dương đun đẩy nhau, để tương đối và tương quan với nhau. Nhất thiết các sự vật đều thành-lập ở trong khoảng điều-hòa của hai cái tương đối tương thành ấy cả. Bởi chưng theo cái lẽ biến-hóa như thế, cho nên đạo của Khổng-tử vốn là cái đạo cần phải tiến-hóa luôn. Về đường đạo đức, Ngài muốn người ta ai cũng như vua Thang đời xưa, lấy mấy chữ sau này làm biểu-hiệu: « Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân 茍 日 新,日 日 新,又 日 新: Một ngày một mới, ngày ngày càng mới thêm, càng ngày càng mới thêm nữa. » (Đại-học). Ngài muốn sự tiến-hóa, nhưng tiến-hóa một cách từ từ, cho đến chí-thiện chí-mỹ.
Về đường chính-trị thiết-thực cũng vậy, Khổng-tử muốn lựa chọn lấy những cái hay cái đẹp của cổ kim mà thông-dụng cho được hoàn-toàn. Thầy Nhan-tử hỏi về cái đạo trị nước. Ngài nói rằng: « Hành Hạ chi thời, thừa Ân chi lộ, phục Chu chi miện, nhạc tắc thiều vũ, phóng Trịnh thanh, viễn nịnh nhân. Trịnh thanh dâm, nịnh nhân đãi 行 夏 之 時,乘 殷 之 輅,服 周 之 冕,樂 則 韶 舞,放 鄭 聲,遠 佞 人.鄭 聲 淫,佞 人 殆: Theo thời nhà Hạ, đi xe lộ nhà Ân, đội mũ miện nhà Chu, nhạc âm dùng nhạc thiều, bỏ tiếng nhạc nước Trịnh, xa người nịnh. Tiếng nhạc nước Trịnh thì dâm, người nịnh thì nguy. » (Luận-ngữ: Vệ Linh-công, XV). Nhà Hạ lấy tháng dần làm tháng đầu năm, nhà Ân lấy tháng sửu, nhà Chu lấy tháng tí. Nhưng vì theo cái lẽ cho nhân sinh ư dần, cho nên lấy tháng dần làm thuận lý hơn. Lộ là cái xe lớn làm bằng gỗ của nhà Ân, làm rất kiên-cố. Đến đời nhà Chu thì lấy vàng ngọc trang-sức thêm vào, thành ra xa-xỉ quá, cho nên Ngài muốn dùng xe lộ nhà Ân hơn. Mũ miện là mũ đội lúc đi tế, đã có từ đời Hoàng-đế, nhưng chưa được khéo và đẹp bằng lối của nhà Chu chế ra, cho nên Ngài muốn dùng mũ miện của nhà Chu. Nhạc thiều của vua Thuấn chế ra, rất hay rất đẹp. Tiếng nhạc của nước Trịnh thì nghe dâm, làm loạn lòng người. Kẻ nịnh làm hại đạo. Bởi vậy Ngài muốn bỏ tiếng nhạc nước Trịnh và người nịnh. Ý Ngài bảo phải theo những điều hợp đạo trung, chứ không phải là cứ cố chấp thủ cựu.
Đạo của Khổng-tử không phải là đạo thủ cựu, bởi vì phải biến luôn, vì không biến thì thành ra cùng, mà cùng là hại. Cái học của Ngài chủ ở sự theo cái đạo biến thông của trời đất. Ngài nói rằng: « Dịch: cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu 易:窮 則 變,變 則 通,通 則 久: Đạo Dịch là: cùng thì biến, biến thì thông. thông thì lâu. » (Dịch: Hệ-từ hạ). Nghĩa là cứ theo đạo Dịch, tức là theo đạo Trời, hễ việc gì đến chỗ cùng thì phải biến, mà không biến, thì thành ra cùng, cho nên phải biến để cho thông, có thông mới được lâu. Ví như nước lên nhiều, thì phải cho chảy, nếu không chảy được thì phải ứ, mà đã ứ là vỡ. Vậy nên phải cho chảy, mà có chảy mới thông. Bởi lẽ ấy thánh-nhân dạy người ta phải biết theo thời mà biến đổi luôn để cho không đến nỗi cùng. Song phải biến đổi từ từ theo lẽ tự-nhiên, làm cho người ta biến mà không biết, hóa mà không hay, thì sự biến-hóa mới thật là thần-diệu, và mới được êm-ái vững-bền. Vậy muốn tiến-hóa cho phải đạo là phải biết theo thời: đến thời nào phải theo thời ấy mà biến đổi cho hợp thời. Bởi thế cho nên Khổng-tử nói rằng: « Tùy thời chi nghĩa đại hỹ tai! 隨 時 之 義 大 矣 哉!Cái nghĩa theo thời lớn vậy thay! » Dịch: Thoán thượng-truyện).
Đạo của Khổng-tử là đạo tùy thời, theo thiên lý mà lưu-hành, tất phải biến đổi luôn để cho càng ngày càng mới. Vậy sao lại có cái quan-niệm hiếu-cổ, nghĩa là lúc nào cũng phải suy xét cái chế-độ của cổ-nhân để mà noi-theo? Như thế há chẳng phải là một điều mâu-thuẫn trong học-thuyết của Khổng-tử hay sao? — Cái vấn-đề ấy không những là không có điều gì là mâu-thuẫn, mà lại là một điều quan-hệ đến tâm-lý-học rất tinh-thâm. Xưa nay ta sở dĩ lầm lỗi là bởi ta hiểu không rõ hết các ý-nghĩa đó mà thôi.
Phàm sự sinh-hoạt của loài người là thường vẫn phải bị cái thế-lực vô-hình của ông cha đời trước. Cái thế-lực ấy tức là cái tinh-thần rất linh-hoạt của các dân-tộc. Thường những cuộc thịnh suy là bởi đó mà ra cả. Nhờ có cái thế-lực ấy cho nên các xã-hội mới vững-bền và mới có cái thống-hệ trong cách sinh-hoạt và trong sự chính-trị. Khổng-tử hiểu rõ những lẽ ấy cho nên Ngài mới lấy cái quan-niệm hiếu-cổ làm cái dây liên-lạc để giữ cho chắc-chắn cái nền của xã-hội, tức như là một thứ keo, thứ hồ, để gắn cho chặt các phần-tử trong một đoàn-thể. Hiếu cổ nhưng vẫn phải giữ đạo trung, nghĩa là phải giữ vững cái nền tốt đã có sẵn, rồi cứ theo thời, theo trình-độ của nhân quần mà tiến lên cho hợp thời. Cách tiến-hóa như thế, thì bao giờ cũng điều-hòa, cũng có trật-tự, rất chắc-chắn vững-vàng không đến nỗi có những cuộc đại biến làm loạn được nhân tâm.
Song phải biết rằng nếu hiếu-cổ mà không biết tùy thời, thì lâu ngày thành ra hủ-bại, hoặc tùy thời mà không hiếu-cổ thì thành ra rối loạn, vì không thể sở cứ vào cơ-bản nào cả. Khổng-giáo tối kị sự chếch-lệch ấy, làm mất cái bình-hành và cái điều-hòa, là những cái cốt-tử, bất kỳ làm việc gì cũng cần phải có. Hãy xem như xã-hội ta ngày xưa, vì hiểu lầm, mà thiên về đường thủ cựu thái quá, hơi một tí gì cũng lấy cổ-nhân ra làm tiêu-chuẩn, chứ không biết tìm cách mà biến-đổi cho vừa phải, cho nên mới thành ra bại vong. Ngày nay thì lại trái hẳn, ai cũng muốn biến-đổi, phàm cái gì của ông cha đã xây đắp lên, thì đem hủy hoại hết, không phân-biệt phải trái gì cả. Như thế càng hủy-hoại cái nền cũ đi bao nhiêu, thì sự biến-đổi lại càng làm loạn nhân tâm bấy nhiêu, chứ vị tất đã thành được cái thật hay thật đẹp. Đó là sự chếch-lếch không có điều-hòa, không có bình-hành, trái với cái đạo tùy thời mà vẫn trung-dung của Khổng-giáo.
Trung-dung là theo thiên lý mà giữ lẽ điều-hòa, khiến cho không có điều gì chếch-lệch.
Trung là chính giữa, không lệch về bên nào, dung là bình thường, không thái quá hay bất cập. Trung-dung là cái thể trung-bình ở vào thái-độ nào cũng giữ được cái điều-hòa, cái bình-hành. Cao đến đâu cũng có trung-dung, mà thấp thế nào cũng có trung-dung, không ở vào cảnh-ngộ nào là không có trung-dung. Song muốn theo cho đúng lẽ trung-dung, thì phải biết suốt được cả cái hơn cái kém, cái cao cái thấp, rồi mới phân-biệt cái trung-bình điều-hòa ở giữa mà theo. Đạo trung-dung tức là cái trật-tự điều-hòa của trời đất. Đạo ấy có kinh, có quyền, chứ không phải là lúc nào cũng cố-chấp một mực. Khi đáng theo kinh, thì dẫu chết cũng không bỏ kinh, mà khi đáng theo quyền, thì biết bỏ kinh theo quyền, cốt cho hợp thời, thuận lý thì thôi. Theo đạo ấy là theo cái tinh-thần đạo-lý, bao giờ cũng phải lấy thiên lý làm chừng, chứ không cố-chấp điều gì. Người chấp-nhất là người trí-lự hẹp-hòi, không biết quyền biến cho hợp đạo-lý. Mạnh-tử nói rằng: « Sở ố chấp nhất giả, vị kỳ tặc đạo giã, cử nhất nhi phế bách giã 所 惡 執 一 者,爲 其 賊 道 也,舉 一 而 廢 百 也: Cái đáng ghét trong sự chấp-nhất, là vì nó làm hại đạo, làm đuợc một việc bỏ trăm việc. » (Mạnh-tử: Tận-tâm thượng). Chỉ có người quân-tử mới theo được đạo trung-dung, kẻ tiểu-nhân không theo được đạo trung-dung. Vì rằng người quân-tử tư-tưởng hoặc hành-vi lúc nào cũng thời trung, nghĩa là làm việc gì cũng thích-hợp thiên-lý và phải thời; kẻ tiểu-nhân không trung-dung được, vì tiểu-nhân chỉ biết có tư-tâm tư-dục mà thôi, không hiểu cái thiên lý chí-công chí-chính, cho nên dẫu có theo trung-dung cũng là trung-dung tiểu-nhân, nghĩa là theo cái tư-dục mà làm điều trái đạo. Vậy nên Khổng-tử nói rằng: « Quân-tử trung-dung, tiểu-nhân phản trung-dung. Quân-tử chi trung-dung giã, quân-tử, nhi thời trung; tiểu-nhân chi trung-dung giã, tiểu-nhân, nhi vô kị đạn giã 君 子 中 庸 小 人 反 中 庸.君 子 之 中 庸 也,君 子,而 時 中;小 人 之 中 庸 也,小 人,而 無 忌 憚 也[10]: Quân-tử thì trung-dung, tiểu-nhân thì trái trung-dung. Trung-dung của quân-tử là quân-tử mà thời trung; trung-dung của tiểu-nhân là tiểu-nhân mà không kiêng sợ gì cả ». Vậy Ngài cho là có cái trung-dung của quân-tử và có cái trung-dung của tiểu-nhân. Trung-dung của quân-tử mới thật là trung-dung, mà trung-dung của tiểu-nhân không phải là trung-dung. Trung-dung của quân-tử thì hợp với đạo-lý, mà trung-dung của tiểu-nhân thì tầm-thường đê-hạ. Học-giả có nhận rõ cái ý nghĩa ấy, thì mới hiểu được hai chữ trung-dung của Khổng-giáo. Bởi thế cho nên Khổng-tử nói rằng: « Trung-dung kỳ chí hỹ hồ, dân tiển năng cửu hỹ! 中 庸 其 至 矣 乎,民 鮮 能 久 矣!: Đạo trung-dung rất khó lắm vậy ôi, đã lâu nay ít người theo được vậy! »
Trung-dung là đạo rất khó theo, vì người tài giỏi thì thường hay quá mất cái vừa phải, mà người ngu hèn thì lại bất-cập, cho nên Khổng-tử nói rằng: « Đạo chi bất hành giã, ngã tri chi hỹ: trí giả quá chi, ngu giả bất cập giã; đạo chi bất minh giã, ngã tri chi hỹ; hiền giả quá chi, bất tiếu giả bất cập giã. Nhân mạc bất ẩm thực giã, tiển năng tri vị giã 道 之 不 行 也,我 知 之 矣:知 者 過 之,愚 者 不 及 也;道 之 不 明 也,我 知 之 矣:賢 者 過 之,不 肖 者 不 及 也.人 莫 不 飲 食 也,鮮 能 知 味 也: Đạo mà không thi-hành ra được, ta đã biết tại sao rồi: người trí giả thì quá đi, kẻ ngu giả thì bất cập; đạo mà không sáng rõ ra được, ta đã biết tại sao rồi: người giỏi thì quá đi, người không giỏi thì bất cập. Người ai chẳng ăn uống, nhưng ăn uống mà biết mùi, thì ít lắm vậy ». Đạo trung-dung khó như thế, cho nên người nào không hiểu hết ý nghĩa, cho là tầm-thường, không có phần cao-minh. Nhưng xét kỹ ra, đạo ấy là đạo của người quân-tử, mà người quân-tử như ta đã bàn ở mục trên, là bậc người hoàn-toàn, có cái đức-độ rất rộng. Phải thật là quân-tử mới trung-dung được, chứ không thì chỉ là mượn tiếng trung-dung mà thôi. Cái trung-dung giả của tiểu-nhân thì lại càng đáng ghét lắm vậy.
Khổng-giáo vốn chú trọng ở đạo trung-dung, nhưng nếu không trung-dung được, thì cũng không ưa sự tầm-thường. Bởi vậy Khổng-tử nói rằng: « Bất đắc trung hàng nhi dữ chi, tất giã cuồng quyến hồ! Cuồng giả tiến thủ, quyến giả hữu sở bất vi giã 不 得 中 行 而 與 之,必 也 狂 狷 乎!狂 者 進 取,狷 者 有 所 不 爲 也: Không được người theo đúng đạo trung mà dạy, thì ắt dạy kẻ cuồng kẻ quyến chăng! Kẻ cuồng thì tiến lên theo cái cao xa, kẻ quyến thì có điều không thèm làm ». (Luận-ngữ: Tử-Lộ XIII). Ý Ngài nói: đạo của Ngài là đạo trung-dung, nếu được người theo đúng đạo ấy mà truyền cho là hơn cả, nhược bằng không có hạng người ấy thì truyền cho hạng cuồng quyến. Vì rằng cuồng là kẻ có chí rất cao mà việc làm thì không kịp; quyến là kẻ trí chưa đủ mà phần giữ đạo có thừa. Những kẻ ấy còn có thể tài-ức khích-lệ để tiến đến đạo trung, hơn là những người tầm-thường không thể làm cho hiểu đạo và theo đạo được.
Nói rút lại, đạo của Khổng-tử là đạo trung-dung của người quân-tử, tuy không huyền-diệu, siêu-việt như đạo Lão, đạo Phật, nhưng cũng cao-minh lắm, mà lại rất thích-hợp với chân-lý, thật là cái đạo xử-thế rất hay, rất phải, ai cũng có thể theo được và có thể thi-hành ra đời nào cũng được. Đạo ấy tóm lại rất rõ trong mấy lời sau này: « Tôn đức tính nhi đạo học-vấn, trí quảng-đại nhi tận tinh-vi, cực cao-minh nhi đạo trung-dung, ôn cố nhi tri tân, đôn hậu dĩ sùng lễ 尊 德 性 而 道 學 問,致 廣 大 而 盡 精 微,極 高 明 而 道 中 庸,溫 故 而 知 新,敦 厚 以 崇 禮: Tôn cái đức-tính, chuộng cái học-vấn, rất quảng-đại mà không sót cái tinh-vi, cực cao-minh và noi theo trung-dung, ôn lại những điều cũ và biết thêm điều mới, đôn-đốc cái hậu-tình mà sùng-thượng lễ-nghi ». (Trung-dung).
Theo được cái đạo ấy, thì người ta thành ra có cái nhân-cách hoàn-toàn, tiến có thể làm được ích quốc lợi dân, thoái có thể khiến cho sự sinh-hoạt của mình được ung-dung vui-thú. Đem cái đạo ấy mà thực-hành ở đời, thì có thể làm cho sự cư-xử của người ta rất có nề-nếp, có trật-tự, mà vẫn điều-hòa êm-ái, người trên không kiêu-căng xa-xỉ, người dưới không xảo-nịnh, giả-dối. Song vì người đời ham mê những điều lợi-lộc, đắm-đuối vào cái tư-dục, rồi thường chỉ mượn tiếng đạo-đức của thánh-hiền, mà làm cái bình-phong che trước mặt, còn đằng sau thì thấy đầy những việc gian ác dâm tà. Bởi thế cho nên cái phần tinh-túy của thánh hiền mất mòn đi, để đến nỗi người ta thì tiến lên mãi, mà mình thì đứng dừng lại, lâu ngày thành ra chỉ giữ được cái vỏ hẩm nát, còn cái tinh-thần linh-hoạt thì đi đâu mất cả. Như thế há chẳng phải là cái tội rất lớn của những học-giả xưa nay hay sao?
Tuy thế mặc lòng, Khổng-giáo vẫn có cái công rất lớn với xã-hội ta, là đã gây thành một cái văn-hóa rất có giá-trị. Nhất là về đường tinh-thần, cái học thuyết của Khổng-tử làm cho người mình có cái tính tình đặc-biệt, ưa sự hòa-bình và trọng hiếu nghĩa trung tín. Cái văn-hóa ấy tuy về đường vật-chất không được rực-rỡ lắm, nhưng có thể làm cho cuộc sinh-hoạt của người ta có cái thú-vị khác thường. Dẫu đến ngày nay là thời-đại người ta đang say mê về cuộc tranh hơn tranh kém, đang xô đẩy nhau ở chỗ danh lợi, nhiều người còn mong-mỏi sự bỏ cũ theo mới, thế mà ai là người biết nghĩ, ngắm thấy lòng người đơn bạc, cảnh đòi khổ não, ngẫm-nghĩ lại tiếc cái đạo của Khổng-tử không thi-hành khắp được mọi nơi. Cái tiếc ấy vị tất đã có hiệu-quả gì, vì phong-trào đã biến-đổi, người đời đang đắm-đuối ở chỗ vật-chất, khó lòng mà hồi tỉnh lại được, nhưng có người tiếc như thế, cũng đủ tỏ ra là cái đạo của thánh hiền có phần rất hay rất đẹp vậy.
- ▲ Dốc lòng tin là nói hết sức tin cái hay cái tốt của đạo thánh hiền. Có òng tin ấy thì mới ham sự học, song có lòng tin mà không học, thì cái tin ấy có khi lầm. Có thủ tử với đạo, thì mới làm cho đạo hay hơn, tốt hơn lên, song thủ tử mà không làm cho đạo hay hơn, tốt hơn lên, thì thành ra chết uổng mà thôi. Xem vậy thì thủ tử là cái hiệu-quả của lòng đốc tín, mà thiện đạo là cái công-quả của sự hiếu học.
- ▲ Khổng-tử đã nói: « Quân-tử kiến nguy thụ mệnh » nghĩa là người quân-tử thấy có sự nguy cấp, thì trao cái tính-mệnh của mình mà làm cho hết việc bổn-phận. Song khi đi ra nước khác thấy nước ấy sắp đổ, thì không vào: Vì mình vào nước ấy đã không làm được việc gì mà lại hại lây đến mình. Nước loạn tuy chưa nguy, nhưng kỷ-cương rối loạn, người có tài có đức không thi-thố được, thì chẳng bỏ mà đi còn ở làm gì.
- ▲ Đời có đạo là có kỷ-cương trật-tự, thì người quân-tử nên ra mà ứng dụng, để đem cái đạo thi-hành ra ở đời; nếu đời không có đạo, người quân-tử làm gì không được, thì lui mà sửa mình cho phải đạo, tức như lời Mạnh-tử nói rằng: « Cùng tắc độc thiện kỳ thân, đạt tắc kiêm thiện thiên-hạ » vậy.
- ▲ Nước có đạo, thì những kẻ hiền-tài đều ra ứng dụng cả, mà mình không làm được gì, phải chịu là hạng người nghèo hèn, như thế là đáng xấu-hổ. Nước vô đạo, thì những kẻ gian-nịnh đắc thế, mà mình không giữ được cái tiết cho trong sạch, cùn ra dong ruổi với bọn tiểu-nhân, để lấy sang giàu, như thế cũng là đáng xấu-hổ vậy.
- ▲ Câu này nên để: « Bất dĩ kỳ đạo khứ chi, bất khứ giã » thì rõ nghĩạ hơn. Nghi hồ đời xưa chép sai chăng ».
- ▲ Mạnh-tử nói rằng: « Đại-nhân giả, ngôn bất tất tín, hành bất tất quả, duy nghĩa sở tại 大 人 者,言 不 必 信,行 不 必 果, 義 所 在: Bậc đại-nhân nói không cần thế nào cũng phải tin, làm không cần thế nào cũng phải quả-quyết, cứ hợp nghĩa thì thôi ». Nghĩa là lúc nào cũng cứ theo lẽ phải mà làm.
- ▲ Câu này có sách viết chữ tố ẩn 索 隱, nghĩa là tìm chỗ ẩn khuất mà ở. Dùng chữ tố e là lầm.
- ▲ Cái quan-niệm ấy khác với cái quan-niệm của người phương Tây. Nhất là người đời nay cho cuộc trị loạn trong nước là do ở cái chính-thể, chứ không phải ở cái đức của người hành-chính. Hễ cái chính-thể tốt, thì người hành-chính tất phải theo chính-thể mà hành-động, cốt có đủ tài-năng thì thôi. Xét ra bên Đông bên Tây, nếu thiên hẳn về một mặt, thì bên nào cũng có điều bất tiện. Vì rằng có cái chính-thể tốt, song người hành-chính không ra gì, thì rồi cũng hóa ra dở, mà có người hành-chính tốt nhưng vì chính-thể dở làm cho người có tài có đức không thi-thố ra được, để cho những kẻ giả nhân giả nghĩa làm bậy, thì cũng hỏng. Cứ lẽ trung, thì cần phải có chính-thể tốt và người hành-chính tốt. Nhưng trước sau vẫn cần có người nhân nghĩa trung chính mới hay được. Vậy lấy đạo mà sửa mình vẫn là việc trọng-yếu trong việc chính-trị.
- ▲ Quân là chia giàu nghèo cho đều.
- ▲ Tiên-nho có nhiều người thêm chữ phản 反 vào câu « Tiểu nhân chi trung-dung giã » mà đọc ra là: « Tiểu-nhân chi phản trung-dung giã ». Nhưng thiết tưởng câu nguyên-văn vẫn có nghĩa phải hơn và rộng hơn.